Sự di truyền các gene trên nhiễm sắc thể thường và
nhiễm sắc thể giới tính
1. Sự di truyền các gene trội lặn trên nhiễm sắc thể thường
1.1. Sự di truyền các gene trội trên nhiễm sắc thể thường
Bệnh di truyền do các gene trội trên nhiễm sắc thể thường đựơc bắt gặp với
tần số khoảng 1/200. Nếu tính riêng lẻ thì mỗi bệnh di truyền do gene trội
trên nhiễm sắc thể thường là khá hiếm trong quần thể. Tuy nhiên, các bệnh
phổ biến nhất có tần số gene khoảng 0,001. Tính trạng hay bệnh di truyền do
các gene trội trên nhiễm sắc thể thường có một số các đặc điểm quan trọng.
Thứ nhất, cả hai giới biểu hiện tính trạng với tỉ lệ gần như nhau. Bố và mẹ có
vai trò ngang nhau trong việc truyền tính trạng cho con cái. Thứ hai, không
có sự ngắt quãng thế hệ: kiểu hình bệnh được truyền từ ông bà sang bố mẹ,
rồi từ bố mẹ cho con cái Nếu bố mẹ không bị bệnh thì sẽ không truyền bệnh
cho con cái. Vì vậy kiểu biểu hiện này được gọi là kiểu di truyền phân bố dọc
(vertical transmission pattern). Thứ ba, mặc dù sự truyền tính trạng từ bố cho
con trai không được yêu cầu để đánh giá sự di truyền gene trội trên nhiễm sắc
thể thường nhưng sự hiện diện của nó trong một phả hệ loại trừ chắc chắn các
kiểu di truyền khác (đặc biệt là sự di truyền liên kết với nhiễm sắc thể X).
Cuối cùng, thể dị hợp tử mang gene bệnh truyền tính trạng này cho gần một
nửa con cái của họ.
1.2. Sự di truyền các gene lặn trên nhiễm sắc thể thường
Giống như bệnh di truyền do các gene trội trên nhiễm sắc thể thường, các
bệnh di truyền do gene lặn trên nhiễm sắc thể thường là khá hiếm trong quần
thể. Chỉ khi ở trạng thái đồng hợp thì mới biểu hiện thành kiểu hình. Các thể
dị hợp là phổ biến nhiều hơn thể đồng hợp. Sự di truyền các gene lặn trên
nhiễm sắc thể thường có một số đặc điểm quan trọng. Thứ nhất, kiểu hình
bệnh biểu hiện ở một hoặc nhiều anh chị em nhưng không phát hiện thấy ở
các thế hệ trước đó. Do vậy kiểu di truyền này được gọi là kiểu di truyền
phân bố ngang (horiziontal transmission pattern). Thứ hai, giống như trường
hợp di truyền do gene trội trên nhiễm sắc thể thường, nam và nữ đều có khả
năng bị mắc bệnh với tỉ lệ ngang nhau. Thứ ba, trung bình khoảng 1/4 con cái
của cặp bố mẹ dị hợp sẽ bị mắc bệnh. Cuối cùng, tính đồng huyết
(consanguinity) thường hiện diện trong các phả hệ liên quan đến bệnh do
gene lặn trên nhiễm sắc thể thường nhiều hơn so với các phả hệ liên quan đến
các kiểu di truyền khác.
2. Sự di truyền các gene trội lặn trên nhiễm sắc thể giới tính
2.1. Sự di truyền gene lặn liên kết với nhiễm sắc thể X
Một số các tính trạng và bệnh nổi tiếng là do các gene lặn liên kết với nhiễm
sắc thể X gây ra. Các kiểu di truyền do gene lặn liên kết với nhiễm sắc thể X
chắc chắn là khác với gene trên NST thường. Bởi vì nữ được di truyền hai
bản sao nhiễm sắc thể X. Ở nữ, tính trạng do gene lặn liên kết với nhiễm sắc
thể X rất giống với trường hợp tính trạng do gene lặn trên nhiễm sắc thể
thường quy định. Tuy nhiên, chỉ có một nhiễm sắc thể X là bất hoạt trong tế
bào, như vậy một nửa số tế bào của nữ dị hợp tử sẽ biểu hiện allele bệnh và
nửa còn lại sẽ biểu hiện allele bình thường. Trong lúc đó ở nam được di
truyền một allele bệnh lặn liên kết với nhiễm sắc thể X thì sẽ biểu hiện bệnh
vì nhiễm sắc thể Y không mang allele tương ứng.
Một bệnh do gene lặn liên kết với nhiễm sắc thể X với tần số q thì tất cả nam
có đột biến sẽ biểu hiện bệnh. Nữ phải cần hai bản sao của allele đột biến để
biểu hiện bệnh do đó tần số biểu hiện sẽ là q2 như trường hợp bệnh do gene
lặn trên nhiễm sắc thể thường quy định. Kết quả này cho thấy rằng nam bị tác
động một cách thường xuyên và nhiều hơn so với nữ đối với bệnh do gene
lặn liên kết với nhiễm sắc thể X.
Một số đặc điểm để phân biệt tính trạng hoặc bệnh do lặn liên kết với nhiễm
sắc thể X với tính trạng hoặc bệnh do gene lặn trên nhiễm sắc thể thường:
- Các gene liên kết với nhiễm sắc thể X không được truyền
trực tiếp từ bố cho con trai.
- Gene liên kết với nhiễm sắc thể X có thể được truyền từ
bố cho tất cả con gái, những con gái này không có biểu
hiện bệnh nhưng có mang gene bệnh. Các con gái mang
gene bệnh này sẽ truyền lại cho một nửa số con trai của
họ, các con trai này bị bệnh. Kiểu di truyền này gây ra sự
xuất hiện các thế hệ “ ngắt quãng” (skipped generations).
Kiểu ghép đôi phổ biến đối với các gene lặn liên kết với nhiễm sắc thể giới
tính X là sự kết hợp của mẹ mang gene bệnh với bố bình thường. Mẹ sẽ
truyền gene bệnh cho một nửa số con trai và một nửa số con gái.
Một kiểu ghép đôi phổ biến khác là giữa bố bị bệnh với mẹ bình thường. Tất
cả con trai của họ bình thường. Bởi vì tất cả con gái phải nhận nhiễm sắc thể
X của bố do đó chúng sẽ trở thành thể mang gene bệnh dị hợp tử. Như vậy
không có một đứa con nào biểu hiện bệnh.
Kiểu ghép đôi ít phổ biến hơn là giữa bố bị bệnh với mẹ là thể mang gene
bệnh. Một nửa số con gái của họ sẽ trở thành thể mang gene bệnh dị hợp tử,
một nửa sẽ đồng hợp tử gene bệnh và sẽ biểu hiện bệnh. Một nửa số con trai
bình thường và một nửa số con trai bị bệnh.
Thỉnh thoảng có trường hợp nữ chỉ nhận một bản sao đơn của gene lặn gây
bệnh liên kết với nhiễm sắc thể giới tính mà có thể bị bệnh. Các cơ thể nữ
này được gọi là thể dị hợp biểu hiện (manifesting heterozygotes). Bởi vì các
cơ thể nữ này thường duy trì ít nhất một phần nhỏ của nhiễm sắc thể X hoạt
động bình thường và có khuynh hướng biểu hiện bệnh tương đối nhẹ. Ví dụ,
gần 5% nữ dị hợp tử đối với bệnh ưa chảy máu A (hemophilia A) có mức yếu
tố đông máu VIII đủ thấp để được xếp vào loại bệnh ưa chảy máu nhẹ.
Ít phổ biến hơn là nữ chỉ có một nhiễm sắc thể X (hội chứng Turner) đã biểu
hiện các bệnh do gene lặn liên kết với nhiễm sắc thể X, như bệnh ưa chảy
máu A. Nữ còn có thể bị các bệnh do gene lặn liên kết nhiễm sắc thể X là kết
quả của sự chuyển đoạn hoặc mất đoạn nhiễm sắc thể X. Các trường hợp này
là hiếm.
2. 2. Sự di truyền các gene trội liên kết với nhiễm sắc thể X
Sự di truyền do gene trội liên kết với nhiễm sắc thể giới tính X giống như sự
di truyền do gene trội trên nhiễm sắc thể thường. Một cá thể chỉ cần thừa
hưởng một bản sao đơn của gene trội liên kết với nhiễm sắc thể X là có thể
biểu hiện tính trạng hoặc bệnh. Bởi vì nữ có hai nhiễm sắc thể X, mà mỗi
nhiễm sắc thể X đều có thể có khả năng mang gene bệnh nên nữ bị bệnh gần
gấp đôi so với nam (trừ trường hợp rối lọan gây chết ở nam). Bố bị bệnh
không thể truyền tính trạng này cho con trai. Tất cả con gái đều di truyền
gene bệnh này vì thế đều bị bệnh. Bố bị bệnh thường là dị hợp tử vì vậy sẽ có
50% cơ hội truyền allele bệnh cho con gái và con trai.
2.3. Sự di truyền liên kết với nhiễm sắc thể Y
Số tính trạng hoặc bệnh đã biết do gene trên nhiễm sắc thể Y qui định là rất
ít, chỉ gặp ở nam giới và được truyền trực tiếp từ bố cho con trai mang tính
chất “dòng họ nội”. Tất cả các con trai đều bị bệnh (di truyền thẳng) và con
gái không mang bệnh. Các bệnh liên kết với nhiễm sắc thể Y như tật nhiều
lông mọc ở vành tai, dày sừng lòng bàn tay, tật dính ngón số 2 và 3