Tải bản đầy đủ (.pdf) (16 trang)

đề tài học thuyết mác về hình thái kinh tế - xã hội và cuộc thử nghiệm trong thế kỷ xx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (384.8 KB, 16 trang )



………… o0o…………














Nghiên cứu triết học

Đề tài: " HỌC THUYẾT MÁC VỀ HÌNH THÁI
KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ CUỘC THỬ NGHIỆM
TRONG THẾ KỶ XX "
HỌC THUYẾT MÁC VỀ HÌNH THÁI KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ CU
ỘC THỬ
NGHIỆM TRONG THẾ KỶ XX

NGUYỄN CHÍ DŨNG (*)
Trên cơ sở phân tích, luận chứng tính khoa học và cách mạng sâu
sắc trong học thuyết về hình thái kinh tế – xã hội của C.Mác, thể
hiện qua một số luận điểm chủ yếu như, học thuyết này đã vạch rõ
quy luật phát triển tự nhiên của xã hội và chứng minh tính tất yếu


của chủ nghĩa cộng sản cũng như con đường đi lên xã hội cộng sản
chủ nghĩa, tác giả đã bảo vệ và khẳng định giá trị, tính đúng đắn
trong lý luận của C.Mác về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Theo tác giả, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và
Đông Âu không thể được coi là dấu hiệu khủng hoảng của tư tưởng
xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, tác giả cũng luận chứng sự phát triển
của đội ngũ công nhân trí thức và cho rằng, đây là vấn đề mới cần
được bổ sung nhằm phát triển học thuyết Mác về hình thái kinh tế –
xã hội.
Sau những đổ vỡ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông
Âu vào cuối thế kỷ XX, tư tưởng xã hội chủ nghĩa đứng trước những
thử thách mới. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đi vào giai
đoạn thoái trào. Nhiều vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác được không
ít người đặt lại dưới ánh sáng của những sự kiện, hiện tượng mới có
tính thời đại.
Vấn đề đặt ra là, học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội cần
được đánh giá như thế nào sau những sự kiện đã diễn ra ở Liên Xô
và Đông Âu? Cần bổ sung và phát triển gì cho chúng? Tập hợp và
phân tích một số thông tin thu được từ những nghiên cứu đã có thời
gian qua, có thể đưa ra một số ý kiến sau đây:
1. Học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội vẫn là một học
thuyết mang tính khoa học và cách mạng sâu sắc
Lý luận về hình thái kinh tế - xã hội là một trong những bộ phận
quan trọng của học thuyết Mác. Lý luận này được C.Mác đưa ra và
phân tích cả trong triết học, kinh tế chính trị học lẫn chủ nghĩa xã hội
khoa học. Ngày nay, nhìn lại, lý luận này vẫn là một học thuyết
mang tính khoa học và tính cách mạng sâu sắc. Có thể thấy điều này
ở những điểm sau:
a) Vạch rõ quy luật phát triển tự nhiên của xã hội.
Trước C.Mác, đã có không ít nhà khoa học đi sâu phân tích những

sự kiện, hiện tượng của xã hội loài người dưới nhãn quan triết học,
kinh tế chính trị học, sử học, luật học, văn hóa học. Nhưng chưa một
ai trong số họ cắt nghĩa được một cách cụ thể, rõ ràng sự vận động,
phát triển của lịch sử xã hội trên cơ sở sự vận động tự nhiên, tất yếu
của nó. C.Mác, Ph.Ăngghen và sau đó là V.I.Lênin đã xuất phát từ
chủ nghĩa duy vật biện chứng để phân tích toàn bộ lịch sử phát triển
của xã hội và chỉ ra những quy luật phổ biến, khách quan chi phối sự
vận động, phát triển của xã hội. Lý luận của C.Mác về hình thái kinh
tế - xã hội là một bộ phận quan trọng, hữu cơ của những phát kiến có
tính khoa học này.
Xuất phát từ chính thực tiễn lịch sử, các nhà kinh điển của chủ
nghĩa Mác đã chỉ ra rằng, lịch sử loài người không gì khác hơn là
lịch sử phát sinh, phát triển, thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh
tế - xã hội. Loài người đã, đang và sẽ trải qua 5 hình thái kinh tế - xã
hội. Đó là các hình thái kinh tế - xã hội cộng sản nguyên thủy, chiếm
hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
Các hình thái kinh tế - xã hội này ra đời, phát triển theo những quy
luật nội tại. Trong đó, quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất
với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là quy luật bao trùm,
chi phối mọi hình thái kinh tế - xã hội. Ở đây, trình độ phát triển của
lực lượng sản xuất bao gồm các yếu tố: trình độ của công cụ lao
động, trình độ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, trình độ tổ chức lao
động xã hội, kinh nghiệm, kỹ năng của người lao động và trình độ
phân công lao động xã hội. Những yếu tố này quyết định kiểu tổ
chức sản xuất xã hội và quan hệ của những con người, những nhóm
người trong quá trình sản xuất. Nghĩa là chúng chi phối mối quan hệ
của con người với những tư liệu sản xuất chủ yếu, với cách thức tổ
chức, điều hành sản xuất cũng như phân phối sản phẩm xã hội. Điều
này đã được C.Mác khẳng định rõ trong Sự khốn cùng của triết học:
“Những quan hệ xã hội đều gắn mật thiết với những lực lượng sản

xuất. Do có được những lực lượng sản xuất mới, loài người thay đổi
phương thức sản xuất của mình, và do thay đổi phương thức sản
xuất, cách kiếm sống của mình, loài người thay đổi tất cả những
quan hệ xã hội của mình. Cái cối xay quay bằng tay đưa lại xã hội có
lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư
bản công nghiệp"(1).
Cũng trên cơ sở phát hiện ra quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản
xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, các nhà kinh điển
của chủ nghĩa Mác còn vạch rõ mối quan hệ hữu cơ của cơ sở kinh
tế với các yếu tố thuộc thượng tầng kiến trúc. Các ông đã chỉ rõ
rằng, "toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy họp thành cơ cấu kinh tế
của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực trên đó dựng lên một kiến trúc
thượng tầng pháp lý và chính trị và những hình thái ý thức xã hội
nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó"(2). Đây là cơ sở quan
trọng để giải thích một cách khoa học theo quan điểm duy vật biện
chứng về tất cả những hiện tượng xã hội diễn ra trên kiến trúc
thượng tầng, như quan điểm chính trị, pháp quyền, triết học, đạo
đức, tôn giáo, nghệ thuật , cùng với những thiết chế xã hội tương
ứng là nhà nước, đảng phái, các đoàn thể xã hội, giáo hội Về điều
này, C.Mác đã khẳng định: "Không thể lấy bản thân những quan hệ
pháp quyền cũng như những hình thái nhà nước, hay lấy cái gọi là sự
phát triển chung của tinh thần của con người, để giải thích những
quan hệ và hình thái đó, mà trái lại, phải thấy rằng những quan hệ và
hình thái đó bắt nguồn từ những điều kiện sinh hoạt vật chất Nếu
ta không thể nhận định về một người căn cứ vào ý kiến của chính
người đó đối với bản thân, thì ta cũng không thể nhận định về một
thời đại đảo lộn như thế căn cứ vào ý thức của thời đại ấy. Trái lại,
phải giải thích ý thức ấy bằng những mâu thuẫn của đời sống vật
chất, bằng sự xung đột hiện có giữa các lực lượng sản xuất xã hội và
những quan hệ sản xuất xã hội"(3).

Đây là cách giải thích hết sức khoa học về sự ra đời, phát triển của
mỗi hình thái kinh tế - xã hội và về mối quan hệ của những cơ sở kinh
tế của nó với những quan hệ xã hội mà con người được sắp xếp vào.
Cho đến nay, vẫn chưa có một cách lý giải nào khác khoa học hơn
học thuyết hình thái kinh tế – xã hội của C.Mác.
Gần đây, trong các nước tư bản phát triển đã có một số người đưa ra
những luận thuyết mới về sự phát triển xã hội. Trong số này có
Alvin Toffler, người đã phân chia lịch sử phát triển xã hội trên cơ sở
3 nền văn minh: văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và
văn minh hậu công nghiệp. Trong đó, nền văn minh nông nghiệp là
nền văn minh dựa trên cơ sở nền sản xuất thủ công với sức cơ bắp
của con người là chính. Văn minh công nghiệp thì dựa vào việc sử
dụng máy móc cơ khí với những công xưởng thu hút hàng chục ngàn
công nhân. Còn văn minh hậu công nghiệp thì dựa trên nền kinh tế
tri thức mà khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp; công
nghệ thông tin và tri thức có vai trò ngày càng quyết định trong nền
sản xuất xã hội. Hàm lượng trí tuệ trong các vật phẩm được xã hội
sản xuất ra ngày càng chiếm tỷ trọng tuyệt đối. Lao động của con
người ngày càng được giảm nhẹ. Sản xuất chuyển dần từ những nhà
máy, xí nghiệp có quy mô lớn, tập trung sang quy mô nhỏ, thậm chí
gia công tại gia đình. Con người sẽ thay đổi cách giao tiếp, quan hệ
ứng xử và cả những quan niệm về tình yêu, hôn nhân và gia đình có
tính truyền thống. Đây là những nghiên cứu và phát hiện có tính duy
vật và khá biện chứng về sự phát triển xã hội. Trong đó có những dự
báo khá rõ ràng về những biến đổi trong xã hội tương lai.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, xét về tổng thể, nghiên cứu của
Alvin Toffler còn nhiều điểm chưa vượt qua được học thuyết của
C.Mác. Đó là việc Alvin Toffler chưa thấy được tính nhất quán trong
biện chứng phát triển của ba nền văn minh. Vì vậy, ông đã gộp 3
hình thái kinh tế - xã hội mà C.Mác đã chỉ ra trước khi loài người

bước vào hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa làm một. Do đó,
trong những tác phẩm của mình, Alvin Toffler cũng không chỉ rõ
được ai là chủ nhân của từng xã hội, mối quan hệ giữa các nhóm và
tầng lớp xã hội thế nào và làm sao để loài người có thể đẩy nhanh
tiến trình hướng đến xã hội tương lai. Nguồn gốc sâu xa của những
biến đổi xã hội, đặc biệt là những biến đổi trong kiến trúc thượng
tầng cũng chưa được làm rõ. Vì vậy, sự giải thích của Alvin Toffler
nhiều khi không rõ ràng và trên nhiều điểm vẫn chưa vượt được
C.Mác. Điều này càng chứng minh tính khoa học trong học thuyết
về hình thái kinh tế - xã hội mà C.Mác đã vạch ra.
b) Chứng minh tính tất yếu và con đường đi đến xã hội cộng sản.
Học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội không chỉ vạch ra quy luật
tự nhiên của sự phát triển xã hội mà cao hơn nữa, còn phân tích và chỉ
ra những mâu thuẫn sẽ đưa xã hội tư bản đến chỗ diệt vong và sự ra đời
tất yếu của chủ nghĩa cộng sản. Ở đây, mâu thuẫn giữa tình trạng chiếm
hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất ngày càng cao với
trình độ xã hội hoá ngày càng lớn của lực lượng sản xuất khiến mâu
thuẫn và xung đột xã hội ngày càng gia tăng.
C.Mác viết: "Vì xã hội có quá thừa văn minh, có quá nhiều tư liệu
sinh hoạt, Những lực lượng sản xuất mà xã hội sẵn có, không thúc
đẩy quan hệ sở hữu tư sản phát triển nữa; trái lại, chúng đã trở thành
quá mạnh đối với quan hệ sở hữu ấy, cái quan hệ sở hữu lúc đó đang
cản trở sự phát triển của chúng; và mỗi khi những lực lượng sản xuất
xã hội khắc phục được sự cản trở ấy thì chúng lại xô toàn thể xã hội
tư sản vào tình trạng rối loạn và đe doạ sự sống còn của sở hữu tư
sản. Những quan hệ tư sản đã trở thành quá hẹp, không đủ để chứa
đựng những của cải đã được tạo ra trong lòng nó nữa"(4). Chính
những điều này khiến chủ nghĩa tư bản càng phát triển, mâu thuẫn
kinh tế và mâu thuẫn xã hội ngày càng cao. Khủng hoảng kinh tế có
tính chu kỳ và kéo theo nó là những mâu thuẫn xã hội và xung đột

xã hội phát triển thành chiến tranh đế quốc. Đấy là đỉnh điểm của
những mâu thuẫn mà xã hội tư bản trong quá trình phát triển của
mình đã tạo ra; đồng thời, là “đêm trước” của cách mạng xã hội chủ
nghĩa. Tất cả những sự kiện này diễn ra hoàn toàn không phải ngẫu
nhiên, mà theo những quy luật và tính quy luật nội tại chi phối quá
trình phát triển. Đó chính là quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản
xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất được áp dụng
trong thời đại tư bản chủ nghĩa.
Điều khẳng định tính khoa học của học thuyết Mác về hình thái kinh
tế - xã hội không chỉ có thế, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác
còn chỉ rõ rằng, trong thời đại tư bản chủ nghĩa, "giai cấp tư sản
không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những
người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện
đại, những người vô sản"(5). Làm rõ hơn luận điểm này, C.Mác đã
khẳng định rằng, cùng với sự phát triển của giai cấp tư sản, “giai cấp
vô sản, giai cấp công nhân hiện đại – tức là giai cấp chỉ có thể sống
với điều kiện là kiếm được việc làm, và chỉ kiếm được việc làm, nếu
lao động của họ làm tăng thêm tư bản – cũng phát triển theo"(6).
Đây chính là cái vòng luẩn quẩn sinh ra theo những chu kỳ phát triển
kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Kinh tế càng phát triển, công nhân
càng bị bóc lột, giàu nghèo càng phân hoá mạnh. Mâu thuẫn xã hội
càng sâu sắc. Xung đột xã hội ngày càng có nhiều nguy cơ bùng nổ
thành chiến tranh và cách mạng. Chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ bị diệt
vong.
Vấn đề đặt ra là, sau khi chủ nghĩa tư bản bị diệt vong, loài người sẽ
xây dựng xã hội nào? Đặc trưng của xã hội ấy ra sao? Nghiên cứu sự
vận động, phát triển hợp quy luật của xã hội, C.Mác và những nhà
kinh điển mácxít đã chỉ ra rằng, xã hội mà loài người hướng tới xây
dựng là xã hội cộng sản, xã hội này được xây dựng trên cơ sở của
nền sản xuất phát triển cao, của cải làm ra ngày càng dồi dào.

Nguyên tắc lao động và phân phối sản phẩm xã hội trong giai đoạn
thấp (chủ nghĩa xã hội) là "làm theo năng lực, hưởng theo lao động"
sẽ chuyển dần thành "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" khi xã
hội đạt đến giai đoạn phát triển cao (chủ nghãi cộng sản). Trong nền
sản xuất này, mọi tư liệu sản xuất xã hội sẽ được biến thành sở hữu
toàn dân. Chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất sẽ bị xoá bỏ.
Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện quyền tự do, dân chủ cho mọi
người lao động.
Đến nay, tất cả những nguyên lý lý luận đã được các nhà kinh điển
của chủ nghĩa Mác chỉ ra trên đây tuy chưa được chứng minh đầy đủ
trong thực tế, song cũng chưa ai có thể bác bỏ được. Một số lý luận
gia và chính khách tư sản chỉ chủ yếu dựa vào những sự kiện đã diễn
ra cuối thế kỷ XX ở Liên Xô và các nước Đông Âu để phủ nhận tư
tưởng xã hội chủ nghĩa và lý luận mácxít về hình thái kinh tế - xã
hội. Vấn đề đặt ra là, cần xuất phát từ đâu để có thể chứng minh tính
đúng đắn, khoa học của học thuyết Mác, nhất là lý luận của ông về
hình thái kinh tế - xã hội trước những sự biến này?
2. Học thuyết Mác về hình thái kinh tế – xã hội trong sự thử
nghiệm ở Liên Xô, Đông Âu và các nước xã hội chủ nghĩa
Cần phải thấy rằng, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga
và sau đó là công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông
Âu và nhiều nước khác là sự thử nghiệm khắc nghiệt đối với chủ
nghĩa Mác - Lênin. Song, sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu lại
không hẳn là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội và càng không thể coi
đây là minh chứng về sự sai lầm của học thuyết Mác. Cần phải phân
tích sâu hơn, kỹ càng hơn những vấn đề cơ bản nhất về cả kinh tế lẫn
chính trị ở đây.
Trước hết, về kinh tế, xét từ phương diện lực lượng sản xuất, phải
thấy rằng, trong hệ thống xã hội chủ nghĩa cũ, đặc biệt ở Liên Xô và
Đông Âu - nơi có lực lượng sản xuất phát triển nhất cũng chưa bao

giờ tạo ra cho mình một cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại hơn, tiên
tiến hơn so với chủ nghĩa tư bản. Về khoa học, Liên Xô và Mỹ hầu
như khá tương đồng nhau về những phát minh khoa học, nhất là
khoa học cơ bản; song, về khoa học ứng dụng thì hầu như Liên Xô
và các nước xã hội chủ nghĩa lại chậm trễ hơn so với Mỹ và các
nước tư bản. Do vậy, về kỹ thuật sản xuất và công cụ lao động thì hệ
thống tư bản chủ nghĩa vẫn có nhiều thành tựu hơn là trong hệ thống
xã hội chủ nghĩa. Một số phát minh khoa học của các nước xã hội
chủ nghĩa nhiều khi lại được nền sản xuất trong các nước tư bản chủ
nghĩa ứng dụng trước. Do vậy, về tổng thể, hệ thống xã hội chủ
nghĩa chưa bao giờ tạo ra được một năng suất lao động cao hơn so
với chủ nghĩa tư bản - cái mà - theo C.Mác - quyết định thắng lợi
của một hình thái kinh tế - xã hội này đối với một hình thái kinh tế -
xã hội khác đã lỗi thời hơn. Phải chăng, đây là vấn đề của nhiều vấn
đề?
Trên thực tế, cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội được xây
dựng hơn 70 năm ở Liên Xô, Đông Âu và các nước xã hội chủ nghĩa
vẫn là nền đại công nghiệp cơ khí có trình độ kỹ thuật trung bình.
Các yếu tố của tự động hoá, tin học hoá, sinh học hoá đang còn rất
yếu ớt. Nền kinh tế tri thức mà thế giới hiện hướng tới mới đang có
những yếu tố đầu tiên. Chế độ xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XX vẫn
chủ yếu xây dựng trên nền tảng vật chất, kỹ thuật của nền đại công
nghiệp cơ khí không vượt hơn chủ nghĩa tư bản. Trong khi đó, trong
hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, công cuộc cải tạo xã hội chủ
nghĩa để thiết lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa lại được đẩy lên
với mức độ cao. Tập trung sản xuất, biến tư liệu sản xuất từ sở hữu
tư nhân, cá thể thành sở hữu tập thể và toàn dân diễn ra với quy mô
lớn cả trong nông nghiệp lẫn công nghiệp và thương nghiệp, dịch vụ
đã không được tiến hành song song với những tiến bộ cần có của
khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Điều này khiến quan hệ sản xuất

đã đi xa hơn quá nhiều so với trình độ phát triển của lực lượng sản
xuất. Quan hệ sản xuất mới được xây dựng bằng cách đó đã không
thúc đẩy, trái lại còn cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Động lực cá nhân của người lao động không được phát huy, thậm
chí còn bị triệt tiêu. Tư liệu sản xuất và tài sản xã hội không được sử
dụng, bảo vệ và phát huy tối đa hiệu quả của nó. Tình trạng lãng phí
ngày càng diễn ra nghiêm trọng, năng suất lao động không cao, hiệu
quả sản xuất kém. Nền kinh tế – xã hội của các nước đang muốn xây
dựng chủ nghĩa xã hội rơi vào trì trệ và khủng hoảng.
Đây không thể coi là khủng hoảng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mà chỉ
là sự khủng hoảng của một mô hình phát triển xã hội chưa phải của
chủ nghĩa xã hội. Bởi lẽ, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản chỉ
có thể xây dựng trên nền tảng cơ sở vật chất, kỹ thuật phát triển cao -
nền kinh tế tri thức, trong đó khoa học trở thành lực lượng sản xuất
trực tiếp. Tri thức, trí tuệ và công nghệ thông tin trở thành nhân tố
chủ yếu tạo nên lực lượng sản xuất của thời đại mới. Sản phẩm xã
hội được làm ra bao hàm phần lớn giá trị từ lao động trí óc. Chính
từ đây, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa mới được thiết lập; quan
hệ giữa người với người và giữa các nhóm xã hội với nhau mới có
những thay đổi căn bản về chất.
Như vậy, rõ ràng, mô hình chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng ở
Liên Xô, Đông Âu và nhiều nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa
cũ chưa phải là mô hình chủ nghĩa xã hội mà các nhà kinh điển của
chủ nghĩa Mác mong muốn. Trong thời đại mà C.Mác, Ph Ăngghen,
V.I.Lênin sống, những tiền đề vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã
hội và chủ nghĩa cộng sản chưa xuất hiện. Học thuyết Mác về hình
thái kinh tế – xã hội mới đưa ra những tiên đoán và định hướng phát
triển đầu tiên của xã hội cộng sản tương lai. Song, dựa trên những
định hướng còn thiếu cụ thể này, nhiều Đảng Cộng sản và Công
nhân quốc tế đã vội vã thiết lập ngay chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa

với tất cả quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng của nó. Chủ
nghĩa xã hội hiện thực đã không có đủ những cơ sở kinh tế – xã hội
cần thiết để tồn tại, phát triển và chứng minh tính hơn hẳn của nó so
với chủ nghĩa tư bản. Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội được
xây dựng ở Liên Xô và Đông Âu là điều hoàn toàn có thể giải thích
được. Còn nếu có điều gì đấy liên quan giữa chủ nghĩa Mác và sự
sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu thì đó
chỉ là những hạn chế có tính thời đại mà các nhà kinh điển không thể
vượt qua. Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, suy cho cùng, là do
sự thiếu hiểu biết cặn kẽ về chủ nghĩa Mác cũng như tình trạng quá
giáo điều, cứng nhắc, chủ quan, duy ý chí của những thế hệ lãnh đạo
sau C.Mác trong quá trình vận dụng chủ nghĩa Mác vào thực tiễn mà
thôi.
Một điều khác cần phải được lý giải rõ ràng hơn trên cơ sở thực tiễn
đang diễn ra trong thời đại kinh tế tri thức - vấn đề sứ mạng lịch sử
của giai cấp công nhân. Khi nghiên cứu sự vận động, phát triển và
thay thế nhau của các hình thái kinh tế – xã hội, C.Mác đưa ra một
phát hiện hết sức quan trọng là: "1. Sự tồn tại của các giai cấp chỉ
gắn liền với những giai đoạn phát triển lịch sử nhất định của sản
xuất; 2. Cuộc đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô
sản; 3. Bản thân nền chuyên chính này chỉ là bước quá độ tiến tới
thủ tiêu mọi giai cấp và tiến tới xã hội không có giai cấp"(7).
Luận điểm của C.Mác chỉ rõ một trong những sự khác biệt cơ bản
giữa các hình thái kinh tế – xã hội chính là kết cấu giai cấp xã hội.
Kết cấu này được quy định bởi cơ cấu kinh tế và cơ cấu thành phần
kinh tế. Trong mỗi hình thái kinh tế – xã hội có phân chia giai cấp,
thường tồn tại nhiều nhóm xã hội, giai cấp; song bao giờ cũng có hai
giai cấp đối địch nhau, đấu tranh với nhau và đấu tranh giai cấp
chính là động lực của sự phát triển xã hội.
Áp dụng luận điểm này vào phân tích xã hội tư bản, các nhà kinh

điển của chủ nghĩa Mác đã chỉ ra hai giai cấp cơ bản, đó là giai cấp
tư sản và giai cấp công nhân. Trong đó, cùng với sự phát triển của
nền đại công nghiệp, giai cấp công nhân ngày càng phát triển cả về
số lượng lẫn chất lượng và nó có sứ mạng là người đào mồ chôn chủ
nghĩa tư bản. Vào thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX, luận
điểm này không ai bác bỏ được. Song ngày nay, khi nền kinh tế tri
thức bắt đầu hình thành và phát triển, trong những xã hội hiện đại,
dù cho giai cấp công nhân vẫn tăng lên về số lượng, song tỷ trọng
công nhân lao động trí óc ngày càng lớn. Hàm lượng trí tuệ trong sản
phẩm xã hội ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Công nhân trí thức ngày
càng nhiều và đóng vai trò to lớn hơn trong nền sản xuất xã hội.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, đội ngũ công nhân trí
thức ngày càng lớn mạnh. Phải chăng, đây chính là điều cần được bổ
sung để phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại hiện nay? Trên thực
tế, thành phần xã hội của nhiều đảng cộng sản và công nhân quốc tế
đang chuyển dần theo hướng này và do vậy, nhìn nhận tầng lớp trí
thức như trong những thời đại trước đây không còn phù hợp nữa. Trí
thức ngày nay đã là một lực lượng xã hội độc lập, nắm trong tay tri
thức, khoa học, kỹ thuật, thông tin , tức là những yếu tố chủ yếu tạo
thành tư liệu sản xuất chính của nền kinh tế tri thức. Họ đang biến
các nhà máy, công xưởng thành những cơ sở không chỉ sản xuất các
vật phẩm đơn thuần cho đời sống xã hội, mà còn là những phòng thí
nghiệm, thử nghiệm và phát minh khoa học phục vụ cho đời sống.
Sự phát triển hiện nay của nền kinh tế tri thức cho phép khẳng định
rõ ràng vai trò chủ đạo của giai cấp công nhân - trí thức trong công
cuộc xây dựng và phát triển xã hội tương lai - xã hội xã hội chủ
nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Điều này cũng không làm mất đi tính
khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác. Bởi lẽ, các nhà kinh điển
của chủ nghĩa Mác đã từng khẳng định một cách đúng đắn rằng, chỉ
giai cấp nào đại diện được cho phương thức sản xuất mới, phát triển

cả về số lượng lẫn chất lượng trong quá trình phát triển của nền sản
xuất do những lực lượng sản xuất mới mang lại thì mới đóng vai trò
là chủ nhân đích thực của xã hội tương lai. Xét trên thực tế của nền
sản xuất xã hội trong những thập kỷ cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ
XXI cho thấy, chủ nhân đó không phải ai khác chính là công nhân -
trí thức. Đây là điều cần bổ sung, phát triển, làm cho học thuyết Mác
về hình thái kinh tế – xã hội phù hợp hơn trong thời đại mới.
Như vậy, dù học thuyết Mác về hình thái kinh tế – xã hội đã ra đời
cách đây một thế kỷ rưỡi, song nó vẫn giữ nguyên những giá trị khoa
học và cách mạng đích thực. Xã hội loài người dù phát triển với
nhiều bước thăng trầm, song loài người sẽ phải trải qua 5 hình thái
kinh tế – xã hội. Dù hiện nay, mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô,
Đông Âu đã sụp đổ, song thế giới vẫn đang trong bước quá độ vĩ đại
để đến với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Những yếu tố
quan trọng đầu tiên của một hình thái kinh tế – xã hội mới đã bắt đầu
xuất hiện, đó là nền kinh tế tri thức và xu hướng nhất thể hoá về kinh
tế trên phạm vi toàn cầu. Đây là những đảm bảo quan trọng cho một
xã hội mới ra đời với những kiểu tổ chức lao động xã hội cao hơn,
trong đó tư liệu sản xuất chính là khoa học, tri thức, tin học - tài sản
thuộc sở hữu của đại đa số người lao động trong tất cả những ngành
sản xuất quan trọng, như công nghiệp, dịch vụ, thương nghiệp, nông
nghiệp Xã hội mới sẽ đạt năng suất lao động cao hơn nhiều so với
năng suất lao động mà kiểu tổ chức kinh tế của hình thái kinh tế - xã
hội tư bản chủ nghĩa đã tạo ra. Xã hội sẽ tiến tới chỗ thoả mãn ngày
càng tốt hơn những nhu cầu vật chất, tinh thần của mọi người lao
động trên cơ sở sự tham gia ngày càng tích cực, tự giác của họ vào
quá trình lao động xã hội với đặc trưng xã hội hoá lao động ngày
càng cao.
Trong những điều kiện như vậy, sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất
sẽ dần dần được hình thành. Cơ sở đảm bảo vững chắc nhất cho tự

do, dân chủ của mỗi người và của toàn xã hội được thực hiện. Chủ
nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản dù ai đó không muốn cũng sẽ
đến với loài người với tất cả những đặc trưng mà các nhà kinh điển
của chủ nghĩa Mác đã chỉ ra. Đây chính là xã hội trong đó tuyệt đại
đa số người lao động là lao động trí óc. Học thuyết Mác nói chung
và học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội nói riêng vẫn giữ
nguyên những giá trị của nó. Đó là một học thuyết khoa học và cách
mạng./.

(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học và Tâm lý
lãnh đạo, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.4. Nxb Chính trị Quốc gia,
Hà Nội, 1995, tr. 187.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.13, tr. 15.
(3) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.13, tr. 14-15.
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t. 4, tr. 604 – 605.
(5) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t. 4, tr.605.
(6) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t. 4, tr.605.
(7) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.28, tr.662.


×