Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

Những thông tin cần biết về chủng ngừa potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (180.25 KB, 12 trang )



Những thông tin cần biết
về chủng ngừa

Tục ngữ có câu: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Câu nói tưởng
chừng đơn giản đó nhưng chứa đựng một ý nghĩa vô cùng
lớn lao, thể hiện sự quan tâm không chỉ của những thầy thuốc
mà còn của tất cả mọi người đối với việc phòng bệnh.
Với hy vọng tự bảo vệ mình khỏi những bệnh nguy hiểm
luôn đe dọa tính mạng, nhiều biện pháp phòng bệnh đã được
con ngừơi áp dụng. Mặc dù vậy, loài người vẫn bị đe dọa bởi
nhiều đại dịch nguy hiểm khi hàng triệu người và rất nhiều
người đã bị tử vong hoặc mang di chứng, thương tật.
Cho đến cuối thế kỷ thứ 18, sự ra đời của vắc-xin phòng bệnh
đậu mùa đã đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trên bước
đường tìm kiếm những vũ khí bảo vệ con người trước bệnh
truyền nhiễm. Sang thế kỷ 20 cùng với sự phát triển như vũ
bão của y học nhiều loại vắc-xin phòng bệnh mới được khám
phá, góp phần bảo vệ loài người chống lại nhiều căn bệnh
truyền nhiễm mà trước đây đã từng là hung thần đe dọa sự
sống của con người. Và chủng ngừa hay tiêm vắc-xin phòng
bệnh đã trở nên rất quen thuộc đối với mọi người, mọi gia
đình trên toàn thế giới.
1. Chủng ngừa là gì? Vắc-xin là gì?
Khi một sinh vật xâm nhập vào cơ thể chúng ta thì cơ thể sẽ
nhận biết được sự xâm nhập này và sản xuất ra những chất
gọi là kháng thể. Kháng thể có 2 nhiệm vụ:
(1) Tiêu diệt vi sinh vật đó
(2) Tồn tại trong máu trong một thời gian dài để bảo vệ cơ
thể chống lại chính vi sinh vật đó trong những lần xâm nhập


về sau.
Do vậy chủng ngừa còn gọi là “tiêm chủng” hay “tiêm ngừa”
là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả được thực hiện bằng
cách đưa vắc-xin vào cơ thể người chưa từng bị nhiễm bệnh
và hệ thống miễn dịch còn nguyên vẹn để kích thích cơ thể
sản xuất kháng thể chống lại vi sinh vật trước khi chúng gây
bệnh cho cơ thể. Thuốc chủng ngừa được gọi là vắc-xin.
Vắc-xin là những chế phẩm được làm từ chính vi sinh vật
(hoặc từ một phần cấu trúc) đã bị chết hoặc đã bị làm yếu đi.
Vì vậy vắc-xin không có khả năng gây bệnh cho cơ thể.
2. Chủng ngừa có những lợi ích gì?
Chủng ngừa bảo vệ cơ thể chúng ta không bị mắc những
bệnh do vi sinh vật gây nên. Không những thế chủng ngừa
còn giúp cho những người sống quanh ta không bị nhiễm căn
bệnh đó. Vì khi một người bị nhiễm một mầm bệnh truyền
nhiễm thì không chỉ bản thân người đó bị bệnh mà còn trở
thành một đầu mối phát tán căn bệnh đó cho những người
xung quanh. Do vậy, chủng ngừa giúp cho ta không bị bệnh
và những ngừơi sống quanh ta cũng không bị lây bệnh bởi ta.
Nhờ có chủng ngừa mà nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy
hiểm đã được khống chế, thậm chí được thanh toán hoàn
toàn.
Từ khi y học tìm ra vắc-xin phòng bệnh, nhiều bệnh truyền
nhiễm nguy hiểm đã được khống chế, đặc biệt có bệnh truyền
nhiễm nguy hiểm đã được thanh toán trên toàn thế giới như
bệnh Đậu mùa.
Ở nước ta với hơn 20 năm hoạt động từ năm 1985 đến nay,
Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã triển khai chủng ngừa
nhiều loại bệnh nguy hiểm như Lao, Bạch Hầu, Uốn ván, Ho
gà, Bại liệt, Sởi, Thương hàn, Viêm gan Siêu vi B cho trẻ em

và thai phụ trong toàn quốc, góp phần làm giảm rõ rệt tỷ lệ
mắc các bệnh này trong dân số cả nước. Chương trình đã đạt
được nhiều thành tựu rực rỡ như:
- Thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000.
- Loại trừ Uốn ván sơ sinh vào năm 2005.
- Khống chế bệnh Sởi.
- Tỷ lệ mắc bệnh Bạch hầu cũng giảm rõ rệt từ 3,9
ca.100.000 dân xuống còn 0,2 ca/100.000 dân.
3. Ngoài những tác dụng có lợi, chủng ngừa có thể dẫn
đến những tác dụng phụ nào?
Củng như các loại thuốc, các vắc-xin có thể gây ra một số tác
dụng phụ còn gọi là những phản ứng sau tiêm chủng.
Những phản ứng này thường nhẹ như sưng-đỏ-đau tại chỗ
chích hoặc sốt nhẹ. Những phản ứng nặng rất hiếm khi
xảy ra. Trước khi tiêm chủng, nhân viên y tế sẽ trao đổi với
người được tiêm chủng hoặc cha mẹ của trẻ được tiêm chủng
về những phản ứng sau tiêm chủng đó.
Nhưng một điều quan trọng cần lưu ý là nếu không chủng
ngừa thì khi bị bệnh sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với
những phản ứng do việc tiêm chủng gây ra.
4. Có phải chủng ngừa có thể dẫn đến một số tai biến
nguy hiểm thậm chí có thể chết ngừơi? Có phải chủng
ngừa cũng là nguyên nhân gây ra bệnh chim sệ cánh ở
trẻ?
Như đã trình bày ở trên, các phản ứng nặng sau tiêm chủng
rất hiếm khi xảy ra. Thậm chí phản ứng dẫn đến tử vong chỉ
là trường hợp hy hữu trên thế giới (thông thường nhỏ hơn
1/1.000.000 mũi.
Bệnh chim sệ cánh là tên gọi nôm na của bệnh “xơ hóa cơ
delta”. Cơ delta là bắp cơ nằm ở đầu trên cánh tay, sát với

vai. Nguyên nhân của bệnh này hiện đang được các nhà
nghiên cứu. Hiện tại chưa có bằng chứng cho rằng tiêm
ngừa có thể là nguyên nhân của bệnh chim sệ cánh.
5. Những đối tượng nào cần phải chủng ngừa?
Mọi người đều cần phải chủng ngừa để được bảo vệ khỏi
những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các đối tượng cần ưu
tiên được chủng ngừa bao gồm:
- Trẻ em
- Thai phụ
- Phụ nữ trong tuổi sinh đẻ
- Tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với bệnh truyền
nhiễm.
Việc tiêm ngừa có thể tạm hoãn đối với những người đang có
tình trạng nhiễm trùng cấp tính hoặc có dị ứng với những
thành phần của vắc-xin.
Các vắc-xin sống thường không được tiêm cho phụ nữ có
thai. Vì vậy trước khi tiêm ngừa, cần phải được bác sĩ thăm
khám và hướng dẫn lịch tiêm chủng phù hợp.
6. Khi nào cần chủng ngừa?
Việc chủng ngừa có thể được thực hiện ngay từ lúc trẻ còn
rất nhỏ (vì dụ chủng ngừa Lao được thực hiện ngay sau khi
sinh) cho đến suốt đời. Tùy theo lứa tuổi có thể có đáp ứng
miễn dịch, tình trạng sức khỏe bản thân cũng như các yếu tố
gia đình, điều kiện môi trường xung quanh… sẽ có những
khuyến cáo sử dụng các loại vắc-xin phù hợp cho từng đối
tượng. Việc bắt đầu chủng ngừa một loại vắc-xin cần phải
tuân thủ theo lịch tiêm chủng do các nhà khoa học đưa ra sau
nhiều năm nghiên cứu và phải có chỉ định tiêm ngừa và theo
dõi của nhân viên y tế.
7. Cần phải chủng ngừa những bệnh nào?

Hiện nay nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vắc-xin
phòng bệnh nhờ đó số người bị những bệnh này đã giảm
xuống rõ rệt. Một số các bệnh cần chủng ngừa trong Chương
trình tiêm chủng mở rộng quốc gia gồm: Lao, Bại liệt, Bạch
hầu, Uốn ván, Ho gà, Sởi và Viêm gan siêu vi B. Chương
trình áp dụng cho trẻ dưới 1 tuổi và phụ nữ có thai và được
thực hiện tại tất cả các trạm y tế phừơng xã, các phòng khám
sức khỏe trẻ em quận huyện và Khoa sản của các bệnh viện
công lập.
Ngoài ra, các cơ sở y tế được phép tổ chức tiêm ngừa như các
bệnh viện, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm y tế quận
huyện có thể thực hiện chủng ngừa nhiều loại vắc-xin phòng
các bệnh như Viêm gan siêu vi A, Viêm gan Siêu vi B, Viêm
não Nhật Bản, Thương hàn, Quai bị, Sởi, Rubella, Thủy đậu
(Trái rạ), Viêm màng não mủ do Haemophilus influenza type
B (Hib), Viêm màng não mủ do não mô cầu, Cúm, Viêm
phổi, Bại liệt… cho tất cả những ai có nhu cầu.
8. Nên đi chủng ngừa tại những cơ sở y tế nào?
Có thể đi chủng ngừa tại tất cả các cơ sở y tế được phép tổ
chức tiêm ngừa có tuân thủ các nguyên tắc trong an toàn tiêm
chủng từ khám chỉ định trước khi tiêm, dây chuyền lạnh bảo
quản vắc-xin, kỹ thuật tiêm chủng.
9. Xử trí như thế nào khi bị những tác dụng phụ sau
chủng ngừa?
Tùy theo loại tác dụng phụ sau khi chủng ngừa sẽ có những
cách xử trí khác nhau.
* Đối với những phản ứng nhẹ như sưng đau tại chỗ tiêm
và sốt nhẹ, có thể xử trí tại nhà bằng cách cho uống
Paracetamol và chườm lạnh chỗ tiêm.
* Đối với những phản ứng nặng hơn như sốt cao, co giật,

tím tái… cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế để được thăm
khám và điều trị thích hợp.
* Điều cần lưu ý là phải theo dõi các phản ứng sau tiêm vắc-
xin, nếu có da tím tái, mệt, sốt cao, trẻ khóc nhiều không dứt
cần phải đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất.
10. Kết luận
* Chủng ngừa là để tạo ra kháng thể đặc hiệu chống lại các vi
sinh vật xâm nhập và gây bệnh cho cơ thể. Do vậy chủng
ngừa giúp cơ thể không mắc bệnh khi tiếp xúc với tác nhân
gây bệnh và góp phần làm giảm số mắc bệnh, tử vong trong
cộng đồng.
* Vắc-xin được làm từ một phần cấu trúc của vi sinh vật hoặc
từ chính vi sinh vật đó nhưng đã chết hoặc bị làm yếu đi. Do
vậy vắc-xin không gây bệnh cho cơ thể.
* Chủng ngừa có thể dẫn đến một số phản ứng nhẹ như: sốt,
sưng đau tại chỗ tiêm. Các phản ứng nặng hơn hiếm khi xảy
ra. Các phản ứng nhẹ sau tiêm có thể được xử trí tại nhà.
* Hiện tại vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy
tiêm chủng là nguyên nhân gây ra bệnh “chim sệ cánh”.
* Cần lưu ý rằng nếu không chủng ngừa thì khi bị bệnh sẽ
nguy hiểm hơn nhiều so với các phản ứng do tiêm chủng gây
ra.
Tóm lại, tiêm chủng phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu giúp
phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hiện nay, góp
phần bảo vệ sức khỏe và đem lại cuộc sống tươi vui cho mọi
người. Cùng với sự ra đời và phát triển của tiêm chủng phòng
bệnh, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã bị đẩy lùi. Để
tiêm chủng phòng bệnh luôn là bạn đồng hành trên con
đường bảo vệ sức khỏe mỗi người chúng ta hãy thực hiện
theo đúng những hướng dẫn, khuyến cáo về tiêm chủng

phòng bệnh của những nhà y học, góp phần bảo vệ bản thân,
gia đình và những ngừơi sống quanh ta tránh khỏi những
bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Nguồn: Medinet
Theo Khoa Dịch tễ - Trung tâm Y tế Dự phòng

×