Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

TẢN MẠN CHUYỆN TRANH THỜ docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (133.36 KB, 6 trang )


TẢN MẠN CHUYỆN TRANH THỜ

1* Năm 1967, trong chuyến đi Ba Bể có nhà nghiên cứu mĩ thuật Thái Bá Vân và
họa sĩ Nguyễn Tấn Cứ đi cùng. Lần ấy tôi thấy họ có nhắc đến chuyện tranh thờ.
Chắc lúc ấy Bảo tàng Mĩ thuật đang sưu tầm thể loại tranh này. Ông Triệu Sinh
người Tày là cán bộ của phòng văn hóa chợ Đồn có chạy đi kiếm tranh cúng cho
họa sĩ Tấn Cứ. Lúc ấy, trên đường đi tôi cũng không biết chuyện đó, nhưng mấy
tháng sau nghe đâu như ông Sinh về Hà Nội đòi, không rõ đòi tranh hay đòi tiền.
Đó là lần đầu tiên tôi nghe nói về tranh thờ. Và vơ vẩn nghĩ sao tranh cúng bái mà
cũng thành tiền được nhỉ.
Sau này về Hà Nội gặp họa sĩ Phan Ngọc Khuê, ông là cán bộ của Bảo tàng mĩ
thuật. Một lần trong chuyến đi tôi xin được mấy bức trổ giấy của một thày cúng ở
Lạng Sơn đem khoe với ông Khuê. Sau thấy ông ngỏ ý để lại cho cho Bảo Tàng.
Tôi đồng ý luôn. Vì trong thâm tâm nhũng đồ thờ tự cúng bái của thầy, để trong
nhà thấy hơi ghê ghê. Tôi vốn là thằng yếu bóng vía. Nhưng cũng qua đận ấy tôi
hiểu rằng tranh thờ cúng chắc phải có giá trị thì người ta mới sưu tầm chứ!
Sau đó trong công việc tiếp xúc với các nhà nghiên cứu tôi mở mắt dần ra, mới biết
ông Phan Ngọc Khuê là người hiểu biết khá nhiều về tranh thờ, ông là nhà sưu tầm
và nghiên cứu sâu sắc nhất về tranh thờ miền núi. Có thể coi là số một.
2* Năm 1996 , khi đã có một số hiểu biết về tranh thờ cúng, tôi lên Cốc San huyện
Bát Xát, Lào Cai theo sự chỉ bảo của ông Sần Cháng, tìm đến nhà hai thày cúng trẻ
người Giáy là Lục Văn Lộc và Lục Văn Sắt. Hai ông này sinh khoảng 1955 nhưng
là thày cúng đã nhiều năm. Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với bộ tranh cúng 36 bức của
thày Lộc. Bộ này có nhiều bức nguyên gốc do họa công Trung Hoa thực hiện.
Trong đó có những tranh Tam Thanh, Tứ Đại nguyên súy, Bắc Đẩu cửu vương,
Nam Đẩu lục ty Tranh còn nguyên lạc khoản đề năm tháng người vẽ, niên đại
của Trung hoa Dân quốc. Nét vẽ chuyên nghiệp kĩ lưỡng và kì ảo có thần khí trong
tranh. Xen kẽ cũng có đôi bức vẽ lại thì ngây ngô kém hẳn.
Hỏi chuyện thày Lộc mới biết tuy là cúng chuyên nghiệp nhưng ông cũng không
hiểu nhiều lắm. Thày cúng mà dùng chữ quốc ngữ là kém rồi. Lúc ấy ông còn đang


học thêm chữ nho. Nhưng dầu sao sau cả tuần làm việc tôi cũng có được một cách
nhìn tổng thể về tranh thờ. Hóa ra trên bầu trời huyền bí của xã hội tiên thánh cũng
có một trật tự như xã hội loài người, cũng quan lại cai quản từng vùng, có quan lo
việc mưa gió sấm chớp cũng có lính tráng tòa án chấp pháp nghiêm minh. Cái xã
hội ấy nó quản lí phần hồn con người Thày kể với tôi thỉnh thoảng vẫn sang cúng ở
Trung Quốc. Đại Cách mạng Văn hóa của họ đã quét sạch thày cúng thì phải.
3* Từ lần ấy tôi lần mò vào lĩnh vực tranh thờ cúng và dần hiểu ra đằng sau câu
chuyện mê tín dị đoan, chuyện cúng bái thì tranh thờ cúng còn có một ý nghĩa xã
hội khác khá sâu sắc mà không nghiên cứu kĩ thì không thể biết. Đó là mục đích
răn đe và giáo hoá con người, những vị thần linh cũng được các họa công tạo ra uy
vũ bằng hình tượng oai nghiêm và dữ dằn bằng cân nhắc kỹ lưỡng những chi tiết
trên các bức họa để bộc lộ cao nhất tính áp chế quan phương để con người khuất
phục hướng thiện. Nếu ở đồng bằng, bài học luân lý về đạo làm người thể hiện rất
rõ ở chùa chiền thông qua tích Phật, mặt “động” (một hình thức của Thập điện
Diêm Vương) và các chư Phật, thì ở miền núi, những buổi cúng lễ, người trong bản
từ trẻ đến già tới rất đông, không tham gia gì vào việc hành lễ mà chỉ là để xem và
nghe hát. Vô tình nó lại là lớp học đại cương đầu tiên về giáo lý của cư dân miền
núi khi chưa có nền giáo dục học đường. Đó là góc khuất luôn còn là dấu hỏi chưa
thể xoá trong đời sống tinh thần con người.
4* Triển lãm tranh thờ Việt Nam của Phạm Ngọc Sĩ từ 21/10 tại Viet Art centrre
bày trên một trăm trong số hơn bốn trăm bức tranh thờ cúng ông sưu tập trong 8
năm có thể coi là một sự kiện. Lần đầu tiên, một triển lãm sưu tập cá nhân có số
lượng lớn và số bộ tranh gần như khá đầy đủ của các dân tộc Dao Giáy, Tày Nùng,
Cao Lan, Sán Chay được ra mắt công chúng Thủ đô
Hà Nội từ xưa nay đã có một số người chơi sưu tập tranh và gốm cổ. Những nhà
sưu tập đồ cổ còn thêm chuyện mua bán kinh doanh đổi chác. Ông Phạm Ngọc Sĩ
chỉ là một thợ mộc, đã dành những đồng tiền thu được từ việc đóng khung tranh
trong nhiều năm để thực hiện bộ sưu tập khổng lồ này quả tình làm cho nhiều
người ngạc nhiên. Tranh thờ cúng đâu phải là thứ bán buôn sinh lời được. Chơi bộ
sưu tập này chỉ có thể là người tâm huyết và say mê với văn hóa dân tộc mới có thể

làm được. Ông Sĩ là một trong số rất hiếm hoi đó.
Cũng rất hiếm hoi khi ông chỉ là một người thợ, học hành ít ỏi, vừa sưu tập vừa lần
mò học hỏi, vậy mà ông đã làm được cái việc hơn một người nghiên cứu vì bộ tư
liệu ông thu về thực sự phong phú và đặc sắc.
Tranh thờ và hệ thống tranh dân gian nói chung nó quí không phải ở giá trị vật
chất, mà chính là nội hàm văn hóa ẩn chứa sau mỗi bức tranh. Mỗi bộ tranh cần
một hồ sơ dài giải mã các giá trị văn hóa để nó đi vào cuộc đời. Đó sẽ là việc làm
vô cùng khó cần có sự giúp sức đắc lực của các nhà folklore và nhà nghiên cứu
Hán nôm.
Đạo giáo là tranh Trung Hoa đã theo chân các nhà xâm lược cộng với các cuộc di
thực của người thiểu số từ phương Bắc xuống tham gia vào đời sống tín ngưỡng
của người Việt sở tại. Nhưng trong việc xử dụng yếu tố tín ngưỡng ngoại này nó đã
có nhiều biến đổi cho phù hợp với lối sống và vũ trụ quan của người bản địa. Các
nhà nghiên cứu nếu bóc tách trong từng bộ tranh sẽ đọc ra đâu là yếu tố ngoại, còn
đâu là bản địa thì mới thực sự xác định được giá trị Việt của chúng. Đây là một
công việc có tầm cỡ của một dự án khoa học. Rõ không phải là chuyện dễ dàng.
Nhưng tôi mong có sự hơp tác đó để những bức tranh đó khẳng định được giá trị,
đi được vào cuộc sống xã hội.

×