Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Thị trường chứng khoán Việt Nam : kinh tế miền viễn tây pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (131.82 KB, 4 trang )

Thị trường chứng khoán Việt Nam :
kinh tế miền viễn tây - Chuyên viên
cao cấp Vũ Quang Việt
Chỉ số chứng khoán VN-index (thành phố Hồ Chí Minh) tăng gần 144%
trong năm 2006, và chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng đầu năm 2007, tăng
44%. Chỉ số này vào 28/2/2007 là 1136 như vậy là đã tăng 11 lần kể từ
ngày mở sàn buôn bán ngày 28 tháng 7 năm 2000. Số trương mục đăng ký
giao dịch chứng khoán tăng 4 lần, từ 32 ngàn lên 120 ngàn.
Đấy là thị trường chứng khoán chính thức. Còn một thị trường khác, rất tự
do kiểu kinh tế miền Viễn tây nước Mỹ trước đây, hoạt động trên internet
hoặc vỉa hè, buôn bán cổ phần các công ty chưa được phép bán trên thị
trường chính thức ở Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Số người giao
dịch trên thị trường này có thể lên tới 500 ngàn, 5 lần cao hơn thị trường có
kiểm soát. Thị trường miền Viễn tây ở Việt Nam có phần giống như thị
trường OTC (over-the-counter) ở Mỹ và các nước khác, cho phép buôn bán
cổ phiếu của các công ty thường là chưa hội đủ điều kiện để được phép
đăng ký trên thị trường chứng khoán chính thức, thị trường OTC trao đổi
thẳng giữa người bán và người mua không qua trung gian. Nhưng ngược lại
OTC chỉ trao đổi cổ phiếu của các công ty chưa có quá trình hoạt động nên
mức rủi ro rất cao. Dù vậy, thị trường OTC ở các nước vẫn có tổ chức ở
mức nhất định, bị Ủy ban Chứng khoán (SEC) kiểm soát, giá cả và cổ
phiểu trao tay phải đăng ký trong vòng 90 giây.
Sự nổi dậy của thị trường chứng khoán ở Việt Nam có hai mặt. Mặt cơ bản
và quan trọng nhất là dân chúng đã biết thêm một cửa ngõ dùng tiền dư,
thay vì chỉ bỏ tiền vào ngân hàng hay mua trái phiếu (bonds) để nhận một
lãi suất nhiều khi thấp hơn cả lạm phát; họ có thể tham gia gián tiếp vào
đầu tư, làm chủ doanh nghiệp bằng cách bỏ vốn mua cổ phiếu, lời ăn lỗ
chịu mà không phải tự đứng lập doanh nghiệp.
Về mặt cơ bản này, thị trường cổ phiếu tạo thêm một kênh quan trọng nhằm
thu hút vốn trong nền kinh tế. Không những thế kênh này còn quan trọng
hơn cả kênh ngân hàng vì nó tạo cơ hội cho các nhà doanh nghiệp có ý


tưởng mới hợp tác với những người sẵn sàng bỏ vốn trên cơ sở rủi ro cao đi
liền với với lợi nhuận cao. Nhưng cần phải thấy đóng góp của thị trường
chứng khoán vào phát triển kinh tế chính là số vốn mới thu hút được hàng
năm qua phát hành cổ phiếu mới IPOs (initial public offerings).
Bảng dưới đây cho thấy ở Việt Nam tổng số tiền để dành (ngắn, trung và
dài hạn) trong ngân hàng hiện lên tới trên 15 tỷ đô la Mỹ năm 2006 và tăng
rất nhanh . Tổng số tiền này hiện nay gần bằng 40% GDP, chỉ ở mức năm
1990 tại Trung Quốc . Điều này cho thấy thị trường chứng khoán có cơ hội
phát triển vì nguồn vốn sẵn có trong nền kinh tế tăng mạnh.
Tất nhiên, thị trường này đã nổ bùng sau khi Việt Nam trở thành thành viên
của WTO, với kỳ vọng doanh nghịêp nước ngoài tăng cường đổ vốn vào thị
trường Việt Nam. Chỉ có điều nó nổ bùng một cách đầy rủi ro. Vấn đề phát
triển nằm ở chỗ số cung chứng khoán mới trên thị trường ngày càng cao và
nguồn vốn cung cho thị trường cũng ngày càng cao. Điều này chưa xảy ra ở
Việt Nam bởi vì số cung chứng khoán quá hạn chế. Giá trị cổ phiếu tăng
vọt ở Việt Nam thời gian qua không phải do sự phát triển của thị trường cổ
phiếu mà do đầu cơ và tâm lý đánh bạc vì cầu tăng mạnh chạy đuổi mua số
lượng chứng khoán hạn chế.
Chúng ta thấy giá trị hiện hành của chứng khoán trên thị trường hiện nay ở
Việt Nam bằng khoảng 25% GDP, so với Trung Quốc là 33%, Pháp là
79%, Đức là 43%, Nhật là 79% và Mỹ là 140%. Tỷ lệ giá trị chứng khoán
của Việt Nam như vậy là quá lớn. Nó chỉ phán ảnh tính đầu cơ hơn là giá trị
thực sự. Chỉ số P/E của Việt Nam hiện nay là 75, so với Trung Quốc là 15.
Đối với đánh giá của nước ngoài thì chỉ số này của Trung Quốc cũng là lớn
hơn các nước trong khu vực vì tỷ lệ lãi suất trung bình của doanh nghiệp ở
TQ thấp hơn ở các nước khác.
Tính chất đánh bạc hiện nay trên thị trường chứng khoán như vậy là quá rõ
và sự thụt giá bất cứ lúc nào sẽ khó tránh khỏi. Có thể nó là điều cần thiết
để thị trường tự điều chỉnh. Về việc này nhà nước không những không cần
can thiệp mà cần cảnh giác thị trường về điều có thể xảy ra. Thị trường

chứng khoán còn quá nhỏ bé do đó việc xuống giá sẽ không ảnh hưởng
đáng kể tới kinh tế. Điều mà nhà nước nên làm là:
- Tăng cường tính minh bạch và công bằng trên thị trường. Mọi doanh
nghiệp có chứng khoán được bán trên sàn phải công bố báo cáo tài chính
hàng quí, và phải công bố cho mọi người sử dụng cùng một lúc. Ủy ban
Chứng khoán (UBCK) không cần phải kiểm tra trước khi công bố vì doanh
nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các báo cáo này.
- Tăng cường việc đưa thông tin lên website của UBCK (nếu ai muốn đánh
giá chất lượng hiện nay của UBCK thì chỉ cần lên coi website này).
- Tăng cường vai trò kiểm tra của UBCK trong việc theo dõi, và đưa ra xử
các vụ mua bán dựa vào thông tin nội bộ và vi phạm luật chứng khoán.
- Đưa thị trường OTC vào vòng kiểm soát, theo nghĩa các doanh nghiệp có
cổ phần mua bán (dù không qua trung gian), giá cả và số lượng mua bán
phải đăng ký trên thị trường OTC dưới sự kiểm soát của UBCK.
- Để giảm số cầu cổ phiếu kiểu đánh bạc, nhà nước cần ngăn chặn việc tư
nhân và doanh nghiệp mượn tiền ngân hàng để chơi cổ phiếu.
- Nhà nước cần tăng số cung cổ phiếu trên thị trường qua việc cổ phần hoá
doanh nghiệp nhà nước. Để tiến hành cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước
mà không để cho giới quan chức và lãnh đạo công ty hiện hành lạm dụng,
nhà nước có thể cổ phần hoá, đem bán một phần cổ phần trên sàn chứng
khoán; phần cổ phiếu còn lại sẽ được đem bán sau này.
- Áp dụng thuế thu nhập đối với thu nhập (capital gains) tạo ra do tài sản
(chứng khoán hay địa ốc) tăng giá. Chỉ áp dụng thuế thu nhập đối với lương
như hiện nay là thiếu công bằng vì thuế này chủ yếu là đánh vào người
nghèo hoặc trung lưu chứ không phải người giầu. Việc áp dụng thuế này
cũng ngăn chặn một phần khuynh hướng khuynh đảo thị trường cổ phiếu
của tư bản nước ngoài. Tất nhiên chưa cần thiết hiện nay nhưng việc đưa
vào luật khả năng đình hoãn việc chuyển ngân ra nước ngoài do bán cổ
phiếu trong vòng cao nhất là 1 năm khi tình hình nghiêm trọng đòi hỏi hành
động như trên.

Chuyên viên cao cấp Vũ Quang Việt
( Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia Cục Thống kê Liên Hợp Quốc )




×