Phân tích nhân vật Mị trong truyện "Vợ chồng A Phủ" của Tô
Hoài (giai đoạn Mị ở Hồng Ngài, trong nhà thống lý Pá Tra)
Tô Hoài là nhà văn Hà Nội, sinh năm 1920, tự học mà thành tài. Khi bước vào
tuổi "xưa nay hiếm", ông đã có trên 100 tác phẩm. Trang văn xuôi của ông giàu chất
thơ, viết hay về phong tục sinh hoạt, có tài tả cảnh với lối kể chuyện sinh động, hóm
hỉnh, đậm đà. Ông viết thành công về truyện thiếu nhi, về đề tài miền núi. "Dế Mèn
phiêu lưu kí", "Truyện Tây Bắc", "Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ", "Miền Tây",v.v là
những tác phẩm đặc sắc của ông được bạn đọc gần xa yêu thích.
Năm 1952, Tô Hoài theo bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, một chuyến đi dài
hơn nửa năm. Ông đã viết truyện "Vợ chồng A Phủ", qua đó nói lên sự thống khổ của
người Mèo ở Tây Bắc và sự vùng dậy của họ để giành lấy tự do, hạnh phúc, một lòng
quyết tâm đi theo kháng chiến.
Truyện gồm có 2 phần: 1, Mị và A Phủ ở Hồng Ngài; 2, Mị và A Phủ ở khu du
kích Phiềng Sa. Phần thứ nhất là cảm động nhất, khi tác giả nói về bi kịch và sự vùng
dậy của nhân vật Mị.
1. Cuộc đời của Mị đầy nước mắt. Khi Mị biết cuốc nương, mẹ Mị mất đã lâu
rồi, bố Mị đã già. Món nợ truyền kiếp đang đè nặng lên tầm hồn Mị. Năm nào hai bố
con Mị cũng phải trả nợ lãi một nương ngô cho thống lí Pá Tra. Mị làm nương giỏi,
thổi sáo hay, nhiều chàng trai mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị. Hạnh phúc, tình yêu
và tuổi xuân của Mị đã bị chà đạp. Mị đã bị thằng A Sử, con trai Pá Tra bắt cóc đem
về "cúng trình ma". Mị trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí. Bố Mị chỉ còn biết khóc
và cất lời than: "Chao ôi! Thế là cha mẹ ăn bạc của nhà giàu từ kiếp trước, bây giờ
người ta bắt bán con trừ nợ. Không thể làm thế nào khác được rồi!".
Mị là con dâu gạt nợ của nhà thống lí Pá Tra từ cái tết ấy Bố Mị đã già, đã
khổ lại càng cô đơn khi Mị trở thành con trâu, con ngựa nhà thống lí. Như một nụ hoa
xuân chưa kịp nở đã bị héo tàn, Mị đau khổ quá chừng "Mặt buồn rười rượi". Nơi Mị
ở là một cái buồng "kín mít" chỉ có một ô cửa sổ bằng bàn tay, nhìn ra ngoài chỉ thấy
trăng trắng, không biết là sương hay nắng! Mị phải làm quần quật suốt đêm ngày, lúc
hái củi, lúc bung ngô, lúc đi nương, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để
tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế! Đau khổ quá, Mị như kẻ
vô cảm vô hồn, ngày "càng không nói, lũi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Bao
mùa xuân đã trôi qua, Mị tưởng mình cũng là con trâu con ngựa "chỉ biết việc ăn cỏ,
biết đi làm mà thôi!". Như một linh hồn chết "Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa". Hình
ảnh Mị cúi mặt quay sợi đay bên tảng đá, đầy ám ảnh, gợi lên trong lòng ta nhiều
thương xót mênh mông về một kiếp người oan khổ - con dâu gạt nợ!
2. Mị là một người con hiếu thảo, giàu đức hi sinh. Hàng tháng trời, đêm nào
Mị cũng khóc. Mị không muốn làm kiếp con dâu gạt nợ. Mị phải ăn lá ngón để tự tử.
Mị trốn về nhà, quỳ lạy bố "úp mặt xuống đất, nức nở". Mị chết nhưng nợ quan "vẫn
còn", bố đã già, đã ốm yếu quá rồi, lấy ai làm nương ngô giả được nợ? Mị không nỡ
chết! Mị không thể chết! Thương bố đã già yếu. Mị chết thì bố Mị “còn khổ hơn bao
nhiêu lần bây giờ nữa”. Quẳng nắm lá ngón xuống đất, Mị nghe bố nói, bưng mặt
khóc, Mị đành trở lại nhà thống lí, cam chịu mọi cay cực, đau khổ. Thương cha mà Mị
nhận hết mọi đau khổ vào mình. Lòng hiếu thảo, đức hi sinh của người con gái vùng
rẻo cao thật là đẹp, đáng quý trọng.
3. Cứ tưởng rằng “ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Nhưng Mị vẫn còn
trẻ. Tết lại đến. Ngoài đầu núi đã có ai đó “thổi sáo rủ bạn đi chơi”. Nghe tiếng sáo
vọng lại, Mị “thiết tha bồi hồi”. Những đêm tình mùa xuân đã tới. Mị nhẩm thẩm bài
hát của người đang thổi sáo:
“… Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu”.
Mị “nổi loạn” lén lấy hũ rượu “cứ uống ừng ực từng bát”. Mị say, ngồi lịm
mặt… Mị nhớ lại thời con gái. Mị thấy lòng mình “phơi phới trở lại”, rồi đột nhiên
“vui sướng như những đêm tết ngày trước”. Tiếng sáo, tiếng hát gọi bạn tình của trai
gái làng Mèo đã “đánh thức” bao nỗi khao khát về tình yêu và hạnh phúc của người
phụ nữ bất hạnh này! Mị ý thức mãnh liệt: “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi
chơi…”. Có biết bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày tết. Mị cay đắng nghĩ
đến thân phận mình: “A Sử với Mị không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau”.
Nước mắt Mị ứa ra. Nếu có nắm lá ngón trong tay, Mị sẽ ăn cho chết ngay! Tiếng sáo
gọi bạn yêu lại làm cho lòng Mị bồi hồi:
“Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi”.
Mị xắn mỡ bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Mị quấn lại tóc. Mị với tay lấy cái
váy hoa… Những hành động ấy diễn ra ngay trước mắt thằng A Sử. Mị phải trả giá
đau đớn. Thằng A Sử đã trói đứng Mị suốt đêm trong buồng bằng một thúng sợi đay.
Hắn còn quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị “không cúi, không nghiêng đầu được nữa”.
Suốt đêm, Mị “lúc mê, lúc tỉnh”. Mị sợ quá, cựa quậy “xem mình còn sống hay chết”.
Có lúc Mị “vùng bước đi” chập chờn theo tiếng sáo, nhưng chân tay đang bị trói “đau
không cựa được”, “đau nhức”, “đau dứt từng mảnh thịt”. Nghe tiếng ngựa nhai cỏ, gãi
chân, Mị đau khổ thổn thức “nghĩ mình không bằng con ngựa”.
Tô Hoài miêu tả tâm trạng, phân tích tâm lí của Mị một cách sâu sắc tinh tế qua
tiếng sáo đêm tình mùa xuân. Mị khao khát tình yêu, khao khát hạnh phúc biết bao!
Mị có một sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Tác giả đã vạch trần bộ mặt ghê tởm của
thằng A Sử và chỉ rõ: việc bắt Mị làm dâu gạt nợ là một tệ nạn xã hội vô cùng dã man.
Hành động “nổi loạn” của Mị đã cho thấy không có uy quyền nào, con ma nào có thể
làm lụi tàn được, vùi giập được nỗi khao khát tình yêu, hạnh phúc trong lòng người
phụ nữ trẻ, người con dâu gạt nợ.
4. Nhờ một chuyện tình cờ mà Mị được sống sót, không bị chết rũ xương trong
buồng như người đàn bà nọ. Mị mỗi ngày một tê dại hẳn đi. Đêm mùa đông ở vùng
núi Hồng Ngài dài và lạnh. Mị buồn chỉ chớp mắt được từng lúc, rồi lại thức sưởi lửa
suốt đêm. Mị sống trong tâm trạng cô đơn “chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa”. Mị và A
Phủ như hai số kiếp tiền định cùng trải qua bao đau khổ giập vùi. A Phủ, một kẻ tứ cố
vố thân, vì tội đánh con quan mà bị đánh trói, bị làng bắt phạt vạ 100 đồng bạc trắng,
trở thành người vay nợ, kẻ ở nợ, phải làm con trâu con ngựa cho nhà thống lí “đời
mày, đời con, đời cháu” của A Phủ cũng phải thế! Họa vô đơn chí! Rừng động, A Phủ
đi chăn bò để hổ kéo về bắt mất một con. Thống lí Pá Tra mắng chửi A Phủ là “Quân
ăn cướp làm mất bò tao!” Pá Tra trói đứng A Phủ vào cọc bằng một cuộn dây mây,
trói cho đến chết nếu không bắt được hồ về! Bị trói đứng suốt mấy ngày đêm, hai hõm
má của A Phủ đã “xám đen lại”. Nửa đêm qua ánh lửa, Mị “lé mắt trông sang” thấy kẻ
chịu nạn rồi xúc động nghĩ: “Cơ chừng này chỉ đêm mai là “người kia chết, chết đau,
chết đói, chết rét, phải chết”. Rồi Mị thương thân phận mình, thương người đàn bà
ngày trước bị trói đến chết ở nhà này! Mị căm thù nguyền rủa cha con thống lí:
“Chúng nó thật độc ác!” Mị vừa lo vừa sợ phải thế mạng vào cái cọc ấy một khi A
Phủ trốn thoát. Nghĩ thế, trong tình cảnh này “làm sao Mị cũng không thấy sợ…”.
Bếp lửa tàn, nhà tối bưng, Mị như có thêm sức mạnh. Mị đã dùng dao nhỏ cắt lúa, cắt
nút dây mây, cởi trói cho A Phủ. Một cảnh dữ dội, khủng khiếp diễn ra. Như ra lệnh,
Mị giục A Phủ: “Đi ngay!” rồi Mị nghẹn lại. A Phủ vùng chạy! Mị đứng lặng trong
bóng tối, Mị băng đi, nói thở trong hơi gió thốc lạnh buốt: “A Phủ cho tôi đi!… Ở đây
thì chết mất!” A Phủ chỉ kịp nói với người đàn bà chê chồng vừa cắt dây trói cứu
mình: “Đi với tôi!”. Mị và A Phủ dìu đỡ nhau chạy trốn khỏi Hồng Ngài. “Cái đêm
hôm ấy đêm gì?”. Đó là một cái đêm hãi hùng mà rất đáng nhớ đối với Mị và A Phủ.
Hành động Mị cắt dây trói cứu A Phủ rồi cùng chạy trốn là một tình huống dữ
dội phản ánh bước nhảy vọt về ý thức và tâm lí của nhân vật Mị. Mị vừa thương mình
vừa thương người, Mị căm thù cái ác đã chà đạp lên cuộc đời mình. Mị cắt đứt dây
trói cứu A Phủ cũng là cắt đứt sợi dây oan nghiệt đã biến con người thành nô lệ súc
vật nhục nhã, đau thương. Mị đã giành được tự do và hạnh phúc. Mị và A Phủ nên vợ
nên chồng.
Nhân vật Mị trong truyện “Vợ chồng A Phủ” là một thành công của Tô Hoài.
Mị là một cô gái duyên dáng, hiếu thảo giàu tình thương và có một sức sống tiềm tàng
mạnh mẽ. Tính cách Mĩ được miêu tả trong quá trình phát triển theo quy luật cuộc
sống. Mị chỉ biết khóc, Mị toan ăn lá ngón… Mị lầm lũi… Mị khao khát hạnh phúc,
tình yêu. Tâm hồn Mị được hồi sinh, được đánh thức cùng mùa xuân, cùng tiếng sáo
gọi bạn tình trong đêm tình mùa xuân. Mị bị trói, bị vùi giập. Mị đã vùng lên cắt dây
trói cứu A Phủ rồi cùng chạy trốn. Cuộc đời của Mị đã từ đau thương, nô lệ mà trở
thành con người hạnh phúc, tự do.
Sự đổi đời của Mị đã tô đậm giá trị nhân đạo của truyện “Vợ chồng A Phủ”. Từ
tủi nhục cay đắng của kiếp con dâu gạt nợ, Mị đã vùng dậy giành được tự do, hạnh
phúc. Cái hương vị cuộc đời ấy thật đáng quý và sáng giá biết bao! Tô Hoài đã dành
cho nhật vật Mị sự cảm thương sâu sắc đầy tình người.