Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Đọc hiểu bài thơ Hứng trở về - văn mẫu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (84.2 KB, 3 trang )

I - gợi dẫn
1. Tác giả
Nguyễn Trung Ngạn (1289 – 1370) tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện
Thiên Thi (nay là Ân Thi, Hưng Yên), là một danh thần của nhà Trần, làm quan đến chức Thượng thư.
Ông để lại tác phẩm Giới Hiên thi tập.
2. Tác phẩm
Hứng trở về là bài thơ thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc sâu sắc của tác giả. Tình yêu ấy thể
hiện bằng nỗi nhớ quê hương và sự gắn bó tha thiết với cuộc sống hết sức bình dị ở quê nhà. Nỗi nhớ quê
da diết thôi thúc tác giả quay về dù đang sống sung sướng giữa chốn phồn hoa.
3. Cách đọc
Đọc chính xác phần phiên âm. Phần dịch nghĩa đọc chậm, rõ. Phần dịch thơ đọc giọng biểu cảm, nhấn
giọng ở các từ cuối câu.
II - kiến thức cơ bản
Hứng trở về (Quy hứng) là một trong không nhiều những bài thơ được sáng tác trong thời kì trung đại có
được một cốt cách bình dị mà đậm chất dân tộc. Nguyễn Trung Ngạn xuất thân Nho học, từng đỗ Hoàng
giáp, làm quan lại được làm sứ thần nên ông thuộc hàng trí thức Nho học. Thông thường, các nhà nho xưa
khi làm thơ thường chịu ảnh hưởng của văn học Trung Hoa theo quy luật giao thoa văn hoá, văn học. Thế
nhưng, bài thơ này của Nguyễn Trung Ngạn lại rất đậm chất Việt, từ thi liệu đến thi tứ. Điều thú vị là bài
thơ được sáng tác khi tác giả đang đi sứ ở Trung Quốc. Vì vậy, bài thơ thể hiện tình yêu nước và tinh thần
dân tộc rất sâu sắc.
Nỗi nhớ quê hương luôn là cảm xúc thường trực của người li khách. Ta đã rất quen với câu ca :
Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi gió dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
Đó là những câu ca thể hiện tấm lòng tha thiết của mỗi người đối với quê hương mình. Một tình yêu quê
hương bình dị mà chân thành tha thiết. Các nhà thơ trung đại cũng viết nhiều về tình yêu quê hương,
nhưng điều đáng lưu ý là ở bài thơ này, nỗi nhớ ấy được gợi lên bằng những hình ảnh vô cùng quen thuộc
: cây dâu già lá rụng, nong tằm vừa chín, lúa trổ bông sớm thoang thoảng hương thơm, cua đang lúc
béo… Tất cả những hình ảnh này đều rất giàu sức gợi bởi nó gắn bó máu thịt với cuộc đời của mỗi con
người, nhất là với những ai sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Và nó thật gần với những hình ảnh mà tác giả


dân gian đã từng lựa chọn để thể hiện tình cảm của mình.
Thơ văn trung đại nói nhiều đến lòng yêu nước và người ta cũng có nhiều cách khác nhau để biểu đạt điều
này. Với bài thơ Quy hứng, cái tình đối với đất nước, non sông có thêm một cung bậc nữa – đó là nỗi lòng
của kẻ li hương. Quy hứng mở đầu bằng nỗi nhớ quê da diết của người li khách :
Dâu già lá rụng tằm vừa chín,
Lúa sớm bông thơm cua béo ghê,
Dâu và tằm, lúa và cua đồng là những thứ quá đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam từng gắn bó với
ruộng đồng. Nó dân dã đến thân thương, không ngờ lại thường trực trong nỗi nhớ, trong thơ của một viên
quan – một sứ thần. Bao nhiêu sơn hào hải vị, bao điều hấp dẫn của chốn thị thành không thể lấn át được
những hình ảnh bình dị ấy của quê hương. Đất Giang Nam vốn nổi tiếng là chốn phồn hoa đô hội, phát
triển vào bậc nhất Trung Hoa. Vậy mà, giữa đất Giang Nam, con người ấy lại “quy hứng”. Lí do thật đơn
giản mà cũng thật sâu sắc, ẩn chứa đằng sau nó cả một tình yêu lớn, một niềm tự hào đối với quê hương
đất nước của mình :
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dầu vui đất khách chẳng bằng về
Phồn hoa đô hội, giàu có và mới lạ cũng không đủ sức níu giữ bước chân của li khách. Nỗi nhớ quê vẫn
canh cánh bên lòng. Đỗ Phủ nhớ quê trong cảnh loạn li, nước mắt tuôn rơi bao nhiêu lần. Còn người
khách li hương này lại nhớ quê khi đứng giữa chốn phồn hoa. Tình yêu đối với quê hương đất nước thật
sâu nặng và thiêng liêng. Trong hoàn cảnh của tác giả, điều đó còn có ý nghĩa sâu xa hơn nỗi nhớ quê. Nó
còn thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc, còn khẳng định tấm lòng son sắt với quê hương của ông. Không
gì có thể cám dỗ được người Việt Nam yêu nước ấy.
Trong bài Hứng trở về, tình yêu quê hương đất nước không được nói bằng những ngôn từ trực tiếp mà là
bằng những hình ảnh dân dã quen thuộc đối với mỗi chúng ta. Xa quê có ai không xúc động khi nghĩ về
nong tằm, ruộng dâu, nghĩ về những ruộng lúa với những bông lúa mới trổ hoa hương đưa thoang thoảng
hay nghĩ về một bữa canh cua giản dị mà ngon ngọt đến khó phai.
Tình yêu quê hương của tác giả không chỉ biểu hiện qua nỗi nhớ mà còn thể hiện qua cái khát khao được
quay về. Sống sung sướng nơi đất khách, mà vẫn luôn nhớ đến quê hương (vùng quê tuy nghèo nhưng
không bao giờ thiếu tình yêu thương, lòng vị tha nhân hậu và sự chân tình). Sự độc đáo của bài thơ chính
là ở chỗ, những tình cảm lớn lao (lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc) lại được thể hiện bằng những hình
ảnh thơ giản dị, chân thực, mộc mạc và rất đỗi đời thường.

Với Hứng trở về, tác giả Nguyễn Trung Ngạn đã mang đến cho văn học Việt Nam trung đại một hình ảnh
thơ thật mới mẻ, dung dị và có sức thấm sâu vào lòng người. Ta đã gặp một “bè rau muống” trong thơ
Nguyễn Trãi khi người ta chỉ thích nói đến tùng, cúc, trúc, mai và ta lại xốn xang hơn khi gặp những hình
ảnh đời thường trong Hứng trở về.
III - Liên hệ
Nguyễn Trung Ngạn (1289 – 1370) là danh thần của nhà Trần. Ông tự là Giới Hiên, hiệu là Bang Trực…
Lúc nhỏ tên là Cốt, thông minh, chăm học lại có chí lớn, ông nổi tiếng là thần đồng. Năm 15 tuổi, ông dự
thi Hội, đỗ Hoàng giáp. Năm 1314, ông cùng Phạm Ngộ được cử sang sứ nhà Nguyên. Năm 32 tuổi được
phong Thị ngự sử ở Ngự sử đài.
Năm 1324, sứ nhà Nguyên là Mã Hợp Mưu sang nước ta, ngang nhiên vào thành không chịu xuống ngựa.
Vua sai người ra biện bác nhưng sứ không nghe. Nguyễn Trung Ngạn được lệnh ra tiếp, dùng lí lẽ bắt bẻ
khiến Hợp Mưu xuống ngựa, đi bộ vào. Một năm sau, vì trái ý vua, ông bị đưa ra làm thông phán ở Viên
Lãng (mạn Phú Thọ – Yên Bái) nhưng nhờ nổi tiếng về chính sự nên được rút về làm ở cung Thánh Từ.
Năm 1326, ông được cử làm An phủ sứ Thanh Hoá, từng hộ giá Thượng hoàng đi đánh Ngưu Hống, viết
Thực lục. Năm 1332, ông lại được thăng Tri Thẩm hình viện sự kiêm chức An phủ sứ Thanh Hoá như cũ.
ở đây, ông đã lập ra Bình doãn đường để xét kiện, nổi tiếng nghiêm nghị, không ai bị oan. Năm 1337,
chuyển làm An phủ sứ Nghệ An, kiêm coi việc biên soạn Quốc sử và phụ trách cả chức Tào vận sứ lộ
Khoái Châu (Hưng Yên). Ông đã cho lập Tào thương (kho chứa thóc tô) để chẩn cấp cho dân đói. Vua
xuống chiếu cho các lộ phỏng theo đó mà làm. Năm 1341, vua rút ông về làm Kinh sư Đại doãn, sau đó
được phong Hành khiển Tri khu mật viện sự, chỉ huy cấm quân.
Năm 1351, ông được thăng Nhập nội hành khiển, chỉ đạo cuộc duyệt binh của cấm quân ở Long Trì. Ông
cũng từng được cùng Trương Hán Siêu soạn Hoàng triều đại điển và bộ Hình thư để ban hành. Năm
1355, ông lại được thăng Đại hành khiển, Thượng thư hữu bật, Kinh diên đại học sĩ Trụ quốc, Khai huyện
bá, Thân quốc công khi về hưu.
Nguyễn Trung Ngạn không chỉ là nhà chính trị, quân sự giỏi mà còn là nhà thơ xuất sắc. Thơ của ông
không chỉ hùng hồn, mạnh mẽ mà còn thấm đượm tình yêu quê hương đất nước. Ông còn để lại Giới hiên
thi tập cho đời.
(Theo Đinh Xuân Lâm – Trương Hữu Quýnh (Chủ biên),
Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Sđd)

×