VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
LÝ THỊ MINH HẰNG
KHÓ KHĂN TÂM LÝ CỦA PHỤ NỮ
TRONG ĐẤU TRANH CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
LUẬN ÁN TIẾN SĨ TÂM LÝ HỌC
Hà Nội -2014
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
LÝ THỊ MINH HẰNG
KHÓ KHĂN TÂM LÝ CỦA PHỤ NỮ
TRONG ĐẤU TRANH CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Chuyên ngành: Tâm lý học chuyên ngành
Mã số: 62.31.80.05
LUẬN ÁN TIẾN SĨ TÂM LÝ HỌC
Người hướng dẫn khoa học 1: PGS.TS. HOÀNG ANH
Người hướng dẫn khoa học 2: TS. LÊ VĂN HẢO
Hà Nội -2014
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Tất cả số liệu và kết
quả nghiên cứu trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kì một
công trình nào khác.
Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2014
Tác giả
Lý Thị Minh Hằng
MỤC LỤC
3. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU 3
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
BLGĐ : Bạo lực gia đình
CLB : Câu lạc bộ
CSAGA : Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học
về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên.
ĐTB : Điểm trung bình
ĐLC : Độ lệch chuẩn
HB : Hòa Bình
HN : Hà Nam
HV : Hành vi
HY : Hưng Yên
HPN : Hội phụ nữ
KKTL : Khó khăn tâm lý
NT : Nhận thức
TĐ : Thái độ
DANH MỤC BẢNG
Bảng 2.1. Đặc điểm khách thể nghiên cứu 65
Bảng 2.2. Các nhóm điểm của thang đo trong bảng hỏi 73
Bảng 3.1. Tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực tinh thần 80
Bảng 3.2. Tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực thể chất 81
Bảng 3.3. Tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực tình dục 82
Bảng 3.4. Tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực kinh tế 83
Bảng 3.5. Tỷ lệ các nhóm phụ nữ bị các hình thức bạo lực gia đình khác nhau 84
Bảng 3.6. Nhận thức không đúng vai trò của người phụ nữ trong gia đình đối với
việc đấu tranh chống bạo lực gia đình 86
Bảng 3.7. Nhận thức không đúng về hành vi bạo lực gia đình 89
Bảng 3.8. Thái độ tiêu cực đối với bản thân trong đấu tranh chống bạo lực gia đình 92
Bảng 3.9. Thái độ từ bỏ đấu tranh chống bạo lực gia đình với mong muốn giữ gìn
sự ổn định của gia đình 94
Bảng 3.10. Thái độ thiếu tin tưởng vào sự giúp đỡ của người thân và cộng đồng
trong đấu tranh chống bạo lực gia đình 96
Bảng 3.11. Hành vi của phụ nữ trong mối quan hệ với người xung quanh 100
Bảng 3.12. Hành vi giải quyết vấn đề bạo lực gia đình của phụ nữ 102
Bảng 3.13. Đánh giá mức độ khó khăn tâm lý của phụ nữ (tính theo %) 108
Bảng 3.14. Sự khác biệt giữa các nhóm phụ nữ bị các hình thức bạo lực gia đình
khác nhau 110
Bảng 3.15. Sự khác biệt giữa các mặt biểu hiện khó khăn tâm lý của phụ nữ tham
gia và không tham gia Câu lạc bộ “Cùng chia sẻ” 114
Bảng 3.16. Sự khác biệt về khó khăn tâm lý của phụ nữ thuộc các địa bàn khác
nhau 114
Bảng 3.17. Những khác biệt khó khăn về nhận thức trong đấu tranh chống bạo lực
gia đình 115
Bảng 3.18. Những khác biệt khó khăn về thái độ trong đấu tranh chống bạo lực gia
đình 116
Bảng 3.19. Những khác biệt khó khăn về hành vi trong đấu tranh chống bạo lực gia
đình 117
Bảng 3.20. Tỷ lệ phụ nữ chứng kiến bạo lực gia đình khi còn nhỏ 119
Bảng 3.21. Mức độ hài lòng về cuộc sống 121
Bảng 3.22. Sự hỗ trợ của người thân và cộng đồng đối với phụ nữ 123
Bảng 3.23. Tỷ lệ số con của phụ nữ tham gia khảo sát 126
Bảng 3.24. Dự báo thay đổi về khó khăn tâm lý từ thay đổi trong nhóm yếu tố chủ
quan 128
Bảng 3.25. Dự báo thay đổi về khó khăn tâm lý từ thay đổi trong nhóm yếu tố
khách quan 129
Bảng 3.26. Cụm các yếu tố dự báo mức độ khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu
tranh chống bạo lực gia đình 131
DANH MỤC HÌNH VẼ - ĐỒ THỊ - BIỂU ĐỒ
Hình 1.1. Nhận diện các giai đoạn trong chu kỳ bạo lực 35
Hình 1.2. Mô hình rào cản đối với phụ nữ 53
Hình 1.3. Mô hình rào cản tìm kiếm sự giúp đỡ (MBHS) 56
Đồ thị 2.1. Phân bố điểm khó khăn tâm lý về nhận thức của phụ nữ trong đấu tranh
chống bạo lực gia đình 71
Đồ thị 2.2a. Phân bố điểm khó khăn tâm lý về thái độ của phụ nữ trong đấu tranh
chống bạo lực gia đình 71
Đồ thị 2.2b. Phân bố điểm về khó khăn tâm lý trong thái độ (sau khi đã xử lý) 72
Đồ thị 2.3. Phân bố điểm khó khăn tâm lý về hành vi của phụ nữ trong đấu tranh
chống bạo lực gia đình 72
Đồ thị 2.4. Phân bố điểm khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu tranh chống bạo lực
gia đình 73
Biểu đồ 3.1. Nguồn hỗ trợ được phụ nữ bị bạo lực gia đình tìm kiếm 98
Biểu đồ 3.2. Đánh giá mức độ khó khăn tâm lý của phụ nữ 108
Hình 3.1. Tương quan giữa các mặt khó khăn tâm lý 106
Hình 3.2. Tương quan giữa các biểu hiện trong từng mặt khó khăn tâm lý 106
MỞ ĐẦU
1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI
Bạo lực gia đình đối với phụ nữ là vấn đề có tính chất toàn cầu. Hàng năm,
trên thế giới có khoảng 20-50% phụ nữ bị bạo lực về thể chất do bạn tình hoặc
thành viên gia đình gây ra[86]. Trước năm 1993, phần lớn các Chính phủ coi bạo
lực gia đình là vấn đề riêng tư của mỗi cá nhân. Hiện nay, thông qua các diễn đàn
quốc tế và khu vực cho sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ, bạo lực gia đình đã
được nhìn nhận như một trở ngại cho sự phát triển và là sự vi phạm không thể chấp
nhận được đối với nhân phẩm con người[41].
Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cũng phải đối mặt
với vấn đề bạo lực gia đình. Những năm qua, tình trạng bạo lực gia đình đã diễn ra
khá phổ biến ở mọi tầng lớp nhân dân và đã có mặt ở hầu hết các vùng khác nhau
trên đất nước. Kết quả từ nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở
Việt Nam (2010) cho thấy: Tỉ lệ bị bạo lực thể xác do người chồng gây ra cho phụ
nữ từng kết hôn chiếm 32%, bạo lực tinh thần là 54% và bạo lực tình dục là
10%[50]. Bạo lực gia đình đã tước đi của người phụ nữ sức khoẻ, tình thương yêu,
lòng tự tôn, làm gia đình tan nát. Không chỉ làm kiệt quệ kinh tế gia đình, bạo lực
gia đình còn gây thiệt hại cho cộng đồng, xã hội, đất nước ở nhiều mức độ khác
nhau. Nó làm giảm khả năng sản xuất của người phụ nữ trong gia đình và cộng
đồng, làm suy giảm nguồn lực từ các dịch vụ xã hội, làm giảm khả năng học tập và
giáo dục toàn diện, khả năng vận động và sáng tạo của phụ nữ, con cái và cả người
gây ra bạo lực.
Trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của đất nước ta hiện nay, cùng
với việc phát triển kinh tế, cải cách hành chính, giảm nghèo, thực hiện các chính
sách về công bằng xã hội, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc giải quyết
nạn bạo lực gia đình. Việt Nam đã chứng tỏ cam kết của mình đối với vấn đề chấm
dứt bạo lực đối với phụ nữ thông qua việc phê chuẩn một số Hiệp định quốc tế cơ
bản về quyền con người. Những cam kết này đã tạo cơ sở tiền đề cho việc xây dựng
các khung pháp lý và chính sách quốc gia nhằm giải quyết bạo lực đối với phụ nữ
tại Việt Nam. Năm 2006, Luật bình đẳng giới ra đời và tiếp theo là Luật Phòng,
Chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua năm 2007. Mặc dù Việt Nam đã
1
thể hiện cam kết cao trong việc xây dựng Luật và các chính sách đối phó với bạo
lực gia đình nhưng vẫn tồn tại khoảng trống giữa lý thuyết và thực tế triển khai.
Xã hội văn minh ngày càng giải phóng người phụ nữ, công nhận quyền của
người phụ nữ nhưng trong khá nhiều gia đình, bạo lực với người phụ nữ vẫn chưa
chấm dứt. Để xây dựng một nền văn hóa mới, đạo đức mới, công bằng và dân chủ, tự
chủ và văn minh thì phải đấu tranh chống lại bạo lực gia đình. Tiếc rằng, phần lớn
những phụ nữ bị bạo lực thường không dám đối diện với vấn đề này. Họ vẫn thường
dấu kín, e ngại bày tỏ, không dám tìm kiếm sự trợ giúp. Họ cố gắng chịu đựng với
mong muốn có được sự bình yên trở lại trong gia đình. Chính vì vậy mà hậu quả của
bạo lực thường rất nghiêm trọng. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự
thiếu hiểu biết của người phụ nữ cũng như thiếu sự hỗ trợ của cộng đồng trong phòng
chống bạo lực gia đình. Vì vậy, cần thiết phải thay đổi nhận thức và thái độ của xã
hội từ quan niệm cho rằng bạo lực gia đình là chuyện riêng tư, chuyện nội bộ trong
mỗi nhà sang nhìn nhận bạo lực gia đình là một sự vi phạm quyền con người và ảnh
hưởng nghiêm trọng đến nhân phẩm con người.
Trong tiến trình chung của công cuộc phòng chống bạo lực gia đình, mỗi cá
nhân, cơ quan, tổ chức cần có những nỗ lực trong hoạt động của mình để góp phần
cải thiện tình trạng này. Đặc biệt, cần xây dựng một cơ sở dữ liệu nhằm giải quyết
vấn đề bạo lực gia đình ở Việt Nam. Thông tin và những dữ liệu từ các ban ngành
liên quan có thể tạo nên một cơ sở bằng chứng vững chắc cho việc xây dựng các
hoạt động nâng cao nhận thức, vận động chính sách, phát triển chương trình, can
thiệp và theo dõi, đánh giá công tác phòng chống bạo lực gia đình.
Trước đòi hỏi này, nghiên cứu ứng dụng rất có giá trị để giải quyết các vấn đề
đang đặt ra cho khoa học và thực tiễn. Thời gian qua, nghiên cứu Xã hội học đã có
nhiều đóng góp trong công tác Phòng, chống bạo lực gia đình. Kết quả nghiên cứu đã
chỉ ra thực trạng mức độ, nguyên nhân và hậu quả của bạo lực gia đình. Tuy nhiên,
để giảm thiểu và chấm dứt hành vi bạo lực, vấn đề cốt lõi là cần phát hiện và chỉ rõ
nguyên do của những khó khăn tâm lý mà phụ nữ đang gặp phải. Vì vậy, việc nghiên
cứu đề tài: “Khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu tranh chống bạo lực gia đình ”
là rất cần thiết.
2
2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
Phát hiện những khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu tranh chống bạo lực gia
đình và những yếu tố tác động đến khó khăn tâm lý này. Trên cơ sở đó, đề xuất một
số biện pháp giúp phụ nữ khắc phục những khó khăn tâm lý đã được xác định.
3. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
Biểu hiện và mức độ khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu tranh chống bạo lực gia
đình.
4. KHÁCH THỂ NGHIÊN CỨU
Khảo sát bằng bảng hỏi 150 phụ nữ và phỏng vấn sâu 30 phụ nữ. Bên cạnh đó,
chúng tôi còn trưng cầu ý kiến của 5 chuyên gia Tâm lý học, 8 cán bộ hoạt động
trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, 12 cán bộ quản lý xã, thôn (Hội phụ
nữ, Hội nông dân, Trưởng thôn ).
5. GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU
5.1. Khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu tranh chống bạo lực gia đình biểu
hiện trên cả ba mặt: Nhận thức, thái độ và hành vi, trong đó khó khăn về thái độ
trong đấu tranh chống bạo lực gia đình được thể hiện rõ nét nhất.
5.2. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu tranh
chống bạo lực gia đình như: Chứng kiến bạo lực gia đình khi còn nhỏ, trình độ học
vấn, mức độ hài lòng về cuộc sống, sự hỗ trợ của cộng đồng…trong đó sự hỗ trợ của
cộng đồng có ảnh hưởng nhiều nhất đến các mặt biểu hiện của khó khăn tâm lý.
5.3. Xây dựng niềm tin- Nâng cao nhận thức – Tạo sức mạnh hành động tích
cực cho phụ nữ sẽ giúp họ hạn chế và khắc phục những khó khăn tâm lý trong đấu
tranh chống bạo lực gia đình.
6. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
6.1. Xây dựng cơ sở lý luận nghiên cứu khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu
tranh chống bạo lực gia đình. Cụ thể: Làm rõ khái niệm công cụ: “Khó khăn tâm
lý”, “Bạo lực gia đình đối với phụ nữ", “Đấu tranh chống bạo lực gia đình”, “Khó
khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu tranh chống bạo lực gia đình”; Xác định biểu hiện
khó khăn tâm lý, tiêu chí đo và yếu tố tác động đến khó khăn tâm lý được nghiên
cứu.
6.2. Làm rõ thực trạng khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu tranh chống bạo lực
gia đình, các yếu tố ảnh hưởng đến khó khăn tâm lý và mối tương quan giữa chúng.
3
6.3. Đề xuất một số biện pháp khắc phục khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu
tranh chống bạo lực gia đình.
7. GIỚI HẠN PHẠM VI NGHIÊN CỨU
7.1. Giới hạn về nội dung nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu bạo lực của chồng đối với phụ nữ.
Khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu tranh chống bạo lực gia đình được
xem xét ở các mặt biểu hiện về nhận thức, thái độ và hành vi.
Luận án chỉ đề xuất một số biện pháp khắc phục khó khăn tâm lý của phụ nữ
trong đấu tranh chống bạo lực gia đình mà không tiến hành thực nghiệm.
7.2. Giới hạn về khách thể nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện trên nhóm khách thể là phụ nữ bị bạo lực.
7.3. Giới hạn về địa bàn nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện tại 6 xã thuộc 3 tỉnh phía Bắc:
- Xã Liêm Cần và Liêm Phong thuộc huyện Thanh Liêm- Hà Nam
- Xã Phạm Ngũ Lão và Song Mai thuộc huyện Kim Động - Hưng Yên
- Xã Mường Khến và Thanh Hối thuộc huyện Tân Lạc- Hoà Bình
8. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
8.1. Những nguyên tắc phương pháp luận
- Tiếp cận hoạt động: Thông qua hoạt động, những đặc điểm tâm lý của cá
nhân hay của nhóm sẽ được hình thành, biểu hiện và phát triển một cách rõ ràng
nhất. Vì thế, những khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu tranh chống bạo lực gia
đình được chúng tôi tiến hành nghiên cứu thông qua hoạt động thực tiễn của phụ
nữ. Cách tiếp cận này nhằm nghiên cứu các mặt biểu hiện về nhận thức, thái độ và
hành vi của khó khăn tâm lý trong đấu tranh chống bạo lực gia đình của phụ nữ.
- Tiếp cận hệ thống: Cần phải xem xét, nghiên cứu các chuẩn mực văn hóa
của dân tộc (lối sống, hệ thống giá trị truyền thống,…), coi đây là những chuẩn
mực chủ chốt trong quá trình xác định các yếu tố ảnh hưởng đến khó khăn tâm
lý. Đồng thời, việc nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ phải đứng trên
quan điểm bình đẳng giới, trong đó cần quan tâm đến quyền của phụ nữ. Cần xác
định khó khăn khiến bên có quyền (phụ nữ) không thực hiện được quyền của mình,
đồng thời xác định khó khăn khiến bên có trách nhiệm (các cơ quan, ban ngành, đoàn
thể ) không hoàn thành nghĩa vụ của mình. Cách tiếp cận này nhằm xem xét các yếu
4
tố ảnh hưởng đến khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu tranh chống bạo lực gia đình
và đề xuất những biện pháp tâm lý nhằm giảm thiểu khó khăn tâm lý đó.
8.2. Các phương pháp nghiên cứu cụ thể
8.2.1. Phương pháp nghiên cứu văn bản, tài liệu
8.2.2. Phương pháp điều tra bảng hỏi
8.2.3. Phương pháp phỏng vấn sâu
8.2.4. Phương pháp quan sát
8.2.5. Phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình (case study)
8.2.6. Phương pháp lấy ý kiến chuyên gia
8.2.7. Phương pháp thống kê toán học
9. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
Khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu tranh chống bạo lực gia đình là một
chủ đề khó nghiên cứu về cả nội dung cũng như phương pháp thực hiện. Cho đến
nay, ở Việt Nam có rất ít công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề này, đặc biệt
dưới góc độ Tâm lý học.
9.1. Đóng góp về mặt lý luận
Luận án đã xây dựng được khái niệm khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu
tranh chống bạo lực gia đình, chỉ ra được các biểu hiện cụ thể của khó khăn tâm lý
về nhận thức, thái độ và hành vi, tiêu chí đánh giá khó khăn tâm lý và một số yếu tố
tác động đến khó khăn tâm lý được nghiên cứu. Những nét mới này góp phần làm
sáng tỏ hơn lý luận về khó khăn tâm lý nói chung và của người phụ nữ nói riêng
trong đấu tranh chống bạo lực gia đình.
9.2. Đóng góp về mặt thực tiễn
Luận án đã mô tả được bức tranh khó khăn tâm lý trên các mặt nhận thức,
thái độ và hành vi của người phụ nữ trong đấu tranh chống bạo lực gia đình và thực
trạng một số yếu tố tác động đến khó khăn tâm lý này. Trên cơ sở đó, một số biện
pháp tác động tâm lý: Xây dựng niềm tin- Nâng cao nhận thức- Tạo sức mạnh hành
đồng cho phụ nữ được xác định là có hiệu quả trong giảm bớt khó khăn tâm lý.
Những kết quả mới này có thể góp phần vào việc phòng, chống bạo lực gia đình đối
với phụ nữ hiện nay.
5
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN NGHIÊN CỨU KHÓ KHĂN TÂM LÝ
CỦA PHỤ NỮ TRONG ĐẤU TRANH CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU KHÓ KHĂN TÂM LÝ CỦA PHỤ
NỮ TRONG ĐẤU TRANH CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Theo nhiều nghiên cứu, loại hình bạo lực gia đình phổ biến nhất là bạo lực
đối với phụ nữ mà thủ phạm là chồng hay bạn tình gây ra. Dạng bạo lực này có thể
xảy ra ở những cặp đã kết hôn hoặc chưa kết hôn, những cặp đồng tính, những cặp
đã ly thân hoặc ly dị. Vì thế, trong nhiều tài liệu nghiên cứu, bạo lực gia đình đối
với phụ nữ còn được gọi là bạo lực trong mối quan hệ thân thiết (IPV).
1.1.1. Những nghiên cứu khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu tranh chống
bạo lực gia đình ở nước ngoài
1.1.1.1. Những nghiên cứu về bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình đối với phụ nữ là hiện tượng xảy ra ở mọi quốc gia trên
thế giới, là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng và nhân quyền cơ bản. Nó có thể ảnh
hưởng đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của người phụ nữ. Từ những thập niên
80 của thế kỷ XX, các nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tăng nhanh
ở cả những nước có thu nhập cao và thu nhập thấp cho thấy tính nghiêm trọng và
quy mô của vấn đề này [110].
Số liệu báo cáo từ nhiều quốc gia cho thấy bạo lực gia đình đối với phụ nữ
chiếm một tỉ lệ tương đối cao. Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), ở
hầu hết các nước phương Tây, khoảng ¼ phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực gia đình
dưới nhiều hình thức khác nhau: Bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần và bạo lực tình
dục[115].
Dạng bạo lực được nghiên cứu phổ biến nhất là bạo lực thể chất. Kết quả
nghiên cứu thực hiện ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới trong khoảng 10 năm từ
1994 đến 2005 cho thấy có khoảng 10->70% phụ nữ đang phải gánh chịu hình thức
bạo lực này. Cụ thể trong báo cáo của Hesei (1994) về kết quả nghiên cứu từ 35
nước đã chứng minh rằng có khoảng từ 20-> 50% phụ nữ các nước này bị chồng
đánh đập [86]. Tiếp đó là nghiên cứu điều tra dựa trên số dân ở 48 nước trên thế
6
giới về các yếu tố nguy cơ về bạo lực gia đình đối với phụ nữ đã chỉ ra 10-69% phụ
nữ cho biết họ đã trải qua một số bạo lực thân thể bởi một người bạn tình của họ
trong đời[53]. Gần đây nhất, nghiên cứu đa quốc gia của Tổ chức Y tế thế giới
(2005) về bạo lực đối với phụ nữ được tiến hành ở 11 quốc gia cho biết 13-61% phụ
nữ bị bạo lực thể chất bởi một người bạn tình.[115]
Dạng bạo lực thể chất có liên quan chặt chẽ với bạo lực tình dục. Theo một số nhà
nghiên cứu, bạo lực tình dục là hiện tượng người vợ bị chồng ép buộc trong sinh
hoạt tình dục, đặc biệt khi người chồng trở về nhà trong cơn say rượu. Ở Mỹ,
khoảng 10-14% phụ nữ bị buộc phải sinh hoạt tình dục với chồng khi họ không
mong muốn và trong số những người bị chồng đánh có ít nhất 40% người bị ép
buộc trong quan hệ tình dục. Tỉ lệ phụ nữ bị bạo lực cả về thể chất và tình dục
chiếm từ 30-50%. Nghiên cứu định tính về “Quá trình ra quyết định về nạo phá thai
của phụ nữ có chồng” ở hai làng thuộc bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) cho thấy 68%
những người được phỏng vấn trả lời họ bị chồng ép buộc phải sinh hoạt tình dục lúc
họ không muốn, nếu từ chối họ có thể bị đánh.[32]
Ở hầu hết các nước, nghiên cứu về phạm vi và sự ảnh hưởng của bạo lực tinh
thần đối với phụ nữ còn rất ít. Mặc dù vậy, theo kết quả nghiên cứu của Silke Meyer
(2010), phụ nữ bị bạo lực tinh thần chiếm tỉ lệ khá cao từ 40-75% [97, tr.244]. Các
biểu hiện của loại bạo lực này được Catherine So-kum Tang mô tả trong nghiên cứu
về “Bạo lực tinh thần đối với phụ nữ Trung quốc” bao gồm các hành vi đe doạ,
kiểm soát, ghen tuông, cô lập…[67]. So sánh tỉ lệ phụ nữ bị các dạng bạo lực khác
nhau thông qua báo cáo từ các nghiên cứu trên, chúng tôi nhận thấy, bạo lực tinh
thần xảy ra phổ biến nhất.
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới về “Bình đẳng giới và phát triển”
(2012), mức độ bạo lực gia đình giữa các quốc gia có những khác biệt rất lớn và
không có quan hệ rõ ràng với thu nhập, trong khi phạm vi bạo lực có xu hướng gia
tăng cùng suy thoái kinh tế -xã hội, bạo lực không phân biệt ranh giới. Tại một số
quốc gia có thu nhập trung bình, chẳng hạn như Braxin và Secbia có tới 25% phụ
nữ bị bạn đời hoặc người thân bạo lực thể chất. Tại Peru, gần 50% phụ nữ là nạn
nhân của bạo lực thể chất trong suốt cuộc đời. Theo báo cáo ở Etiopia, 54% phụ nữ
bị người thân lạm dụng thể chất hoặc tình dục trong vòng 12 tháng qua.[36, tr21]
7
Catherine So-kum Tang [67, tr299] trong nghiên cứu về “Bạo lực tinh thần
đối với những người vợ ở Trung Quốc” đã khẳng định: Các nghiên cứu nhân chủng
học và xuyên văn hoá cũng chỉ ra rằng mặc dù hành động bạo lực vợ là hiện tượng
phổ biến trên thế giới nhưng cần cân nhắc tính đa dạng trong việc xác định hành vi
bạo lực, sự thừa nhận tần suất và mức độ nghiêm trọng của nó với các xã hội khác
nhau. Các nhà nghiên cứu cũng đang tranh cãi về tính đa dạng xã hội trong hành vi
bạo lực vợ phụ thuộc vào mức độ bạo lực nói chung, sự can thiệp của cộng đồng,
mức độ chấp nhận nam tính và quan trọng nhất là sự thừa nhận mang tính văn hoá
-xã hội đối với những hành vi đó. Ngoài ra, việc xác định mẫu trong các nghiên cứu
cũng là vấn đề cân nhắc về tính đại diện cho việc khẳng định tỉ lệ phụ nữ bị bạo lực ở
mỗi quốc gia.
Tóm lại, nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ được thực hiện ở hầu
khắp các quốc gia trên thế giới cho thấy tính phức tạp, đa dạng của các hình thức
bạo lực. Sự ảnh hưởng nghiêm trọng của nó không chỉ đối với cá nhân, cộng đồng
mà còn đối với toàn xã hội đã chỉ ra sự cần thiết phải đấu tranh nhằm ngăn chặn và
xóa bỏ tệ nạn xã hội này.
1.1.1.2. Những nghiên cứu về đấu tranh chống bạo lực gia đình
Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ ở Mỹ và các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ
la tinh hết sức phổ biến và đa dạng, trong đó có bạo lực gia đình. Trong rất nhiều
nghiên cứu, các tác giả đã cung cấp một cái nhìn toàn cảnh và chiến lược liên quan đặc
biệt đến bạo lực giới. Cụ thể: Mở rộng chương trình tuyên truyền vận động, giáo dục,
cải cách pháp luật và hành động chống bạo lực đối với phụ nữ [58],[60],[66],[107],
[108],[111].
DeeL.R Graham cùng với Edna I. Rawling và Roberta K. Rigsby (1994) cho
thấy bạo lực đã đưa đến sự sợ hãi của nhiều phụ nữ và hiện tại họ như những kẻ nô
lệ, bị giam cầm và liên tục bị đánh sẽ làm mất khả năng xây dựng năng lực cho bản
thân. Họ trở nên tôn sùng, yêu và nghe lời người gây bạo lực (hội chứng
Stockholm). Các tác giả đã đưa lăng kính nữ quyền vào việc chữa trị cho phụ nữ
trong hội chứng Stockholm này. Bằng cách đi sâu vào các vấn đề lý thuyết nữ
quyền, các tác giả đã phê phán quan điểm của S.Freud đã không gắn tâm lý của phụ
8
nữ với hoàn cảnh văn hoá cụ thể, thừa nhận bạo lực đã ảnh hưởng đến cuộc sống
của phụ nữ, cần được ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi nạn bạo lực nguy hiểm này[73].
Bên cạnh đó, Deirdre Lashgari (1995) đã trình bày các tư tưởng về sự im
lặng, sự tức giận và nhu cầu nói lên tiếng nói chống lại bạo lực đối với phụ nữ, đặc
biệt là bạo lực trong gia đình[74].
Như vậy, các nghiên cứu về đấu tranh chống bạo lực gia đình đã chỉ ra được
những vấn đề lý luận về bản chất của quá trình đấu tranh chống bạo lực gia đình là
ngăn chặn và xóa bỏ bạo lực nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ.
1.1.1.3. Những nghiên cứu về khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu tranh
chống bạo lực gia đình
Bên cạnh việc đánh giá mức độ, tần suất và các dạng thức bạo lực gia đình,
các nghiên cứu đã đi sâu tìm hiểu suy nghĩ, thái độ, cách ứng phó của phụ nữ trước
hành vi bạo lực, đồng thời cũng chỉ ra những nguyên nhân cơ bản khiến bạo lực vẫn
tiếp diễn. Kết quả chung cho thấy phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong đấu tranh chống
bạo lực gia đình.
* Biểu hiện khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu tranh chống bạo lực gia đình
“Cách nhìn của phụ nữ về cách nhìn của nam giới” là tựa đề một bài viết
trong cuốn “Sự thống trị của nam giới” (2010) của tác giả Pierre Bourdieu. Ở đây,
tác giả khẳng định rằng phụ nữ có một lòng tin đơn thuần về việc cần tuân thủ một
cách vô điều kiện chồng mình. Họ thấy mình có sự lệ thuộc vào suy nghĩ của người
chồng và như vậy mang lại cho họ một cảm giác an toàn hơn. Vì thế, họ có khuynh
hướng ước lượng thành công của mình dựa theo thành công của chồng. Họ tin vào
tình yêu số phận- đó là tình yêu đối với kẻ thống trị và sự thống trị của kẻ đó, vì thế
mà từ bỏ ham muốn thống trị.[42, tr 120-139]
Nhận thức về vai trò người phụ nữ trong gia đình như vậy đã khiến những
người bị bạo lực có một niềm tin sâu sắc về sự phụ thuộc của mình vào chồng.
Trong tài liệu hướng dẫn tư vấn qua điện thoại cho phụ nữ bị bạo lực gia đình
(1999), tác giả Lucinda Willshire cho rằng người phụ nữ bị trói buộc vào cuộc sống
bạo lực bởi họ không tin rằng mình có thể tự sống được; tin rằng chồng mình sẽ
thay đổi; cho rằng con cái sẽ tốt hơn khi ở với cả bố và mẹ. Những suy nghĩ đó đã
mang lại cho người phụ nữ nhiều cảm xúc tiêu cực như [31]:
9
- Sợ sự nghèo đói khi phải tự chi trả nhiều khoản và không có tiền dành dụm.
- Sợ chồng đe doạ giết mình và nói sẽ giết con cái và bố mẹ đẻ của mình.
- Địa phương, gia đình có lẽ không chấp nhận phụ nữ ly thân hoặc ly hôn
nên sợ làm ảnh hưởng đến những người thân nếu rời bỏ người chồng.
- Yêu chồng và cảm thấy có tội và lo lắng cho anh ta.
- Sợ sẽ mất con
- Xấu hổ nếu ly hôn
- Xấu hổ về sự ngược đãi của chồng và muốn giấu kín.
- Cảm thấy mình đáng phải chịu sự ngược đãi của chồng.
Cảm xúc của phụ nữ là khía cạnh được các nhà nghiên cứu rất chú ý xem
xét. Thông qua phương pháp nghiên cứu chủ yếu là phỏng vấn sâu và phân tích câu
chuyện cuộc đời, cảm xúc của phụ nữ được lột tả một cách chân thực và rõ nét.
Jan E.Saets và Murray A.Straus cho thấy những tổn thương về mặt tinh thần
thường thể hiện ở sự buồn phiền, căng thẳng và các triệu chứng thần kinh như: Sự
chán nản; cảm giác tồi tệ, mất hết giá trị; không còn cảm thấy điều gì thú vị nữa,
hoàn toàn mất hy vọng về mọi thứ, nghĩ đến cái chết và tìm đến cái chết, lo lắng,
thấy không có khả năng vượt qua được những khó khăn ngày càng lớn, thấy bản
thân không thể đương đầu với những gì mình phải làm.[82]
Gillian Mezey cùng các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu trên 200 phụ nữ
đang được chăm sóc trước và sau sinh tại dịch vụ sản phụ ở miền Nam Luân Đôn bị
bạo lực. Kết quả cho thấy, 47 phụ nữ (chiếm 23,5%) bị bạo lực gia đình (cả bạo lực
thể chất và tình dục); 13 phụ nữ (10,7%) những người đã từng bị chấn thương và
hiện tại bị rối loạn căng thẳng. Triệu chứng sau chấn thương được gắn kết với quá
trình ngược đãi về thể chất, tình dục và lặp lại sự ngược đãi. Những yếu tố xã hội
quan trọng gắn kết với chấn thương là tình trạng sống đơn độc, tách biệt hoặc sống
trong mối quan hệ không như vợ chồng.[79]
Như vậy, những dấu hiệu cảm xúc tiêu cực ở phụ nữ khá phổ biến. Họ sống
trong nỗi lo lắng và thấy không có khả năng vượt qua những khó khăn ngày càng
lớn, thấy bản thân không thể đương đầu với những gì mình phải làm, chán nản, có
cảm giác tồi tệ về bản thân, thấy mình mất hết giá trị, mất hy vọng về cuộc sống của
bản thân, nghĩ đến cái chết và thậm chí đã tìm đến cái chết.
10
Vì thế, phụ nữ thường khó khăn trong việc lựa chọn quyết định cho mình.
Belknap, Ruth Ann [62, tr387-404] thực hiện phỏng vấn sâu 18 phụ nữ nông thôn,
yêu cầu mỗi người nói rõ về những khó khăn trong cuộc sống cũng như cách họ đã
ứng phó. Có 3 loại quyết định cơ bản được phụ nữ đưa ra: a) Rời bỏ mối quan hệ
hiện có; b) Kháng cự lại; c) Tiếp tục sống trong sự đe doạ đó. Việc đưa ra quyết
định này có những khó khăn do mâu thuẫn với vấn đề đạo đức truyền thống. Vì thế,
hầu hết phụ nữ có xu hướng chấp nhận bạo lực.
Đặc biệt, nghiên cứu về “Bạo lực gia đình trong cộng đồng di cư Châu Á”
của nhóm tác giả Lee, Yeon- Shim, Hadeed, Linda(2009) đã chỉ ra rằng: Bạo lực gia
đình là một dịch bệnh nghiêm trọng giữa các cộng đồng người nhập cư châu Á. Tuy
nhiên, còn ít thông tin về phạm vi, tính chất, và các yếu tố văn hóa và xã hội liên
quan đến bạo lực gia đình. Tác giả xem xét kỹ lưỡng một số lĩnh vực: (a) Bối cảnh
bạo lực gia đình; (b) Tỉ lệ bạo lực gia đình; (c) Nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua
đường tình dục và HIV/AIDS; (d) Những hậu quả sức khỏe tâm thần và thể chất;
(e) Hỗ trợ xã hội và giúp đỡ hành vi tìm kiếm và (f) Rào cản đối với việc sử dụng
dịch vụ. Nghiên cứu đã làm rõ khá nhiều khía cạnh liên quan đến khó khăn tâm lý
của phụ nữ trong đấu tranh chống bạo lực gia đình xét về cả khía cạnh cá nhân và
xã hội. [89,tr143-170]
Menon, Niveditha [94,tr702] đã nỗ lực mang lại sự rõ ràng đối với nhiều loại
bạo lực gia đình thông qua nghiên cứu “Mối quan hệ giữa chế độ phụ hệ, bạo lực
gia đình và sự nỗ lực của phụ nữ”. Mặc dù chế độ phụ hệ đã được phần lớn nghiên
cứu cho là nguyên nhân chính của bạo lực gia đình nhưng các quá trình đánh dấu
mối quan hệ này hiếm khi được đánh giá. Ngoài ra, ý thức hệ và những hạn chế
trong hệ thống gia đình gia trưởng Ấn Độ là lý do chính khiến cho phụ nữ ở trong
mối quan hệ bạo lực. Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi liệu chế độ gia
trưởng có phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến bạo lực gia đình và phụ nữ luôn
nạn nhân của bạo lực. Dựa trên những phát hiện này, tác giả đã nảy sinh nhu cầu
cần đánh giá lại các mối quan hệ giữa tính gia trưởng, bạo lực gia đình và sự nỗ lực
của phụ nữ. Tác giả chú ý tới động lực giữa các cá nhân và trong nội bộ gia đình cụ
thể là hành vi kiểm soát và chiến lược ứng phó trong mối quan hệ hôn nhân. Nghiên
cứu tập trung trả lời bốn câu hỏi nghiên cứu chính: (1) Các loại hành vi bạo lực phổ
biến là gì? (2) Việc sử dụng các chiến lược kiểm soát đối với phụ nữ trong những
11
bối cảnh khác nhau xảy ra như thế nào? (3) Các chiến lược đối phó khác nhau được
phụ nữ sử dụng trong những bối cảnh khác nhau là gì? và (4) Chiến lược ứng phó
chịu ảnh hưởng của sự tương tác giữa các yếu tố văn hóa xã hội và bối cảnh kinh tế
như thế nào? Để trả lời những câu hỏi này, tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên
cứu định tính và định lượng để xác định các loại khác nhau của bối cảnh kiểm soát
bạo lực trong gia đình và các tác động khác nhau của các loại bạo lực gia đình. Bên
cạnh đó còn có sự kết hợp của dữ liệu sơ cấp và thứ cấp. Các dữ liệu thứ cấp lấy từ
“Điều tra y tế nhân khẩu học” của Ấn Độ, được thực hiện trong năm 1999. Số liệu
điều tra quy mô lớn này được sử dụng kết hợp với các dữ liệu chính để tạo ra một
bộ dữ liệu duy nhất về cấu trúc của bạo lực gia đình ở Ấn Độ.
Postmus, Judy [98,tr 852-868] và các cộng sự trong nghiên cứu về “Trải
nghiệm bạo lực gia đình của phụ nữ và sự tìm kiếm giúp đỡ” đã cho thấy: Hàng
ngày, phụ nữ phải chịu đựng các hình thức bạo lực thể chất và tình dục. Những phụ
nữ này đã nhận được sự hỗ trợ từ các dịch vụ. Tuy nhiên, đánh giá về cách mà họ
đã sử dụng dịch vụ cũng như nhận thức của họ về những dịch vụ này chỉ ra những
gì nhà cung cấp thường ưu tiên hỗ trợ cho phụ nữ là hỗ trợ về tình cảm, tâm lý,
pháp lý. Tuy nhiên, đây không phải là những gì người phụ nữ cho là hữu ích nhất.
Thay vào đó, sự hỗ trợ hữu hình, chẳng hạn như thực phẩm, nhà ở và hỗ trợ tài
chính mới được xem là hữu ích nhất, cùng với tư vấn tôn giáo hay tâm linh. Như
vậy, sự hỗ trợ chưa giải quyết được những nhu cầu căn bản của phụ nữ, vì thế họ
chưa sẵn sàng đến với các dịch vụ xã hội này.
Những phân tích trên cho thấy, xu hướng giải quyết bạo lực gia đình của phụ
nữ được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm. Cụ thể là tìm hiểu về chiến
lược ứng phó của người phụ nữ trong những hoàn cảnh khác nhau của bạo lực gia
đình, mức độ sử dụng các dịch vụ hỗ trợ nhưng kết quả chung cho thấy phụ nữ
thường có xu hướng chấp nhận bạo lực.
* Nguyên nhân dẫn đến khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu tranh chống
bạo lực gia đình
Hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra nguyên nhân cơ bản, sâu xa nhất dẫn đến
hành vi bạo lực gia đình của người chồng cũng như sự chấp nhận, cam chịu của phụ
nữ là tính gia trưởng.
12
Tác giả Kamla Bhasin, trong cuốn sách“Những nghiên cứu về đặc điểm nam
tính” đã cho rằng: “Tính gia trưởng là một hệ tư tưởng xã hội mà trong đó coi đàn
ông là đẳng cấp trên so với phụ nữ, một biểu hiện cụ thể là đàn ông điều khiển
nhiều hơn ở mọi lĩnh vực và được đưa ra quyết định” [26, tr14]. Theo lẽ đó, đàn
ông là người lãnh đạo gia đình, người thừa kế của gia đình và người đứng tên tài
sản. Uy quyền của người đàn ông trong gia đình cho phép họ có những hành động
bạo lực đối với người vợ của mình.[26,tr15]
Nhiều nghiên cứu về giới đã chỉ ra rằng: theo cấu trúc xã hội của giới, nam
giới được dạy để có nam tính: Mạnh mẽ, uy quyền, xông xáo, độc lập, bình tĩnh,
thống trị, năng động, ganh đua, tự tin…Phụ nữ được dạy để có nữ tính: Mềm
yếu, thụ động, ân cần, lệ thuộc, mong manh, dễ xúc động, phục tùng, nhu mì, sẵn
sàng hợp tác, thiếu tự tin…Theo Robin Haarr, quan hệ giới và cấu trúc nam tính-
nữ tính dựa trên cơ sở nguyên lý tổ chức: Ưu thế của nam giới đối với phụ nữ; sự
thống trị của nam giới về mặt xã hội, chính trị và kinh tế đối với phụ nữ; sự phục
tùng của phụ nữ đối với nam giới trong gia đình và xã hội. Chính nguyên tắc ưu
thế và sự thống trị của nam giới đối với phụ nữ dẫn đến vấn đề bạo lực gia đình
đối với phụ nữ.[14]
Trong bài viết “Ngược đãi vợ: Những yếu tố dẫn đến ngược đãi vợ và sự can
thiệp”, Robin Haarr cũng đã khẳng định vai trò của phụ nữ do xã hội xây dựng
được sắp đặt theo trật tự, trong đó nam giới nắm quyền và kiểm soát phụ nữ. Sự
thống trị của nam giới và sự coi thường phụ nữ thể hiện cả trong hệ tư tưởng và
trong nền tảng hôn nhân. Bạo lực với phụ nữ như một phương tiện phục vụ sự
thống trị của nam giới. Các hành vi bạo lực với phụ nữ không thể chỉ là do nguyên
nhân duy nhất là các yếu tố tâm lý của cá nhân hoặc các điều kiện kinh tế xã hội
như thất nghiệp. Sự lý giải về bạo lực không chỉ tập trung chủ yếu vào các hành vi
và lịch sử cá nhân, chẳng hạn như việc lạm dụng rượu hoặc là tiền sử về bạo lực
mà bỏ qua các tác động lớn hơn của bất bình đẳng mang tính hệ thống và sự hạ
thấp vai trò của phụ nữ. Vì vậy, các nỗ lực nhằm phát hiện ra các yếu tố có liên
quan đến bạo lực với phụ nữ nên được đặt trong bối cảnh xã hội của các mối quan
hệ quyền lực rộng hơn.[13]
Rõ ràng, quan niệm về nam tính, đặc biệt là tính thống trị của nam giới ảnh
hưởng đến sự phát triển của phụ nữ một cách sâu sắc. Bởi nó buộc người phụ nữ
13
phải phụ thuộc, họ không phải là thành phần ngang bằng trong sự phát triển. Họ
không được đưa ra các quyền và điều khiển hoạt động. “Những người phụ nữ mệt
mỏi vì phải hành động yếu đuối khi cô ấy biết mình khoẻ mạnh”.(Nancy R.Smith).
[26, tr 67]
Pierre Bourdieu đã viết trong lời giới thiệu cuốn sách “Sự thống trị của nam
giới” như sau: “Sự thống trị của nam giới neo chắc vào vô thức của chúng ta đến
mức ta không nhận thấy nó nữa và phù hợp với những trông đợi của chúng ta đến
mức ta khó mà xét lại nó”[42]. Bởi lẽ, về phương diện lịch sử, sự thống trị của nam
giới đã được thực hiện thường xuyên, bền bỉ kể từ khi có đàn ông và đàn bà thông
qua các thể chế gia đình, nhà Thờ, nhà trường, Nhà nước. Những thể chế này được
tổ chức và điều hoà một cách khách quan và có điểm chung giống nhau là tác động
đến các cấu trúc vô thức. Có lẽ, gia đình có vai trò chính trong việc tái sản xuất nền
thống trị và cách nhìn của nam giới, bởi trong gia đình con người buộc phải sớm có
trải nghiệm về sự phân chia lao động theo giới. Nhà Thờ thông qua biểu tượng của
Kinh thánh, các lễ điển đã có cái nhìn bi quan về phụ nữ và về nữ tính. Nhà trường
là nơi truyền đạt những tư tưởng thống trị của nam giới đã không ngừng chuyên chở
các kiến thức tư duy mẫu mực cổ xưa nhằm hạn chế quyền tự trị của phụ nữ. Nhà
nước có trách nhiệm quản lý và điều chỉnh cuộc sống hàng ngày của con người có
vai trò phê chuẩn và đề ra những quy định trong xã hội. Trong các yếu tố đó, gia
đình được coi là nơi mà sự thống trị của nam giới biểu lộ theo cách hiển nhiên nhất
và nhìn thấy rõ nhất. Nhưng căn nguyên của sự vĩnh cửu hoá quan hệ này lại ở cấp
nhà Thờ, nhà trường, Nhà nước.[42,tr147-154]
Ỏ hầu khắp các quốc gia, tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc hình
thành nên quan điểm giới bằng cách xây dựng nhận thức của con người về gia đình,
hôn nhân, vai trò, địa vị quyền lực của vợ-chồng, nam -nữ…Tất cả các tôn giáo đều
có luật liên quan đến hôn nhân, ly dị…và đặc biệt ở những quốc gia mà luật dân sự
không được coi trọng thì các điều luật trong tôn giáo đã thể chế hoá sự bất bình
đẳng giữa nam và nữ. Kamla Bhasin- một nhà hoạt động nữ quyền nổi tiếng người
Ấn Độ cho rằng: “Hầu hết các tôn giáo đều cho người đàn ông là người làm chủ gia
đình và trao trọn cho họ những quyền lực cao hơn vì họ là những đứa con trai hay
những ông chồng. Một văn bản của một tôn giáo còn quy định rõ ràng rằng người
vợ phải dưới sự chỉ huy của chồng và anh ta có quyền trừng phạt vợ nếu mình
14
muốn thoát ra khỏi khuôn phép đó. Người vợ không có quyền làm điều tương tự
như vậy với chồng. Quan niệm về quyền lực và sức mạnh của đàn ông được hình
thành và duy trì bởi tôn giáo. Điều này còn trở nên khó cưỡng lại hơn khi chính đàn
ông toàn quyền trong các tổ chức tôn giáo, các tư tưởng xã hội. Khi điều gì đó đã là
quy định của tôn giáo thì rất khó chống lại. Những lý lẽ, lý trí và luật dân sự thường
không xoá bỏ được niềm tin- một điều nằm ngoài lý lẽ và lý trí”.[26, tr26]
Theo Robin Haarr, trong văn hóa Á đông, quan hệ gia đình và giới được dựa
trên nguyên tắc Khổng giáo. Gia đình châu Á truyền thống có nhiều thành viên của
3 đến 4 thế hệ cùng chung sống, là những đơn vị lớn, do nam giới làm chủ. Những
giá trị gia đình được đề cao như[14]:
- Bổn phận và quyết định tập thể được khuyến khích.
- Quan hệ hài hoà giữa người với người và sự lệ thuộc lẫn nhau được đề cao.
Quyền lợi gia đình được đặt lên trên quyền lợi cá nhân.
- Quan niệm ưu quyền và quyền hạn của nam giới.
- Quan niệm khuất phục của nữ giới trước nam giới.
- Phụ nữ được dạy dỗ để phục tùng gia trưởng.
- Chồng được trao quyền tối thượng đối với vợ con.
- Bạo lực đối với vợ được coi là đặc quyền của người chồng.
- Ly hôn không phải là việc phổ biến.
- Mọi bất hoà trong gia đình được giải quyết trong phạm vi gia đình với sự hỗ
trợ của các thành viên lớn tuổi đóng vai trò hoà giải.
- Sự chịu đựng được trân trọng hơn việc làm mất uy tín bản thân và gia đình.
- Phụ nữ được tôn trọng vì chịu đựng được gian khổ và bị cấm không được
tiết lộ chuyện rắc rối trong gia đình, trắc trở trong hôn nhân hoặc tìm kiếm sự giúp
đỡ bên ngoài gia đình.
Theo tác giả, xã hội châu Á thường chấp nhận thụ động bạo lực gia đình đối
với phụ nữ bởi:
- Quan niệm bạo lực gia đình là chuyện tự nhiên, là hành động được chấp nhận,
là việc bình thường trong cuộc sống vợ chồng. Xem bạo lực gia đình là xung đột vợ
chồng hơn là hành hung, cưỡng bức, khuyến khích phụ nữ yên phận với gia đình.
- Sự thờ ơ trước nạn bạo lực gia đình đối với phụ nữ của cán bộ chính quyền,
đoàn thể, ban ngành chức năng.
15
- Phụ nữ bị bạo lực gia đình thường cố duy trì nhận thức tích cực về hôn nhân
và cuộc sống gia đình bất chấp nạn bạo lực gia đình đang diễn ra.
Trước những khó khăn trên của người phụ nữ, nhiều nghiên cứu đã khẳng
định tầm quan trọng của biện pháp can thiệp nhằm hỗ trợ nạn nhân chấm dứt bạo
lực gia đình, ngăn chặn việc dẫn đến tử vong và phục hồi sau những ảnh hưởng thể
chất và tinh thần. Tuy nhiên, có nhiều lý do cho thấy mức độ nghiêm trọng của bạo
lực gia đình có liên quan đến việc tìm kiếm sự giúp đỡ của nạn nhân.
Bostock,Jan [64,tr 95-110] mặc dù chỉ tiến hành nghiên cứu 12 phụ nữ bị bạo
lực gia đình nhưng đã quả quyết rằng: Phụ nữ có thể kéo dài tình trạng bị bạo lực
bởi họ bị hạn chế sự lựa chọn do thiếu sự bảo vệ và hỗ trợ. Đồng thời, cộng đồng
chưa thực sự thừa nhận bạo lực gia đình là không chấp nhận được.
Walker LE [117] cho thấy tính chất, mức độ thời gian bị bạo lực có tác động
tiêu cực đến hành vi tìm kiếm sự giúp đỡ. Đồng thời, Gondolf EW& Fisher ER[81]
chỉ ra sự tìm kiếm giúp đỡ của nạn nhân như một bản năng sinh tồn.
Trong báo cáo nghiên cứu về “Hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình”, tác giả
Silke Meyer đã xác định các hình thức giúp đỡ chính thức và không chính thức chịu
ảnh hưởng của mức độ bạo lực như thế nào. Theo tác giả, nguồn hỗ trợ không chính
thức đóng vai trò quan trọng trong tiến trình tìm kiếm sự giúp đỡ của nạn nhân. Có
thể coi đây là nguồn hỗ trợ được nạn nhân lựa chọn nhiều nhất bao gồm: Gia đình,
bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm…Đây là bước đầu tiên trong quá trình tìm kiếm sự
giúp đỡ, có thể giúp nạn nhân định hình khi đưa ra các quyết định cho sự tìm kiếm
giúp đỡ tiếp theo. Những phản ứng tích cực của gia đình, bạn bè sẽ khuyến khích
nạn nhân đưa ra những quyết định tìm sự giúp đỡ chính thức hơn như các trung tâm
tư vấn, tổ chức chính quyền, đoàn thể, công an, y tế…Việc lựa chọn sự hỗ trợ chính
thức phụ thuộc vào nhận thức của nạn nhân về mức độ nghiêm trọng của hành vi
bạo lực, mức độ an toàn của con cái. Tuy nhiên, phụ nữ sẽ im lặng vì sợ con cái mất
bố hoặc có liên quan đến bạo lực gia đình. Vì thế, vai trò của con cái là yếu tố tạo ra
sự phức tạp trong việc đưa ra quyết định của nạn nhân. Tác giả đưa ra một số
khuyến nghị liên quan đến việc đáp ứng nhu cầu của nạn nhân về vấn đề con cái và
sự ngăn chặn mức độ bạo lực, giảm tác hại do bạo lực gây ra. [103]
16
Phân tích kết quả các công trình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài về
khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu tranh chống bạo lực gia đình cho thấy, các
nhà nghiên cứu đã chỉ ra được khá nhiều các biểu hiện và nguyên nhân dẫn đến khó
khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu tranh chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, mức độ
khó khăn tâm lý này chưa được nghiên cứu đầy đủ và thiếu tính hệ thống.
1.1.2. Những nghiên cứu về khó khăn tâm lý của phụ nữ trong đấu tranh
chống bạo lực gia đình ở Việt Nam
1.1.2.1. Nghiên cứu về bạo lực gia đình
Ở Việt Nam, vấn đề bạo lực gia đình bắt đầu được quan tâm từ những năm
cuối thập niên 90 của thế kỷ XX. Một số nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn
1996- 2001 cho thấy mức độ phổ biến của các dạng bạo lực gia đình, nguyên nhân
và hậu quả…Điển hình là một số nghiên cứu của các tác giả: Lê Thị Quý
(1996,1999); Lê Thị Phương Mai (1998,1999); Vũ Mạnh Lợi (1996,1999); Nguyễn
Hoài Đức (2001) và nhiều tác giả khác. Tiếp sau đó, vấn đề bạo lực gia đình được
nghiên cứu rộng rãi hơn đã khẳng định và bổ sung thêm cho các kết quả nghiên cứu
trước. Tuy nhiên, theo nhận định của Ngân hàng thế giới (2011): “Cho đến nay, các
thông tin về bạo lực gia đình vẫn còn hạn chế, chỉ có một số nghiên cứu định lượng
trên quy mô nhỏ và nghiên cứu định tính, mặc dù vậy cũng đủ chỉ ra rằng vấn đề
bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam có tồn tại”.[35,tr41]
*Mức độ phổ biến của bạo lực gia đình đối với phụ nữ
Số liệu nghiên cứu về bạo lực gia đình tại Việt Nam cho thấy có nhiều điểm
tương đồng với thế giới. Một số nghiên cứu quốc gia trong hơn 10 năm qua đã cho
thấy mức độ phổ biến và tính nghiêm trọng của hiện tượng này.
Nghiên cứu về thực trạng bình đẳng giới của tác giả Nguyễn Hữu Minh và
Trần Thị Vân Anh - Viện khoa học xã hội Việt Nam thực hiện năm 2005-2006 ở 13
tỉnh thành với 52 xã phường, số mẫu là 4176 cá nhân đã thu thập những thông tin
về các hành vi bạo lực giữa vợ và chồng, có khoảng 6% phụ nữ bị chồng đánh đập,
20% từng bị chồng chửi mắng.[34]
Một nghiên cứu khác được thực hiện tại 8 tỉnh của Ủy ban các vấn đề xã hội
của Quốc hội cho thấy số phụ nữ bị bạo lực thể chất ít hơn (chỉ vào khoảng 2%)
song tỉ lệ bạo lực tinh thần cao hơn nhiều (chiếm 25%) và đặc biệt, số phụ nữ bị bạo
17