1. Lợi dụng chủ đề nói với con để câu view nên bố không phải người bố tốt. Con đừng ham có
người bố tốt vì chắc gì bố đã thích thế. Bố cũng không ham có người con tốt, nhỡ con không thích
thế thì sao. Bố chỉ kiên trì chỉ cho con thế nào là tốt theo cách bố có thể làm tốt nhất, để ít nhất con
biết tốt là gì, để có thêm thứ để chọn lựa.
2. Bố là người sáng tác và bố từng nghĩ cố gắng làm tác phẩm hay là đủ rồi, trong cuộc sống, nói ra
là thừa và không hay bằng nên bố từng ít nói. Rồi đến một lúc, chạm vào người khác, lắng nghe
nhiều hơn, bố nhận ra cuộc sống cũng là một tác phẩm lớn và đầy cảm xúc chứ không chỉ là chất
liệu của tác phẩm. Nếu nói đời là vở kịch và ai cũng diễn vai của mình thì chúng ta được xem một
thứ siêu trực tiếp nhưng chúng ta chưa từng xem nó với sự chăm chú như xem phim.
Chúng ta ngại nhìn sâu vào cuộc sống. Vốn là người rụt rè, sợ ánh nhìn làm người khác bị quấy rầy,
bố cũng vậy. Khi ta nhìn người khác mà khiến họ không cảm thấy bị soi mói, ta nên nói chuyện với
họ. Sau này, bố nhận ra người ta cũng có thể sáng tác bằng việc nói (và việc nói tốt giúp người
nghe có thêm chìa khóa để hiểu thêm những tác phẩm cô đọng của mình) thì bố phải học nói rất
lâu. Khi nói được bình thường trở lại thì bố thấy hạnh phúc hơn nên dù không cần nói nhiều, nếu
con bình thường hóa được việc nói cũng như bình thường hóa được việc sáng tác (nếu con có khả
năng này) thì kỹ năng này sẽ giúp con giải quyết được nhiều vấn đề hơn. Và có thể, sáng tác được
nhiều hơn khi những vấn đề của việc ít nói dễ khiến người ta hiểu lầm và làm phiền việc sáng tác
của con.
3. Ngôn ngữ đã tồn tại và có lí của nó, nó đã nở rộ qua đủ các hình thức của cuộc sống, nghệ thuật.
Nó làm nhiều thứ suy đồi, tạo nên nhiều con người robot bị điều khiển bởi vài ý niệm, vài slogan sáo
rỗng (vì học vẹt và sống không suy nghĩ, sống theo sự sắp đặt của người khác cũng là thứ hạnh
phúc yên ổn của nhiều người). Nhưng rõ ràng, ngôn ngữ giúp con người ghi nhớ, học các trải
nghiệm của tiền bối, của vô số những bậc thầy.
Có điều, con sẽ phải tự có ngôn ngữ và cách nói của con và con phải đọc nhiều và trải nghiệm sáng
tác nhiều nếu con muốn gọt giũa những viên sỏi ngôn ngữ của con. Nếu con nhìn ngôn ngữ theo
góc này, con sẽ học được nhiều do không kỳ thị nó để bao biện cho sự sợ học cũng như không bị
nhồi sọ.
4. Có một điều bố nghĩ là bố làm khá muộn. Đó là chăm hít thở sâu. Hồi nhỏ bố được ông chú dạy
cách khoanh chân, hít thở nhưng bẵng đi một thời gian bố không thực hành điều này. Nếu bố duy trì
nó thường xuyên thì thời thanh niên khủng hoảng của bố (mà bố nghĩ ai cũng sẽ phải trải qua) sẽ
bớt u sầu, mệt mỏi, bế tắc hơn. Bởi vì, chỉ việc ngồi im, hít thở sâu trong 10 phút thôi cũng làm mình
có những trạng thái dễ chịu, yên bình mà người bị thói quen vào mạng hay bị cuộc sống cuốn đi có
thể không tìm thấy trong nhiều năm.
Nhưng nếu không tập hít thở sâu thành thói quen thì dù nói thế nào, họ cũng không tin, họ vẫn coi
thường hơi thở vì nó có sẵn, nó miễn phí. Họ không đặt câu hỏi hơi thở là ranh giới giữa sống chết
và việc thở hay thế nào cũng giúp họ sống hay hơn thế nào. Nên con nên tập thở sâu từ khi còn nhỏ
và con tự hiểu sự quý giá của hơi thở sâu. Dù con tự có khả năng này trong giấc ngủ, nó chỉ mai
một khi con lớn lên vội vã, nhưng con nên ý thức tập cả trong lúc thức.
5. Khi công nghệ khiến người tốt hay xấu, giỏi hay dốt hay gì gì đó đều có thể thể hiện bản thân thì
họ sẽ bớt quan tâm đến xung quanh. Ai cũng mải xây ngôi đền cho mình nên con đừng bị ý nghĩ cả
thế giới đang nhìn mình lúc nào cũng đè nặng. Dù con đẹp trai như bố và hơn thế nhưng xã hội đầy
người đẹp trai xinh gái, nếu con không ăn mặc quá kệch cỡm hay hở hang, chẳng mấy ai nhìn con
đâu. Cứ tận dụng sự tiêu cực và thờ ơ của xã hội (làm cái hay và nghệ thuật không phát triển được
này) để có thêm cơ hội ẩn thân, yên tâm mà sống theo cách của mình trong đám đông, đừng sợ nó.
Ví dụ: Thi thoảng con có thể tè bậy, nhưng nên tè chỗ nào mà con biết nó không làm bẩn thêm môi
trường và còn tốt hơn cho cái cây.
6. Cái đau là một thứ kỳ lạ. Nó có thể giúp con đi đến những giới hạn mới của bản thân nhưng cái
đau quá sẽ tạo nên nỗi sợ quá lớn ăn mòn nhiều cảm xúc đẹp đẽ khác. Nên con đừng tự làm đau
bản thân theo cách mà con không biết mình chịu được và sau nỗi đau, con học được cách nhẹ
nhàng với mình, với người khác hơn.
Quan trọng là con đừng quá sợ đau khi nó chưa xảy đến, khi con chưa thực sự cảm nhận nó. Đừng
để bị đau nhiều theo tin tức, có quá nhiều tin tức sai hoặc bị làm giả, thậm chí, làm giả có mục đích
để tạo những nỗi đau giả hòng dễ điều khiển đám đông.
Nếu quá sợ đau con sẽ luôn lảng tránh nỗi đau và không bước sang những cấp độ chịu đau mới.
Kiểu gì rồi đời con cũng sẽ trải qua ít nhiều nỗi đau lớn, nếu con không có những lần vượt những
ngưỡng đau nhỏ, con sẽ bị sốc và con dễ bị đắm chìm trong những cú sốc vì nghiện cảm giác kỳ lạ
của cú sốc, nghiện sự thương thân khi phải trải qua biến cố cũng là một trạng thái tâm lí phổ biến.
7. Tình thương cũng kỳ lạ như nỗi đau và có liên hệ mật thiết với nó. Ai cũng sợ bị tổn thương.
Người tốt thì còn sợ làm tổn thương người khác. Nhưng người tốt còn cần là người làm người khác
tốt hơn chứ không chỉ dễ dãi với cái chưa tốt của họ. Thế giới này tốt lên chậm một phần cũng bởi
những người tốt dễ dãi, họ bị lợi dụng tình thương. Bố cũng nhiều lần lợi dụng tình thương của bố
mẹ và người thân của mình, sự tha thứ của họ để làm tổn thương họ. Có thể con không thích làm
người tốt nhưng nếu con nghĩ vậy là hợp với con thì con nên trở thành một người tốt thông minh để
làm một người tốt hạnh phúc, vui tươi. Và để thành người như vậy, nếu con sống giữa thiên nhiên,
những con người chan hòa, con sẽ tự nhiên như vậy.
Nhưng nếu con sống trong một môi trường hèn kém và phức tạp, bắt buộc con phải trở thành một
nhà khoa học của tình thương. Con phải xây dựng được một phòng thí nghiệm của tình thương
trong tâm tưởng mình. Có những lúc con phải làm tổn thương vì có lúc, quyết định hay lựa chọn của
con là đúng nhất và đáng giá nhất, hơn những người không chịu hy sinh, không chịu trải nghiệm.
Nhưng ít nhất, con phải thí nghiệm sự tổn thương với mình trước đã, con thấy ổn thì con hẵng trao
sự tổn thương đó cho người khác nếu con tin làm vậy là đúng. Có thể có xác suất sai vì có thể cơ
chế và văn hóa chịu nhiệt của con khác họ, con nên lường trước cả điều đó và nếu sai thì đừng
ngại xin lỗi và xoa dịu. Cái này dễ mà, chỉ cần đừng cứng nhắc quá là con sẽ được nhiều người
thương và xoa dịu những nỗi đau của con.
8. Con người hạnh phúc lâu hơn khi họ cân bằng giữa tâm hồn và cơ thể. Thể thao và khả năng
chơi nhạc cụ hỗ trợ việc này cực tốt. Cái này thì thế hệ của con tự biết nên bố không cần nói thêm,
việc bố phải làm là cố gắng hỗ trợ con nếu con chưa tự tìm được không gian để phát triển hoạt
động thể chất cũng như âm nhạc nếu con muốn. Con nên yêu cầu và nhắc nhở nếu bố quên.
9. Không gian riêng là một thứ quan trọng. Cơ thể con cần hít thở chỗ thoáng và tâm hồn con cũng
vậy. Bố mẹ sẽ cố gắng tạo cho con nhiều không gian riêng tư nhưng càng lớn, càng có nhiều mối
quan hệ hơn, con càng phải tự biết tạo không gian riêng tư cho mình. Luôn có không gian riêng tư
nếu con chịu khó đi, chịu khó quan sát. Trái đất của chung này dù bị sự sở hữu hay những luật lệ tư
lợi xâm chiếm thì nó vẫn còn rất nhiều không gian trống. Rèn luyện để óc quan sát phát triển và sự
cởi mở nhìn thấy nhiều cái hay của người khác để ít sợ đám đông sẽ giúp con thấy chúng, thấy
nhiều người có thể tặng chúng cho con hay đổi chúng lấy những sản phẩm của con.
10. Bố không nghĩ đồng tiền là phương tiện tốt nhất của thế giới trao đổi này nhưng nó đã là thang
giá trị ăn sâu vào thói quen của quá nhiều người. Việc tạo nên một hệ thống khác tốt đẹp hơn là
việc bố chưa đủ sức để hướng tới. Bố nghĩ thế giới đồng tiền này không tốt lắm cho con nhưng con
đành phải sống trong đó vậy. Và đừng nghĩ là nó tạm bợ chừng nào con chưa tự tìm ra cách sống
ổn mà không cần nó. Chi bằng, con nghĩ theo cách đơn giản này: Nếu con đủ giỏi, đồng tiền rất dễ
kiếm nếu con học kiếm tiền từ sớm. Nó giúp con mua được những không gian không cần sử dụng
đến đồng tiền, có thể tách biệt khỏi những người tham tiền nếu họ làm con khó chịu.
Sự kỳ thị đồng tiền và ít quan tâm đến nó khiến bố không tập trung dùng năng lực của mình để kiếm
nó dễ dàng và khi bị thói quen đó ăn sâu vào não, kiếm tiền trở thành việc khó khăn của bố khi bố
không có niềm vui hay động lực với nó. Con nên suy nghĩ về tiền sớm hơn bố khoảng 20 năm. Con
có thể dùng đồng tiền để đứng trên người khác, đó là cách bao người vẫn dùng và nó dễ dàng tạo
ra khoái cảm, an ủi cho kẻ thất bại trong những khả năng thuyết phục/chinh phục khác. Nhưng như
vậy thì chúng ta sẽ khó nói chuyện :”D
11. Nghĩ ra gì thêm bố sẽ úp đết nhưng tạm vậy đã. Chỉ cần vậy mà bố cũng phải rèn luyện mướt
mát và thấy rất ồ de. Không biết nó có phù hợp với con không nhưng khi phát triển những thứ đó,
bố đặt mình như một người bình thường và muốn sống bình thường và phải khổ luyện một cách
bình thường.