Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Khái niệm ngôn ngữ học ứng dụng pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (114.86 KB, 3 trang )

Khái niệm ngôn ngữ học ứng dụng
Thuật ngữ “ngôn ngữ học ứng dụng” không có nghĩa biểu thị một sự ứng dụng
đơn giản các thành tựu của khoa học về ngôn ngữ vào một lĩnh vực nào đó trong
thực tiễn.Ngôn ngữ học ứng dụng là một hoạt động khoa học-thực tiễn đặc biệt có
mục đích hoàn thiện các tiếp xúc ngôn ngữ trong xã hội.
Việc ứng dụng ngôn ngữ học có thể mang tính lí thuyết và thực tiễn. Chẳng
hạn, trong nhận thức luận và logic học, trong quá trình hình thành lí thuyết dân
tộc, trong tâm lí học, sinh vật học và y học, trong sử học và tư liệu học lịch sử
v.v… những thành tựu của ngôn ngữ học được sử dụng để giải quyết các vấn đề
cụ thể. Trong đó, các kết quả của ngôn ngữ học hoặc là những cứ liệu bổ sung
hoặc là những phương tiện chứng minh để giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn thuộc
về trách nhiệm của một lĩnh vực khoa học hoặc thực tế (y học, luật học, sư phạm,
lịch sử, kĩ thuật truyền thông v.v…).
Ngôn ngữ học ứng dụng, khác với việc ứng dụng ngôn ngữ học, có lí thuyết
riêng và lĩnh vực ứng dụng riêng của mình. Ngôn ngữ học ứng dụng, để giải quyết
nhiệm vụ của mình, sử dụng phương pháp của những ngành khoa học khác nhau:
vật lí học (trong lĩnh vực âm học, lí thuyết dao động điện từ, quang học), tin học,
xã hội học, y học, luật học v.v… Là một ngành khoa học ứng dụng, ngôn ngữ học
ứng dụng phải giải quyết các nhiệm vụ có tính xây dựng và đưa chúng vào thực tế
xã hội. Các kết quả trong lĩnh vực ngôn ngữ học ứng dụng được đánh giá không
giống như trong các khoa học cơ bản (sự phù hợp giữa lí thuyết và đối tượng), mà
giống như trong kĩ thuật, nghĩa là thông qua sự hiểu biết các tiền lệ và thông qua
sự sáng tạo các sản phẩm mới trong lĩnh vực văn hoá (vật chất, vật lí, tinh thần).
Ngôn ngữ học cơ bản phục vụ cho việc hình thành chuẩn ngôn ngữ trên cơ sở lí
thuyết; ngôn ngữ học ứng dụng dùng chuẩn như cái có sẵn, không bàn luận về nó,
và đưa chuẩn ngôn ngữ vào thực tế xã hội ngôn ngữ.
Sự hoàn thiện giao tiếp ngôn ngữ – nhiệm vụ của ngôn ngữ học ứng dụng – có
thể được hiện thực hoá trong ba lĩnh vực:
1. Hoàn thiện hình thức và kĩ thuật sản xuất các kí hiệu ngôn ngữ, các phương tiện
kĩ thuật để truyền, lưu giữ và thay đổi các kí hiệu ngôn ngữ, các phương tiện thu
các tín hiệu ngôn ngữ. Lĩnh vực này của ngôn ngữ học ứng dụng được gọi làkí


hiệu học ngôn ngữ.
2. Hoàn thiện giao tiếp bằng ngôn ngữ bằng cách dạy mọi người nắm vững ngôn
ngữ được chuẩn hoá, dạy xây dựng các hình thức và kĩ năng chuẩn trong lời nói.
Tất cả các phương tiện vật chất-kĩ thuật của ngôn ngữ trong kí hiệu học ngôn ngữ
có thể hành chức được, chỉ khi mọi người đều có khả năng sử dụng chúng. Do
vậy, việc dạy mọi người hoàn thiện giao tiếp bằng ngôn ngữ được gọi là dạy học
ngôn ngữ (hoặc giáo dục ngôn ngữ).
3. Để có thể dạy mọi người về những phương tiện kĩ thuật mới của kí hiệu học
ngôn ngữ, cần thiết phải tiến hành việc chức năng hoá các văn bản về mặt xã hội.
Muốn làm được việc này cần phải có những quy tắc, theo đó mà sản sinh, truyền
bá và lưu giữ văn bản; cần có những cơ quan truyền thông tương ứng kiểm tra
hoạt động của các quy tắc. Các cơ quan truyền thông đảm bảo sự phân bổ, lưu giữ,
sửa chữa và truyền đạt các văn bản tới những người quan tâm. Hoạt động của các
cơ quan truyền thông được gọi là phục vụ thông tin.
Kí hiệu học ngôn ngữ, dạy học ngôn ngữ và phục vụ thông tin làm thành ba
khía cạnh của một quá trình thống nhất trong hoàn thiện giao tiếp bằng ngôn ngữ
của xã hội. Quá trình này thường bắt đầu bằng những phát minh về kĩ thuật và
những khám phá trong kí hiệu học ngôn ngữ. Sự hoàn thiện trong lĩnh vực kí hiệu
học kéo theo sự chuyên môn hoá các chức năng xã hội của ngôn ngữ và sự khái
quát hoá trong các quy tắc ngôn ngữ.
Bất kì một phát minh kĩ thuật nào cũng làm nảy sinh phương thức sử dụng nó
một cách phù hợp. Đó, thứ nhất, là sự xác định ranh giới mà phát minh này có thể
phát huy tác dụng có hiệu quả, và, thứ hai, là nhận thức về hệ thống các cơ quan,
tổ chức tham gia đảm bảo cho hoạt động đó.

×