TIỂU LUẬN:
PH.ĂNGGHEN – MỘT “BÓ ĐUỐC SÁNG
NGỜI” TRONG NHỮNG TRÍ TUỆ ANH
MINH, MỘT “TRÁI TIM VĨ ĐẠI” TRONG
NHỮNG TRÁI TIM NHÂN LOẠI
Nhân kỷ niệm 190 năm ngày sinh của Ph.Ăngghen, trong bài viết này, tác giả đã
trình bày một cách vắn tắt những cống hiến lớn lao của ông cho việc xây dựng và
phát triển cả ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác – triết học duy vật biện chứng,
kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học qua những luận điểm, quan
niệm, quan điểm và tư tưởng mà ông đưa ra trong các tác phẩm của mình. Trong
bài viết này, tác giả cũng đã nói về những đóng góp hết sức quan trọng của
Ph.Ăngghen trong phong trào công nhân quốc tế với tư cách lãnh tụ anh minh,
người thầy, người chiến sĩ kiên trung. Trong hoạt động lý luận cũng như trong
hoạt động thực tiễn cách mạng bao giờ Ph.Ăngghen cũng cống hiến hết mình với
một trí tuệ anh minh, một năng lực sáng tạo chói sáng, một trái tim đầy nhiệt
huyết của một con người với những phẩm chất cao quý.
Asst. Prof. Dr. Dang Huu Toan
On the occasion of the 190th anniversary of F.Engels birthday, in this paper the
author shortly presents Engels great contributions to the building and developing
of the three component parts of Marxism: dialectical materialism, political
economy, and scientific socialism. In this paper the author also mentions other
important contributions of Engels, as a wise leader, teacher, and as a faithful,
loyal soldier, to the international working-class movement. Engels
wholeheartedly dedicated with a clear-sighted mind, a bright ability, and an
enthusiastic heart as a man of high noble virtues to theoretical and revolutionary
practical activities.
Ph.Ăngghen (1820–1895) là một “bó đuốc sáng ngời” trong những trí tuệ anh
minh, là một “trái tim vĩ đại” trong những trái tim nhân loại – đó là sự khẳng định
mà V.I.Lênin đã đưa ra trong một bài viết về con người vĩ đại này – Phriđrích
Ăngghen.
Thật vậy, Ph.Ăngghen, như chúng ta đều biết, không chỉ là người bạn thân thiết
nhất, người cộng sự đắc lực nhất của C.Mác, người đã cùng với C.Mác tạo nên
cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử tư tưởng triết học nhân loại, sáng lập nên chủ
nghĩa xã hội khoa học và giúp C.Mác hoàn thành bộ Tư bản – “tác phẩm chính trị
kinh tế học vĩ đại nhất” trong thời đại chúng ta, mà còn là “nhà bác học và người
thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh(1). Và,
như V.I.Lênin đã khẳng định: “Muốn đánh giá đúng đắn những quan điểm của
Mác, tuyệt đối phải đọc những tác phẩm của người cùng tư tưởng và người cộng
tác gần gũi nhất của Mác là Phriđrích Ăngghen. Không thể nào hiểu được chủ
nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn
bộ những tác phẩm của Ăngghen”(2).
Chúng ta thật khó có thể nêu ra một ngành nào trong các khoa học về xã hội và
nhân văn mà không gắn liền với tên tuổi của Ph.Ăngghen. Chúng ta cũng thật khó
có thể nói hết những cống hiến của ông cho phong trào cách mạng của giai cấp vô
sản thế giới. Kỷ niệm 190 năm Ngày sinh Ph.Ăngghen (28/11/1820 –28/11/2010),
trong bài viết này, chúng tôi chỉ có thể góp thêm một tiếng nói khẳng định cống
hiến lớn lao của ông với tư cách là nhà lý luận thiên tài, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp
vô sản thế giới, người đã cùng với C.Mác mở ra một trang mới trong lịch sử nhân
loại nói chung, trong lịch sử tư tưởng nhân loại nói riêng.
Hoạt động lý luận và thực tiễn cách mạng của Ph.Ăngghen bắt đầu vào những
năm 40 của thế kỷ XIX, khi mà các cuộc cách mạng dân chủ - tư sản đã chín
muồi ở nhiều nước Tây Âu. Song, ngay vào thời kỳ đó, với trí tuệ anh minh và tài
nhìn xa trông rộng của một thiên tài, Ph.Ăngghen đã sớm nhìn thấy cái ngày mà
giai cấp tư sản buộc phải rút lui khỏi vũ đài lịch sử, bởi nó không còn là giai cấp
cách mạng nữa và đã trở thành một lực lượng phản tiến bộ về chính trị, để
nhường chỗ cho một giai cấp cách mạng mới bước lên vũ đài lịch sử đó – giai cấp
vô sản. Khi đó, ở một mức độ lớn, phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản vẫn
còn là một phong trào tự phát, không có tổ chức, chưa có một mục đích rõ rệt và
giai cấp vô sản cũng chưa ý thức được những lợi ích giai cấp của mình. Song, nhà
lý luận, nhà hoạt động thực tiễn cách mạng trẻ tuổi – Ph.Ăngghen – đã nhìn thấy
ở giai cấp này khả năng đưa phong trào đấu tranh đó phát triển thành một phong
trào tự giác, có tổ chức, có mục đích rõ rệt, khi họ ý thức được những lợi ích giai
cấp của mình và sẵn sàng gánh vác sứ mệnh lịch sử mà lịch sử nhân loại trao cho
họ với tư cách đội quân tiên phong trong sự nghiệp giải phóng nhân loại. Và, khi
nhận thấy học thuyết của các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng đang hiện diện
trong phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản như một lý luận cách mạng, nhưng
bản thân học thuyết này lại tồn tại tách rời với cuộc đấu tranh thực tiễn của giai
cấp vô sản; nó phê phán một cách gay gắt và vạch trần những tệ nạn của chủ
nghĩa tư bản, nhưng lại không chỉ ra được đâu là động lực của sự phát triển và
tiến bộ xã hội, ông đã ý thức rõ ràng rằng, giai cấp vô sản chỉ có thể thực hiện
được sứ mệnh lịch sử giải phóng nhân loại, giải phóng giai cấp, khi nó được vũ
trang bởi một học thuyết cách mạng thực sự - chủ nghĩa xã hội khoa học.
Với nhìn nhận như vậy về giai cấp vô sản và cuộc đấu tranh của họ, Ph.Ăngghen
đã đi đến khẳng định rằng, để hiểu được vai trò và sức mạnh thực sự của cuộc
đấu tranh cách mạng do giai cấp vô sản tiến hành, để tìm ra con đường hiện thực
dẫn đến chế độ xã hội chủ nghĩa thì cần phải phát hiện ra những quy luật đóng vai
trò quyết định đối với sự phát triển của xã hội, phải luận chứng cả trên bình diện
lý luận lẫn trên phương diễn thực tiễn cho sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản –
giai cấp thực sự cách mạng, lực lượng duy nhất có thể thủ tiêu ách áp bức, bóc lột
và kiến lập một sự bình đẳng thật sự, hiện thực; đồng thời tổ chức họ thành một
lực lượng thống nhất dưới sự lãnh đạo của một chính đảng anh minh. Rằng, để
thực hiện nhiệm vụ hết sức lớn lao và phức tạp đó do toàn bộ tiến trình phát triển
lịch sử đề ra trong những năm 40 của thế kỷ XIX, để luận chứng cho ý nghĩa của
cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản trong xã hội hiện đại, nếu chỉ có
nguyện vọng thiết tha là giúp đỡ giai cấp vô sản như lời kêu gọi của các nhà xã
hội chủ nghĩa không tưởng thì chưa đủ và cũng không thể đạt được điều đó trong
cảnh yên tĩnh của phòng giấy, chỉ dựa trên những tính toán lý luận và chứng minh
lôgíc. Thực hiện được nhiệm vụ này chỉ có thể là những người trực tiếp tham gia
một cách tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng trên cơ sở nắm vững phương
pháp khoa học cho phép phát hiện và xác định những quy luật khách quan của sự
phát triển và tiến bộ xã hội, vị trí và vai trò của các giai cấp trong tiến trình vận
động và phát triển của lịch sử nhân loại.
Thực hiện nhiệm vụ cao cả đó, khi kế thừa, tiếp thu có chọn lọc và vận dụng sáng
tạo những thành tựu biểu hiện ra trước hết trong triết học cổ điển Đức mà trực
tiếp là phép biện chứng của Hêghen và chủ nghĩa duy vật của Phoiơbắc, trong
kinh tế chính trị Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp, độc lập với C.Mác
và cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã tạo ra một bước ngoặt cách mạng trong các
môn khoa học về xã hội, tạo ra một thế giới quan mới – chủ nghĩa duy vật biện
chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, cơ sở lý luận cho cuộc đấu tranh giải phóng
của giai cấp vô sản. Không chỉ thế, với những trải nghiệm trong trường học cuộc
sống ở Anh gần 2 năm (từ tháng 11 năm 1842 đến tháng 8 năm 1844), nơi mà
như V.I.Lênin nhận xét, nhờ nó, “Ăngghen mới trở thành người xã hội chủ
nghĩa”, nhờ “thấy tận mắt những sự cùng khốn và những nỗi đau khổ” của giai
cấp vô sản, Ph.Ăngghen đã trở thành “người đầu tiên đã nói rằng giai cấp vô
sản không phải chỉ là giai cấp đau khổ, rằng chính địa vị kinh tế nhục nhã của
giai cấp vô sản thúc đẩy, một cách không gì ngăn cản nổi, nó tiến lên và buộc nó
phải đấu tranh cho sự giải phóng cuối cùng của nó. Và giai cấp vô sản đấu
tranh sẽ tự mình giúp bản thân mình. Phong trào chính trị của giai cấp công nhân
nhất định sẽ dẫn công nhân đến chỗ hiểu rằng đối với họ, không có lối thoát nào
khác hơn là chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, chủ nghĩa xã hội sẽ chỉ là một sức mạnh,
khi nó đã trở thành mục tiêu đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân”(3).
Với phát hiện này, trong vòng bốn mươi năm, trong sự hoàn toàn nhất trí với
C.Mác về mặt tinh thần, Ph.Ăngghenđã xây dựng và phát triển học thuyết về chủ
nghĩa xã hội khoa học, đã tổ chức, giáo dục và trực tiếp lãnh đạo những đội quân
tiên phong của giai cấp vô sản thế giới. Một loạt tác phẩm cơ bản của chủ nghĩa
xã hội khoa học là do C.Mác và Ph.Ăngghen cùng viết. Nhiều công trình nghiên
cứu của Ph.Ăngghen là kết quả của sự phát triển những tư tưởng nảy sinh trong
quá trình thường xuyên trao đổi ý kiến giữa ông với C.Mác. Về phía mình, khi
viết bộ Tư bản và nhiều tác phẩm khác, C.Mác đã dựa vào sự giúp đỡ nhiều mặt,
cả vật chất lẫn tinh thần, và những kiến thức bách khoa, uyên thâm của
Ph.Ăngghen. C.Mác đánh giá hết sức cao những thức bách khoa, uyên thâm đó
của Ph.Ăngghen, đánh giá cao trí nhớ kỳ lạ, trí tuệ anh minh, tầm nhìn xa trông
rộng và năng lực sáng tạo của ông.
Đúng như đánh giá của C.Mác, trong suốt sự nghiệp sáng tạo của mình,
Ph.Ăngghen đã có những cống hiến lý luận lớn lao vào sự hình thành và phát
triển của cả ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác – triết học duy vật biện chứng,
kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Mặc dù luôn khiêm tốn tự
nhận mình chỉ là “cây vĩ cầm thứ hai” bên cạnh C.Mác và “điều mà Mác đã làm
thì tôi không thể làm được. Mác đứng cao hơn, nhìn xa hơn, rộng hơn và nhanh
hơn tất cả chúng tôi. Mác là một thiên tài. Còn chúng tôi may mắn lắm cũng chỉ
là những tài năng thôi”(4), song trên thực tế, trước khi cộng tác với C.Mác và
trong bốn mươi năm cộng tác với C.Mác, Ph.Ăngghen đã để lại những dấu ấn sâu
đậm, không thể bác bỏ trong việc sáng tạo ra thế giới quan khoa học của giai cấp
vô sản. Nói về cống hiến này của Ph.Ăngghen, V.I.Lênin viết: “Có thể vắn tắt
nêu công lao của Mác và Ăngghen đối với giai cấp công nhân như sau: hai ông đã
dạy cho công nhân tự nhận thức được mình và có ý thức về mình, và đã đem khoa
học thay thế cho mộng tưởng”. Rằng, “giai cấp vô sản châu Âu có thể nói rằng
khoa học của mình là tác phẩm sáng tạo của hai nhà bác học kiêm chiến sĩ mà
tình bạn đã vượt xa tất cả những gì là cảm động nhất trong những truyền thuyết
của đời xưa kể về tình bạn của con người” và, “ngày nay, toàn thể giai cấp vô sản
đang đấu tranh để tự giải phóng đều tiếp thu những quan điểm ấy của Mác và
Ăngghen”(5).
Có thể nói, sự cộng tác sáng tạo vĩ đại đó giữa C.Mác và Ph.Ăngghen không
những không gạt bỏ mà trái lại, còn đỏi hỏi ở mỗi người phải có tư tưởng sáng
tạo độc đáo, cá tính sáng chói và tính độc lập. Ph.Ăngghen là một nhà bác học
thiên tài, hết sức độc đáo. Với trí tuệ thiên tài và năng lực sáng tạo tuyệt với,
Ph.Ăngghen đã phát hiện ra nhiều vấn đề lý luận hết sức độc đáo trong nhiều lĩnh
vực khoa học, nhất là trong lịch sử, triết học, khoa học tự nhiên, quân sự, chiến
lược và sách lược đấu tranh cách mạng. Ngay cả những tác phẩm đầu tiên của
ông, những tác phẩm mà ở đó, ít nhiều ông còn đứng trên lập trường dân chủ tư
sản và chịu ảnh hưởng của triết học Hêghen, Phoiơbắc, cũng đã làm cho mọi
người phải ngạc nhiên, sửng sốt bởi tính độc lập và sự bay bổng táo bạo của tư
tưởng, sự phân tích phê phán sắc bén, sự hoàn chỉnh về mặt hình thức. Với những
tác phẩm như Sêlinh nói về Hêghen (1841), Sêlinh và Mặc khải (1841 – 1842)
và Sêlinh – nhà triết học trong Kitô… (1842), Ph.Ăngghen đã trở thành một trong
những người đầu tiên chống lại quan điểm triết học sai trái của Sêlinh, bảo vệ cái
tiến bộ trong triết học Hêghen khỏi sự phê phán của Sêlinh, chỉ ra tính mâu thuẫn
nội tại trong hệ thống triết học Hêghen để phát hiện ra cái “hạt nhân hợp lý” trong
hệ thống triết học đó là phép biện chứng.
Ph.Ăngghen đã dày công nghiên cứu trong nhiều năm để cùng với C.Mác xây
dựng và phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Những tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển của ông, như Chống Đuyrinh(1876
– 1878), Biện chứng của tự nhiên (1873 – 1883 và 1885 – 1886), Lútvích
Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức (1886),… đã được thừa
nhận là những tác phẩm mà ở đó, lần đầu tiên những luận điểm quan trọng nhất
của triết học duy vật biện chứng được luận giải và trình bày dưới hình thức có hệ
thống. Không chỉ thế, trong những tác phẩm này, cũng lần đầu tiên, ông đã vận
dụng phép biện chứng duy vật vào việc nhận thức những quy luật của tự nhiên.
Và, khi khái quát hóa, những dữ kiện mới nhất, những phát minh mới của khoa
học tự nhiên, ông đã phát hiện ra ý nghĩa thật sự và ý nghĩa triết học sâu sắc của
chúng, đã chứng minh rằng triết học duy vật biện chứng là cơ sở lý luận nền tảng,
là phương pháp luận khoa học đúng đắn của cả các khoa học về xã hội và nhân
văn lẫn khoa học về tự nhiên. Với tầm nhìn xa trông rộng của một nhà bác học có
trí tuệ anh minh, ông còn dự báo trước những xu hướng quan trọng nhất trong sự
phát triển tiếp theo của khoa học tự nhiên và của sự tiến bộ khoa học - kỹ thuật.
Theo tiên đoán của ông, nhân loại sẽ được chứng kiến những thành tựu khoa học
đặc biệt lớn lao ở những điểm giáp ranh của các ngành khoa học khác nhau, như
vật lý học và hóa học, hóa học và sinh vật học, v.v. do sự liên ngành và hợp
ngành của các khoa học này. Và, ngày nay, như chúng ta đều thấy, sự phát triển
của khoa học tự nhiên hiện đại, về cơ bản, đã khẳng định những kết luận và tiên
đoán đó của ông.
Độc lập với C.Mác, Ph.Ăngghen tự bắt đầu mở đường đi đến quan niệm duy vật
về lịch sử. Với các tác phẩm như Tình cảnh nước Anh (1843), Tình cảnh của giai
cấp lao động ở Anh (1844 – 1845), v.v., Ph.Ăngghen đã trở thành người đầu tiên
không chỉ phân tích một cách sâu sắc với những luận cứ khoa học và thực tiễn
không thể bác bỏ bản chất và những hậu quả kinh tế - xã hội của cuộc cách mạng
công nghiệp Anh, phác họa nên bức tranh tổng quát về tình cảnh giai cấp công
nhân Anh, về nỗi thống khổ mà họ phải hứng chịu do sự bóc lột của giai cấp tư
sản, mà còn luận chứng đanh thép cho sứ mệnh của giai cấp vô sản toàn thế giới.
Và, với Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản(1847), nhất là với Tuyên ngôn
của Đảng cộng sản (1848) – tác phẩm viết chung với C.Mác và được thừa nhận
là tác phẩm bất hủ về những nguyên lý nền tảng của chủ nghĩa xã hội, một thế
giới quan mới đã được Ph.Ăngghen cùng với C.Mác trình bày công khai trước
toàn thế giới – lý luận đấu tranh giải phóng của giai cấp vô sản, cương lĩnh và cơ
sở sách lược của những người cộng sản. Với văn kiện này, ông và C.Mác đã trang
bị cho giai cấp vô sản toàn thế giới khẩu hiệu đấu tranh là đoàn kết những người
vô sản ở tất cả các nước nhằm thủ tiêu chế độ xã hội và chính trị tư sản, vì cách
mạng xã hội chủ nghĩa; và cho đến nay, tinh thần của văn kiện “có giá trị bằng
hàng bộ sách” này “vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và
đang chiến đấu của thế giới văn minh”(6).
Trong lĩnh vực kinh tế chính trị học, những cống hiến của Ph.Ăngghen cũng
không hề nhỏ. Bản khái luận đầu tiên của ông – Lược thảo phê phán khoa kinh tế
chính trị (1843 – 1844) đã cho chúng ta thấy rõ, ông đã đứng trên quan điểm xã
hội chủ nghĩa để xem xét những hiện tượng căn bản của chế độ kinh tế tư bản chủ
nghĩa và coi đó là những hệ quả tất yếu do sự thống trị của chế độ sở hữu tư nhân tư
bản chủ nghĩa tạo ra. Tác phẩm này của Ph.Ăngghen đã thu hút sự quan tâm đặc biệt
của C.Mác và chính nó đã đưa đến tình bạn vĩ đại giữa hai ông. Trên một nghĩa
nào đó, tác phẩm này của Ph.Ăngghen, như V.I.Lênin khẳng định và bản thân
C.Mác cũng thừa nhận, “đã thúc đẩy Mác bắt tay vào nghiên cứu chính trị kinh tế
học, là khoa học trong đó những tác phẩm của Mác đã gây ra cả một cuộc cách
mạng”(7). Bản thân C.Mác không chỉ tóm tắt tác phẩm này của Ph.Ăngghen, mà
còn nhiều lần nhắc đến nó trong các tác phẩm của ông; và trong Lời tựa viết cho
lần xuất bản đầu tiên tác phẩm Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị (1849),
C.Mác đánh giá đây là “bản sơ thảo thiên tài… phê phán các phạm trù kinh tế”(8)
trong kinh tế chính trị học tư sản. Trong tác phẩm được coi là cuốn bách khoa
toàn thư của chủ nghĩa Mác – Chống Đuyrinh,Ph.Ăngghen đã dành phần hai
của tác phẩm này để trình bày quan điểm của ông về kinh tế chính trị học. Ở đây,
ông không chỉ luận giải những luận điểm cơ bản trong học thuyết kinh tế của
C.Mác – những luận điểm mà C.Mác đưa ra trong quyển I bộ Tư bản, nhất là về
học thuyết giá trị thặng dư, mà còn, lần đầu tiên, luận giải khái niệm kinh tế chính
trị học theo nghĩa rộng nhất của nó và định nghĩa “kinh tế chính trị học… là khoa
học về những quy luật chi phối sự sản xuất và sự trao đổi những tư liệu sinh hoạt
vật chất trong xã hội loài người”(9). Và, sau khi C.Mác mất, ông đã dành toàn bộ
công sức để chỉnh lý, bổ sung và cho xuất bản quyển II và quyển III của bộ Tư
bản. Mặc dù ông không kịp chỉnh lý và xuất bản quyển IV của bộ sách vĩ đại này,
song với việc chỉnh lý, bổ sung và cho xuất bản quyển II và quyển III của bộ sách
này, Ph.Ăngghen “đã dựng cho người bạn thiên tài của ông một đài kỷ niệm trang
nghiêm” mà trên đó, ông “cũng không ngờ là đã khắc luôn cả tên mình bằng
những chữ không bao giờ phai mờ được” và qua đó, ông đã làm cho hai quyển
này của bộ Tư bản, như V.I.Lênin khẳng định, thực sự trở thành “tác phẩm chung
của cả hai người: Mác và Ăngghen”(10)
Một cống hiến lớn lao và hết sức quan trọng nữa của Ph.Ăngghen vào việc xây
dựng và phát triển chủ nghĩa Mác mà chúng ta không thể không nhắc đến là cống
hiến của ông trong việc đưa chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học –
khoa học về những điều kiện để giải phóng con người, giải phóng giai cấp và giải
phóng nhân loại, cống hiến đã đưa ông trở thành người sáng lập chủ nghĩa xã hội
khoa học cùng với C.Mác và đưa ông vào hàng, như C.Mác khẳng định, “một trong
những đại biểu xuất sắc nhất của chủ nghĩa xã hội hiện đại”(11).
Thật vậy, ở một trong những tác phẩm đầu tay – Lược khảo phê phán khoa kinh tế
chính trị, Ph.Ăngghen đã trình bày một số nguyên lý chung của chủ nghĩa xã hội
khoa học. Và, trước khi cùng với C.Mác viết Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, ông
đã viết Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản - tác phẩm được coi là sơ thảo
của Tuyên ngôn để đưa ra định nghĩa về chủ nghĩa cộng sản với tư cách học thuyết
về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản; về giai cấp vô sản: nguồn gốc, vị trí và vai
trò của nó trong công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới; về những đặc trưng cơ bản
của xã hội tương lai và khả năng thắng lợi của cách mạng vô sản. Trong Tuyên ngôn
của Đảng cộng sản, ông đã cùng với C.Mác tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của giai
cấp vô sản, đề xuất một học thuyết khoa học hoàn chỉnh về việc cải tạo thế giới
bằng cách mạng và luận giải những nguyên lý cơ bản của thế giới quan cách mạng
của giai cấp vô sản, đề xuất học thuyết về chính đảng vô sản và khẳng định xã hội
tương lai mà giai cấp vô sản có sứ mệnh phải xây dựng là xã hội mà trong đó,
không còn giai cấp và áp bức giai cấp, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều
kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(12). Khi viết Chống
Đuyrinh, Ph.Ăngghen đã dành phần thứ ba của tác phẩm này để viết về chủ nghĩa
xã hội – lịch sử và lý luận. Sau này, để truyền bá sâu rộng lý luận chủ nghĩa xã hội
trong phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản, ông đã tách riêng phần này ra, chỉnh
lý, bổ sung với những luận cứ mới và xuất bản dưới tiêu đề Sự phát triển của chủ
nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học (1880) – tác phẩm mà như C.Mác đánh
giá, “có thể gọi là một cuốn Sách nhập môn về chủ nghĩa xã hội khoa học”(13).
Với những tác phẩm này, có thể nói, cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã đem lại cho
chúng ta học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học với nhiều giá trị và ý nghĩa sâu
sắc về lý luận và phương pháp luận. Học thuyết này, với những cống hiến to lớn của
Ph.Ăngghen trong việc xây dựng và phát triển nó “theo tinh thần quan niệm duy vật
lịch sử và lý luận kinh tế của Mác”(14) đã cho chúng ta thấy rõ rằng, chủ nghĩa xã
hội là một tất yếu lịch sử - cái tất yếu chính trị - xã hội do tất yếu kinh tế quy định
và chi phối, là hệ quả hợp lôgíc của tiến trình phát triển theo quy luật lịch sử - tự
nhiên của bản thân lịch sử nhân loại, cũng như của lịch sử tư tưởng nhân loại. Rằng,
chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội mới và do vậy, sự chín muồi, sự thành thục
của nó phải là một quá trình; và với tư cách một cơ thể sống, nó “không phải là cái
gì đó nhất thành bất biến, mà cũng như mọi chế độ xã hội khác, nó cần phải được
xem xét như một xã hội được thay đổi và cải tạo thường xuyên”(15). Không chỉ thế,
với những cống hiến lý luận lớn lao để biến chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở
thành khoa học, Ph.Ăngghen còn không ít lần nhắc nhở chúng ta rằng, một khi nó
đã trở thành khoa học thì phải đối xử với nó như một khoa học, nghĩa là phải
thường xuyên nghiên cứu nó và để cho nó trở thành một khoa học thực sự thì cần
phải đặt nó đứng vững trên chính mảnh đất hiện thực – thực tiễn cuộc sống luôn vận
động, biến đổi và phát triển không ngừng.
Trong suốt bốn mươi năm lao động khoa học không biết mệt mỏi, Ph.Ăngghen còn
góp phần to lớn vào việc phát triển khoa học lịch sử. Cùng với C.Mác, ông đã đặt
nền móng cho nền sử học mácxít, đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ trong
việc xây dựng phương pháp luận cho những công trình nghiên cứu lịch sử, cũng
như trong việc nghiên cứu lịch sử cụ thể của các dân tộc và các thời đại khác
nhau. Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước (1884) là một
minh chứng cho cống hiến này của ông. Trong tác phẩm này, ông không chỉ đưa ra
những kết luận mới về nguồn gốc phát sinh và tiến trình phát triển của các hình thức
gia đình, sở hữu và nhà nước, mà còn lý giải một cách thực sự khoa học theo quan
điểm duy vật về tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại và qua đó, đặt nền tảng
phương pháp luận cho nền sử học mácxít. Không chỉ thế, với những công trình
nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật quân sự mà ở đó, nguồn gốc và bản chất của các
cuộc chiến tranh trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử nhân loại, sự phụ thuộc
của quân sự vào trình độ của lực lượng sản xuất và tính chất của những quan hệ xã
hội được luận giải trên lập trường duy vật biện chứng và theo quan niệm duy vật về
lịch sử đã đưa Ph.Ăngghen trở thành nhà lý luận quân sự đầu tiên và xuất sắc nhất
của giai cấp vô sản toàn thế giới.
(14)
Sau khi C.Mác mất (1883), Ph.Ăngghen không chỉ dành công sức lao động khoa học của
mình vào việc chỉnh lý, bổ sung và cho xuất bản quyển II và quyển III bộ Tư bản của
C.Mác, mà còn vào việc phát triển hơn nữa học thuyết Mác trên mọi phương diện, bảo
vệ và truyền bá học thuyết Mác trong phong trào công nhân. Chính trong thời kỳ này,
ông đã tiến hành phân tích và luận giải một cách đặc biệt sâu sắc nền triết học cổ điển
Đức mà Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức là một minh
chứng, đã dõi theo quá trình hình thành thế giới quan duy vật biện chứng trên mọi
phương diện, chỉ ra và dự báo xu hướng phát triển tiếp theo của lịch sử nhân loại nói
chung, phong trào công nhân nói riêng. Đặc biệt, trong thời kỳ này, ông đã dành nhiều
công sức cho việc nghiên cứu và đề xuất những luận điểm, những vấn đề hết sức quan
trọng của chủ nghĩa duy vật lịch sử, quan trọng nhất là luận điểm về mối quan hệ biện
chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng mà những bức thư ông gửi I.Blốc
(21-9-1890), Ph.Merinh (14-7-1893),… là những minh chứng (16).
Không chỉ thế, sau khi C.Mác mất, trong một só tác phẩm và rất nhiều thư từ gửi
những người quen biết và có quan hệ mật thiết trong phong trào công nhân,
Ph.Ăngghen còn chỉ ra và luận giải cặn kẽ những thay đổi căn bản trong đời sống
kinh tế và chính trị ở các nước tư bản chủ nghĩa thuộc châu Âu và châu Mỹ, trong
đó có nước Nga, để làm rõ những mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản, những
tiền đề vật chất, những nhân tố khách quan và chủ quan mà nó tạo ra cho cách mạng
xã hội chủ nghĩa, cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mà giai cấp vô sản cần
phải nắm lấy, hiểu rõ và thực hiện. Tiếp tục nghiên cứu những vấn đề của cuộc cách
mạng xã hội chủ nghĩa, trong thời kỳ này, Ph.Ăngghen không chỉ làm rõ thêm và
minh chứng cho luận điểm về cuộc cách mạng này với tư cách kết quả hợp quy luật
của một quá trình lịch sử - xã hội lâu dài, mà còn làm rõ thêm và minh chứng cho
sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, vai trò của quần chúng nhân dân, của khối liên
minh công nông trong cuộc cách mạng này và sự gắn kết của nó với phong trào giải
phóng dân tộc mà ông coi là bạn đồng minh của cách mạng vô sản trong cuộc đấu
tranh để lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa.
Cũng như C.Mác, toàn bộ hoạt động lý luận và thực tiễn cách mạng của
Ph.Ăngghen đều hướng vào việc chuẩn bị cho giai cấp vô sản tiến công vào các
thành trì kinh tế và chính trị của chủ nghĩa tư bản. Phương châm hành động của ông
là đấu tranh và ngay từ lúc còn rất trẻ, ông đã thẳng thắn tuyên bố: “Chúng ta sẽ đấu
tranh và đổ máu của mình, sẽ dũng cảm nhìn vào những con mắt tàn khốc của kẻ
thù và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng!”(17). Phương châm hành động này đã chi
phối và quyết định nguyên tắc sống chủ đạo của ông và với nó, ông không chỉ dành
toàn bộ sức lực của mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển học thuyết Mác, chủ
nghĩa Mác, mà còn cho hoạt động thực tiễn cách mạng và tham gia một cách tích
cực với đầy nhiệt huyết trong các phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản Đức và
nhiều nước khác. Ông đã trở thành một trong những người sáng lập Liên đoàn
những người cộng sản, là người trực tiếp tham gia vào cuộc cách mạng 1848 – 1849
của giai cấp vô sản châu Âu, trở thành một trong những lãnh tụ của Quốc tế I và là
người thày, người tổ chức và cổ vũ các đảng dân chủ - xã hội. Ông còn là người
đóng vai trò to lớn vào việc thành lập Quốc tế II và đào tạo những lãnh tụ cách
mạng cho phong trào công nhân quốc tế. Cùng với C.Mác và cả sau khi C.Mác mất,
ông đã tiến hành đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng nhằm thống nhất hàng
ngũ của Quốc tế cộng sản, chống lại những khuynh hướng cải lương và biệt phái,
kiên trì bảo vệ những nguyên tắc cách mạng của chính đảng vô sản và của chủ
nghĩa quốc tế vô sản, đấu tranh không điều hòa với chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh và
“tả khuynh” trong phong trào vô sản, nhiệt thành bảo vệ chủ nghĩa Mác khỏi mọi sự
xuyên tạc và ra sức truyền bá nó trong phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp
vô sản toàn thế giới.
Trong những năm cuối đời, khi nhận thấy xu hướng giáo điều hóa chủ nghĩa Mác
trong phong trào công nhân quốc tế, Ph.Ăngghen đã đặt trọng tâm hoạt động cách
mạng và lý luận của mình vào việc luận giải, chứng minh và truyền bá sâu rộng tính
chất sáng tạo của chủ nghĩa Mác đến các lãnh tụ cách mạng và trong mọi phong trào
đấu tranh của giai cấp vô sản trên toàn thế giới. Ông kiên trì khẳng định và nhấn
mạnh chủ nghĩa Mác là một chủ nghĩa mà về nguyên tắc, không dung thứ việc tách
rời một cách giáo điều lý luận với thực tiễn, với kinh nghiệm lịch sử và do vậy, nó
luôn cần đến sự phát triển hơn nữa về phương diện lý luận, đến việc bổ sung và làm
giầu thêm bằng những kết luận mới được rút ra từ hiện thực cuộc sống luôn vận
động, biến đổi và phát triển. Rằng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác phải dựa trên
cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn một cách thường xuyên, đúng đắn.
Có thể nói, nhà bác học thiên tài, nhà cách mạng vĩ đại – Ph.Ăngghen đã dành trọn
cuộc đời cho sự nghiệp xây dựng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác, cho phong
trào đấu tranh cách mạng vì một xã hội mới cao đẹp của giai cấp vô sản toàn thế
giới. Ở bất cứ lĩnh vực nào, cả lý luận lẫn thực tiễn cách mạng, ông cũng luôn kiên
định con đường đúng đắn mà ông đã lựa chọn theo tiếng gọi của trái tim, theo mệnh
lệnh của trí tuệ, cống hiến hết mình với trí tuệ anh minh, sự uyên bác bách khoa, với
khối óc vĩ đại và tài năng chói sáng, với trái tim đầy nhiệt huyết và những phẩm
chất cao quý của một con người giầu lòng vị tha hiếm thấy, với đức tính sẵn sàng hy
sinh vì mọi người đến quên cả bản thân mình và khiêm nhường đến mức không
nhận cả vinh quang mà mình xứng đáng được nhận, với niềm tin sắt đá rằng “ngày
quyết định vĩ đại, ngày chiến đấu của các dân tộc đang tới gần, và thắng lợi sẽ thuộc
về chúng ta!”. q
(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Phó tổng biên tập Tạp chí Triết học.
(1) V.I.Lênin. Toàn tập, t.2. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.11, 3.
(2) V.I.Lênin. Sđd., t.26, tr.110.
(3) V.I.Lênin. Sđd., t.2, tr.7-8.
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.21. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995,
tr.428.
(5) V.I.Lênin. Sđd., t.2, tr.5, 12, 4.
(6) V.I.Lênin. Sđd., t.2, tr.10.
(7) V.I.Lênin. Sđd., t.2, tr.9.
(8) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.13, tr.16.
(9) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.20, tr.207.
(10) V.I.Lênin. Sđd., t.2, tr.12.
(11) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.19, tr.347.
(12) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.4, tr.628.
(13) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.19, tr.352.
(14) V.I.Lênin. Sđd., t.2, tr.11.
(15) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.37, tr.617 - 618.
(16) Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.37, tr.639 – 645; t.39, tr.131 – 138.
(17) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd.,t.41, tr.335.
VẤN ĐỀ GIAI CẤP VÀ ĐẤU TRANH GIAI CẤP TRONG CÁC VĂN KI
ỆN
CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM THỜI KỲ ĐỔI MỚI
TRẦN SĨ PHÁN
(*)
Bài viết trình bày một cách khái quát quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về
giai cấp, đấu tranh giai cấp nói chung và ở Việt Nam nói riêng thể hiện qua các
văn kiện của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Theo tác giả, mặc dù vấn đề đấu tranh
giai cấp không được đề cập một cách trực tiếp và thuật ngữ “đấu tranh giai
cấp” không được sử dụng trong Văn kiện Đại hội X, song không vì thế mà vấn đề
này bị xem nhẹ; trái lại, đấu tranh giai cấp vẫn là một tất yếu trong xã hội có giai
cấp, nhưng có sự khác nhau về nội dung và hình thức đấu tranh trong các giai
đoạn khác nhau.
Asst. Prof. Dr. Tran Sy Phan
This paper presents a common view of the Communist Partys viewpoint on class
and class struggle in general, and on Vietnams in particular, which were
represented in the Partys documents during the Doi Moi period. For the author,
although the issue of class struggle was not mentioned directly as the same as the
term “class struggle”, they were not used in the Ten Congress Document, but this
issue was not disregarded; on the contrary, class struggle remain a necessary
element in a class-divided society, but there are differences in content and form of
class struggle in different historical periods.
1. Trong một số năm gần đây, ở nước ta vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp
không được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều đó có
nhiều lý do khác nhau, nhưng như vậy không có nghĩa vấn đề này đã hết tính thời
sự của nó. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, khi “các thế lực thù địch vẫn tiếp tục
thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài
“dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta”(1) thì vấn
đề lại có tính cấp thiết hơn bao giờ hết. V.I.Lênin từng khẳng định: “Chủ nghĩa Mác
đã cho ta cái kim chỉ nam để tìm ra những quy luật trong tình trạng rối tung và hỗn
độn bề ngoài ấy, đó là: lý luận về đấu tranh giai cấp”(2).
Khái quát sự vận động và phát triển của lịch sử xã hội loài người, C.Mác và
Ph.Ăngghen đã đưa ra kết luận rằng, “lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến
nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”(3).
Sự tồn tại của các giai cấp và cuộc đấu tranh giữa các giai cấp đã trở thành đề tài
thu hút sự quan tâm của nhiều nhà tư tưởng trong các thời đại khác nhau. C.Mác và
PhĂngghen không phải là những người đầu tiên phát hiện ra vấn đề này. Trước đó,
các học giả tư sản, nhất là các nhà sử học và kinh tế học tư sản đã từng quan tâm
nghiên cứu. Chính C.Mác đã nói rằng, ông không hề có công phát hiện ra sự tồn
tại của các giai cấp trong xã hội hiện đại và sự đấu tranh giữa các giai cấp đó,
trước ông từ lâu, những nhà sử học tư sản đã trình bày sự phát triển lịch sử của
cuộc đấu tranh giai cấp đó và những nhà kinh tế tư sản đã làm cuộc giải phẫu kinh
tế về những giai cấp đó… Nhưng điều mà chỉ C.Mác mới làm được, còn các nhà
sử học và kinh tế học tư sản thì không làm được, đó là việc ông đã chứng minh:
“1) Sự tồn tại của các giai cấp chỉ gắn liền với những giai đoạn lịch sử nhất định
của sự phát triển của sản xuất; 2) Đấu tranh giai cấp tất nhiên đưa đến chuyên
chính vô sản; 3) Bản thân sự chuyên chính này chỉ là bước quá độ tiến lên xóa bỏ
mọi giai cấp và tiến lên một xã hội không có giai cấp”(4). C.Mác cho rằng, đây là
“điều mới mẻ” (từ dùng của C.Mác) do ông phát hiện ra. Sự phát hiện này của
C.Mác đã chỉ ra xu hướng vận động, phát triển cơ bản của xã hội loài người, mà
cái đích của xu hướng vận động đó là “xóa bỏ mọi giai cấp và tiến lên một xã hội
không có giai cấp” - xã hội cộng sản chủ nghĩa.
2. Vận dụng học thuyết về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác vào
thực tiễn cách mạng Việt Nam, bằng quan điểm lịch sử - cụ thể, Đảng ta đã biết
kết hợp một cách hài hòa quan hệ giữa giai cấp - dân tộc, giải quyết một cách khoa
học lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc, luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn
dân - coi đó là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc điểm to lớn nhất, bao trùm nhất của nước ta trong thời kỳ quá độ là “từ một
nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai
đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(5). Chính đặc điểm to lớn và bao trùm đó nói lên
thực chất của quá trình cách mạng Việt Nam, quy định nội dung, thực chất cuộc
đấu tranh giai cấp ở nước ta trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Ngay trước thời kỳ đổi mới, tại Đại hội lần thứ IV (tháng 12-1976), Đảng Cộng
sản Việt Nam đã chỉ ra tính chất của quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước
ta là “quá trình đấu tranh giai cấp gay go, phức tạp giữa hai giai cấp tư sản và vô
sản, giữa hai con đường tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Quá trình đó là quá
trình thực hiện ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng
khoa học - kỹ thuật và cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa
học - kỹ thuật là then chốt”. Trong quá trình đó, chúng ta phải kết hợp chặt chẽ
giữa cải tạo với xây dựng. Trong cải tạo có xây dựng và trong xây dựng có cải tạo,
trong đó xây dựng là chủ yếu. Chúng ta vừa xóa bỏ cái cũ, vừa xây dựng cái mới
“từ gốc đến ngọn. Phải tạo ra cả lực lượng sản xuất mới lẫn quan hệ sản xuất mới;
tạo ra cả cơ sở kinh tế mới lẫn kiến trúc thượng tầng mới”(6).
Sau 5 năm thực hiện những nhiệm vụ và mục tiêu do Đại hội lần thứ V của Đảng
vạch ra, “nhân dân ta anh dũng phấn đấu, khắc phục khó khăn, vượt qua trở ngại,
đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã
hội”(7). Tuy nhiên, do đánh giá tình hình cụ thể về các mặt kinh tế, xã hội của đất
nước có nhiều thiếu sót; vì vậy, trong mười năm (1975 - 1985), chúng ta đã phạm
sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ
thuật, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12 - 1986) đã đánh dấu cột mốc quan
trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Với thái độ “nhìn thẳng vào sự thật,
đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, ngoài việc đánh giá khách quan những thành
tích đã đạt được, Đại hội đã chỉ ra những yếu kém, phân tích sâu sắc những sai
lầm và khuyết điểm, vạch rõ nguyên nhân, nêu ra biện pháp khắc phục, xác định
nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu cho những năm còn lại của chặng đường đầu của
thời kỳ quá độ.
Về học thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp, Đại hội lần thứ VI của Đảng tiếp tục
khẳng định: “Thời kỳ quá độ ở nước ta, do tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội từ một
nền sản xuất nhỏ, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, đương nhiên phải lâu
dài và rất khó khăn. Đó là một thời kỳ cải biến cách mạng sâu sắc, toàn diện, triệt để
nhằm xây dựng từ đầu một chế độ xã hội mới cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản
xuất và kiến trúc thượng tầng. Đó là một thời kỳ đấu tranh giai cấp phức tạp, đấu
tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa trên tất cả các lĩnh
vực của đời sống xã hội nhằm giải quyết vấn đề “ai thắng ai””(8).
Tính phức tạp, khó khăn, lâu dài, triệt để… của cuộc đấu tranh giai cấp ở nước ta
được các kỳ đại hội trước đó xác định cho đến nay vẫn chưa có gì thay đổi.
Điểm mới trong Văn kiện Đại hội VI là ở chỗ, Đảng Cộng sản Việt Nam đề cập
đến vấn đề “chính sách giai cấp” và làm rõ nội hàm của chính sách giai cấp là
“chính sách đối với mỗi giai cấp và chính sách xử lý mối quan hệ giữa các lợi ích
của các giai cấp”. Ngoài ra, Đại hội còn chỉ rõ: “Trong thời kỳ quá độ, cơ cấu giai
cấp xã hội cũ dần dần được thay thế bằng cơ cấu giai cấp của xã hội mới”. Vì vậy,
đòi hỏi chúng ta phải “có quan điểm đúng đắn và thống nhất, kèm theo những
chính sách, biện pháp có hiệu quả xây dựng toàn diện giai cấp công nhân, giai cấp
nông dân tập thể và tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa, làm cho nền tảng chính trị -
xã hội của xã hội mới ngày càng vững chắc, ưu thế của lực lượng xã hội xã hội chủ
nghĩa trong cuộc đấu tranh giữa hai con đường ngày càng được phát huy mạnh
mẽ”(9). Quan điểm này của Đại hội VI tiếp tục được triển khai thực hiện một
cách thành công trong các kỳ đại hội tiếp theo, đặc biệt là trong các văn kiện Hội
nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa X “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân
Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (ngày 28-1-
2008), Hội nghị Trungương lần thứ bảy, khóa X “Về xây dựng đội ngũ trí thức
trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (ngày 6-8-2008)
và Nghị quyết “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (ngày 5-8-2008).
Vào những năm cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tình hình thế giới
có những biến đổi to lớn và sâu sắc. Kịch biến Liên Xô và Đông Âu đã đặt chủ
nghĩa xã hội hiện thực đứng trước những thử thách lịch sử to lớn. Đặc biệt, cuộc
cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang diễn ra một cách mạnh mẽ, cuốn
hút tất cả các nước ở mức độ khác nhau vào cuộc cách mạng này. Trước mắt, chủ
nghĩa tư bản còn có tiềm năng phát triển kinh tế, nhờ ứng dụng những thành tựu
mới của khoa học và công nghệ, cải tiến phương pháp quản lý, thay đổi cơ cấu sản
xuất, điều chỉnh các hình thức sở hữu và chính sách xã hội, v.v Tuy vậy, về mặt
xã hội - giai cấp, Đảng ta vẫn khẳng định: “Chủ nghĩa tư bản vẫn là một chế độ áp
bức, bóc lột và bất công… Mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân rộng rãi với
giai cấp tư sản… tiếp tục phát triển (người trích nhấn mạnh)”(10).
Cũng như các kỳ đại hội trước, tại Đại hội lần thứ VII, Đảng ta vẫn tiếp tục khẳng
định tính chất gay go, phức tạp cũng như phạm vi rộng lớn của đấu tranh giai cấp
trong thời đại ngày nay và chỉ rõ: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của
thời đại là cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc gay go, phức tạp của nhân dân các
nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(11). Sau 10 năm thực
hiện đường lối đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII, tại Đại hội
VIII, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: đất nước ta đã vượt qua một giai đoạn
thử thách gay go và “thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng…
cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước”. Tuy nhiên, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước tiếp tục phát
triển trong tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp và chứa đựng những
yếu tố khó lường. Trong đó, "đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp tiếp tục diễn
ra dưới nhiều hình thức. Nguy cơ chiến tranh thế giới hủy diệt bị đẩy lùi, nhưng
xung đột vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn xẩy ra ở nhiều
nơi”(12). Như vậy, tại Đại hội lần thứ VIII, Đảng ta vẫn tiếp tục nhấn mạnh tính
chất gay go, phức tạp của cuộc đấu tranh đó, đồng thời chỉ rõ tính đa dạng, phong
phú về hình thức của cuộc đấu tranh giai cấp ở nước ta trong tình hình mới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng họp vào thời điểm hết sức đặc biệt.
Thế kỷ XX đã kết thúc, thế kỷ XXI vừa bắt đầu, toàn Đảng, toàn dân ta đã trải qua
5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII và đạt được những thành tựu
quan trọng: kinh tế tăng trưởng khá; văn hóa, xã hội có những tiến bộ; đời sống
nhân dân tiếp tục được cải thiện; tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định; quốc
phòng và an ninh được tăng cường; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú
trọng; quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng, hội nhập kinh tế quốc tế
được tiến hành chủ động và đạt nhiều kết quả tốt, v.v Những thành tựu này đã
tăng cường sức mạnh tổng hợp, làm thay đổi theo hướng tích cực bộ mặt của đất
nước và cuộc sống của nhân dân, củng cố vững chắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa
xã hội, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, Đảng ta cũng nhận định, thế kỷ XXI tiếp tục có nhiều biến đổi: “Các
mâu thuẫn cơ bản trên thế giới biểu hiện dưới những hình thức và mức độ khác
nhau vẫn tồn tại và phát triển, có mặt sâu sắc hơn. Đấu tranh dân tộc và đấu tranh
giai cấp tiếp tục diễn ra gay gắt”. Cho dù trong vài thập kỷ tới ít có khả năng xẩy
ra chiến tranh thế giới, “nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân
tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp lật đổ, khủng bố còn xẩy ra ở
nhiều nơi với tính chất phức tạp ngày càng tăng”(13).
Như vậy, đến đầu thế kỷ XXI này, Đảng ta vẫn khẳng định tính tất yếu của đấu
tranh giai cấp trong xã hội có đối kháng giai cấp. Thậm chí còn nhấn mạnh tính
chất gay gắt, phức tạp ngày càng tăng của cuộc đấu tranh này.
Một trong những điểm mới của Đại hội IX là việc xác định nội dung, thực chất
cuộc đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là
“thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã
hội chủ nghĩa, khắc phục tình trạng nước nghèo, kém phát triển; thực hiện công
bằng xã hội, chống áp bức bất công; đấu tranh ngăn chặn và khắc phục những tư
tưởng và hành động tiêu cực, sai trái; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành
động chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng nước ta
thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, nhân dân hạnh phúc”(14). Theo đó,
nội dung đấu tranh giai cấp được Đảng ta xác định lần này chủ yếu mang “tính
chất kinh tế”. Nhưng giải quyết tốt nội dung kinh tế này cũng chính là giải quyết
tốt các vấn đề chính trị. V.I.Lênin từng nói rằng, "chính trị là sự biểu hiện tập
trung của kinh tế"(15) và "chính trị tức là kinh tế cô đọng lại"(16). Người còn nhấn
mạnh, suy cho cùng, cái đảm bảo cho thắng lợi của một trật tự xã hội mới là việc
giai cấp vô sản đưa ra và thực hiện được một kiểu tổ chức lao động xã hội cao hơn
so với chủ nghĩa tư bản.
Đại hội X của Đảng họp vào lúc toàn Đảng, toàn dân ta kết thúc 5 năm thực hiện Nghị
quyết Đại hội IX và sau 20 năm đổi mới đất nước. Đại hội đã kiểm điểm, đánh giá
việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX và quyết định phương hướng, nhiệm vụ phát
triển đất nước 5 năm tới. Những thành tựu mà Đảng ta, nhân dân ta thu được sau 20
năm đổi mới đất nước là rất “to lớn và có ý nghĩa lịch sử”(17). Tại kỳ Đại hội này,
vấn đề đấu tranh giai cấp không được đề cập một cách trực tiếp và thuật ngữ “đấu
tranh giai cấp” cũng không được sử dụng trong văn kiện. Tuy nhiên, không vì thế mà
vấn đề đấu tranh giai cấp lại bị xem nhẹ. Đảng ta vẫn khẳng định: “Các mâu thuẫn lớn
của thời đại vẫn rất gay gắt”, “những cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung
đột dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, hoạt động
khủng bố, những tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, biển đảo và các tài nguyên thiên
nhiên tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi với tính chất ngày càng phức tạp”(18). Chính tính
chất “ngày càng phức tạp” này đòi hỏi chúng ta không bao giờ được lơ là, mất cảnh
giác. Đặc biệt, “các mâu thuẫn lớn của thời đại vẫn rất gay gắt”. Trong các mâu thuẫn
lớn đó có mâu thuẫn giữa “tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất
với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất”(19). Mâu thuẫn
kinh tế này biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn giai cấp: mâu thuẫn giữa giai cấp vô
sản với giai cấp tư sản.
Sau 25 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời
kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XI
sắp tới, bên cạnh việc khẳng định “những thành tựu quan trọng” mà Đảng ta, nhân
dân ta đó đạt được (từ dùng của Dự thảo), Đảng ta đã xác định rõ: “Tuy hòa bình,
hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ
trang, khủng bố, bất ổn chính trị – xã hội, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ vẫn diễn
ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp… các thế lực thù địch tiếp tục chống phá, kích
động bạo loạn, đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình””(20). Do đó, cuộc đấu
tranh giai cấp ở nước ta vẫn tiếp diễn, chúng ta không bao giờ được mất cảnh giác
trước mọi âm mưu và thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là âm mưu
“diễn biến hòa bình” của chúng.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, với đường lối đối
ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; với tinh thần “Việt Nam là
bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào
tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”(21), chúng ta phải quán triệt sâu sắc quan
điểm thực tiễn, vận dụng sáng tạo, linh hoạt lý luận đấu tranh giai cấp trong thời
kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của V.I.Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Sự linh hoạt, sáng tạo đó thể hiện trong việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ và các
lực lượng xã hội tham gia vào cuộc đấu tranh giai cấp trong từng thời kỳ; ở việc
nhận thức đúng đắn mối quan hệ giai cấp – dân tộc – nhân loại, v.v
Kể từ Đại hội VI đến nay, việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta,
trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, được xác định là chủ trương có ý
nghĩa chiến lược và là vấn đề có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã
hội. Đây cũng chính là nội dung kinh tế của cuộc đấu tranh giai cấp hiện nay ở
nước ta.
Xuất phát từ những kết quả đạt được sau 10 năm đổi mới, từ những tiền đề đã
được tạo ra, đất nước ta đã chuyển sang giai đoạn mới, tại Đại hội lần thứ VIII,
Đảng ta xác định trong giai đoạn hiện nay lãnh đạo kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm,
xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Hai nhiệm vụ này có vai trò, vị trí khác
nhau nhưng quan hệ mật thiết với nhau và cùng hướng tới mục tiêu: dân giàu,
nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Cơ sở kinh tế của mục tiêu này
là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; là sự thống nhất lợi ích cơ
bản của giai cấp công nhân với lợi ích của đa số nhân dân lao động và của cả dân
tộc; là sự kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội. Cơ sở chính trị là
khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai
cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Cơ sở lý
luận của mục tiêu này là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đấu tranh giai cấp là một tất yếu đối với các xã hội có giai cấp (đặc biệt là trong xã
hội có đối kháng giai cấp). Đây là vấn đề có tính “nguyên tắc”, là cái “bất biến”.
Song nội dung, hình thức các cuộc đấu tranh này biểu hiện trong từng hoàn cảnh,
từng giai đoạn lịch sử lại khác nhau, đặc biệt trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội. Đúng như V.I.Lênin nói: “Trong điều kiện chuyên chính vô sản, những hình
thức đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản không thể giống như trước được”(22).
Điều này đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy, phải vận dụng sáng tạo lý luận về
giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cụ thể của
cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới và toàn cầu
hóa hiện nay. Mọi sự giáo điều, bảo thủ đều trái với bản chất của phép biện chứng
duy vật. q
(*) Phó giáo sư, tiến sĩ. Viện Triết học, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia
Hồ Chí Minh.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.75.
(2) V.I.Lênin. Toàn tập, t.26. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.69.
(3) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.4. Nxb Chính trị Quốc gia, Mátxcơva,
2002, tr.596-597.
(4) Thư C.Mác gửi Vây-đơ-may-e, ngày 5 tháng Ba 1852.
(5) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.10. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.13.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương
Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.49-
50.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới. Nxb Chính
trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.12.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.40-41.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.101-102.
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.313-314.
(11) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.314.
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.462-463.
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.617 - 618.
(14) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.635.
(15) V.I.Lênin. Toàn tập, t.42. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva,1979, tr.349.
(16) V.I.Lênin. Sđd., t.45, tr.147.
(17) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.67.
(18) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.73-74.
(19) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới. Nxb Chính
trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.617.
(20) Xem Báo Lao động, ngày 16-9-2010, tr.2.
(21) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X.
Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.112.
(22) V.I.Lênin. Toàn tập, t.39. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva,1977, tr.298.