Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

NGỮ NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ NGHĨ TRONG TIẾNG VIỆT docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (224.92 KB, 9 trang )



111

TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, tập 72A, số 3, năm 2012


NGỮ NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ NGHĨ TRONG TIẾNG VIỆT
Nguyễn Thị Thu Hà
Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

Tóm tắt. Bài viết này không chỉ thu thập nghĩa của động từ nhận thức “nghĩ” trên
cơ sở định nghĩa của từ điển mà còn xem xét những ngữ cảnh khác nhau nơi động
từ này có thể xuất hiện và được thay thế bởi các từ đồng nghĩa. Điều này cho phép
chúng ta hình dung một cách đầy đủ những đặc trưng ngữ nghĩa của “nghĩ” và
những từ đồng nghĩa với nó trong tiếng Việt.

1. Đặt vấn đề
Hoạt động nhận thức là hoạt động bản chất và đặc thù của con người. Thời nào
và ở đâu cũng thế, con người không thể tồn tại và phát triển nếu không có nhận thức.
Nhưng hoạt động này có tính tinh thần, hoàn toàn trừu tượng, diễn ra không có một dấu
vết nào, nhờ phương tiện ngôn ngữ mà được di chuyển ra bên ngoài. Chính ở đây, trong
quá trình sáng tạo ngôn ngữ, con người đã có nhu cầu gọi tên hoạt động này bằng một
số các từ ngữ gọi chung là từ ngữ chỉ hoạt động nhận thức, bao gồm nghĩ, nghĩ bụng,
tính, đoán, suy, động não, lưu tâm, hiểu, biết, nhớ, quên, nhận thấy, vỡ vạc Trong số
này, chúng tôi quan tâm đến động từ nghĩ.
Nghĩ được chọn làm từ đại diện cho nhóm này là bởi:
- Nó được xem là từ nguyên sơ (primary word) của ngôn ngữ tự nhiên, thuộc
vào những từ có năng lực làm siêu ngôn ngữ để giải thích, minh họa cho các từ phức
tạp khác trong phạm trù ngữ nghĩa liên quan đến hoạt động nhận thức. Điều này đã
được A. Wierzbicka công bố trong cuốn sách Các sơ giản ngữ nghĩa (Semantic


primitives) vào năm 1972 (được bổ sung qua các năm 1980, 1996), trong đó động từ
think (nghĩ) được xếp vào mục vị từ tinh thần (cùng với know, want, feel, see, hear).
- Nó cùng với một số động từ cảm nghĩ cơ bản khác (hiểu, biết, cảm thấy, tin,
yêu, muốn ) tạo nên một tiểu hệ thống từ vựng quan trọng nối kết với thế giới tinh thần
thầm kín của con người.
2. Nghĩa của động từ nghĩ trong tiếng Việt
Trong Giáo trình Việt ngữ (1962), căn cứ vào ý nghĩa khái quát của các vị từ,
Hoàng Tuệ đã xếp biết, hiểu vào động từ biểu thị trạng thái nhận thức, và xếp nghĩ vào
động từ biểu thị hoạt động nhận thức. Chúng tôi tán thành cách phân loại này.


112

Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên ghi lại nghĩa của biết như sau:
1. vận dụng trí tuệ vào những gì đã nhận biết được, rút ra nhận thức mới để có ý
kiến, sự phán đoán, thái độ. Nghĩ mưu kế. Nghĩ cách đối phó.
2. có ở trong tâm trí, nhớ đến, tưởng đến. Đi xa, lúc nào cũng nghĩ về quê hương.
Nghĩ đến công ơn cha mẹ
3. cho là/rằng sau khi đã nghĩ. Tôi nghĩ thế nào anh ấy cũng đến.
Trên cơ sở lời giải nghĩa của từ điển, căn cứ vào một số ngữ cảnh mà động từ
nghĩ xuất hiện, khi xem xét nghĩ trong sự liên hệ ngữ nghĩa với một số các động từ
nhận thức gần nghĩa với nó, chúng tôi nhận thấy nghĩa của nghĩ trong tiếng Việt có
những thuộc tính sau:
a. +/- tính đánh giá, tính nhận định của chủ thể nhận thức đối với đối tượng
nhận thức (kí hiệu: + :có , - :không có )
-/+ tính đánh giá, tính nhận định: nghĩ
- tính đánh giá, tính nhận định: cho (rằng/ là)
Nghĩ có thể xuất hiện trong những phát ngôn đơn giản, hầu như chỉ thuần túy
giới thiệu tình trạng của các sự việc còn cho rằng/ là, thấy luôn trình bày một sự đánh
giá, một cách nhìn, một sự suy xét có tính phân loại, tuyển lựa, nghĩa là ở đó đối tượng

nhận thức được +/- đồng tình, được đánh giá đúng/ sai, được giải thích, phân loại theo
những cách chủ quan của người nói, và vì thế, cho rằng/ là, thấy thường xuất hiện trong
những phát biểu có tính nhận định, có tính đánh giá.
So sánh:
(Nghe tiếng gõ cửa), ai đó có thể nói:
- Tôi nghĩ anh ta đến.
- Sofa đã uống những thứ ngon nhất của họ. Cô ta nghĩ là tôi không để ý, cô ấy
liếc nhìn tôi. (dẫn theo Juri)
- Anh nghĩ là em đỏ mặt à, còn lâu!
- Nhìn cậu tươi tỉnh thế kia không ai nghĩ là cậu đau đâu.
với những phát ngôn có tính đánh giá rõ ràng như:
- Tôi cho rằng đây là sai lầm của chúng ta.
- Cậu đúng khi cho rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.
- Từ đó Hợi hoàn toàn cự tuyệt tôi, cho tôi là xảo trá, hèn hạ, không xứng đáng
với tình yêu của Hợi. (Ăn mày dĩ vãng – Chu Lai)
- Tôi thấy chẳng có mất mát gì lớn ở đây cả.


113

- Tớ thấy anh ta chẳng có năng lực gì.
Rõ ràng, thấy, cho rằng/là trong hầu hết các ngữ cảnh đều chỉ ra những phát
biểu có tính đánh giá (đúng, sai, cần thiết/ không cần thiết…) và vì vậy, thường được sử
dụng trong cấu trúc kiểu như: thấy ai đó/ cái gì đó như thế nào; trong khi đó nghĩ có
thể xuất hiện trong những phát ngôn đơn giản, không có tính đánh giá.
Tuy nhiên sẽ không bao quát đầy đủ ngữ nghĩa của nghĩ nếu chúng ta chỉ giới
hạn nghĩa của nghĩ vào những phát ngôn đơn giản, thuần tuý phản ánh tình trạng của sự
việc như đã nói, vì trong nội bộ ngữ nghĩa của nghĩ có một vùng hoạt động như nghĩa
của cho là/rằng, thấy, tức nghĩ cũng mang hàm lượng đánh giá về đối tượng và lúc này,
có thể nói nghĩ đồng nghĩa với cho là/rằng, thấy. Xem xét những ví dụ sau:

- Tôi cho rằng/ nghĩ đây là sai lầm của chúng ta.
- Cậu đúng khi cho rằng/ nghĩ điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.
- Từ đó Hợi hoàn toàn cự tuyệt tôi, cho/ nghĩ tôi là xảo trá, hèn hạ, không xứng
đáng với tình yêu của Hợi. (Ăn mày dĩ vãng – Chu Lai)
- Tôi thấy/ nghĩ chẳng có mất mát gì lớn ở đây cả.
- Tôi nghĩ/thấy cô ấy quá tệ khi cư xử với anh như thế.
- Tôi nghĩ/ cho rằng/thấy chúng ta không nên ở lại đây (khi mà không khí căng
thẳng thế này)
Ở đây, tính nhận định, đánh giá thể hiện rõ qua sự kết hợp giữa những động từ
nhận thức: nghĩ, cho (rằng/ là), thấy + sự bình giá: đúng/ sai, +/- cần thiết, +/- đến lúc,
+/- có lí Ví dụ:
- Cậu đúng khi cho rằng/ nghĩ rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.
- Tôi nghĩ/cho rằng chúng ta đã sai lầm khi đánh giá anh ta quá thấp.
- Tôi nghĩ/ cho rằng đã đến lúc (cần thiết/không cần thiết) phải đưa ra những
quyết định cuối cùng.
- Tôi nghĩ/ cho rằng nhất thiết chúng ta phải kiểm tra thông tin này.
- Đã đến lúc tôi nghĩ không biết có nên gắn bó tiếp với anh nữa hay không. (Ăn
mày dĩ vãng – Chu Lai)
Từ sự phân tích trên đây (trong sự liên hệ với cho là / rằng), chúng tôi nhận thấy
cho là/ rằng bao giờ cũng mang sự đánh giá chủ quan của chủ thể phát ngôn nhưng nghĩ
có thể chỉ là hoạt động nhận biết đối tượng một cách thuần túy, không nhất thiết phải kèm
theo yếu tố bình giá hay nhận định. Nhưng khi nghĩ xuất hiện trong những phát ngôn thể
hiện sự đánh giá chủ quan của người nói, lúc này có thể thấy nghĩ đồng nghĩa với cho
là/rằng (đây chính là nghĩa thứ 3 của nghĩ được giải nghĩa ở trong từ điển tiếng Việt).


114

Yếu tố chủ quan trong những phát ngôn do nghĩ đảm nhiệm được "nén" trong
những cấu trúc như: Không biết làm sao lại nghĩ như thế (về ai đó). Cấu trúc này được

chính chủ thể hoặc của người đứng ngoài sử dụng nhằm "đặt vấn đề" trở lại với những
gì chủ thể đã nghĩ.
b. +/- Mức độ chắc chắn trong sự phỏng đoán của chủ thể
+ mức độ cao: tin
+ mức độ chắc chắn không được rõ ràng (dè dặt, khiêm tốn): nghĩ
Nghĩ khác với tin nếu không muốn nói là trái ngược với tin trên tất cả các cấp
độ của sự phỏng đoán (mà sự phỏng đoán thường không có gì là chắc chắn, và giá trị
chân thực của những phỏng đoán đó vẫn còn là câu hỏi ở thời điểm hiện tại).
Những phát biểu kiểu như Tôi nghĩ là anh đang nói dối chỉ ra một sự phỏng
đoán và bản thân người nói cũng hết sức dè dặt, họ thấy không có gì là chắc chắn trong
những phán đoán của chính mình. Trong khi đó, chủ thể của những phát ngôn: Tôi tin là
anh đang nói dối dù ý thức về tính phỏng đoán trong lời nói của mình, họ đồng thời
cũng cho thấy sự chắc chắn của bản thân khi nói ra điều đó bởi họ có kinh nghiệm, có
sự quan sát, có xem xét tình hình rồi, và cũng có thể do họ có niềm tin như thế rồi. Vậy
nên, khi Tôi nghĩ là…, Tôi tin là… xuất hiện trong lời nói, “nhân vật tôi” muốn cho thấy
rằng “tôi”có thái độ dè dặt hay chắc chắn đối với điều được phỏng đoán. Nếu nói Tôi
nghĩ anh ta sẽ quay lại thì việc anh ta quay lại là có khả năng, là chưa chắc chắc và
không có căn cứ nên người nói tỏ ra dè dặt. Nhưng khi nói Tôi tin rằng anh ta sẽ quay
lại thì người nói chịu trách nhiệm về những gì mình nói, dù người nói ít nhiều tỏ ra vô
can với mệnh đề P.
Nếu chủ ngữ của cho là/ rằng thường có vẻ khiêm tốn hơn khi trình bày quan
điểm của anh ta, những điều "tôi" nói ra ở mệnh đề P chỉ là một ý kiến trao đổi với
người đối thoại, chỉ là phỏng đoán chủ quan của cá nhân, chưa phải là điều khẳng định
hay phủ định hoàn toàn. Có lẽ vì thế mà anh ta có sự chuẩn bị để chấp nhận quan điểm
của phía bên kia, nếu nó gần với thực tế hơn quan điểm của anh ta. Trong khi đó chủ
ngữ của tin thì được khẳng định hơn, ít có tính thăm dò, ít cho phép phía bên kia (phía
người đối thoại) đúng.
Thực ra sự phân biệt tin và nghĩ căn cứ vào thuộc tính này liên quan đến cái
chúng ta gọi là động từ trong ngoặc (parenthetical verb, cách gọi của J.O.Urmson) hay
tiểu từ tình thái (modal particle, cách gọi của Aijmer Karin) hay là toán tử logic - tình

thái (cách gọi của Hoàng Phê). Lúc này, tin và nghĩ không đơn giản là động từ phản ánh
những hoạt động nhận thức của thế giới nội tâm con người mà chúng đã làm nên bộ
phận tình thái của câu, phản ánh thái độ, sự đánh giá, của người nói đối với điều được
nói đến.


115

c. +/- sự nỗ lực của ý chí, nỗ lực của trí óc chủ thể
+/- sự nỗ lực của ý chí, nỗ lực của trí óc chủ thể: nghĩ, đoán
+ sự nỗ lực của ý chí, nỗ lực của trí óc chủ thể: cân nhắc, xem xét
Sự phân biệt này liên quan đến một sự thật là một suy nghĩ (sản phẩm của tư
duy), một nhận thức ngắn gọn, đơn giản về đối tượng nào đó có thể xuất hiện trong đầu
mà không đòi hỏi một nỗ lực nào của ý chí. Chúng ta có thể kiểm tra nước tắm và nói: -
Tôi nghĩ khoảng 40 độ; trả lời câu hỏi (về việc ai gọi điện thoại): - Cậu nghĩ là ai gọi?
Ai đó có thể trả lời: Tớ nghĩ/đoán là anh ta; trả lời câu hỏi: - Chị biết mấy giờ tàu đến
không? - Chị cũng không rõ lắm, nhưng chị nghĩ khoảng 8 giờ, bình thường khoảng 8
giờ là nó đến.
Rõ ràng, không cần một sự tính toán, một nỗ lực nào về mặt trí tuệ để có được
kết luận vừa nêu, vậy nên không lạ khi xuất hiện những kết hợp như nghĩ đại ở trong
tiếng Việt (chẳng hạn: Mày nghĩ đại đi, lí do nào cũng được/ nghĩ đại một cái tên nào
đó cũng được, đừng để họ nghi ngờ). Đặc biệt là đoán, đoán có thể là: đoán mò, đoán
đại, đoán chừng, nó là sản phẩm tức thời ngay cả khi có vẻ như có một sự đầu tư nỗ lực
như trong thành ngữ đoán già đoán non thì thực chất tính chân lí của nó vẫn không hề
được bảo đảm, gần như hú họa, trúng được đâu hay đó. Cân nhắc, xem xét ít thích hợp
trong ngữ cảnh này bởi vì chúng thường xuất hiện trong những tình huống phức tạp hơn,
tình huống đòi hỏi xuất hiện một ý kiến đánh giá chứ không phải là những phát ngôn
nêu ra một thực tế hoặc thuần túy miêu tả thực tế như trên.
Như vậy, thuộc tính có hay không sự tham gia của ý chí/ nỗ lực cá nhân khi định
hình sự đánh giá phụ thuộc vào bản chất của tình huống đang được xét:

- Tình huống càng phức tạp, thì những cách hiểu có thể có về đối tượng càng lớn,
tình huống càng khó để nhìn ra sự thật thì sự biện hộ/ sự bào chữa cho các kết quả nhận
thức của chủ thể càng lớn bấy nhiêu và vì thế càng đòi hỏi nhiều nỗ lực từ phía chủ thể.
Ở đây, sử dụng cân nhắc, xem xét là thích hợp.
Và :
- Tình huống càng đơn giản, càng rõ ràng và ít quan trọng bao nhiêu thì càng thích
hợp để sử dụng nghĩ vì nó không nhất thiết phải đòi hỏi nỗ lực.
Tuy nhiên, không nhất thiết phải đòi hỏi nỗ lực không có nghĩa lúc nào nghĩ
cũng hoạt động ở vùng ngữ nghĩa này, vì bên cạnh nghĩ đại (tức không đòi hỏi nỗ lực)
lại có nghĩ nát óc, vắt óc suy nghĩ, nghĩ nát nước, nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ được, nghĩ
nhiều, hay nghĩ, bắt đầu nghĩ, đủ tỉnh táo để nghĩ, v.v Chúng không đơn giản là sự
tiếp tục hay bắt đầu trạng thái nhận thức mà là ý chí của người nói. Lúc này vắt óc suy
nghĩ, nghĩ nát nước, nghĩ đi nghĩ lại nghĩ được, nghĩ nhiều, hay nghĩ, đủ tỉnh táo để
nghĩ, v.v thích hợp khi chúng ta cần nhấn mạnh lượng nỗ lực của trí óc đã tiêu hao, đã
huy động hoặc sự khó khăn của nỗ lực này. Ví dụ:


116

- Nghĩ được điều ấy trong đầu, tôi mới chợt nhận ra rằng, suốt từ lúc bước ra
khỏi căn phòng đó tới giờ tâm trí tôi hoàn toàn để ở chỗ cũ. (Ăn mày dĩ vãng – Chu Lai)
- Mặc dù tôi nghĩ nhiều về nó nhưng tôi thấy cũng chẳng bở gì/ dễ gì.
- Khi trong người thấy khoẻ, tôi cũng đủ tỉnh táo để nghĩ rằng, giết đi một lực
lượng đại diện cho cái ác thì có nghĩa là anh đang làm điều thiện.

(Ăn mày dĩ vãng – Chu Lai).
Và bắt đầu nghĩ cho thấy không hề đơn giản khi chủ thể bắt đầu một trạng thái
trí tuệ, khởi đầu một ý kiến và một hành động của ý chí để xem xét lại, đặt vấn đề
trở lại với nhận định của một ai đó hoặc xem lại chính nhận định của mình khi hoàn
cảnh mới có những biểu hiện chống lại nhận định của người nói, ví dụ: “Tôi bắt đầu

nghĩ anh ta không đơn giản như vẻ bên ngoài của anh ta.”
d. Sự thể hiện quan điểm, lập trường của chủ thể
Nghĩ và cho rằng, trong nhiều ngữ cảnh, là sản phẩm của sự phân tích hoàn cảnh
hiện thời để đưa ra nhận định hoặc là những sản phẩm nhận định đồng loạt có tính định
giá như nhau, ví dụ:
- Tôi cho rằng/ nghĩ chúng ta nên đi (vì không khí lúc này (ở đây) có vẻ căng
thẳng, không có lợi nếu ở lại…)
- Cứ một trong số ba dân thường Matxcơva được hỏi cho rằng/ nghĩ rằng
trong điều kiện hiện tại, người Nga không nên ủng hộ chính sách của Fidel Castro.”
(dẫn theo Juri).
Đáng chú ý là một sự đánh giá đặc biệt - đánh giá để thể hiện quan niệm, quan
điểm lập trường - lại cần dựa trên toàn bộ quan điểm của chủ thể, và nghĩ cũng có thể
hoạt động ở vùng ngữ nghĩa này như nghĩa của quan niệm (coi, nhìn, xem).
Những động từ này xuất hiện trong các ngữ cảnh mà ở đó việc chủ thể giải thích,
nhìn nhận đối tượng không đơn giản là để trình bày ý kiến, đưa ra cái nhìn mà đặc biệt
để thể hiện quan điểm, lập trường, cách nhìn của họ. Ví dụ:
- Mày nghĩ (quan niệm) thế nào về chuyện vợ chồng không chung thủy trong
hôn nhân?
- Nhìn/nghĩ mọi thứ đơn giản chút đi!
- Tôi nhìn nhận/ quan niệm/ nghĩ về chuyện hôn nhân một cách đơn giản.
- Anh ta xem/coi công việc là mục đích sống của cuộc đời.
- Để cuộc đời ít khổ đau, chúng ta nên thản nhiên khi nhìn nhận/nghĩ về cái
chết. Sự trơ lì của chúng ta đối với cái chết là một lối thoát mà chúng ta dành cho
những người còn sống. (A.Sinivaskii)


117

- Ấn Độ luôn xem Kashmir là một phần của Ấn Độ và họ không thể chuyển
nhượng nó.

- Bây giờ tôi nhìn điều này với con mắt hoàn toàn khác.
Những ví dụ trên cho thấy quan niệm của chủ thể không nhất thiết phải chuyển
tải qua “kênh" động từ và danh từ quan niệm mà có thể linh hoạt sử dụng đến một loạt
các động từ khác như: coi, xem, nhìn, nhìn nhận, nghĩ… Những ví dụ này đồng thời
cũng cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa suy nghĩ - nhận thức của con người và quan
điểm, quan niệm của họ. Ở đây, suy nghĩ - nhận thức dựa trên toàn bộ quan điểm cá
nhân, cũng có thể nói, suy nghĩ của chủ thể phán ánh quan điểm, quan niệm của anh ta
về đối tượng.
3. Kết luận
Nghĩ là từ nguyên sơ, có chức năng siêu ngôn ngữ, chúng ta chấp nhận nó như một
tiên đề mà không giải thích, nếu giải thích sẽ gặp vô vàn khó khăn và mắc phải cái vòng
luẩn quẩn. Tuy nhiên cùng với nỗ lực của các nhà biên soạn từ điển, chúng tôi mạnh dạn
khái quát ngữ nghĩa của nghĩ trong tiếng Việt như sau: Nghĩa từ vựng của nghĩ đặt cơ sở
trên hai vùng đó là vùng nhận thức tức thời của chủ thể nảy sinh trong khi nói để chỉ ra
tình trạng của các sự việc, sự vật, hoạt động này không cần nỗ lực của trí tuệ, không cần
ý chí của chủ thể và vùng nghĩa thứ hai liên quan đến đánh giá, nhận định của chủ thể. Với
vùng ngữ nghĩa thứ nhất, nghĩ phân biệt nghĩa với nhóm động từ cho là/rằng, thấy -
những từ hàm chứa nét nghĩa nhận định, đánh giá và nghĩ cũng phân biệt với cân nhắc,
xem xét - những từ hàm chứa nét nghĩa đòi hỏi sự đầu tư công sức, sự nỗ lực của trí tuệ
và ý chí.
Ở vùng ngữ nghĩa thứ hai nghĩ tương đương với cho là/rằng, thấy - tức đã hàm
chứa nét nghĩa nhận định, đánh giá của chủ thể. Ở vùng thứ hai này, trong nhiều trường
hợp, nghĩ thể hiện một sự đánh giá đặc biệt, đánh giá để thể hiện quan điểm lập trường,
bấy giờ nghĩa của nghĩ đến gần với nghĩa của quan niệm (cũng như coi, xem).
Căn cứ vào một loạt hoạt động hành chức của nghĩ với các thuộc tính ngữ nghĩa ở
trên (trong tương quan ngữ nghĩa với các động từ nhận thức gần gũi nó), chúng tôi mạnh
dạn bổ sung thêm nghĩa thứ 4 về nghĩ (từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên dừng lại
ở 3 nghĩa – 1,2,3). Chưa hết, nghĩ với nghĩa thứ nhất, theo chúng tôi, không nhất thiết
phải mang nét nghĩa "để có ý kiến, sự phán đoán, thái độ". Bằng chứng là nghĩ có thể chỉ
nảy sinh trong khi nói, để chỉ ra nhận thức tức thời của chủ thể, không nhất thiết phải thể

hiện sự đánh giá, nhận định, do đó, nên chăng để nét nghĩa này trong ngoặc đơn và nét
nghĩa này cũng thuộc về nghĩa thứ 3. Chúng ta có thể hình dung như sau:
Nghĩ:
1. vận dụng trí tuệ vào những gì đã nhận biết được, rút ra nhận thức mới (để có ý
kiến, sự phán đoán, thái độ). Nghĩ mưu kế. Nghĩ cách đối phó.


118

2. có ở trong tâm trí, nhớ đến, tưởng đến. Đi xa, lúc nào cũng nghĩ về quê hương.
Nghĩ đến công ơn cha mẹ
3. cho là/rằng sau khi đã nghĩ. Tôi nghĩ thế nào anh ấy cũng đến.
4. quan niệm. Mày nghĩ thế nào về việc vợ chồng không chung thủy trong hôn
nhân?
Trong ngữ cảnh, ở đó, mức độ chắc chắn của chủ thể đối với mệnh đề P do chủ
thể nói ra là dè dặt, chủ thể tỏ ra khiêm tốn, có vẻ còn thăm dò khi trình bày nhận định
của mình, có vẻ có sự chuẩn bị để chấp nhận quan điểm của người khác (nếu nó gần với
thực tế hơn quan điểm của anh ta) thì lúc này nghĩ có tư cách của một động từ biểu thị
thái độ mệnh đề trong sự phân biệt với tin.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Tài Cẩn, Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb. ĐH&THCN, Hà Nội, 1977.
2. Halliday Mak, Dẫn luận ngữ pháp chức năng, Nxb. ĐHQG Hà Nội, Hà Nội, 2004.
3. Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt mấy vấn đề ngữ âm - ngữ pháp - ngữ nghĩa, Nxb. GD, Hà
Nội, 2003.
4. Hoàng Phê, Logic – Ngôn ngữ học, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2003.
5. Nguyễn Kim Thản (chủ biên), Động từ trong tiếng Việt, Nxb KHXH, Hà Nội, 1982.
6. Lê Quang Thiêm, Ngữ nghĩa học, Nxb. GD, Hà Nội, 2008.
7. Nguyễn Ngọc Trâm, Nhóm từ tâm lí – tình cảm tiếng Việt và một số vấn đề từ vựng -
ngữ nghĩa, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2002.
8. Aijmer, Karin, I think – an English modal particle, Modality in Germanic Langguages,

Berlin: Mouton de Gruyter, (1997), 1- 47.
9. Apresjan Juri, The problem of factivity: znat’ [to know] and its synonyms, Systematic
Lexicography, Oxford University Press, 1995.
10. Apresjan Juri, The synonymy of mental predicates: schitat’ [to consider] and its
synonyms, Systematic Lexicography, Oxford University Press, 1995.


119

THE SEMANTICS OF THE VERB “NGHĨ”’ (‘TO THINK’) AND ITS
SYNONYMS IN VIETNAMESE
Nguyen Thi Thu Ha
College of Sciences, Hue University

Abstract. This article not only investigates the meaning of the mental verb “nghĩ”
(“to think”) based on its dictionary definition, but also looks at many different
contexts in which this verb occurs and how it could be replaced with synonyms.
This allows a complete understanding of the semantic characteristics of the verb
“nghĩ” and its synonyms in Vietnamese language.

×