Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

KIẾN TRÚC MỸ THUẬT CỔNG LÀNG ƯỚC LỄ pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (130.15 KB, 11 trang )






KIẾN TRÚC CỔNG LÀNG ƯỚC LỄ



Làng Ước Lễ thuộc địa phận huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cách Hà Nội trên
30km. Làng vốn có hai cổng, một cổng trước, một cổng sau. Năm 1988, người ta
đã làm lại một cổng mới ngay gần cổng trước. Cổng làng mà tôi tìm hiểu ở đây là
cổng trước, nằm ở đầu làng, được xây từ thời Mạc. Cổng này cũng đã bị sửa chữa
ở phần lầu gác trên đỉnh, chỉ có phần dưới là còn cổ xưa như nó vốn có. Cổng làng
Ước Lễ, xây dựng từ thời Mạc, là một trong những cổng làng vào loại sớm, đẹp
nhất ở Hà Tây còn lại đến ngày nay. Nhìn từ xa, nó cho ta cảm giác về một công
trình kiến trúc vững chắc, đồ sộ như một công trình quân sự. Cổng nằm ở đầu làng,
chiếm một không gian lớn với cây cầu, cổng vòm, tường gạch có kích thước khá
lớn. Cổng hình vòm cuốn, mái cong vút, hai cột bên và trên hai mặt đều đắp nổi
chữ Hán. Thoạt trông cổng như một gác chuông chùa nhưng lại gây một cảm giác
chế ngự của một công trình quân sự. Có thể nói, cổng làng Ước Lễ là một công
trình kiến trúc đậm chất cổ kính và mang nhiều ý nghĩa đối với không gian văn hóa
làng Việt.
Lịch sử cổng làng Việt ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành phát triển của
làng. Có thể ban đầu chỉ là những cái cổng sơ khai làm bằng tre, đan bằng dong có
nhiều gai nhọn để ngăn cản thú dữ vào làng phá phách, bắt súc vật. Dần dần, do sự
phát triển, các loại đá nhất là đá ong, cùng với gạch ngói, vôi vữa và các loại vật
liệu khác được sử dụng trong xây dựng ở nông thôn, cổng làng cũng được xây
dựng bền vững, bề thế hơn, mang những giá trị nghệ thuật kiến trúc. Sự hiện diện
của những chiếc cổng làng khiến cho không gian của làng đẹp và sinh động. Nếu
soạn thành một bộ sưu tập thì khó có thể tìm thấy ở Hà Tây hai chiếc cổng nào


hoàn toàn giống nhau mà mỗi cái mỗi vẻ. Điều đặc biệt hơn, đó là không gian của
mỗi cổng làng mang những sắc thái hoàn toàn riêng biệt, tạo nên sự đa dạng và
phong phú cho bộ mặt làng quê Việt Nam nói chung và Hà Tây nói riêng. Có thể
kể ra một số cổng đẹp, độc đáo, tiêu biểu như: cổng làng Ước Lễ, cổng làng Mông
Phụ, cổng làng Cự Đà, cổng làng Đồng Kỵ, cổng làng Vạn Phúc
Điều đặc biệt ở Ước Lễ, nếu hầu hết nhà dân ở trong làng có qui mô nhỏ, gặp phổ
biến trong các làng xã cổ truyền ở Việt Nam, thuộc loại hình kiến trúc dân gian, thì
cổng làng Ước Lễ không chỉ hàm chứa những yếu tố dân gian này mà còn mang
đặc điểm của dòng kiến trúc chính thống bao gồm các thể loại: kiến trúc cung điện,
dinh thự, kiến trúc lăng mộ, thành trì, kiến trúc tôn giáo như chùa, đình làng
thường có qui mô lớn, có sự tập trung tài năng, trí tuệ của các nghệ nhân, thợ cả.
Tương tự như chức năng của cổng nhà và cổng thành, cổng làng được hình thành
nhằm cản chống thú dữ và địch họa, bảo vệ an ninh cho một cộng đồng và cổng
làng Ước Lễ hội tụ đủ điều kiện đảm bảo chức năng này. Nếu kiến trúc của cổng
thành xưa thường có sông hoặc đào hào bao quanh thì cổng làng Ước Lễ cũng có
lạch nước phía trước mặt. Người vào làng sẽ đi qua một cái cầu bắc qua lạch nước
rồi mới qua cổng và vào làng. Ngoài giá trị bảo vệ, lạch nước và chiếc cầu này
đóng một vai trò không nhỏ làm nên vẻ đẹp nên thơ cho cổng làng Ước Lễ. Giống
như những kiến trúc quân sự quốc phòng cổ của Việt Nam có mặt bằng bố cục và
những hình thức tạo hình gồm các hình như: hình vuông, hình chữ nhật, hình đa
giác đều, hình tròn, hình ngôi sao và những hình đặc biệt khác kết hợp với nhau.
Cổng làng Ước Lễ có dáng chung là hình thang, cao 6m, ngang 12m, được xây
bằng gạch chỉ nung đỏ, chất liệu xây dựng, gia cố, làm mái hoàn toàn bằng gạch và
bê tông, mang đầy sự bề thế, chắc chắn, thể hiện rõ sự đảm bảo về an toàn như ý
nghĩa ngăn chặn kẻ thù ở những cổng thành, và nhờ có những bàn tay tài hoa của
người thợ nên dù được làm với chất liệu hiện đại, cổng làng vẫn đậm nét xưa, cổ
kính. Bên cổng làng, trước đây còn có con chó bằng đá xanh, nhẵn bóng ngồi trên
mặt đất, ngày đêm như canh chừng kẻ gian vào làng, được xem như một liệu pháp
tinh thần phục vụ cho việc bảo vệ trị an.
Giống như một số cổng làng khác, cổng làng Ước Lễ có bốn mảng kiến trúc: vòm

cổng, mặt cổng, trụ cổng và mái cổng. Những thành phần kiến trúc này không rời
rẽ mà cấu kết với nhau, tạo sự bền vững, hài hòa, có giá trị thẩm mỹ.
Trước đây, khi nước có giặc, cổng làng, lũy tre trở thành những chiến lũy để dân
làng đánh giặc, giữ làng, chống lại sự tàn phá của quân thù. Không những thế,
cổng làng còn có ý nghĩa bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa tinh thần, từ bao
đời được tiếp nối, trở thành gương mặt của làng. Và lẽ sống của người làng được
ghi tạc ở cổng làng, luôn sáng ngời những giá trị chân, thiện, mỹ. Những đại tự
được ghi tạc đắp nổi ở trên cổng làng đã nói lên điều đó. Đây chính là thành phần
đặc biệt quan trọng kiến tạo nên mặt cổng.
Trên mặt trước cổng, đắp nổi ba chữ Ước Lễ môn (Cổng làng Ước Lễ). Ước Lễ
không chỉ là tên làng mà còn là triết lý của Nho Giáo được dân làng tiếp nhận.
Ước, Lễ là chữ dùng xuất phát từ lời của Khổng Tử (Bác học dĩ văn, ước chi dĩ lễ),
ý nói muốn học rộng thì phải dựa vào văn (tức văn hóa); học đã rộng rồi thì phải
chế định (Ước) bằng Lễ, ấy là điều cần thiết của người học rộng. Lấy Ước Lễ đặt
tên làng thể hiện quan niệm trong cuộc sống phải luôn luôn giữ lễ. ở mặt sau cổng
làng Ước Lễ và ở nhiều cổng làng khác có chữ Thiểu cao đại. Ba chữ này là một
điển tích trong Hán thư, nói về ông quan đời Hán tên là Vu Định Quốc, làm quan
trong triều. Khi về quê ông thấy con cháu đang làm nhà, bèn dặn con cháu, làm cửa
phải cao hơn một chút (thiểu cao đại). Có ý mong cho sau này con cháu làm quan
to, thì xe ngựa mới đi vừa. Dùng điển tích xưa đắp trên cổng nơi dân làng thường
qua lại, cũng là nhắc nhở mọi người phải có chí học hành, tiến thủ để được thành
đạt trong cuộc sống.
Cổng làng Ước Lễ được xây dựng ở đầu làng, mở lối đi lại trên con đường chính
vào làng. Do vậy, thành phần kiến trúc thứ hai, phần rất quan trọng của cổng là
vòm cổng (lối cổng). Tùy theo vị trí, địa thế, điều kiện của mỗi làng mà vòm cổng
có quy mô bề thế khác nhau, nhưng bắt buộc phải đảm bảo đi lại thuận tiện cho cả
làng. Vòm cổng làng Ước Lễ xây cuốn hình vòm parapol, đây chính là sự phối hợp
của hình vuông và hình tròn theo triết lý âm dương của người Việt. Vòm cổng
được ghép bằng gạch viên và chít bằng vữa tạo thành vòm cong với đường lượn
khéo léo. Trước đây, dưới vòm cổng còn có cửa làm bằng gỗ lim kiên cố, do tuần

đinh đóng mở theo giờ quy định. Vòm cổng có tỷ lệ khá đẹp, vừa vặn với tỷ lệ của
cả cổng, chiều cao 2,2m, chiều rộng 1,5m. Tỷ lệ này không chỉ hợp với nhu cầu đi
lại của người dân mà có tác dụng cản những xe quá lớn vào làng để giữ cho không
gian của làng được yên tĩnh và sự vững bền của các công trình trong làng không bị
ảnh hưởng.
Xét về tính chất tạo hình, có lẽ trụ cổng và mái mới chính là bộ phận tạo nên bộ
mặt thẩm mỹ, tạo nên sự khác biệt về hình thức giữa các cổng làng. Nếu trụ phía
dưới được xây nằm lẫn vào mảng tường cổng thì các trụ bên trên lại góp thêm phần
làm đẹp dáng cho cổng. Hai bên trụ cổng dưới còn được trang trí hình cá chép như
nhắc đến tích cá vượt vũ môn nhắc nhở con cháu trong làng luôn phải chăm lo cho
việc học hành. Phía trên vòm và mặt cổng được xây một vọng lâu có mái che cong
vút. Những trụ cổng bên trên vút lên cùng đầu đao của mái cổng tạo nên sự thanh
thoát. Đây cũng là một thành phần không thể thiếu ở các cổng thành và cả cổng
làng mang tính chất quân sự, ta có thể tìm thấy sự tương đồng này ở một vài kiến
trúc xưa hiện còn, ví dụ như ở Ô Quan Chưởng.
Vọng lâu trước đây có tác dụng như chòi canh gác những kẻ xấu hay địch xâm
nhập làng. Ngày nay, nó chỉ còn tác dụng làm đẹp cho cổng làng và để trong
những ngày hội, làng treo cờ trên đó. Mái của vọng lâu cổng làng Ước Lễ gồm hai
tầng, tám mái, được lợp bằng ngói ống lưu li. Mái cổng có mang đôi chút đặc điểm
của Trung Hoa nhưng bật lên vẫn mang đặc trưng của Việt Nam với mái thẳng và
hếch cong ở góc mái tạo nên sự thanh thoát của đầu đao, lấy từ cảm hứng mũi
thuyền của nền văn hóa sông nước. Phía trên cùng là bờ nóc có đặt gạch hoa
chanh, đỉnh mái tạo hình đầu rồng nhìn chính diện, trên cùng là hình mặt trời với
những tia lửa. Trang trí cầu kỳ trên mái đã thực sự trở thành điểm nhấn của nghệ
thuật tạo hình cho kiến trúc cổng.
Các kiểu thức kết hợp chạm khắc, trang trí với kiến trúc cổng làng Ước Lễ đã có sự
thay đổi. Thực tế, đây là một vấn đề khó nhận định bởi các chạm khắc, trang trí
trên cổng có số lượng ít. Hầu hết tất cả các phù điêu, chạm khắc trên cổng đều là
sản phẩm của các thế kỷ sau, không mang dấu ấn, đặc điểm của chạm khắc thời
Mạc. ở đây, ngoài ý nghĩa làm đẹp, chúng là những thành phần thêm vào, làm tăng

thêm yếu tố biểu hiện cũng như ý nghĩa tượng trưng của cổng. Cùng với những họa
tiết trang trí mang đậm ý nghĩa Nho giáo, những thành phần kiến trúc này càng góp
thêm phần làm rõ ý nghĩa của chữ Ước Lễ Môn.
Trước hết, một thành phần trang trí tương đối quan trọng đó là đôi câu đối chữ Hán
hai bên cổng. Về nội dung, đó là phép cộng của nghệ thuật văn chương với nghệ
thuật kiến trúc trong tính chất tổng hợp của nghệ thuật cổ. Về hình thức, đó là bố
cục nghệ thuật có tính quy luật, cân đối, góp phần tạo nên không khí trang trọng
của kiến trúc cổng, đề cao chữ Lễ.
Thường xuất hiện nhiều ở các cánh cửa, nghi môn là hình tượng dơi dưới dạng
ngậm chữ phước, gắn với yếu tố cầu phúc. ở cổng làng Ước Lễ, dơi được thể hiện
trong tư thế bám vào cạnh mặt cổng có ghi đại tự, đầu lộn xuống hướng về câu đối
cạnh cổng. Dơi được tạo hình gần với thực nhưng cánh mảnh và dài hơn, đầu cánh
được cuộn tròn lại và phần nào trông giống như hoa lá cách điệu. Hai con dơi chạm
trên cổng này ít nhiều đã được khái quát hóa, hình thức mảnh mai và được vũ trụ
hóa bằng vân xoắn trên thân để mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng. Như thế, nó
không chỉ mang tư cách trang trí đơn thuần mà còn chứa đựng một ý nghĩa cao xa
hơn: con đường, lối cổng vào làng chính là cánh cửa đến nơi hạnh phúc.
Hình ảnh cá chép thể hiện trên cổng gần gũi với thực tế, có đường nét sinh động
mà cách giải quyết lại hết sức đơn giản. Khúc đuôi của cá được uốn nhẹ chút ít, tạo
nên thế cong vừa đủ để phá đi cái nặng, tĩnh của đầu và thân. Từ trên hai trụ cổng,
đôi cá lao xuống chầu vào mặt và vòm cổng, giống như hình ảnh của tranh dân
gian Lý ngư vọng nguyệt.
ở nhiều di tích kiến trúc, lân là một linh vật khá phổ biến. Lân có nhiệm vụ đứng ở
cửa đình, đền với tư cách là thú chầu hai bên linh đạo. ở cổng làng Ước Lễ, lân
được chạm khắc cũng với ý nghĩa như vậy. Lân được chạm tròn và xử lý khéo về
hình thức khiến nó hòa nhập hoàn toàn với mảng chạm đại tự trên mặt cổng, làm
cho phần mặt cổng trở nên sinh động hơn. ở đây, lân được chạm đi đôi với rùa
trong hình thức đắp nổi. Biểu tượng muôn thủa mà rùa thường mang theo là sự bền
vững, tượng trưng cho sự trường tồn và cao quý, thể hiện cho mong muốn những
lời dạy bảo của người xưa dành cho con cháu sẽ được giữ mãi

Nhiều và phủ dày đặc nhất trên kiến trúc cổng là các đồ án trang trí hoa thị chạy
dọc trên diềm mái vọng lâu và thành lan can phía trên cổng làm thay đổi cảm giác
về những đường thẳng đơn điệu trên kiến trúc cổng, tạo nên một nhịp điệu lên
xuống nhịp nhàng của những cánh hoa. Sự có mặt của các đồ án hoa văn này đã
phần nào làm thay đổi diện mạo của kiến trúc cổng làng Ước Lễ, làm cho nó duyên
dáng hơn, nhẹ nhàng hơn cái kết cấu kiểu cổng thành vốn bề thế, chắc chắn nhưng
nặng nề.
Cổng làng Ước Lễ hơi thiên về chất hoành tráng và điêu khắc nhưng trên nguyên
tắc không thiên về tính đồ sộ, đối chọi hay lấn át thiên nhiên. Toàn bộ kiến trúc
cổng chú ý đến tính biểu tượng, tính ẩn dụ, sự hàm súc, chất điêu khắc của giải
pháp tổ chức kiến trúc nghệ thuật, làm cho công trình từ nội dung đến hình thức
như chứa đựng chất triết lý, sức biểu hiện nghệ thuật âm thầm, kín đáo nhưng sâu
lắng trí tuệ. Từ tổ chức không gian đến kết cấu chất liệu đơn giản, khúc chiết, hợp
lý, cân bằng và hài hòa với đặc điểm sinh thái môi trường, đạt trình độ cao của
nguyên tắc xây dựng điển hình. Sau các yếu tố trên cũng còn cần phải nhắc đến các
yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế, kỹ thuật cũng biến đổi và thích ứng. Thái độ ứng xử
trước hoàn cảnh, bảng thang giá trị của con người Việt Nam cũng góp phần quan
trọng, tạo nên nét riêng của giá trị truyền thống kiến trúc cổng làng. Với lối nghĩ
ấy, mỗi làng sẽ chọn một hình thức cổng làng riêng để khẳng định bản sắc của
mình.
Chiếc cổng làng, nơi bắt đầu của con đường chính đi vào những thôn xóm ngày
xưa với những câu đối đón khách vẫn còn lại ở khá nhiều nơi. Ngày nay, chiếc
cổng ấy có vẻ như không còn hợp với những con đường bê tông mở rộng, với xe
công nông, ô tô tải ra vào phục vụ bao nhu cầu thường nhật ngày càng lớn của
người dân nông thôn. Nhưng trong một góc tâm thức nào đó của mỗi người, cổng
làng vẫn tồn tại như một biểu tượng thân thương và đặc trưng của làng, của quê
hương. Cổng làng là một trong những biểu tượng văn hóa, bản sắc văn hóa của
làng quê ở châu thổ Bắc bộ Việt Nam. Với khía cạnh đó, cổng làng Ước Lễ cùng
với những cổng làng ở Hà Tây nói riêng và Việt Nam nói chung cũng đã phần nào
nói lên sự đa dạng của vẻ đẹp kiến trúc dân gian, kiến trúc truyền thống Việt Nam.


×