Tải bản đầy đủ (.pdf) (15 trang)

Tiểu luận: VỤ TRANH CHẤP THỀM LỤC ĐỊA BIỂN AEGEAN GIỮA HI LẠP VÀ THỔ NHĨ KỲ docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (227.77 KB, 15 trang )



Tiểu luận

VỤ TRANH CHẤP THỀM LỤC ĐỊA BIỂN AEGEAN
GIỮA HI LẠP VÀ THỔ NHĨ KỲ




Bản đồ khu vực Biển Aegean
Vụ việc mở đầu bằng sự kiện: vào ngày 1/11/1973, thông qua cơ quan ngôn luận
của mình, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) đã cho phép công ty khai thác dầu mỏ Thổ Nhĩ
Kỳ được khai thác dầu trên 27 khu vực ở thềm lục địa biển Aegean. Theo như tuyên bố
này, các tàu của Thổ Nhĩ Kỳ có thể thăm dò và khai thác nguồn dầu mỏ ở vùng thềm lục
địa nằm giữa địa phận hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Hi Lạp. Sau đó, ngày 7/2/1974, chính
phủ Hi Lạp đã gửi Công hàm cho Thổ Nhĩ Kỳ đặt câu hỏi về giá trị của tuyên bố trước
đó từ phía Thổ Nhĩ Kỳ và chính thức bày tỏ quan điểm về quyền chủ quyền của Hi Lạp
với khu vực mà trong tuyên bố của mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho là những khu vực mà họ
có quyền khai thác dầu. Cùng là khu vực thềm lục địa Biển Egee, cả Hi Lạp và Thổ Nhĩ
Kỳ đều tuyên bố chủ quyền của mình. Vấn đề đã thực sự nảy sinh. Thời gian tiếp sau đó,
hai nước liên tục trao đổi các Công hàm thể hiện quan điểm của vấn đề này. Hi Lạp
không ngừng tuyên bố những khu vực đó là vùng thêm lục địa của mình, vì thế Thổ Nhĩ
Kỳ không được phép đưa tàu vào thăm dò và khai thác tài nguyên ở đó. Thổ Nhĩ Kỳ thì
khẳng định những khu vực đó là vùng thềm lục địa của mình, đồng ý cho các tàu của
Thổ vào khai thác nguồn dầu mỏ ở đây. Sau thời gian bày tỏ quan điểm của mình bằng
các công hàm, hai nước đã quyết định là giải quyết mâu thuẫn này bằng con đường
ngoại giao đàm phán. Kể từ năm 1975, hai nước đã có những cuộc tiếp xúc với các đại
diện là đại sứ. Thổ Nhĩ Kỳ giữ quan điểm giải quyết mâu thuẫn bằng hòa giải, trong khi
Hi Lạp đề nghị đưa vấn đề phân định biên giới trên vùng thềm lục địa biển Aegean lên
Tòa án Công lý quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị rằng các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước


nên được tổ chức. Với đề nghị này, Hi Lạp đồng ý với yêu cầu trong những cuộc gặp
cấp cao thời gian tới, hai nước sẽ cùng nhau thống nhất đưa ra một thỏa thuận đặc biệt
(special agreement) để đệ trình vấn đề này lên tòa án ICJ.
Cuộc gặp cấp cao giữa thủ tướng hai nước được tổ chức ở Rome 17-19/5/1975.
Phía Hi Lạp đưa ra một bản thảo văn bản thỏa hiệp trong khi đàm phán. Phía Thổ Nhĩ
Kỳ tuyên bố họ sẽ không bàn bạc về bản thảo này, hai nước chỉ cần đàm phán trước đã.
Cuộc gặp cấp cao này kết thúc với Tuyên bố chung của hai nước được công bố trước
báo giới ngày 19/5/1975. Sau đó, hai nước lại tiến hành cuộc gặp cấp cao ở Brussels, Bỉ,
và đưa ra Thông cáo chung ngày 31/5/1975, với nội dung là hai bên quyết định rằng
những vấn đề giữa hai nước sẽ được giải quyết một cách hòa bình và những vấn đề có
liên quan đến thềm lục địa biển Aegean sẽ được đưa lên tòa án ICJ. Theo những thỏa
thuận khác đạt được sau cuộc gặp ở Brussels, hai nước sẽ ấn định ngày để các chuyên
gia về thềm lục địa gặp gỡ, trao đổi thông tin. Cuộc gặp đó ấn định là 25-27/9/1975 ở
Paris nhưng đến phút cuối Thổ Nhĩ Kỳ hoãn lại.
Quá trình sau đó, sự việc ngày càng phức tạp khi phía Thổ luôn yêu cầu rằng vụ
việc phân định ranh giới thềm lục địa hai nước đang tranh chấp cần được giải quyết
trong hòa bình bằng các buổi tiếp xúc đàm phán có hiệu quả, chứ không phải là soạn
thảo ra thỏa thuận đặc biệt đưa vụ việc lên tòa ICJ, theo ý kiến của Hi Lạp. Hai nước đã
tiếp tục gặp gỡ, các chuyên gia đã trao đổi ý kiến, nhưng chưa đưa ra được sự thống nhất
nào về xác định quyền chủ quyền của thềm lục địa. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho tàu
của nước mình bắt đầu tiến hành thăm dò để khai thác dầu mỏ tại khu vực hai nước còn
đang tranh chấp. Phía Hi Lạp phản đối bằng cách đệ đơn lên tòa ICJ vào ngày
10/10/1976 và sau đó gửi cho Tòa bản Memorial, tranh tụng miệng trước Tòa, trong khi
đó phía Thổ không có bản Counter-Memorial và không xuất hiện trước tòa. Hi Lạp thừa
nhận thẩm quyền của Tòa, Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận thẩm quyền của tòa. Vấn đề được đặt
ra ý kiến của tòa ra sao về việc tòa có hay không có thẩm quyền can thiệp vào vụ tranh
chấp lãnh thổ trên biển giữa hai nước.
Trong phán quyết của tòa, có hai cơ sở văn bản mà tòa sử dụng để diễn giải cho
phán quyết của mình. Thứ nhất là những điều khoản trong Điều ước quốc tế mà hai nước
đều là thành viên, trong đó có điều 17 Quy chế chung của Hiệp ước hòa bình giải quyết

các tranh chấp quốc tế 1928 ( Article 17 of the General Act for the Pacific Settlement of
International Disputes 1928), cùng với điều 36 khoản 1 và điều 37 Quy chế tòa án quốc
tế. Thứ hai là Thông cáo chung giữa hai nước vào ngày 31/5/1975 tại Brussels, hay còn
gọi là Thông cáo chung Brussels. Có nội dung phù hợp với điều 36 Quy chế tòa án quốc
tế, hai nước sau khi trao đổi quan điểm đã cùng tuyên bố rằng:
“ They [the two Prime Ministers] decided that those problems [between the two
countries] should be resolved peacefully by means of negotiations and as regards
the continental shelf of the Aegean Sea by the International Court at The Hague."
Do phạm vi bài chỉ phục vụ cho mục tiêu trả lời câu hỏi “Liệu một thông cáo
chung có thể mang tính ràng buộc với các hai tham gia tranh chấp hay không?”, nên
phần sau bài viết sẽ là trình bày cơ sở lý lẽ của hai bên cũng như phán quyết của tòa về
tính ràng buộc của Thông cáo chung Brussels 31/5/1975 và rút ra bài học từ phán quyết
ấy.
II. Lập luận của Hy Lạp:
Hy Lạp cho rằng một thông cáo chung có thể cấu thành nên một thỏa thuận có giá
trị ràng buộc pháp lý giữa hai bên liên quan và Thông cáo chung Brussels 31/5/1975 đã
trao cho Tòa án quốc tế tại Lahay quyền xét xử tranh chấp về thềm lục địa biển Aegean
giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, nó coi việc đưa ra một thông cáo chung như một
nghi thức hiện đại yêu cầu quan hệ pháp lý đầy đủ trong thực tiễn quốc tế. Hy Lạp lập
luận thêm rằng điều kiện cần và đủ là một thông cáo có thể trở thành một thỏa thuận có
tính ràng buộc pháp lý thì ngoài việc nó có hình thức thông thường (customary forms)
thì nó còn phải bao gồm sự cam kết của hai bên, sự liệt kê các quy tắc chính và việc
công bố ý nghĩa điều khoản. Rõ ràng, Thông cáo chung Brussels 31/5/1975 đã có đủ các
điều kiện trên:
Thứ nhất, căn cứ vào hai từ “décidé” (decision) và “doivent être
resolus”(obligation) trong Thông cáo chung Brussels thì có thể thấy hai từ này hàm ý
việc Thủ tướng Hy Lạp và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kì cùng chấp nhận đưa tranh chấp lên
toà. Tức là cả hai bên đều có nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ pháp lý khi đưa ra Thông cáo
chung và cả hai bên đã có sự cam kết với nhau.


Communiqué conjoint, Bruxelles, 31 mai 1975
Au cours de leur rencontre les deux premiers ministres ont eu l'occasion de procéder
l'examen des problémes qui conduisirent à la situation actuelle les relations de leurs
pays. Ils ont décidé que ces problèmes doivent être résolus pacifiquement par la voie
des négociations et concernant le plateau continental de la mer Egée par la Cour
internationale de La Haye. Ils ont défini les lignes générales sur la base desquelles
auront lieu les rencontres prochaines des représentants des deux gouvernements. A cet
égard ils ont dkcidé d'accélhrer la rencontre d'experts concernant la question du
plateau continental de la mer Egée, ainsi que celle des experts sur la question de
l'espace aérien. Les deux premiers ministres se sont trouvés d'accord que de part et
d'autre des efforts soient faits aux fins de la création et du maintien d'un bon climat dans
les relations entre la Grèce et la Turquie de sorte que les problèmes existants puissent
être résolus et que les deux pays soient amenés au rétablis- sement de leur coopération
à leur avantage mutuel. Enfin, les deux premiers ministres se sont trouvés d'accord pour
apporter leur appui aux négociations intercommunautaires de Vienne.
Bruxelles, Ie 31 mai 1975.
Thứ hai, Chính phủ Hy lạp khẳng định rằng “thỏa thuận” trong Thông cáo chung
“ còn hơn một lời cam kết đàm phán và nó trực tiếp trao quyền xét xử cho tòa án”. Điều
này có thể được hiểu là những thỏa thuận mà Tổng thống Hy Lạp và Tổng thống Thổ
Nhĩ Kì đạt được không chỉ đơn thuần là một lời cam kết hai bên sẽ giải quyết các vấn đề
giữa hai nước một cách hòa bình thông qua đàm phán mà nó đã trực tiếp trao quyền xét
sự tranh chấp thềm lục địa biểnAegean giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cho tòa án. Như
vậy, Thông cáo đã đưa ra một nguyên tắc giải quyết tranh chấp giữa hai bên là sẽ đưa vụ
tranh chấp lên Tòa.
"They [the two Prime Ministers] decided that those problems [between the two
countries] should be resolved peacefully by means of negotiations and as regards the
continental shelf of the Aegean Sea by the International Court at The Hague." (Joint
communiqué Brussels, 31/5/1975).
Thứ ba, chính phủ Hy lạp cũng khẳng định rằng đoạn Thông cáo chung trên “giao
phó cho các bên ký kết bất cứ hiệp định thi hành nào cần thiết cho việc thực hiện nghĩa

vụ”. Trong trường hợp một bên từ chối kí kết hiệp định này thì bên kia sẽ được phép
đơn phương đưa tranh chấp lên tòa. Tuy nhiên thì Thông cáo chung không yêu cầu phải
có một hiệp định thi hành nào qui định các bên có thể đệ đơn lên Tòa mà phải đạt được
một special agreement. Đây cũng có thể coi là một nguyên tắc chính trong việc đưa vụ
việc lên Tòa.
Thứ tư, Thông cáo chung này Thủ tướng Thổ Nhĩ Kĩ và Thủ tướng Hy Lạp đưa ra
ngay sau buổi họp báo ngày 31/5/1975 chứng tỏ cả hai bên đã có sự tuyên bố các điều
khoản thông qua việc thông cáo báo chí.
Vì các lý lẽ nói trên mà chính phủ Hy lạp kết luận rằng Thông cáo chung tại
Brussels ngày 31 tháng 5 năm 1975 là một thỏa thuận quốc tê có tính ràng buộc giữa hai
bên và Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp thềm lục địa biển Aegean giữa Hy
Lạp và Thổ Nhĩ Kì.
III. Lập luận của Thổ Nhĩ Kỳ:
Về phần mình, khi đưa ra các phản hồi lên tòa án ngày 25/8/1976, Thổ Nhĩ Kỳ
không những phủ nhận Thông cáo chung Brussels là một thỏa thuận mang tính luật quốc
tế (an agreement under international law) do Thông cáo chung này chưa được chính phủ
nước này thông qua mà còn khẳng định rằng khi đưa ra thông cáo chung không có nghĩa
là hai chính phủ chấp nhận thẩm quyền của tòa trong việc giải quyết tranh chấp hiện tại
giữa hai bên. Theo như xem xét văn bản, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng quan điểm của hai
bên là khá khác nhau và không thể nào đưa ra lý lẽ là: khi một bên đơn phương yêu cầu
tòa can thiệp giải quyết vụ việc thì bên kia cũng buộc phải chấp nhận thẩm quyền của
tòa.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng: “…khi chưa có một special agreement giữa hai nước
thì không thể có sự rằng buộc để đưa vụ việc lên tòa, vì thủ tướng của hai bên đã quyết
định đẩy nhanh cuộc họp giữa các chuyên gia của hai nước để giải quyết tranh chấp
vùng thềm lục địa biển Aegean. Theo quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, điều này có nghĩa là
hai bên đã ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua kênh đàm phán.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng biện pháp đàm phán là biện pháp cơ bản nhất để giải quyết
các tranh chấp quốc tế và nói rằng sở dĩ vụ tranh chấp giữa hai bên không đạt được thoả
thuận là vì không có đủ thời gian đàm phán. Và Thổ Nhĩ Kỳ còn cho rằng:

“Nói chung, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý với Hi Lạp trong việc đưa vụ tranh chấp lên toà
án quốc tế, song trước hết Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mong muốn có được sự gặp gỡ cấp cao hơn
giữa chính phủ của hai quốc gia”.
Ngày 3/3/1975, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ giải thích với Chính phủ của ông ta rằng:
Phía Hi Lạp đã trả lời đề nghị của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về việc tổ chức các buổi gặp
gỡ giữa hai nước trước khi đưa vụ việc lên tòa ICJ. Mục đích của các cuộc gặp là đưa ra
thỏa thuận đặc biệt liên quan đến vấn đề tranh chấp. Tuy nhiên những cuộc gặp gỡ này
chưa diễn ra.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, trong hội nghị diễn ra ở Rome, phái đoàn Hi Lạp
đã đưa ra một bản dự thảo của thỏa thuận đặc biệt, nhưng phía Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó chưa
sẵn sàng bàn về bản thảo đó, họ cần thời gian để chuẩn bị. Hội nghị kết thúc với thông
cáo của hai nước ngày 19/5/1975, đại ý là: Những vấn đề liên quan đến thềm lục địa
biển Aegean được hội nghị này bàn đến sẽ là cơ sở để thiết lập thỏa thuận chung của hai
bên là đưa vấn đề lên tòa ICJ. Hai nước cũng đồng ý rằng những cuộc gặp giữa các
chuyên gia hai nước sẽ được tổ chức trong thời gian sớm nhất nhưng trên thực tế, nhưng
cuộc gặp giữa các chuyên gia vẫn chưa được tiến hành.
Rõ ràng, với quan điểm của mình, Thổ Nhĩ Kỳ ngay từ đầu đã khẳng định rằng,
họ chấp nhận đưa vấn đề tranh chấp về phân định chủ quyền của các nước trên thềm lục
địa Aegean chỉ khi hai nước trao đổi đàm phán và đạt được một special agreement. Họ
yêu cầu rằng để có thể đạt được thỏa thuận đó, nhất thiết hai nước phải tiến hành các
cuộc gặp gỡ đàm phán giữa nguyên thủ hai quốc gia và giữa các chuyên gia. Song,
khoảng thời gian là 4 tháng, với một số các cuộc tiếp xúc giữa hai bên là chưa đủ để đi
đến hiểu biết sâu sắc về vấn đề tranh chấp, để có thể cùng nhau đưa ra một thỏa thuận
yêu cầu Tòa ICJ giải quyết vụ việc. Điều này cũng khẳng định luôn là, Thông cáo chung
Brussels chưa phải là một special agreement thể hiện ý chí của phía Thổ Nhĩ Kỳ trong
việc chấp nhận thầm quyền của Tòa.
IV. Phán quyết của toán ICJ:
Vấn đề: “Tòa có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thềm lục địa biển Aegean đang
xảy ra giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ hay không?”. Phần giải thích sau đây chỉ căn cứ trên
cơ sở thứ hai mà ICJ đưa ra: Thông cáo chung Brussels ngày 31/05/1975.

Về vấn đề hình thức, Tòa đưa ra nhận xét rằng không có một quy định nào của
pháp luật quốc tế ngăn không cho một thông cáo chung trở thành một thỏa thuận quốc tế
nhằm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hay tòa án. Để đưa ra nhận xét trên Tòa căn
cứ vào Điều 2, Điều 3, Điều 11 của Công ước Viên 1969.
Điểm a, khoản 1, điều 2 của Công ước nêu lên định nghĩa về một điều ước quốc
tế: “Điều ước là một thỏa thuận quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia và
được luật pháp quốc tế điều chỉnh, không phụ thuộc vào việc thỏa thuận đó có được ghi
nhận trong một văn kiện duy nhất hoặc trong hai hay nhiều văn kiện có quan hệ với
nhau, cũng như không phụ thuộc vào tên gọi cụ thế của các văn bản đó.” Do đó không
thể đơn thuần căn cứ vào tên văn bản là “thông cáo chung” để kết luận nó có phải là
một điều ước quốc tế hay không.
Điều 3, Công ước Viên 1969: “Việc Công ước này không áp dụng đối với những
thỏa thuận quốc tế được ký kết giữa các quốc gia và những chủ thể khác của luật pháp
quốc tế, hoặc giữa những chủ thể khác với nhau, cũng như không áp dụng với những
thỏa thuận quốc tế không ghi thành văn bản, sẽ không ảnh hưởng đến:
a, Hiệu lực pháp lý của những thỏa thuận đó;
b, Việc áp dụng bất kỳ quy tắc nào nêu trong Công ước này đối với các thỏa thuận
quốc tế nêu trên khi các thỏa thuận đó phải tuân thủ các quy tắc này theo luật pháp quốc
tế, không phụ thuộc vào Công ước;
c, Việc áp dụng Công ước này trong quan hệ giữa các quốc gia với nhau trong
khuôn khổ các thỏa thuận quốc tế có các chủ thể khác của luật pháp quốc tế tham gia.”
Quy định của điều này cho phép các thỏa thuận quốc tế có thế không áp dụng các quy
định của Công ước Viên nhưng vẫn có giá trị ràng buộc với các bên. Do đó, dù Thông
cáo chung Brussel không tuân theo các quy định của Công ước Viên về trình tự hình
thành một điều ước quốc tế cũng không ngăn cản Thông cáo chung này có hiệu lực ràng
buộc với các bên.
Điều 11, Công ước Viên: “Việc đồng ý của một quốc gia chấp nhận sự ràng buộc
của một điều ước có thể được biểu thị bằng việc ký, trao đổi các văn kiện cấu thành điều
ước, phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt, hay gia nhập hoặc bằng bất kỳ cách nào khác
theo thỏa thuận.” Từ điều này có thể suy ra việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra lập luận rằng Thông

cáo Brussels chưa được nước này thông qua, không có giá trị quyết định rằng thông cáo
chung này có phải là một điều ước quốc tế hay không.
Như vậy, từ ba căn cứ trên Tòa rút ra kết luận: để xác định Thông cáo chung
Brussels ngày 31/05/1975 có cấu thành nên một thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc với
các bên liên quan hay không cần phải căn cứ vào những điều khoản thực chất chứa đựng
trong thông cáo và hoàn cảnh hình thành nên thông cáo ấy chứ không phải căn cứ vào
hình thức của nó. Và do những bất đồng quan điểm giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trong
việc giải thích nội dung Thông cáo Brussels ngày 31/05/1975 nên Tòa tiến hành xem xét
hoàn cảnh diễn ra cuộc gặp ngày 31/05/1975 và việc thảo ra Thông cáo Brussels.
Bằng chứng cho thấy, “Tòa án” đã được nhắc đến lần đầu tiên trong Công hàm
của Chính phủ Hy Lạp ngày 27/02/1975, bốn tháng trước khi diễn ra cuộc gặp của hai
thủ tướng tại Brussels. Trong đó, Chính phủ Hy Lạp đã đề xuất “những bất đồng về luật
áp dụng cũng như những bất đồng về thực chất của vấn đề” sẽ được đưa lên Tòa. Trong
ý kiến phản hồi của mình vào 06/02/1975, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nhắc đến “các cuộc
đàm phán bước ngoặt” để giải quyết các tranh chấp quốc tế và cho rằng do chưa đạt
được những cuộc đàm phán như vậy nên những vấn đề liên quan đến các tranh chấp sẽ
không được nhận thức một cách đầy đủ cũng như không được giải thích rõ ràng. Tuy
nhiên, nói chung, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đề xuất của Chính phủ Hy Lạp cùng
đưa tranh chấp về phân chia thềm lục địa biển Aegean lên Tòa ICJ. Với ý nghĩa đó và
xây dựng các điều khoản quy định vấn đề được đưa lên Tòa, Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị tiến
hành các cuộc gặp cấp cao giữa hai Chính phủ. Ngày 10/02/1975, khi xem xét sự đáp lại
của Thổ Nhĩ Kỳ, Chính phủ Hy Lạp đã hài lòng nhận thấy rằng “chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ
đã chấp nhận về nguyên tắc cơ bản đề xuất của họ rằng vấn đề liên quan đến phân định
thềm lục địa của biển Aegean sẽ được hai bên cùng đưa lên ICJ tại Lahay.”. Nước này
cũng đồng ý rằng “với sự chuẩn bị thích hợp, các cuộc nói chuyện sẽ được tiến hành
nhằm soạn thảo ra những điều khoản của special agreement cần thiết cho việc thực hiện
đề nghị trên”. Điều này đã dẫn đến việc thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ khi giải trình vấn đề này
trước Quốc hội vào ngày 03/03/1975 đã nói: “Phía Hy Lạp đã trả lời một cách tích cực
với đề nghị của chúng ta liên quan đến các cuộc nói chuyện trước khi viện đến Tòa án
Lahay. Những cuộc nói chuyện này vẫn chưa bắt đầu. Mục tiêu đạt được của các cuộc

gặp này là đạt được special agrement để vạch ra vấn đề cơ bản của vụ việc.”
Theo thông tin được đưa ra trước Tòa, một thời gian ngắn trước khi diễn ra cuộc
gặp giữa hai Thủ tướng tại Rome vào ngày 17-19/05/1975 để thảo luận về vấn đề thềm
lục địa biển Aegean, Chính phủ của hai nước đã đưa ra những quan điểm tương ứng.
Hơn nữa, qua các trao đổi ngoại giao, Chính phủ Hy Lạp khó bỏ qua những nghi ngờ
rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hiểu đề xuất về Tòa án, chủ đề của cuộc thảo luận tại buổi
gặp mặt Rome, là việc cùng đệ trình việc giải quyết tranh chấp lên Tòa bằng một special
agreement.
Từ sự tham khảo vụ việc tại cuộc gặp Rome trong Công hàm 02/10/1975 của
chính phủ Hy Lạp cho thấy phái đoàn Hy Lạp đã đưa ra một bản thảo chuẩn bị cho đàm
phán, nhưng phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ lại nói rằng họ chưa sẵn sàng để thảo luận về nó và
cần thêm thời gian để chuẩn bị. Cuộc gặp kết thúc với sự ra đời của một Thông cáo
chung ngắn gọn giữa hai chính phủ bao gồm những tuyên bố sau: “Các vấn đề liên quan
đến thềm lục địa biển Aegean phải được đưa ra bàn bạc và một special agreement liên
quan đến việc đệ trình vấn đề lên ICJ phải được xem xét trước tiên. Hai bên đồng ý rằng
cuộc gặp giữa các chuyên gia sẽ sớm được tiến hành.”
Theo Công hàm vào 02/10/1975 đã được đề cập đến ở trên, một hội đồng các
chuyên gia sẽ gặp nhau trong thời gian sớm nhất có thể để đàm phán về một special
agreement và để thăm dò ý kiến của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vấn đề khai thác chung.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhắc đến cuộc gặp Rome trong Công hàm ngày
18/11/1975. Trong lời phát biểu của phái đoàn Hy Lạp có đoạn: “ đồng ý tìm ra một
cách giải quyết các bất đồng bằng đàm phán, ghi nhận đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ trong
việc cùng thăm dò và khai thác tài nguyên, và nếu cần thiết nỗ lực chuẩn bị cho một bản
thảo special agreement cho việc cùng đưa các vấn đề này lên ICJ trong trường hợp hai
bên nhất trí có sự bất đồng thực sự giữa hai bên.”
Tòa có thể thấy rằng không có quy định nào trong các điều khoản của Thông cáo
chung Rome ngày 19/05/1975 hay trong các văn bản của cuộc gặp được hai chính phủ
đưa ra ngay sau đó chỉ ra rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng để cùng nhau đưa vụ việc lên
Tòa, nhưng là một sự chấp thuận chung về thẩm quyền của Tòa đối với vụ việc. Ngược
lại, lập trường của Chính phủ Hy Lạp và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về điểm này không thay

đổi khi hai thủ tướng gặp nhau bắt đầu cuộc gặp của họ tai Brussels chỉ vào ngày sau đó,
vào ngày 31/05/1975.
Do đó, chỉ trong bối cảnh phía Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện trước sự bằng lòng cùng
đưa tranh chấp lên tòa sau các cuộc đàm phán và bằng một bản special agreement chỉ rõ
các vấn đề sẽ được quyết định thì ý nghĩa của Thông cáo chung Brussels ngày
31/05/1975 mới được xác định. Khi được xác lập trong ngữ cảnh này, các điều khoản
của Thông cáo không chứng minh cho Tòa án thấy bất kỳ sự thay đổi nào từ phía Thổ
Nhĩ Kỳ về các điều kiện mà nước này sẵn sàng đồng ý đưa tranh chấp này lên Tòa. Sự
thật là bản Thông cáo chung Brussels đã ghi lại quyết định của hai Thủ tướng rằng
những vấn đề nào liên quan đến hai nước sẽ được giải quyết bằng biện pháp đàm phán
hòa bình, và với các vấn đề về thềm lục địa biển Aegean sẽ được Tòa xem xét. Tuy
nhiên họ cũng vạch ra một thời hạn chung diễn ra các cuộc gặp tiếp theo giữa các đại
diện của hai chính phủ và quyết định mối liên hệ này sẽ nêu ra thời gian cho cuộc gặp
của các chuyên gia. Những tuyên bố trên không đưa ra cho Tòa sự mâu thuẫn với lập
trường chung mà Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra trong các trao đổi ngoại giao trước đó rằng nước
này sẵn sàng tính đến việc cùng đệ trình tranh chấp lên Tòa bằng một special agreement.
Cùng lúc đó, các điều khoản rõ ràng mà hai thủ tướng xác định cho các cuộc gặp tiếp
theo giữa các chuyên gia về vấn đề thềm lục địa không đồng nhất với một cam kết tức
thời và tuyệt đối để chấp nhận đơn phương đưa vụ tranh chấp lên Tòa bằng Apllication.
Theo sự nhấn mạnh trước kia của Thổ Nhĩ Kỳ về việc cần thiết phải nhận thức và xác
định các vấn đề của tranh chấp, không chắc rằng thủ tướng của nước này đồng ý một
cam kết với những điều khoản rộng và mơ hồ như vậy.
Những thông tin được đưa ra trước Tòa liên quan đến những cuộc đàm phán giữa
các chuyên gia và các trao đổi ngoại giao sau đó cho đến Thông cáo chung Brussels
khẳng định rằng hai Thủ tướng không xác định một cam kết đưa vụ tranh chấp thềm lục
địa ra Tòa. Sự thực, hai bên có sự giải thích khác nhau về nội dung của Thông cáo
chung, phía Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng nêu lên sự cần thiết của các cuộc đàm phán bước
ngoặt về các vấn đề cơ bản của tranh chấp trước khi đưa lên Tòa, phía Hy Lạp lại nhấn
mạnh vụ việc được đưa lên Tòa một cách trực tiếp. Tuy nhiên ngay từ đầu, phía Thổ Nhĩ
Kỳ đã kiên trì bảo vệ lập trường rằng việc trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho

Tòa được tính đến chỉ về các vấn đề cơ bản của sự đệ trình chung sau khi sự kết luận của
một bản special agreement vạch ra các vấn đề cho việc giải quyết trước Tòa. Thậm chí
chính phủ Hy Lạp, trong khi biện hộ cho việc ngay lập tức đệ đơn lên Tòa, đưa ra bản
thảo của special agreement như một việc cần thiết cho việc đưa vụ việc lên Tòa (Công
hàm 27/02/1975 và ngày 19/12/1975). Điều quan trọng là không có điểm nào trong các
trao đổi ngoại giao hay trong các cuộc đàm phán giữa các chuyên gia chính phủ Hy Lạp
đã viện dẫn Thông cáo chung như thẩm quyền trực tiếp đã tồn tại và hoàn thành. Hơn
nữa, mặc dù trong Công hàm 27/02/1975, trước khi bản Thông cáo chung ra đời, Chính
phủ Hy Lạp bảo vệ một cách chính xác quyền của nước này đơn phương đề xuất lên Tòa
(có thể đoán rằng có trong General Act), Tòa không tìm thấy sự đề cập nào của Hy Lạp
trước khi đệ trình Application lên Tòa về khả năng đơn phương đưa vụ tranh chấp lên
Tòa dựa theo những vấn đề cơ bản của thông cáo.
Theo đó, dựa vào nội dung của Thông cáo chung Brussels ngày 31/5/1975 và ngữ
cảnh của việc chấp thuận và công bố Thông cáo chung này, tòa có thể chỉ có thể đi đến
kết luận rằng không thể cho rằng với vai trò của mình, hai vị thủ tướng của Hi Lạp và
Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý rằng một nước có thể đơn phương đệ trình vấn đề tranh chấp hiện
tại lên tòa quốc tế. Theo đó, Thông cáo chung không đủ tính pháp lí để thiết lập nên
thẩm quyền của tòa theo như đơn đệ trình của Hi Lạp gửi tòa vào 10/10/1976.
Tòa cũng nhấn mạnh rằng vấn đề duy nhất cần xác định là liệu với những văn bản
được đưa ra, tòa có đủ thầm quyên can thiệp vào vụ việc hay không? Khi cho rằng
Thông cáo chung Brussels không đủ tính pháp lí để quy định thầm quyền của tòa, Tòa
án sẽ không được phép quan tâm hay giải thích những điều phức tạp trong Thông cáo
chung đó. Đây là việc làm của hai nước mà thôi. Tòa chỉ có thể thụ lý vụ việc khi có đủ
các điều kiện thiết lập nên thầm quyền can thiệp của tòa.
V. Bài học rút ra:
Một thỏa thuận quốc tế không phụ thuộc vào tên gọi của nó. Để xác định một thỏa
thuận có mang tính ràng buộc với hai bên hay không cần phải căn cứ vào: thứ nhất, nội
dung của nó; thứ hai, ngữ cânhr hình thành nên thỏa thuận ấy.
Đã có sự giải thích khác nhau giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ về nội dung của Thông
cáo chung Brussels ngày 31/05/1975. Việc xuất hiện nhiều cách giải thích khác nhau về

thỏa thuận giữa hai bên cho thấy nội dung của bản Thông cáo chung này không rõ ràng,
mập mờ và các bên có thể lợi dụng điều này để gán trốn tránh nghĩa vụ (Thổ Nhĩ Kỳ).
Kết luận của Tòa rằng Thông cáo chung Brussels ngày 31/05/1975 không có giá
trị ràng buộc hai bên với thẩm quyền xét xử của Tòa nhưng điều này không có nghĩa là
Thông cáo chung không có giá trị ràng buộc với hai bên về các vấn đề khác như việc
phải sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp của hai bên hay các vấn đề
liên quan đến thềm lục địa sẽ được đưa ra tòa ICJ.
DANH SÁCH SINH VIÊN THỰC HIỆN:
1. Nguyễn Thị Thu Giang A33
2. Quách Thị Huyền A33
3. Lenglee Leeaniou K33
4. Nguyễn Thị Tố Nữ I33



×