Tải bản đầy đủ (.pdf) (27 trang)

Quá trình ban hành và hoàn thiện pháp luật về phòng chống rửa tiền của Liên bang Nga và một số gợi ý cho Việt Nam ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (303.96 KB, 27 trang )




Quá trình ban hành và hoàn
thiện pháp luật về phòng chống
rửa tiền của Liên bang Nga và
một số gợi ý cho Việt Nam
Trước tình hình tội phạm rửa tiền ngày càng gia tăng, năm 1997,
Liên bang Nga đã tội phạm hóa hành vi rửa tiền trong Luật hình sự.
Năm 2001, trong bối cảnh đẩy mạnh hoạt động đấu tranh phòng
chống rửa tiền (PCRT) trên phạm vi toàn cầu, cùng với những khó
khăn gặp phải trong thực tiễn đấu tranh PCRT trong nước, Liên
bang Nga đã tiến hành sửa đổi lần thứ nhất các quy định về PCRT,
đồng thời xây dựng Luật PCRT, sơ bộ hình thành hệ thống pháp luật
nền tảng trong lĩnh vực này. Tiếp theo đó, các năm 2002, 2004 và
2008, theo yêu cầu của các công ước quốc tế về chống rửa tiền và
tình hình cụ thể trong nước, Liên bang Nga lần lượt sửa đổi, bổ sung
các quy định mới về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, hướng tới
phát triển một chế độ pháp luật chỉnh thể về loại tội phạm này.
1. Quá trình ban hành và sửa đổi các quy định về PCRT trong
pháp luật Liên bang Nga
1.1. Quy định về tội phạm rửa tiền trong Bộ luật Hình sự Liên
bang Nga
Điều 174, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga (sau đây gọi tắt là BLHS
Nga) năm 1997 quy định tội rửa tiền, với tên gọi là: "Hợp pháp hóa (tẩy
rửa) tiền hoặc tài sản có được một cách bất hợp pháp", quy định hành
vi “tiến hành các nghiệp vụ tài chính và các giao dịch khác liên quan
đến tiền, tài sản có được một cách bất hợp pháp, cũng như sử dụng tiền,
tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động
kinh tế khác” là hành vi phạm tội. Hình phạt áp dụng đối với tội danh
này mức thấp nhất là phạt tiền từ 500 lần đến 700 lần mức lương, mức


thu nhập tối thiểu hoặc thu nhập khác của người bị kết án trong thời
gian từ 5 đến 7 tháng và cao nhất là mười năm tù giam1[1].
Mặc dù hành vi rửa tiền bước đầu đã được tội phạm hóa trong
BLHS, nhưng việc áp dụng luật trong thực tiễn đã gặp phải nhiều khó
khăn. Thứ nhất, điều luật không chỉ rõ đối tượng tác động của tội phạm
là tiền, tài sản do phạm tội mà có, mà chỉ quy định chung là tiền, tài sản
có được một cách phi pháp. Thứ hai, hàm ý của các thuật ngữ "nghiệp
vụ tài chính" hoặc "các giao dịch khác" cũng không được định nghĩa và
giải thích rõ ràng. Những khiếm khuyết này làm cho điều luật không
bao hàm được một số lượng lớn hành vi rửa tiền đang xảy ra ở Nga
hoặc có khả năng xuất hiện trong quá trình chuyển đổi kinh tế, dẫn đến
việc thực thi điều luật không chỉ kém hiệu quả mà còn không phù
hợp2[2].
Trước tình hình đó, Duma Quốc gia Nga3[3] đã nỗ lực đưa ra một
chế định pháp luật mang tính tổng hợp về chống rửa tiền. Tháng
7/1999, Hội đồng Liên bang và Duma Quốc gia Nga tiến hành hiệp
thương, đàm phán và thông qua Dự luật PCRT. Tuy nhiên, sau khi Dự
luật được Quốc hội Liên bang thông qua, Tổng thống Nga Yeltsin đã sử
dụng quyền phủ quyết của mình, phủ quyết đạo luật trên trước khi nó
có hiệu lực, vì cho rằng: “Đạo luật về chống rửa tiền vừa được thông
qua đã mâu thuẫn với nghĩa vụ quốc tế của Liên bang Nga theo Công




ước của Liên minh Châu Âu về chống rửa tiền mà Nga là thành viên từ
năm 1999, cũng như các quy định về bảo hộ quyền tự do lưu thông
hàng hóa, dịch vụ và bảo vệ quyền tài sản được quy định trong Hiến
pháp Liên bang Nga”4[4].
1.2. Bối cảnh ra đời các quy định mới về PCRT

Năm 2000, Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF)5[5] lo
ngại với tình trạng khống chế không hiệu quả hoạt động rửa tiền ở Nga,
cho rằng Liên bang Nga còn thiếu một hệ thống pháp luật hoàn thiện về
chống rửa tiền. Theo FATF, các quy định cụ thể về chống rửa tiền của
Liên bang Nga chưa thực sự phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, nhất
là không có các cơ chế PCRT như: quy định về nghĩa vụ nhận biết
khách hàng, chế độ báo cáo các giao dịch đáng ngờ của các tổ chức tài
chính; thiết lập đơn vị tình báo tài chính (FIU) vận hành một cách toàn
diện trên phạm vi quốc gia; thiết lập hữu hiệu một trình tự cung cấp kịp
thời các chứng cứ trong hợp tác quốc tế về chống rửa tiền. Với những
nhận định trên, FATF đã đưa Nga vào danh sách 15 quốc gia “không có
hệ thống biện pháp ngăn ngừa và chống rửa tiền hữu hiệu”
(NCCT)6[6], đồng thời khuyến nghị các tổ chức quốc tế, các công ty
của các quốc gia, các tổ chức tài chính áp dụng các biện pháp phòng bị
cần thiết khi có các giao dịch liên quan tới 15 quốc gia nói trên. FATF
dự định sẽ tiến thêm một bước, áp dụng các biện pháp đối kháng thích




hợp, trong trường hợp nước Nga sau tháng 9/2001 không thể giải quyết
các vấn đề còn tồn tại7[7].
Các biện pháp nói trên đã dẫn đến những khó khăn cho công dân và
pháp nhân Nga trong tiến hành các hoạt động kinh doanh và mở các tài
khoản giao dịch ở các nước công nghiệp chủ yếu. Mặt khác, chế độ tài
chính thiếu hoàn thiện và không ổn định của nước Nga thời kỳ này
cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài
trên thị trường Nga. Đồng thời, việc bị đưa vào danh sách các quốc gia
“không có hệ thống biện pháp ngăn ngừa và chống rửa tiền hữu hiệu”
đã ảnh hưởng đến vị thế chính trị của nước Nga trên trường quốc

tế8[8]. Áp lực về các biện pháp đối kháng của FATF và những ảnh
hưởng tiêu cực đến Liên bang Nga, đã khiến cho tổng thống Nga Putin
phải áp dụng một loạt các biện pháp sửa đổi, trong đó quan trọng nhất
là sửa đổi các quy định trong Điều 174 BLHS Nga về hành vi rửa tiền,
đồng thời thông qua Luật PCRT.
Nội dung các quy định mới về PCRT mà Duma Quốc gia đệ trình
ban đầu, tháng 7/1999, đã đạt được sự nhất trí của tổng thống. Tuy
nhiên, các quy định này bị giới thương nghiệp Nga, đặc biệt là giới
kinh doanh bất động sản kịch liệt chỉ trích và phản đối. Tại Quốc hội
liên bang cũng gặp phải rất nhiều sức cản, thậm chí bị cự tuyệt bản dự
thảo sửa đổi lần thứ nhất9[9]. Tuy nhiên, Duma Quốc gia Nga kiên trì
cho rằng: việc hoàn thiện các quy định hiện hành và xây dựng hệ thống




quy định mới về PCRT là vô cùng quan trọng, bởi vì nó đặt ra cơ sở
pháp luật cho việc thiết lập chế độ giao dịch tài chính minh bạch và có
hiệu quả trong đấu tranh chống rửa tiền. Trong bối cảnh đó, ngày
13/7/2001, Duma quốc gia Nga đã công bố kết quả biểu quyết cuối
cùng với 237 phiếu tán thành, 43 phiếu phản đối, kết luận thông qua
phần sửa đổi BLHS về chống rửa tiền, ban hành Luật PCRT. Ngày
7/8/2001, Tổng thống Putin ngày đã ký ban hành, các quy định mới có
hiệu lực từ ngày 01/02/200210[10].
1.3. Các nội dung sửa đổi chủ yếu trong Bộ luật Hình sự Liên
bang Nga
Căn cứ Luật sửa đổi chế định pháp luật chống rửa tiền liên bang số
121-FZ năm 2001, Điều 174, BLHS Nga được sửa đổi như sau:
“Điều 174. Hợp pháp hóa (tẩy rửa) các nguồn tài chính hoặc tài sản
khác do người khác thông qua hoạt động phạm tội mà có.

1. Thực hiện các hoạt động tài chính và hoặc các giao dịch khác liên
quan đến các nguồn tài chính hoặc tài sản khác biết rõ do người khác
có được thông qua hoạt động phạm tội (…), với mục đích tạo một bề
ngoài hợp pháp để sở hữu, sử dụng hoặc quản lý các các nguồn tài
chính hoặc tài sản khác nói trên thì bị phạt tiền đến 120.000 rúp hoặc số
tiền tương đương với mức lương, mức thu nhập tối thiểu hay thu nhập
khác của người bị kết án trong thời gian đến một năm ”11[11]. Khoản



2, 3, 4 quy định về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự với
khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù.
Đồng thời, BLHS Nga bổ sung Điều 174.1 quy định về hành vi tự
rửa tiền cụ thể như sau:
“Điều 174.1. Hợp pháp hóa (tẩy rửa) các nguồn tài chính hoặc tài sản
khác do chính mình thông qua hoạt động phạm tội mà có.
1. Thực hiện các hoạt động tài chính hoặc các giao dịch khác liên
quan đến các nguồn tài chính hoặc tài sản khác có được từ kết quả hoạt
động phạm tội của chính mình (…) hoặc sử dụng các nguồn tài chính
hoặc tài sản này tiến hành hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế
khác, thì bị phạt tiền đến 120.000 rúp, hoặc số tiền tương đương với
mức lương, mức thu nhập tối thiểu hay thu nhập khác của người bị kết
án trong thời gian đến một năm ”12[12]
Các quy định sửa đổi này trong BLHS Nga là những bước tiến quan
trọng trong xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự
về chống rửa tiền, được đánh giá là phù hợp ở mức độ cao (largely
compliant) với yêu cầu tại Điều 3 Công ước Viên, Điều 6 Công ước
Palermo và Khuyến nghị số 1 trong 40 Khuyến nghị của FATF về
chống rửa tiền13[13].
1.4. Nội dung cơ bản của Luật PCRT Liên bang Nga năm 2001




Luật PCRT Liên bang số 115-FZ năm 2001, bao gồm 5 chương: Các
quy định chung; Phòng ngừa rửa tiền; Tổ chức các hoạt động chống rửa
tiền; Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chống rửa tiền; Điều khoản cuối
cùng.
Điều 1 và 2 xác định mục đích và phạm vi áp dụng của Luật PCRT.
Đặc biệt, tại Điều 3, Luật PCRT đã quy định chi tiết nhiều thuật ngữ
quan trọng, hình thành mối quan hệ tương ứng với quy định tại các
Điều 174, 174.1, BLHS trợ giúp cho việc xác định chính xác tội danh.
Ví dụ, thuật ngữ "rửa tiền" được giải thích là “tạo ra (mang đến) một vẻ
ngoài hợp pháp để sở hữu, sử dụng hoặc quản lý các nguồn tài chính
hay tài sản khác có được do kết quả của hành vi phạm tội…”; “giao
dịch tài chính” được giải thích là “hành vi của thể nhân hoặc pháp nhân
với mục đích xác lập, thay đổi hoặc kết thúc các quyền và nghĩa vụ
pháp lý liên quan đến tiền hoặc tài sản khác”14[14] Điều 4 xác định
các phương pháp chủ yếu trong PCRT bao gồm: thực hiện quy trình
kiểm soát nội bộ bắt buộc; quy định nghĩa vụ kiểm soát giao dịch;
nghiêm cấm việc thông báo cho khách hàng hoặc người khác về các
biện pháp chống rửa tiền đã áp dụng; các biện pháp khác theo quy định
của pháp luật liên bang. Điều 5 quy định các loại hình tổ chức tài chính
phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa bao gồm: ngân hàng và các tổ
chức tín dụng khác; các công ty môi giới chứng khoán trên thị trường
chứng khoán; các công ty bảo hiểm và cho thuê tài chính; bộ phận
chuyển tiền của ngành bưu chính, điện báo; các tổ chức phi tín dụng


khác; các công ty cầm đồ, thế chấp. Điều 6 quy định nếu cá nhân hoặc
pháp nhân có các giao dịch đạt tới 600.000 rúp trở lên, các tổ chức tài

chính phải có nghĩa vụ thực hiện việc kiểm soát các giao dịch này,
đồng thời báo cáo tình hình giao dịch với cơ quan kiểm soát có thẩm
quyền; Điều 7 là điều luật dài nhất, quy định quyền và nghĩa vụ của các
tổ chức tài chính, bao gồm: nghĩa vụ nhận biết khách hàng và người
hưởng lợi; công tác lưu trữ hồ sơ; báo cáo các giao dịch đáng ngờ, thiết
lập cơ chế và kế hoạch thực hiện công tác kiểm soát nội bộ. Điều 8 quy
định về việc thành lập cơ quan có thẩm quyền quốc gia trong chống rửa
tiền. Điều 10 tới Điều 12 liên quan đến việc tiến hành các hoạt động
hợp tác quốc tế, bao gồm việc trao đổi thông tin, trợ giúp pháp lý, thừa
nhận bản án của tòa án nước ngoài, dẫn độ và chuyển giao tội phạm.
Điều 13 quy định về các hình thức xử lý vi phạm. Đối với các tổ chức
tài chính vi phạm quy định của luật có thể thu hồi giấy phép kinh
doanh; đối với cá nhân vi phạm, căn cứ theo quy định của pháp luật mà
phải chịu các trách nhiệm dân sự, hành chính và hình sự tương ứng.
Như vậy, với một đạo luật gồm 5 chương, 13 điều, có thể thấy, các
quy định sửa đổi, bổ sung về PCRT trong pháp luật Liên bang Nga
đánh dấu rằng, nước Nga đã thiết lập nên một hệ thống pháp luật mang
tính tổng hợp và có hệ thống trong đấu tranh chống rửa tiền. Điều này
cũng đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của FATF. Tháng
10/2002, nước Nga đã được đưa ra khỏi danh sách các quốc gia “không
có hệ thống biện pháp ngăn ngừa và chống rửa tiền hữu hiệu”, đồng
thời, FATF tiếp nhận nước Nga là thành viên của tổ chức này.
1.5. Một số sửa đổi, bổ sung trong Luật Phòng, chống rửa tiền
Liên bang Nga giai đoạn gần đây
Đối mặt với tình trạng chủ nghĩa khủng bố ngày càng nghiêm trọng ở
Nga, sau sự kiện 11/9/2001, dưới xu thế đấu tranh chống khủng bố của
cộng đồng quốc tế, ngày 31/10/2002 nước Nga tiếp tục tiến hành sửa
đổi Luật PCRT. Nghiên cứu nội dung sửa đổi cho thấy, lần sửa đổi này
chỉ tiến hành xử lý trên phương diện kỹ thuật lập pháp, thay đổi tên gọi
của đạo luật thành “Luật PCRT và chống tài trợ khủng bố”, đưa thêm

cụm từ “chống tài trợ khủng bố” vào tên các Chương 2, Chương 4 cũng
như các điều, khoản cụ thể có liên quan. Ngoài ra, trong Điều 5, có sửa
đổi và mở rộng phạm vi của các tổ chức tài chính, cụ thể bao gồm 8
loại tổ chức sau đây: tổ chức tín dụng; cá nhân tổ chức chuyên môn
trên thị trường chứng khoán; công ty bảo hiểm và các công ty cho thuê
tài chính; đơn vị bưu chính và thông tin liên bang; công ty cầm đồ, thế
chấp; tổ chức mua bán kim loại quý, đá quý; các công ty tổ chức đua
ngựa, sổ xố và các loại trò chơi có thưởng khác; các cơ quan quản lý
các quỹ đầu tư và các quỹ trợ cấp phi chính phủ.
Tiếp theo, ngày 28/7/2004, nước Nga thông qua Đạo luật số 88-FZ,
tiếp tục sửa đổi lần thứ hai Luật PCRT và chống tài trợ khủng bố. Tại
Điều 5 đã quy định thêm loại tổ chức tài chính thứ 9 là tổ chức trung
gian môi giới mua bán bất động sản. Luật sửa đổi cũng bổ sung thêm
quyền từ chối mở tài khoản của các tổ chức tài chính, đồng thời bổ
sung Khoản 7.1 quy định “quyền và nghĩa vụ của một số cá nhân
khác". Theo đó, những người hành nghề luật sư, công chứng viên,
những nhân viên cung cấp các dịch vụ kế toán, kiểm toán và các dịch
vụ pháp lý khác, khi họ đại diện danh nghĩa của khách hàng, hoặc vì
quyền lợi của khách hàng mà tiến hành các hoạt động liên quan đến
tiền, tài sản, cũng phải thực hiện các nghĩa vụ nhận biết khách hàng,
thiết lập cơ chế kiểm soát nội bộ, nghĩa vụ lưu trữ hồ sơ như quy định
tại Điều 7 đối với các tổ chức tài chính.
Và lần sửa đổi cuối cùng gần đây nhất (năm 2008, Luật số 275-FZ)
đã bổ sung thêm quy định về nhận biết khách hàng là những người có
ảnh hưởng chính trị vào trong các quy định về nhận biết và cập nhật
thông tin khách hàng.
Có thể thấy, trải qua một quá trình hơn 10 năm trong lịch sử lập pháp
về chống rửa tiền, các quy định về PCRT của Liên bang Nga không
ngừng được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện, đáp ứng những yêu cầu của
thực tiễn phát triển đất nước, đồng thời đưa hệ thống pháp luật của

nước Nga về chống rửa tiền đạt tới các chuẩn mực quốc tế.
2. Một số gợi ý trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về chống
rửa tiền của Việt Nam
Trước tình trạng tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố không ngừng
gia tăng, với xu hướng câu kết của các nhóm tội phạm giữa các quốc
gia, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự đất nước15[15],
Chính phủ Việt Nam đã dành sự quan tâm thích đáng đến công tác đấu
tranh chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Xét ở bình diện quốc tế,


Việt Nam đã tích cực tiếp thu các kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế,
trở thành thành viên chính thức của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương
(APG) về chống rửa tiền từ tháng 5/2007. Trong lĩnh vực xây dựng
pháp luật, Việt Nam đã ban hành Nghị định số 74/2005/NĐ-CP về
PCRT và các thông tư hướng dẫn công tác PCRT trong các lĩnh vực
chủ yếu, như lĩnh vực ngân hàng, lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, trò
chơi giải trí có thưởng và kinh doanh bất động sản. Việt Nam cũng đã
tiến hành sửa đổi các quy định trong BLHS năm 1999 về tội phạm rửa
tiền, bổ sung tội danh tài trợ khủng bố. Ngày 12/8/2010, Thủ tướng
Chính phủ đã ra Quyết định 1451/QĐ-TTg ban hành kế hoạch hành
động quốc gia về PCRT và chống tài trợ khủng bố, trong đó có nêu ra
các hành động cần thiết nhằm khắc phục thiếu hụt trong cơ chế PCRT
của Việt Nam. Ngày 21/03/2012, Dự thảo lần thứ hai, Luật PCRT đã
được Chính phủ trình tại phiên họp thứ 6 của Uỷ ban thường vụ Quốc
hội khoá XIII.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực mà Việt Nam đã đạt được, FATF,
trong lần đánh giá gần đây nhất về sự tuân thủ chiến lược đấu tranh
PCRT và tài trợ khủng bố toàn cầu tháng 2/2012, đã nhận định: “ Mặc
dù Việt Nam đã thể hiện các cam kết chính trị cấp cao trong hợp tác với
FATF và APG nhằm giải quyết những khiếm khuyết trong chiến lược

đấu tranh chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, nhưng FATF quan
ngại rằng Việt Nam chưa đạt được sự tiến triển cần thiết trong việc thực
hiện kế hoạch hành động đã đặt ra, một số khiếm khuyết trong chiến
lược chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố vẫn còn tồn tại. Việt
Nam cần tiếp tục làm việc với FATF và APG để thực hiện kế hoạch
hành động của mình nhằm giải quyết những thiếu hụt, bao gồm: (1) tội
phạm hoá một cách hoàn chỉnh hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố; (2)
thiết lập và thực hiện các trình tự pháp lý cần thiết trong xác định và
phong toả các tài sản khủng bố; (3) xác định các chủ thể là pháp nhân
phải chịu trách nhiệm hình sự phù hợp khuyến nghị 2 của FATF hoặc
chứng minh rằng việc thực hiện điều đó là trái với Hiến pháp Việt
Nam; (4) hoàn thiện cơ cấu giám sát tổng thể trong thực hiện các biện
pháp chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố; (5) nâng cao và mở
rộng các biện pháp nhận diện thông tin khách hàng và báo cáo giao
dịch đáng ngờ, giao dịch giá trị lớn; và (6) tăng cường hợp tác quốc tế
trong đấu tranh chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.
FATF khuyến khích Việt Nam giải quyết các vấn đề còn tồn tại và
tiếp tục thực hiện kế hoạch hành động của mình.”16[16]
Hiện nay, Việt Nam là một trong 23 quốc gia và vùng lãnh thổ nằm
trong danh sách17[17] mà FATF phải thực hiện các biện pháp giám sát
liên tục về những tiến triển trong cơ chế PCRT và chống tài trợ khủng
bố. Đặc biệt đối với 04 quốc gia (Ecuador, Philippines, Việt Nam và
Yemen) đến tháng 6/2012, trong trường hợp các quốc gia này chưa
thực hiện các hành động cần thiết trong kế hoạch hành động đã cam
kết, FATF buộc phải đưa các quốc gia này vào Danh sách 02 trong
“Tuyên bố của FATF về các quốc gia và vùng lãnh thổ có khiếm



khuyết trong chiến lược chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố” và

không có các tiến triển trong khắc phục các khiếm khuyết đó18[18].
Qua nghiên cứu bối cảnh xây dựng, diễn biến và nội dung các lần
sửa đổi pháp luật về chống rửa tiền của Liên bang Nga, trên cơ sở Dự
thảo Luật PCRT và tình hình thực tiễn của Việt Nam giai đoạn hiện
nay, chúng tôi có một số gợi ý sau đây:
Gắn liền các quy định pháp luật về chống tài trợ khủng bố với
Luật Phòng, chống rửa tiền
Tài trợ khủng bố là nguồn sinh tồn của các tổ chức khủng bố, là
nguồn gốc quan trọng và cơ sở tài chính cho việc phát triển và tham gia
và các hoạt động khủng bố. Cùng với việc phát sinh sự kiện ngày
11/9/2001, cộng đồng quốc tế đã hình thành một nhận thức chung về
mối liên hệ chặt chẽ giữa chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.
Quan niệm của rất nhiều quốc gia về chống rửa tiền cũng nhanh chóng
thay đổi, chuyển trọng tâm của việc đấu tranh chống rửa tiền từ buôn
bán ma túy và tội phạm có tổ chức, sang chống rửa tiền gắn liền với
chống tài trợ khủng bố. Cũng sau sự kiện 11/9/2001, FATF đã mở rộng
sứ mệnh của mình bao gồm thêm nỗ lực chống tài trợ khủng bố trên
phạm vi toàn thế giới. Đồng thời với việc soạn thảo 9 Khuyến nghị đặc
biệt về chống tài trợ cho khủng bố, FATF tuyên bố rằng: 9 khuyến nghị
đặc biệt kết hợp với 40 khuyến nghị về chống rửa tiền, tạo thành một
khuôn khổ cơ bản cho việc ngăn ngừa, phát hiện và chống cả rửa tiền


lẫn tài trợ cho khủng bố19[19]. Tiếp theo đó, lần sửa đổi gần đây nhất
vào tháng 02/2012, FATF đã hợp nhất 40 khuyến nghị về chống rửa
tiền và 09 khuyến nghị đặc biệt về chống tài trợ khủng bố thành 40
khuyến nghị mới không thể tách rời, nhằm điều chỉnh một cách thống
nhất cả hoạt động chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Điều đó
chứng tỏ rõ quan điểm của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế về sự
gắn kết chặt chẽ giữa hai hoạt động này và sự cần thiết phải áp dụng

một cách thống nhất các biện pháp PCRT và phòng, chống tài trợ
khủng bố.
Mặt khác, dưới góc độ khoa học tội phạm học, rửa tiền, tài trợ khủng
bố và khủng bố là ba tội phạm độc lập và riêng biệt. Tuy nhiên, nếu xét
về đặc điểm hình sự tội phạm, về phương thức, thủ đoạn hoạt động của
tội phạm và cách thức tổ chức các hoạt động phòng ngừa và đấu tranh
thì giữa tài trợ khủng bố và rửa tiền lại có nhiều điểm tương đồng hơn
là giữa tài trợ khủng bố và bản thân hoạt động khủng bố. Trên thực tế,
các thủ đoạn được sử dụng để rửa tiền cũng tương tự như các thủ đoạn
được dùng để che giấu nguồn gốc các khoản tiền sử dụng cho mục đích
tài trợ khủng bố. Do vậy, các biện pháp phòng, chống tài trợ khủng bố
(chứ không phải là các biện pháp phòng, chống khủng bố), về cơ bản,
cũng bao gồm việc nhận biết khách hàng, báo cáo các giao dịch đáng
ngờ, phong tỏa, tịch thu tài sản, hợp tác quốc tế và các quy định liên
quan đến chuyển tiền điện tử, chuyển tiền thay thế giống như các quy
định về PCRT. Chính vì những đặc điểm tội phạm học tương đồng nêu


trên, nên các nước như Liên bang Nga, Australia… mặc dù đều có luật
chống khủng bố riêng, nhưng vấn đề tài trợ khủng bố vẫn được quy
định trong Luật PCRT. Điều này cũng giải thích tại sao việc mở rộng
nhiệm vụ của FATF chỉ đối với vấn đề chống tài trợ khủng bố chứ
không phải vấn đề chống khủng bố.
Dưới góc độ kỹ thuật lập pháp, việc đưa rửa tiền và tài trợ khủng bố
vào điều chỉnh trong cùng một đạo luật sẽ tạo thành một khung pháp lý
thống nhất cho hai loại tội phạm có liên quan chặt chẽ, hình thức, thủ
đoạn tương đồng, đồng thời, khi xây dựng Luật Chống khủng bố sẽ
tránh được việc lặp lại không cần thiết các quy định tương tự để phòng,
chống tài trợ khủng bố như: nhận biết khách hàng, báo cáo các giao
dịch đáng ngờ, phong tỏa, tịch thu tài sản, hợp tác quốc tế và các quy

định liên quan đến chuyển tiền điện tử, chuyển tiền thay thế giống như
các quy định về PCRT.
Vì vậy, về mặt kỹ thuật lập pháp, chúng ta có thể tham khảo phương
pháp xử lý của Liên bang Nga, gắn hoạt động chống tài trợ khủng bố đi
liền với công tác PCRT, thay đổi tên của Dự thảo Luật PCRT thành
Luật PCRT và chống tài trợ khủng bố, đồng thời tại tên các chương,
điều có liên quan đến thuật ngữ "chống rửa tiền" thêm một thuật ngữ đi
liền sau đó là "chống tài trợ khủng bố". Việc quy định vấn đề chống tài
trợ khủng bố trong Luật PCRT không chỉ phù hợp với các chuẩn mực
quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng ngừa và đấu tranh
chống tội phạm rửa tiền và chống tài trợ khủng bố trong thực tiễn, mà
còn làm nổi bật sự quan tâm, tích cực đấu tranh chống tài trợ khủng bố
trong hệ thống pháp luật chống rửa tiền của nước ta.
Hoàn thiện quy định pháp luật về hành vi rửa tiền
Theo quy định tại Điều 251 BLHS năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ
sung năm 2009) về tội phạm rửa tiền, hành vi rửa tiền được giải thích
theo phương pháp liệt kê, giống như trong Công ước của Liên hiệp
quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000 (Công
ước Palermo). Nếu quy định theo phương pháp liệt kê, thì rửa tiền bao
gồm ba nhóm hành vi do cố ý: nhóm hành vi chuyển đổi hoặc chuyển
nhượng (conversion or transfer); nhóm hành vi giấu giếm hoặc che đậy
nguồn gốc…(concealment or disguise…); và nhóm hành vi có được, sở
hữu hoặc sử dụng (the acquisition, possession or use) các nguồn tài
chính do phạm tội mà có. Tuy nhiên quy định theo cách này lại không
làm nổi bật được bản chất của hành vi rửa tiền.
Liên quan đến việc xác định hành vi rửa tiền, Dự thảo Luật PCRT
giải thích: “rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa
nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có”20[20]. Chúng tôi cho rằng,
việc dùng thuật ngữ “hợp pháp hóa” ở đây là không thực sự chính xác ở
hai khía cạnh: một là, hợp pháp hóa là hành vi làm cho đúng luật, làm

cho không trái với các quy định pháp luật21[21] (ví dụ như hợp pháp
hóa thủ tục lãnh sự, hợp pháp hóa hồ sơ…), hoặc hiểu theo nghĩa sửa
đổi các quy định pháp luật để cho phép các hoạt động trước đây luật



chưa cho phép hoặc chưa điều chỉnh (ví dụ như hợp pháp hóa hôn nhân
đồng tính, hợp pháp hóa cá cược bóng đá… ở một số quốc gia). Như
vậy, đã là nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, tức là nguồn gốc
bất hợp pháp, thì không thể “hợp pháp hóa” theo bất kỳ cách nào như
cách hiểu ở trên. Hai là, xét về mặt pháp lý, các công ước quốc tế cũng
không yêu cầu đối tượng rửa tiền phải hợp pháp hóa được tiền, tài sản
do phạm tội mà có mới là tội phạm, mà chỉ cần chuyển đổi, chuyển
nhượng… tiền, tài sản do phạm tội mà có, là đã có thể xem xét về hành
vi rửa tiền. Chính vì lý do này, nên trong các quy định pháp luật của
Liên bang Nga, bên cạnh thuật ngữ “hợp pháp hóa”- do đã được sử
dụng rộng rãi theo thói quen - luôn luôn phải có sự giải thích là (tẩy
rửa) nằm trong ngoặc đơn. Cũng vì thế mà BLHS năm 1999 của Việt
Nam đã sửa đổi tên của Điều 251 từ “Tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do
phạm tội mà có” thành “Tội rửa tiền”.
Để giải thích hành vi rửa tiền, chúng ta nên xác định rõ bản chất của
hành vi rửa tiền, bên cạnh việc quy định theo kiểu liệt kê. Trên thực tế,
phương thức, thủ đoạn rửa tiền mặc dù rất đa dạng, phong phú và ngày
càng có nhiều cách thức mới thì bản chất của hành vi rửa tiền vẫn là
“tạo ra vẻ bên ngoài hợp pháp cho các khoản tiền, tài sản có được từ
hành vi phạm tội”, để các khoản tiền, tài sản này có thể được sở hữu, sử
dụng, quản lý một cách an toàn, không bị phát hiện và tịch thu. Đây
chính là điểm tựa để hoàn thiện các quy định về hành vi khách quan
của tội phạm rửa tiền, mà Điều 174 BLHS Nga đã quy định. Ngoài ra,
khi giải thích Điều 251 BLHS về tội rửa tiền một vấn đề đặt ra là: Điều

251 có thể được áp dụng để truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi “tự
rửa tiền”22[22] hay không? Trong hoàn cảnh còn tồn tại nhiều quan
điểm và cách giải thích khác nhau về vấn đề này23[23], việc tách riêng
và quy định hành vi tự rửa tiền thành một tội danh độc lập trong BLHS
Nga cũng là một gợi ý cho công tác lập pháp hình sự nước ta.
Vấn đề thứ hai liên quan đến hành vi rửa tiền, Dự thảo Luật PCRT đã
xác định: ”tổ chức” tức pháp nhân có thể thực hiện hành vi rửa tiền.
Vậy nếu pháp nhân thực hiện hành vi rửa tiền thì sẽ bị xử lý như thế
nào? Có thể xử lý bằng chế tài hình sự được không? Vấn đề xác định
trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một vấn đề lớn, phức tạp liên
quan đến chính sách hình sự và lý luận gốc của khoa học luật hình sự,
cần phải dựa trên các cơ sở lý luận và thực tiễn thuyết phục để đưa ra
quyết định. Hiện nay trên thế giới vẫn tồn tại hai trường phái, công
nhận và không công nhận pháp nhân là chủ thể của tội phạm. Do vậy
FATF khuyến nghị: hoặc là Việt Nam luật hoá trách nhiệm hình sự của
pháp nhân, hoặc là chứng minh rằng, việc thực hiện điều đó là trái với
Hiến pháp Việt Nam với tư cách là những nguyên tắc cơ bản của hệ
thống pháp luật quốc gia24[24]. Trong trường hợp các chế tài hình sự
là không thể vì lý do trên, thì các chế tài hành chính nghiêm khắc có thể
là sự thay thế đầy đủ cho việc xác định trách nhiệm pháp lý của pháp
nhân có liên quan đến hoạt động rửa tiền25[25]. Tuy nhiên, trong thực
tế cho đến thời điểm hiện nay, chúng ta chưa có quy định cụ thể nào về





xử lý vi phạm hành chính liên quan đến rửa tiền, và như vậy cũng chưa
có chế tài để xử lý pháp nhân vi phạm trong lĩnh vực này. Để thực hiện
cam kết chính trị của Việt Nam trong PCRT, trong khi chúng ta dành

thời gian nghiên cứu vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân, trước
mắt Chính phủ cần ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính
liên quan đến rửa tiền và PCRT với các chế tài hành chính đủ mạnh,
cùng với Luật PCRT và BLHS tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ
nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra giai đoạn hiện nay.
Xây dựng cơ chế, thành lập hoặc chỉ định cơ quan thực hiện chức
năng giám sát sự tuân thủ nghĩa vụ PCRT của các tổ chức tài chính
và tổ chức phi tài chính có liên quan trong Luật PCRT
Để đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với tội phạm rửa tiền, vai
trò của các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng cũng như các tổ chức phi
tài chính có liên quan (gọi tắt là các tổ chức phải báo cáo) là đặc biệt
quan trọng. Các tổ chức phải báo cáo có thể được xác định là một trong
những người “gác cửa” cho nền kinh tế trong việc phòng ngừa và ngăn
chặn dòng tiền bẩn chảy vào trong hệ thống tài chính, đảm bảo tính
minh bạch và lành mạnh của nền kinh tế quốc gia. Do vậy, Dự thảo
Luật PCRT đã quy định rất cụ thể các quyền và nghĩa vụ cụ thể của các
tổ chức phải báo cáo. Tuy nhiên, để đảm bảo sự tuân thủ nghiêm túc và
đầy đủ các quy định này, bên cạnh việc ban hành các điều luật rõ ràng
và cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân có liên quan,
đòi hỏi phải xây dựng được một cơ chế thích hợp, để kiểm tra giám sát
sự tuân thủ đó, nhằm đảm bảo những quy định đã ban hành được thực
hiện nghiêm chỉnh trong thực tế. Đây cũng là nội dung khuyến nghị 23
của FATF trong thổng thể 40 khuyến nghị về chống rửa tiền và chống
tài trợ khủng bố. Đồng thời đây cũng chính là vấn đề FATF khuyến
nghị Việt Nam cần phải thiết lập và tăng cường trong giai đoạn
tới26[26].
Tuy nhiên, điều này còn chưa thể hiện rõ ràng (nếu không nói là thiết
hụt) trong Dự thảo Luật PCRT. Cụ thể, Dự thảo Luật PCRT chưa có
các điều luật quy định cụ thể, chi tiết về cơ chế kiểm tra, giám sát sự
tuân thủ thực hiện các quy định về PCRT của các tổ chức phải báo cáo.

Ở Việt Nam, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán nhà
nước và Bộ Tài chính là những cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh
vực ngân hàng và tài chính. Về nguyên tắc, các cơ quan này có trách
nhiệm kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định về PCRT. Tuy nhiên,
nhiệm vụ này lại chưa được quy định cụ thể trong Dự thảo Luật, mặc
dù đây là một trong những nội dung cốt lõi của công tác PCRT. Như
vậy, nếu không thành lập một cơ quan quản lý, giám sát việc tuân thủ
các quy định về PCRT độc lập, Dự thảo Luật cần bổ sung các quy định
cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan,
cũng như hình thức, cơ chế kiểm tra giám sát sự tuân thủ các quy định
về PCRT của các tổ chức phải báo cáo. Ngoài ra, cũng cần quy định
các chế tài mang tính nguyên tắc đối với tổ chức, cá nhân không tuân
thủ các nghĩa vụ về PCRT như: áp dụng biện pháp phạt tiền, thu hồi
giấy phép đối với các tổ chức; quy định trách nhiệm dân sự, hành


chính, hình sự tương ứng đối với các cá nhân. Trên cơ sở các chế tài có
tính nguyên tắc này, Chính phủ sẽ triển khai thành các nghị định cụ thể,
quy định các hành vi vi phạm và trách nhiệm pháp lý trong các lĩnh vực
quản lý nhà nước liên quan. Thiết nghĩ, việc xây dựng các quy định về
quyền và nghĩa vụ đồng thời với cơ chế kiểm tra, giám sát và chế tài xử
lý vi phạm sẽ đảm bảo được tính hệ thống, chỉnh thể và toàn diện của
luật chống rửa tiền, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong
giai đoạn mới cũng như phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế./.


27[1] Bộ Tư pháp - Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Số chuyên đề về
Luật Hình sự của một số nước trên thế giới, Hà Nội 1998, tr. 97.
28[2] Olga Sher, Breaking theWash Cycle: New Money Laundering
Laws in Russia, New York Law School Journal of International &

Comparative Law, Vol . 22, 2003, tr. 632-633.
29[3]Theo Hiến pháp Liên bang Nga, Quốc hội Liên bang Nga là cơ
quan lập pháp Liên bang, do thượng viện và hạ viện tạo thành còn gọi
là Quốc hội Liên bang lưỡng viện. Thượng viện là Hội đồng Liên bang,
Hạ viện còn gọi là Duma quốc gia. Quá trình lập pháp Liên bang phải
thông qua thảo luận tập thể, các dự thảo luật thường do Duma Quốc




gia thông qua, sau đó Thượng viện phê chuẩn và Tổng thống ký ban
hành.
30[4] Xem Olga Sher, sđd, tr.633.
31[5] Được các nước G-7 thành lập vào năm 1989, Lực lượng đặc
nhiệm tài chính (Financial Action Task Force) là một cơ quan liên
chính phủ có mục tiêu thúc đẩy và phát triển các biện pháp chống rửa
tiền và chống tài trợ khủng bố.
32[6] FATF Progress Report on Non - Cooperative Countries and
Territories, February 1, 2001.
33[7] Valeria Korchagina, Russia is to Remain on ‘Dirty-Cash’
Blacklist, St. Petersburg Times, Sept. 11, 2001, pp 7.
34[8] Xem Valeria Korchagina, sđd.
35[9] Xem Olga Sher, sđd, tr. 635.
36[10] Russia’ s President Signed Laws on Resistance to Money
Laundering, Economic News, August 7, 2001,
truy cập ngày 21/9/2011









37[11] Financial Action Task Force, Second Mutual Evaluation Report
Anti-money Laundering and Combating the Financing of Terorism -
Rusian Federation, June 20, 2008, pp. 33.
38[12] Xem Financial Action Task Force, sđd, tr. 35.
39[13] Xem Financial Action Task Force, sđd, tr. 40.
40[14] Luật PCRT Liên bang Nga năm 2001, Điều 3 (bản Tiếng
Anh).
41[15] Vụ Pháp luật Hình sự, Hành chính - Bộ Tư pháp, Báo cáo so
sánh hệ thống pháp luật Việt Nam với 40 Khuyến nghị và 9 Khuyến
nghị đặc biệt của Lực lượng đặc nhiệm tài chính, Hà Nội, 2008, tr. 8.
42[16] FATF, Tăng cường thực hiện chiến lược chống rửa tiền và tài
trợ khủng bố toàn cầu, Paris 16/02/2012, f-
gafi.org/document/49/0,3746,en_32250379_32236992_49694961_1_1
_1_1,00.html truy cập ngày 26/3/2012 (bản Tiếng Anh).
43[17] Với mục đích đảm bảo sự toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn
cầu, đáp lại những đe doạ và hiểm hoạ từ những quốc gia và vùng lãnh
thổ không hợp tác, đồng thời khuyến khích sự hợp tác và tuân thủ các








tiêu chuẩn quốc tế về PCRT và chống tài trợ khủng bố, FATF nghiên

cứu và công bố 03 năm một lần các văn bản nhận diện các quốc gia và
vùng lãnh thổ có mức rủi ro cao và không hợp tác. Văn bản thứ nhất
là“Tuyên bố của FATF về các quốc gia và vùng lãnh thổ có khiếm
khuyết trong chiến lược chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố” bao
gồm 02 danh sách: (01) Danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có
những khiếm khuyết cần phải áp dụng các biện pháp đối kháng; (02)
Danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có những khiếm khuyết và
không có các tiến triển trong khắc phục các khiếm khuyết đó. Văn bản
thứ hai (không nằm trong tuyên bố trên) gồm danh sách các quốc gia
và vùng lãnh thổ có những khiếm khuyết trong chiến lược đấu tranh
chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố nhưng đã có cam kết chính trị
cấp cao và kế hoạch hành động để giải quyết thiếu hụt. Hiện Việt Nam
đang nằm trong danh sách này. Xem thêm tại FATF, High-risk and
non-cooperative jurisdictions
f-
gafi.org/pages/0,3417,en_32250379_32236992_1_1_1_1_1,00.html
truy cập ngày 26/03/2012.
44[18] FATF, Các quốc gia và vùng lãnh thổ có mức rủi ro cao và
không hợp tác, f-
gafi.org/pages/0,3417,en_32250379_32236992_1_1_1_1_1,00.html
truy cập ngày 26/03/2012 (bản Tiếng Anh).


×