Tải bản đầy đủ (.doc) (82 trang)

chương trình đào tạo vovinam việt võ đạo

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (803.22 KB, 82 trang )

Chương Trình Đào Tạo
Chương trình học Vovinam Việt Võ Đạo được chia ra làm 3 phần: Sơ đẳng, trung đẳng và cao đẳng.
Người học Vovinam bắt đầu từ những đòn thế căn bản đến nâng cao theo các trình độ sau:
I. Sơ đẳng:
1. Tự vệ:
- Màu đai: màu võ phục Vovinam
- Thời gian tập: 3 tháng
- Kỹ thuật:
 - Phương pháp hô hấp
- Thở ngực
- Bài tập khởi động
- 4 lối Chém cạnh tay
- 4 lối Gạt cạnh tay
- 4 lối đánh Chỏ
- Các lối Ðấm thẳng, móc, lao, múc, thấp, bật, phạt ngang.
- Các lối Ðá căn bản
-5 lối đứng tấn: trung bình tấn, Ðinh tấn, Tam giác tấn, cung tiển tấn, Qụy tấn
 10 thế Khóa gỡ
 2 thế Khóa tay dắt (1, 2)
 5 thế Chiến lược (từ 1 đến 5)
2. Nhập môn:
- Màu đai: xanh đậm
- Thời gian tập: 3 tháng
- Kỹ thuật:
 - Ôn phần cũ
- Ðấm và đá di động
- 4 lối đánh gối
- Nhảy chân trì
- Các lối Tấn: trảo mã, Dinh tấn thấp, Ðộc cước tấn, hồi tấn… kết hợp với thủ pháp
 5 thế Chiến lược từ 6 đến 10
 12 Đòn căn bản phản các lối đấm


- Bài quyền: Nhập Môn Quyền
3. Lam đai đệ nhất cấp:
- Màu đai: xanh đậm 1 vạch vàng
- Thời gian tập: 6 tháng
- Kỹ thuật:
 - Ôn phần cũ
- 5 lối chạy tại chổ
- Phương pháp Té ngã
- Ðấm và đá di động có mục tiêu
- 4 lối đánh Chỏ 5-8
-Áp dụng các thế Chiến lược tập giao đấu
 10 thế Khóa gỡ
- Nắm tóc trước lối 1 và 2
- Nắm tóc sau lối 1 và 2
- Nắm tay cùng bên
- Nắm tay khác bên
- Hai tay nắm một tay trước
- Hai tay nắm hai tay trước
- Hai tay nắm 2 tay sau
- Khoá sau vòng gáy lối 1
- Khoá tay dắt số 3 và 4
 2 thế Khóa tay dắt (3,4)
 4 thế Phản các lối đá
 4 Đòn chân tấn công (1 đến 4)
 5 thế Chiến lược (từ 11 đến 15)
- Bài quyền: Thập Tự quyền.
4. Lam đai đệ nhị cấp:
- Màu đai: xanh đậm 2 vạch vàng
- Thời gian tập: 6 tháng
- Kỹ thuật:

 - Ôn phần cũ
- 5 lối đá di động và chuyển tấn
- Phương pháp đấm, chém, gạt, đỡ di động
 2 thế Khóa tay dắt (5,6)
 2 đòn Xô ẩn (1,2)
 5 thế Chiến lược (từ 16 đến 20)
 2 Đòn chân tấn công (5,6)
- Bài quyền:
 Long Hổ Quyền,
 Song Luyện 2, hoặc
 Liên Hoàn Đối Luyện 1
5. Lam đai đệ tam cấp:
- Màu đai: xanh đậm 3 vạch vàng
- Thời gian tập: 6 tháng
- Kỹ thuật:
 16 thế Phản đòn cơ bản trình độ 2 (bao gồm đấm và đá)
 3 Đòn chân tấn công (7, 8, 9)
 10 thế Vật căn bản (từ 1 đến 10)
- Bài quyền:
 Tứ Trụ Quyền
 Song Luyện Vật 1, hoặc
 Liên Hoàn Đối Luyện 2
 Nhu Khí Công Quyền 1
II. Trung đẳng:
6. Hoàng đai:
- Màu đai: Vàng không vạch
- Thời gian tập: 2 năm
- Kỹ thuật:
 15 thế Phản đòn tay trình độ 3 (bao gồm đấm thẳng, móc, hai tay từ 3 đến 7)
 5 thế Chiến lược từ 21 đến 25

 12 thế tay không đoạt dao găm căn bản.
- Bài quyền:
 Ngũ Môn Quyền
 Song Dao Pháp
 Song Luyện 2
 Song Luyện Dao
7. Hoàng đai đệ nhất cấp:
- Màu đai: Vàng 1 vạch đỏ
- Thời gian tập: 2 năm
- Kỹ thuật:
 15 thế Kiếm căn bản
 5 Đòn chân tấn công (từ 10 đến 14)
 5 thế Chiến lược từ 26 đến 30.
 Khóa gỡ gồm:
- Khóa nghẹt cổ trước và sau
- Khoa sau vòng gáy lối 2
- Bóp cổ sau lối 2
- Các thế Nắm tay lối 2
- Bóp cổ trước lối 3
- Bài quyền:
 Viên Phương Quyền
 Tinh Hoa Lưỡng Nghi Kiếm Pháp
 Song Luyện 3
 Nhu Khí Công Quyền 2
8. Hoàng đai đệ nhị cấp:
- Màu đai: Vàng 2 vạch đỏ
- Thời gian tập: 3 năm
- Kỹ thuật:
 7 Đòn chân tấn công (từ 15 đến 21)
 8 thế Vật căn bản (từ 11 đến 18)

 12 thế Tay thước và Phân thế
- Bài quyền:
 Thập Thế Bát Thức Quyền
 Lão Mai Quyền
 Song Luyện Vật 2
 Song Luyện Kiếm
9. Hoàng đai đệ tam cấp:
- Màu đai: Vàng 3 vạch đỏ
- Thời gian tập: 4 năm
- Kỹ thuật:
 12 thế Côn căn bản và Phân thế
 9 thế tay không đoạt Súng trường
 4 thế tay không đoạt Súng ngắn
- Bài quyền:
 Mộc Bản Pháp (Tay Thước)
 Việt Võ Đạo Quyền
 Tứ Tượng Côn Pháp
 Song Luyện 4
 Liên Hoàn Đối Luyện 3.
Mười Điều Tâm Niệm
1 Vote
Người học võ Vovinam Việt Võ Đạo có mười điều tâm niệm để rèn luyện kỷ luật, võ thuật, võ đạo,
nhân cách, đối nhân xử thế, ý chí kiên cường tình đoàn kết…
1. Việt Võ Đạo Sinh
Nguyện đạt tới cao độ của nghệ thuật để phục vụ dân tộc và nhân loại.
2. Việt Võ Đạo Sinh
Nguyện trung kiên phát huy môn phái, xây dựng thế hệ thanh niên dấn thân hiến ích.
3. Việt Võ Đạo Sinh
Đồng tâm nhất trí, tôn kính người trên, thương mền đồng đạo.
4. Việt Võ Đạo Sinh

Tuyệt đối tôn trọng kỷ luật, nêu cao danh dự võ sĩ.
5. Việt Võ Đạo Sinh
Tôn trọng các võ phái khác, chỉ dùng võ để tự vệ và bênh vực lẽ phải.
6. Việt Võ Đạo Sinh
Chuyên cần học tập, rèn luyện tinh thần, trau dồi đạo hạnh.
7. Việt Võ Đạo Sinh
Sống trong sạch, trung thực, giản dị và cao thượng.
8. Việt Võ Đạo Sinh
Kiện toàn một ý chí đanh thép, nỗ lực tự thân cầu tiến.
9. Việt Võ Đạo Sinh
Sáng suốt nhận định, bền gan tranh đấu, tháo vát hành động.
10. Việt Võ Đạo Sinh
Tự tin, tự thắng, khiêm cung, độ lượng, luôn luôn kiểm điểm để tiến bộ.
Nghiêm Lễ
Nghiêm Lễ là gì?
Nghiêm Lễ – Lễ là lối chào của Vovinam Việt Võ Đạo qua 2 động tác Nghiêm-Lễ và Lễ.
Nghiêm Lễ là động tác bàn tay phải khép chặt đặt lên trái tim, hai chân khép hình chữ V, lưng thẳng
và mắt nhìn về phía người đối diện.
Lễ là động tác cúi người về trước cho tới khi mũi bàn tay trái chạm gối trái, mắt ngước nhìn vào
người được chào. Dừng khoảng 2 giây rồi trở về tư thế Nghiêm – Lễ.
Ý nghĩa của việc đặt bàn tay phải lên ngực trái tim có ý nghĩa bàn tay thép đặt lên trái tim từ ái, đức
dũng đi đôi với lòng nhân, võ thuật gắn liền với võ đạo. Việt Võ Đạo Sinh chỉ được dùng võ để rèn
luyện sức khỏe, tự vệ, cảnh cáo và cảm hóa người chứ không được dùng để trừng phạt, trả thù người.
Thực hiện nghi thức Nghiêm Lễ với ai? Khi nào?
Người môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo thực hiện nghi thức Nghiêm Lễ với Võ sư hoặc Huấn luyện
viên.
Khi đến võ đường phải thực hiện nghi thức Nghiêm Lễ trước và sau khi tập luyện với Di ảnh cố Võ
sư sáng tổ Nguyễn Lộc, cố Võ sư chưởng môn Lê Sáng và với Võ sư, Huấn luyện viên phụ trách.
Khi tập luyện, thi triển một bài quyền, song luyện, đa luyện… người môn sinh Vovinam phải thực
hiện nghi thức Nghiêm Lễ trước và sau khi tập với Di ảnh cố Võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc, cố Võ sư

chưởng môn Lê Sáng và với bạn đồng môn cùng tập luyện với mình.
Mục Đích Học Võ
Thư Chưởng Môn Vovinam Việt Võ Đạo – Lê Sáng
Các môn đệ thân mến !
Làm việc gì cũng cần có mục đích. Mục đích phải mang lại lợi ích cho con người thì việc làm mới
có ý nghĩa, mới được mọi người công nhận, và người thực hiện sẽ cảm thấy hứng khởi mà đặt hết
tâm trí vào công việc.
Học võ cũng vậy, nếu không có mục đích, chẳng khác gì người đi đường không biết mình đi đâu,
người lính ra trận mà không biết mình ra trận để làm gì? Tuy vậy, có những mục đích cao xa đáng
nâng lên thành lý tưởng, và có những mục đích tầm thường thiển cận, chỉ có giá trị và được đặt ra
trong một giai đoạn nào đó mà thôi.
Người bắn cung, dù có lắp tên căng dây, nhưng nhắm mắt buông dây bừa đi thì đó là không có mục
đích, sự bắn cung chẳng có ý nghĩa gì. Nếu chỉ nhằm những đích gần và thấp, rồi dí sát vào tận nơi
mà bắn, hẳn dễ trúng lắm. Song sự bắn trúng đó chẳng mang lại cảm giác thích thú gì, vì đích đó tầm
thường, thấp kém quá, có gì đáng hãnh diện ?
Cho nên khi mới học bắn có thể nhắm những đích gần và thấp, sau đó phải đặt lên một tầm mức cao
xa hơn, việc bắn mới có ý nghĩa. Nhưng điểm quan trọng là ở chỗ suy nghĩ để tìm phương cách: Làm
thế nào đạt tới, làm sao cho trúng đích? Chính những tính toán và sự sửa soạn để vươn tới thành
quả đó là một cơ hội cho ta tự kiện toàn chính mình, gặt hái được nhiều kinh nghiệm để trở nên
trưởng thành hơn.
Học võ cũng vậy, có mục đích mới có hứng thú để tạo đà tiến bộ. Cũng như học bắn cung, lúc đầu có
thể nhắm những đích gần và thấp, như học võ để tự vệ, học võ vì ham thích võ thuật, muốn trở
thànhnhân vật giỏi võ. Ðó chỉ là ý nghĩ đầu tiên của những người mới bước chân vào ngưỡng cửa
Vovinam Việt Võ Đạo. Sau đó, người võ sinh sẽ thấy rằng: võ thuật và võ đạo là những chất liệu vô
cùng quan thiết để xây dựng con người có ý chí, nghị lực, khoan hòa, đức độ, biết sống vì mọi người
thì sẽ được mọi người yêu thương, tin tưởng. Ðược vậy, chắc chắn sẽ dễ dàng thành công trong đời
sống. Ðó là học võ với tinh thần võ đạo, cao xa mà thiết thực, mọi môn sinh nếu cố gắng, kiên nhẫn
theo đuổi, rèn luyện và tu dưỡng, đều đạt tới đích cả.
Với nhận thức trên, môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo học võ để thân thể khoẻ mạnh, trí tuệ minh mẫn,
tâm hồn cao thượng, để có ý chí hơn, có nghị lực hơn, để tin tưởng cái giá trị thực sự nơi con người

của mình, tin tưởng khả năng đóng góp của mình sẽ đắc lực hơn vào việc mưu cầu hạnh phúc chung
cho gia đình, cho xã hội.
Chưởng môn Lê Sáng.
Ý Nghĩa Của Sợi Đai Đen
Hệ thống đẳng cấp Vovinam Việt Võ Đạo hiện nay không còn sử dụng đai đen. Tuy nhiên, võ sinh
Vovinam Việt Võ Đạo cần biết ý nghĩa sợi đai mà mình mang trên người thông qua nhiều cách khác
nhau như: quá trình tập luyện, mồ hôi xương máu đổ trên đó, hay ý nghĩa phẩm chất, nhân cách của
người mang sợi đai màu đen trên người. Ý nghĩa của nó thật sự thâm thúy và hầu như ai đã từng đọc,
tìm hiểu về ý nghĩa sợi đai đen đều rất tâm đắc. Ở đây, chúng tôi gửi đến các võ sinh Vovinam Việt
Võ Đạo bài viết của một vị võ sư người Nhật nói về sợi đai đen. Võ sinh cần biết, văn hóa võ thuật
của Việt Nam và Nhật Bản có những sự tương đồng và khác biệt rất rõ rệt. Chính vì thế, hãy đọc và
cảm nhận, đừng để bị hòa tan hay choáng ngợp.
” Thông qua chuyên mục này tôi đã nhận được thư hỏi thăm trên khắp cả nước. Và một trong những
câu hỏi tôi thường thấy nhất là “Tập bao lâu để lên được đai đen?” Tôi không biết câu hỏi này ở
các võ đường khác được trả lời ra sao, nhưng những học trò của tôi hiểu rằng nếu hỏi câu hỏi như
vậy ở võ đường của tôi thì sẽ khiến sự tiến bộ của họ chậm lại hàng năm trời. Đó thật sự là một thảm
hoạ.
Hầu hết mọi người đều rất vui nếu tôi nói chỉ mất một vài năm để lên đến đai đen, nhưng thực tế, rất
đáng tiếc, là không phải vậy. Và mặc dù điều tôi nói ra làm hầu hết mọi người không vui, tôi cho
rằng cần làm rõ khái niệm “đai đen” ra càng rõ càng tốt. Tôi thường khuyến cáo học trò của tôi
không nên hỏi những câu tương tự như vậy vì câu trả lời chẳng phải là những điều họ muốn nghe.
Làm thế nào để đạt được đai đen? Bạn tìm một võ sư có trình độ và một võ đường tốt, bắt đầu tập
luyện chăm chỉ. Một ngày nào đó, ai biết là khi nào, bạn sẽ đạt được đai đen. Điều này không dễ
nhưng là xứng đáng với những công sức bạn bỏ ra. Bạn có thể mất một năm hoặc cũng có thể mất
mười năm. Bạn có thể chẳng bao giờ đạt được đai đen. Chỉ cho đến khi bạn nhận ra rằng chiếc đai
đen không quan trọng bằng sự tập luyện thì có lẽ là bạn đã đạt được đến trình độ đai đen rồi. Khi nào
bạn nhận ra rằng bất kể bao lâu hay bất kể là bạn luyện tập vất vả đến đâu, có cả một đời mà bạn luôn
phải học hỏi và rèn luyện cho đến khi vĩnh biệt cõi đời, có lẽ là bạn đã gần đạt được chiếc đai đen rồi
đó.
Dù bạn có đạt đến trình độ nào, nếu bạn nghĩ rằng bạn “xứng đáng” đeo chiếc đai đen, hoặc nghĩ

rằng bạn đủ giỏi để là một võ sĩ đai đen thì bạn đang đi chệch hướng và thực tế là còn rất lâu mới đạt
được đai đen. Tập luyện chăm chỉ, khiêm tốn, không thể hiện trước mặt sư phụ hoặc bạn tập, không
phàn nàn về những công việc của mình và cố gắng hết sức đối với mọi việc trong cuộc sống. Đó là ý
nghĩa của một võ sĩ đai đen. Quá tự tin, thích thể hiện khả năng, thích ganh đua, khinh thường mọi
người, thể hiện sự thiếu tôn trọng, thích chọn và làm việc mình thích hoặc không thích (tin rằng công
việc đó làm giảm/mất giá trị của bạn) thì đó là biểu hiện của người sẽ không bao giờ đạt được đai
đen. Cái mà họ đeo ngang eo chỉ đơn giản là một món hàng vài đô trong các cửa hàng võ phục mà
thôi. Một chiếc đai đen thực thụ, đeo bởi một võ sĩ đai đen thực thụ là chiếc đai trắng của mọi võ sinh
mới tập đã ngả màu bởi máu và mồ hôi.
Cách thức luyện tập
Đệ nhất huyền đai ở Nhật Bản gọi là Shodan. Chữ đó có nghĩa là “nhất đẳng”. Sho (đầu tiên) là một
hình ảnh thú vị. Nó bao gồm hai bộ “cân” và “đao” (miếng vải, lưỡi dao). Để làm được một miếng
vải người ta phải cắt một miếng vải ra. Cái cách đó quyết định mẫu mã và hình dáng cuối cùng của
sản phẩm. Nếu cách chia tỉ lệ không hợp lý hoặc có lỗi, bộ quần áo sẽ trông xấu và không vừa người.
Cũng tương tự như vậy, những bước ban đầu luyện tập để đạt được đai đen có ý nghĩa rất quan trọng;
điều đó quyết định bạn sẽ trở thành một võ sĩ huyền đai như thế nào.
Trong rất nhiều năm dạy dỗ của tôi nhận thấy rằng những học trò chỉ quan tâm đến việc đạt được đai
đen thường dễ nản chí ngay khi họ nhận ra việc đó khó hơn là họ nghĩ. Những người đến chỉ với tinh
thần luyện tập, không quan tâm đến cấp độ hay việc thăng cấp, thường luyện tập rất tốt. Họ không bị
những chiếc bóng của kỳ vọng hay những mục tiêu thiếu thực tế đè bẹp.
Có một câu chuyện nổi tiếng về Yagyu Matajuro, con trai gia đình kiếm thuật Yagyu nổi tiếng ở thế
kỷ 17 của xã hội phong kiến Nhật. Anh ta bị hất ra khỏi gia đình do kém tài năng và phẩm chất và đã
tìm đến để học thày Tsukahara Bokuden với hi vong đạt trình độ thượng thừa về kiếm và lấy lại được
vị trí trong gia đình. Trong buổi nói chuyện ra mắt, Matajuro đã hỏi Tsukahara Bokuden “Sẽ mất bao
lâu để giỏi được kiếm?” Bokuden trả lời “Sẽ mất khoảng năm năm nếu như anh tập luyện chăm chỉ.”
“Nếu tôi tập luyện chăm chỉ gấp đôi, thì sẽ mất khoảng bao lâu?” Matajuro hỏi “Trong trường hợp đó
cậu sẽ mất mười năm” Bokuden trả lời.
Đặt cho mình một mục tiêu
Vậy bạn sẽ tập trung vào mục tiêu gì nếu bạn không tập trung vào việc đạt được đai đen? Điều này
nói thì dễ hơn là làm nhưng bạn phải tập trung toàn bộ năng lượng vào việc luyện tập. Nếu nghĩ “Tôi

sẽ tập trung toàn bộ việc luyện tập của mình để đạt được đai đen” chỉ là một cách đùa giỡn với ý nghĩ
của bạn mà cuối cùng sẽ dẫn đến sự thất vọng của chính bạn mà thôi.
Liệu bạn có thể đơn giản chỉ nghĩ “Tôi sẽ quên hoàn toàn về đẳng cấp”? Hoặc liệu bạn có thể tự
nhủ với chính bản thân bạn là bạn sẽ không bao giờ đạt được điều đó? Liệu bạn có luôn bị ám ảnh
bởi cái đai đen của mình, để cho ý tưởng đó dai dẳng mãi ở trong trí óc mình không? Nói cách khác
liệu bạn có thể tập trung vào việc luyện tập mà không quan tâm đến những điều khác được không?
Liệu bạn có thể cuối cùng nhận ra được rằng đai đen chẳng qua chỉ là cái gì đó để “giữ quần của bạn
mà thôi”?
Bạn cũng nên nhận ra rằng dù cho bạn thuần thục tất cả những yêu cầu, biết tất cả các kỹ thuật, tất cả
các dạng được yêu cầu trong một khoảng thời gian luyện tập thích hợp, bạn vẫn chưa thể đạt được đai
đen. Để đạt được đai đen không phải là một con số định lượng để có thể đo đạc cân đo giống như
mua đậu ngoài chợ đâu. Đai đen là một điều gì đó có ý nghĩa đối với bạn như là một con người. Bạn
sẽ cư xử như nào trong và ngoài sân tập, thái độ của bạn đối với thầy dạy của mình và những đồng
môn, mục đích sống của bạn, cách mà bạn giải quyết các trở ngại trong cuộc sống, cách bạn kiên trì
trong luyện tập là những điều kiện quan trọng cho chiếc đai đen của bạn. Cùng lúc đó, bạn trở thành
tấm gương cho những học viên khác và cuối cùng đạt được vị trí là một người thày hoặc một người
trợ giảng. Ở sân tập, trách nhiệm của bạn lớn hơn rất nhiều so với những học viên thông thường khác.
Trách nhiệm của bạn lớn lao rất nhiều với tư cách là một võ sinh đai đen.
Đạt được mục tiêu trong luyện tập
Làm thế nào để chúng ta tập trung vào việc luyện tập? Tập luyện một cách thành công, đến một mức
độ nhất định là khi chúng ta nhìn xem chúng ta đã làm được những gì từ một quan điểm hợp lý và
thực tiễn. Thường thì là chúng ta không nhìn tới những mục tiêu thực tế mà toàn nghĩ đến những giấc
mơ và các ảo tưởng mà thôi. Liệu bạn có muốn xuất xắc trong võ nghệ như là một cách để cải tạo bản
thân và cuộc sống của mình hay vì bạn bị ảnh hưởng bởi những bộ phim cảnh sát với kẻ cướp. Liệu
rằng việc luyện tập của bạn có động lực bởi một mong muốn mạnh mẽ để khai sáng bản thân hay chỉ
vì đơn thuần bạn muốn bắt chước một ngôi sao võ thuật nào đó? Mặc dù những người luyện võ lâu
rồi có thể cười, những có rất nhiều người khi tập võ chỉ vì họ muốn được giống như Chuck Norris
hoặc Steven Seagal. Đó là những người thành tựu bằng chính bản thân của mình. Bạn là chính bạn.
Tất cả chúng ta đều có những người hùng của mình, những hình mẫu riêng và những giấc mơ nhưng
chúng ta phải tách những tưởng tượng của mình ra khỏi thực tế để cho việc luyện tập của mình có ý

nghĩa và thành công.
Thực tế
Việc luyện tập không có liên quan tới đẳng cấp, đai đen, danh hiệu hay tước hiệu gì cả. Võ
thuật chỉ đơn thuần là bỏ đi những ảo tưởng của chúng ta. Chúng ta phải đấu tranh đối với chính
sự sống và cái chết của chúng ta. Đó không phải chỉ là cách chúng ta bảo vệ ta trong những tình
huống khó khăn, nguy hiểm mà là cách chúng ta bảo vệ sự sống của những người khác nữa. Bạn
không thể là một người khác, dù người đó là siêu sao điện ảnh, một người thày lớn hay một triệu phú.
Bạn phải là chính bạn – chính bản thân bạn mà thôi. Cũng giống như John Doe thường mơ mình trở
thành James Dean, Bruce Lee hay Donald Trump nhưng cuối cùng anh ta chỉ có thể là John Doe. Khi
John Doe là John Doe 100%, anh ta đã tự khai sáng cho bản thân mình. Một người thông thường chỉ
sống được 50, hay 80% bản thân của mình sẽ chẳng bao giờ biết được mình là ai. Một võ sĩ sống đến
100% đời sống của mình thì sẽ không thể mắc lỗi được. Đó chính là điều mà một võ sĩ đai đen phải
nhận ra. Anh ta không phải là ai khác hơn chính bản thân mình, và sự luyện tập dẫn đến sự khai sáng
của chính bản thân anh ta, cái bản ngã của chính anh ta. Và đó chính là ý nghĩa thực thụ của việc
luyện tập võ thuật.
Đạt được chiếc đai đen
Hãy nghĩ về việc mất chiếc đai đen đừng nghĩ về việc đạt được nó. Sawaki Kodo, một bậc thày về
Thiền, thường nói “Giành được gì đó thường là một sự chịu đựng, mất mát và là một sự khai sáng.”
Nếu ai đó hỏi về sự khác nhau giữa những võ sĩ trước kia và bây giờ thì tôi có thể nói ngắn gọn như
này. Võ sĩ ngày trước nhìn việc luyện tập như là “sự mất mát”. Họ giành tất cả cho võ thuật và sự
luyện tập. Họ từ bỏ gia đình, nghề nghiệp, sự an toàn, danh tiếng, tiền bạc và mọi thứ để thành tựu
bản thân mình. Ngày nay, chúng ta chỉ nghĩ về việc được gì “Tôi muốn cái này, tôi muốn cái kia”
Chúng ta muốn luyện tập võ thuật nhưng chúng ta cũng cần tiền, xe hơi đẹp, danh tiếng, điện thoại
cầm tay và rất nhiều những thứ khác mà người khác có.
Đức Phật Thích Ca đã rời bỏ vương quốc, lâu đài, vợ xinh và tất cả mọi thứ để tìm kiếm sự khai sáng
cuối cùng. Người đệ tử đầu tiên của Bồ Đề Đạt Ma, người được coi là người sáng lập Kung Fu Thiếu
Lâm, đã cắt tay trái của mình để được học sư phụ của mình. Giờ đây chúng ta không phải làm những
cách khắc nghiệt như vậy, nhưng chúng ta không được quên đi tinh thần và ý chí của những người
thày lớn trong quá khứ. Chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta phải hi sinh cuộc sống của chính chúng
ta để theo đuổi việc luyện tập.

Khi người võ sinh nhìn việc luyện tập của mình từ quan điểm là mất mát hơn là đạt được gì đó thì
anh ta đã gần đạt tới tinh thần của tự chủ và thật sự xứng đáng với chiếc đai đen. Chỉ khi mà bạn từ
bỏ tất cả những ý nghĩ về đẳng cấp, đai, danh hiệu, danh tiếng, tiền bạc và sự làm chủ thì bạn sẽ đạt
được điều mà thật sự quan trọng đối với việc luyện tập của bạn. Hãy khiêm tốn, hãy nhẹ nhàng. Hãy
quan tâm đến những người khác và đặt những người đó lên trên trước bạn. Luyện võ chính là rèn
luyện bản thân mình – rèn luyện cái tôi của mình. Điều đó không có gì liên quan đến đẳng cấp hết.
Một bậc thầy lớn về Thiền đã từng nói “Học về bản ngã để quên đi bản ngã. Khi quên được bản ngã
thì bạn sẽ hiểu được mọi điều”.
(Thầy Kensho Furuya)
3 Mục đích và 5 Tôn chỉ Vovinam Việt Võ Đạo
3 Mục đích hoạt động của môn phái Vovinam Việt Võ Đạo:
Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo hoạt động nhằm 3 mục đích:
* Bảo tồn, chấn hưng và phát triển môn phái Vovinam Việt Võ Đạo do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng
tạo năm 1938. Vovinam Việt Võ Đạo nêu cao tinh thần truyền thống bất khuất của dân tộc, khai thác
trọn vẹn hai phần CƯƠNG và NHU của con người, và phối hợp mọi tinh hoa võ thuật đã có trên thế
giới.
* Sưu tầm, nghiên cứu và phát sinh các thế võ để tu bổ, xây dựng cho nền võ thuật Vovinam mỗi
ngày một phong phú và tiến bộ.
* Huấn luyện môn sinh trên ba phương diện Võ lực – Võ thuật và Tinh Thần Võ đạo.
Về Võ Ðạo: Môn phái luyện tập cho môn sinh có một thân hình dắn dỏi, vũng vàng; một sức lực
mạnh mẽ dẻo dai để có thể bền bỉ chịu đựng trước mọi khó khăn, cực nhọc, đẩy lui các bệnh tật, giữ
cho thân thể luôn luôn tráng kiện và lành mạnh.
Về Võ Thuật: Môn phái sẽ huấn luyện cho môn sinh một kỹ thuật tinh vi để tự vệ hữu hiệu và sẵn
sàng bênh vực lẽ phải.
Về Tinh Thần Võ Ðạo: Môn phái sẽ rèn luyện cho môn sinh một tâm hồn cao thượng, một ý chí bất
khuất, một tính tình hào hiệp, biết khép mình trong kỷ luật tự giác, biết sống hợp quần trong tình
đồng đạo, biết hy sinh trong nếp sống vị tha và trở nên những công dân gương mẫu, phục vụ cho bản
thân, gia đình, tổ quốc và nhân loại.
5 Tôn chỉ hoạt động của môn phái Vovinam Việt Võ Đạo:
Ðể thực hiện 3 mục đích nêu trên, Môn Phái Vovinam Việt Võ Đạo hoạt động theo 5 tôn chỉ dưới

đây:
* Mọi hoạt động của môn phái Vovinam Việt Võ Đạo đều dựa trên một nền tảng vững chắc:
Lấy Con người làm cứu cánh, lấy Ðạo hạnh làm phương châm, lấy Kỹ thuật và Ý chí quật
cường làm phương tiện.
* Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo là một đại gia đình, trong đó môn đồ thương yêu kính trọng lẫn
nhau. Sự kính trọng và lòng thương yêu ấy sẽ đan kết thành kỷ luật của môn phái, một giềng mối
vửng chắc giúp các môn đồ đoàn kết chặt chẽ để nêu cao danh dự môn phái, phục vụ dân tộc và nhân
loại.
* Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo tích cực góp phần vào công cuộc giáo dục thanh thiếu niên.
* Hoạt động của môn phái không có tính cách chính trị và tôn giáo.
* Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo luôn luôn tôn trọng các võ phái khác.
Dạy võ & Học võ xưa và nay
Từ thuở ban sơ, khi đời sống con người còn rất hoang dã thì người ta đã biết sử dụng đến võ thuật để
đấu tranh sinh tồn trước các loài thú dữ và cả với những đồng loại của mình.
Theo định nghĩa khái quát thì võ là hành động dùng một hay nhiều bộ vị trên cơ thể của mình đấu
chọi với đối phương. Sau, dần dần con người biết dùng tới các vật cứng, sắc, nhọn gọi là vũ khí để hỗ
trợ thêm khi cần thiết phải đối phó với số đông, hay trong các cuộc hỗn chiến. Thuật là phương pháp,
là cách thức hợp lý làm tăng thêm tính hiệu quả khi sử dụng các bộ vị hay các loại công cụ ấy trong
chiến đấu. Sau nâng dần lên khéo léo hơn gọi là kỹ thuật, đẹp mắt hơn gọi là nghệ thuật.
Từ cái võ đến cái thuật là cả một quá trình nghiên cứu, truyền đạt, lưu giữ và cải tiến cho càng ngày
càng hoàn chỉnh, hiệu quả, phong phú hơn.
Cái gạch nối đó nhờ vào công sức của một số người không nhiều, có khả năng thiên phú, lòng đam
mê và chịu khó khổ luyện.
Rồi xã hội con người cũng dần phát triển, từ cuộc sống hoang dã đơn lẻ, mang tính cá thể đến hình
thành các bộ tộc, bộ lạc…mang tính tập thể, thì việc đấu tranh giành sự sống ngày càng quyết liệt
hơn, các cuộc hỗn chiến ngày càng xảy ra nhiều hơn giữa các bộ tộc, bộ lạc với nhau, và con người
bắt đầu thấy võ thuật đóng một vai trò rất quan trọng vì sự sống còn của một con người sự tồn vong
của một đất nước, một dân tộc. Người ta bắt đầu luyện tập võ nghệ để tự vệ, để bảo vệ thành quả lao
động và nhất là bảo vệ một dân tộc. Từ đó hình thành một vị trí rất được trân trọng trong xã hội cho
cái gạch nối ấy , đó là thầy dạy võ.

Đối với nhiều dân tộc trên thế giới thì võ thuật là chất liệu quan trọng kiến tạo nên lịch sử, các anh
hùng một thời đánh đông dẹp bắc hầu hết đều là các bậc võ tướng. Võ thuật quan trọng là thế. Cho
nên vị trí của những người dạy võ thời xưa cũng rất được trọng vọng. Tuy nhiên việc truyền đạt võ
thuật cũng không kém phần phức tạp. Vì vậy những võ sư đều đặt ra các quy định rất nghiêm khắc
nhằm chế ngự, ràng buộc những học trò của mình, hoặc lấy đó để định hướng cho các môn đệ, bởi võ
thuật là con dao 2 lưỡi !
Người học võ hầu hết phải trải qua phần xem xét về khả năng tư duy, đạo đức và cả năng khiếu, đồng
thời trải qua một thời gian thử thách nhất định.
Sau khi thành tài, người võ sỹ có thể sử dụng sở học của mình trong nhiều lĩnh vực cần đến võ thuật,
trong đó có cả vai trò của một hiệp sỹ hiện diện tận hang cùng ngõ hẻm để “thế Thiên hành đạo, trừ
gian diệt ác”. Bởi thời xưa không như bây giờ, luật pháp chưa thể hiện diện khắp mọi lúc, mọi nơi
được.
Các trận đấu võ ngày xưa dù dưới hình thức nào, các võ sỹ đều lừa thế vào đòn hết sức kỹ thuật theo
một đấu pháp rất linh hoạt uyển chuyển, ra vào, tránh né, tấn công, phòng thủ đều theo một nguyên
tắc mang tính nghệ thuật cao. Một trận đấu có khi kéo dài cả vài giờ đồng hồ thậm chí cả ngày trời!
Do vậy người võ sỹ phải biết cách phân bố sức lực và không bao giờ vào đòn tới tấp mà thiếu hiệu
quả.
Thầy dạy võ ngày xưa không chỉ tinh thông võ thuật mà còn am tường y thuật, lý số, có thể xử lý các
tình huống gây tổn thương, bệnh tật bằng các phương pháp ngoại khoa cổ truyền nhưng không kém
phần hiệu quả.
Thế nên võ thuật đã một thời đươc xem như một phần quan trọng trong đời sống xã hội. Chính vì vậy
công sức và vai trò của người thầy dạy võ được tôn vinh và đánh giá rất cao theo nhiều nghĩa, bao
gồm vật chất lẫn tinh thần.
Người trong xã hội trước đây đã có câu nói “giàu học võ, khó học văn” để nói lên sự quan trọng đó.
Bởi vì các nho sinh nghèo dưới thời phong kiến đều có thể tự học ở bất kỳ đâu, nhưng học võ thì
không! Không có trường dạy võ mà chỉ có thể mời thầy dạy võ về nhà, nếu như gia đình đó nhiều
tiền bạc. Học trò học võ phải cơm bưng, rượu rót cho thầy hoặc đến ở hẳn nhà thầy, để ngoài giờ học
thì giúp việc cho gia đình thầy, nhưng có khi cả năm trời cũng chỉ dược thầy dạy cho một đòn !
Ngày nay theo xu hướng phát triển của thời đại. Luật pháp được hình thành và can thiệp hầu hết các
tình huống ở khắp mọi nơi, đó là nguyên do lớn nhất làm giảm dần các cuộc đọ sức nhằm giải quyết

những mâu thuẫn lẫn nhau giữa cá nhân với cá nhân hay một tập thể với một tập thể. Bên cạnh đó các
loại vũ khí phục vụ chiến tranh ngày càng hiện đại, khiến người ta thấy rằng võ thuật không còn hữu
hiệu là mấy trong các cuộc chiến đấu bảo vệ bờ cõi, bảo vệ giang sơn Tổ quốc nữa. Võ thuật chuyển
dần từ tính chiến đấu cao qua tính thể thao, phục vụ sức khoẻ con người. Các tổ chức võ thuật dần
dần được ra đời với nhiều hình thức: Câu lạc bộ, các hiệp hội, các trung tâm huấn luyện… Tất cả các
hình thức này đều có chung một điểm, đó là dạy võ mang tính đại trà và phục vụ cho mục đích thể
thao. Từ tính chất đó, các đòn đánh hiểm hóc có thể gây chết người chỉ còn được truyền đạt mang
tính lý thuyết chứ không được đem ra áp dụng trong các cuộc thi đấu nữa! Mặt khác, chương trình
huấn luyện được tinh giảm dần cho phù hợp với mục đích, phù hợp với mọi lứa tuổi… Và quan trọng
hơn nữa là tình trạng thương mại hoá trong một số tổ chức võ thuật đã góp phần làm mờ nhạt hình
ảnh cao đẹp của tinh thần võ thuật và võ đạo.
Một số người dạy võ chân chính thì lui về phía sau mai danh ẩn tích, vì bởi họ không phù hợp với
quan điểm mới mẽ này. Với họ, võ thuật không đơn thuần là một môn thể thao tự chọn, võ thuật
không chỉ rèn luyện cho thể chất con người mạnh mẽ, cường tráng, nhanh nhẹn, dẽo dai. Mà võ thuật
còn tạo cho con người lòng dũng cảm, sự can đảm, tính trung thực, luôn lấy đạo đức, luôn lấy lẽ phải
làm phương châm trong cuộc sống.
Một số người dạy võ khác thì rất thức thời, nhạy cảm với từng thời kỳ của xã hội và biết vận dụng
khả năng võ thuật của mình để làm cho đời sống vật chất phong phú hơn. Việc dùng môn quy để chế
ngự hoặc ràng buộc môn đệ gần như không còn được mang ra áp dụng nữa, miễn sao người tham gia
học võ càng đông càng tốt để thấy đó là sự phát triển mạnh của võ phái. Võ thuật trở thành một
phong trào thể thao có lợi cho cả đôi bên.
Cũng chính từ hình thức phong trào đó mà người học võ cũng không lấy gì làm mặn mà với võ thuật!
Quan hệ giữa người dạy võ và người học võ cũng không còn như xưa. Nghĩa là giới hạn giữa thầy và
trò, một ranh giới rất được trân trọng kia, tưởng chừng như không gì có thể phá vỡ được, đã bị tính
phong trào, tính thương mại xoá mờ! Điều này thể hiện khá rõ qua các giải đấu. Người ta không nghĩ
đến việc cọ xát để trưởng thành nữa, mà chỉ còn nghĩ đến một cách rất tầm thường đó là danh vị. Từ
đó không ít những cuộc cãi vả xảy ra, tình cảm mất đi thay vào đó là sự hiềm khích hận thù !
Các võ sỹ thời nay khi tham gia vào các trận đấu dù dưới hình thức nào đều mang được rất ít nghệ
thuật vào trận, đòn ra đều không theo được những gì đã học, đôi khi còn có những động thái đi ngược
với tinh thần thượng võ. Đồng thời ngoại trừ một số trận đấu quyền Anh chuyên nghiệp, còn lại các

trận đấu khác đều được giới hạn trong một thời gian rất ngắn. Nhưng điều đáng nói là các võ sỹ vẫn
không giữ được phong độ cho tới giây phút cuối cùng của trận đấu, bởi vì họ đã rất phí sức khi liên
tục tung ra những đòn kém hiệu quả, khiến không ít người khi xem phải thốt lên “đấu như thế này thì
đâu cần phải tốn thời gian học võ !”.
Bên cạnh đó, các cuộc biểu diễn ngoạn mục thường diễn ra song hành với các cuộc đối kháng, đôi
khi lại vô tình phô bày một lổ hổng quá lớn về kỹ thuật khiến người xem tỏ ra ngao ngán. Bởi lẽ chỉ
trước đó ít phút võ sỹ này trong một pha biểu diễn đã hết sức xuất sắc tả xung hữu đột một chống 3,
chống 4. Các đòn đánh đều mang đậm chất nghệ thuật trong võ. Thế nhưng sau đó cũng chính võ sỹ
này trong một trận đối kháng lại không đưa được một đòn mang tính kỹ thuật nào vào trận, dù chỉ
chọi với một người! Việc phô diễn tréo ngoe này hoá ra phản tác dụng!
Xã hội phát triển kéo theo sự trợ giúp đắc lực của khoa học, của y học hiện đại. Do vậy mà hình ảnh
cao đẹp của người thầy dạy võ tự tay chữa thương cho học trò cũng dần dần lùi sâu vào dĩ vãng!
Cũng chẳng còn ai nghĩ đến chuyện học võ phải kèm theo học y thuật, lý số nữa rồi. Tất cả đều mai
một. Tiếc thay !
Nguồn: vothuat.com
Thư Chưởng Môn 1 – Về Vovinam Việt Võ Đạo
“…VOVINAM mang sứ vụ truyền dạy cho người biết võ, rồi hướng dẫn họ phải làm gì lợi ích cho
mình, cho người. Tinh thần đó phải được thể hiện bằng nếp sống tình cảm, cách ăn nết ở, cách đối
đãi tha nhân, sao cho mọi người đều hiểu và tin tưởng, yêu thương mình. Phải truyền thông ấn tượng
tốt vào cảm quan của đối tượng tinh thần võ đạo thật sự không biên giới quốc gia, giai cấp và tôn
giáo…”
Các môn đệ thân mến,
VOVINAM là một môn phái Võ đạo do Cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc sáng tạo vào năm 1938 tại Hà
Nội – miền Bắc Việt Nam. Vào năm 1954, chỉ trong một thời gian ngắn đã lan rộng ra khắp các tỉnh,
quận, huyện. Tới thập niên 1970 mới bắt đầu đặt kế hoạch phát triển quốc tế và hiện nay VOVINAM
đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới.
Ngay khi sáng tạo, Cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc đã nghĩ tới toàn thể nhân loại, đặt tên cho môn võ
của mình là VOVINAM để tất cả các dân tộc trên thế giới đều dễ đọc, dễ nhớ, VOVINAM lại là từ
quốc tế hóa, bao gồm hai ý nghĩa: Võ thuật và Võ đạo Việt Nam.
Do đó, VOVINAM là cội nguồn, còn Việt Võ Đạo là hoa kết trái của VOVINAM.

Gọi là VOVINAM hay Việt Võ Đạo đều được cả vì cùng chung một nguồn gốc. Cách gọi đúng nhất
là VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO.
Tâm nguyện của vị Sáng tổ môn phái VOVINAM là cố gắng hình thành một nền Võ đạo chung cho
nhân loại khởi xướng từ Việt Nam. Do đó:
A. Về Nghệ Thuật:
VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO là kết tinh của tinh thần và kỹ thuật tự vệ, chiến đấu giữ nước, dựng
nước và mở nước của dân tộc Việt Nam có từ thời lập quốc. Sáng tổ Nguyễn Lộc là người đầu tiên có
công thâu thập kho tàng võ học phong phú của các dân tộc ẩn náu ở nhiều vùng với nhiều phương
pháp huấn luyện độc đáo, đặc dị; san định và bổ túc phần phân thế thất truyền, rồi hệ thống hóa và
hiện đại hóa thành môn VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO. Bởi vậy, trong VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO có
đủ mọi hình thức chiến đấu, tự vệ và tấn công được hệ thống qua phương thức một phát triển thành
ba, như:
1. Các đòn phản thế Tay, Chân trình độ 1.
2. Ghép thành bài Tứ Trụ Quyền.
3. Phối hợp lại thành bài Song Luyện hoặc Liên hoàn đối luyện.
Cũng như:
1. Các thế chiến lược tấn công từ 1 đến 10.
2. Ghép lại thành bài Thập Tự Quyền.
3. Phối hợp đánh đuổi để thực tập đối kháng.
Với phương thức một phát triển thành ba này được áp dụng xuyên suốt cho tất cả các đòn thế, bài bản
gắn bó với nhau trên các đơn vị:
1. Đòn cơ bản phân thế (tay không hoặc các loại vũ khí)
2. Đòn chiến lược tấn công.
3. Song luyện hoặc Liên hoàn đối luyện (không té)
4. Vật, khóa gỡ.
5. Giao đấu (đối kháng)
6. Đơn luyện (Đi quyền, Thập bát ban…)
Đây là một sáng tạo rất tân kỳ, độc đáo do Sáng tổ Nguyễn Lộc làm khuôn mẫu cho các đệ tử nối tiếp
nhau hoàn chỉnh. Sáng Tổ cũng truyền dạy:
“VOVINAM phải luôn tiến theo trào lưu của võ học thời đại, phải lấy các môn võ đã có và hiện có

trên thế giới làm đối tượng nghiên cứu, để rồi, hoặc là thái dụng tinh hoa của họ, ngõ hầu kiện toàn
tinh tiến cho mình; hoặc tìm cách hóa giải khắc chệ lại những tinh hoa đó. Điều cần phân biệt ở đây:
thái dụng không có nghĩa là toa rập, mô phỏng. Thái dụng là thâu thái những tinh hoa rồi biến chế,
hòa điệu theo một tinh thần riêng, hợp với thể chất từng loại người, rồi đem áp dụng. Cũng ví như ta
thái dụng tinh hoa của màu xanh, màu đỏ để biến cải thành màu tím, chứ không còn là màu xanh
màu đỏ nữa.“
B. Về Tinh Thần:
VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO mang truyền thống dùng võ để bảo vệ đất nước, chống xâm lăng, dùng
võ của những người yếu muốn vươn lên tự giải quyết lấy những khó khăn trở ngại, không chịu nép
mình dưới cường lực bạo tàn để được sống xứng đáng, và làm cho mọi người đều được sống xứng
đáng.
Khác với mọi môn phái Võ đạo chịu ảnh hưởng của tôn giáo hay chính trị, để đôi khi trở thành công
cụ hay phương tiện hành giáo hay hành chính, VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO luôn giữ vững truyền
thống tổng hợp võ học và lý thuyết võ đạo qua những gương phấn đấu của các danh nhân thế giới,
dung hợp mọi triết thuyết, mọi tôn giáo, thích ứng đời sống tư tưởng vào đời sống hành động trong
truyền thống giữ, dựng và mở nước của các thời đại lịch sử loài người.
VOVINAM mang sứ vụ truyền dạy cho người biết võ, rồi hướng dẫn họ phải làm gì lợi ích cho mình,
cho người. Tinh thần đó phải được thể hiện bằng nếp sống tình cảm, cách ăn nết ở, cách đối đãi tha
nhân, sao cho mọi người đều hiểu và tin tưởng, yêu thương mình. Phải truyền thông ấn tượng tốt vào
cảm quan của đối tượng tinh thần võ đạo thật sự không biên giới quốc gia, giai cấp và tôn giáo.
Đó mới đích thực là tinh thần:
VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO
Thư Chưởng Môn 2 – Ý nghĩa Lối Nghiêm Lễ
“… Đức dũng đi đôi với Lòng nhân, Võ thuật đi kèm với Võ đạo. Người Việt Võ Đạo Sinh chỉ được
dụng võ khi đã đặt vào đó một tình thương…”
Các môn đệ thân mến,
Hôm nay, chúng ta đề cập tới ý nghĩa lối nghiêm lễ của Vovinam Việt Võ Đạo. “Bàn tay thép đặt
lên trái tim từ ái” được dùng để mở đầu cho mọi sinh hoạt giao tiếp trong các dịp gặp mặt, trước các
buổi lễ, trước và sau khi biểu diễn hay giao đấu…
Bàn tay biểu tượng cho sức mạnh là bàn tay thép. Trái tim biểu trưng cho tình thương là trái tim từ ái.

Bàn tay thép, do công phu luyện tập mà thành, trái tim từ ái do thấm nhuần tinh thần võ đạo mà có.
Khi đặt tay lên tim nghiêm lễ, người môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo luôn phải nhớ rằng: chỉ được
dùng võ khi đã đặt vào đó một tình thương, tức là bàn tay thép phải đi đôi với trái tim từ ái; đức dũng
phải đi đôi với lòng nhân; võ thuật phải song hành với võ đạo. Người môn sinh Vovinam Việt Võ
Đạo chỉ dùng võ để cảnh cáo, cảm hóa, khuyến dụ người chứ không dùng võ để trừng phạt, trả thù
người, chớ không với tính cách thuần võ thuật, tàn bạo, áp bức người phải tuân hành ý mình.
Ngoài ra, khi đặt tay lên tim còn phải nghĩ rằng: chúng ta cùng chung sống trong cộng đồng nhân
loại, cùng có trái tim và dòng máu đỏ như nhau; cần yêu thương, che chở, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau;
cần luôn khích lệ nhau làm việc lợi ích cho Gia đình, Tổ quốc và Nhân loại.
Bàn tay thép cũng là biểu tượng cho đức dũng, và trái tim từ ái còn là biểu tượng của lòng nhân. Đức
dũng phải có lòng nhân đi kèm. Dũng và Nhân cần phải có Trí phối kiểm, điều hòa mới sáng suốt để
biểu lộ đúng chỗ, đúng lúc. Người học võ muốn có đầy đủ những đức tính trên phải rèn luyện, học
tập và hàm dưỡng về cả Tâm – Trí – Thể, về cả Võ thuật lẫn Võ đạo mới không xuẩn động trong
hành xử. Để rồi hoặc là tàn bạo, độc ác hoặc là nhu nhược, yếu hèn; đó là những thói tật cản trợ sự
thành công và mất đi lòng người tâm phục.
Giáo án huấn luyện môn Vovinam

Thời gian gần đây, một số HLV đã gửi thư hỏi thăm về giáo án và cách soạn giáo án phục vụ cho
công tác huấn luyện môn Vovinam.
Trong khi chưa có một văn bản hướng dẫn giáo án chính thức từ phía Liên đoàn Vovinam Việt Nam
cũng như của Hội đồng Chưởng quản Môn phái. Tôi xin cung cấp mẫu giáo án đã được áp dụng và
trải nghiệm trong nhiều năm làm công tác huấn luyện của tôi, để quý đồng môn tham khảo:
Suốt giáo trình 6 tháng gồm 72 tiết học (chương trình phổ cập) ta cố gắng sắp xếp sao cho kết thúc
chương trình vào buổi học thứ 60, vì chừa 12 tiết để ôn luyện, gọt dũa hầu chuẩn bị cho võ sinh thi
thăng cấp.
Như vậy ta hình thành được những đề mục chính cho từng buổi tập, và đó cũng là đề tài cho mỗi giáo
án. Căn cứ trên đề tài đó, HLV phụ trách soạn ra một giáo án thích hợp để các nội dung được bố trí
hợp lý, liên kết với nhau suốt tiết học, tránh tình trạng giờ chết, gây tâm lý nhàm chán hoặc khối
lượng vận động quá nhiều, gây mệt mõi vô ích vì sự thiếu chuẩn bị của người phụ trách.
Một giáo án thường được soạn trên dàn bài chung:

I – Khởi động : (2 phần)
1) Khởi động chung.
2) Khởi động chuyên môn
II – Trọng động:
Đi vào những bài tập chính có tính chất dùng sức như đòn chiến lược, đòn cơ bản, bài song luyện,
quyền, đòn chân…
III – Thư giãn hồi sức – Học đòn mới.
IV – Tập bổ trợ:
Luyện cơ bắp, gân cốt, sức bền…
Đây là giáo án của giai đoạn tạo nền, ta có thể áp dụng đến cuối chương trình Lam đai tam cấp. Sang
huyền đai sẽ dùng một giáo án theo mẫu khác. Mục đích chuyển hướng huấn luyện từ chiều rộng
sang chiều sâu phục vụ cho yêu cầu ngày càng cao của bước tiến triển nghệ thuật, chuẩn bị cho người
tập trở thành người dạy.
GIẢI THÍCH GIÁO ÁN
I – KHỞI ĐỘNG:
1 – Khởi động chung: gồm 15 lối khởi động theo chương trình hiện hành
a) Mục đích yêu cầu:
- Đánh thức và làm nóng cơ bắp toàn thân, tránh tình trạng co rút cơ bắp khi trọng động.
- Làm mềm gân, trơn khớp tránh được những trường hợp bong gân, sai khớp hoặc ảnh hưởng xấu
đến khớp xương vì hoạt dịch chưa tiết đều.
- Chuẩn bị tâm lý đầy đủ, thần kinh ổn dịnh, loại bỏ tạp niệm, tập trung cao độ vào buổi tập.
b) Biện pháp thực hiện :
Tập trung tư tưởng vào vùng đang vận động, điều khiển hơi thở phối hợp với động tác, thực hiện tuần
tự từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong.
2 - Khởi động chuyên môn:
Nằm trong dạng những bài tập chỉ định đơn giản, có gia tăng cường lực và tốc độ (khoảng 50% sức)
với sự vận động toàn diện, mang mục đích tạo thói quen về chuyên môn hầu phục vụ cho phản xạ
trong phần tập chính.
II – TRỌNG ĐỘNG:
Qua khởi động, người tập hầu như đã chuẩn bị đầy đủ về thể chất cũng như tinh thần cho buổi

tập. Trong phần trọng động cần khai thác tối đa 3 tố chất cơ bản: Nhanh. Mạnh. Bền sức. Từng cú
đấm, cái đá ngoài yếu tố kỹ thuật chuẩn mực phải được thực hiện với trương lực cao nhất, chống mọi
hiện tượng tập lấy có hoặc chỉ cử động cho thấy điệu bộ mà không có sự tập trung gắng sức. Khuyến
khích người tập phát lực từ 80% sức đến tối đa.
III – THƯ GIÃN HỒI SỨC:
Có hai cách: bán phần và toàn phần.
1) Bán phần: Đứng dang chân, dang tay hít sâu, gập người thở ra, buông lỏng cơ bắp.
Lối thư giãn này được thực hiện nhiều lần trong thời gian trọng động. Cứ sau một tiết mục luyện tập,
hoặc thấy người tập thấm mệt, ta cho thư giãn tại chỗ khoảng 10 đến 15 giây.
2) Toàn phần: Ngồi duỗi chân, đầu tiên dùng tay dần đều từ đùi đến bắp chân khoảng 10 giây. Sau
đó thẳng lưng hít sâu, hai tay đặt vào phía đùi trên. Từ từ thở ra và ấn nhẹ từng nhịp từ đùi xuống đến
cẳng chân và cứ thế lập lại. Thời gian thực hiện khoảng 50 giây. Lối thư giãn này chỉ nên làm một
lần khi hết giờ trọng động.
IV – HỌC ĐÒN MỚI:
Mặc dù được thư giãn nhưng học viên vẫn chưa được hoàn toàn hồi phục. Để tranh thủ, trong
thời gian hồi sức ta tiếp tục dạy kỹ thuật mới. Đây là tiết mục chủ đề của buổi tập.
Cho võ sinh dồn hàng, ngồi thẳng lưng. Sự ngồi thẳng lưng và tập trung rất cần thiết trong khi
nghe giảng và thị phạm. Sau đó đến phần thực tập, lúc này người tập không nhất thiết phải phát huy
cường lực, mà chỉ tập trung vào việc thực hiện cho đúng kỹ thuật và thuộc đòn. (sử dụng 50% sức).
V – TẬP BỔ TRỢ:
Các bài tập bổ trợ rất quan trọng trong giai đoạn tạo nền, giúp người tập kiện toàn các nhóm
cơ bắp chủ yếu để thực hiện dễ dàng các kỹ thuật phức tạp. Tạm thời nêu ra một số bài chính như
sau:
1- Phục vụ té ngã:
- Bài tập con tôm
- Bài tập lăn ngựa gỗ.
2- Phục vụ đá cao:
- Bài tập dẽo chân.
3- Luyện mép tay và luyện thân thép.
- Băm nền xoa nóng

4- Phát triển nội lực:
- bài tập vận chuyển cơ bắp
Đến giai đoạn 2 và 3 thì bớt đi bài tập con tôm và lăn ngựa gỗ, thay vào đó là luyện nhảy công lực và
hít đất còn các bài tập khác thì giữ nguyên.
MẪU GIÁO ÁN
(chương trình 90 phút)
Ngày…….tháng…….năm……….
lớp:………………………………………………………… sĩ số:……………
Tiết học thứ:………………/72
chủ đề:…………………………………………………………………………
Tập hợp
I – Khởi động (15 phút)
- Khởi động chung 15 lối
- Khởi động chuyên môn: Đấm đá cơ bản
II – Trọng động (45 phút)
- Ôn đòn : Đánh đơn – Đánh đôi
III – Thư giãn hồi sức và học Kỹ thuật mới – Thực tập (20 phút).
IV – Tập bổ trợ (10 phút)
Tan hàng.
***
Từ mẫu giáo án trên, ta thấy gồm 4 phần, trong đó phần 2 và phần 3 là chính yếu, đi thẳng vào
chương trình. Đây là phần cần sự linh động trong lúc soạn giáo án. Có thể chia làm 3 nhóm trọng
động:
1 – Trọng động với quyền và đòn chiến lược.
2 – Trọng động với đòn cơ bản và song luyện.
3 – Trọng động với té ngã, Đòn chân. Khóa gỡ.
Vì chương trình có nhiều nội dung, ta không thể chuyên sâu tất cả trong một buổi tập. Vì vậy nếu như
ta ôn tập thuộc nhóm nào thì nên dạy đòn kế tiếp của nhóm đó. Như vậy kết quả tiếp thu và ghi nhớ
của học viên sẽ cao hơn.
Còn phần 1 và phần 2 sắp xếp cố định trong thời gian khá lâu, vì đây là những công phu luyện tập dài

hạn. Tuy là phụ nhưng hỗ trợ rất lớn cho những phần chính.
“Một vận động viên giỏi thì giỏi lắm anh ta lấy được 4 huy chương vàng trong một giải, và 40 huy
chương vàng trong một đời vận động viên của anh ta , nhưng một HLV giỏi có thể tạo ra vô số huy
chương vàng trong một giải và nhiều thế hệ vàng trong cuộc đời huấn luyện của anh ta.”
MƯỜI HAI LỐI KHỞI ÐỘNG CHUNG
Trong tất cả các môn võ, không thể thiếu phần khởi động cho cơ thể
Khởi động là giúp cho cơ thể sẵn sàng cho những động tác đòi hỏi sức lực của cơ bắp hay sự
mềm mại của thân thể. Không tập những thế khởi động kỹ, người mới tập rất dễ có những
chấn thương nguy hiểm (có thể dẫn đến tàn phế -suốt đời không tập võ được). Những người đã
đạt tới trình độ võ thuật cao thì cơ thể lúc nào cũng sẵn sàng cho mọi động tác, có thể ứng chiến
và đối phó với mọi tình huống
Nhiều người coi thường những thế khởi động đơn giản mà chỉ thích những thế võ đẹp . Nhưng
nên nhớ rằng, tập võ mà không có căn bản thì thà đừng tập, nếu không sẽ có hại cho cơ thể về
sau này
Những người thường cũng có thể luyện tập những thế này mỗi ngày hai lần vào buổi sáng và
buổi tối thì cơ thể sẽ tráng kiện, dẻo dai, giúp cơ thể đề phòng bệnh tật rất hữu hiệu
Khi tập nên tập nhẹ nhàng trước, sau đó thì mạnh dần lên, đừng đột ngột dùng lực mạnh mà
tổn hại cho gân bắp và các khớp xương
MƯỜI HAI LỐI KHỞI ÐỘNG CHUNG
1. Cổ:
- TTCB: Ðứng dang chân ngang, khoảng cách bằng vai, gối thẳng, 2 tay chống lên hông.
- Ðộng tác khi hít vào: Xoay đầu liên tục theo vòng từ trái sang phải cho đến khi hơi thở thật căng.
Thở ra đồng thời với động tác xoay đầu ngược lại (xong một chu kỳ - thực hiện khoảng 10 chu kỳ
như vậy).
2. Tay ngực:
- TTCB: Ðứng dang chân ngang, khoảng cách bằng vai, gối thẳng.
- Ðộng tác khi hít vào: Ưỡn căng ngực, dang 2 tay hết ra phía sau. Thở ra đồng thời với động tác 2
tay khép chéo trước ngực, cánh tay thẳng. (xong một chu kỳ kỳ - thực hiện khoảng 20 chu kỳ như
vậy).
3. Phất tay:

- TTCB: Ðứng dang chân ngang, khoảng cách bằng vai, gối thẳng.
- Ðộng tác khi hít vào: Hai tay mềm, song song qua mặt đưa cao khỏi đầu, hơi kiễng gót chân lên.
Thở ra đồng thời với động tác phất tay xuống trong khi gót chạm đất. (xong một chu kỳ kỳ - thực
hiện khoảng 20 chu kỳ như vậy).
4. Khuỷu tay:
- TTCB: Ðứng dang chân ngang, khoảng cách bằng vai, gối thẳng.
- Ðộng tác khi hít vào: Nắm tay lại, đặt úp, chạm vào nhau trước ngực; bật mạnh ra ngoài nắm tay
ngửa. Thở ra đồng thời với động tác kéo úp vào trong sao cho nắm tay di chuyển trên vòng tròn mà
cùi chỏ là tâm. (khi thực hiện nắm tay phải vẽ được trọn vẹn một vòng tròn, động tác mới có tác dụng
tốt - xong một chu kỳ kỳ - thực hiện khoảng 20 chu kỳ như vậy).
5. Vai:
- TTCB: Ðứng dang chân ngang, khoảng cách bằng vai, gối thẳng.
- Ðộng tác khi hít vào: 2 tay quay theo chiều từ trước ra sau, cánh tay thẳng (vẽ thành 2 vòng tròn có
điểm giao nhau phía trước mặt - hai lòng bàn tay giao nhau ở ngang vai). Thở ra đồng thời với động
tác quay ngược lại. (quay nhiều vòng trong 1 hơi thở). Thực hiện khoảng 10 chu kỳ.
6. Khớp xương đòn:
- TTCB: Ðứng dang chân ngang, khoảng cách bằng vai, gối thẳng.
- Ðộng tác khi hít vào: Cùng lúc cho 2 đầu vai vẽ 2 vòng tròn từ trước ra sau.
- Thở ra với động tác quay ngược lại (trong lúc xoay giữ cho thân mình đứng yên). Thực hiện khoảng
10 chu kỳ.
7. Động tác tay ngực (xoay cột sống):
- TTCB: Ðứng dang chân ngang, khoảng cách bằng vai, gối thẳng.
- Ðộng tác khi hít vào: 2 tay song song đưa về trước ngang tầm vai, bàn tay xoè, lật úp. Thở ra với
động tác: xoay mạnh ra sau về phía trái mắt nhìn theo hướng cánh tay, tay trái duỗi, tay kia xếp
ngang ngực.
Trở lại tư thế ban đầu, hít vào và xoay qua phải thở ra. (xong một chu kỳ - thực hiện khoảng 10 chu
kỳ).
8. Lườn:
- TTCB: Dang rộng chân.
- Ðộng tác khi hít vào: 2 tay sang ngang, cao bằng vai, song song với mawth đất, long bàn tay ngửa.

- Thở ra đồng thời với động tác: Nghiêng người hết sang trái, tay trái đặt ngang thắt lưng, tay phải
đưa cao che đầu, người nghiêng càng thấp càng tốt, hơi kiễng gót chân phải. Trở lại thư thế hít vào
sau đó nghiêng sang phải - thở ra (xong một chu kỳ - thực hiện khoảng 10 chu kỳ).
9. Hông:
- TTCB: Ðứng dang chân ngang, khoảng cách bằng vai, gối thẳng, 2 tay chống lên hông.
- Ðộng tác khi hít vào: Quay hông từ trái sang phải (ưỡn người nghư cánh cung dựng đứng, hai đầu là
2 điểm tựa cố định, bụng quay tròn).
- Thở ra đồng thời với động tác quay ngược lại (xong một chu kỳ - thực hiện khoảng 10 chu kỳ).
Chú ý: Chân đứng yên, đầu giữ thẳng
10. Gối:
- TTCB: 2 chân song song, rộng bằng vai, gối thẳng, khom lưng, 2 tay chống gối.
- Ðộng tác khi hít vào: 2 gối quay thành 2 vòng tròn ngược chiều nhau, theo hướng từ trong ra ngoài,
thực hiện chậm và nhiều vòng.
Thở ra đồng thời với động tác: Quay theo chiều ngược lại tốc độ bằng lúc hít vào (thực hiện khoảng
10 chu kỳ).
11. Cổ chân:
- TTCB: 2 chân song song, rộng bằng vai, 2 tay chống hông.
- động tác: Chạy nhẹ nhàng tại chỗ. Hít 2 lần liên tiếp, thở ra 2 lần liên tiếp (hít hít, thở thở - thực
hiện khoảng 20 chu kỳ).
12. Toàn thân:
- TTCB: Dang rộng chân, tay xoè duỗi thẳng trước mặt, 2 mép tay trong vừa chạm nhau.
- Hít vào từ từ : 2 tay duỗi thẳng đưa chậm qua đầu mắt nhìn theo hướng tay, đến tầm cao nhất 2 tay
rời xa và di chuyển xuống thắt lưng, chống 2 bên thận.
- Ngưng hít (nén khí): Ưỡn bụng ra trước đầu hạ thấp dần ra phía trước sau đến hết tầm
- Thở ra: Trở về tư thế đứng thẳng và từ từ gập người xuống, 2 tay di chuyển ra phía trước mặt chạm
xuống đất, gối thẳng.
- thực hiện 10 lần.
Lưu ý: Khi trời ấm ta cho hít bằng mũi, thở ra bằng miệng, nhưng khi trời lạnh phải hít thở đều bằng
mũi.
Khởi động chuyên môn

Đăng ngày 26/11/2013 bởi Vovinam Thái Nguyên . Lượt xem bài: 118
Bài tập Hợp Lực (Tam Bộ Liên Hoàn).
* Đại cương: Có 3 nguyên nhân phát lực.
- Co duỗi cơ bắp phát lực
- Chuyển động tròn phát lực
- Chuyển động thẳng phát lực.
Mỗi nguyên nhân là một đơn lực có hiệu quả không cao lắm. Nhiệm vụ người học võ là phải phối
hợp được 3 cách nói trên một cách nhuần nhuyễn, ta gọi đó là hợp lực. Khi phát huy được hợp lực, ta
chỉ cần sử dụng một lượng sức nhỏ mà đã có một hiệu xuất lớn.
* Nguyên tắc luyện tập hợp lực:
Trong bài tập này ta sử dụng hợp lực vào lối đấm thẳng, sự phối hợp các đơn lực bắt đầu từ chuyển
động thẳng xuất phát ở đan điền (vùng bụng), dẫn truyền sang sự xoay lắc của hông, vai (chuyển
động tròn), dồn sức mạnh ra bằng sự duỗi cơ của bắp tay. Cả một chuỗi động tác dài ta phải thực hiện
nhanh trong 1 động tác với một thời gian ngắn nhất có khi chỉ bằng 1/ 4 giây. Ðó là mục đích chính
của bài tập Hợp Lực dưới đây.
* Giới thiệu bài tập hợp lực:
- Ba lối tấn: Trung Bình Tấn, Ðinh tấn, Trảo Mã Tấn được thực hiện liên tục theo thứ tự nêu trên
sẽ tạo ra những góc xoay 90 độ và 180 độ cho phần thân (chuyển động tròn), đồng thời cũng tạo ra
những khoảng chuyển động thẳng ngắn để tạo đà. Đòn đấm thẳng là động tác thủ pháp duy nhất
trong bài tập, bởi vì xét cho kỹ đây là đòn đấm có kỹ thuật phức tạp nhất và vận dụng sự co duỗi của
cơ bắp rõ rệt nhất. Di chuyển trên hình vuông có cạnh bằng bước trung bình tấn của người tập. Trên
mỗi cạnh thực hiện 3 động tác (nhân 4 cạnh thành 12 động tác) và như thế cứ tập liên hoàn, tùy theo
thời gian cho phép và sức của mỗi người. Chính vì thế bài tập Hợp Lực còn gọi là bài Tam Bộ Liên
hoàn.
– Phần diễn tả:
HẬU
HỮU TẢ

TIỀN
Bộ pháp của bài tập Hợp Lực di chuyển trên hình vuông

1. Ðứng trung bình tấn trên cạnh TIỀN, hai tay thu vào sườn.
2. Chuyển đinh tấn sang trái, đấm thẳng về hướng trái.
3. Chuyển trảo mã tấn, chân trái đứng trụ xoay người 180 độ tức nhìn về hướng HỮU đấm thẳng
trái hướng HỮU.
4. Di chuyển chân phải đứng trung bình tấn trên cạnh TẢ đấm thẳng phải về hướng HỮU
5. Chuyển đinh tấn sang chân phải, đấm thẳng trái về hướng HẬU.
6. Chuyển trảo mã tấn chân phải trụ, đấm thẳng phải về hướng TIỀN
7. Di chuyển chân trái đứng trung bình tấn trên cạnh HẬU, lưng day về cạnh TIỀN, đấm thẳng
trái về mặt HẬU theo chiều xoay của thân mình.
8. Chuyển đinh tấn sang trái đấm thẳng phải về mặt HỮU.
9. Chuyển Trảo mã tấn (chân trái trụ) xoay 180 độ đấm thẳng về mặt TẢ.
10. Di chuyển chân phải đứng trung bình tấn trên cạnh HỮU, đấm thẳng phải về mặt TẢ.
11. Chuyển đinh tấn sang phải xoay 90 độ đấm thẳng trái về mặt TIỀN
12. Chuyển trảo mã tấn (chân phải trụ) xoay 180 độ đấm thẳng phải về mặt HẬU
13. Di chuyển chân trái đứng trung bình tấn trên cạnh TIỀN, lưng quay về hướng HẬU, đấm thẳng
trái về hướng TIỀN.
- Kết thúc phải trở về vị trí ban đầu. Đây là một bài tập đơn giản nhưng mang lợi ích nhiều mặt cho
người mới học võ như:
+ Tấn pháp vững vàng, di chuyển đúng bộ vị.
+ Thăng bằng tốt vì luyện tập thường xuyên những góc xoay của thân mình nhờ vào sự biến đổi các
thế tấn, qua đó thân pháp trở nên linh hoạt, mềm mại.
+ Quen dần với cách sử dụng hợp lực, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các kỹ thuật phức
tạp về sau.
- Tuy nhiên phải chú ý thực hiện một số điều sau:
+ Trong lúc di chuyển thay đối tấn pháp, ta phải duy trì một độ cao nhất định, không được dao động
nhấp nhô, vì các thế tấn trên có cùng 1 cao độ.
+ Từ thế trung bình tấn chuyển sang đinh tấn, trọng tâm cơ thể (đan điền) di chuyển theo đường
thẳng ngang một đoạn bằng 1/6 khoảng cách 2 chân. Ðó chính là sự chuyển động tạo đà bắt đầu của
cách đánh hợp lực. (phối hợp cả 3 đơn lực đã nói ở phần B).
+ Khi xoay chuyển từ đinh tấn sang trảo mã tấn, cơ thể phải xoay với góc độ 180 độ. Có thể phối

hợp động tác xoay nhanh gắn liền nhịp nhàng với lối đấm thẳng (phối hợp 2 đơn lực).
+ Lúc đầu nên tập chậm (nhưng không được rời rạc, phải giữ các yếu tố hợp lực). Sau đó tăng dần
tốc độ lên đến mức tối đa nhưng không được đánh ẩu.
+ Lưu ý tới lực xoay của hông.
+ Sau khi tập xong bài này nên đứng dang rộng chân (hít sâu) – từ từ ngồi qua một phía theo kiểu xà
tấn, càng sát càng tốt, chân còn lại duỗi thẳng bàn chân gập ngang cả 2 lòng bàn chân đều phải tiếp
đất – thở ra – lặp lại cũng như vậy ở phía còn lại. Thực hiện khoảng 5 lần.
* Bài tập dẻo chân: Gồm 3 tư thế
- Ngồi sát đất dang chân hết tầm, lưng thẳng, bàn chân thẳng đứng, gối thẳng.
Ðộng tác khi hít vào: 2 tay song song qua mặt đưa cao, bàn tay xoè.
Thở ra đồng thời với động tác đặt úp tay xuống đất, gập sát người đến khi mặt chạm vào lưng bàn
tay (xong một chu kỳ). Thực hiện 10 chu kỳ.
- Vẫn tư thế dang chân như (1):
Ðộng tác khi hít vào: 2 tay dang ngang, bàn tay xoè, ngón cái hướng về phía trên.
Thở ra đồng thời với động tác xoay người sang phía trái, tay phải nắm lấy bàn chân trái, cố kéo
cho trán chạm vào bàn chân trái, tay trái đặt sau lưng (lúc tập nên giữ thẳng 2 gối).
Trở lại động tác hít vào như trước
Thở ra đồng thời với động tác xoay qua chân phải (đổi phía). Xong 1 chu kỳ, thực hiện khoảng 10
chu kỳ.
- Hai chân song song duỗi thẳng, lưng thẳng:
Ðộng tác khi hít vào: 2 tay song song qua mặt đưa cao.
Thở ra với động tác: gập người, nắm lấy 2 bàn chân phải, cố kéo áp trán vào cẳng chân (xong một
chu kỳ),thực hiện khoảng 10 chu kỳ.
* Bài tập tăng lực:
- Đại cương:
Có nhiều phương pháp để phát triển thể lực, giúp cơ bắp rắn chắc, nội lực tăng tiến. Bài tập Tăng
lực sau đây là 1 phương pháp tương đối đơn giản dễ tập, không cần dụng cụ, có thể tập bất cứ lúc
nào, chỗ nào cũng được vì không phải di chuyển, hiệu quả lại cao và phù hợp với trình độ thấp nhất
trong hệ thống. Bài này được tập trước khi nghỉ.
Các nguyên tắc cơ bản:

Cách thở: 2 thì
Hít vào lúc lỏng cơ
Thở ra lúc vận sức
Ðộng tác chậm, phù hợp với hơi thở.
- Diễn tả bải tập
+ TTCB: Đứng trung bình tấn tay thu vào sườn hơi thở bình thường.
+ Ðộng tác hít vào (lỏng cơ). Từ từ xoè tay ra, ngâng ngang ngực, xoay lòng bàn tay hướng về
trước.
+ Thở chậm với động tác song chưởng: Vận toàn lực vào đôi tay, tưởng tượng đang đẩy một vật
nặng nề ở phía trước, tay vừa thẳng là vừa dứt nhịp thở.
+ Ðộng tác hít vào: Đảo 1 vòng bàn tay từ tư thế hướng về trước sang tư thế lật ngửa.
+ Thở chậm với động tác: Lên gân bàn tay, từ từ nắm lại, vận toàn lực tưởng tượng kéo 1 vật nặng
nề.
+ Hai nắm tay thu về đến 2 bên sườn là vừa dứt nhịp thở.
+ Ðộng tác hít vào: Hai bàn tay mềm mại từ từ đưa lên ngang 2 bên vai. (2 lòng bàn tay hướng ra 2
phía trái phải).
+ Thở chậm với động tác: Vận toàn lực kéo 2 tay vào sườn.
+ Ðộng tác hít vào: Đảo lòng bàn tay, bàn vòng thành tư thế ngửa.
+ Thở chậm với động tác: Vận toàn lực kéo 2 tay vào sườn.
+ Ðộng tác hít vào: Bàn tay mềm mại xoè ra, 2 cánh tay tạo hình chử V ngược, lòng bàn tay hướng
phía sau.
+ Thở chậm với động tác: Vận toàn lực di chuyển 2 tay ra phía trước tầm cao ngang vai, đến khi hai
lưng bàn tay chạm nhau.
+ Ðộng tác hít vào: Bàn tay mềm mại đảo một vòng thành tư thế lật ngửa.
+ Thở chậm với động tác: Vận sức toàn lực kéo về 2 bên sườn.
+ Ðộng tác hít vào: Bàn tay phải mềm mại, từ từ đưa lên ngang vai, lòng bàn tay xoè hướng về sau.
+ Thở chậm với động tác: Chỉ lên gân tay phải, di chuyển cho lưng bàn tay chạm gáy, từ từ xoay
lòng bàn tay ngửa lên, co các ngón lại thành nằm đấm kéo xuống sườn theo đường cũ.
+ Ðổi qua tay trái động tác như bên phải.
+ Ðộng tác hít vào: Xoa lòng bàn tay cho nóng.

+ Thở chậm với động tác: Lòng bàn tay xoa vùng gò má trong khi các ngón tay từ cánh mũi theo
hốc mắt qua thái dương, vòng về cánh mũi (xoa 3 vòng) Sau đó lòng bàn tay bịt kín 2 lỗ tai và các
ngón tay gõ đều đều lên xương chẩm (phía trên – sau đầu).
Hết bài tập.
Thời gian đầu chỉ nên cho tập 1 lần, sau đó dần dần tăng số lượng lên 2, 3, 4 lần, tùy theo sức của
võ sinh.
TÌM HIỂU VỀ TẤN PHÁP TRONG VÕ THUẬT
1. TẤN PHÁP
Trong cuộc sống, muốn giảm thiểu sự thua thiệt, con người phải vững vàng cả về thể chất lẫn tinh
thần trong mọi vấn đề và mọi truờng hợp. Võ thuật, một khía cạnh của cuộc sống cũng vậy. Phương
pháp tạo nên sự vững vàng trong ngành võ chính là Tấn pháp. Có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng
trong thực hành lại na ná nhau về Tấn pháp.
Theo võ cổ truyền Việt Nam: Tấn là giữ lại (không nên lầm với Tấn là tiến lên ) là sự ghìm giữ lại,
chịu lại một sức nặng nào đó trên một phần của co thể
Theo tự điển Lê Ngọc Trụ: Tấn là cách luyện tập cho cứng chân tay trong môn võ học.
Theo dân gian: Học võ là đứng Tấn, vô mùng phải tấn mùng (giắt, chận), đi ngủ phải tấn cửa (cài,
chặn), nhiều đứa tấn một đứa vô góc để đánh (ép, dồn, vây)
Tuy chỉ là ba trong rất nhiều kiểu định nghĩa và hiểu về Tấn, nhưng chúng ta đều thấy bất ổn: Vậy
Tấn đích thực là gì?
Tấn là phương pháp giữ vững TRỌNG TÂM và CÂN BẰNG cho co thể con người ở mọi vị thế, mọi
trường hợp, hầu có thể thực hiện những động tác, những ý muốn của toàn thân , khi bất động hoặc di
động đuợc linh hoạt, dễ dàng, chắc chắn và hữu hiệu. Bởi lẽ hầu hết các kiểu Tấn thông thường đều
dùng CHÂN làm trụ chính, các bộ phận thân thể khác giữ vai trò phối hợp và hỗ trợ nên nguời ta hay
gọi Tấn là cách đứng (bộ Pháp), bộ ngựa (Mã bộ)
Trên thực tế hầu như tất cả các bộ phận phía ngoài cơ thể con người đều là trụ chính trong các thế tấn
đặc biệt hữu dụng cho riêng từng bộ môn, ngành nghề, môn phái Ngọa tấn (tấn nằm), Nhập địa thủ
tấn (trồng chuối), Đọa tấn, Lạc tấn (té, lộn, ngửa sát đất), Lăng Không tấn (nhảy đạp, kẹp cổ), Tọa
tấn (ngồi bẹp). Ngoài ra chúng ta còn phải kể đến bộ Tấn siêu tuyệt của tri giác nhằm quân bình tinh
thần, tạo nên sự bình tinh, sáng suốt, thánh thiện và an nhiên, tự tại cho con nguời: Tâm tấn.
1.1. NGUỒN GỐC CHỮ TẤN VÀ TÊN CÁC THẾ TẤN

Sau khi định nghĩa và hiểu Tấn là gì, chúng ta đều đi đến kết luận: Tấn là danh từ Hán Việt nhưng đã
đuợc Việt hóa và cho đến nay mọi người đã quen dùng, vì vậy Tấn là một danh từ Việt Nam thuần
túy để dùng và hiểu nó. Bởi lẽ, nếu xuất xứ từ chữ Hán, thì các cụ võ sư tiền nhân đã dùng một cách
dễ dãi, chưa chính xác chữ Tấn.
Chữ “Tấn” thuộc bộ Thủy (nước) ghép với chữ “Phàm” (gồm, hèn hạ, cõi
trần) có nghĩa là: Rẩy Nước, trú binh đề phòng giặc. Nếu chữ này dùng vào ngành võ để diễn tả: Tấn
(tiếng Việt) thì rất guợng ép và khó hình dung.
Trong khi đó chữ Hán có một chữ âm vận tựa như âm Tấn, nghĩa thì rất hợp với võ thuật về Tấn pháp
(tiếng Việt). Đó là chữ “Trấn”. Chữ “Trấn” thuộc bộ Kim (chỉ những vật bền chắc) ghép với chữ
“Chân” (thực: không giả dối) có nghĩa là giữ gìn, đè, ép. Ví dụ: Trấn chỉ là cái chận giấy. Trấn biên
là giữ gìn nơi biên ải.
Theo đó, có lẽ các cụ ngày xưa đã ảnh huởng vào lối nói không rõ ràng của người Hoa nên đã phiên
âm theo kiểu riêng mà không cần tìm xuất xứ nơi chữ viết.
Trải qua nhiều thời gian, do nơi việc: Trọng văn, khinh võ, coi võ biền là dốt chữ - các bậc tiền nhân
thâm nho đã nhắm mắt làm ngơ, nên đã lưu truyền đến bây giờ cái nhầm lẫn kể trên. Dù sao, chúng ta
vẫn lấy chữ Tấn quen dùng để gọi chữ Trấn này. Mặt khác, chúng ta phải khẳng định rằng không
phải chỉ riêng võ thuật là có Tấn.
Hầu nhu tất cả mỗi loài động vật đều có một hay nhiều thế tấn, đơn giản hoặc phức tạp, sáng tạo hay
bẩm sinh, đuợc sử dụng trong các sinh hoạt thuờng ngày. Tuy vậy chúng ta phải công nhận chỉ riêng
ngành võ là có hệ thống Tấn pháp đa dạng, phong phú và hữu hiệu cho từng bộ môn, ngành nghề,
thoả mãn mọi nhu cầu sinh hoạt của con người. Theo đó, chúng ta không nên quá chú trọng về tên
gọi các thế Tấn cũng như các kiểu Tấn.
Về Tên Gọi: mỗi phái võ trên toàn thế giới đều có rất nhiều cách đặt tên cho một số thế Tấn cố định.
Nhưng danh xưng dĩ nhiên hết sức hoa mỹ, đôi khi bí hiểm, lúc lại nôm na, cộc lốc và phần lớn là ép
đặt
Về Các Kiểu Tấn: như trên đã nói, bất cứ trong công việc gì, sinh hoạt nào, con nguời đều phải ổn
định trọng tâm, sự thăng bằng co thể bằng cách phối hợp các bộ phận trong cơ thể để tạo ra một hình
thức vững chắc tối đa. Đó là Tấn pháp.
Vậy nếu chịu mất thì giờ nghiên cứu, chúng ta có thể liệt kê cả trăm cả ngàn kiểu tấn với các tên gọi
thật kêu, thật lạ. Ví dụ: Tấn xay lúa, tấn giã gạo, Nê hành tấn (tấn lội sình), Đăng sơn tấn (tấn leo

núi), Tấn bán vé xe buýt, Kỵ Ngưu tấn (tấn cuỡi trâu), tấn cua v.v Trong nhu cầu ngành võ, chúng
ta chỉ cần biết những danh xung thường gọi về Tấn pháp của một số môn phái để khỏi bỡ ngỡ trong
khi tìm hiểu hoặc dự khán các buổi trình diễn võ thuật.
Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo có 5 bộ tấn chính và 5 bộ tấn đặc biệt. Các phái võ trên thế giới
cùng đều có hệ thống Tấn pháp tương tự nhưng cách đặt tên thì hoàn toàn khác nhau. Vovinam gọi
theo tên thông dụng nhất: Tấn.
Võ Cổ Truyền Việt Nam, theo võ sư Lê Kim Hòa: bộ tấn đuợc hệ thống theo chiều đứng từ thấp đến
cao và lấy tên các loài thú vật
Cao: Lập tấn, Phụng tấn
Trung: Miêu tấn, Hổ tấn, Long tấn, Mã tấn, Hạc tấn, Kim kê tấn
Thấp: Xà tấn.
Võ Cổ Truyền Sa Long Cương: Trung bình tấn, Đinh tấn, Hổ lập Bình dương, Xà tự hạc tấn, Xà tự
Đinh tấn, Mài thiền sư, Tả mã bộ, Hữu mã bộ, Bạch hạc tầm giang, Trảo mã chuyển, Xà tấn, Độc
hành Thiên lý tấn.
Thiếu Lâm theo võ sư Đoàn Tâm Ảnh:
Cao: Lập tấn, Hạc tấn, Độc hành vu tấn
Trung: Trung bình tấn, Đinh tấn, Trảo mã tấn, Xà tự tấn, Âm dương tấn, Tẩu mã tấn.
Thấp: Quy tấn, Hạ mã tấn, Tọa tấn, Ngọa tấn.
Nam Phái Thiếu Lâm: Nội quyền
Cao: Lập tấn, Hạc tấn
Trung: Trung bình tấn, Đinh tấn, Trảo mã tấn, Bát cước tấn, Quỵ tấn
Thấp: Xà tấn, Tọa tấn, Ngọa tấn.
Một số phái võ khác:
- Hùng tấn, Hầu tấn, Báo tấn, Áp tấn, Hồ vi tấn, Long vi tấn, Xà vi tấn, Hành tấn, Kỵ mã tấn, Bôn
tấn, Liên hoa tấn, Thái âm tấn, Bá hoa trung tấn, Tả cung bộ, Hữu cung bộ, Phi cước tấn, Bàng long
cước tấn, Nhi tự kiềm duong mã, Dương cung tấn, Narani, Kima, Chongul, Hugul v.v
1.2. TẤN PHÁP VOVINAM.
Tấn pháp VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO gồm 5 bộ căn bản. Mỗi bộ chia ra 3 phương vị: Thượng -
Trung -Hạ và các thế tấn phụ có xuất xứ từ 5 bộ chính. Ngoài ra, còn 5 thế tấn đặc biệt, trong đó thế
Lăng không tấn đã cùng với 21 đòn tấn công trên không bằng chân là hai đặc thù khá quen thuộc của

môn phái VOVINAM Việt Võ Ðạo.
Nguyên Tắc: "Ngũ trực" (Năm cái thẳng) được triệt để áp dụng khi luyện Tấn pháp, buộc toàn thể
môn sinh thực hiện.
(1) Ðấm thẳng (không ngước lên hoặc cúi xuống) thì TRUNG THỰC.
(2) Mắt thẳng (không nhìn xuống, nhìn lên, liếc ngang) thì CHÍNH KHÍ.
(3) Cổ thẳng (không nghiêng lệch) thì BẤT KHUẤT, BẤT SỈ.
(4) Vai thẳng (không bên cao, bân thấp) thì CÔNG BẰNG, SÁNG SUỐT.
(5) Lưng thẳng (không cong, không ưỡn) thì UY DŨNG - KHÔNG HÈN.
1.2.1. NĂM BỘ TẤN CHÍNH.
1 - BÌNH TẤN: có nghĩa là cân bằng không nặng không nhẹ. Sức nặng cơ thể chia đều lên hai chân.
2 - ÐINH TẤN: Có hai nghĩa:
a - Giống chữ Hán J (đinh) trước ngang sau thẳng (hơi chéo).
b - Theo nghĩa chữ Ðinh là cái đinh, cái dùi bằng sắt, trước dọc sau ngang.
Môn phái sử dụng Ðinh tấn theo hình thức: trước ngang sau thẳng.
3 - CHẢO MÃ TẤN: Có nghĩa là tấn móng ngựa.
4 - ÐỘC CƯỚC TẤN: Có nghĩa là tấn một chân.
5 - HỒI TẤN: còn gọi là QUỊ TẤN, có nghĩa tấn để trở về, đổi hướng.
II.1.2.2. SÁU BỘ ÐẶC BIỆT
(1) LĂNG KHÔNG TẤN: Tấn lướt người lên không (dùng trong 21 đòn chân).
(2) NGỌA TẤN: Tấn nằm (xấp, ngửa, nghiêng - dùng trong các thế vật).
(3) TỌA TẤN: Tấn ngồi (xổm, bẹp - dùng trong các thế khóa nằm).
(4) ÐỌA TẤN: Tấn té (xấp, ngửa, nghiêng).
(5)THỦ TẤN: Tấn tay (trồng chuối, lộn bằng tay khi ngã).
(6) TÂM TẤN: Tấn tri giác (nội công, khí công để định lực định thần).
1.3. XÁC ÐỊNH VỊ TRÍ VÀ HƯỚNG TẤN:
(1) VỊ TRÍ TẤN: Luôn luôn lấy chân trụ để định vị trí tấn.
a - ÐINH TẤN PHẢI: Có nghĩa là chân phải trụ phía trước.
b - TRẢO MÃ PHẢI: Có nghĩa là chân phải trụ phía sau.
c - QUỊ TẤN PHẢI: Có nghĩa là chân phải quỳ phía trước.
d - ÐỘC CƯỚC PHẢI: Có nghĩa là chân phải trụ, chân trái co lên.

(2) HƯỚNG TẤN: Các loại tấn khác định hướng PHẢI - TRÁI - THUẬN và NGHỊCH.
a - HỒI TẤN PHẢI: Có nghĩa là chân TRÁI bước chéo về bên phải, trước và sát chân PHẢI.
b - TẤN THUẬN: Có nghĩa là bước về phía TRƯỚC.
c - TẤN NGHỊCH: Có nghĩa là lui về phía SAU.
Kiến Thức Tổng Quát cho người Huấn luyện viên Vovinam-Việt Võ Đạo (Phần 1)
Phần 1: Mở Võ Đường
Câu hỏi 1: Võ Đường là gì?
Võ đường là nơi riêng biệt để tập và dạy võ.
Câu hỏi 2: Tại sao cần thiết lập võ đường?
Vì với đà phát triển của Môn phái, các võ đường mới cần được thiết lập để đáp ứng nhu cầu phát
triển Môn phái, để đại chúng hóa nền võ học Vovinam.
Câu hỏi 3: Khi nghiên cứu thiết lập một võ đường, chúng ta cần phải để ý đến những phần nào?
Chúng ta cần phải để ý đến ba phần:
- Bối cảnh sinh hoạt của địa phương nơi mở võ đường.
- Nghiên cứu sinh hoạt dân chúng (kinh tế, xã hội, văn hóa ….)
- Địa điểm thiết lập võ đường.
Câu hỏi 4: Trong phần nghiên cứu bối cảnh sinh hoạt địa phương, ta để ý đến mấy phần?
Ta có ba phần cần điều nghiên:
- Chính quyền địa phương
- Đoàn thể áp lực
- Các võ phái bạn.
Câu hỏi 5: Đối với chính quyền địa phương, tại sao ta cần lưu ý?
Chính quyền là các cơ quan địa phương quan trọng nhất. Chúng ta cần điều nghiên kỹ thái độ của
chính quyền địa phương đối với chúng ta (thích, không thích, không có ý kiến). Điều nghiên
kỹ chúng ta sẽ dễ dàng trong việc xin phép mở võ đường, cũng như mọi yểm trợ sau này.
Câu hỏi 6: Tại sao chúng ta cần lưu ý đến các đoàn thể áp lực?
Chúng ta cần lưu ý đến các đoàn thể áp lực và đây là thành phần tôn giáo và các hội đoàn thanh niên
địa phương. Chúng ta cần tìm hiểu để dễ bề thích hợp.
Câu hỏi 7: Tại sao chúng ta cần lưu ý đến các võ phái bạn?
Đối với các võ phái bạn, ta cần điều nghiên kỹ để gây tình võ hữu, tránh được những đụng chạm vô

ích.
Câu hỏi 8: Trong phần điều nghiên sinh hoạt dân chúng, ta có bao nhiêu điều cần biết?
Trong phần này sự nghiên cứu sẽ đem đến ba phần cần biết:
- Dân chúng có đông không (vì nếu võ đường thiết lập ở một nơi quá ít dân thì số môn sinh
sẽ không được nhiều)
- Tinh thần dân chúng ở đó có ham chuộng võ thuật không?
- Đời sống có sung túc đầy đủ không?
Câu hỏi 9: Một địa điểm như thế nào được xem là thích hợp?
Một địa điểm thích hợp nhất để thành lập một võ đường phải thỏa đáp được 5 ưu tiên theo thứ tự sau:
- An ninh
- Trục giao thông
- Cao ráo, thoáng khí
- Điện nước
- Yên tĩnh
Câu hỏi 10: Tại sao vấn đề an ninh được quan tâm hàng đầu?
Vấn đề an ninh được quan tâm hàng đầu vì nếu một võ đường xây cất ở một nơi mà tình hình an
ninh, trật tự xã hội kém, chắc chắn ít người dám mạo hiểm đi tập võ.
Câu hỏi 11: Võ đường không nên thiết lập ở đâu nữa?
Võ đường cũng không nên thiết lập trong những ngõ hẻm chật chội, dễ xảy ra hỏa hoạn.
Câu hỏi 12: Tại sao trục giao thông được xem là ưu tiên thứ nhì?
Vì thuận tiện cho việc di chuyển. Võ đường trong ngõ hẻm chật chội sẽ khó tìm và nếu ở trên một
trục giao thông hay kẹt xe, võ sinh sẽ thường đi trễ, dễ bị đụng xe và ngay cả việc di chuyển của
HLV cũng bất tiện.
Câu hỏi 13: Tại sao võ đường cần thành lập ở nơi cao ráo, thoáng khí?
Chúng ta cần một địa điểm cao ráo thoáng khí vì nếu ẩm thấp sẽ có nhiều chuột bọ, vi trùng. Võ
đường cũng không nên gần những nơi đổ rác, hay các chợ có các gian hàng thịt, cá có mùi hôi rất hại
cho phổi.
Câu hỏi 14: Tại sao điện nước được xem là ưu tiên thứ tư?
Vì cần có ánh sáng cho lớp tối. Nước để rửa mặt sau khi tập hoặc uống giải khát.
Câu hỏi 15: Tại sao ta cần điều kiện yên tĩnh?

Ta cần nơi yên tĩnh vì có lợi cho việc giảng dạy cho cả HLV và võ sinh.
Phần 2: Quản Trị Võ Đường
Câu hỏi 16: Quản trị là gì?
Quản: Trong coi, xem xét mọi việc.
Trị: Sắp xếp công việc theo một diễn trình hợp lý, theo một thứ tự có tính toán trước. Quản trị là một
nghệ thuật trong coi, sắp xếp theo một tiến chính hợp lý, một thứ tự có tính toán để xem xét, thi hành
các công việc cho trôi chảy.
Do đó, trong các tổ chức lớn như việc thiết lập một võ đướng cần phải có phương pháp quản trị khéo
léo để điều hành các công việc trong võ đường, hầu tránh được những rắc rối do yếu tố cẩu thả mang
đến.
Câu hỏi 17: Muốn quản trị được, chúng ta cần những điều kiện nào?
Muốn quản trị được, chúng ta cần phải biết qua mộït số nguyên tắc về quản trị: Có 4 nguyên tắc được
xem là chính yếu:
- Phân nhiệm
- Hệ thống kiểm soát
- Ủy quyền
- Thống nhất về chỉ huy.
Câu hỏi 18: Thế nào là phân nhiệm?
Phân: là chia
Nhiệm: Trách nhiệm (việc được giao phó)
Phân chia công việc chánh ra nhiều công việc phụ rồi tùy công việc để qui định nhiệm vụ cho cá
nhân phụ trách.
Câu hỏi 19: Thế nào là hệ thống kiểm soát?
Vấn đề kiểm soát rất cần yếu cho mọi hoạt động chung. Chúng ta cần phải xem những người được
phân nhiệm có thực hiện đúng công tác giao phó không. Và do đó, hệ thống kiểm soát cần phải đặt
ra. Đối với hệ thống nhỏ, sự kiểm soát dĩ nhiên dễ dàng, người trên chỉ cần xem xét nhân
sự giữ vụ điều hành. Đối với hệ thống lớn hơn như Cục Huấn Luyện hay Tổng Cục Huấn Luyện,
hệ thống kiểm soát này gần giống như hệ thống tranh tra của chính phủ, kiểm soát trực tiếp cũng
như gián tiếp theo cả hàng ngang lẫn hàng dọc.
Câu hỏi 20: Thế nào là ủy quyền?

Ủy quyền là trao cho người khác một quyền mà mình có với những điều kiện giới hạn.
Câu hỏi 21: Thế nào là thống nhất chỉ huy?
Thống nhất chỉ huy là sự đồng nhất về hành động theo một lệnh từ trên đưa xuống.
Câu hỏi 22: Nếu đã có võ đường vấn đề nào cần phải kiện toàn trước tiên?
Nếu đã có võ đường, vần đề nhân sự cần phải kiện toàn trước tiên, vì chúng ta phải có người để làm
việc trong võ đường đó.
Câu hỏi 23: Vấn đề gì chúng ta cần lưu lý tiếp theo đó?
Sau vấn đề nhân sự, vấn đề cần lưu ý tiếp theo là vấn đề tài chánh. Chúng ta cần phải có tài chánh
để nuôi cán bộ, và những việc liên quan. Vả lại, vì yếu tố thời gian, có thể chúng ta gặp nhiều thiếu
xót, tài chánh vay mượn ở đâu đó, vật dụng (bàn ghế) có thiếu sót phải bổ túc ngay.
Câu hỏi 24: Cùng với những việc bổ túc những thiếu sót trên, chúng ta, cần phải thực hiện tại võ
đường điều gì trước tiên?
Song song với việc bổ túc những thiếu sót trên, một hệ thống quản trị đối nội và đối ngoại cần phải
thành lập và hoạt động ngay.
Câu hỏi 25: Thế nào là một hệ thống đối nội và đối ngoại?
Đây là một hệ thống đơn giản gồm một chủ tịch và hai phó:
- Một là về nội vụ.
– Một lo về ngoại vụ.
Câu hỏi 26: Khối ngoại vụ có những hoạt động gì?
Khối ngoại vụ tương đối vất vả trong những ngày đầu. Khối phải liên lạc với các
thành phần sau:
- Chánh quyền địa phương
- Thân hào nhân sĩ
- Đoàn thể tôn giáo
- Quần chúng
Câu hỏi 27: Khối ngoại vụ liên lạc với chính quyền địa phương để làm gì?
Khối ngoại vụ liên lạc với chính quyền địa phương để lo các thủ tục hành chánh của võ đường mình
(xin giấy phép dựng bảng hiệu, quảng cáo), nếu không có sự đồng ý của chính quyền địa phương
chúng ta khó lòng làm việc. Ngoài ra, nếu chúng ta khéo léo họ sẽ là những ngưồi đắc lực nhất giúp
chúng ta phát triển môn phái.

Câu hỏi 28: Ngoài những thủ tục hành chánh, liên lạc với chính quyền địa phương
còn những ích lợi gì?
Chính quyền địa phương là nơi giàu phương tiện để giúp đỡ nhất, thường thì khi đến một tỉnh, nhân
vật chính quyền thường xuyên tiếp xúc với chúng ta là ông Trưởng Ty Thanh Niên. Nếu chúng ta
khéo léo, ông sẽ giúp đỡ chúng ta nhiều khi thấy rằng chúng ta đã giúp đỡ ông nhiều trong lãnh vực
thanh niên.
Câu hỏi 29: Tại sao ta phải iếp xúc với Thân Hào Nhân Sĩ?
Chúng ta phải tiếp xúc với thân hào nhân sĩ vì đây là thành phần trí thức của vùng. Chúng ta liên lạc
với họ để dễ dàng tìm hiểu khối quần chúng đa dạng nơi đó. Họ sẽ giúp đỡ chúng ta đắc lực khi
họ hiểu rằng chúng ta sẽ giúp họ trong việc hướng dẫn con em họ đi theo con đường tốt.
Câu hỏi 30: Tại sao chúng ta cần phải liên lạc với các đoàn thể, các tôn giáo?
Các đoàn thể tư, các đoàn thể tôn giáo sẽ là mối nguy hại nếu chúng ta vụng về. Với các đòan thể tôn
giáo, chúng ta tôn trọng tự do tín ngưỡng và cần lưu ý tới các nghi thức tôn giáo của họ.
Với các đoàn thể tư, chúng ta căn cứ trên 5 tôn chỉ và 3 mục đích mà hành động (đọc kỹ hơn trong
bài Việt Võ Đạo và các nhóm xã hội khác).
Câu hỏi 31: Quần chúng, đóng vai trò nào trong công việc của chúng ta?
Đi tìm một môi trường để phát triển, dù môi trường đó ở đâu, cũng gồm những con người, là số đông
đa dạng, là quần chúng. Do đó, quần chúng đóng vai trò hết sức quan trọng và thiết yếu trong mọi
việc. Tất cả các cư xử ngoại giao ở trên đều nhằm mục đích Việt Võ Đạo hóa thành phần hạ tầng nầy.
Đây là thành phần đông đảo và khó hiểu nhất. Khối ngoại vụ phải sử dụng tất cả khả năng tuyên
truyền vận động của mình để lôi cuốn được số người nầy.
Câu hỏi 32: Ngoài những liên lạc kể trên khối ngoại vụ còn phải liên lạc với ai?
Ngoài những liên lạc kể trên, vì võ đường là một thành phần nhỏ của môn phái, trực thuộc tổng cục
huấn luyện nên khối ngoại vụ còn phải liên lạc với các cơ cấu khác của môn phái như Tổng Đoàn
Thanh niên, Các võ đường bạn…
Câu hỏi 33: Trong khi khối ngoại vụ có những công việc như trên thì khối nội vụ có những công
việc gì?
Khối nội vụ sẽ là khối vất vả sau đó. Khối nầy gồm cả việc hành chánh (đơn xin nhập học…) và huấn
luyện. Trong khi khối ngoại vụ có bổn phận mời người đến thì khối nội vụ có bổn phận giữ người ta
lại, đồng thời biến họ thành những mầm tuyên truyền nhỏ để đi sâu vào quần chúng hơn.

Câu hỏi 34: Những người tìm đến học võ với chúng ta, trên bình diện lý thuyết tổng quát, có những
ràng buộc nào với chúng ta?
Trên bình diện lý thuyết tổng quát, những người tìm đến học võ với chúng ta được ràng buộc với 3 lý
do.
-Tư tưởng
-Lợi ích
-Ép buộc
Câu hỏi 35: Nếu họ tìm đến ta vì lý tưởng việt Võ Đạo thì ta đối xử như thế nào?
Nếu họ tìm đến ta vì lý tưởng, ta phải cho họ thấy ta sẽ cùng với họ giúp nhau đạt đến lý tưởng.
Như thế, sự ràng buộc của những người cùng trong một tập thể mới bền bỉ lâu dài.
Câu hỏi 36: Nếu họ tìm đến ta vì một lợi nào đó, thì ta đối xử như thế nào?
Thường thì những ngưòi tìm đến Việt Võ Đạo đều mong học được một ít võ thuật. Do đó, nếu không
có sự ràng buộc bởi một lý tưởng, họ sẽrời xa Việt Võ Đạo một khi thấy không cần thiết học thêm võ
thuật nữa.
Câu hỏi 37: Nếu có những người bị ép buộc học Việt Võ Đạo thì ta đối xử ra sao?
Nếu có những người bị ép buộc học Việt Võ Đạo, ta cũng sẽ cho họ thấy lý tưởng cao quý của chúng
ta, để khi không còn ép buộc nữa, họvẫn ở lại với môn phái ta.
Câu hỏi 38: Khi thực sự bắt tay vào việc quản trị một võ đường chúng ta sẽ có những hậu
quả như thế nào?
Khi thực sự giải quyết những vấn đề mà chúng ta gặp phải, chúng ta sẽ nhận được những điều mà lý
thuyết không bao giờ mang lại được. Đó là kết quả công việc của chúng ta, hậu quả này sẽ được trình
bày 2 phần:
-Đối với bản thân
-Đối với tha nhân
Câu hỏi 39: Thế nào là hậu quả đối với bản thân?
Vì chính tự chúng ta học tập lạy những nguyên tắc quản trị trên phương diện thực hành, nhờ đó
chúng ta sẽ trở thành một quản trị viên giỏi, trong khi làm việc như vậy,chúng ta sẽ tự chọn giải pháp
cho chính chúng ta. Những giải pháp này sẽ giúp cho ta thích ứng được với hoàn cảnh hơn. Hoặc
chúng ta sẽ đưa ra giải pháp riêng của ta (đúc kết của nhiều năm kinh nghiệm)
Câu hỏi 40: Thế nào là hậu quả đối với tha nhân?

Đó là phần giúp cho người khác. Nhờ kinh nghiệm bản thân, ta sẽ giúp cho người khác đỡ vấp ngã
hơn ta, hoặc hoàn toàn tránh khỏi mọi sai lầm. Ta sẽ giúp được người khác kỹ thuật cũng
như nghệ thuật quản trị và trong khi giúp cho người khác, chúng ta còn học hỏi từ họ, từ công việc
nhiều điều mới lạ.
Phần 3: Tác Phong của Huấn Luyện Viên
Câu hỏi 41: Tác phong của huấn luyện viên đối với võ sinh ra sao?
Huấn luyện viên phải biết hòa mình với võ sinh trong lớp, không phải lúc nào cũng quá nghiêm, cần
phải linh động trong lúc khen, chê sựluyện tập của võ sinh, biết săn sóc võ sinh và gây thiện cảm với
võ sinh. Ngoài ra là một người phổ biến võ thuật và phát huy võ đạo, huấn luyện viên phải tự mình
giữ vững tác phong của một huấn luyện viên: Trang phục chỉnh tề, tóc tai đàng hoàng, không uống
rượu, không hút thuốc trong võ đường, phải lịch thiệp, nhã nhặn và xử sự đứng đắn với mọi người.
Câu hỏi 42: Đối với nữ võ sinh, huấn luyện viên cần giữ tác phong như thế nào?
Riêng đối với nữ võ sinh Huấn luyện viên cần phải giữ tác phong hơn nữa. Huấn luyện viên cần phải
nghĩ đến thanh danh môn phái, của chính bản thân mình và nhất là nữ võ sinh (cha mẹ của nữ võ sinh
cho con học võ mặc nhiên giao trọn thanh danh của nữ võ sinh cho người dạy). Huấn luyện viên tuyệt
đối tránh vấn đề nam nữ giữa huấn luyện viên và nữ võ sinh.
Câu hỏi 43: Muốn thực hiện một lớp võ, huấn luyện viên phải làm những gì? hãy giải thích đại
cương.
Tổ chức một lớp võ gồm nhiều thành phần, huấn luyện viên ngay từ đầu phải:
- Sắp xếp võ sinh: Xem võ sinh thuộc những thành phần nào để xưng hô đúng cách, đối xử hợp tình.
Huấn luyện viên có thể sắp xếp vị trí cho võ sinh tùy theo trình độ học vấn, tuổi tác, vóc dáng, nam
nữ…
- Tìm hiểu khả năng của võ sinh: Huấn luyện viên phải biết khả năng luyện tập, sức chịu đựng của võ
sinh để huấn luyện đúng mức.
- Tìm hiểu phần tử phá hoại trong lớp: quan sát những kẻ nào có ý phá hoại gây rối, chọc phá, muốn
thử võ… để có biện pháp ngăn chận hữu hiệu hầu giữ lớp học có kỹ luật.
Câu hỏi 44: Ích lợi của sự biểu diễn võ thuật ra sao? khi nào chúng ta không chấp nhận cuộc biểu
diễn?
Cuộc biểu diễn Vovinam là một cơ hội tốt để giới thiệu Vovinam cho quần chúng hiểu và có mỹ cảm
đối với Việt Võ Đạo hay có thể gia nhập Vovinam Việt Võ Đạo.

Việt Võ Đạo sinh từ chối những cuộc biểu diễn trong những truờng hợp:
- Có tính kỳ thị võ phái, gây chia rẽ
- Có sự lủng củng nội bộ của đoàn thể, tôn giáo mời biểu diễn
- Không gây được sự phát huy Việt Võ Đạo
- Khung cảnh, môi trường, khán giả không thích hợp với cuộc biểu diễn Việt Võ Đạo (biểu diễn cho
thực khách xem hay biểu diễn để mọi người giải trí, chè chén)
Câu hỏi 45: Nếu ban tổ chức có nhã ý điều khiển cuộc biểu diễn Vovinam Việt Võ Đạo sinh phải có
thái độ như thế nào? Muốn cuộc biểu diễn thành công Việt Võ Đạo sinh phải ghi nhớ những gì?
Rất sẵn lòng để ban tổ chức giới thiệu về Vovinam (nhưng phải giúp tài liệu cho ban tổ chức). Riêng
về phần điều khiển biểu diễn võ thuật, người trong đoàn biểu diễn sẽ đảm trách phần kỹ thuật này.
Người biểu diễn chú tâm vào tinh thần và cách thể hiện đồng thời người điều khiển chương trình phải
biết ứng biến lanh lẹ và hiểu tâm lý người xem.
Câu hỏi 46: Thế nào là dân ca lời mới? Thế nào là đạo ca?
Dân ca lời mới là những khúc ca mang âm hưởng độc đáo của dân tộc trong một nước hay trong một
vùng được sửa đổi lời ca cho thích hợp với tâm hồn của Việt Võ Đạo sinh hiện tại.
Đạo ca là những bản nhạc, những bài hát mang âm hưởng thanh cao, hùng mạnh, nội dung biểu
tượng được tinh thần Việt Võ Đạo.
Câu hỏi 47: Nội dung những bài ca môn phái ra sao? Cần gạt bỏ loại nào?
Bài ca của môn phái phải có tính chất: Hào hùng, sống động, hướng thượng đượm tình thân yêu dân
tộc, giống nòi, tạo sự phấn đấu mảnh liệt thúc đẩy hăng hái alm việc trong tình thần tập thể. Vì vậy,
những bài ca môn phải thiên về những bài đạo ca, dân ca lời mới, hùng ca hay những bài ca tình cảm
thanh cao cùng những bài ca vui tươi, cởi mở, ý nhị.
Trái lại, cần gạt bỏ những bài ca ủy my, yếu hèn, hạ cấp hay những bài ca thác loạn, kích động,
lố lăng trong các buổi sinh hoạt.
Câu hỏi 48: Tại sao Việt Võ Đạo sinh không được trình diễn những bài ca ủy mỵ, yếu hèn hay kích
động, lố lăng trong những buổi sinh hoạt môn phái?
Do những nguyên nhân sau:
- Không thích hợp với tinh thần Việt Võ Đạo sinh
- Việt Võ Đạo sinh không phải là những ca sĩ chuyên môn để trình diễn những bài ca đó.
- Việt Võ Đạo sinh ca hát dễ nung cao chí khí và sự nỗ lực làm việc chớ không để tiêm nhiễm sự yếu

hèn, suy nhược, chán nản.
Câu hỏi 49: Tại sao Việt Võ Đạo sinh phải hát những bài đạo ca trong buổi sinh hoạt môn phái?
Luôn luôn trong những buổi sinh hoạt môn phái, Việt Võ Đạo sinh hát những bài đạo cao vì:
- Đạo ca đã được chọn lựa nên có tính chất Việt Võ Đạo.
- Việt Võ Đạo sinh hát để mọi người hiểu được tình cảm, tinh thần của người môn sinh Việt Võ Đạo.
- Thính giả thường ít được thưởng thức văn nghệ Việt Võ Đạo nên họ sẽ thích thú được nghe những
bài ca Việt Võ Đạo hơn là những bài ca của các tập thể khác.
Câu hỏi 50: Muốn cuộc biểu diễn thành công, Việt Võ Đạo sinh phải ghi nhớ những gì?
Người biểu diễn phải chú tâm vào tinh thần và cách thể hiện, đồng thời người điều khiển chương
trình phải ứng biến mau lẹ, và hiểu rõ tâm lý người xem.
Câu hỏi 51: Thống nhất chỉ huy là gì? Hãy giải thích đại cương
- Thống nhất: tạo thành một mối duy nhất
- Chỉ huy: Ra hiệu lệnh để sai bảo thuộc cấp
- Thống nhất chỉ huy: Ra lệnh cho thuộc cấp thi hành theo một đường lối duy nhất, một hệ thống
chỉ huy đã định.
Làm thế nào để thống nhất chỉ huy? – Muốn thống nhất chỉ huy người chỉ huy phải lưu ý đến những
điểm sau:
Cơ quan ra lệnh phải thống nhất (đừng ra lệnh khi này, khi khác)
- Giải thích lệnh và giới hạn lệnh
- Kiểm soát sự thi hành lệnh
- Phải có một hệ thống chỉ huy hữu hiệu
- Cách thi hành phải thống nhất.
Câu hỏi 52: Thế nào là ủy quyền? Sự cần thiết của ủy quyền?
Ủy quyền là giao một số quyền hành cho một người hay một cơ quan để họ giải quyết nhưng vấn
đề trong khuôn khổ nhiệm vụ của họ.
Thí dụ: Ủy quyền cho huấn luyện viên A quyền huấn luyện, quyền thưởng phạt một lớp võ để người
này thi hành trọn vẹn nhiệm vụ huấn luyện của họ (nếu không người này chỉ là phụ tá).
Sựủy quyền rất cần thiết vì những lý do sau đây:
Làm thăng tiến thuộc viên (cho họ quyền hạn để họ thực hiện những gì đã biết, hay giải quyết những
việc khó khăn trong khi thi hành nhiệm vụ).

×