Hãy kể lại một trong những mẩu
chuyện trong truyện ngắn Lão Hạc
Tôi là vợ ông giáo, sống cùng làng với lão Hạc. Nhà chúng tôi đã nghèo khó,
lão Hạc còn nghèo khó hơn. Nhà lão thuộc "loại nhất nhì trong hạng cùng đinh" ở làng
Đại Hoàng này, đã vậy lão còn phải cảnh "gà trống nuôi con" mấy năm nay. Con trai
lão cũng đẹp giai, sáng sủa nhưng cũng tại cái túng quẫn quá nên không cưới được vợ,
mặc dù hai cô cậu cũng thuận lòng nhau lắm. Phẫn chí quá nên nó bỏ cha đi đồn điền
cao su sáu, bảy năm nay. Ở nhà một mình, lão Hạc chỉ biết làm bạn với con chó mà
con trai lão mua về, lão gọi nó là cậu Vàng. Lão thương cậu Vàng lắm, thường hay
tâm tình với nó, lão còn cho nó ăn bằng bát như người. Cũng khổ thân cho ông lão,
chỉ còn mỗi cậu Vàng làm bạn quanh quẩn cái khu vườn rộng ba sào ấy. Tôi cũng
thương cho lão, nhất là khi lão bán cậu Vàng đi.
Những tưởng có cậu Vàng là niềm an ủi suốt đời. Nào ngờ ông trời chẳng
thương xót gì cho dân nghèo chúng tôi, tất nhiên có cả lão Hạc. Chỉ trong phút chốc,
cơn bão tàn nhẫn đi qua làng đã cuốn đi hết ruộng rẫy, nhà cửa. Đúng thật là bất công!
Vợ chồng tôi dành dụm bấy lây nay mới chắt chiu được dăm ba đồng mà thoắt cái đã
tiêu tan hết cả. Lão Hạc cũng chẳng khá hơn, căn nhà lụp xụp không đủ hai người tan
hoang, đồng ruộng, hoa màu tiêu tán, đã thế lão còn lăn ra bệnh. Nhưng đến lúc này
tôi cũng chẳng thương tiếc gì lão, nhà tôi không lo được thì biết lo cho nhà ai nữa!
Lão nằm liệt giường những tận hai tháng, chồng tôi thỉnh thoảng vẫn qua thăm,
lão nhờ chồng tôi mua thuốc men chữa chạy, tôi đếm chừng chắc lão cũng đã vơ vét
hết tài sản vào trận ốm đó rồi. Cũng may là lão kịp khoẻ, nhưng trong nhà lão chẳng
tìm được thứ gì đáng giá cả. Chắc cùng đường quá nên lão quyết định bán cậu Vàng.
Trước khi bán, lão còn qua nhà tâm sự với chồng tôi.
Ngồi rửa bát ngoài giếng, tôi cũng nghe lỏm được vài câu. Coi bộ lão Hạc đắn
đo lắm mới đem bán cậu Vàng, còn chồng tôi thì tỏ vẻ quan tâm, nhưng tôi biết ông
chẳng thông cảm gì, cái dân trí thức nghèo thì chỉ biết lo cho mấy cuốn sách của mình
mà thôi. Còn về phần tôi, tôi cũng chẳng bất ngờ với quyết định này, sớm muộn gì thì
cậu Vàng cũng có cái kết như vậy, giữ lại làm quái gì cho khổ thân. Tôi nghĩ thầm và
khi lão về tôi cũng chẳng thèm liếc lão một cái. Với tôi, lão Hạc là người dở hơi, đã
nghèo mà còn sĩ diện, bày đặt giữ lại con chó Vàng giống như nhà giàu, đúng là
không biết thân biết phận.
Vài ngày sau, khi đang đi giặt đồ ngoài sông về ngang qua nhà lão Hạc, tôi
chợt thấy hai thằng lính nhà ông trưởng làng nấp dưới khóm lau trước sân, tay chúng
còn cầm cả dây thừng và một cái bao. Tôi chủ động tránh xa chúng vì bọn này chẳng
tử tế gì. Thế mà vừa về đến nhà, tôi đã thấy lão Hạc chạy ngay đằng sau, trông lão vừa
đáng thương vừa đáng cười: tóc tai rũ rượi, quần thì ống thấp ống cao, lão chạy đi mà
như người sắp ngã đến nơi, vừa thở hổn hển lão vừa gọi:
- Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!
Đến bấy giờ tôi mới biết hai thằng lính đứng đấy làm gì. Nhưng lúc này tôi chỉ
tập trung vào lão Hạc, tôi cũng gọi theo:
- Mình ơi, ra lão Hạc có chyện rồi này!
Chồng tôi hối hả chạy ra, trên cổ choàng cái khăn, quần áo thì xộc xệch, chắc là
ông mệt quá nên ngủ thiếp đi. Chắc cũng đoán ra sự tình, chồng tôi mới hỏi:
- Thế nó cho bắt dễ thế hả cụ?
Trong đầu tôi cũng thắc mắc, cậu Vàng vốn thông minh mà lại để chúng lôi đi
dễ dàng như vậy sao. Lão Hạc chống tay lên trán, dường như không chịu nổi sức nặng
của chính mình, lão đổ phịch xuống sân, mắt ngân ngấn nước:
- Khổ quá, ông giáo ạ! Nó có biết gì đâu. Tôi cho nó ăn, vừa ngồi vừa kể
chuyện để nó ngoan. Thế là thằng Mục với thằng Xiên xồng xộc chạy vào xốc ngửa
cậu Vàng lên rồi trói lại, dã man lắm. Rồi chúng cho cậu vào bao khiêng đi. Cậu cũng
vẫy vùng ghê lắm, miệng vừa gặm lấy bao vừa rên ư ử, ánh mắt nhìn tôi như trách:
“A! Lão già tệ bạc! Tôi đối xử với lão như thế mà lão cho tôi thế này đây…!”Tôi tiếc
lắm,cậu ấy là kỉ vật của cháu nó mà tôi không giữ lại được, tôi tệ quá, tệ quá!
Đến nước này thì lão thật là khổ. Khuôn mặt của con người từng trải qua đau
buồn hiện rõ lên: những nếp mắt trên trán dồn lại từng đường, xô vào nhau ép cho
nước mắt chảy ra. Chồng tôi xúc động ngồi xuống cạnh lão nói:
- Cụ đừng buồn nữa, cụ làm thế là đúng! Mình bán nó là hoá kiếp cho nó, giúp
nó đầu thai kiếp khác sướng hơn.
Tôi cũng nói một câu để an ủi:
- Thôi, hai ông cháu vào trong thềm ngồi để tôi đi đun ấm trà rồi lấy thuốc lào
ra cho các ông hút đỡ buồn.
- Vợ tôi nói phải đấy cụ ạ! Với chúng mình thì thế là sướng rồi. Cụ vào ngồi
đây.
Tôi toan đi đun nước thì lão Hạc ngăn lại, lão đã lau hết nước mắt nhưng mắt
vẫn đỏ, lão xua tay:
- Bà giáo cứ mặc tôi. Bây giờ tôi xin phép có đôi lời với ông giáo một lúc.
Tôi bỗng giận lão Hạc vì xem thường lời mời của tôi, tôi không nói gì rồi lẳng
lặng đi cho đàn gà ăn. Thật ra tôi cũng chẳng thương hại gì cho con chó của lão, toi
chỉ tủi cho lão đã già mà khổ, thế thôi, vậy mà lão vẫn cứ sĩ diện.
Tôi ngồi ngoài vườn nhưng cố tập trung vào chuyện giữa hai người kia. Đại
loại lão Hạc nhờ chồng tôi giữ hộ 30 đồng để làm tang khi lão chết và giữ luôn mảnh
vườn cho đến khi con trai lão về. Tôi chỉ biết được có thế vì có vẻ lão Hạc đã lặng lẽ
ra về từ lúc nào, trông chồng tôi suy tư lắm.
Qua câu chuyện trên, tôi thấy lão Hạc thật khó hiểu, có lúc lão tốt, còn lúc thì
thật giả tạo. Tôi thấy thế thật vì lão chẳng bao giờ tiếp nhận giúp đỡ của ai, ngay cả tôi
đôi khi cũng khong ưa gì lão, nhưng cũng phải công nhận rằng lão thật đáng thương,
khốn khó.