Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Bài thuốc chữa táo bón từ y học cổ truyền docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (195.67 KB, 8 trang )





Bài thuốc chữa táo bón từ y học cổ truyền



Nhiều người nhầm tưởng rằng khi táo bón, cần dùng các đồ ăn thức uống có tính
“mát” và “nhuận” như khoai lang, đu đủ, chuối tiêu, thanh long… Theo y học cổ
truyền, táo bón có nhiều thể khác nhau nên không phải ai cũng dùng thuốc như
nhau.
Muốn phòng chống táo bón một cách hữu hiệu, cần tuân thủ triệt để nguyên tắc
“biện chứng luận trị” của y học cổ truyền, nghĩa là phải căn cứ vào chứng trạng cụ
thể mà lựa chọn và sử dụng các món ăn – bài thuốc thật phù hợp.

Cây mộc hương chữa táo bón
Thể bệnh thực nhiệt
Đại tiện phân khô táo, toàn thân có cảm giác nóng bức, hay cáu giận, mặt đỏ, bụng
trướng đau, tiểu tiện sẻn đỏ, môi khô miệng khát, thích uống nước mát, chất lưỡi
đỏ, rêu lưỡi vàng khô.
- Củ cải trắng 100 g, mật ong lượng vừa đủ. Củ cải rửa sạch, giã nát, ép lấy nước
cốt rồi hòa với mật ong uống trong ngày (nếu có máy ép thì càng tốt).
- Quyết minh tử 10 g, cà dái dê tím 2 quả. Sắc quyết minh tử lấy nước; cà rửa sạch,
thái miếng, đem rán qua với dầu thực vật rồi nấu với dịch chiết quyết minh tử cho
thật chín, chế thêm gia vị, ăn trong ngày.
- Măng non tươi 100 g, rau cần tây 100 g. Măng rửa sạch, luộc qua, thái miếng; rau
cần rửa sạch, cắt đoạn, chần qua nước sôi. Hai thứ đem xào với dầu thực vật và gia
vị vừa đủ, dùng làm rau ăn hàng ngày.
Thể bệnh khí trệ
Đại tiện khó khăn, ợ hơi liên tục, ngực bụng đầy chướng, ấm ách khó chịu, ăn kém


chậm tiêu, có lúc đau bụng, miệng khô họng khát, chất lưỡi hồng, rêu trắng mỏng.
- Mộc hương 5 g, binh lang 5 g, gạo tẻ 100 g, đường phèn vừa đủ. Sắc kỹ mộc
hương và binh lang, lấy nước bỏ bã rồi cho gạo tẻ vào ninh thành cháo, chế thêm
đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày.
- Mộc hương 10 g, giáng hương 5 g, hải sâm 10 g, đại tràng lợn 1 đoạn. Hải sâm
rửa sạch thái miếng, đại tràng lợn rửa sạch, thái nhỏ. Cho mộc hương và giáng
hương vào túi vải, buộc kín miệng, tất cả cho vào nồi nấu nhừ, chế đủ gia vị, chia
ăn vài lần trong ngày.
- Chỉ thực 10 g, củ cải trắng và tôm nõn vừa đủ. Sắc kỹ chỉ thực lấy nước bỏ bã, củ
cải trắng thái miếng và tôm nõn cho vào dịch chiết chỉ thực nấu nhừ, chế thêm gia
vị, dùng làm canh ăn hàng ngày.
Thể bệnh khí hư
Đại tiện khó khăn dù phân không khô cứng, toàn trạng mệt mỏi, hay có cảm giác
khó thở, dễ vã mồ hôi, ăn kém chậm tiêu, sắc mặt trắng nhợt, đại tiện lỏng hoặc
nát, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng.
- Hỏa ma nhân 10 g, vừng 5 g, bột hạt dẻ 50 g, bột ngô 50 g. Hỏa ma nhân và vừng
sao thơm tán bột, đem nấu với bột hạt dẻ và bột ngô thành dạng cháo loãng, chế
thêm một chút đường đỏ, dùng làm đồ điểm tâm.
- Hoàng kỳ 300 g, mộc hương 45 g, mật ong lượng vừa đủ. Sắc kỹ hoàng kỳ và
mộc hương 2 lần lấy nước cốt, cô thật đặc rồi cho thêm mật ong vào cô tiếp một lát
là được, để nguội, đựng trong lọ thủy tinh để dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi
lần 1 thìa canh.
- Hoàng kỳ 10 g, tô tử 50 g, hỏa ma nhân 50 g, gạo tẻ 250 g. Sắc kỹ hoàng kỳ, tô tử
và hỏa ma nhân lấy nước nấu với gạo tẻ thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.
- Nhân sâm 5-10 g, vừng đen 15 g, đường trắng lượng vừa đủ. Vừng đen sao thơm
tán bột, sắc kỹ nhân sâm lấy nước bỏ bã rồi cho vừng và đường trắng vào nấu
thành dạng cháo loãng, ăn trong ngày.
- Hạnh nhân 60 g, vừng đen 500 g, đường trắng 250 g, mật ong 250 g. Hạnh nhân
giã nát, vừng đen sao thơm tán bột, hai thứ cho vào bát, trộn với mật ong và đường
trắng, đem hấp cách thủy cho chín, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 1 thìa canh.

Thể bệnh huyết hư
Đại tiện táo, sắc mặt nhợt nhạt, hay hoa mắt chóng mặt, trí nhớ giảm sút, dễ hồi
hộp trống ngực, chất lưỡi nhợt, thường trong tình trạng thiếu máu.
- Chuối tiêu chín 500 g, vừng đen 25 g. Vừng đen rang thơm, giã vụn, ăn chuối
chấm vừng đen, chia làm 3 lần trong ngày.
- Quả dâu chín (tang thầm) 500 g, sinh địa 200 g, mật ong lượng vừa đủ. Sắc kỹ
tang thầm và sinh địa 2 lần, lấy hai nước hợp lại, cô nhỏ lửa cho thành dạng cao
đặc, chế thêm mật ong, đun sôi một lát là được, để nguội, đựng trong lọ kín dùng
dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 thìa canh.
- Tùng tử nhân 50 g, hạch đào nhân 50 g, mật ong 500 ml. Tùng tử nhân và hạch
đào nhân bỏ vỏ, sao khô, tán bột rồi hòa với mật ong, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần
2 thìa canh.
- Tùng tử nhân 20 g, gạo tẻ 60 g. Đem tùng tử nhân tán vụn rồi ninh với gạo thành
cháo, chia ăn vài lần trong ngày.
Thể bệnh dương hư
Đại tiện khó khăn, sắc mặt nhợt nhạt, chân tay lạnh, sợ lạnh thích ấm, hay đau
bụng và lưng do lạnh, lưng đau gối mỏi, tai ù tai điếc, có thể có liệt dương di tinh,
tiểu tiện trong dài, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng ướt.
- Nhục thung dung 30 g, thận dê 1 cặp. Thận dê làm sạch, thái mỏng, sắc nhục
thung dung lấy nước bỏ bã rồi cho thận dê vào, đun sôi một lát là được, chế đủ
hành, gừng tươi thái chỉ và gia vị vừa đủ, ăn nóng.
- Tỏa dương 15 g, đường đỏ lượng vừa đủ. Sắc kỹ tỏa dương lấy nước bỏ bã, chế
thêm đường đỏ, chia uống 2 lần trong ngày.
- Tỏa dương 5 g, nhục thung dung 5 g, thịt dê 50 g, bột mì 200 g. Sắc kỹ tỏa dương
và nhục thung dung, lấy nước bỏ bã rồi nhào với bột mì thật nhuyễn, cán mỏng, cắt
thành sợi, nấu với thịt dê, chế đủ gia vị, dùng làm đồ điểm tâm hàng ngày.
- Hạnh nhân 15 g, đương quy 15 g, phổi lợn 250 g. Phổi lợn rửa sạch, thái miếng,
chần qua nước sôi rồi đem nấu với hạnh nhân và đương quy cho chín, chế đủ gia
vị, ăn nóng.



×