I - Gợi dẫn
1. Tác giả
Bạch Cư Dị (772 – 846) tên chữ là Lạc Thiên, người tỉnh Thiểm Tây, là nhà thơ nổi tiếng nhất đời Trung
Đường, cũng là nhà thơ sáng tác nhiều nhất đời Đường (hiện còn trên 3000 bài). Ông tự chia tác phẩm
của mình thành bốn loại, trong đó có giá trị nhất là thơ phúng dụ và thơ cảm thương. Thơ phúng dụ
thường nặng về phê phán các tệ nạn xã hội và các chính sách của triều đình, thơ cảm thương thường thiên
về bộc lộ cảm xúc trước những cảnh đời thương tâm ; tuy nhiên ranh giới này chỉ là tương đối vì trong
thực tiễn sáng tác của nhà thơ, hai yếu tố này thường xuyên thâm nhập vào nhau. Sinh ra vào thời buổi
loạn li, cuộc đời quan trường gặp rất nhiều trắc trở, những điều đó đã để lại dấu ấn trong sáng tác của
Bạch Cư Dị.
2. Tác phẩm
Tì bà hành là bài thơ thuộc loại thơ cảm thương với một đề tài rất quen thuộc trong thơ ca xưa, đó là cảm
thương những thân phận “tài hoa bạc mệnh”. Bài thơ như một bản đàn đầy tính nhân văn. Qua tiếng đàn
tài hoa và số phận lận đận của người ca nữ, nhà thơ đã bộc lộ tâm sự về cuộc đời, về nhân sinh. Thành
công xuất sắc của bài thơ là nghệ thuật miêu tả tiếng đàn. Bằng ngôn ngữ, nhà thơ đã tạo nên một khúc
nhạc đầy gợi cảm, đầy tâm trạng. Nhà thơ sáng tác bài thơ khi bị giáng chức làm quan Tư mã ở một vùng
đất hẻo lánh, đang rơi vào tâm trạng bi quan. Bài thơ là tiếng lòng cảm thương đậm chất nhân văn của nhà
thơ đối với tài năng bị cuộc đời vô tình lãng quên.
3. Cách đọc
Đọc kĩ các chú thích, nắm được nghĩa các từ khó trong bài.
Bản dịch thơ theo thể song thất lục bát, do vậy khi đọc, chú ý bắt vần chân của câu thất thứ nhất với vần
lưng trong câu thất thứ hai, vần chân của câu thất thứ hai với vần chân của câu lục, hai câu cuối trong một
khổ thơ bắt vần theo luật thơ lục bát. Lên giọng khi mở đầu và xuống giọng khi hết khổ thơ.
Giọng đọc tha thiết, thể hiện sự đồng cảm sâu sắc và niềm tri âm của nhà thơ đối với cảnh ngộ của người
ca nữ trên bến Tầm Dương.
II - Kiến thức cơ bản
“Mặc dù bao nhiêu biến cố xảy ra đã huỷ hoại bao nhiêu di sản văn hoá của nhân dân, nhưng cho đến nay
chúng ta vẫn có được hơn 40.000 bài thơ của hơn 2.300 thi sĩ. Chừng ấy bài thơ còn lại với nội dung
phong phú và nghệ thuật trác việt cũng đủ để đánh dấu một thời kì hoàng kim của thơ ca Trung Quốc. Và
làm cho thơ Đường cùng với Kinh Thi, Sở từ được liệt vào hàng thơ ca ưu tú nhất của nhân loại” (Nam
Trân). Trong số 2.300 nhà thơ làm nên sự rực rỡ của thơ ca đời Đường phải kể đến một nhà thơ mà sức
sáng tạo đáng được trân trọng nhất. Ông để lại cho di sản thơ ca đời Đường gần 3.000 bài thơ. Đó là nhà
thơ, nhà lí luận văn học Bạch Cư Dị – một trong ba đỉnh cao của thơ ca đời Đường cả về số lượng và chất
lượng tác phẩm.
Bạch Cư Dị ra đời trong một gia đình quan lại nhỏ ở Hà Nam, sống trong không khí loạn li của xã hội
Trung Đường. Ông sáng tác nhiều loại thơ. Giai đoạn đầu, trước 812, do làm một số chức quan, nhà thơ
có sự tiếp xúc trực tiếp với cuộc sống khổ đau của dân chúng, chứng kiến tận mắt hậu quả tai hại của
những chính sách hà khắc của triều đình nên đây là thời kì thơ phúng dụ châm biếm của nhà thơ phát triển
rực rỡ. Nhưng ở giai đoạn này ông còn có một bài thơ cảm thương rất nổi tiếng, đó là Trường hận ca.
Giai đoạn sau, cuộc đời quan trường lận đận làm cho nhiệt tình chính trị trong ông dần nguội lạnh, chứa
đựng trong lòng nhiều trắc ẩn nên nhà thơ rất thành công với mảng thơ cảm thương. Nhiều bài thơ cảm
thương có giá trị đã được ra đời trong thời kì này, trong đó có kiệt tác Tì bà hành – bài thơ nổi tiếng nhất
của Bạch Cư Dị, có ý nghĩa hiện thực và giá trị nghệ thuật cao. Theo lời tựa, bài thơ ra đời năm 816 – lúc
Bạch Cư Dị bị giáng chức làm Tư mã Giang Châu. Đây là giai đoạn nhà thơ có rất nhiều tâm sự. Do tính
tình ngay thẳng, trước những điều ngang tai trái mắt ông đã viết nhiều bài thơ châm biếm giai cấp thống
trị nên bị bọn quan lại ghen ghét, chúng luôn tìm mọi cách để hại ông. Vì thế Bạch Cư Dị bị giáng chức
nhiều lần, có lần bị giáng làm viên quan trông coi việc nuôi ngựa ở một nơi hẻo lánh. Thời kì này tuy
tiếng là làm quan nhưng ông lại sống cuộc đời ẩn sĩ, vui với bầu rượu, túi thơ và tiếng đàn câu hát.
Tì bà hành là một bài thơ trữ tình xen lẫn yếu tố tự sự, có một cốt truyện lồng trong mạch cảm xúc của
bài thơ. Cốt truyện ấy đóng vai trò như là điểm tựa cho mạch thơ, từ đó các cấp độ cảm xúc được thể
hiện. Về mặt nội dung, bố cục bài thơ có thể chia làm ba phần. Phần thứ nhất (từ câu 1 đến câu 12), nói về
hoàn cảnh cuộc gặp gỡ giữa người chơi đàn và người thưởng thức. Phần thứ hai (từ câu 13 đến câu 62)
miêu tả tiếng đàn, tâm sự về cuộc đời của người ca nữ). Phần còn lại là tâm trạng của người nghe đàn –
Tư mã Giang Châu. Câu chuyện bắt đầu từ việc Tư mã Giang Châu đang tiễn bạn ở bến Tầm Dương bỗng
nghe một tiếng đàn lạ, một tiếng đàn điêu luyện và bời bời tâm sự. Sau đó, họ chong đèn bày rượu cùng
nghe đàn và giãi bày nỗi lòng. Người chơi đàn vốn là một kĩ nữ có tài đàn rất đặc biệt và có nhan sắc.
Thuở thanh niên mải vui, khi về già đành kết duyên với một thương nhân. Nhưng người khách thương
nhân mải làm ăn, để người kĩ nữ trong nỗi cô đơn, nàng đã mượn tiếng đàn để giãi bày tâm sự. Nghe đàn
và nghe xong chuyện, người nghe đàn có sự đồng cảm sâu sắc với thân phận người kĩ nữ nên đã viết nên
bài thơ để thể hiện tấm lòng của mình. Đề tài thương cảm đối với những người “tài hoa bạc mệnh” là đề
tài không hiếm xưa nay, nhất là với những nghệ sĩ có tấm lòng nhân đạo. Nhưng niềm cảm thông của nhà
thơ trong bài thơ này còn là một sự đồng cảm của người cùng cảnh ngộ. Trước thân phận nàng Tiểu
Thanh, đại thi hào Nguyễn Du từng thể hiện niềm cảm thương và sự đồng cảm của mình :
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư
(Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được
Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã)
(Độc Tiểu Thanh kí)
Họ đều là những người tài hoa nhưng gặp nhiều trắc trở trong cuộc đời, bởi trong những chế độ xã hội
thiếu nhân quyền thì “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Với nhà thơ Bạch Cư Dị, niềm cảm thương sâu
sắc với thân phận “tài hoa bạc mệnh” đã giúp ông hiểu tiếng đàn của người kĩ nữ trên bến Tầm Dương.
Bài thơ đã tái hiện một quá trình đồng cảm giữa hai người cùng chung số phận “tài hoa bạc mệnh”. Họ
đều là những “khách phong lưu” luôn mang trong mình những niềm trắc ẩn. Sự đồng cảm được thể hiện
qua tiếng đàn của người ca nữ và tấm lòng của người thưởng thức. Sự đồng cảm của tâm hồn không bao
giờ là kết quả của những cuộc tiếp xúc thoảng qua, mà đó là kết quả sự cộng hưởng tâm tư và cảm xúc
giữa những người cùng có tấm lòng, cùng đa sầu, cùng “tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”. Hai nghệ
sĩ, hai hình tượng trữ tình trong bài thơ này đã có sự đồng cảm thông qua tiếng đàn. Cuộc gặp gỡ của họ
cũng nhờ tiếng đàn. Nghệ thuật miêu tả tiếng đàn đã đạt đến độ điêu luyện. Lần thứ nhất, tiếng đàn xuất
hiện thoáng qua trong hoàn cảnh một cuộc chia tay :
Say những luống ngại khi chia rẽ,
Nước mênh mông đượm vẻ gương trong.
Đàn ai nghe vẳng ven sông,
Chủ khuây khoả lại, khách dùng dằng xuôi.
Âm thanh tiếng đàn không được trực tiếp miêu tả, nhưng vẫn có thể biết đó là một tiếng đàn hay và lạ.
Tiếng đàn lạ bởi nó xuất hiện giữa chốn hoang vu và hay bởi chỉ thoảng qua nhưng âm thanh ấy đã níu
chân người nghe.
Lần thứ hai, tiếng đàn được miêu tả rất tỉ mỉ, từ hành động dạo đàn đến từng cung bậc âm thanh. Đoạn
thơ này của Bạch Cư Dị đã đạt đến chuẩn mực “thi trung hữu nhạc” của thơ ca cổ điển. Nhà thơ đã đặc
biệt thành công trong việc tạo nên một bản đàn bằng nghệ thuật ngôn từ. Nghệ thuật âm thanh vốn rất tinh
vi đã được nhà thơ chuyển thể thành nghệ thuật ngôn từ mà vẫn giữ được khả năng gợi cảm và lay động
lòng người của âm nhạc. Bạch Cư Dị vốn nổi tiếng là nhà thơ có khả năng bình dân hoá ngôn ngữ thơ
Đường, thơ ông thường dễ hiểu. Và vì thế ông có rất nhiều độc giả yêu thích. Nhà thơ từng rất tự hào rằng
: “Từ Trường An đến Tây Giang, ba bốn ngàn dặm, phàm là trường học, chùa chiền, quán trọ, đò sông,
đều thường có đề thơ tôi ; kẻ sĩ, dân thường, tăng ni, quả phụ, thiếu nữ, tất cả đều ngâm vịnh thơ tôi”
(Thư gửi Nguyên Chẩn). Chính tài năng sử dụng ngôn ngữ ấy đã làm nên khúc đàn tì bà có một không hai
này. Khi người ca nữ bắt đầu dạo đàn, người thưởng thức đã cảm nhận được cái tình chan chứa :
Vặn đàn mấy tiếng dạo qua,
Dẫu chưa nên khúc tình đà thoảng bay.
Những âm thanh dạo đầu cho biết đây là một bản đàn chứa nhiều tâm tư. Bàn tay điêu luyện của người kĩ
nữ đã tạo nên một bản đàn với đủ những cung bậc âm thanh cao thấp, trầm bổng khác nhau. Những cung
bậc âm thanh vốn chỉ có thể cảm nhận được bằng khả năng thẩm âm đặc biệt của người thưởng thức đã
được hình tượng hoá qua nghệ thuật sử dụng ngôn từ và tài năng tái hiện âm thanh bằng hình ảnh của Tư
mã Giang Châu. Khả năng của một nhà thơ và tấm lòng biết cảm thông của một con người đã giúp nhà
thơ không chỉ cảm nhận được tâm sự của người kĩ nữ qua những cung bậc âm thanh mà còn hình tượng
hoá được thanh âm. Tác giả đã sử dụng một loạt hình ảnh so sánh để miêu tả tiếng đàn. Đó là một bản đàn
thật buồn :
Nghe não nuột mấy dây buồn bực,
Dường than niềm tấm tức bấy lâu.
Dường như đã lâu rồi người đánh đàn không được giãi bày tâm sự nên nay gặp được người có thể hiểu
tiếng đàn, có thể san sẻ những nỗi niềm chất chứa trong lòng thì dốc hết bầu tâm sự. Tiếng đàn không còn
đơn giản là một tác phẩm nghệ thuật mà đã trở thành một câu chuyện về thân phận con người. Vì vậy âm
thanh khi thì dồn dập, “Trước Nghê thường sau thoắt Lục yêu”, khi lại nỉ non ai oán :
Dây to dường đổ mưa rào,
Nỉ non dây nhỏ khác nào chuyện riêng.
Tiếng đàn khi ầm ập đến như tiếng mưa rào đổ xuống, khi lại dìu dặt như lời tình tự. Cũng có khi xen vào
những thanh âm trong trẻo phảng phất niềm vui, như tiếng chim hót, tiếng suối chảy :
Trong hoa oanh ríu rít nhau,
Nước tuôn róc rách, chảy mau xuống ghềnh.
Cung bậc âm thanh thay đổi liên tục và đột ngột. Thanh âm trong veo như tiếng nước chảy nhanh chóng
chuyển thành khúc nhạc buồn. Cả không gian như lắng xuống cùng tiếng đàn. Cung đàn chìm xuống, xót
xa và nín lặng như tiếng than uất nghẹn không thể thoát ra được :
Nước suối lạnh, dây mành ngừng đứt,
Ngừng đứt nên phút bặt tiếng tơ.
Ôm sầu mang giận ngẩn ngơ,
Tiếng tơ lặng ngắt, bây giờ càng hay.
Sau phút giây đột ngột lắng xuống ấy, tiếng đàn lại vút lên, dồn dập và sôi nổi hơn. Nhưng đây không
phải là sự sôi nổi của tâm trạng hưng phấn bởi niềm vui, mà đây là âm thanh được phát ra từ nỗi lòng
chứa chất nỗi đau :
Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước,
Ngựa sắt giong, xô xát tiếng đao.
Nhịp âm chuyển động nhanh, thanh âm thì chao chát và bất thường, như có không khí của chiến trận, của
sự xô xát. Ngay sau đó lại là khúc thanh tao, tưởng chừng sẽ trong và vút cao nhưng thật đột ngột khi đó
lại là âm thanh thật gắt :
Cung đàn trọn khúc thanh tao,
Tiếng buông xé lụa, lựa vào bốn dây.
Tác giả thật tinh tế và sắc sảo khi lựa chọn những hình ảnh so sánh đầy sức gợi hình và khả năng thể hiện
âm thanh. Âm cao thì được so sánh với “tiếng mưa rào”, với tiếng “bình bạc vỡ”, tiếng ngựa, tiếng đao xô
xát, còn những âm thấp và trầm lại được so sánh với tiếng rì rầm tâm sự, tiếng suối chảy… Tác giả đã tạo
nên một phức âm thật phong phú và đa dạng. Những hình ảnh so sánh được lựa chọn không chỉ miêu tả
chính xác âm thanh mà còn thể hiện được những biến động tâm lí của người chơi đàn. Tiếng đàn vừa thể
hiện sự tài hoa vừa giãi bày tâm sự của người đàn. Sau những giây phút nghe tiếng đàn, cả chủ khách đã
có sự đồng cảm, tấm lòng đã cởi mở hơn. Tiếng đàn đã khiến họ trở thành những người tri âm, tri kỉ.
Người kĩ nữ giãi bày nỗi lòng, kể về số phận và cảnh ngộ của mình. Nàng là một người tài hoa nhưng
phận bạc. Tài năng đứng vào hàng bậc nhất thiên hạ :
- Giáo phường đệ nhất chỉ đà chép tên.
- Gã thiện tài sợ phen dừng khúc,
ả thu nương ghen lúc điểm tô.
Thuở thanh xuân đã từng được sống cuộc sống vui vẻ nhưng rồi sự phũ phàng của thời gian và sự đen bạc
của cuộc đời đã đẩy con người tài năng ấy đến cô đơn nơi bến vắng đìu hiu. Khi nhan sắc không còn thì
tiếng đàn dù có tài hoa đến đâu cũng bị lãng quên :
Buồn em trảy lại lo dì thác,
Sầu hôm mai đổi khác hình dong ;
Cửa ngoài xe ngựa vắng không,
Thân già mới kết duyên cùng khách thương.
Nhưng cay đắng hơn khi tài năng ấy lại gửi vào nơi vô tình, vào tay kẻ không biết trọng nhân tài. Có lẽ,
đây chính là điều làm cho Tư mã Giang Châu xúc động mạnh đến vậy. Và vì “đồng thanh tương ứng,
đồng khí tương cầu” nên người đã có sự đồng cảm sâu sắc với tâm sự của người kĩ nữ :
Cùng một lứa bên trời lận đận,
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau.
Thân phận của người nghe đàn cũng có điểm giống với thân phận người kĩ nữ. Đó là một người có tài, có
tình nhưng do không chịu sống uốn lưng bó gối nên cuộc đời cũng gặp bao cảnh lận đận, để rồi cuối cùng
phải gác chí quân tử để sống cuộc sống ẩn sĩ nơi bến vắng, mang tiếng làm quan nhưng chẳng có việc gì
để phát huy tài năng. Hai tài năng bị vùi dập và lãng quên đã bị đưa đẩy đến nơi :
Sông Bồn gần chốn cát lầm,
Lau vàng, trúc võ, âm thầm quanh hiên.
Trong cảnh ngộ ấy, tiếng đàn như khúc tiên nhạc làm lòng người thanh thản như trút được bầu tâm sự vẫn
chất chứa trong lòng :
Tì bà nghe dạo canh khuya,
Dường như tiên nhạc gần kề bên tai.
Thơ của Bạch Cư Dị vốn luôn nặng trĩu tấm lòng nhân thế, dù là thơ “phúng thích” hay thơ cảm thương
đều có giá trị phê phán hiện thực. Đó là hiện thực xã hội Trung Đường loạn li, trắng đen lẫn lộn. Trong
một xã hội như thế, nhân tài khó được trọng dụng. Câu chuyện của người kĩ nữ hay tâm sự của Tư mã
Giang Châu thì vẫn là nỗi lòng của Bạch Cư Dị về hiện thực xã hội, về những điều bất công của nhân tình
thế thái. Có thể nói hình tượng người kĩ nữ chính là sự “khách thể hoá” hình tượng nhà thơ. Cuộc đối
thoại tri âm tri kỉ giữa hai người có thể chính là sự phân thân của chủ thể trữ tình – nhà thơ. Đó là một
hình thức để giãi bày tâm sự của nhà thơ, một con người biết nâng niu và trân trọng tài năng.
Sau những lời giãi bày tâm sự, tiếng đàn đã mang đến một sự đồng cảm giữa những người ngồi đó :
Nghe não nuột khác tay đàn trước
Khắp tiệc hoa sướt mướt lệ rơi.
Lệ ai chan chứa hơn người ?
Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh.
Trong đó người xúc động nhất là Tư mã Giang Châu, người có cùng cảnh ngộ và có tấm lòng nhân ái,
biết trân trọng và tiếc thương những tài năng bị lãng quên một cách phũ phàng. Thời xưa, cầm, kì, thi, hoạ
là những tiêu chuẩn để đo tài năng của con người, vậy mà một kĩ nữ với tiếng đàn từng xếp hàng đệ nhất
thiên hạ lại bị vùi dập nơi lau lách đìu hiu. Cả người chồng của người kĩ nữ, vì kiếm tiền mà “Mải buôn
chè sớm tếch nguồn khơi”, bỏ mặc người vợ tài hoa sống trong cảnh cô đơn. Tài năng bị lãng quên không
chỉ là bi kịch của một con người mà còn là bi kịch của cả một thời đại, Bạch Cư Dị với tấm lòng nhân đạo
cao cả của mình đã nối tiếp rất thành công nguồn cảm hứng đầy tính nhân văn này.
Với nghệ thuật kết hợp tài hoa giữa tả cảnh và tả tình, giữa trữ tình và tự sự, giữa thơ và nhạc, Bạch Cư
Dị đã sáng tạo nên một kiệt tác nghệ thuật, đã làm sống dậy một bản đàn bạc mệnh thật ấn tượng. Sự
đồng cảm sâu sắc của nhà thơ đối với số phận người ca nữ đã thể hiện tấm lòng nhân ái bao la của người
nghệ sĩ, đồng thời thể hiện tư tưởng nhân văn cao đẹp, đó là sự trân trọng tài năng.
III - Liên hệ
Đọc thêm bài Sông thu tiễn khách của Bạch Cư Dị :
Thu giang tống khách
Thu hồng thứ đệ quá,
Ai viên triêu tịch văn
Thị nhật cô chu khách,
Thử địa diệc ly quần,
Mông mông nhuận y vũ,
Mịch mịch mạo phàm vân.
Bất tuý Tầm Dương tửu,
Yên ba sầu sát nhân.
Dịch nghĩa:
Sông Thu Tiễn Khách
Mùa thu, chim hồng lần lượt bay qua,
Vượn hôm mai kêu thảm thiết,
Ngày ấy, khách trên thuyền trơ trọi,
Nơi đây cũng là nơi chia đàn.
Mưa ướt át thấm vào áo,
Mây man mác chắn cánh buồm.
Ruợu Tầm Dương chẳng thấy say.
Khói sông buồn chết người.
Dịch thơ:
Nhạn thu lần lượt bay qua,
Thảm thương tiếng vượn hôm đà lại mai.
Ngày ấy một chiếc thuyền ai,
Nuớc non này cũng chia phôi cách đàn.
Mưa dầm vạt áo như chan,
Buồn ai man mác mây ngàn đón ngang.
Chẳng say chén rượu Tầm Dương,
Khỏi sao sóng khói sầu thương chết người.
Tản Đà dịch
(Thơ Đường ở Việt Nam, NXB Hội Nhà văn, 2001)