Tải bản đầy đủ (.pdf) (27 trang)

Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết của Mark Twain

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (439.71 KB, 27 trang )


Bộ GIáO DụC Và ĐàO TạO VIệN KHOA HọC Xã HộI VIệT NAM
VIệN VĂN HọC




DƯƠNG THị áNH TUYếT





NGHệ THUậT XÂY DựNG NHÂN VậT
TRONG TIểU THUYếT CủA MARK TWAIN


CHUYÊN NGàNH: VĂN HọC BắC Mỹ
M Số : 62.22.30.20





Tóm tắt LUậN áN TIếN Sĩ NGữ VĂN







Hà nội 2008
LUẬN ÁN ĐƯỢC HOÀN THÀNH TẠI
VIỆN VĂN HỌC - VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM




Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Lê Huy Bắc
2. TS. Trần Thị Hồng Vân



Phản biện 1: PGS.TS. Lê Đình Cúc
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
Phản biện 2: GS. Phùng Văn Tửu
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Phản biện 3: PGS.TS. Đặng Anh Đào
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội



Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước
Họp tại: Viện Văn học - Viện Khoa học xã hội Việt Nam
Vào hồi 08 giờ 30, ngày 24 tháng 02 năm 2009



Có thể tìm hiểu luận án tại:
- Thư viện Quốc gia
- Thư viện Viện Văn học

CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN


1. Dương Thị Ánh Tuyết (2005), Mấy ý kiến khi giảng dạy đoạn
trích “Mải mê chinh chiến và yêu đương”của mark Twain (trích
tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer), Tạp chí
Giáo dục, số 109.
2. Dương Thị Ánh Tuyết (2005), Nghệ thuật mở đầu tiểu thuyết
“Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer”, Tạp chí Châu Mỹ
ngày nay, số2.
3. Dương Thị Ánh Tuyết (2007), Tom Sawyer và cuộc “phiêu lưu
tình ái”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 8.
4. Dương Thị Ánh Tuyết (2007), Kiểu đàn ông suy đồi và nhân vật
“đám đông” trong tiểu thuyết của Mark Twain, Tạp chí Châu Mỹ
ngày nay, số 12.
5.

Dương Thị Ánh Tuyết (2008), Tính liên văn bản trong tiểu thuyết
của Mark Twain, in trong Tự sự học - một số vấn đề lí luận và
lịch sử (phần 2), Trần Đình Sử chủ biên, Nxb ĐHSP Hà Nội.

6.

Dương Thị Ánh Tuyết (2008), Tính chất Carnaval trong tiếng
cười của Mark Twain, Nghiên cứu văn học, số 4, Viện văn học -
Viện khoa học xã hội Việt Nam.

1


MỞ ĐẦU

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Là người đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới nền văn xuôi, Mark
Twain được William Faulkner suy tôn là “cha đẻ của nền văn chương Hoa
Kỳ”. Chọn đề tài nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Mark
Twain, chúng tôi muốn làm nổi bật sự vận động, giá trị, vị trí của tiểu thuyết
Mark Twain trong sự hình thành và phát triển của thể loại tiểu thuyết Hoa
Kỳ giai đoạn giao thời thế kỉ XIX – XX.
Tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật của Mark Twain là cách hữu hiệu
nhất để đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn. Vì nhân vật là yếu tố hàng đầu
trong tác phẩm văn học, là “nơi tập trung mọi giá trị tư tưởng nghệ thuật, thể
hiện “quan niệm nghệ thuật” và “lí tưởng thẩm mĩ” của nhà văn về con người.
Lấy tiếng cười hài hước, bản chất “thiên sứ” của trẻ em và kẻ “ngốc
minh triết” làm điểm xuất phát, Mark Twain đã xây dựng nên những hình
tượng đa nghĩa, để làm nổi bật tính đa diện của con người cũng như tính đa
cực của đời sống. Bởi vậy, tuy vẫn thuộc kiểu nhà văn truyền thống, nhưng
tư duy nghệ thuật của Mark Twain tiềm ẩn nhiều yếu tố hiện đại. Việc chỉ ra
những đặc trưng cơ bản trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Mark
Twain, còn là cách để thấy được sự vận động của tư duy nghệ thuật trong
văn chương Hoa Kỳ nói riêng và văn chương thế giới nói chung.
Ngoài những lí do trên, việc nghiên cứu Mark Twain còn xuất phát từ
nhu cầu thực tế của bản thân: muốn nâng cao kiến thức về văn học Hoa Kỳ
nói riêng, văn học phương Tây nói chung, từ đó đáp ứng tốt hơn cho công
việc giảng dạy của chúng tôi.
2. GIỚI THUYẾT KHÁI NIỆM VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
2.1. Đề tài “Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết của Mark
Twain” được dịch ra tiếng Anh là “Art of creating characters in Mark
Twain's novels”. Từ nghệ thuật xây dựng ở đây được hiểu là cách thức,
phương thức sáng tạo thẩm mĩ. Từ nhân vật mà chúng tôi dùng ở đây tương

ứng với từ character trong tiếng Anh, chỉ thế giới hình tượng, chủ yếu là
con người được khắc hoạ trong tác phẩm.
2.2. Phạm vi tác phẩm nghiên cứu:
Trong khuôn khổ của một luận án, sau khi rà soát 61 tác phẩm (trong đó
có 20 tiểu thuyết) của Mark Twain, chúng tôi chọn khảo sát ba cuốn tiêu
biểu nhất bằng nguyên bản tiếng Anh: The Adventures of Tom Sawyer
(1876, gọi tắt là Tom Sawyer); The Adventures of Huckleberry Finn (1884,
gọi tắt là Huck Finn); The Tragedy of Pudd’nhead Wilson (1894, gọi tắt là
2

Chàng ngốc Wilson). Khi khảo sát, chúng tôi tham khảo thêm các bản dịch
ra tiếng Việt của Vương Đăng, Minh Đức, Xuân Oanh…
3. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Khảo sát lịch sử vấn đề nghiên cứu gồm 151 tài liệu bằng tiếng Việt và
tiếng Anh, chúng tôi nhận thấy nghiên cứu nghệ thuật xây dựng nhân vật của
Mark Twain một cách hệ thống chưa là đối tượng của một công trình nào ở
Việt Nam. Hầu hết các nghiên cứu trước đây về Mark Twain, cả trong nước
lẫn nước ngoài trong phạm vi tư liệu bao quát được của chúng tôi đều thiên
về cách tiếp cận xã hội học. Một số công trình tiếp cận nhân vật theo lí
thuyết nghiên cứu văn học hiện đại nhưng chỉ dừng ở mức “chấm phá”, gợi
mở. Bởi vậy, chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài nghiên cứu: Nghệ thuật xây
dựng nhân vật trong tiểu thuyết của Mark Twain, và soi rọi dưới ánh sáng
của các lí thuyết hiện đại. Đặc biệt, chúng tôi vận dụng lí thuyết của Bakhtin
về văn hoá trào tiếu dân gian, nghiên cứu tiếng cười Mark Twain như một
biện pháp nghệ thuật để xây dựng nhân vật.
4. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
Luận án nghiên cứu nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết của
Mark Twain dưới ánh sáng của những lí thuyết nghiên cứu văn học hiện đại, ở
ba phương diện tiêu biểu, tương ứng với ba chương: nhân vật qua điểm nhìn
dịch chuyển; nhân vật qua cái tôi du hành; nhân vật qua tiếng cười dân gian.

Ở mỗi phương diện, luận án chỉ ra những đặc trưng cơ bản nhất, đồng thời tìm
cách cắt nghĩa, lí giải để thấy được đóng góp nghệ thuật của Mark Twain.
5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Sử dụng phương pháp luận biện chứng duy vật của chủ nghĩa Marx làm
nền tảng, chúng tôi tiến hành luận án chủ yếu với phương pháp nghiên cứu:
thi pháp học.
Luận án cũng được tiến hành bằng một số thao tác nghiên cứu cụ thể như:
khảo sát, thống kê, phân loại, phân tích, bình giá, tổng hợp, hệ thống, so
sánh đồng đại và lịch đại. Các thao tác này được sử dụng một cách có hệ
thống, ngoài ra trong khi thực hiện đề tài người viết cũng không loại trừ
phương pháp tiếp cận xã hội học và một số gợi ý của phê bình trực giác.
6. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN
Hệ thống lại những vấn đề nghiên cứu về nhân vật của Mark Twain
trong phạm vi tư liệu bao quát được ở Việt Nam.
Đưa ra cách tiếp cận mới về nghệ thuật xây dựng nhân vật trong sáng tác
của Mark Twain. Đó là cách tiếp cận dưới ánh sáng của những lí thuyết văn
3

học hiện đại: thi pháp học (có kết hợp tự sự học, cụ thể là lí thuyết điểm
nhìn), lí thuyết motif nhân vật, lí thuyết văn hoá dân gian của Bakhtin.
Thông qua cách tiếp cận mang tính lí luận và thi pháp học này, luận án
muốn làm nổi bật sự vận động của tiểu thuyết Mark Twain, giá trị, vị trí của
chúng trong sự hình thành và phát triển của thể loại tiểu thuyết trong văn học
Hoa Kỳ giai đoạn giao thời thế kỉ XIX – XX.
Qua việc giới thiệu đỉnh cao văn học Hoa Kỳ, luận án đóng góp thiết
thực vào lĩnh vực lí luận văn học cơ bản, cụ thể là lí luận về nhân vật văn học.
Có được những đóng góp trên, luận án sẽ là một tài liệu bổ ích cho việc
giảng dạy học tập Mark Twain trong nhà trường các cấp ở Việt Nam.
7. KẾT CẤU CỦA LUẬN ÁN
Ngoài Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận án có ba chương như sau:

Chương 1: Nhân vật qua điểm nhìn dịch chuyển
Chương 2: Nhân vật qua cái tôi du hành
Chương 3: Nhân vật qua tiếng cười dân gian


Chương 1
NHÂN VẬT QUA ĐIỂM NHÌN DỊCH CHUYỂN
Điểm nhìn dịch chuyển là cách thức để Mark Twain tái hiện nhân vật
trong cái nhìn đa diện, đa tầng. Các nhân vật vừa tự thể hiện mình, vừa được
bộc lộ qua cái nhìn của người khác. Chuyển dịch điểm nhìn, một mặt gắn với
cái tôi du hành, mặt khác tạo ra các khả năng tương phản hô ứng tạo tiền đề
cho sự xuất hiện của tiếng cười. Đằng sau điểm nhìn dịch chuyển là một thế
giới hiện thực được tái hiện với tư cách là môi trường, hoàn cảnh để khắc hoạ
tính cách nhân vật.

1.1. Giới thuyết khái niệm điểm nhìn (the point of view)
Điểm nhìn “the point of view” (tiếng Anh), “le point de vue” (tiếng
Pháp) là thuật ngữ được dùng phổ biến trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình
văn học, có nghĩa là điểm hay chỗ đứng để xem xét, bình giá một sự vật, một
sự kiện, một hiện tượng tự nhiên hay xã hội. Điểm nhìn có mối quan hệ mật
thiết nhưng không hoàn toàn đồng nhất với ngôi kể.
Thực chất của vấn đề điểm nhìn là chú trọng vai trò của chủ thể quan sát
(ai nhìn?). Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một cách nhìn về cuộc sống. Cách nhìn
ấy được khu biệt trước hết bởi chủ thể nhìn. Chính “chủ thể” này quy định
cách nhìn và mang lại cho nó một ý nghĩa. Không có khách thể độc lập tuyệt
đối, mọi khách thể đều tồn tại trong mối quan hệ mật thiết với chủ thể. Sự
4

phong phú, đa dạng của đời sống văn học nghệ thuật được tạo thành bởi nhiều
yếu tố, trong đó vấn đề điểm nhìn đóng một vai trò quan trọng.

1.2. Điểm nhìn người lớn sang điểm nhìn trẻ thơ trong Tom Sawyer
Tom Sawyer được trần thuật theo điểm nhìn của người kể chuyện giấu
mặt (hàm ẩn). Người kể chuyện này đặc biệt mang quyền lực “biết tuốt” của
Chúa. Cũng có lúc người kể chuyện xuất hiện trực tiếp nói với người đọc, tự
do bình luận, miêu tả, đánh giá về bản thân hành động, nhân vật, kể cả việc
kể chuyện, nhưng cũng chỉ hạn hữu, phần lớn vẫn là “hàm ẩn”. Đây chính là
kiểu trần thuật phi tụ điểm (focalization zero), trần thuật tác giả (authorial
narrative) theo quan điểm của Genette và Manfred Jahn.
Lựa chọn kiểu kể hàm ẩn, Tom Sawyer tạo cho độc giả cảm giác trực
tiếp, gần gũi với thế giới nhân vật, không phải đang nghe kể mà đang tận
mắt chứng kiến những trò nghịch ngợm của chú bé Tom.
Tuy nhiên, nếu chỉ thấy vai trò của người kể chuyện trưởng thành trong
Tom Sawyer như một sự độc quyền thì vô tình đã thu hẹp trường nhìn, vốn
rất phong phú đa dạng của tác phẩm. Bởi về hình thức Tom Sawyer được
phóng chiếu từ điểm nhìn của người kể chuyện trưởng thành, nhưng thực
chất Mark Twain đã hạn chế vai trò của người kể chuyện bằng cách trao
điểm nhìn cho nhân vật. Nói chính xác là người kể chuyện đã “nương theo”
điểm nhìn nhân vật để kể. Điểm nhìn ở đây di chuyển liên tục từ người kể
chuyện sang nhân vật, và ngược lại.
Như vậy, ở góc độ điểm nhìn trong Tom Sawyer, Mark Twain đã làm
một cuộc chuyển hoán từ người kể chuyện sang nhân vật, từ người lớn sang
trẻ thơ. Sự hoán đổi này đã làm nên ma lực cho tác phẩm và mang lại cho nó
một ý nghĩa mới. Thế giới phiêu lưu với những trò nghịch ngợm nhuốm màu
lãng mạn của Tom không chỉ được quan sát từ góc nhìn của người lớn, mà
cơ bản và chủ yếu thế giới ấy được phóng chiếu từ chính cách nhìn của
Tom. Thông qua biện pháp “trẻ thơ hoá trần thuật”, Mark Twain đã đặt thế
giới người lớn dưới một ánh sáng mới, để nhận thức và định giá lại.
Ngoài việc chuyển hoán điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật
(chủ yếu là Tom – nhân vật trung tâm của tác phẩm), Mark Twain còn sử
dụng điểm nhìn của các nhân vật phụ để hỗ trợ cho dòng tự sự chính. Sự tham

gia của các nhân vật khác, từ điểm nhìn của họ sẽ được coi như là “đồng
minh” hoặc “đối thủ” trong suốt hành trình phiêu lưu của Tom. Điều đặc biệt,
giúp ta khẳng định cái nhìn trẻ thơ trong Tom Sawyer, là hầu hết điểm nhìn
của các nhân vật phụ đều rơi vào trẻ con: Jim, Sid, Huck, Becky, Joe Harper,
Mary, Amy Lawrence Qua sự soi chiếu từ điểm nhìn của các nhân vật này,
“cái tôi du hành” của Tom hiện lên sống động hơn, đa diện hơn.
5

Xu hướng dịch chuyển điểm nhìn từ người lớn (người kể chuyện) sang
trẻ thơ, là cách thức Mark Twain để cho nhân vật trẻ thơ tự bộc lộ mình, và
bộc lộ cách nhìn về thế giới. Nghĩa là nhà văn soi chiếu thế giới dưới cái
nhìn độc đáo mang đậm phong cách Mark Twain, cái nhìn trẻ thơ. Rõ ràng,
motif nhìn đời qua con mắt trẻ thơ không chỉ tới Mark Twain mới có. Song
motif này đã được Mark Twain phát triển làm cho phong phú đa dạng, đặc
biệt xây dựng được kiểu nhân vật trẻ em mang đậm đặc trưng Hoa Kỳ. Điều
này thể hiện rõ hơn trong Huck Finn.
1.3. Điểm nhìn trẻ thơ sang điểm nhìn người lớn trong Huck Finn
Vẫn là cái nhìn trẻ thơ, nhưng trong Huck Finn, đó chỉ còn là hình thức,
còn bản chất là cái nhìn của người lớn hay chí ít thì cũng là của người đang
trưởng thành, cố vươn lên cái nhìn của người lớn. Như vậy, vẫn là sự chuyển
hoá điểm nhìn, nhưng trong Huck Finn, Mark Twain đã làm ngược lại: từ
điểm nhìn trẻ thơ chuyển sang điểm nhìn người lớn.
Khác với Tom Sawyer, Huck Finn được kể từ điểm nhìn bên trong.
Người kể chuyện xưng tôi đồng thời là một nhân vật. Huck đang kể lại
chuyện của mình, cũng như những gì mà cậu ta đã chứng kiến với bạn đọc
hư cấu (tưởng tượng). Điều này được thể hiện ngay trong những dòng đầu
của tiểu thuyết “có lẽ các bạn chả biết tôi là ai đâu”. Đây là kiểu trần thuật
nội tụ điểm, tiêu điểm bên trong (internal focalization) theo quan niệm của
Genette và Manfred Jahn.
Trần thuật từ ngôi thứ nhất đáp ứng nhu cầu, khát vọng giải bày của

Huck về những chặng đường mà cậu đã đi qua, những sự kiện mà cậu đã
từng chứng kiến. Câu chuyện được kể trở thành câu chuyện về một cái tôi cá
nhân cụ thể của Huck. Đó không chỉ là cái tôi chứng nhân mà còn là cái tôi
nạn nhân của các biến cố. Để cho Huck tự kể, là cách Mark Twain tạo ra
hình thức tồn tại cho nhân vật của mình, cho phép Huck hồi sinh và gắn với
những quãng đường đã qua trong cuộc viễn du của chính mình.
Trở lại với vấn đề bản chất cái nhìn của Huck xét ở góc độ lứa tuổi, ta
thấy Mark Twain đã làm một cuộc chuyển hoán từ điểm nhìn trẻ thơ sang
điểm nhìn người lớn. Sở dĩ chúng tôi khẳng định điều này bởi ba lý do sau:
Thứ nhất, tuy vẫn trong bộ dạng của một cậu bé nhưng suy nghĩ, tính
toán, cách ứng xử của Huck lại hoàn toàn là của người trưởng thành hoặc
đang trên đường trưởng thành, chí ít là lớn hơn hẳn so với Tom
Thứ hai, chúng tôi muốn khẳng định: Huck với tư cách là người kể chuyện
cũng là một người trưởng thành trong nhìn nhận, đánh giá, bình xét mọi sự vật hiện
tượng. Trong nhận thức, Huck “đã già trước tuổi”, sự trưởng thành này lại được
đẩy thêm một bước cao hơn khi Huck trong tư cách người kể chuyện. Có khoảng
cách về thời gian và tâm lý giữa “cái tôi kể chuyện” và “cái tôi trải nghiệm”.
6

Lý do cuối cùng đóng một vai trò quan trọng, khiến chúng tôi khẳng
định “điểm nhìn người lớn” trong Huck Finn là sự đan cài các “điểm nhìn
người lớn” khác bổ sung cho dòng trần thuật chủ yếu của Huck. Khi bổ sung
thêm cho “điểm nhìn trẻ thơ” của Tom, tác giả sử dụng cái nhìn của chính
trẻ thơ, và lần này để bổ sung thêm cho “điểm nhìn đang trưởng thành” của
Huck, Mark Twain lại sử dụng chính cái nhìn của những người trưởng
thành. Đó là bố Huck, Jim, đại tá Sherburn, thẩm phán Thatcher, lão “vua”
tên “quận công”, cô Marry Jane, dì Sally… những người mà Huck đã va
chạm trong cuộc du hành. Khi cần thiết Mark Twain còn sử dụng luôn điểm
nhìn tập thể của đám đông.
Tóm lại, linh hoạt, vận dụng và phối kết mọi điểm nhìn, di chuyển liên

tục từ người kể chuyện sang nhân vật, từ nhân vật này sang nhân vật khác, sử
dụng điểm nhìn của điện ảnh, sân khấu, hội hoạ, cận cảnh, viễn cảnh, bên
trong, bên ngoài là cách Mark Twain khắc hoạ tính cách nhân vật trong cái
nhìn đa diện. Ý nghĩa nhân sinh của hình tượng nhân vật Mark Twain luôn
hiện hữu thông qua những cái đời thường bình dị. Cái nhìn của Mark Twain
không phiến diện, đơn lẻ mà phức hợp đa tầng đủ sức soi rọi chiều sâu bản
thể. Đặc biệt sự chuyển hoán điểm nhìn: từ người lớn sang trẻ thơ (trong Tom
Sawyer) và từ trẻ thơ sang người lớn (trong Huck Finn) đã ghi đậm dấu ấn
phong cách Mark Twain trong việc xử lí điểm nhìn, đồng thời mang lại tầm
vóc và ý nghĩa khác nhau cho hai cuốn tiểu thuyết. Miles Donald đã đúng khi
khẳng định rằng Tom Sawyer vẫn chủ yếu dành cho trẻ con, Huck Finn thì
chủ yếu nói về trẻ con nhưng lại dành cho người lớn. Diana Trilling thì cho
rằng so với Tom Sawyer “trong Huck Finn chúng ta sẽ có nhiều hơn một bài
tụng ca, đó là một bản hợp xướng mà giọng chủ là của thể loại bi kịch”.
1.4. Điểm nhìn thằng ngốc – minh triết trong Chàng ngốc Wilson
Chàng ngốc Wilson được trần thuật ở ngôi thứ ba, một người kể chuyện
khôn ngoan, mang quyền lực “biết tuốt” của Chúa đứng ra trần thuật và bình
luận các sự kiện. Như mọi tiểu thuyết tâm lý khác, điểm nhìn trần thuật ở
đây luôn có xu hướng di chuyển vào bên trong nhằm bộc lộ đời sống nội
tâm, cũng như những bí ẩn trong tâm hồn nhân vật. Tuy nhiên đó chưa phải
là đặc trưng cho điểm nhìn trần thuật của tác phẩm.
Theo chúng tôi, cái làm nên sự độc đáo trong điểm nhìn trần thuật của
Chàng ngốc Wilson là việc Mark Twain sử dụng điểm nhìn thằng ngốc
nhằm lạ hoá trần thuật. Cơ sở giúp chúng tôi khẳng định điều này là việc
xuất hiện hàng loạt những câu cách ngôn của chàng ngốc Wilson xuyên suốt
các chương của tác phẩm, cả ở hồi đầu lẫn phần kết. Từ sự soi chiếu của
điểm nhìn thằng ngốc, độc giả có thêm một chìa khoá để giải mã tác phẩm.
7

Người kể chuyện ở ngôi ba hầu như chỉ đứng ra trình bày các sự kiện, còn

những câu cách ngôn – với tư cách là lời đề từ ở đầu chương – đóng vai trò
giải thích, bình luận, mở rộng ý nghĩa của các tình huống.
Sử dụng điểm nhìn thằng ngốc là một cách lạ hoá trần thuật, một cách tiếp
cận và phản chiếu cuộc sống dưới một góc độ khác. Đó là thuốc thử cho các
giá trị của cuộc sống, làm lộ ra tính chất mặt nạ, phi lý của một xã hội, một
cộng đồng đã quen với cách nhìn hời hợt, máy móc, thiển cận, phi nhân…
Cho dù có những biến thể khác nhau, thì điểm nhìn nghệ thuật của Mark
Twain vẫn luôn di động trong cái đường biên không thể phân định rạch ròi
giữa người lớn và trẻ thơ, giữa ngốc nghếch và thông thái. Sự thật là Mark
Twain đã dùng cái nhìn trẻ thơ và điểm nhìn thằng ngốc để tự do thể hiện
mình, nhất là trong hoàn cảnh nhà văn phải đương đầu với các cơ quan
quyền lực mà không sợ bị đưa ra xét xử, hoặc bị các nhà cầm quyền đàn áp.
Không gì có thể kết tội một đứa trẻ, cũng như không ai có thể đánh gục một
kẻ ngốc. Đó là cái nhìn khôn ngoan của Clemens.
1.5. Từ điểm nhìn bên ngoài của tiểu thuyết phiêu lưu đến điểm
nhìn bên trong của tiểu thuyết tâm lí
Nhìn lại sáng tác của Mark Twain qua ba cuốn tiểu thuyết tiêu biểu: Tom
Sawyer (1876); Huck Finn (1884); Chàng ngốc Wilson (1894); chúng ta thấy
rõ sự vận động về mặt thể loại: từ tiểu thuyết phiêu lưu Mark Twain chuyển
dần sang tiểu thuyết tâm lí, xã hội, phong tục, lịch sử. Quá trình này diễn ra từ
từ, bắt đầu là sự đan cài các thể loại trong cùng một tác phẩm và tiếp đến là
sự chuyển dịch rõ nét từ tác phẩm này sang tác phẩm khác. Trong sự dịch
chuyển đó, chân dung nhân vật được tô đậm ở những khía cạnh khác nhau.
Phương thức giúp nhà văn có được sự cách tân thể loại là việc dịch
chuyển điểm nhìn từ bên ngoài vào bên trong, từ hành động sang tâm lí.
Thông qua việc chứng minh sự dịch chuyển của điểm nhìn tự sự, chúng tôi
muốn chỉ ra sự tiến triển trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Mark
Twain: từ điểm nhìn bên ngoài của tiểu thuyết phiêu lưu nặng về kể trong
Tom Sawyer, tới điểm nhìn bên trong thiên về mô tả tâm lí, tính cách trong
Huck Finn và đặc biệt ở Chàng ngốc Wilson. Từ tiểu thuyết phiêu lưu đến

tiểu thuyết tâm lý, là sự cách tân, phát triển thể loại trong quá trình sáng tác
của Mark Twain. Với sự ra đời của Chàng ngốc Wilson, chứng tỏ Mark
Twain không chỉ là tác giả của những tiểu thuyết phiêu lưu kiệt xuất mà còn
là một nhà tiểu thuyết tâm lý tài ba.
*
Hoán đổi điểm nhìn, đan cài những điểm nhìn song hành, tự sự nhiều
điểm nhìn là một phương thức tự sự độc đáo của Mark Twain nhằm khắc
8

phục cái nhìn phiến diện, đơn điệu, chủ quan khi khắc họa chân dung nhân
vật. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà các mối quan
hệ xã hội, tự sự nhiều điểm nhìn là cách thức để Mark Twain tiếp cận được
bản chất con người. Di chuyển điểm nhìn từ ngoài vào trong, phát huy tối đa
hiệu quả nghệ thuật của điểm nhìn tâm lí là sự cách tân thể loại của Mark
Twain. Việc sử dụng điểm nhìn trẻ thơ và điểm nhìn thằng ngốc là một cách
lạ hoá trần thuật, nhằm phản chiếu con người, cuộc sống dưới ánh sáng mới.
Trong đường biên không phân định rạch ròi giữa người lớn và trẻ thơ, ngốc
nghếch và thông thái, nhân vật của Mark Twain sống động hơn, người hơn.
Tự sự nhiều điểm nhìn còn là cách để Mark Twain mở rộng bình diện
phản ánh. Đây chính là lúc trả lời cho câu hỏi: nhìn cái gì (đối tượng, đề tài,
chủ đề). Hiện thực Hoa Kỳ thế kỉ XIX toát lên một cách sống động qua cái
nhìn bao quát của Mark Twain. Các bình diện phản ánh ở đây vừa là những
vấn đề cơ bản, nền tảng của mọi xã hội (tiền bạc, danh vọng, giáo dục, nhà thờ,
pháp luật…) đồng thời cũng là những vấn đề đặc thù của xã hội Hoa Kỳ, mang
tính thời sự nóng hổi (bạo lực, tệ nạn, phân biệt chủng tộc,…). Đó là hoàn cảnh
điển hình để nhà văn khắc hoạ tâm lí, tính cách nhân vật. Bi kịch cuộc đời ẩn
chứa dưới những cái tưởng như bình thường là kết quả của “cái nhìn thấu suốt”
(Maxwell Geismar) trong tố chất con người Mark Twain. Quán triệt nguyên
tắc chung của chủ nghĩa hiện thực, Mark Twain “không thay thế cái hiện có
bằng cái mong ước mà làm nổi bật cái mong ước từ cái hiện có”.


Chương 2

NHÂN VẬT QUA CÁI TÔI DU HÀNH

Hệ quả tất yếu của cái nhìn dịch chuyển, nhân vật trong tiểu thuyết của
Mark Twain hiện lên như những cái tôi du hành. Du hành ở đây được hiểu
không chỉ là sự dịch chuyển trong không gian địa lí thuần tuý, mà còn là sự
truy tìm các giá trị nhân văn. Nó không chỉ là phương tiện mà còn là mục
đích. Xê dịch cái tôi đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật xây dựng nhân
vật của Mark Twain: tạo nên tính năng động đối với quá trình phát triển của
ý thức nhân vật, cung cấp cho cốt truyện độ giãn nở cần thiết, cho phép hành
động và thời gian tiến triển, nhấn mạnh sự trưởng thành về mặt tinh thần của
cái tôi nhân vật Thông qua các cái tôi này, người kể tái hiện sinh động
diện mạo, tính cách nhân vật và giúp người đọc xâm nhập sâu hơn vào đời
sống tinh thần của xã hội và bản chất tồn tại của con người. Tính chất du
hành trong tiểu thuyết của Mark Twain về cơ bản vẫn thuộc kiểu du hành
truyền thống, nghĩa là thiên về vụ việc, sự kiện và quá trình phiêu lưu
(Advanture). Nó chưa phải là hành trình đi tìm cái tôi bản thể như một số
tiểu thuyết hiện đại sau này mà Le Clezio là một ví dụ điển hình.
9

2.1. Bảng thống kê nhân vật
Qua bảng thống kê chúng tôi rút ra một số nhận xét sau:
1. Giới tính: số lượng nhân vật nam chiếm ưu thế hơn nhân vật nữ
(phiêu lưu mạo hiểm vượt thử thách bao giờ cũng thích hợp hơn với nam
giới). Mặt khác, hai nửa của thế giới luôn được nhìn trong sự tương phản:
nhân vật nam phần lớn là suy đồi, bị công kích; nhân vật nữ đầy bao dung,
nhân hậu, được ủng hộ, cảm thông.
2. Nghề nghiệp: thế giới nhân vật của Mark Twain vô cùng đa dạng và

phong phú. Tác phẩm của ông là bức tranh toàn cảnh về đủ mọi giai tầng,
mọi đẳng cấp, trong đó tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực nền tảng của
xã hội: giáo dục (thầy giáo, học sinh), tôn giáo, nhà thờ (linh mục, con
chiên), luật pháp (chánh án, thẩm phán, luật sư), quân đội (đại tá, thiếu tá), y
tế (bác sĩ), nông nghiệp (chủ điền, nông dân). Sự phong phú đa dạng về chủ
đề làm cho tiểu thuyết Mark Twain mang tính bách khoa thư sâu sắc.
3. Độ tuổi: có sự dịch chuyển rõ rệt về độ tuổi qua ba tác phẩm. Ở Tom
Sawyer, độ tuổi thiếu niên chiếm ưu thế, sang Huck Finn độ tuổi trung niên
nhiều hơn hẳn, và đến Chàng ngốc Wilson tập trung hoàn toàn vào thế giới
nhân vật người lớn. Chính chuyển biến này góp phần đưa lại sự khác biệt về ý
nghĩa và giá trị cho ba cuốn tiểu thuyết.
4. Chủng tộc: so với Tom Sawyer, nhân vật da đen xuất hiện đông đảo
hơn trong Huck Finn và Chàng ngốc Wilson. Sự khác nhau này xuất phát từ
chất liệu được xử lí trong các tác phẩm. Điều này cho thấy sáng tác của
Mark Twain là một nỗ lực không ngừng trong công cuộc giải phóng nô lệ,
giải phóng con người khỏi những định kiến xưa cũ.
2.2. Tom – chàng hiệp sĩ tí hon
2.2.1. Đảng cướp của Tom
Tom Sawyer hiện diện trong tác phẩm của Mark Twain với hai cái tôi:
yêu thương và tội lỗi. Sự chuyển hoán giữa hai khả năng này (không đơn
thuần là sự kết hợp: lúc yêu thương, lúc tội lỗi), một mặt thể hiện tính
nghịch dị của hình tượng, mặt khác bộc lộ nguyên tắc “trần thế hoá” nhân
vật lý tưởng của chủ nghĩa hiện thực. Trong sự soi chiếu của hai yếu tố đó,
tính cách của Tom vì thế sống động, đa diện hơn, đối lập hoàn toàn với cuộc
sống tẻ nhạt, đơn điệu của dân làng St. Petersburg.
Vốn sở hữu một tính cách đa dạng, Tom vừa mang trong mình dòng
máu hiệp sĩ của chủ nghĩa anh hùng lãng mạn kiểu Don Quixote, vừa nhiễm
thói láu lỉnh tinh nhanh của một kẻ nổi loạn; rất thông minh, thực tế nhưng
cũng ngờ nghệch, hoang tưởng; giàu tình cảm, nhân hậu nhưng lắm lúc cũng


10
tỏ ra ương bướng, kiêu ngạo; cực kỳ cao thượng nhưng cũng không ít lần
bộc lộ sự ích kỉ, nhỏ nhen; đầy nghị lực, bản lĩnh nhưng đôi lúc cũng tỏ ra
hèn kém, yếu mềm… Tất cả những nét tính cách đa dạng ấy của Tom được
bộc lộ qua hai cuộc hành trình: những trò nghịch ngợm, chống đối dì Polly,
mà tiêu biểu là hành vi bỏ nhà đi làm cướp; cuộc phiêu lưu tình ái đa cung
bậc với cô bé mũi hếch Becky. Với hai nét vẽ chủ yếu “thanh gươm” và
“người đẹp”, Tom hiện diện trong tác phẩm với tư cách chàng hiệp sĩ tí hon.
Kiến tạo cuộc phiêu lưu bỏ nhà đi “làm cướp” của Tom, Mark Twain
không chỉ bộc lộ rõ nét tính cách nghịch ngợm, nổi loạn của nhân vật mà
còn tăng cường diện khái quát hiện thực của tác phẩm. Như vậy chuyện
Tom thành lập đảng cướp không quan trong bằng việc người đọc nhận ra
điều gì thông qua cuộc phiêu lưu ấy. Chỉ khi “khai quật” tầng ngầm văn bản
này, độc giả mới cảm nhận được ý nghĩa nhân sinh sâu sắc mà Mark Twain
gửi gắm vào tác phẩm.
2.2.2. Tom Sawyer và cuộc phiêu lưu “tình ái”
Cùng với mộng làm cướp và những trò nghịch ngợm quậy phá của Tom
ở nhà thờ, trường học, thì cuộc phiêu lưu “tình ái” của chú bé Tom đã làm
nên hương vị độc đáo cho cuốn tiểu thuyết của Mark Twain. Louis D.Rubin
ghi nhận “tình cảm lãng mạn của Tom và Becky Thatcher, có lẽ đó là những
chương dí dỏm nhất của cuốn tiểu thuyết”.
Tom Sawyer được xây dựng theo kiểu nhân vật anh hùng, một trang hiệp
sĩ, mà đã là hiệp sĩ thì không thể nào thiếu “thanh gươm” và “người đẹp” để tôn
thờ. Bởi vậy, Mark Twain đã để “chàng hiệp sĩ tí hon” của mình không vượt
qua tiền định “cửa ải mỹ nhân”. “Chinh chiến” một cách hào hiệp và “yêu
đương” một cách chân thành là hai mặt song hành trong tính cách của Tom.
Qua cuộc “phiêu lưu tình ái”, tính cách của Tom một lần nữa được
khẳng định. Nếu hành trình thành lập “đảng cướp” khẳng định bản tính
nghịch ngợm, nổi loạn thì hành trình “phiêu lưu tình ái” bộc lộ tình cảm
chân thành, cao thượng, trí tưởng tượng lãng mạn - điểm nhấn quan trọng

trong cái tôi du hành của Tom Sawyer. Tác phẩm khép lại khi Tom hoàn
toàn chiến thắng những “cối xay gió” của mình, có danh tiếng, có người đẹp
và trở nên giàu có. Thậm chí trong tương lai “sẽ trở thành tổng thống nếu
như Tom không bị treo cổ”. Một kết thúc vừa có hậu theo kiểu truyện dân
gian, vừa là sự giễu nhại, mỉa mai cách nhìn truyền thống. Cái hiện đại trong
tư duy nghệ thuật của Mark Twain chính là ở chỗ này.
Mark Twain kiến tạo những cuộc phiêu lưu như là môi trường tuyệt vời
để thể hiện quá trình trưởng thành của cái tôi nhân vật, cũng như truy tìm ý
nghĩa của các giá trị đời sống. Rubin đã đúng khi cho rằng: “Sự phát triển

11
sâu rộng và quan trọng hơn trong Tom Sawyer, sự trưởng thành của Tom,
chính là những gì tạo cho câu chuyện của Mark Twain sức hấp dẫn vĩnh
hằng của nó. Cốt truyện phiêu lưu chủ yếu tồn tại như một chất xúc tác để
đưa lại kết quả đó”.
2.3. Huck – kẻ tẩu thoát
Là nhân vật trung tâm của tác phẩm, Huck quy tụ mọi vấn đề, các mối
quan hệ đa dạng và phức tạp trong tác phẩm. Bản thân Huck cũng là một sự
phong phú về tính chất và đa dạng về tính cách. Chính chỗ này ghi dấu sự
hiện đại của Mark Twain trong khi xây dựng nhân vật. Nhà văn cố gắng đưa
nhân vật của mình thoát ra khỏi tính nguyên phiến, đơn chiều, bằng cách tạo
ra những “vết rạn” trong tính cách. Tất nhiên sự rạn vỡ này chưa đủ mạnh,
vì vậy mà cho dù trong Huck đã có sự đa dạng về những nét tính cách, thì về
cơ bản vẫn thống nhất mà không đẩy đến sự phân rã, phân đôi tính cách như
các nhân vật của tiểu thuyết hiện đại và hậu hiện đại. (Nhân vật Oskar trong
Cái trống thiếc của Gunter Grass).
Bi kịch của Huck là bi kịch của kẻ nằm trên lằn ranh giữa hai bi kịch:
văn minh và hoang dã – hai yếu tố vốn dĩ đối lập, nhưng luôn song hành
cùng nhau. Thông qua câu chuyện của một đứa trẻ Mark Twain đặt ra vấn đề
cực lớn của mọi thời đại.

So với Tom, sự phủ nhận và chối bỏ thực tại của Huck là quyết liệt,
mạnh mẽ và dứt khoát hơn. Cuộc phiêu lưu của Huck không phải là mở rộng
hiểu biết, để lập chiến công, cũng chẳng phải để thoả mãn khát vọng làm
giàu như các cuộc phiêu lưu trước đây. Mục đích cuộc du hành của Huck vì
vậy thiêng liêng và cao cả hơn nhiều bởi nó gắn với hai tiếng tự do và bởi sự
sống con người. Chừng nào mà con người còn chưa có tự do, chừng nào mà
người ta còn chưa đối xử với nhau như Người, thì chừng đó Huck vẫn tiếp
tục tẩu thoát cho dù môi trường đó có là văn minh hay hoang dã.
Cái tôi du hành của Huck được soi chiếu từ nhiều góc độ và yếu tố:
Huck với tư cách là người kể chuyện; Huck với tư cách là nhân vật; tiếng
nói của bản năng; tiếng nói của ý thức; hành động và suy nghĩ của Huck;
cách đánh giá nhìn nhận của các nhân vật mà Huck va chạm trong cuộc hành
trình… Tất nhiên, những yếu tố này có lúc đan xen, hoà lẫn, khó phân tách.
Với bản tính năng động, ưa mạo hiểm lại sống giữa lòng đất nước Hoa
Kỳ sôi động, trẻ trung, hành trình phiêu lưu của Huck là không thể và không
được dừng lại như chàng hiệp sỹ Don Quixote. Huck tiếp tục chối bỏ văn
minh, khám phá “những miền đất lạ”. Trong tương lai, miền đất lạ thu hút sự
đam mê của Huck là “tâm hồn bí ẩn của con người” thậm chí chỉ là những
“mảnh vỡ nát của tâm hồn”. Chính ở đây Huck mới thực sự hoài nghi tất cả.
Cảm giác dửng dưng, trống rỗng và cô đơn ngay cả khi Huck đã đạt được

12
mọi điều và đang sống giữa đồng loại. Cũng có thể Huck sẽ chết khi phiêu
lưu vào những góc tối của tâm hồn. Cho dẫu thế, thì ở tại nơi này, cũng như
bất kỳ nơi nào mà Huck đã đi qua vẫn không ngừng hắt ra những tia sáng
của niềm tin và hi vọng.
Liệu đó có phải là một “viễn tưởng” của chúng tôi khi hình dung về tương
lai của Huck? Câu trả lời ở đây là không. Các nhà văn hiện đại và hậu hiện đại
sau Mark Twain đã viết tiếp tương lai của Huck như vậy, có khác chăng chỉ là
sự thay tên đổi họ mà thôi. Mark Twain đã khai mở con đường để các thế hệ nhà

văn tiếp bước. Dấu ấn của sự “vĩ đại tuyệt vời”, từ kết thúc để ngỏ trong tiểu
thuyết Huck Finn, theo quan điểm của Miles Donald là ở chỗ này chăng?
2.4. Wilson – Chàng ngốc minh triết
Là “hiện thân cho tinh thần của con người trên hành trình tìm kiếm”, hình
tượng nhân vật thằng Ngốc được Mark Twain chọn lựa như một motif đặc biệt
để xây dựng các nhân vật chính trên hành trình tìm câu trả lời cho vấn đề triết
học muôn thủa: đâu là chân lý đích thực, đâu là sự thông thái đích thực của loài
người.
Với vẻ ngây thơ, hồn nhiên, vô tư, trong sáng của trẻ con, Tom, Huck,
hoàng tử Edward Tudor cùng chú bé Tom Canty đều bị người lớn – những
người quen với cách hành xử vụ lợi, thực dụng, máy móc, giáo điều – xem là
những kẻ ngốc nghếch, ngờ nghệch, thậm chí điên loạn mất trí. Vì vậy, nhân
vật trẻ em trong sáng tác của Mark Twain suy cho cùng là biến thể của hình
tượng thằng Ngốc trong lịch sử phát triển của hình tượng này. Xét về bản chất,
nhân vật ngốc là trẻ em của Mark Twain đều mang bản chất thiên sứ, tâm hồn
ngây thơ, trong sáng không vụ lợi, không bị dục vọng và xã hội làm biến đổi,
luôn hướng thiện, mang tinh thần hiệp sĩ, hết lòng xả thân vì người khác.
Sáng tác của Mark Twain còn có một biến thể nữa của họ nhà Ngốc:
những kẻ có trí tuệ siêu việt khác người khác đời, và dưới quan niệm của số
đông họ bị xem là ngốc. Như vậy, vẫn sử dụng thủ pháp tương phản giữa cái
tôi cá nhân với cái ta cộng đồng, nhưng nếu ở Tom và Huck sự đối lập chủ
yếu dừng lại ở hành động, thì đến Wilson đã đẩy lên một bước cao hơn: đối
lập trong tư duy nhận thức. Đó là cách tân lớn nhất trong tư duy nghệ thuật
của Mark Twain. Cái tôi của Wilson ngoài việc nhận thức, phủ định còn
mang ý nghĩa khai sáng.
Đặt trong tiến trình vận động của hình tượng nhân vật chàng ngốc, thì
Wilson vẫn thuộc dạng nhân vật ngốc trong văn chương trước thế kỷ XX:
ngốc thông thái, ngốc minh triết, ngốc cần thiết để nhận ra chân lý. Trong Hồi
ức về những cô gái điếm buồn của tôi, Marquez mượn lời của một chủ bút để
khẳng định: “Những người điên hiền lành thường đi trước thời đại”. Rõ ràng


13
cái mới ra đời bao giờ cũng lạc lõng, cô đơn và phải trải qua quá trình thử
thách. Mark Twain tỏ ra am hiểu quy luật phát triển của xã hội cũng như bản
chất tồn tại của con người.
Hình tượng Wilson là một sự phát triển của cái tôi du hành trong tiểu thuyết
Mark Twain. Nhận thức được tính đa cực của các hiện tượng đời sống, bình
tĩnh, tự tin, đối mặt, chấp nhận hoàn cảnh vừa cố gắng cải tạo hoàn cảnh để
khẳng định mình, đó là thái độ sống của người đã “ngộ” ra bản chất cuộc đời.
2.5. Những kẻ đàn ông suy đồi và nhân vật đám đông
Quả thật, đàn ông trong tiểu thuyết của Mark Twain phần lớn là những
kẻ suy đồi, bạc nhược. Nhà nghiên cứu Diana Trilling khẳng định: “Trong
suốt những trang viết của Mark Twain, sự trưởng thành gần như đồng nghĩa
với sự bất lương, đạo đức giả, keo kiệt, khoác lác; qua sự trưởng thành,
những người đàn ông trong Tom Sawyer là ví dụ điển hình cho quy luật suy
đồi giá trị đạo đức này của người lớn”.
Không chỉ lão “vua” và tên “quận công”, hầu như số phận tất cả những
kẻ đàn ông suy đồi của Mark Twain đều kết thúc bằng cái chết. Đó là cái nhìn
đạo đức, truyền thống theo luật nhân quả trong sáng tác của Mark Twain. Sử
dụng cách nhìn này, Mark Twain dù đã rất hiện đại trong nhiều yếu tố kĩ thuật
thì vẫn thuộc vào kiểu nhà văn mang phong cách truyền thống.
Tuy nhiên, Mark Twain lại có những cách tân đặc biệt để ghi dấu phong
cách hiện đại của mình. Một trong những kỹ thuật ấy là: khắc tạc những cá
nhân điển hình, độc đáo trên bức phù điêu của những đám đông. Tiếng cười
hài hước của Mark Twain không chỉ nhấn vào những cá thể mà còn chĩa mũi
nhọn vào cộng đồng. Các vấn đề được phản ánh ở đây đều bộc lộ tính chất
nhập nhằng, nước đôi, lưỡng giá.
Là một nhà văn hiện thực chủ nghĩa, Mark Twain phơi bày sự suy đồi
trái tim của những người đàn ông với một niềm đau đớn tột độ. Niềm đau ấy
còn tiếp tục nhân lên, khi ông không ngần ngại vạch trần sự băng hoại đạo

đức của đám đông dân chúng. Càng yêu thương con người càng phải chỉ ra
những mặt xấu xa tồi tệ của họ để không ngừng làm cho họ ngày càng hoàn
thiện hơn, để cuộc sống đỡ dâu bể hơn. Đó là cách làm của Mark Twain –
một nhà văn hài hước. Milan Kundera khi bàn về cái hài hước đã khẳng
định: “hài hước không phải là cái cười, sự chế giễu, châm biếm mà là một
loại đặc biệt của cái hài mà Paz nói rằng (đây là chìa khoá để hiểu bản chất
của cái hài) nó khiến bất cứ cái gì nó chạm đến đều trở thành nhập nhằng
nước đôi”. Bản chất hài hước trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Mark
Twain không đi chệch quỹ đạo này.

*

14
Từ Tom, sang Huck đến Wilson là một quá trình phát triển của cái tôi du
hành. Khởi đầu bằng cái tôi nghịch ngợm “hiệp sĩ” của Tom trong không
gian hẹp của làng St. Petersburg – một cái tôi vừa đang nỗ lực nhận thức cuộc
sống vừa nổi loạn chống đối những quy tắc trói buộc của cuộc sống tẻ nhạt,
giáo điều. Tiếp nữa là cái tôi tẩu thoát của Huck – cái tôi chạy trốn tất cả
những nơi mà nó đi qua bởi không thể nào chịu nổi cái xấu, cái ác cũng như
bất cứ sự trói buộc nào. Cuối cùng là cái tôi của chàng ngốc Wilson, cái tôi
vừa xa lạ về nguồn gốc (Wilson là dân di cư), vừa xa lạ về trí tuệ (nên bị xem
là anh ngốc). Ba biểu hiện của những cái tôi thể hiện hai mối quan hệ cơ bản
của một cộng đồng: đối nội, đối ngoại, đồng thời cũng tương ứng với ba giai
đoạn trong đời người: nhận thức, thử nghiệm; hoài nghi, băn khoăn; bình tĩnh
đối mặt. Cái tôi du hành đã gắn kết mọi cái tôi trong tiểu thuyết Mark Twain.
Bên cạnh những cái tôi du hành đầy ấn tượng (Tom, Huck, Wilson…),
Mark Twain còn xây dựng cái ta tập thể hết sức độc đáo, với đủ mọi tầng lớp
trong xã hội (quan chức, bình dân, đàn ông, phụ nữ, đám đông). Cái nhìn của
Mark Twain vì thế vừa vươn tới bề rộng bởi tầm khái quát vĩ mô vừa đạt tới
chiều sâu bởi sự cụ thể, vi mô. Mark Twain đã khắc tạc những cái tôi cá nhân

độc đáo trên bức phù điêu của những đám đông. Trong sáng tác của Mark
Twain, cái tôi cá nhân và cái ta tập thể cùng cộng hưởng, soi chiếu lẫn nhau
để ngân vang nhiều vấn đề vừa cùng chiều vừa ngược chiều. Tính đa nghĩa của
hình tượng, tính nhập nhằng của các giá trị đời sống trong tác phẩm của Mark
Twain chủ yếu được tạo ra từ việc xử lí mối quan hệ giữa cái tôi và cái ta này.
Điểm độc đáo nhất trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Mark Twain
là sự trưởng thành của các nhân vật đều trở nên có vấn đề sau cuộc viễn du.
Kết thúc mỗi cuộc đời, mỗi số phận vừa chiếu theo luật nhân quả vừa là sự
bẻ gãy của quy luật này. Cách tân ngay trong truyền thống, hiện đại ngay từ
những yếu tố cổ điển là phong cách độc đáo của Mark Twain trong nghệ
thuật xây dựng nhân vật.


Chương 3

NHÂN VẬT QUA TIẾNG CƯỜI DÂN GIAN

Mark Twain là bậc thầy trong việc sử dụng tiếng cười để phê phán đả
kích những thói hư tật xấu của con người và xã hội. Nguồn gốc của tiếng
cười xuất phát từ số đông, từ tập thể, từ dân gian. Mỗi một cá nhân trong
tiến trình lịch sử tuỳ vào khả năng hài hước hoặc châm biếm của mình có thể
khai thác và sáng tạo tiếng cười ở nhiều cấp độ khác nhau. Khi khắc họa
chân dung nhân vật, Mark Twain đã “khảm” tiếng cười hài hước như một

15
thứ ren di truyền để bộc lộ những bi hài của số phận, của nhân sinh.
Với Mark Twain, tiếng cười và sự phê phán những thói xấu của con
người, xã hội luôn song hành. Để tạo nên tiếng cười, nhà văn đặt nhân vật dưới
cái nhìn dịch chuyển và cái tôi du hành. Đến đây, chúng ta sẽ bắt gặp một nét
độc đáo nữa trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn là việc ông sử

dụng tiếng cười trong nền văn hoá trào tiếu dân gian để dựng lên những nhân
vật mang sắc thái hài trác tuyệt.
3.1. Xác lập phạm vi nghiên cứu
Căn cứ vào tính chất của tất cả các biểu hiện và thể hiện thiên hình vạn
trạng của nền văn hoá trào tiếu dân gian, Bakhtin đã chia thành ba loại hình
thức cơ bản: Những hình thức nghi lễ diễn trò (các hội hè kiểu hội giả trang,
các trò diễn trào tiếu công cộng khác nhau,…); Những tác phẩm ngôn từ
trào tiếu khác nhau (trong đó có các tác phẩm giễu nhại): truyền khẩu và
thành văn, bằng tiếng Latin và các thứ tiếng dân dã; Những hình thức và thể
loại ngôn ngữ suồng sã chợ búa quảng trường (mắng chửi, nguyền rủa, thề
bồi, các lối nói chế nhạo dân gian…)
Điều kì lạ là sáng tác của Mark Twain (đặc biệt trong Huck Finn) đều
ghi dấu ấn của cả ba hình thức trên. Bởi vậy, trong chương này chúng tôi
tiến hành nghiên cứu nghệ thuật xây dựng nhân vật của Mark Twain dưới
ánh sáng của nền văn hoá trào tiếu dân gian qua ba loại hình thức nói trên.
3.2. Nhân vật qua tiếng cười Carnaval
Từ quan điểm của Bakhtin về bản chất tiếng cười carnaval (tính toàn dân,
tính phổ quát, tính nhị chức năng), chúng tôi đi vào xem xét khả năng sử dụng
tiếng cười để khắc hoạ chân dung nhân vật trong sáng tác của Mark Twain,
đồng thời chỉ ra ý nghĩa của tiếng cười ấy trong từng trường hợp cụ thể.
Hành động đầu tiên trong hội giả trang bao giờ cũng là hành động đeo mặt
nạ. Mặt nạ trở thành “mô típ cực kỳ phức hợp và đa nghĩa trong văn hoá dân
gian. Mặt nạ gắn liền với niềm vui của sự đổi thay và hoá thân… mặt nạ liên
quan đến những đổi dạng biến hình, những sự phá vỡ các giới tuyến tự nhiên,
liên quan đến cười nhạo, đặt ra tục danh… Ở mặt nạ biểu lộ rất rõ nét bản chất
của hình tượng nghịch dị”. Mang trong mình tất cả những ý nghĩa trên, motif
mặt nạ được Mark Twain vận dụng một cách độc đáo đầy sáng tạo, vẽ nên
những diện mạo, đem lại tiếng cười đa tầng nghĩa trong các tác phẩm của ông.
Xuyên suốt sáng tác của Mark Twain, tiếng cười toát lên khi các nhân
vật mang mặt nạ là phổ biến. Hình dung Huck Finn như là một vở bi – hài

kịch thì cứ mỗi màn trình diễn, sự hoá trang của các nhân vật lại cống hiến
cho độc giả những tràng cười đầy ý vị. Nếu hiểu mặt nạ theo nghĩa rộng, là

16
sự không tương hợp giữa bên trong và bên ngoài, nội dung và hình thức, bản
chất và hiện tượng, lời nói và ý nghĩ, tên gọi và sự vật,… thì trong sáng tác
của Mark Twain chỗ nào ta cũng bắt gặp các biến thể của motif mặt nạ. Đó là
cơ sở xuất phát cho tiếng cười Mark Twain. Như vậy có thể nói, Mark Twain
đã làm một cuộc trình diễn các hình thức và biến thể của mặt nạ để khắc hoạ
chân dung nhân vật. Đeo mặt nạ vào và lột mặt ra là cách để Mark Twain thể
hiện đời sống của nhân vật với tất cả sự phong phú, đa dạng và phức tạp của
nó. Nhân vật của Mark Twain vì thế vẫn thuộc kiểu nhân vật truyền thống –
tự giấu mình và được giấu mình trong những “mặt nạ”. Đây là chỗ khác biệt
so với nhân vật trong văn chương hiện đại sau này, không còn một vỏ bọc,
hay “mặt nạ” nào có khả năng che dấu họ nữa. Họ vượt thoát ra khỏi những
“vỏ bọc” để khẳng định sự hiện hữu của mình. Ta hiểu vì sao văn chương
hiện đại và hậu hiện đại thường đề cập đến vấn đề tình dục – một lĩnh vực
luôn có xu hướng vượt thoát ra khỏi sự điều khiển của ý thức con người.
Với sức mạnh vô song của nó, tiếng cười Mark Twain đã thẩm thấu vào
nơi trang nghiêm và linh thiêng nhất: những nghi lễ của nhà thờ và nghi lễ
đám tang. Mark Twain đã sử dụng không gian của những nghi lễ như môi
trường thấu chiếu tâm địa con người. Không ngờ, trên mảnh đất cấm này,
tiếng cười của Mark Twain lại phát huy sức mạnh của tiếng cười carnaval
hơn bất cứ nơi nào. Vì thế mà các nhân vật ở đây cũng hiện lên với tất cả sự
sinh động của hành vi để mang lại những khả năng thông điệp về đời sống.
Bên cạnh những nghi lễ, các trò diễn dân gian cũng đóng một vai trò quan
trọng trong việc làm nên diện mạo nhân vật gây cười của Mark Twain. Những
yếu tố văn hoá dân gian folklore, văn hoá hội giả trang, không chỉ chi phối thế
giới quan, mà còn tồn tại như một kiểu tư duy nghệ thuật trong việc khắc hoạ
thế giới nhân vật của Mark Twain. Nghĩa là, văn hoá dân gian đã nhập vào hệ

thống thẩm mỹ của nhà văn, phát huy những tác dụng hết sức bất ngờ.
Sáng tác của Mark Twain là một sự kế thừa và sáng tạo nguồn mạch dân
gian. Giải phẫu tác phẩm của ông, ta bắt gặp những mảnh vỡ chi chít của
nền văn hoá dân gian đã tồn tại trong hằng bao thế kỷ. Đặc biệt tiếng cười
của Mark Twain có mối quan hệ đặc biệt với tiếng cười dân gian, mà tính
chất carnaval là một minh chứng tiêu biểu. Không đếm xỉa, hoặc coi nhẹ sự
xuất hiện của các yếu tố văn hoá dân gian, với một tần số lớn trong sáng tác
của Mark Twain, sẽ có thể làm méo mó các hình tượng nhân vật của ông.
Bởi chính cái chất dân gian đặc thù và có thể nói là triệt để trong hình tượng
gây cười của Mark Twain đã tạo nên tính tiềm ẩn và súc tích vô cùng của
chân dung các nhân vật. Một “tiếng cười có sức mạnh tuyệt vời kéo đối
tượng lại gần, tiếng cười lôi cuốn đối tượng vào khu vực tiếp xúc thân mật
đến thô bạo”. Cũng cần phải thấy rằng, cội nguồn dân gian không phải là
yếu tố duy nhất làm nên hình tượng tiếng cười Mark Twain. Vốn là yếu tố

17
năng động, co giãn linh hoạt, thông qua tài năng sáng tạo của Mark Twain,
tiếng cười dân gian hội nhập với tiếng cười hài hước hiện đại, làm nên chỉnh
thể nghệ thuật hài hoà – một tiếng cười mang đậm bản sắc Hoa Kỳ, một
tiếng cười của riêng Mark Twain không lẫn với bất kỳ ai.
Là người am hiểu sâu sắc bản chất cuộc sống – tính nước đôi, tính vận
hành – lại sở hữu một lòng yêu đời sâu xa không thể dập tắt của bản tính con
người, Mark Twain đã lựa chọn tiếng cười – như một công cụ để xây dựng
nhân vật, để bóc trần bản chất xã hội – làm kênh giao tiếp với độc giả, bởi
ông hiểu rằng “có những phương diện rất hệ trọng nào đó của thế giới chỉ có
thể được thâu tóm bằng tiếng cười”.
3.3. Nhân vật qua sự giễu nhại các tác phẩm ngôn từ
Thâm nhập vào hành trình phiêu lưu của Huck Finn, chúng ta sẽ rất
ngạc nhiên khi thấy các nhân vật của Mark Twain nhắc đến một loạt văn bản
văn chương nổi tiếng của nhân loại: Nghìn lẻ một đêm, Cây đèn thần,

Chuyện về vua Solomon, Don Quixote, Hamlet, Romeo và Juliet,…thậm chí
có cả một bài thơ trữ tình. Đây không hẳn là sự vô tình, mà chắc chắn là một
dụng ý nghệ thuật của Mark Twain – dùng văn chương để soi rọi chiều sâu
bản thể. Thông qua các nhân vật của mình, Mark Twain đưa ra những cách
cắt nghĩa văn chương bằng văn chương.
Rõ ràng, tác giả đã dụng công sắp xếp để cho hàng loạt văn bản văn
chương nổi tiếng của nhân loại cùng hội ngộ trong hành trình phiêu lưu của
Huck. Trong Huck Finn có tiểu thuyết, có truyện cổ, có kịch, có thơ… Thiên
tài của Mark Twain chính là ở cách lồng ghép, viện dẫn khéo léo đến mức
dường như không để lại tì vết khiến độc giả không cảm thấy khiên cưỡng, áp
đặt. Tất cả đều hoà quyện, nhuần nhuyễn trong một chỉnh thể nghệ thuật để
cùng ngân vang nhiều tiếng nói: cùng chiều và ngược chiều, hư ảo và hiện
thực, bi quan và lạc quan, phủ định và khẳng định, mỉa mai và ngợi ca, khu
vực và đại đồng, truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế… Những tiếng
nói ấy làm nên tính đa diện cho các hình tượng nhân vật, đồng thời mang đến
tiếng cười hài hước – “mà bất cứ cái gì nó chạm đến đều trở thành nhập nhằng
nước đôi”(Octavio Paz). Tất nhiên, làm nên tiếng cười độc đáo trong tiểu thuyết
Huck Finn của Mark Twain, không chỉ có sự góp mặt của các văn bản văn
chương trào tiếu dưới cái nhìn của nhân vật. Nhưng sự hiện diện đậm đặc của
các văn bản văn chương – tiêu biểu nhất cho các giá trị tinh thần của nhân loại –
như một dấu hiệu thẩm mĩ, là một trong những yếu tố quan trọng kiến tạo nên
chiều sâu của tác phẩm, cũng như chiều sâu của tính cách, tâm hồn nhân vật.
Đọc Huck Finn mà bỏ qua phẩm chất này – chúng tôi muốn nói đến các
giá trị tinh thần của nhân loại qua sự hiện diện của các văn bản văn chương –

18
thì dù cố hết sức độc giả cũng chỉ có thể tìm ra nghĩa bề mặt, mà không thể
tiếp cận được với những tầng sâu ý nghĩa của các hình tượng nhân vật trong
tác phẩm. Bởi đúng như quan điểm của Riffaterre: “tính liên văn bản là… cơ
chế riêng thuộc đọc văn chương. Quả thực, chỉ có nó mới sản sinh ý nghĩa,

trong khi việc đọc theo tuyến tính, chung cho các tác phẩm văn chương và
không văn chương, chỉ sản sinh nghĩa”. Sự xuất hiện của các tác phẩm ngôn
từ mang lại tiếng cười trào tiếu còn là cách Mark Twain tạo độ mở, tạo
khoảng trống cho người đọc đồng sáng tạo trong Huck Finn. Đó chính là tính
chất để ngỏ xuất phát từ tiếng cười trong sáng tác của Mark Twain, bởi theo
Bakhtin: “Bất kỳ tính xác định và hoàn tất nào ngang tầm với thời đại, đều ở
mức độ nào đó nực cười, bởi vì dù sao chúng vẫn hữu hạn. Nhưng tiếng cười
thì vui vẻ, bởi bất kỳ tính xác định hữu hạn nào (và vì thế là hoàn kết), khi
diệt vong và phân rã, sẽ làm nảy sinh những khả năng mới”. Mang theo và
cuốn theo trong mình những vỉa tầng văn hoá, cách viết của Mark Twain luôn
mở, và vì thế hình tượng nhân vật của ông cũng đa diện. Không chỉ tiềm ẩn
những suy tư triết lí về nhân sinh, hình tượng nhân vật của ông còn mang lại
những khả năng thông điệp sâu sắc về văn chương nghệ thuật.
3.4. Ngôn ngữ suồng sã – quảng trường
Một trong những thủ pháp, ghi đậm dấu ấn phong cách Mark Twain trong
việc khắc hoạ chân dung nhân vật là hình thức ngôn ngữ suồng sã – quảng
trường (mắng chửi, nguyền rủa, thề bồi, các lối nói chế nhạo dân gian…)
3.4.1. Lời mắng chửi
Theo Bakhtin: “đặc trưng cho ngôn ngữ suồng sã chợ búa quảng trường
là việc sử dụng khá phổ biến những lời mắng chửi”. Ông cũng chỉ ra tính nhị
chức năng của hình thức ngôn ngữ này khi viết: “mặc dù lời khen và lời chửi
có sự phân biệt trong ngôn ngữ, nhưng trong khẩu ngữ quảng trường chúng
dường như hoà nhập vào một thân thể thống nhất nào đó có dáng vóc hẳn
hoi, thân thể đó trách mắng lời ngợi khen và ngợi khen lời trách mắng. Vì
thế trong khẩu ngữ suồng sã nơi quảng trường những câu chửi rất hay được
sử dụng với ý nghĩa ngợi khen hoặc âu yếm”.
Rõ ràng tính nhị chức năng của ngôn ngữ cũng đồng thời là tính nước
đôi của các giá trị là bản chất tiếng cười hài hước của Mark Twain. Ở đây,
lời khen và lời mắng, lời yêu thương và lời giận dỗi như là hai mặt của tấm
huy chương. Không thể vạch ra ranh giới rõ rệt giữa chúng, không thể chỉ ra

ở đâu kết thúc cái này và ở đâu là bắt đầu cái kia. Bởi vậy, hình thức ngôn
ngữ suồng sã rất thích hợp để khắc hoạ tính cách của Tom – một tính cách
khó khuôn vào một mẫu cố định mà luôn chuyển hoán giữa hai khả năng:
yêu thương và tội lỗi.
Sang Huck Finn, những lời mắng chửi quảng trường được sử dụng với
một khối lượng lớn. Cái độc đáo ở đây là, Mark Twain xây dựng chủ thể của

19
những lời mắng chửi này đều là những kẻ xấu xa đồi bại, những kẻ ít chất
người nhất lại lên giọng dạy người nhiều nhất. (Bố Huck, đại tá Sherburn, lão
“vua”, tên “quận công”…). Tính suồng sã của những lời mắng này không bao
hàm cả lời ngợi khen hoặc ngược lại như ở Tom Sawyer. Trong lúc hạ bệ đối
tượng, những lời chửi mắng này cũng hạ bệ luôn chủ thể. “Lời chửi mắng lột
ra bộ mặt khác – bộ mặt đích thực của cái bị chửi bới”. Một mũi tên nhưng lại
nhấn vào hai mục đích, đó là cái nhìn song chiều của Mark Twain.
Bên cạnh những lời mắng chửi suồng sã, thì ngôn ngữ giao tiếp hàng
ngày của dân chúng nơi đây cũng tục tĩu, thô bỉ không kém. Chẳng cần dài
dòng miêu tả ngoại hình, hành động hay nội tâm, chỉ cần nhắc lại một vài câu
nói của nhân vật, Mark Twain đã bộc lộ đầy đủ thành phần xã hội, bản chất
tính cách của nhân vật.
Tiếng vọng của ngôn ngữ thông tục, đời thường đưa lại không khí sôi
động gần gũi cho tác phẩm của Mark Twain. Có cảm giác, ngôn ngữ của đời
sống hàng ngày cứ thế vào trang sách của Mark Twain mà không qua sự đẽo
gọt, mài dũa của tác giả. Trilling đã rất đúng khi cho rằng: “tiếng nói của loài
người chính là nhạc cụ của Mark Twain”.
3.4.2. Thề nguyền
Thề nguyền hay thề độc (Jurons) cũng chính là cách nói nhan nhản
trong ngôn ngữ suồng sã nơi quảng trường. Theo Bakhtin “thoạt đầu những
lời thề nguyền, thề độc không quan hệ gì với tiếng cười, song chúng bị loại
ra khỏi khu vực ngôn ngữ chính thống như những hiện tượng vi phạm chuẩn

mực phép tắc của khu vực ấy và vì thế chúng đã di cư vào khu vực ngôn ngữ
phóng khoáng, suồng sã nơi quảng trường”. Bakhtin cũng chỉ ra nội dung
chủ yếu của những lời thề: chúng đều đưa ra một khía cạnh nào đó của cơ
thể con người “phanh xẻ cơ thể con người thành mảnh nhỏ”.
Lời thề nguyền đầu tiên ta bắt gặp trong Tom Sawyer là lời thề của Tom
và Huck sau khi chứng kiến cảnh chém giết nhau ở nghĩa địa lúc nửa đêm.
Rõ ràng đây là kiểu thề quảng trường, nó đưa ra “hình tượng cơ thể nghịch
dị”; lộn trái cơ thể, phơi bày hạ tầng của nó. Lời thề này còn đặc trưng bằng
“tính hướng hạ”, cụ thể ở đây là “ngã lăn ra chết tươi trên đường”. Đưa ra
một lời thề rất nghiêm túc và có phần trang trọng lúc này, là sự chuẩn bị để
làm bùng phát, toả sáng tính cách nhân vật Tom sau này. Tất nhiên Tom đã
phải trải qua một giai đoạn đấu tranh căng thẳng trước khi quyết định ra toà
làm chứng cho Muff Porter. Chi tiết này càng chứng minh sự dũng cảm của
Tom, bởi đúng như cách ngôn của chàng ngốc Wilson: “sự dũng cảm sinh ra
là để chống lại sự sợ hãi, nó là cách chế ngự sự sợ hãi, chứ không phải là
vắng mặt của nỗi sợ. Nếu một người không có chút hèn nhát nào thì khó có
thể gọi anh ta là dũng cảm”.

20
Trong Huck Finn cũng xuất hiện một lời thề mà nội dung của nó rất đặc
trưng cho lời thề quảng trường. Chủ nhân của lời thề này không ai khác ngoài
Tom. Rõ ràng đây là lời thề nguyền quảng trường, không chỉ bởi vì nó có
nguồn gốc từ những vỉa tầng văn hoá cổ xưa, từ trong sách vở như lời công
nhận của Tom, mà từ trong nội dung của lời thề, đó là sự “phanh xé cơ thể
mang tính giải phẫu” (chặt đầu, thiêu xác), tính hướng hạ (rắc tro). Lời thề ấy
là một hành động hạ thấp mạnh mẽ và ghê gớm. Cho dù đó chỉ là những ngôn
từ học trong sách vở của Tom, thì điều không thể phủ nhận ở đây là bạo lực
nhan nhản ngoài xã hội đã xâm nhập vào tâm hồn thơ ngây trong trắng của
những đứa trẻ. Tiếng cười dí dỏm toát lên từ lời thề suồng sã của Tom vì vậy
không thể không mang ý nghĩa cảnh báo.

3.4.3. Lời quảng cáo
Sẽ là khiếm diện nếu đề cập đến hình thức ngôn ngữ suồng sã quảng
trường của Mark Twain mà không nhắc đến những lời “quảng cáo” mời chào
của lão “vua” và tên “quận công” để lừa bịp dân chúng. Những lời quảng cáo
này đều có nguồn gốc từ lời rao quảng trường. Lão “vua” và tên “quận công”
đã học tập lời rao dân gian để quảng cáo, lừa bịp mọi người. Cả thị trấn như
rung lên, loạn xạ bởi những lời lẽ hào nhoáng của hai kẻ đê tiện.
Tất cả các hiện tượng mắng chửi, thề nguyền, quảng cáo, lời rao đều là
những yếu tố phi chính thống của ngôn ngữ. Chúng được Mark Twain sử dụng
như một sự phá vỡ các chuẩn mực đã định hình của giao tiếp ngôn ngữ, như
một sự chối từ phủ định thứ ngôn ngữ ước lệ, quy tắc của các sa lông ngôn ngữ
châu Âu, để lột tả tính cách nhân vật. Việc xuất hiện các yếu tố ngôn ngữ trên
trong sáng tác của Mark Twain, với một số lượng đủ dùng và dưới hình thức
có chủ ý đã đưa ngôn ngữ tiểu thuyết Mark Twain sang một bình diện khác:
đặt toàn bộ ngôn ngữ vào phía bên kia của bất kỳ tính ước lệ ngôn ngữ nào.
Đó là ngôn ngữ đã được giải phóng khỏi quyền lực của các quy tắc, đẳng cấp
và cấm đoán. Đó là ngôn ngữ giao tiếp thông tục, ngôn ngữ của đời sống hàng
ngày phong phú và đa dạng. Sử dụng những hình thức ngôn ngữ trên là cách
Mark Twain cá tính hoá nhân vật của mình. Không trầm tư, chiêm nghiệm, mà
luôn suy nghĩ để hành động và nói năng bằng ngôn ngữ thông tục đời
thường… là một đặc trưng tiêu biểu của nhân vật Mark Twain.
3.5. Những con số biết cười
Chẳng có gì xa lạ với tiếng cười hơn là những con số. Vậy mà trong
sáng tác của Mark Twain các con số cũng trở thành yếu tố gây cười và có
quyền năng ngang với nhiều yếu tố khác, trong việc nói lên bản chất, tính
cách của các nhân vật cũng như các vấn đề về nhân sinh, bản thể.
Đặt trong dòng chảy của văn chương nhân loại, các con số của Mark

21
Twain thuộc vào chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XIX nhưng phần nào vẫn có

quan hệ gần gũi với con số “nghịch dị” của Rabelais. Tuy nhiên nếu ở
Rabelais “phần lớn các con số đều gây ngạc nhiên và đạt hiệu quả gây cười
bởi tính phóng đại nghịch dị của chúng”, thì cách làm của Mark Twain là
ngược lại. Các con số của Mark Twain không hề phóng đại mà rất chi tiết,
rất cụ thể chính xác cho dù đó chỉ là phỏng đoán, hay cảm giác của nhân vật.
Mark Twain đã cụ thể hoá nhân vật của mình qua ngôn ngữ của những
con số. Cho dù có chịu sức ép của cảm giác đến mức nào, thì tính hài hước
vẫn là đặc điểm nổi bật của các con số chỉ thời gian trong Huck Finn.
Có thể nói xuyên suốt Huck Finn từ trang đầu đến trang cuối là sự
“nhấp nháy” liên tục của những con số biết cười. Gắn liền với cuộc du hành
của nhân vật, những con số góp phần bộc lộ chiều sâu của tính cách, soi
chiếu bản thể, khám phá những khả năng của cuộc sống.
*
Những yếu tố văn hoá dân gian folklore, văn hoá hội giả trang, không
chỉ chi phối thế giới quan, mà còn tồn tại như một kiểu tư duy nghệ thuật
trong việc xây dựng hình tượng nhân vật, tạo nên tiếng cười phức hợp, đa
tầng trong tiểu thuyết Mark Twain. Nghĩa là, văn hoá dân gian đã nhập vào
hệ thống thẩm mỹ của nhà văn, phát huy những tác dụng hết sức bất ngờ.
Mark Twain khai thác tối đa hiệu quả nghệ thuật của motif mặt nạ trong
việc khắc hoạ chân dung nhân vật, mang “mặt nạ” là khởi đầu cho cuộc viễn
du. Đằng sau “mặt nạ” là đời sống thiên hình vạn trạng với tất cả sự phong
phú phức tạp của nó. Mark Twain còn mượn không gian quảng trường, nghi
lễ dân gian làm môi trường thấu chiếu tâm địa con người, buộc nó phải bộc
lộ bản chất vốn thường được che đậy một cách vô tình hay hữu ý.
Bằng lối viết mở, mang theo và cuốn theo những vỉa tầng văn hoá,
những mảnh hình hài văn chương, Mark Twain bộc lộ chiều sâu trong tâm
hồn tính cách nhân vật thông qua thức nhận của họ về các giá trị tinh thần
của nhân loại. Liên tầng văn bản nảy sinh liên tầng giá trị và ý nghĩa. Sự
hiện diện của các văn bản văn chương nổi tiếng của nhân loại góp phần soi
rọi bản thể, tâm hồn nhân vật, và đến lượt mình các nhân vật của Mark

Twain lại đưa đến những khả năng thông điệp sâu sắc về đời sống văn
chương nghệ thuật.
Sử dụng ngôn ngữ suồng sã, quảng trường, khai thác tính hài hước của
những con số là cách cá thể hoá nhân vật thông qua ngôn ngữ của Mark Twain.
Tiếp thu, kế thừa con số nghịch dị của Rabelais, tuân thủ, sáng tạo nguyên tắc
phản ánh chi tiết cụ thể của chủ nghĩa hiện thực, tài năng của Mark Twain đã
làm cho những con số – vốn rất xa lạ với tiếng cười – thực sự trở thành “vũ khí
của kẻ mạnh”. Ít trầm tư, chiêm nghiệm, luôn suy nghĩ để hành động, nói năng
giữa đời thường là một đặc trưng tiêu biểu của nhân vật Mark Twain.

22
KẾT LUẬN

Khát vọng trở thành tay “hoa tiêu” cự phách, cũng như những năm
tháng rong ruổi, ngược xuôi trên dòng Mississippi hùng vĩ đã thẩm thấu vào
tư duy của Mark Twain - người mở đường cho nền văn chương hiện đại Hoa
Kỳ. Bởi vậy, bước sang địa hạt văn chương Mark Twain không quên lấy
“ánh mắt của nhà hoa tiêu” để quan sát và khái quát hiện thực. Nghĩa là nhà
văn luôn nhìn con người và cuộc sống trong sự vận hành, sự chồng chéo,
nước đôi của các giá trị. Từ quan điểm: tính vận hành, tính đa diện, đa cực
của cuộc sống, chúng tôi xác lập một hệ quy chiếu để tiếp cận nghệ thuật
xây dựng nhân vật của Mark Twain ở cấp độ chỉnh thể. Nhà văn sử dụng cái
nhìn dịch chuyển giữa các thái cực, để tái hiện những cái tôi du hành hướng
thiện bằng tiếng cười dân gian nhị chức năng.
1. Xuất phát điểm của một cấu trúc nghệ thuật là vấn đề điểm nhìn.
Trong chương một, chúng tôi đã chỉ ra sự dịch chuyển là đặc trưng cho điểm
nhìn trần thuật của Mark Twain. Sự di động giữa hai thế giới: người lớn và
trẻ thơ vừa quy định bản chất cái nhìn của nhân vật, vừa bộc lộ thành phần
xã hội của nó. Sử dụng điểm nhìn trẻ thơ – đang cố gắng nhận thức để
trưởng thành, vươn lên sự trưởng thành như người lớn, Mark Twain vừa tái

hiện lại thế giới sống động của lứa tuổi thần tiên, vừa soi chiếu thế giới
người lớn dưới ánh sáng mới buộc nó phải bộc lộ tất cả sự phi lí, máy móc,
nhàm tẻ. Điểm nhìn thằng ngốc – minh triết cũng là cách lạ hoá trần thuật
của Mark Twain. Đó là thuốc thử cho cái khôn ngoan phổ quát của cộng
đồng vốn đã quen với cách nhìn hời hợt, phi nhân. Trong đường biên không
thể phân định rạch ròi giữa người lớn và trẻ thơ, giữa ngốc nghếch và thông
thái, nhân vật của Mark Twain hiện lên sống động hơn, người hơn “với tất
cả sự cao quý và hèn hạ của con người”.
Việc dịch chuyển điểm nhìn từ ngoài vào trong, từ hành động sang tâm
lí còn làm cho nhân vật của Mark Twain khác về chất so với nhân vật của
các tiểu thuyết phiêu lưu truyền thống. Mark Twain đã kiến tạo những cuộc
phiêu lưu vào ngõ nghách ẩn kín của tâm hồn, để khám phá chiều sâu bản
thể, tìm kiếm “con người trong con người”. Đó là cách tân lớn của Mark
Twain ở cấp độ thể loại. Todorov cho rằng: “những kiệt tác lớn thường sáng
tạo nên, theo một cách nào đấy, một thể loại mới, đồng thời cũng vi phạm
các quy tắc của thể loại vẫn lưu hành trước đó”.
Đằng sau điểm nhìn dịch chuyển là cả một thế giới hiện thực với các
vấn đề nền tảng của xã hội. Đó là hoàn cảnh điển hình để làm nổi bật tính
cách nhân vật của Mark Twain. Mark Twain không thể hiện con người
thông qua những cái bí ẩn, khác thường, mà luôn đặt nhân vật của mình
trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Ý nghĩa nhân sinh toát lên qua những
cái nhỏ bé, vặt vãnh đời thường là cách làm quen thuộc của Mark Twain. Bi

×