Tải bản đầy đủ (.pdf) (16 trang)

PHONG CÁCH MỸ THUẬT GỐM TRONG TRÀ CỤ VIỆT NAM QUA 4000 NĂM LỊCH SỬ potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (377.83 KB, 16 trang )

PHONG CÁCH MỸ THUẬT GỐM TRONG TRÀ CỤ VIỆT NAM QUA 4000
NĂM LỊCH SỬ

Bộ đồ trà vẽ tích Thúy Kiều (hội thảo trà TP. Hồ Chí Minh)

Phần II (tiếp theo phần I số Tháng 6/2013)
ĐỒ TRÀ KÝ KIỂU NHÀ TRỊNH NGUYỄN
Vương quốc Đông Kinh vương triều Lê Trịnh ngót 2 thế kỷ XVII, XVIII là một
thời kỳ vàng son, nhiều nước châu Âu đã đến đây buôn bán và ca ngợi sự giầu đẹp
của Thăng Long. Nghệ thuật trà Việt cũng có nhiều đấu ấn lịch sử của trà cụ Việt
và chế tác các loại trà. Từ lời sấm "Lê tồn Trịnh tại, Trịnh bại Lê vong" là một thời
kỳ Hoàng gia giữ phúc ấm, nhà chúa giữ quyền uy đã tồn tại hơn 200 năm, tạo ra
nghệ thuật thưởng trà cung đình đã hoàn thiện mọi mặt. Nghệ thuật trà đình từ triết
lý uyên thâm cùng những áng thi văn tràn đầy xúc cảm tạo ra những trà cụ tuyệt
mỹ cao sang còn lại đến ngày nay, để bao thế hệ được chiêm ngưỡng trong nhiều
bảo tàng thế giới. Những đồ trà cụ ký kiểu với ký hiệu 6 phủ: Nội phủ Thị trung,
Nội phủ thị Nam, Nội phủ thị Bắc, Nội phủ thị Hữu, Nội phủ thị Đoài, Nội phủ thị
Đông và đồ trà Khánh Xuân, Khánh Xuân thị tả đã là minh chứng rõ rệt nhất.
Nội phủ thị Trung là đồ trà ký kiểu dùng ở Chính sự Đường nơi thiết triều của chúa
Trịnh Tùng bàn về chính sự, quyết định những sự việc trọng đại của quốc gia. Buổi
đầu các quan văn võ đến chầu phủ chúa dùng khăn quấn bằng sa đen, áo sắc đen.
Sau đó các quan văn võ đến chầu tại phủ chúa đội mũ ô sa sắc đen, áo thanh cát,
dây thao có trang sức, hành nghi theo cấp bậc khác nhau. Đồ trà cụ thoạt đầu vẽ
rồng 3 móng sang 4 móng, sang nửa thế kỷ XVIII vẽ rồng 5 móng thể hiện quyền
uy tối thượng của nhà chúa. Đĩa vẽ chim Truy ở thế kỷ XVII đã được công bố tại
hội thảo khảo cổ 1995 (Phạm Hy Tùng) là những hiện vật sớm nhất trà cụ ký kiểu
của triều đình phong kiến Việt Nam. Điển tích chim Truy trong Kinh Thi do
Khổng Tử san định viết: "việc của vua không thể không lo cẩn thận nên không còn
rảnh rang phụng dưỡng cha già". Những hình dáng, hoa văn, họa tiết trà cụ đều do
các họa sĩ của vương phủ sáng tác được nhà chúa duyệt, gửi sang lò sứ chuyên làm


đồ Ngự dụng của triều đình Thanh là Trấn Cảnh Đức danh tiếng và theo mẫu của
Đại Việt mà làm. Chén trà dáng sừng tê (mô típ sừng tê triều đình Trần) trên một
diện tích nhỏ hẹp với phong cách bút pháp tài hoa diễn tả núi non trùng điệp mây
trời bao la Đại Việt qua ý tưởng của họa sư bậc thầy. Nhà nghiên cứu Yang Elin
chuyên về đồ sứ Trung Hoa nhận xét: lối vẽ công bút diễn tả núi, mây phong cách
rất lạ, khác hẳn lối quốc họa Trung Hoa. Bảo tàng Hoàng gia Mariemont đang lưu
giữ nhiều đồ. Đặc biệt âu tháo bã trà Nội phủ thị Trung mô típ Long Phượng trình
tường. Đây là một trong 4 chiếc được biết đến trên toàn thế giới. Ngoài ra còn
nhiều đồ trà ký kiểu Lê Trịnh quý hiếm, Bảo tàng châu Á Thái Bình Dương
(Varsava Ba Lan), Bảo tàng Mỹ thuât Boston, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Thành
phố Hồ Chí Minh) cùng nhiều sưu tập tư gia ở trong nước và nước ngoài đã lưu
giữ nhiều đồ ký kiểu chúa Trịnh. Bộ đồ trà ký kiểu của ông Trần Đình Sơn có hiện
vật tương tự. Bảo tàng Mariemont, nhưng là đồ trà ghi Nội phủ Thị Hữu, miệng bát
bịt viền vàng vẽ chủ đề Ngô Đồng-Phượng gồm 8 chim phượng đậu trên cây ngô
đồng dáng vẻ khác nhau, một phượng hoàng sải cánh bay đến. Dưới bóng râm, ngư
phủ vui đùa với tiều phu nhàn tản, xa xa lâu đài san sát đề hai câu thơ: Ngô phụng
năng dê hôi; Ngư tiều tự thảng dương. (Nghĩa là: Chim phượng trên ngô đồng hót
vang/ Ngư phủ tiều phu gặp nhau vui đùa). Bộ đồ trà ở Bảo tàng lịch sử 15158-
15161 có 4 món: đĩa bàn, chén tống, 2 chén quân. Mô típ trang trí rồng phượng
chầu chữ thọ tròn, rồng 5 móng. Theo nhà khảo cứu Vương Hồng Sển đây là bộ đồ
trà ngự dụng của chúa Trịnh Sâm và Tuyên phi. Bộ đồ trà chỉ có 2 chén quân theo
cách thức song ẩm. Rồng 5 móng biểu tượng chúa Tĩnh vương Văn võ song toàn
đã thống nhất quốc gia năm 1774, chấm dứt 150 năm phân cách Bắc Nam. Chúa
Tĩnh Vương còn là vị chúa của Thạch Thi khắp đất nước với tâm hồn lãng mạn,
một trà sư uyên bác với ý tưởng: "Trà nô tửu tướng" nghĩa là uống rượu thì phải
sang trọng, oai phong, uống như đại tướng vừa thắng trận hồi trào, quân thần tiền
hô hậu ủng, ca nhi chuốc rượu, hiến tửu nhưng khi uống trà phải tự coi mình là nô
bộc, tự pha trà với tâm thế thanh nhã. Chúa Tĩnh vương đã ban cho tướng lĩnh chén
trà do mình tự pha thay cho rượu mừng. Bộ đồ trà Khánh Xuân thị tả của Trần
Đình Sơn là một bộ trà hoàn hảo, cùng mô típ Rồng lộ rõ 5 móng, quắp mây bay

trên trời, một đằm mình trong sóng thủy ba bạc đầu hướng về mặt trời trên vòi ấm.
Phía dưới cặp long mã phi nước kiệu dỡn trên sóng. Nắp ấm núm chóp viền vàng
sang trọng vẽ cánh hoa sen men lam bút pháp linh diệu, uyển chuyển vô cùng sinh
động.


Trà cụ Triều Nguyễn (TĐS)

Ấm tích trà của vua Lê Thần Tông (bộ sưu tập Nguyễn Gia Thọ, Hà Nội). Ấm tích
này tạo dáng đặc biệt hình lục giác, chính giữa ức vòi vẽ chữ thọ, 6 mặt thân ấm trà
họa tích "bát tiên" trên sóng thủy ba. Ấm cao 16,5m men lam hồi, đáy tích hiệu đề
Thịnh đức niên chế là niên hiệu đời vua Lê Thần Tông 1653-1658 con rể Triết
Vương Trịnh Tùng. Ấm tích trà Bát Tiên là loại trà uống giải khát hàng ngày của
người Việt, được làm sang trọng ở chốn cung đình. Bộ chén trà Thái Bình vẽ cảnh
thiên nhiên chùa Thái Bình tọa lạc trên núi Thái Bình, xã Bằng Trình huyện Thụy
Nguyên Thanh Hóa, đối diện với núi Bàn A nhìn ra sông Lương do một thiền sư
dựng chùa năm Chính Hòa 1681-1704 Bên cạnh chùa dựng một cửu phẩm liên
hoa, sau chùa có động đã có một ống chạy xuyên suốt từ đông sang tây. Họa cảnh
trên chén trà, có một ẩn sĩ chống gậy hướng đi theo đường xuyên qua động "chênh
chếch từ đông sang tây". Mặt bên kia chén trà hiện rõ vòm động, mái chùa tam
quan nhìn từ mặt lưng. Tòa tháp cửu phẩm liên hoa vươn cao 9 tầng sừng sững
chọc trời xanh. Cửu phẩm liên hoa là công trình phát triển nở rộ thời chúa Trịnh
trong kiến trúc chùa. Chúa Tĩnh vương Trịnh Sâm khi tới thăm cảnh chùa đã cho
khắc bài thơ lên phiến đã: Non nước quanh cỏ hữu tình; Cuồn cuộn khí thiêng ấy
bằng trình; Hang sâu mạch thẳng liền dốc đá; Cửu phẩm lâu đài tựa vách xây;
Trăng non bảng lảng người qua lại; Khe sâu khách gọi nước chảy đầy; chốn đây
lưu bút ghi trong vật; " Thái Bình" niên vãn tụng ca bay (Lê Dưỡng Hạo dịch).
Đồ Nội phủ thời Lê Trịnh là một di sản quý báu ghi nhiều dấu ấn đồ trà cụ cung
đình ở lục phủ. Với chức năng mỹ thuật đã ghi lại hình ảnh của thiên nhiên, kiến
trúc lâu đài, hoa cỏ, chim muông, thuyền đình, chùa tháp của Thăng Long. Đất

nước gấm hoa, rực rỡ thời Lê Trịnh thế kỷ XVII, XVIII đã bị suy tàn ở cuối thế kỷ
XVIII. Truyền thống văn minh Trà Việt đã đạt đến đỉnh điểm trong thời kỳ vàng
son của vương quốc Đông Kinh Đàng Ngoài.
ĐỒ TRÀ CỤ CHÚA NGUYỄN VÀ TRIỀU NGUYỄN
Đầu thế kỷ XVII chúa Nguyễn cát cứ phương Nam, tiếp tục mở rộng đất nước cai
quản xứ Đàng Trong cũng theo gót đặt đồ ký kiểu điển hình là đĩa trà hiệu đề
Thanh Ngoạn. Khi chúa Phúc Chu thăm cửa biển Tư Dung, trước cảnh non nước
hữu tình, ngâm bài thơ Tư Dung vãn của Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ 1572-1634
bậc khai quốc công thần xứ Đàng trong nên đã trở thành đồ ký kiểu. Mặt đáy đĩa
có đề bài thơ của Lộc Khê Hầu. Phong cách đồ tà Đàng trong có nhiều khác biệt về
hình chén "dáng bánh sáp (Vương Hồng Sển)". Trong lòng đĩa họa sĩ để một bố
cục vuông để vẽ cảnh sông núi, thuyền câu trong giới hạn, còn phía ngoài bán
nguyệt phủ men. Đặc biệt, đồ ký kiểu Đàng Trong phần lớn ghi niên hiệu nhà
Minh nhưng chữ viết là các bài thơ nôm (Phạm Hy Tùng). Thậm chí đồ ký kiểu
Đàng Trong còn vẽ tích truyện Trung Hoa: cảnh vẽ, đề thơ thất ngôn "Du xích
bích" của Tô đông Pha.
ĐỒ TRÀ CỤ TRIỀU NGUYỄN
Chúa Nguyễn Vương là người khôi phục, lập ra triều Nguyễn sau khi tiêu diệt nhà
Tây Sơn năm 1802. Niên hiệu Gia Long của chúa Nguyễn vương ngày 1/6/1802 đã
xây dựng lại kinh đô Phú Xuân. Ông là một trà sĩ tao nhã, ngài không uống rượu
nên ban lệnh đặt đồ trà cụ cho đoàn sứ sang triều Thanh. Đó là bộ trà Giáp tý 1804
gồm 1 tống 3 quân là loại chén mắt trâu để chung 1 đĩa bàn. Ấm Gia Long Niên
chế là loại ấm có hình dáng đặc biệt, có dung tích lớn làm trà giải khát. Ấm đáy
suông 11 cm x 11 cm, miệng vuông nhỏ được vuốt 4 mặt từ đáy hơi lõm cong lên
cao như dáng một ngọn tháp, đỉnh tháp là nắp cầm nhắc lại hình thân ấm. Vòi ấm
cũng tạo tác vuông từ to vuốt lên nhỏ. Bốn mặt bao quanh thân ấm có men lam
đường viền bao quanh, hai mặt bên ấm vẽ Lý ngư vọng nguyệt là đề tài quen thuộc
trong tranh Đông Hồ, mặt ấm bên vòi là bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt: Cổ kim đồng
thân ái; viễn cận mộ tri âm; thanh hương phiêu mãn tọa; cố hữu ngộ giai nhân.
Dịch nghĩa: Người từng theo ta; người mới đang đến với ta, đều trân quý như nhau;

kẻ ở xa cho chỉ kẻ gần bên, đều là tri âm tri kỷ. Hương trà thơm ngào ngạt vương
vấn khắp chốn này. Các mỹ nữ đang hầu trà cho ta và bầu bạn cũ. Nội dung của bài
thơ tỏ rõ tâm trạng của một vị quân vương qua nhiều thử thách, gian nguy cùng với
quân thần, tràn đầy lãng mạn.


Bộ trà triều Nguyễn của Trần Đình Sơn


Thọ Triện là tên bài thơ, được viết lên chiếc ấm hình vuông có ẩn ý sâu xa là tỷ ấn
của nhà vua. Nghệ thuật tạo hình đặc sắc của ấm có dáng chữ Thọ và là triện, biểu
tượng cả nội dung lẫn hình thức dân tộc (được lưu giữ tại bảo tàng Mỹ thuật Việt
Nam). Bộ trà Mai Hạc 1 tống 3 quân theo kiểu Đàng Trong có kiểu dáng thuần
Việt khác với tước trà lẫn ấm kiểu Mãn Thanh. Điển hình bộ trà Mai Hạc do
Nguyễn Du là chánh sứ mang về cho vua Gia Long, có đề hai câu thơ lục bát viết
bằng chữ Nôm:
Nghêu ngao vui thú sơn hà
Mai là bạn cũ Hạc là người quen
- Bộ đồ trà kiểu Minh mạng - Bộ trà Giang sơn cẩm tú hiệu đề chữ NHẬT: đĩa
khay vẽ cung điện nguy nga hoành tráng: hai khu lầu 3 tầng, cầu nối trên cầu, quan
nhân cưỡi ngựa trở về trong phủ và phu nhân đang ngóng đợi. Cảnh thiên nhiên
khoáng đại, tre trúc sau lầu, những cây tùng cao bên cung điện dựa bên vách núi,
nhà thủy tọa lạc phía xa có đôi bạn tri âm đang thưởng trà; chén miệng hình trái
hồng, lòng sâu kiểu Việt.
- Bộ đồ trà Thiệu Trị vẽ nhiều hình viên long, nhiều hình rồng tròn, vành miệng
chén, ấm đều bịt vàng, hiệu đề chữ nhật xứng danh đồ ngự dụng của nhà vua.
- Bộ đồ trà Tự Đức còn lại khá nhiều, phong phú có nhiều hiệu đề: Nội phủ, Ngoạn
ngọc, Nhã ngọc. Điển hình bộ đồ trà Hái thuốc kiểu truyền thống vẽ 1 lão nhân nón
lá rộng vành chống gậy trúc dưới gốc tùng già. Phía trên đề hai câu thơ: "Tùng hạ
vấn đồng tử; Ngôn sư thái dược khứ" trích trong bài thơ tứ tuyệt: đi tìm người ở ẩn

mà không gặp. Bố cục vẽ đẹp nét vẽ điêu luyện làm tăng giá trị bộ đồ trà hoàn mỹ.
Cuối thế kỷ XIX, Pháp xâm lược. Nước ta đã hoàn thành mất quyền tự chủ. Người
Pháp bảo hộ, đoạn tuyệt với Trung Hoa, vua Thành Thái (1889-1907) là người đã
chịu nhiều ảnh hưởng chi phối của Toàn quyền Pháp. Trong bối cảnh chung đồ trà
cụ ký kiểu được hướng về phương Tây với các lò sứ danh tiếng như:
Wilow,Vierzon Legende, Lingo, v.v. Lối vẽ in đề can hàng loạt các điển tích, các
đề tài trang trí phương đông bị khô cứng theo kiểu đường viền, không còn đậm
nhạt. Từ các lối trang phục, hoạ tiết, hoa lá phương đông được nét vẽ phương Tây
làm sai lệch, xa rời hiện thực, mất độ mềm mại, uyển chuyển, không hấp dẫn.
Đồ trà cụ của vua Khải Định 1916-1925 được đặt làm từ lò sevret tại Pháp, phong
cách lai căng, không còn bản sắc dân tộc. Các đồ trà cụ phương Tây phủ men tím
than thẫm sắc đen, miệng tách dán đề can châu Âu. Giữa lòng đĩa in vương huy
rồng Nguyễn là do được dán thêm, tách ra từ những đồ trà sản xuất hàng loạt. Đồ
trà của Hoàng triều Bảo Đại 1925-1945, là ông vua được đào tạo từ nhỏ tại Pháp
và Hoàng hậu Nam Phương cũng như vậy, lại là người công giáo, nên sử dụng đồ
trà cụ châu Âu là chủ yếu đặt ở lò Limoge, Pháp. Ấm trà Bảo Đại hình khối trụ đơn
giản đề thơ Kiều. Trong lòng đĩa có hình vẽ Thuý Kiều thướt tha ẩn trong rừng
trúc, đề thơ:
Một mình lặng ngắm bóng nga
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời
Chiếc tách hình trụ vẽ Kiều đứng bâng khuâng dõi theo Kim Trọng mờ xa, tay quai
ấm, tách kiểu phương Tây nổi rõ sự giao thoa đông tây buổi đầu còn thô mộc,
gượng ép.
Đồ trà Đặng Huy Trứ. Duới triều Tự Đức, ông đã được cử bí mật sang Trung Hoa
để dò xét tình hình, nhân đó ông đã có đặt một số đồ trà ký kiểu cho mình ở lò
Quảng Đông: Bộ trà Mai Tuyết lòng đĩa vẽ cảnh mùa đông, thầy cưỡi ngựa, theo
sau là trò vác cành mai trên vai, có đề thơ:
Tuyết trung vị vấn điều canh sự
Tiên cú bách hoa đầu thượng thai.
(Dịch nghĩa: Trong giá tuyết chưa hỏi đến việc vua giao; đầu tiên để thưởng thức

hoa mai nở trước trăm hoa (sưu tập Trần Đình Sơn).


Cảnh vẽ Thúy Kiều đợi Kim Trọng

Thời Nguyễn còn sản xuất đồ trà cụ Pháp Lam do Pháp lam tượng cục chuyên
phục vụ triều đình. Pháp Lam có cốt đồng tráng men là đỉnh cao ở thời Thiệu Trị,
nước men đẹp sắc sảo. Hiện nay tại bảo tàng Mỹ thuật Rennes, Pháp có tới 3 bộ đồ
uống trà Pháp Lam của Hoàng Cung Huế. Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh
có bày bộ hai bát trà, khay và âu đựng nước Pháp Lam Huế, trang trí rồng phượng,
mây tản, mặt trời. Đây là loại pha trà kiểu từ thời Khang Hy, dùng nắp khi uống
gạt trà. Bảo tàng lịch sử Việt Nam còn lưu giữ một bộ ấm trà bằng ngọc trắng, một
ấm bốn tách đĩa đều viền vàng rất mỹ lệ, phong cách phương Tây hoàn hảo về Mỹ
thuật, sang trọng về kiểu dáng. Thời Nguyễn gốm sứ sa sút, kém phát triển. Các
làng gốm chủ yếu phục vụ sinh hoạt, gốm dân gian thì quá mộc mạc. Gốm cung
đình thiên về bắt chước các mô típ TrungHoa.
Thời kỳ này, triều đình Huế đã cho nhập khá nhiều đồ gốm châu Âu và Trung
Quốc, thường làm quà biếu cho sứ thần nước ngoài. Do vậy, nhiều làng gốm đã
phải bỏ nghề, hoặc phân tán đi các địa phương do sự sa sút của nghề gốm.
LỜI KẾT
Đồ uống trà của người Việt được coi là quốc thuỷ từ ngàn xưa. Người Việt đã biết
sử dụng trong nhiều lĩnh vực như: Uống giải khát, chữa bệnh, tắm sát khuẩn và
đã chế tác ra rất nhiều loại trà cụ từ thô sơ: tre, bầu đến gốm sứ, ngọc ngà. Điểm
qua những đồ trà cụ từ thời Hùng Vương đến cung đình, các triều đại đã có một
phong cách riêng đỉnh cao về nghệ thuật chế tác trà cụ, từ dân dã đến quý tộc,
Hoàng gia. Thần y Tuệ Tĩnh đã viết "Trà làm cho tâm hồn sảng khoái, thanh nhiệt
cơ thể, uống một bát vạn nỗi ưu phiền tan biến". Thật là một thứ đồ uống kỳ diệu
mà người Việt đã biết dùng từ thời cổ đại. Ngày nay, đồ uống trà phổ biến trên thế
giới. Những đồ trà cụ nổi tiếng một thời, từ thế kỷ XIII đến XVIII chỉ còn là tiếng
vang vọng của quá khứ, được trở thành sưu tập đắt giá trong các Bảo tàng, sưu tập

tư nhân ở nước ngoài là phần lớn. Điểm qua Mỹ thuật trang trí, chế tác, men gốm
ngày nay đã bị thất truyền. Từ đầu thế kỷ XX đến thời kỳ bao cấp, đồ trà cụ Việt
Nam đã tụt hậu trước những sự tiến bộ về gốm sứ nhiều nước lân bang trên thế
giới. Gốm sứ trà cụ Việt Nam chưa có được những bước đột phá, thăng hoa để xuất
cảng như xưa, do thiếu sự sáng tạo, mẫu mã nghèo nàn, trang trí đơn điệu, rườm rà,
mầu sắc loè loẹt. Đồ gốm sứ Việt Nam cần phải cố gắng nhiều trong chế tác, và
phong cách thẩm mỹ cần nâng cao, tạo ra một dòng gốm có phong cách, đặc điểm
Việt Nam đẹp, độc đáo mới có thể quảng bá tuyên truyền, chấn hưng đồ gốm sứ trà
cụ Việt Nam. Trà cụ là người bạn đồng hành trong xuất khẩu trà, giới thiệu, nêu
cao văn minh trà Việt Nam trong thế giới hòa nhập toàn cầu.

×