Tải bản đầy đủ (.doc) (176 trang)

Truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975 như một trường diễn ngôn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (901.31 KB, 176 trang )

Bộ giáo dục và đào tạo
Trờng đại học s phạm hà nội
&
HOàNG THị THU GIANG
TRUYệN NGắN VIệT NAM 1945 - 1975
NHƯ MộT TRƯờng diễn ngôn
Chuyên ngành: lý luận văn học
M số : 62.22.01.20ã
LUN N TIN S NG VN
Ngi hng dn khoa hc: PGS. TS. Phựng Ngc Kim
hà nội 2014
LỜI CAM ĐOAN
Tác giả luận án xin cam đoan:
- Luận án này là kết quả nghiên cứu của cá nhân tôi.
- Những số liệu và tài liệu được trích dẫn trong đây là trung thực.
- Kết quả nghiên cứu này không trùng với bất cứ công trình nào đã được
công bố trước đó.
Tôi chịu trách nhiệm trước lời cam đoan của mình.
Hà Nội, tháng 2 năm 2014
Tác giả luận án
Hoàng Thị Thu Giang
MỤC LỤC
Trang
1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Trong những năm 1945 – 1975, cả dân tộc Việt Nam huy động mọi sức
mạnh vật chất và tinh thần có thể vào sự nghiệp chống xâm lược, bảo vệ và dựng
xây đất nước. Trên mặt trận văn hoá nghệ thuật, truyện ngắn là thể loại xung kích,
có nhiều đóng góp, phát triển đều, “ở chặng nào cũng có những truyện hay”
[68;134]. Chính vì vậy, từ lâu, truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975 đã trở thành đối


tượng khảo sát của nhiều công trình phê bình, nghiên cứu văn học. Tuy nhiên, có
thể thấy, cho đến nay, đối tượng này chủ yếu được nghiên cứu trong phạm vi lời
nói nghệ thuật và phần nhiều dựa vào lí thuyết phản ánh. Đó là cách nghiên cứu
theo hướng thi pháp lí thuyết, tách thể loại ra khỏi ngữ cảnh văn học cực kì phức
tạp làm nên đời sống đích thực của chúng, hướng tới khái quát những đặc điểm
chính yếu, tiêu biểu. Các thành tựu nghiên cứu, phê bình mấy chục năm qua về
truyện ngắn nói riêng cũng như về văn học 1945 – 1975 nói chung thường tập
trung khẳng định tính thống nhất, ít chú ý phân tích, lý giải các phạm vi, yếu tố
khác biệt tồn tại, vận động trong chỉnh thể văn học giai đoạn này. Tiếp cận đối
tượng theo hướng như vậy tưởng như là đã nghiên cứu triệt để, khó có thể phát
hiện thêm điều gì mới về truyện ngắn Việt Nam 30 năm kháng chiến chống xâm
lược. Chúng tôi cho rằng nếu vận dụng lí thuyết diễn ngôn, xem xét đối tượng
trong sự tồn tại và vận động chỉnh thể, đa chiều, ta có thể nhận thức đầy đủ, đánh
giá toàn diện hơn về truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975.
1.2. Hướng sự quan tâm đến phương thức ngôn ngữ tạo tác nên hiện thực,
ngôn ngữ luận là khuynh hướng lý thuyết ngày càng phát triển mạnh mẽ và có
nhiều ảnh hưởng trong khoa học xã hội hiện đại. Trong ngôn ngữ luận, lí thuyết
diễn ngôn là khu vực rất nổi trội.
Khác với các hướng nghiên cứu văn học theo phản ánh luận, bản thể luận,
nghiên cứu văn học từ góc độ lí thuyết diễn ngôn xác định đối tượng tìm hiểu
không chỉ là “thế giới nghệ thuật” mà còn là cách thức, mục đích của việc kiến tạo
nên thế giới nghệ thuật đó. Tiếp cận văn học từ góc nhìn diễn ngôn không chỉ
hướng tới giải đoán ý nghĩa của văn bản được nghiên cứu, mà còn xác định, tái
2
tạo, mô tả những nguyên nhân, điều kiện, quy tắc để tạo ra văn bản và ý nghĩa ấy.
Nghiên cứu thể loại văn học như một hình thức diễn ngôn và trong thực tiễn diễn
ngôn của nó, khảo sát lời nghệ thuật trên cùng một dãy với các thể loại lời nói
ngoài nghệ thuật, nghiên cứu đối tượng trong môi trường đa ngữ theo tinh thần lí
thuyết của M. Bakhtin, có thể đem lại cách nhìn và nhận thức mới về những vấn
đề tưởng như đã xong xuôi của đời sống văn học, đặc biệt là về thời đại văn học

và đặc trưng của thể loại trong tương tác diễn ngôn của thời đại.
1.3. Nghiên cứu truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975 như một trường diễn
ngôn là hướng tìm hiểu đặc trưng của thể loại truyện ngắn dưới góc nhìn mới, có
thể mang lại sự nhìn nhận và đánh giá toàn diện, khách quan hơn về truyện ngắn
dân tộc giai đoạn này. Cùng với điều đó, luận án góp phần làm sáng rõ hơn bản
chất của diễn ngôn và diễn ngôn văn học – những vấn đề ngày càng được quan
tâm thảo luận, vận dụng trong nghiên cứu văn học tại Việt Nam. Với những ý
nghĩa ấy, nghiên cứu đề tài có thể góp thêm một tài liệu tham khảo thiết thực với
những người quan tâm đến lý luận, phê bình văn học, những người dạy – học văn
học trong nhà trường các cấp.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là trường diễn ngôn truyện ngắn 1945 – 1975
với các bộ phận tâm và biên của nó, từ đó xác lập quan niệm và nhận thức về diễn
ngôn, trường diễn ngôn văn học, trường diễn ngôn thể loại gắn với lịch sử xã hội.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
Với đối tượng nghiên cứu được xác định như trên, phạm vi nghiên cứu của
luận án bao gồm: cơ sở lí thuyết diễn ngôn đối với nghiên cứu văn học nói chung,
truyện ngắn nói riêng; trường diễn ngôn truyện ngắn 1945 – 1975 với các bộ phận
cấu thành của nó; các thẩm quyền và chiến lược thực thi thẩm quyền của diễn ngôn
trung tâm và diễn ngôn ngoại biên trong truyện ngắn 1945 – 1975.
Trong hoàn cảnh lịch sử đặc thù của dân tộc, văn học Việt Nam giai đoạn
1945 – 1975 gồm nhiều bộ phận. Làm nên diện mạo chính yếu của văn học dân tộc
giai đoạn này là bộ phận văn học cách mạng (văn học kháng chiến chống Pháp,
chống Mỹ ở cả hai miền Nam, Bắc; văn học thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở
3
miền Bắc những năm 1954 - 1964). Ngoài ra, còn có các bộ phận văn học trong vùng
tạm chiếm những năm 1946 – 1954, văn học đô thị miền Nam 1954 - 1975 và văn
học của người Việt ở nước ngoài. Trong khuôn khổ luận án, ứng với đối tượng và
phạm vi nghiên cứu được xác định như trên, chúng tôi chỉ tập trung khảo sát những

truyện ngắn thuộc bộ phận văn học cách mạng giai đoạn 1945 – 1975 bởi chúng cùng
nằm trong một trường diễn ngôn (có chung hoàn cảnh lịch sử, xã hội, cùng chịu sự
chi phối của một cơ chế quyền lực, có chung môi trường sáng tác, chung đối tượng
tiếp nhận, chung điều kiện lưu hành…). Những tác phẩm thuộc bộ phận này có thể
khác nhau về quan điểm nghệ thuật, phương pháp sáng tác nhưng chúng có giao tiếp,
có quan hệ với nhau. Những truyện ngắn thuộc các bộ phận khác tuy thuộc giai đoạn
1945 – 1975 nhưng không cùng nằm trong một trường diễn ngôn được đặt ra ngoài
phạm vi khảo sát của luận án này.
3. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện đề tài, ngoài việc kết hợp sử dụng các thao tác
chung của nghiên cứu văn học như phân tích, tổng hợp, thống kê, phân loại .v.v,
chúng tôi chú ý sử dụng các phương pháp: phương pháp loại hình, phương pháp
nghiên cứu liên ngành và phương pháp so sánh.
- Phương pháp loại hình: Nhận diện, phân loại các hình thái cấu thành
trường diễn ngôn truyện ngắn giai đoạn 30 năm chiến tranh trên cơ sở chứng minh
các nhóm hiện tượng giống nhau về những phương diện nào đó.
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Đặt đối tượng vào môi trường văn hóa
mà nó sinh thành, vận động, xác định bối cảnh lịch sử, xã hội, những cơ chế quyền
lực cụ thể chi phối chiến lược kiến tạo các loại diễn ngôn trong trường diễn ngôn
truyện ngắn 1945 – 1975.
- Phương pháp so sánh: So sánh các loại hình diễn ngôn thuộc trường diễn
ngôn truyện ngắn 1945 – 1975 với nhau và với các diễn ngôn văn học khác cùng thời
đại để có cái nhìn sáng rõ về đặc thù lịch sử của truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975.
4. Nhiệm vụ và ý nghĩa của luận án
4.1. Từ thực tế nghiên cứu truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975 như một
trường diễn ngôn, luận án xác lập và làm rõ khái niệm trường diễn ngôn văn học,
cụ thể ở đây là một trường diễn ngôn thể loại.
4
4.2. Chỉ ra tính chất phức tạp trong cấu trúc chỉnh thể của hiện thực truyện
ngắn giai đoạn 1945 – 1975, những tác động của trường tri thức và quyền lực tới

sự hình thành các thành phần tạo nên cấu trúc đó cũng như tác động trở lại của các
thành phần đó tới đời sống văn hóa, xã hội, chính trị giai đoạn này.
4.3. Phân tích tổng thể các thẩm quyền, chiến lược thực thi các thẩm quyền
của diễn ngôn khu vực trung tâm và khu vực ngoại biên trong trường diễn ngôn
truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975, từ đó có cái nhìn toàn diện về truyện ngắn
Việt Nam 1945 – 1975.
5. Bố cục của luận án
Ngoài các phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục các công trình nghiên cứu liên
quan đến đề tài luận án, Thư mục tham khảo và Phụ lục, phần Nội dung chính của
luận án được triển khai thành 4 chương:
Chương 1. Tổng quan
Chương 2. Truyện ngắn như một trường diễn ngôn
Chương 3. Diễn ngôn trung tâm trong truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975
Chương 4. Diễn ngôn ngoại biên trong truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975
5
Chương 1. TỔNG QUAN
Trong chương tổng quan, chúng tôi điểm lại những công trình nghiên cứu về
truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975 và vấn đề diễn ngôn trong nghiên cứu văn học.
1.1. Tình hình nghiên cứu truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975
Trong các thể loại văn học thuộc giai đoạn 1945 – 1975, truyện ngắn, cùng
với thơ là đối tượng nhận được sự quan tâm, bình giá nhiều hơn cả, kể cả trong
thời gian ba mươi năm chiến tranh cũng như ở giai đoạn sau 1975.
Thời kì khoảng 10 năm đầu sau cách mạng tháng Tám, dù số lượng tác
phẩm truyện ngắn chưa nhiều, cũng đã có những bài viết đánh giá, bàn luận về
truyện ngắn cách mạng đương thời. Càng về sau càng có nhiều hơn những bài viết
đánh giá, phê bình về các truyện ngắn giai đoạn 30 năm chiến tranh. Có thể nói
khó đếm xuể những bài phê bình về các truyện ngắn/tập truyện ngắn/tác giả truyện
ngắn cụ thể. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu chuyên sâu về toàn bộ nền
truyện ngắn giai đoạn này chỉ xuất hiện từ sau năm 1975. Dưới đây chúng tôi sẽ
điểm qua những công trình nghiên cứu tiêu biểu về đối tượng này.

Trước hết, có thể kể tới công trình Con người trong truyện ngắn Việt Nam
1945 – 1975 (bộ phận văn học cách mạng) của Phùng Ngọc Kiếm. Chọn quan niệm
nghệ thuật về con người trong truyện ngắn 1945 – 1975 làm đối tượng nghiên cứu,
trên cơ sở xác định quan niệm về con người trong ý thức nghệ thuật của văn học
giai đoạn này nói chung, tác giả đã tập trung làm rõ những cảm nhận về con người
trong truyện ngắn, từ đó đưa ra kết luận: con người sử thi – con người mang vẻ đẹp
lí tưởng của dân tộc và thời đại, sống hết mình với sự nghiệp chung của cộng đồng,
xả thân vì nghĩa lớn … là kiểu nhân vật chủ yếu của truyện ngắn 1945 – 1975. Với
loại nhân vật này, truyện ngắn 1945 – 1975 đã “góp phần khắc họa, khẳng định, cổ
vũ sự hồi sinh, trưởng thành của dân tộc dưới ánh sáng của cách mạng và kháng
chiến” [57;179]. Bên cạnh việc khẳng định vị trí trung tâm của kiểu hình tượng con
người sử thi, với những dẫn chứng cụ thể và những phân tích thấu đáo, cuốn sách
đã chỉ ra và khẳng định những thức nhận của các tác giả truyện ngắn 1945-1975 về
con người cá nhân – con người tự khẳng định mình, có nhu cầu được hưởng hạnh
phúc, đau đớn với những mất mát cá nhân… Tác giả khẳng định: “Các kiểu loại con
6
người sử thi cùng với những thức nhận về con người cá nhân trong nhiều tác phẩm
đã chứng tỏ khát vọng, khả năng nắm bắt, những nỗ lực sáng tạo của nhà văn để
miêu tả cuộc sống ngày càng phong phú và sâu sắc, để tạo ra những màu sắc thẩm
mĩ ngày càng đa dạng, hấp dẫn” [57;179]. Người viết công trình này nhấn mạnh
những thành công chủ yếu trong nghệ thuật truyện ngắn 1945 – 1975: nghệ thuật
miêu tả nhân vật tập thể, xây dựng chân dung cá nhân điển hình của kiểu con người
sử thi; nghệ thuật tạo tình huống xung đột, dựng bối cảnh (không gian – thời gian)
và sắc vẻ đặc trưng trong giọng điệu, ngôn từ của truyện ngắn giai đoạn này. Những
thành công ấy chứng tỏ: “thành tựu nghệ thuật của truyện ngắn 1945 – 1975 là
phong phú và không thể phủ nhận” [57; 301].
Cũng lấy đối tượng nghiên cứu là truyện ngắn 30 năm sau Cách mạng Tháng
Tám, Nguyễn Khắc Sính trong công trình Phong cách thời đại – nhìn từ một thể
loại văn học đã phân tích các biểu hiện của phong cách thời đại trong thể loại ngắn
gọn, năng động này. Theo tác giả, truyện ngắn là thể loại có thành tựu nổi bật của

văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975, đã thể hiện độc đáo nổi bật phong cách
thời đại, phân biệt với văn học sau 1975. Nhưng vấn đề này lại hầu như chưa được
quan tâm xem xét thật sự. Từ nhận định đó, tác giả đã tập trung xem xét truyện
ngắn 1945 – 1975 và kết luận: phong cách thời đại trong truyện ngắn giai đoạn này
là sự kết hợp của bốn yếu tố hiện thực, sử thi, lãng mạn, trữ tình. Bốn yếu tố đặc
trưng đó “làm thành diện mạo của văn học một thời với màu sắc riêng của nó mà
giai đoạn trước đó chưa có và ở giai đoạn sau không lặp lại nữa” [133;362]. Không
dừng lại ở việc nêu, trình bày những yếu tố làm nên phong cách thời đại của truyện
ngắn 1945 – 1975, Nguyễn Khắc Sính còn chỉ ra sự vận động của nó: ở thời kì 1945
– 1954, yếu tố hiện thực chiếm ưu thế, sang thời kì 1955 – 1964, yếu tố trữ tình
chiếm vị trí chủ đạo, đến thời kì 1965 – 1975, yếu tố sử thi trở thành nét trội. Theo
tác giả: chính các tiền đề lịch sử, chính trị, đạo đức … đã tác động, chi phối tới sự
vận động của phong cách thời đại trong truyện ngắn 1945 – 1975 như đã mô tả.
Trong Truyện ngắn Việt Nam – công trình có sự hợp tác nghiên cứu của
nhiều học giả do GS.VS. Phan Cự Đệ, PGS.TS. Lý Hoài Thu đồng chủ trì đề tài,
mảng truyện ngắn 1945 – 1975 cũng được đặc biệt quan tâm. Trong công trình
mang tính chất tổng kết về mặt lí luận và văn học sử, bao quát những thành tựu
7
của cả nền truyện ngắn Việt Nam xuyên suốt từ thời kì trung đại đến thời kì hiện
đại, diện mạo truyện ngắn 1945 – 1975 được phác họa với những gương mặt
truyện ngắn ấn tượng: Bùi Hiển, Kim Lân, Hồ Phương, Nguyễn Khải, Anh Đức,
Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Minh Châu, Vũ Hạnh, Sơn Nam,
Nguyễn Thành Long, Nguyễn Kiên, Đỗ Chu, Lê Minh Khuê. Các tác giả Truyện
ngắn Việt Nam đã giới thiệu, phân tích, bình giá cái hay, cái đẹp và cả những hạn
chế trong những tác phẩm tiêu biểu, từ đó xác lập những đặc điểm riêng của từng
cây bút truyện ngắn. Có thể thấy, mặc dù chưa giới thiệu được tất cả những tác
giả, tác phẩm truyện ngắn giai đoạn này, chưa chi tiết được trong phác họa diện
mạo cả nền truyện ngắn với những nét đậm, nhạt, nổi, chìm, những tiếng nói đối
thoại, đa thanh trong nền truyện ngắn ấy, nhưng qua việc giới thiệu các cây bút
truyện ngắn như trên, độc giả cũng có thêm nhiều nhận thức bổ ích về sự phát

triển, sức sống, vẻ hấp dẫn của truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975.
Với nhận định: “trong đội quân thể loại tạo nên lịch sử văn học 1945 – 1975,
truyện ngắn được xem là thể loại để lại nhiều tác phẩm sáng giá” [121;19], Hỏa Thị
Thúy, trong công trình Truyện ngắn Việt Nam – diện mạo lịch sử của thể loại đã chỉ
ra sự vận động của thể loại truyện ngắn 1945 – 1975: ở thời kì 1945 – 1954, truyện
ngắn Cách mạng có đặc điểm “già” kí, “non” truyện; thời kì 1955 – 1964, truyện
ngắn giàu cảm hứng trữ tình cách mạng, tới thời kì 1965 – 1975, tất cả hạt nhân cấu
trúc thể loại từ loại hình nội dung, hình tượng trung tâm đến nguyên tắc trần thuật,
ngôn ngữ, giọng điệu tác phẩm đều mang tính sử thi.
Và đúng như Hỏa Thị Thúy đã nêu trong Truyện ngắn Việt Nam – diện mạo
lịch sử của thể loại, “một đối tượng nghệ thuật chân chính sẽ tham gia vào những
cuộc đối thoại không bao giờ kết thúc” [121;207], sau những công trình dài hơi
lấy truyện ngắn 1945 - 1975 làm đối tượng nghiên cứu, tiếp tục có luận án Truyện
ngắn Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 (nhìn từ góc độ thi pháp thể loại) của
Nguyễn Thị Bích Thu. Ở công trình này, tác giả đã xác định và làm rõ hai loại
hình cơ bản của truyện ngắn 1945 – 1975: truyện ngắn trữ tình và truyện ngắn
hiện thực. Về loại hình nhân vật, tác giả xác định có hai kiểu người cơ bản trong
truyện ngắn 1945 – 1975: con người chính trị - con người công dân - con người
sử thi (kiểu 1) và con người cá nhân (kiểu 2). Về con người cá nhân, tác giả xác
8
định đây là kiểu nhân vật xuất hiện nhiều nhất trong một số truyện ngắn ra đời vào
những năm sau 1954. “Kiểu người này đã phải chịu sự phê phán của dư luận vì đã
đi chệch ra khỏi quỹ đạo của một nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.Tuy
nhiên, từ chỗ đứng của ngày hôm nay, chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện của con
người cá nhân là hợp quy luật, là sự tiếp nối của con người cá nhân trước Cách
mạng. Sau 1975, không còn chịu sự chi phối của chiến tranh, con người cá nhân sẽ
trở lại và giữ vị trí quan trọng trên văn đàn” [119;181]. Đồng thời với những ghi
nhận về đóng góp của truyện ngắn 1945 – 1975, Nguyễn Thị Bích Thu cũng chỉ ra
những hạn chế của truyện ngắn 1945 – 1975: kiểu nhân vật loại hình xuất hiện
nhiều trong truyện ngắn 1945 – 1975 và chưa có những điển hình sắc nét, chứng

tỏ các tác giả chưa nắm được bản chất của hiện thực, mới chỉ chú ý đến minh họa
đơn thuần những chủ trương chính sách. Nhân vật loại hình kết hợp với tính cách
đã xuất hiện nhưng chưa nhiều. Về giọng điệu, theo tác giả, tính chất đơn giọng là
đặc điểm riêng của truyện ngắn thời kì này. “Do chú trọng đến chức năng tuyên
truyền, cổ vũ công cuộc giữ nước mà truyện thường đi sâu khai thác mặt thuận
chiều, khiến cho hiện thực được phản ánh rơi vào sơ lược, giản đơn. Cũng do yêu
cầu của lịch sử mà nhân vật chỉ được khai thác ở phương diện xã hội, đời sống nội
tâm chưa được quan tâm nhiều…”[119;182].
Bên cạnh những công trình nghiên cứu chuyên sâu nêu trên, còn có rất
nhiều bài báo phân tích, nhận xét, đánh giá về truyện ngắn 30 năm sau Cách mạng.
Trong số những bài viết được đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành nghiên cứu
văn học, chúng tôi chú ý tới hai bài báo của các tác giả Vương Trí Nhàn và Lại
Nguyên Ân về truyện ngắn 1945 – 1975.
Trên Tạp chí văn học số 6 năm 1978, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn công
bố bài viết Về sự lựa chọn chủ đề và phát triển tính cách trong truyện ngắn sau
cách mạng (sau này, tại trang mạng http://vuongtrinhan.
wordpress.com/2010/01/09, nhan đề bài viết được đổi thành Về sự lựa chọn chủ đề
và phát triển tính cách trong truyện ngắn 1945 – 1975). Ở phần mở đầu bài nghiên
cứu, tác giả khẳng định: “So với văn chương tiền chiến, văn xuôi cách mạng Việt
Nam có khá nhiều thay đổi, trước tiên là ở những nguyên tắc lựa chọn chủ đề, phát
triển tính cách nhân vật – những khâu quan trọng bậc nhất trong việc hình thành tác
9
phẩm”. Qua những dẫn chứng cụ thể, nhà nghiên cứu chỉ ra những chủ đề được lặp
đi lặp lại ở từng chặng và cách triển khai thể hiện chủ đề đó. Ở những năm đầu cách
mạng (khoảng 1945-1948), truyện ngắn tập trung thể hiện chủ đề “dứt bỏ” - được
hiểu là “vượt lên trên chết chóc, nhưng có khi đơn giản chỉ là vượt lên trên cuộc
sống phù hoa và cả những thói quen cũ, cách đánh giá cũ”. Theo Vương Trí Nhàn,
“chỉ trong hoàn cảnh có những thay đổi đột biến như cách mạng, chủ đề dứt bỏ mới
được thực hiện”. Từ nửa sau cuộc kháng chiến chống Pháp, “thức tỉnh”, “giác ngộ”
trở thành chủ đề thường gặp trong các truyện ngắn cách mạng. Để thể hiện chủ đề

đó, có hai cách dựng truyện phổ biến: cách đi vào một vài phút giây đột biến; và
cách nói tới những thay đổi dần dà chậm rãi, cho đến khi con người hoàn toàn
“khác trước”. Mở rộng phạm vi khảo sát, tác giả kết luận: chủ đề “nhận thức” và
chủ đề “ân nghĩa ân tình” là những chủ đề “có ý nghĩa bao trùm”, “làm nên hai
mạch truyện chính của nền văn học sau Cách mạng”. “Hai mạch truyện này lại phát
triển chồng chéo lên nhau ở nhiều mô-típ cốt truyện chung mà chúng ta thấy lặp đi
lặp lại nhiều lần đến mức không thể coi là ngẫu nhiên”. Về chủ đề “nhận thức”, theo
tác giả: “Những ngày đầu Cách mạng, để dứt bỏ với quá khứ, người ta phải nhận
thức; trong những năm tháng chiến đấu, để giữ vững ý chí, người ta phải nhận thức;
mà những khi đất nước có hoà bình, để bắt tay xây dựng và bảo vệ một cuộc sống
mới, người ta càng phải nhận thức”. “Như là một điều mặc nhiên, đối với tác giả mà
cũng là đối với nhân vật, muốn giải quyết việc gì, trước tiên phải dò lại con người
của mình, phải sòng phẳng với mình đã. Trước khi bắt tay vào hành động, cả tác giả
và nhân vật đều thấy cần thiết phải bước vào một cuộc “chỉnh huấn”, tự xác định,
để rồi cứ thế mà làm. Còn mối quan hệ giữa tư tưởng và hành động không bao giờ
được đặt ra, bởi bao giờ cũng được quan niệm là nhất trí”. Với chủ đề “ân nghĩa ân
tình”, Vương Trí Nhàn xác định có hai cách dựng truyện phổ biến: cốt truyện “gặp
gỡ” hoặc “đi vào cuộc sống thường ngày”. Và dù mạch truyện được triển khai theo
kiểu nào chăng nữa thì đều để khẳng định: Cách mạng đã đem lại cuộc đời thật tốt
đẹp, con người sống với nhau, trong mọi hoàn cảnh đều tràn đầy ân nghĩa ân tình.
“Nếu so sánh với một chủ đề truyện thường thấy ở văn học phương Tây hiện đại,
“sự bất tương thông”, sự xa lạ giữa người với người, thậm chí sự chia lìa ngay trong
con người một nhân vật nào đó – thì truyện Việt Nam 1945 – 1975 là cả một đối
10
cực”. Trên cơ sở xác định, lí giải những chủ đề phổ biến trong truyện ngắn sau Cách
mạng, tác giả khẳng định: “trong sáng giản dị” là một “đặc tính chủ yếu của con
người thời đại” 1945 – 1975.
Bài nghiên cứu trên của tác giả Vương Trí Nhàn tuy có dung lượng ngắn
(hơn chục trang viết) nhưng đã thâu tóm được những vấn đề cơ bản và cách triển
khai những vấn đề đó trong truyện ngắn 1945 – 1975. Đây chính là thao tác

nghiên cứu theo tinh thần của lí thuyết diễn ngôn (mặc dù ở thời điểm viết – năm
1978, tác giả có thể chưa tiếp cận với lí thuyết này). Có thể khẳng định, cách diễn
giải và giọng điệu của bài viết đã tạo nên một diễn ngôn riêng trong hệ thống công
trình nghiên cứu về truyện ngắn 30 năm sau Cách mạng tháng Tám.
Một bài viết khác, cũng rất đáng chú ý là Thử tìm hiểu loại hình các mô-tip
chủ đề trong văn học Việt Nam hiện đại của Lại Nguyên Ân, đăng trên Tạp chí
văn học số 6, năm 1987 (bạn đọc cũng có thể tìm bài viết trên tại địa chỉ mạng
Theo Lại Nguyên
Ân, những “chủ đề” mà Vương Trí Nhàn xác định trong bài viết Về sự lựa chọn
chủ đề và phát triển tính cách trong truyện ngắn sau cách mạng “chính là những
mô-típ chủ đề, những mô-típ nghĩa nghệ thuật đã được tạo ra trong nền văn học
mới”. Trong khuôn khổ một bài báo, với chủ ý “chỉ nêu một số nét vắn tắt, gợi ra
một hướng nghiên cứu phân tích”, tác giả Lại Nguyên Ân đã xác định những mô-
típ chủ đề cơ bản trong văn học mới Việt Nam từ sau Cách mạng. Đó là: mô-típ
cách mạng − ngày hội – một mô-típ nghệ thuật được thể hiện khá tập trung ở
những sáng tác thơ, văn, kịch ngay sau cách mạng và đầu cuộc kháng chiến thứ
nhất; mô-típ thức tỉnh, giác ngộ − một mô-típ chủ đề khác khá tiêu biểu ở văn học
thời kỳ đầu; mô-típ vươn mình, đổi đời hết sức phổ biến trong nền văn học mới;
mô-típ nén tình riêng vì nghĩa lớn của cách mạng − mô-típ phổ biến trong nhiều
sáng tác thơ và văn xuôi 1945 – 1975. Mô-típ "nén tình riêng…" lại là một trường
hợp của một mô-típ chung hơn: mô-típ quyết tâm chiến đấu. Ở văn học cách mạng
thời kì 1955 – 1964, mô-típ ân tình cách mạng - một trong những cách để cụ thể
hóa mô-típ "niềm vui cách mạng" thể hiện đặc biệt rõ; mô-típ xả thân vì nghĩa lớn
là mô-típ chủ đề phổ biến nhất trong văn học từ giữa những năm 1960 đến giữa
những năm 1970. Cũng ở khoảng thời gian những năm 1960-1970, trình bày nội
11
dung ngày thường của đời sống cách mạng là một mô-típ nghệ thuật có phạm vi
thể hiện khá rộng rãi trong sáng tác, nhất là ở văn xuôi. Mô-típ này được thể hiện
ở hai dạng thường gặp nhất: truyện chiến đấu và truyện sản xuất, tương ứng với
hai phạm vi được coi là hiện thực cách mạng quan trọng nhất trong đời sống chính

trị đất nước đương thời. Trên cơ sở mô tả những mô-típ chủ đề chính đã được tạo
ra trong nền văn học mới Việt Nam từ sau cách mạng (“nền văn học mới” được
khảo sát ở đây kéo dài từ 1945 tới 1985), Lại Nguyên Ân đi tới kết luận: “Có thể
thấy rõ là trong nền văn học mới của bốn chục năm qua, chủ yếu là văn học thời
gian 1945-1975, những nhóm thể tài thế sự và đời tư tương đối ít phát triển.
Chiếm vị trí chủ đạo là nhóm thể tài lịch sử dân tộc. Do vậy tính chất sử thi là đặc
điểm nổi bật, quyết định của nền văn học này”. Tác giả chỉ ra: thể tài đời tư với tư
cách là một thể tài độc lập rất ít phát triển trong nền văn học mới. Nó chỉ là một
yếu tố chức năng để triển khai những chủ đề văn học bao quát hơn − những chủ đề
gắn chặt với lợi ích dân tộc, với lịch sử dân tộc đương đại, với nội dung chính trị
của thời đại. Thể tài thế sự trong nền văn học mới tương đối phát triển hơn so với
thể tài đời tư. Tuy nhiên, về cơ bản, yếu tố thế sự vẫn ít phát triển và chủ yếu tồn
tại trong quan hệ phối thuộc (trực tiếp hoặc gián tiếp) với thể tài lịch sử-dân tộc
trong các sáng tác của văn học mới. Theo Lại Nguyên Ân, nếu có thể tìm được
một ví dụ rõ nhất cho nhận định “thể tài thế sự ít phát triển” thì đó là sự vắng bóng
của các thể châm biếm, trào phúng. Văn học của tiếng cười ở đây chủ yếu chỉ phát
triển ở mảng "đánh địch", chĩa mũi nhọn đả kích vào kẻ thù dân tộc. Châm biếm
nội bộ chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Do đó, có thể khẳng định, thể tài chiếm vị trí
chủ đạo, quyết định toàn bộ diện mạo và hệ thống thể loại của nền văn học Việt
Nam sau Cách mạng là nhóm thể tài lịch sử - dân tộc. Phạm vi của các tác phẩm
thuộc thể tài lịch sử-dân tộc gần như trùm hết toàn bộ các sáng tác được thừa nhận
của nền văn học này, tạo nên tính sử thi - tính chất chủ đạo, nét đặc trưng của toàn
bộ văn học giai đoạn sau cách mạng tháng Tám.
Có thể thấy, bài viết Thử tìm hiểu loại hình các mô-tip chủ đề trong văn học
Việt Nam hiện đại của Lại Nguyên Ân đã xác định được những đặc điểm cơ bản
về nội dung thể tài của văn học sau cách mạng nói chung, của truyện ngắn giai
đoạn này nói riêng. Đi xa hơn Vương Trí Nhàn ở bài viết Về sự lựa chọn chủ đề
12
và phát triển tính cách trong truyện ngắn sau cách mạng, tác giả Lại Nguyên Ân
mở rộng phạm vi khảo sát ở hầu khắp các thể loại của nền văn học mới, từ đó xác

định được nhiều hơn những mô-típ chủ đề trong một thời kì, giai đoạn văn học.
Tuy nhiên, có lẽ vì đi xa hơn, mở rộng phạm vi khảo sát ở nhiều thể loại hơn nên
tác giả lại ít có thời gian đi sâu vào riêng thể loại truyện ngắn 1945 – 1975. Những
chiến lược kiến tạo bức tranh thế giới để đạt được mục đích giao tiếp của truyện
ngắn 30 năm sau Cách mạng – điều mà tác giả Vương Trí Nhàn đã khai phá bước
đầu chưa được nghiên cứu tiếp nối. Dẫu sao, nhiều nhận định sắc sảo, tinh tế của
Lại Nguyên Ân về văn học 1945 – 1975, trong đó có truyện ngắn là những tham
khảo giá trị cho những ai tiếp tục muốn nghiên cứu về đối tượng truyện ngắn của
giai đoạn này.
Có thể nói, số lượng các công trình, bài viết về truyện ngắn 1945 – 1975 là
rất lớn. Các vấn đề được nêu ra về truyện ngắn 1945 – 1975 “phong phú và đa
dạng như chính đối tượng mà nó hướng tới” [121;4] (mà ở đây, chúng tôi chỉ điểm
qua các công trình được xem là tiêu biểu cho những hướng nghiên cứu đã có về
đối tượng này). Tuy nhiên, có thể thấy, cho đến nay, các công trình, bài báo về
truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 hầu như mới chỉ tập trung nói về
những tác phẩm thể hiện đường lối tư tưởng của Đảng, những sáng tác “được thừa
nhận” của nền văn học này. Những truyện ngắn chưa quán triệt đường lối, từng bị
phê phán thì rất ít được nhắc đến. Khoan chưa bàn vấn đề đúng sai về tư tưởng
của các tác phẩm từng bị phê phán đó, chúng tôi chỉ muốn nói rằng nếu chúng ta
dành sự chú ý cho cả những tác phẩm từng bị xem là “lệch chuẩn” của truyện
ngắn 1945 - 1975, chắc chắn cái nhìn, đánh giá về diện mạo, đặc điểm thể loại
truyện ngắn giai đoạn này sẽ toàn diện và chính xác hơn. Bên cạnh đó, truyện
ngắn 1945 – 1975, trong hầu hết các công trình đã có đều mới chủ yếu được xem
xét trong phạm vi lời nói nghệ thuật. Nói cách khác, truyện ngắn 1945 – 1975
(cũng như văn học nói chung) hầu như mới được nghiên cứu như một đơn vị nghệ
thuật chứ chưa được nghiên cứu như một đơn vị của giao tiếp – một loại diễn
ngôn, một thể loại lời nói. Trong bài viết Vấn đề thể loại lời nói, M. Bakhtin nhận
định: “Vấn đề thể loại lời nói chưa bao giờ được đặt ra một cách chính thức. Mới
chỉ có các thể loại văn học được nghiên cứu nhiều nhất. Nhưng từ thời cổ đại tới
13

bây giờ, chúng chỉ được nghiên cứu trong phạm vi đặc trưng văn học – nghệ thuật,
trong sự khác biệt giữa chúng với nhau (trong phạm vi văn học), chứ không được
nghiên cứu như những loại hình phát ngôn cụ thể” [94;10]. Nhận định đó đúng với
tình hình nghiên cứu văn học nói chung ở thời điểm mà M. Bakhtin viết tiểu luận
Vấn đề thể loại lời nói (những năm 1952, 1953), và về cơ bản vẫn đúng với tình
hình nghiên cứu văn học nói chung, nghiên cứu truyện ngắn Việt Nam 1945 –
1975 nói riêng tới nay. Vấn đề là tại sao cần nghiên cứu văn học như một diễn
ngôn? Theo M.Bakhtin, mỗi phát ngôn có ba bình diện, gồm nội dung chủ đề,
phong cách và tổ chức kết cấu. Ba bình diện ấy gắn bó chặt chẽ trong chỉnh thể
phát ngôn và bị những đặc điểm của một phạm vi giao tiếp cụ thể chế định. Nếu
coi văn học là một diễn ngôn, nghiên cứu nó như một đơn vị của giao tiếp, chúng
ta sẽ có cái nhìn đa chiều, toàn diện hơn về các sinh thể lời nói, từ mục đích tạo lời
tới chiến lược kiến tạo lời để đạt mục đích giao tiếp nhất định. Từ tinh thần lí
thuyết của M.Bakhtin, theo chúng tôi, nếu xem truyện ngắn 1945 – 1975 như một
trường diễn ngôn, ta sẽ nhìn thấy những bước vận động, những tiếng nói đa dạng,
không thuần nhất trong thể loại này và lí giải được nguyên nhân sinh thành, tồn tại
của chúng trong thời đại 30 năm chiến tranh đó.
1.2. Tình hình nghiên cứu diễn ngôn
1.2.1. Trên thế giới
T.A. Vandijk, trong Handbook of Language and Social Psychology (Cẩm
nang ngôn ngữ và tâm lí xã hội) cho rằng: “Mặc dù có nguồn gốc từ khoảng 2000
năm của thuật hùng biện, phân tích diễn ngôn như một ngành độc lập trong các
ngành khoa học xã hội và nhân văn đã nổi lên kể từ giữa những năm 1960”
[157;164].
Thực tế, ngay từ thập kỉ thứ 3, thứ 4 của thế kỉ XX, M. Bakhtin, trong các
công trình Ngôn từ sinh hoạt và ngôn từ nghệ thuật (1926), Phương pháp hình
thức trong nghiên cứu văn học (1928), Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ
(1929) (tác phẩm này có chương về lời nói của người khác), Ngôn từ tiểu thuyết
(1934 – 1935), Mấy vấn đề về thi pháp Dostoievski (được viết, in năm 1929, bổ
sung sửa chữa năm 1963) v.v… đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với các thể

loại lời nói. Khi tìm hiểu các công trình này, các nhà nghiên cứu nhận thấy
14
M.Bakhtin tập trung phân tích các khái niệm như “tekst”, “vyskazyvania”, “rech”
– chỉ phạm vi hoạt động viết, hoặc “slovo” – với nghĩa các thể loại lời nói, và dù
gọi là ngôn từ, là lời nói, là văn bản hay phát ngôn, về thực chất M.Bakhtin đã nói
về diễn ngôn (discourse). Theo sự diễn giải của J.Kristeva trong Một nền thi pháp
học sụp đổ thì “Nghĩa trực tiếp thứ nhất và thông dụng của từ này là “lời” (mot –
tiếng Pháp). Tuy nhiên, từ này còn có một nghĩa thứ hai, với một sự mở rộng
nghĩa cổ và có tính ẩn dụ, đó là “diễn ngôn” (discourse). Và với nghĩa thứ hai,
slovo – discourse là khái niệm chỉ ngôn ngữ được phát ra bởi một chủ thể và/hoặc
cái mà một chủ thể thực hiện trong ngôn ngữ” [94;75].
Từ giữa thế kỉ XX trở đi, khái niệm diễn ngôn (discourse) với tư cách là
một thuật ngữ xuất hiện và trở thành khái niệm trung tâm, được lưu hành rộng rãi
trong khoa học xã hội nhân văn. Bằng chứng là từ thời điểm này, đã ra đời hàng
loạt công trình nghiên cứu về diễn ngôn, trước hết dưới góc độ ngôn ngữ học và
triết học ngôn ngữ, sau đó dưới góc độ ngữ văn học và triết học xã hội, tiêu biểu
như: Nghiên cứu triết học (L.Wittgenstein, 1953), Vấn đề các thể loại lời nói
(M.Bakhtin, 1953), Độ không của lối viết (1953), Những huyền thoại (1957) của
R.Barthes, Trên đường đến với ngôn ngữ (M.Heidegger, 1959), Chân lý và
phương pháp (G.Gadamer, 1960), Từ ngữ và các vật (M.Foucault, 1966), Ngữ
pháp truyện Mười ngày (1969), Khảo cổ học tri thức (M.Foucault, 1969), S/Z
(R.Barthes, 1970), Dẫn luận văn chương kì ảo (1970), Thi pháp văn xuôi (1971)
của T.Todorov, Trật tự diễn ngôn (M.Foucault, 1971) Mĩ học sáng tạo ngôn từ
(M.Bakhtin, 1979), Cẩm nang về diễn ngôn – phân tích của T.A.Van Dijk (1985),
Diễn ngôn tự sự (G.Genette, 1988), Dẫn nhập phân tích diễn ngôn (D.Nunan,
1990) .v.v, Thi pháp học: từ điển các thuật ngữ và khái niệm bức
thiết (N.D.Tamarchenko chủ biên, 2008) v.v…
Đến nay, nghiên cứu diễn ngôn đã có một lịch sử tương đối dài và vấn đề
diễn ngôn ngày càng trở nên phức tạp, là cơ sở dẫn tới sự xuất hiện ngày càng
nhiều những công trình giới thuyết, tổng thuật về nghiên cứu diễn ngôn, trong đó,

Từ điển bách khoa thư về lí luận văn học hiện đại - mục từ Diễn ngôn của M.
Christine (1993), Diễn ngôn của S.Mills (1997), Các lí thuyết diễn ngôn hiện đại:
kinh nghiệm phân loại của O.F.Rusakova (2006) v.v là những công trình giới
15
thuyết, tổng thuật về nghiên cứu diễn ngôn đáng chú ý. Chúng tôi đặc biệt quan
tâm tới Các lí thuyết diễn ngôn hiện đại: kinh nghiệm phân loại của O.F.Rusakova
(Lã Nguyên dịch, 2013) bởi công trình tổng quan về nghiên cứu diễn ngôn này
mang tới hiểu biết khá bao quát về nguồn gốc, sự phát triển cũng như nội hàm
phức tạp của khái niệm diễn ngôn. Trong Các lí thuyết diễn ngôn hiện đại: kinh
nghiệm phân loại, O.F.Rusakova khẳng định: “Từ cuối những năm 1960, nhờ hệ
thống thuật ngữ và tư tưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại và kí hiệu học được quảng
bá rộng rãi trong giới học thuật, “bước ngoặt ngôn ngữ học” biến thành “bước ngoặt
diễn ngôn” [112]. O.F.Rusakova cho rằng: “Trong các công trình nghiên cứu thời
gian gần đây, thấy xuất hiện nhiều ý đồ phân loại và hệ thống hoá các lí thuyết diễn
ngôn, diễn ngôn – phân tích theo những cách khác nhau. Nhìn từ khía cạnh phương
pháp luận được đề xướng, có lẽ thú vị nhất là cách phân loại của T.A.Van Dijk,
J.Torfing, M.Jorgensen và L.Phillips” [112]. Trên cơ sở trình bày cụ thể ba hướng
phân loại lí thuyết diễn ngôn đã nêu, tác giả Các lí thuyết diễn ngôn hiện đại: kinh
nghiệm phân loại kết luận: “Các lí thuyết diễn ngôn không chịu sự ràng buộc của
bất kì bộ môn khoa học, hay đối tượng - tâm điểm nào. Cơ sở phương pháp luận của
diễn ngôn – lí thuyết về nguyên tắc có tính chất tổng hợp, liên ngành, còn phạm vi
đối tượng của các lí thuyết này bao giờ cũng rộng mở dành cho sự tiếp tục phát
triển. Trong tổng thể, các lí thuyết diễn ngôn nhiều không kể xiết thể hiện rất rõ xu
hướng phát triển ráo riết và rộng rãi, mang tính đa hệ hình, đa ngành của nghiên cứu
khoa học hiện đại” [112].
Có thể khẳng định, Các lí thuyết diễn ngôn hiện đại: kinh nghiệm phân loại
của O.F.Rusakova là một công trình tổng thuật khá chi tiết về tình hình phân loại
lí thuyết diễn ngôn. Trên cơ sở điểm lại ba hướng phân loại lí thuyết diễn ngôn mà
tác giả bài viết tâm đắc, quá trình phát triển của lí thuyết diễn ngôn trên thế giới
với những quan niệm đa dạng về diễn ngôn đã được giới thuyết ngắn gọn, sáng rõ.

Cũng ở công trình này, hầu hết các tên tuổi tiêu biểu thuộc nhiều cành nhánh của
nghiên cứu diễn ngôn – từ ngôn ngữ học đến triết học xã hội học đã được nhắc
đến. Tuy nhiên, qua tổng thuật của Rusakova, có thể thấy, ở cả ba hướng phân loại
lí thuyết diễn ngôn của T.A.Van Dijk, J.Torfing, M.Jorgensen và L.Phillips đều
chưa thấy nhắc tới tên tuổi M.Bakhtin và các học giả Nga như Tamachenko và
16
Chiupa cùng quan niệm đáng chú ý của họ về các thể loại lời nói – diễn ngôn, diễn
ngôn văn học. Theo chúng tôi, khi tổng quan về lịch sử nghiên cứu lí thuyết diễn
ngôn trên thế giới, không thể không nhắc tới nhánh nghiên cứu diễn ngôn theo
hướng “siêu ngôn ngữ học” mà M.Bakhtin là người khởi đầu, được J.Kristeva,
N.D.Tamachenko, V.I.Chiupa … vận dụng, phát triển. Thành tựu và quan niệm
của các tác giả thuộc hướng nghiên cứu này sẽ được chúng tôi nhắc tới khi điểm
lại một số công trình tổng thuật, lược thuật của các nhà nghiên cứu Việt Nam về
sự phát triển của lí thuyết diễn ngôn cũng như khi vận dụng để xác lập cơ sở lý
thuyết cho đề tài này.
1.2.2. Ở Việt Nam
Ở Việt Nam, vấn đề diễn ngôn được giới thiệu sớm nhất trong lĩnh vực ngôn
ngữ học. Có thể kể tên các công trình như: Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt của
Trần Ngọc Thêm (1985), Văn bản và liên kết trong tiếng Việt, Giao tiếp diễn ngôn
và cấu tạo văn bản của Diệp Quang Ban (1998, 2009), Dụng học Việt ngữ của
Nguyễn Thiện Giáp (2000), Đại cương ngôn ngữ học, tập 2 của Đỗ Hữu Châu
(2001), Phân tích diễn ngôn – một số vấn đề lí luận và phương pháp của Nguyễn
Hoà (2003), Từ điển tu từ – phong cách – thi pháp học của Nguyễn Thái Hoà
(2005).v.v.
Khi xem xét lịch sử sử dụng thuật ngữ diễn ngôn ở ta, không thể không nhắc
tới một số công trình nghiên cứu về diễn ngôn của nước ngoài được dịch sang tiếng
Việt, xuất hiện gần như đồng thời với những công trình biên soạn và nghiên cứu về
diễn ngôn của các nhà ngôn ngữ học trong nước, như: Dụng học, một số dẫn luận
nghiên cứu ngôn ngữ của George Yule (Hồng Nhâm, Trúc Thanh, Ái Nguyên dịch,
1997); Dẫn nhập phân tích diễn ngôn của David Nunan (Hồ Mỹ Huyền, Trúc

Thanh dịch, 1998); Phân tích diễn ngôn của Gillian Brown, George Yule (Trần
Thuần dịch, 2002), Dẫn luận ngữ pháp chức năng của Mark Halliday (Hoàng Văn
Vân dịch, 2004) .v.v. Có thể nói rằng, những bước phát triển về nghiên cứu diễn
ngôn của ta có được chính là một phần dựa trên sự tham chiếu những công trình
như trên.
Trong nghiên cứu văn học, các nhà nghiên cứu Việt Nam bắt đầu đến với lí
thuyết diễn ngôn thông qua tìm hiểu những công trình của các nhà nghiên cứu văn
17
học nước ngoài như Những vấn đề thi pháp Doxtoievxki và Lí luận và thi pháp
tiểu thuyết của M.Bakhtin (1993), Độ không của lối viết của R.Barthes (1997),
Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lí thuyết (2003), Các khái niệm và
các thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kì thế kỉ
XX của I.P.Lin (2003), Logic học về các vấn đề thể loại văn học của Kate
Hambuger (2004), Thi pháp văn xuôi (2004) của Tz.Todorov, Bản mệnh lí thuyết
của A.Compagnon (2006), Nhập môn Foucault của L.A.Fillingham, M.Susser
(2006), Dẫn luận về văn chương kì ảo của Tz.Todorov (2006), Thi học và ngữ học
của R.Jakobson (2008), Những huyền thoại của R.Barthes (2008) .v.v. Thông qua
việc dịch và giới thiệu những công trình như vậy, nhận thức về nghiên cứu diễn
ngôn văn học ngày càng được bồi đắp thêm.
Trên cơ sở tìm hiểu các công trình của nước ngoài bàn về diễn ngôn và diễn
ngôn văn học như đã nêu ở trên, các nhà nghiên cứu văn học ở Việt Nam đã có
những phân tích, trao đổi, bàn luận về việc hiểu khái niệm diễn ngôn, lí thuyết
diễn ngôn, từ đó vận dụng lí thuyết này vào phân tích các hiện tượng văn học.
Trong bài viết Bản chất xã hội thẩm mĩ của ngôn từ văn học của học giả
Trần Đình Sử (2004), khi giới thiệu M.Foucault với bình diện nghiên cứu mới về
“discourse” (Trần Đình Sử dịch là ngôn từ, nhưng nội hàm khái niệm được xác
định ở đây tương đương khái niệm diễn ngôn), tác giả đã nêu những luận điểm được
coi là cốt lõi nhất trong lí thuyết diễn ngôn của M.Foucault như: “ngôn từ là hoạt
động thực tiễn chủ yếu của con người, là hình thức biểu hiện ngôn ngữ của một
quần thể người trong một điều kiện xã hội, lịch sử nhất định”, “cơ chế thầm kín chi

phối quá trình biểu đạt ý nghĩa của ngôn từ đó là hình thái xã hội, trạng thái tri thức
của con người và cơ chế quyền lực trong xã hội”. Từ hiểu biết này, chúng ta nhận ra
rằng, khi coi mỗi tác phẩm văn học là một diễn ngôn, thì để hiểu diễn ngôn ấy, một
trong những việc chúng ta cần thực hiện là phải tìm hiểu những yếu tố đã chi phối
sự biểu đạt của tác phẩm. Cũng trong bài viết vừa nêu, trên cơ sở giới thiệu, phân
tích quan niệm của M.Bakhtin và M.Foucault về diễn ngôn, Trần Đình Sử chỉ ra
con đường hợp lí để tìm hiểu ngôn từ văn học là phải xuất phát từ sự thống nhất
giữa ngôn từ và ý thức. Và chỉ dẫn này giúp chúng ta hiểu rõ hơn thao tác cần thực
hiện khi nghiên cứu văn học từ góc độ diễn ngôn.
18
Năm 2008, trong bài viết Những bậc tiên phong của tư duy hậu hiện đại
nhà nghiên cứu Phương Lựu đã giới thiệu và chỉ ra “một số vấn đề trọng điểm”
trong quan niệm về diễn ngôn của M.Foucault: tri thức, quyền lực, trách nhiệm.
Tri thức – hệ hình tri thức là “nhận thức chung của cộng đồng” trong một thời đại
nhất định. “Hệ hình tri thức là cái gì gần như vô thức bao trùm lên từng thời đại,
khiến cho cùng một hiện tượng lại được nhận biết rất khác nhau qua từng thời
đại”. Tri thức luôn gắn bó chặt chẽ với quyền lực - “Cái gọi là chân lý tuyệt đối
chẳng qua là được quyết định bởi địa vị quyền uy cùng hình thái ý thức đại diện
cho nó”.“Cùng với tri thức và quyền lực, trách nhiệm cũng là một trọng điểm
nghiền ngẫm và suy tư của M.Foucault”. “Nếu tri thức là hư cấu của từ ngữ, quyền
lực là hư cấu của sự vật, thì trách nhiệm là hư cấu của chủ thể”. Và “mặc dù trong
từng lúc có thể đột xuất lên một khía cạnh nào đó, nhưng xét trong cả quá trình
nghiên cứu bất kỳ vấn đề gì thì tư duy của M.Foucault đều được song hành bởi ba
phương diện đó”. Với việc giới thiệu và diễn giải ngắn gọn, sáng rõ ba vấn đề
trọng yếu trong hệ thống lí thuyết của M.Foucault, tác giả Phương Lựu không chỉ
cho chúng ta thấy rõ vai trò tiên phong của M.Foucault (cùng với J.Lacan) đối với
sự hình thành và phát triển của tư duy hậu hiện đại, mà còn cho chúng ta hiểu rõ
hơn quan niệm rất sâu sắc của M.Foucault về diễn ngôn.
Năm 2009, tác giả Lã Nguyên, trong bài viết Chủ nghĩa hậu hiện đại như một
hệ hình thế giới quan, đã bàn về một số “luận điểm nòng cốt” trong hệ hình thế giới

quan của chủ nghĩa hậu hiện đại, mà “văn hóa là một hệ thống kí hiệu” và “thế giới là
một văn bản” là hai luận điểm rất đáng chú ý với người nghiên cứu diễn ngôn. Trước
hết, văn hóa là một hệ thống kí hiệu. “Ngôn ngữ, tư duy ngôn ngữ, hoạt động của con
người như một “thực tại diễn ngôn” luôn luôn là vấn đề trung tâm thu hút sự chú ý
của chủ nghĩa hậu hiện đại. Tuy có bất đồng trong tiểu tiết, nhưng về đại thể, các lí
luận gia của chủ nghĩa hậu hiện đại đều nhất trí cho rằng, chính ngôn ngữ quyết định
tư duy và mọi hoạt động đời sống. Chính ngôn ngữ chi phối người nói, chứ không
phải người nói điều khiển ngôn ngữ”.Và “sự hiểu biết của chúng ta về thế giới chỉ có
thể đạt được trong ngôn ngữ và bằng ngôn ngữ. Sự hiểu biết ấy không phải là sản
phẩm của “thế giới như nó vốn có”, mà là kết quả của “lịch sử các văn bản”. Thứ
hai, thế giới là một văn bản.“Với chủ nghĩa hậu hiện đại, cái được gọi là hiện thực
19
khách quan chẳng qua là một văn bản, một diễn ngôn, một “câu chuyện”. “Văn hoá -
của thời nào cũng thế - là tổng số của các văn bản, hoặc liên văn bản. Phải đặt vào
“trường diễn ngôn của văn hoá” mới có thể hiểu được các văn bản. “Theo Foucault,
mỗi thời đại bao giờ cũng chỉ có một hệ thống tri thức duy nhất được tạo ra bởi hoạt
động diễn ngôn của các khoa học khác nhau. Ông gọi hệ thống tri thức được tạo ra
bởi hoạt động ngôn ngữ như thế là “épistémè”, tạm dịch là “trường” (hoặc “không
gian”) tri thức thời đại”.“Trường tri thức thời đại” chính là chuẩn mực làm thành bộ
“mã ngôn ngữ”. Nó tự động chi phối và điều chỉnh từ trong nội tại cách thức hành
ngôn và tư duy của cá nhân. Nó vừa bị lệ thuộc vào cấu trúc nội tại của các tương
quan quyền lực, vừa hoạt động giống như một kiểu “diễn ngôn toàn trị”, một sức
mạnh áp đặt hợp thức. Cho nên, “trường tri thức thời đại” không thể mang tính
khách quan, trung tính. Những diễn giải như vậy tiếp tục bồi đắp cho chúng ta hiểu
biết về diễn ngôn, đồng thời gợi ý cho việc xác lập vấn đề nghiên cứu khi tìm hiểu
diễn ngôn văn học.
Năm 2013, trong bài viết Khái niệm diễn ngôn trong nghiên cứu văn học
hôm nay, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đã trình bày ngắn gọn, khái quát các vấn đề
cơ bản của nghiên cứu diễn ngôn: nội hàm khái niệm và nguyên nhân nảy sinh vấn
đề diễn ngôn. Theo tác giả, “Một thuật ngữ mới chỉ xuất hiện khi nào phát hiện chỗ

khiếm khuyết trong hệ hình tiếp cận cũ” [144].Việc F. de Sausure đối lập ngôn ngữ
với lời nói, chỉ nghiên cứu ngôn ngữ - hệ thống các nguyên tắc chi phối việc sử
dụng các yếu tố của ngôn ngữ như ngữ âm, từ vựng, cú pháp đã bỏ ngỏ phạm vi lời
nói và đây là cơ sở để các nhà ngữ học sau F. de Sausure mở ra lĩnh vực nghiên cứu
mới có tên gọi phân tích diễn ngôn. Theo tác giả Khái niệm diễn ngôn trong nghiên
cứu văn học hôm nay, về cơ bản, có ba hướng nghiên cứu diễn ngôn trên thế giới:
hướng nghiên cứu diễn ngôn trong ngôn ngữ học, nghiên cứu diễn ngôn trong văn
học và nghiên cứu diễn ngôn theo hướng xã hội học, lịch sử tư tưởng. Ở mỗi hướng
nghiên cứu, tác giả đã xác định những đại diện tiêu biểu và chỉ ra những luận điểm
cơ bản về lí thuyết diễn ngôn của từng hướng. Theo chúng tôi, đây là một công trình
tổng thuật có giá trị về nghiên cứu diễn ngôn, giúp người đọc có ý niệm cơ bản về
tình hình nghiên cứu diễn ngôn trên thế giới.
20
Cũng năm 2013, trong “Diễn ngôn”: Xung quanh chuyện từ dùng và thuật
ngữ đối ứng, Lê Thời Tân đã cho ta ý niệm rõ hơn về thuật ngữ diễn ngôn. Tác giả
bài viết này chỉ ra sự tương đồng và khác biệt trong nghiên cứu diễn ngôn của các
nhà tự sự học như R.Barthes, Tz.Todorov, G.Genette với các nhà ngôn ngữ học.
Tiếp nối tinh thần của các nhà ngôn ngữ học cấu trúc luận, các nhà tự sự học này
gạt qua một bên câu chuyện lời nói để nghiên cứu sáng tác tự sự dưới góc nhìn ngữ
pháp học cấu trúc luận, tức là đã “văn bản hóa” sáng tác nghệ thuật ngôn từ truyện
kể để tiếp cận nó theo cách mà F.de Saussure xưa kia từng dùng tiếp cận ngôn ngữ;
tuy nhiên, “không gian” nghiên cứu của các nhà tự sự học cấu trúc luận hoàn toàn
khác biệt với khu vực nghiên cứu của các nhà ngữ học. Trên thực tế, các đại biểu
R.Barthes, Tz.Todorov, G.Genette không phải là những nhà ngôn ngữ học thực sự
mà là những người vận dụng tinh thần ngôn ngữ học cấu trúc luận vào nghiên cứu
văn bản tự sự, từ đó đưa đến những ý hướng đặc biệt khi tiếp cận diễn ngôn.
Năm 2013, trong phần mở đầu bản dịch Diễn ngôn như một phạm trù của Tu
từ học và Thi pháp học hiện đại (V.I.Chiupa), nhà nghiên cứu – dịch giả Lã Nguyên
giới thiệu: “nếu các học giả Âu – Mĩ có công hoàn thiện thuật ngữ này như một
phạm trù của ngôn ngữ học và xã hội học, thì M.Bakhtin và các nhà nghiên cứu Nga

lại đặt nền móng để xây dựng khái niệm ấy thành một phạm trù của thi pháp học và
tu từ học hiện đại. Về phương diện này, không thể không kể tới những đóng góp to
lớn của hai Giáo sư Ngữ văn học nổi tiếng: Natan Davidovich Tamarchenko và
Valeri Igorovich Chiupa” [25]. Trong bài viết Diễn ngôn, V. I. Chiupa khẳng định:
diễn ngôn không phải là hệ thống kí hiệu, mà là hệ thống kí hiệu biểu hiện, được tạo
ra từ sự liên đới với các thẩm quyền giao tiếp diễn ngôn: thẩm quyền sáng tạo, thẩm
quyền của cái được biểu đạt và thẩm quyền tiếp nhận. “Tác phẩm văn học ở mọi
quy mô đều có thể xem là một đơn vị phát ngôn duy nhất, tức là một diễn ngôn, là
sự kiện của sự kiện (giao tiếp) hiện thực hoá một chiến lược giao tiếp nào đó trong
khuôn khổ của một hình thái diễn ngôn nhất định” [25]. Theo V. I. Chiupa, diễn
ngôn tựu trung là hoạt động phiên dịch những ý nghĩa nào đấy từ một ngôn ngữ hi
hữu của “lời nói bên trong” – sự thể hiện ý đồ của tác giả qua bức tranh thế giới.
Đây cũng là quan điểm của N. D. Tamarchenko. Trong hệ thống bài giảng về Thi
pháp học lí thuyết, N. D. Tamarchenko cho rằng: tác giả, để truyền thụ một nghĩa
21
nào đó cần tạo ra một cấu trúc nhất định. Ông nêu ví dụ: bất cứ ai, khi viết một
bức thư nào đó (kể cả thư cho đối tác trong kinh doanh) cũng đều phải cân nhắc
nên thể hiện bức thư theo hình thức như thế nào. Tác giả của tác phẩm nghệ thuật
cũng hành xử như vậy (phải cân nhắc cách thể hiện từ ngữ, cú pháp). Và độc giả -
người tiếp nhận, để hiểu nghĩa tác phẩm, cần phân tích cấu trúc tác phẩm, nói một
cách rõ ràng hơn, cần phân tích cách kiến tạo bức tranh thế giới của người sáng
tạo để xác định được điều tác giả muốn nói. Có thể nói, với người nghiên cứu diễn
ngôn văn học, những luận điểm như trên của N. D. Tamarchenko và V. I. Chiupa
là những điểm tựa lí thuyết quan trọng.
Bên cạnh những công trình lược thuật, tổng thuật, dịch thuật về diễn ngôn
như trên, còn phải kể tới các công trình biên soạn của các nhà nghiên cứu khác ít
nhiều đề cập tới vấn đề diễn ngôn, như: Chủ nghĩa cấu trúc và văn học của Trịnh
Bá Đĩnh (2002), Sự đỏng đảnh của phương pháp do Đỗ Lai Thúy biên soạn và
giới thiệu (2004), Tác phẩm như là quá trình của Trương Đăng Dung (2007), Lí
luận – phê bình văn học thế giới thế kỉ XX, tập 1, 2 do Lộc Phương Thủy chủ

biên (2007) .v.v…
Cùng với những công trình giới thiệu quan niệm của các học giả trên thế
giới về diễn ngôn, nhất là của M. Bakhtin và M. Foucault, trong những năm gần
đây xuất hiện một số bài viết, chuyên luận vận dụng quan điểm diễn ngôn của các
học giả này để phân tích các hiện tượng văn học. Dưới đây, chúng tôi điểm qua
một vài công trình đáng chú ý.
Diễn ngôn về tính dục trong văn xuôi hư cấu Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến
1945 của Trần Văn Toàn là một chuyên luận hữu ích với người nghiên cứu diễn
ngôn. Trong công trình này, tác giả đã giới thiệu khái quát quan niệm về tính dục
của M.Foucault: Theo M.Foucault: “Không nên nghĩ về tính dục như một cái gì đó
tồn tại khách quan mà quyền lực cố gắng kiềm chế hoặc như một lĩnh vực mờ tối
mà tri thức cố gắng từng bước khám phá ra. Tính dục là một tạo tác mang tính lịch
sử (historical construct)”. Một cách khái quát, tính dục có nguồn gốc từ những
thiết chế văn hóa hơn là từ những cơ chế sinh học. Vận dụng quan niệm này của
M.Foucault, Trần Văn Toàn đã đi vào phân tích diễn ngôn về tính dục trong văn
xuôi hư cấu Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945. Nhà nghiên cứu ý thức rất rõ là
22
mình đang nghiên cứu về diễn ngôn tính dục chứ không phải là nghiên cứu tính
dục. Và theo tác giả thì “việc tìm hiểu về diễn ngôn tính dục nếu có một ý nghĩa
nào đó thì chính là ở chỗ: nó giúp ta nhận thấy những nguyên nhân chiều sâu trong
việc kiến tạo và hình thành nên những con người ở một thời đại cụ thể”.
Tiểu thuyết Việt Nam đương đại nhìn từ góc độ diễn ngôn của Nguyễn Thị
Hải Phương cũng là một công trình nghiên cứu văn học theo lí thuyết diễn ngôn.
Trong công trình này, tác giả đã giới thuyết về diễn ngôn – diễn ngôn văn học –
diễn ngôn tiểu thuyết, trên cơ sở đó trình bày các khuynh hướng nổi bật của diễn
ngôn tiểu thuyết Việt Nam đương đại, chỉ ra cơ chế văn hóa xã hội chi phối sự
hình thành và vận hành các khuynh hướng diễn ngôn đó, lí giải tại sao chúng lại là
những khuynh hướng giữ vị trí quan trọng trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
Tác giả đã đi vào nghiên cứu hệ thống nhân vật chính để xem xét khả năng biểu
đạt tư tưởng của chúng, đồng thời xem xét các phương thức diễn ngôn được biểu

đạt qua hệ thống từ ngữ, biểu tượng, hệ thống tu từ…
Qua việc điểm một số công trình, chuyên luận, bài viết về diễn ngôn ở trên, có
thể thấy, diễn ngôn đang là vấn đề được quan tâm một cách nghiêm túc trong nghiên
cứu văn học ở ta. Dù có thể còn vấn đề này khác cần bàn lại trong một số bài viết, công
trình hay chuyên luận đã nêu, nhưng hướng đi của chúng vẫn là những gợi mở cần lưu
tâm, kết quả của những công trình đó là những kinh nghiệm đáng quý cho những
người tiếp tục muốn tìm hiểu và đọc văn chương từ góc độ diễn ngôn.
Từ việc tóm lược tình hình nghiên cứu diễn ngôn trên thế giới và ở Việt
Nam như trên, đối chiếu với thực tế nghiên cứu văn học theo lí thuyết diễn ngôn
tại Việt Nam, có thể thấy, mặc dù trong nghiên cứu văn học hiện nay, lý thuyết
diễn ngôn đã được quan tâm vận dụng, vẫn chưa có sự thống nhất về quan niệm
diễn ngôn và “phần nhiều vẫn đi theo ngữ học và văn hóa học” [144]. Trong khi
đó khái niệm diễn ngôn văn học vẫn ít được nhắc đến. Ở công trình này, với mục
đích nghiên cứu Truyện ngắn 1945 – 1975 như một trường diễn ngôn, chúng tôi
hi vọng sẽ góp phần làm rõ hơn vấn đề còn bỏ ngỏ đó.

×