Phong cách lãnh đạo của Steve Jobs: một nhà độc tài vĩ đại
Buổi sáng cách đây đúng một năm, ngày 5/10/2011, mình nghe được tin Steve Jobs
qua đời từ một người bạn, lúc cả hai đang chạy xe đến trường. Phản ứng đầu tiên là
bất ngờ và rất sốc, không thể tin được vị thuyền trưởng của Apple đã ra đi đột ngột
như thế. Thông tin nhanh chóng được truyền đi trên toàn thế giới, và hàng triệu
người hâm mộ Steve Jobs nói riêng và Apple nói chung thật sự tiếc nuối cho sự
mất mát lớn của làng công nghệ. Từ đó đến nay, đã có không biết bao nhiêu bài
viết, phóng sự nói về cuộc đời và sự nghiệp của con người tài ba này. Steve Jobs
và Apple đã tạo ra nhiều thay đổi lớn trong ngành công nghệ với các sản phẩm
mang tính cách mạng. Nhân kỷ niệm một năm ngày mất của Steve, mình muốn
chia sẻ suy nghĩ cá nhân về một khía cạnh của Steve cũng được rất nhiều người
quan tâm, đó là phong cách lãnh đạo của ông.
Nếu là một người dùng trung thành của Apple, hẳn bạn sẽ không thể quên những
buổi ra mắt sản phẩm mới do Steve chủ trì. Ông lên sân khấu với bộ trang phục
giản dị gồm quần jean và áo thu cổ lọ tối màu - một phong cách đã trở thành biểu
tượng của Steve. Tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát, và đặc biệt là tài hùng biện bậc
thầy, có khả năng hấp dẫn cả những người nghe khó tính nhất. Mình nhớ đã xem đi
xem lại đoạn clip giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007 không biết bao
nhiêu lần, không phải vì chiếc iPhone mà chính là vì quá thích thú với bài thuyết
trình của Steve. Rồi sau đó là phần phát biểu đầy cuốn hút của ông tại lễ tốt nghiệp
của đại học Standford vào năm 2005, với câu nói bất hủ ở cuối bài: "hãy cứ khát
khao, hãy cứ dại khờ".
Nói những điều đó ra ở đây là để cho mọi người thấy những khía cạnh tạm gọi là
bên ngoài mà chúng ta cũng như cả thế giới thường gặp ở Steve. Một con người có
phong cách giản dị, tài ăn nói hơn người, và quan trọng nhất là khả năng lãnh đạo
tài ba cùng với một tầm nhìn lớn - những gì đã giúp vực dậy Apple từ chỗ gần như
phá sản đến đỉnh vinh quang ngày hôm nay. Những điều đó đã khiến mình ngay
lập tức ngưỡng mộ Steve và nghĩ rằng những đồng sự của ông tại Apple quả là
những con người cực kỳ may mắn khi có cơ hội làm việc chung và học hỏi những
cái hay của Steve. Tuy nhiên, sau này khi tìm hiểu sâu hơn về phong cách quản lý
và lãnh đạo của Steve, mình bỗng chột dạ: liệu mơ ước làm việc dưới quyền ông
trước đây của mình có phải là một điều sáng suốt, ít nhất là đối với mình, hay
không?
Bài phát biểu của Steve tại lễ tốt nghiệp của đại học Standford năm 2005
Tốt nghiệp đại học ngành quản lý nên mình hiểu động viên nhân viên là công tác
vô cùng quan trọng của bất kỳ một giám đốc và nhà quản lý nào. Nhân viên là tài
sản quý giá nhất của doanh nghiệp, và chỉ bằng những biện pháp động viên tích
cực và xây dựng thì nhà quản lý mới có thể giúp nhân viên phát huy được 100%
năng lực của họ và đóng góp tối đa cho thành quả của công ty. Đây là bài học
không thể thiếu trong tất cả các lớp học nhân sự. Thế nhưng với Steve, mọi chuyện
lại khác. Ông không tuân theo bất kỳ một quy tắc quản lý nhân sự truyền thống
nào, nếu không muốn nói là đi ngược lại hoàn toàn.
Một giám đốc bình thường sẽ kêu gọi nhân viên đóng góp ý tưởng hay để người
lãnh đạo lắng nghe và chọn ra ý tưởng tốt nhất. Trong khi đó, Steve có một niềm
tin tuyệt đối vào ý kiến của bản thân mình, thậm chí là đến mức ám ảnh. Ông kiểm
soát mọi khía cạnh của một sản phẩm - Steve vốn nổi tiếng là cầu toàn, và những
quyết định cuối cùng đa phần đều đến từ ý tưởng của ông. Không những thế, Steve
từng bị cho là đã lấy cắp ý tưởng của người khác và tự nhận đó là của mình. Giai
thoại kể rằng khi một nhân viên A trình bày ý tưởng cho Steve, ông đã mắng xối xả
người này, và cho rằng ý tưởng đó chỉ đáng vất vào sọt rác. Đến phiên họp sau,
Steve trình bày ý tưởng của nhân viên A kia với niềm tự hào không che dấu, và
nhận đó là phát kiến của chính ông. Mình đã rất bất ngờ khi nghe thấy những câu
chuyện này. Với kiểu quản lý như thế, Steve sẽ khiến một nhân viên tích cực và có
động lực làm việc cao nhất cũng phải thất vọng và buông xuôi.
Steve còn được biết đến với phong cách động viên "cho roi cho vọt". Với ông, mọi
sai lầm đều đáng bị trừng phạt. Steve có thể thẳng tay sa thải một nhân viên trong
buồng thang máy nếu người này phạm một lỗi nghiêm trọng. Vào năm 2008, Steve
từng có một buổi họp rất nặng nề với nhóm phụ trách dịch vụ thư điện tử
MobileMe. Ông hỏi "có ai cho tôi biết chức năng chính của MobileMe là gì
không?". Nhận được câu trả lời từ thuộc cấp, ông tiếp tục: "vậy thì làm thế quái
nào mà nó lại không hoạt động đúng với những gì các anh đã trình bày?". Quãng
thời gian 30 phút sau đó là một sự nhiếc móc không thương tiếc của Steve dành
cho nhân viên: "Các anh đã làm ô danh Apple. Các anh nên căm ghét lẫn nhau đi,
vì đã làm cho tất cả phải thất vọng". Là một nhân viên, bạn sẽ nghĩ sao khi nhận
những câu nói trên từ sếp của mình?
Về phía Steve, ông đã từng nhấn mạnh rằng không việc gì phải chiều chuộng nhân
viên, mà ngược lại, nếu có trong tay một nhân viên giỏi, hãy tạo áp lực để khai thác
tối đa hiệu suất làm việc của anh/cô ta. Steve không quan tâm đến suy nghĩ và cảm
xúc của cấp dưới, điều quan trọng với ông là kết quả cuối cùng có đạt được hay
không. Không chỉ nhân viên Apple, mà công nhân trong chuỗi cung ứng của hãng
cũng phải chịu đựng sự vô tâm của Steve. Nhớ lại năm 2010, xuất hiện nhiều vụ
ùm xùm liên quan đến việc tự tử của công nhân tại nhà máy Foxconn, mà nguyên
nhân sâu xa là do điều kiện làm việc tối thiểu không được đảm bảo. Đỉnh điểm là
vào tháng 1/2012 khi 150 công nhân tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đe dọa tự
tử tập thể nếu yêu cầu tăng lương của họ không được chấp thuận. Foxconn lạnh
lùng trả lời rằng một là họ nghỉ việc và nhận đền bù, hai là ở lại làm việc và không
được tăng lương. Thế nhưng những công nhân quyết định nghỉ việc sau đó vẫn
không nhận được khoản đền bù nào.
Mặc dù đây là sự việc xảy ra ở một công ty đối tác của Apple, song với các quy
định rất chặt chẽ về điều kiện lao động của không chỉ cá nhân công ty đó mà còn
của cả các đối tác ở phương Tây, làm sao Steve có thể không biết những sự việc
xảy ra ở Foxconn, hoặc biết nhưng vẫn cho phép nó diễn ra?
Một tấm hình về Steve mà mình rất thích, vì nó lột tả được hết tính cách của ông
Steve là một con người của mẫu thuẫn. Điều này mình đã từng biết sau khi xem bộ
phim "Những tên cướp ở thung lũng Sillicon", kể về quá trình lập nghiệp của Steve
Jobs và Bill Gates. Tuy nhiên, việc một Steve Jobs tài hoa và lôi cuốn trước đám
đông lại có thể trở thành một ông sếp bản năng, bẳn tính và thô lỗ sau cánh cổng
Apple như thế thì thật là khó tin. Dưới quyền của Steve đều là những con người
cực kỳ giỏi giang, hà cớ gì họ phải cam chịu lối hành xử chuyên quyền đến mức
độc tài như thế? Họ hoàn toàn có thể rời bỏ Apple để đến với những tập đoàn lớn
không kém và có môi trường làm việc có thể nói là thoải mái hơn cơ mà? Ở đây,
mình không bảo vệ cho Steve, mà đang thử giải thích lý do cho sự trung thành
đáng ngạc nhiên của nhân viên Apple.
Theo ý kiến của mình, yếu tố quan trọng nhất ở đây chính là sự ngưỡng mộ tài
năng của Steve. Nhân viên có thể cảm thấy bị xúc phạm khi nhận những lời chỉ
trích, song không ai có thể phủ nhận tài lãnh đạo xuất sắc của Steve tại Apple. Sự
ngưỡng mộ đó lớn hơn các cảm xúc cá nhân, và nó giúp cho nhân viên gắn bó lâu
dài với Apple, bất chấp việc bản thân họ có thể có những lúc không vui. Việc thẳng
tay la mắng nhân viên, một mặt bị cho là có thể gây ra tâm lý tiêu cực, song nhìn từ
góc độ khác, nhân viên vì muốn bảo vệ niềm kiêu hãnh và chứng tỏ khả năng của
mình, có động lực để hoàn thành công việc tốt hơn. Sự tự hào là một nét đặc trưng
của Apple, vì thế không có gì ngạc nhiên khi nó đi vào suy nghĩ của tất cả nhân
viên ở đây. Thuộc cấp của Steve bị khiển trách, nhưng họ biết Steve coi trọng năng
lực của họ, vì nếu không thì họ đã không còn ngồi ở đó. Điều này giúp giải thích
cho sự tiếc nuối của nhân viên Apple khi Steve Jobs từ chức giám đốc điều hành
hơn một tháng trước khi ông qua đời.
Steve mất, Apple được chuyển giao lại cho Tim Cook điều hành, và ngay lập tức
chúng ta thấy sự khác biệt trong phong cách lãnh đạo giữa hai thế hệ. Dưới thời
Steve, rất hiếm có chuyện ông đi thăm nhà máy sản xuất của đối tác, và niềm kiêu
hãnh cá nhân không cho phép ông và Apple nhận sai, như chúng ta đã thấy với lỗi
ăng ten trên iPhone 4. Trong khi đó, Tim Cook thể hiện một phong thái thân thiện
hơn, ông gửi thư cho nhân viên, ghé thăm nhà máy của Foxconn, và mới đây đã
viết một bức thư xin lỗi khách hàng về lỗi bản đồ trên iOS 6. Mình xin phép không
so sánh phong cách nào tốt hơn, vì cá nhân chưa đủ trình độ để đánh giá tài lãnh
đạo của những CEO hàng đầu thế giới. Song việc Apple đang có những bước thay
đổi là rõ ràng và không thể phủ nhận.
Từ đầu đến giờ chúng ta nói nhiều đến phong cách lãnh đạo, vậy bài học có thể rút
ra từ Steve Jobs là gì? Với cá nhân mình thì cách điều hành của Steve chỉ có thể
hiệu quả nếu bạn là Steve Jobs. Hãy chắc chắn rằng bạn là một giám đốc có tầm
nhìn mang tính cách mạng, phong thái hùng biện lôi cuốn và tài năng thiên bẩm,
trước khi học hỏi và áp dụng phong cách lãnh đạo của Steve. Với tất cả những nhà
quản lý bình thường khác thì tốt hơn hết là hãy nghe theo sách vở, quan tâm và
động viên nhân viên một cách đúng mực nếu muốn hoạt động của công ty được tốt.
Theo Tinhte