Phân biệt con Nghê và
con Lân
Con Nghê là linh vật đặc biệt của văn hóa Việt Nam, con Lân
thuộc văn hóa Trung Hoa. Về hình dạng, con Lân trông giống
sư tử, mà có sừng, chân như chân trâu, thân hình tròn mập, có
vẩy như vẩy rồng, miệng ngậm quả cầu, hay ngồi chống chân
lên quả cầu. Con Nghê có kỳ mà không có sừng, mình thon
nhỏ, chân như chân chó, dáng thanh, trông rõ ràng dáng chó
chứ không tròn mập như dáng như sư tử, đuôi Nghê dài, vắt
ngược lên lưng, đuôi Lân ngắn, xòe như cánh chim hay cuộn
tròn như đuôi thỏ.
Bát hương con Nghê
Hình trích từ Vietnam ceramics, A separate tradition, John
Guy và John Stevensen, Avery Press 1997
Một số người lại còn tưởng lầm con Nghê là con sư tử. Bởi vì
chữ “Nghê” (hay “toan nghê”) trong chữ Hán vốn có nghĩa là
con sư tử. Tuy nhiên phải để ý rằng có nhiều chữ Hán-Việt
mà nếu ta tra tự điển Tầu, thì lại có nghĩa khác hẳn, bởi vì
ông cha ta rất nhiều khi mượn chữ Hán nhưng lại đổi nghĩa đi
mà dùng (người Pháp khi nghiên cứu về Việt Nam thì lại
thường học chữ Hán của người Tầu, tra cứu sách Tầu viết về
Việt Nam - chứ không tìm hiểu thẳng vào văn hóa Việt - nên
nhiều khi sai nghĩa, sai sự việc rất xa. Người Pháp cũng vì
học theo Tầu nên đã sai theo, cũng như từng theo sách Tầu
mà gọi sai nước ta là An Nam, trong khi các văn thư cổ của
triều đình Huế thì chỉ dùng chữ Việt Nam hay Ðại Nam.
Trong quyển Chơi chữ, Lãng Nhân đã từng đưa ra vài ví dụ
như: “tử tế” có nghĩa là “tinh mật, kỹ lưỡng” ta lại quen dùng
theo nghĩa hiền hậu; “lịch sự” có nghĩa là “trải đời” ta dùng
là “sang trọng”, “trân trọng” nghĩa là “quý trọng” lại bị đổi là
“nghiêm cung, kính trọng”… Trong cách thức đó, ông cha ta
đã không cần để ý đến chữ “Nghê” có nghĩa là con gì trong
chữ Hán, mà cứ lấy đó để đặt tên cho “chó đá hóa linh”. Nếu
ai đã từng nhìn thấy tượng con Nghê thì cũng đều nhận thấy
rằng đó là con chó đang ngồi chứ không phải là con lân hay
con sư tử. Vài nhà nghiên cứu đã không có cơ hội này nên
chỉ biết theo sách của người Pháp, tự điển của người Tầu mà
lầm con nghê Việt Nam ra con sư tử hay con lân của Tầu.
Chúng tôi chủ trương rằng nghiên cứu đồ cổ thì phải nhìn
thấy tận mắt, tốt hơn nữa là được cầm trong tay, và được
nghe từ tiếng nói dân gian trong thôn làng xưa rồi suy
nghẫm, tra cứu, đối chiếu. Vì thế, ngoài những hình chạm
khắc trên cốn, tượng con nghê trên đầu đao, trên cổng các
ngôi đình làng cổ ở miền Bắc, lời chỉ dẫn của các cụ già,
chúng tôi còn dựa sự quan sát của mình trên các tượng con
nghê, các nậm rượu trong bộ sưu tập đồ cổ của riêng mình.
Thời thịnh đạt của con Nghê
Trong những thế kỷ Bắc thuộc, khi người Trung Hoa làm đủ
mọi cách để hủy diệt văn hoá Việt Nam, như tịch thu, hủy
diệt và cấm làm trống đồng, bắt người Việt đổi theo họ Tầu
(vì thế những họ cổ Việt Nam như họ Thi (Thi Sách), họ
Trưng (Trưng Trắc)… không còn nữa….), thì không biết ông
cha ta có làm hình tượng chó đá và con Nghê không? Quan
sát cách sinh hoạt của người thượng trên các miền cao
nguyên, ta thấy rằng con chó vẫn là con vật rất quan trọng
của đời sống thôn dã. Vậy thì ai có thể quả quyết rằng, chó
đá, con Nghê không được phát sinh từ thời xa xưa? Tuy
nhiên chúng tôi cũng chưa có dịp may mắn được thấy các
hình ảnh hay vật tích hình con Nghê của thời đại cổ xưa này.
Ước rằng có người với những phương tiện đầy đủ sẽ làm các
việc khai quật nghiên cứu và tìm ra di tích con Nghê từ thời
xa xưa.
Sau khi Ngô Quyền khởi lại thời tự chủ, sau khi Đinh Bộ
Lĩnh, Lê Hoàn tổ chức lại trật tự trên đất nước ta, nhà Lý, nhà
Trần, rồi nhà Lê nối ngôi dựng lại nền văn hóa thuần Việt rực
rỡ, phong phú. Bắt đầu từ Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư
về Thăng Long, người Việt bừng lên khí thế dân tộc. Giống
như thời Hùng Vương thuở trước, từ đây cùng văn học, xã
hội, chính trị, nghệ thuật tạo hình của người Việt phát triển
rực rỡ, phối hợp bản chất dân tộc với ảnh hưởng Trung Hoa
và Ấn Độ, tạo nên một nền văn hóa thuần Việt, song song và
biệt lập với văn hóa Trung Hoa.
Trong bối cảnh văn hoá rực rỡ ấy, với sự nẩy nở của những
nghệ phẩm, tác phẩm Việt Nam, sự phát triển của kiến trúc
đình chùa, sự phát triển của giới quý tộc, trưởng giả càng đòi
hỏi nhiều hơn nữa những phẩm vật tế tự, sinh hoạt và trưng
bày. Khung cảnh và nhu cầu này đưa đến biết bao phát triển
của nghệ thuật tạo hình. Nhu cầu tinh thần, nhu cầu vật chất
được đáp ứng bởi bàn tay, khối óc của các nghệ nhân Việt lúc
nào cũng xông xáo sáng tạo. Biết bao kiến trúc, cung điện,
đình chùa mới mái cong thuần túy Việt được dựng lên. Đồ
gốm Việt Nam bừng lên tổng hợp kỹ thuật và sắc men Trung
Hoa với dạng thức, nét vẽ, và phong cách hoàn toàn Việt
Nam. Từ đây những bình, ấm, tô, chén đĩa… những món đồ
Lý Trắng, Lý Nâu, Lý Lục, Lý Đen, những món đồ men
ngọc, chuyển qua những món men trắng hoa chàm của đời
Trần, đời Lê tuyệt vời, được sản xuất mạnh mẽ; Rồi tiếp theo
đó, sang thế kỷ XIV, XV, XVI là thời của gốm Chu Đậu, thời
tuyệt đỉnh của đồ gốm Việt Nam, với biết bao phẩm vật xuất
cảng sang vùng Ba Tư, Nam Dương, Phi Luật Tân, Nhật
Bản…
Bình trầm hương thời Chu Ðậu, thế kỷ 16, 17
Hình trích từ Vietnam ceramics, A separate tradition , John
Guy và John Stevensen, Avery Press 1997
Dựa trên số lượng và phẩm tính của những con Nghê trong
các viện bảo tàng và bộ sưu tập của các tư nhân, ta thấy rằng
thời thịnh đạt nhất của con Nghê là từ đời Lý cho đến cuối
đời Tây Sơn (thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII). Suốt từ đời Lý,
con Nghê được trọng dụng ở khắp mọi nơi, từ những ngôi
nhà dân dã, từ cung đình, cho đến lâu đài, đình chùa, lăng
miếu… Đến cuối đời Lê, loạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, đất
nước đi vào 300 năm khói lửa, nhưng không vì thế mà văn
hoá Việt điêu tàn, mà trái lại càng phát triển mạnh thêm về
mọi mặt (thơ văn, kiến trúc, khắc gỗ, gốm sứ…). Trong suốt
8 thế kỷ này, các bình hương trầm, các nậm rượu, và các
tượng hình con Nghê là những món không thể thiếu ở nơi tế
tự, ở các nhà trưởng giả cho đến nhà bình dân.
Thời suy tàn của con Nghê
Khi Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà, triều đình nhà Nguyễn -
có lẽ do mặc cảm, do lòng thù ghét các dấu vết văn hóa của
đất Bắc, của nhà Trịnh, nhà Tây Sơn - đã quay lưng lại văn
hóa Việt nam mà ưa chuộng văn hóa Trung Hoa. Thế cho nên
con rồng Việt Nam uyển chuyển của đời Lý Trần Lê, đã bị
thay bằng con rồng Tầu thân mập vẩy to, mặt ngắn. Thế nên
thành Thăng Long bị phá đi xây lại nhỏ hơn và biết bao cung
điện đời trước (còn lại sau những năm dài chinh chiến) đã bị
triều đình nhà Nguyễn cho phá đi. Thế nên, dù đang trong
tình trạng chật vật cạnh tranh với đồ gốm Tầu trên thị trường
quốc tế, cả một kỹ nghệ đồ gốm Việt Nam đã không được
triều đình nâng đỡ. Thay vào đó các món đồ dùng trong cung
đình Huế được đặt làm từ các lò gốm ở bên Tầu. Thế nên cả
làng Chu Đậu (Hải Dương) phải bỏ nghề gốm mà chuyển qua
nghề dệt chiếu (một số nhỏ đã dọn đến Bát Tràng tiếp tục
nghề cũ, trong phạm vi rất nhỏ hẹp so với Chu Đậu). Trong
các cung điện ở Huế, con Nghê không được dùng, vì đã bị
con Lân của Tầu thay thế. Các lư trầm bằng đồng với hình
tượng con Lân trên nắp trở nên phổ thông. Các nhà trưởng
giả đua theo triều đình chuộng các linh tượng Trung Hoa. Kỹ
nghệ đồ gốm tàn lụi, con Nghê chỉ còn sót lại trong những
bàn thờ cổ ở chốn thôn dã miền Bắc. Đau đớn thay là tinh
thần nô lệ Bắc phương!
Hãy đi đến các ngôi chùa, các kiến trúc ở Việt Nam làm từ
thế kỷ XIX, ta thấy ngay rằng, con rồng Việt đã biến đổi, con
Nghê đã bị thay bằng con Lân, chim Hạc chỉ còn là biểu
tượng xưa cũ. (Kiến trúc Việt Nam đăc biệt ở chỗ có mái
cong - trong khi kiến trúc Trung Hoa có mái thẳng - thế
nhưng cung điện ở Huế và các đình làng làm từ thế kỷ XIX
(từ Quảng Trị vào miền Nam) chỉ có mái thẳng, trang trí
bằng hình con Lân hay Tứ linh - long, ly, quy, phụng - hay
hình con hổ.)
Thương thay, các biểu tượng thuần Việt, các nét tạo hình
thuần Việt không còn được người Việt biết đến nữa. Rồi
người ta rủ nhau về nguồn băng cách quơ quíu những hình
ảnh, biểu tượng của văn hóa Trung Hoa hay Nhật Bản, còn
bụt chùa nhà thì bỏ lăn lóc.
Đến thăm các trung tâm văn hóa Việt Nam ở Mỹ, đi dự các
buổi lễ hội do những cộng đồng người Việt tổ chức, ta thấy
họ hãnh diện trưng bày các tranh ảnh, phông cảnh vẽ cảnh
sinh hoạt đình chùa ở thôn làng Việt Nam; Nhưng hỡi ơi, mái
đình, mái chùa vẫn cứ là mái thẳng, trông như lịch Tầu, vẫn
thấy vẽ con Lân Tầu, con Rồng Tầu.
Ôi văn hóa ông cha đâu rồi, những người lớn tuổi còn sơ sót
như vậy, thì làm sao mà dạy thế hệ trẻ đây? Rồi khi đi qua
cửa các nhà giàu có ở Hoa Kỳ, ta vẫn thấy chủ nhà hãnh diện
bầy hai con Lân hai bên cửa, cứ như là chùa Tầu. Ở các lò
gốm bên Việt Nam, ở Non Nước, Hội An (Đà Nẵng), các nhà
khắc chạm cẩm thạch, đâu đâu cũng chỉ sản xuất toàn con
Lân mà không có con Nghê. Buồn thay!
Chúng tôi ước ao rằng các họa sĩ Việt hãy vẽ mái đình cong,
với hình tượng con Nghê trên đầu đao, các nhà làm đồ gốm
Việt Nam sẽ làm lại tượng con Nghê, bình hương trầm con
Nghê, để tất cả chúng ta còn hãnh diện nối theo dòng văn hóa
Việt Nam của ông cha thuở trước.