- 1 -
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận án này do tôi viết. Đề tài và hướng nghiên cứu
không trùng lặp với đề tài nào trước đây. Nếu có gì sai phạm tôi xin chịu
hoàn toàn trách nhiệm.
Hà Nội, ngày tháng năm 2013
Tác giả luận án
Võ Thị Yến
- 2 -
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN 1
MỤC LỤC 2
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT TRONG LUẬN ÁN 3
MỞ ĐẦU 4
1. Tính cấp thiết của đề tài 4
3. Mục đích nghiên cứu 10
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 10
5. Phương pháp nghiên cứu 10
6. Những đóng góp của luận án 11
7. Cấu trúc của luận án 11
Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ VỀ NGHỆ THUẬT
SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG NAM BỘ 13
1.1. Một số khái niệm và thuật ngữ liên quan 13
1.2. Nghệ thuật sân khấu Cải lương trong môi trường tự nhiên và môi trường xã
hội Nam Bộ 24
1.3. Diễn trình nghệ thuật sân khấu Cải lương Nam Bộ 30
Tiểu kết 47
Chương 2
TÁC ĐỘNG CỦA NHỮNG PHƯƠNG THỨC QUẢN LÝ
TRONG DIỄN TRÌNH NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG NAM BỘ 50
2.1. Nghệ thuật sân khấu Cải lương Nam Bộ qua tác động của phương thức
quản lý tư nhân từ khi hình thành đến năm 1975 50
2.2. Nghệ thuật sân khấu Cải lương Nam Bộ qua tác động của phương thức
quản lý Nhà nước từ năm 1975 đến nay 93
Tiểu kết 111
Chương 3
NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC QUẢN LÝ
NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG NAM BỘ TRONG THỜI KỲ MỚI 113
- 3 -
3.1. Một số nhận định về tình hình thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động
của nghệ thuật sân khấu Nam Bộ 113
3.2. Đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển nghệ thuật sân khấu Cải lương
Nam Bộ trong giai đoạn mới 129
Tiểu kết 145
KẾT LUẬN 147
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC
CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 150
TÀI LIỆU THAM KHẢO 151
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT TRONG LUẬN ÁN
BCH : Ban chấp hành
CB - CNV : Cán bộ - Công nhân viên
CLB : Câu lạc bộ
CNTB : Chủ nghĩa tư bản
CNXH : Chủ nghĩa xã hội
GS.TS. : Giáo sư, Tiến sĩ
HĐND : Hội đồng Nhân dân
NSND : Nghệ sĩ Nhân dân
NSƯT : Nghệ sĩ Ưu tú
Nxb : Nhà xuất bản
PGS.TS : Phó Giáo sư, Tiến sĩ
TDTT : Thể dục thể thao
TNHH : Trách nhiệm hữu hạn
Tp. : Thành phố
- 4 -
XHCN : Xã hội chủ nghĩa
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Được sinh ra từ cái gốc âm nhạc dân gian truyền thống Việt Nam, trong quá
trình hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu Cải lương đã tiếp thu nhiều yếu
tố nghệ thuật từ sân khấu truyền thống dân tộc. Chịu sự chi phối của điều kiện lịch
sử, nghệ thuật sân khấu Cải lương còn tiếp thu nhiều yếu tố sân khấu của hý khúc
(Trung Quốc) và sân khấu phương Tây (kịch nghệ Pháp); trở thành một hình thức
sân khấu kịch hát Việt Nam thể hiện rõ tính năng động, sáng tạo, dễ thích ứng với
biến đổi của xã hội và thị hiếu của khán giả. Điều này lý giải vì sao ngay từ khi mới
ra đời nghệ thuật sân khấu Cải lương không những trở thành món ăn “đặc sản” của
người dân Nam Bộ mà còn nhanh chóng chiếm lĩnh sự ái mộ của các nghệ sĩ cũng
như khán giả miền Bắc và miền Trung, dẫn đến sự ra đời của nhiều gánh hát Cải
lương trong cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật sân khấu Cải
lương của đông đảo khán giả.
Đã có một thời, nghệ thuật sân khấu Cải lương bước lên đỉnh cao, được mọi
người, mọi giới quan tâm, yêu chuộng với những gánh hát mà tên tuổi của các bầu
gánh - những nhà quản lý giỏi được người trong và ngoài giới công nhận.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đất nước ta bước vào thời kỳ Đổi mới, các hình
thức nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung, nghệ thuật sân khấu Cải lương nói
riêng buộc phải đối mặt với nhiều thách thức do cơ chế kinh tế thị trường và sự hội
- 5 -
nhập quốc tế ồ ạt mang đến. Thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề quan thiết như: Làm thế
nào để thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ, đến với sân khấu Tuồng, Chèo, Cải
lương, trong khi có biết bao hình thức nghệ thuật - giải trí mới mẻ, hiện đại của
nước ngoài đã và đang được du nhập vào Việt Nam một cách nhanh chóng nhờ vào
các phương tiện của công nghệ tiên tiến? Làm thế nào để vừa bảo tồn các giá trị
truyền thống độc đáo của bộ môn nghệ thuật sân khấu dân tộc, vừa cải tiến và phát
huy được chúng trong đời sống đương đại? Làm thế nào để nâng cao chất lượng
nghệ thuật của các vở diễn, đồng thời đạt được mục tiêu về kinh tế để nâng cao chất
lượng cuộc sống cho người nghệ sĩ hôm nay?
Hơn bao giờ hết, vấn đề đổi mới công tác quản lý càng trở nên quan trọng
đối với sự phát triển của nghệ thuật kịch hát dân tộc, trong đó có nghệ thuật sân
khấu Cải lương. Trước những đòi hỏi của thời kỳ Đổi mới, khi Đảng và Chính phủ
chủ trương nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, thì đối với lĩnh vực văn hóa
nghệ thuật cũng có chủ trương xã hội hóa hoạt động của nó. Đây là một chủ trương
lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của xã hội.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khóa VIII đã chỉ rõ:
Chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa nhằm động viên sức người,
sức của của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và
phát triển văn hóa, chính sách này được tiến hành đồng thời với việc
nâng cao vai trò và trách nhiệm của nhà nước. Các cơ quan chủ quản
về văn hóa của Nhà nước phải làm tốt chức năng quản lý và hướng
dẫn nghiệp vụ đối với các hoạt động xã hội về văn hóa [51].
Nhằm huy động được sức người, sức của trong nhân dân, ngoài các đơn vị
Cải lương công lập, nhà nước cho phép các đơn vị Cải lương ngoài công lập hoạt
động. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, từ khi Nghị
quyết ban hành đến nay, hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực sân khấu Cải lương
tại Nam Bộ nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng chưa được phát huy đồng bộ.
Thực tiễn hoạt động nghệ thuật sân khấu hôm nay cho thấy một điều rất cần quan
tâm và suy nghĩ, đó là, trong khi các sân khấu kịch tại Tp. Hồ Chí Minh trỗi dậy
- 6 -
và từng bước làm ăn có hiệu quả, thì sân khấu Cải lương hoạt động èo uột, cầm
chừng, chưa thấy điểm khởi đầu cho quá trình trở lại của một hình thức sân khấu
dân tộc có thời đã chiếm vị trí độc tôn trong thị hiếu của đông đảo khán giả.
Trong quá trình phát triển, nghệ thuật sân khấu Cải lương đã trải qua nhiều
bước thăng trầm cùng với lịch sử dân tộc. Về phương thức hoạt động, quản lý, bắt
đầu từ bầu gánh, nghệ thuật sân khấu Cải lương đã trải qua các phương thức quản
lý: phương thức quản lý tư nhân, phương thức quản lý nhà nước, phương thức quản
lý linh hoạt về chủ thể quản lý của thời kỳ xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật,
v.v Qua việc khảo sát, đánh giá các phương thức quản lý của từng giai đoạn,
chúng tôi muốn tìm hiểu sự tác động của các phương thức quản lý và những ảnh
hưởng sâu sắc của chúng đến quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu
Cải lương Nam Bộ. Từ kết quả khảo sát, chúng tôi đúc kết kinh nghiệm, xác định
những thành tựu và những tồn tại của các phương thức quản lý đối với hoạt động
sân khấu Cải lương Nam Bộ trong từng giai đoạn phát triển. Từ đó, luận án đề xuất
một số giải pháp về mô hình quản lý, nhằm góp phần vào việc củng cố và phát triển
nghệ thuật sân khấu Cải lương Nam Bộ ngày hôm nay và trong tương lai.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Cải lương là một hình thức nghệ thuật sân khấu được rất nhiều nhà nghiên
cứu, văn nghệ sĩ quan tâm. Đã có nhiều công trình nghiên cứu viết về nghệ thuật
sân khấu Cải lương. Một số tác giả đã đề cập đến vấn đề quản lý, phương thức quản
lý của nghệ thuật sân khấu Cải lương.
Năm 1968, cuốn Hồi ký năm mươi năm mê hát, tác giả Vương Hồng Sển
được xuất bản gồm hai chương. Chương thứ nhất đề cập đến năm ra đời và nguồn
gốc của nghệ thuật sân khấu Cải lương [96, tr.31-32]. Trong chương này, cũng ghi
lại rất chi tiết những nghệ sĩ, những nhà chí sĩ, những bầu gánh có công đầu trong
việc hình thành nên hình thức nghệ thuật sân khấu Cải lương. Ở chương thứ hai, tác
giả đề cập đến tình hình hoạt động của các gánh hát, những câu chuyện về cuộc đời
và sự nghiệp sân khấu của các nghệ sĩ tài danh mà ông đã từng xem, từng gặp gỡ.
Theo chúng tôi, cuốn sách chứa đựng nhiều tư liệu có giá trị cao về bối cảnh xã hội,
- 7 -
người nghệ sĩ và các hoạt động nghệ thuật sân khấu ở Nam Bộ vào nửa đầu thế kỷ
XX. Vai trò các bầu chủ, những người có công trong việc hình thành nghệ thuật sân
khấu Cải lương cũng được tác giả đề cập tới [96, tr.107-117]. Được kể lại với hình
thức hồi ký, cuốn sách là một tư liệu đầy đủ và chi tiết nhất về lịch sử hình thành và
phát triển nghệ thuật sân khấu Cải lương từ những ngày đầu sơ khai đến những năm
60 của thế kỷ XX.
Năm 1970, cuốn Nghệ thuật sân khấu Việt Nam của Trần Văn Khải ra đời.
Cuốn sách được viết thành ba chương, mỗi chương trình bày một thể loại nghệ thuật
sân khấu nước nhà, đó là: Hát bội, Cải lương và Kịch. Chương hai đề cập đến lịch
sử Cải lương, những đặc điểm của Cải lương, các giọng Cải lương, văn Cải lương
và việc soạn bài ca, âm nhạc Cải lương và vị trí các nhạc khí [36, tr.87-90]. Cuốn
sách là nguồn tài liệu tham khảo về đặc điểm của các hình thức nghệ thuật sân khấu:
Hát bội, Cải lương và Kịch.
Năm 1989, NSND Ba Vân có cuốn Kể chuyện Cải lương. Trong tập hồi ký
này, NSND Ba Vân đã ghi chép về cuộc đời nghệ thuật bền bỉ qua hơn sáu mươi
năm hoạt động nghệ thuật sân khấu Cải lương của mình. Nội dung sách đề cập đến
các gánh hát và các bầu chủ mà nghệ sĩ đã từng quen biết, làm việc hoặc cộng tác
trong quá trình hoạt động sân khấu của ông [100, tr.74-78]. Ông cũng đề cập đến
các phong cách nghệ thuật của các gánh hát trong từng giai đoạn. Đặc biệt ông nhấn
mạnh tầm quan trọng của các soạn giả trong việc tìm ra những phong cách mới cho
gánh hát qua các thời kỳ khác nhau. Ông khẳng định, sân khấu Cải lương Nam Bộ
sau ngày đất nước thống nhất là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất, khẳng định và
tôn vinh vị trí, nhân cách của người nghệ sĩ trong xã hội mới [100, tr.190-191].
Năm 1997, công trình Nghệ thuật Cải lương những trang sử của Trương
Bỉnh Tòng (bút danh Hoài Linh) ra mắt bạn đọc. Bằng những tư liệu phong phú, kết
hợp với những hiểu biết, bằng mắt thấy, tai nghe và những ghi chép cá nhân của
một người đã hơn năm mươi năm hoạt động sân khấu Cải lương ở miền Nam, nhà
nghiên cứu Trương Bỉnh Tòng đã thể hiện ra trên những trang viết với tất cả tấm
lòng và trách nhiệm của một người nhiều năm gắn bó với bộ môn nghệ thuật Cải
- 8 -
lương. Ông không chỉ viết kịch bản Cải lương mà còn am tường âm nhạc, ca hát,
đồng thời còn là nhà quản lý nghệ thuật giàu kinh nghiệm nên có nhiều ưu thế khi
viết công trình lịch sử này.
Tuy kể chuyện lịch sử, nhưng tác giả còn làm cả việc đối chiếu những tư liệu
khác nhau từ những nhà xuất bản đến những nhà nghiên cứu đã được công bố làm
cho tác phẩm thêm phong phú. Một điểm rất quan trọng là ngoài việc đề cập đến
nguồn gốc, lịch sử phát triển của nghệ thuật sân khấu Cải lương, công trình còn đề
cập đến tính định hình, đặc trưng và phong cách thể loại của nghệ thuật sân khấu
Cải lương, nhấn mạnh vai trò của bầu gánh từ trước năm 1975 [90, tr.188-195] và
những thành tựu của nghệ thuật sân khấu Cải lương Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của
Đảng và Nhà nước sau ngày đất nước thống nhất.
Công trình Vang bóng một thời của Huỳnh Công Minh xuất bản năm 2007,
ghi lại những khoảnh khắc thành công của các nghệ sĩ, các soạn giả, các nhà quản lý
gánh hát qua ống kính của một nhà báo chuyên viết về nghệ thuật sân khấu Cải
lương Nam Bộ từ năm 1955 đến đầu những năm 2000. Chúng tôi rất tâm đắc với
đánh giá của GS.TS Trần Văn Khê về bộ sưu tập này: “một tài sản văn hóa nghệ
thuật độc nhất vô nhị, rất quý giá, phải được bảo tồn và lưu truyền cho các thế hệ
mai hậu hiểu biết về thời hoàng kim của một bộ môn nghệ thuật đặc thù của miền
Nam” [44, tr.5].
Cũng vào năm 2007, cuốn sách Sân khấu Cải lương ở thành phố Hồ Chí
Minh của Nguyễn Thị Minh Ngọc - Đỗ Hương đặt ra một trăm câu hỏi nghệ thuật
sân khấu Cải lương Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh, giới thiệu cho người đọc những
vấn đề, sự kiện, nhân vật, v.v… nổi bật trong lịch sử phát triển của nghệ thuật sân
khấu Cải lương Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh từ đầu thế kỷ XX. Đồng thời cũng kết
hợp giới thiệu tổng quan về Hát bội ở Tp. Hồ Chí Minh, một bộ môn nghệ thuật đã
thẩm thấu và tích hợp góp phần hình thành nên nghệ thuật sân khấu Cải lương. Đặc
biệt, cuốn sách còn hướng người đọc tới chỗ cùng suy nghĩ về xu thế thoái trào của
nghệ thuật sân khấu Cải lương trong thời điểm hiện nay [55, tr.191-193].
- 9 -
Công trình Ca nhạc và sân khấu Cải lương của nhạc sĩ Tuấn Giang được
xuất bản năm 1997 đã đi sâu cắt nghĩa về sự hình thành của nghệ thuật sân khấu Cải
lương và sự hình thành ca nhạc Tài tử Cải lương gắn với những giai đoạn lịch sử
[24, tr.16-31]. Tác giả cũng đồng thời phân tích, đánh giá về các mặt phát triển của
hình thức nghệ thuật sân khấu này [24, tr.92-94].
Năm 2000, Sân khấu Cải lương Nam Bộ của Đỗ Dũng đã ghi chép lại có tính
liệt kê về thời gian, sự kiện và các tiến trình chính của lịch sử Cải lương trong từng
giai đoạn phát triển từ năm 1918 đến năm 2000. Bởi lẽ, một hình thức nghệ thuật sân
khấu mang tính tổng hợp, một quá trình hình thành và phát triển rộng lớn, cả về thời
gian và không gian của nó nên khó mà tổng kết một cách đầy đủ. Song, công trình
này đặt ra vấn đề ít nhiều có liên quan đến vai trò của bầu chủ từ năm 1975 trở về
trước, và của các trưởng đoàn từ năm 1975 đến năm 2000 [17, tr.57-72].
Cũng năm 2000, cuốn sách Mấy vấn đề của sân khấu trong cơ chế thị
trường của Ngô Thảo được xuất bản, đề cập khái quát đến hoạt động biểu diễn nghệ
thuật của sân khấu Việt Nam qua các giai đoạn từ năm 1954 đến thời điểm công
trình ra đời [74, tr.17-18]. Tác giả cũng đi sâu nghiên cứu, so sánh những điều được
và mất, thành công và tồn tại của sân khấu Việt Nam trước và sau thời kỳ Đổi mới.
Những vấn đề các gánh hát, các bầu gánh, phương thức quản lý giai đoạn
đầu của Cải lương, gắn với những người có công trong việc hình thành bộ môn
nghệ thuật sân khấu Cải lương cũng được quan tâm ghi nhận trong các trang hồi ký
của các nghệ sĩ, soạn giả, v.v Nhiều bài viết, tham luận khoa học các nhà nghiên
cứu, văn nghệ sĩ đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, các trang thông
tin, trên các trang web của hệ thống mạng internet, đi sâu nghiên cứu về lịch sử ra
đời, những chặng đường phát triển, những vấn đề đặt ra trên chặng đường phát
triển, những vấn đề về lĩnh vực thẩm mỹ, phương thức quản lý của nghệ thuật sân
khấu Cải lương.
Luận án sẽ tiếp tục đóng góp vào việc tìm hiểu, nghiên cứu quá trình hình
thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu Cải lương Nam Bộ qua tác động của các
phương thức quản lý, xem xét mối tương tác của chúng đối với chủ thể nghệ thuật.
- 10 -
3. Mục đích nghiên cứu
Luận án này được thực hiện với mục đích tìm hiểu nghệ thuật sân khấu Cải
lương Nam Bộ, tìm hiểu sự tác động mạnh mẽ của các phương thức quản lý đối với
sự hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu Cải lương Nam Bộ. Từ kết quả
nghiên cứu, đánh giá những mặt mạnh cũng như những mặt còn tồn tại của sự tác
động này, đề xuất một số giải pháp đổi mới phương thức quản lý đơn vị nghệ thuật
sân khấu Cải lương Nam Bộ phù hợp với điều kiện thực tiễn hôm nay.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đề tài hướng tới đối tượng nghiên cứu là nghệ thuật sân khấu Cải lương
Nam Bộ qua sự tác động của các phương thức quản lý; tầm ảnh hưởng sâu rộng
của các phương thức quản lý khác nhau đối với chủ thể nghệ thuật từ góc độ lý
luận và thực tiễn.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Về không gian
Nghiên cứu các phương thức quản lý, vai trò của nhà quản lý nghệ thuật sân
khấu Cải lương ở miền Tây Nam Bộ như: Vĩnh Long, Tiền Giang, Bạc Liêu, v.v…
và Sài Gòn, nay là Tp. Hồ Chí Minh.
Về thời gian
Nghiên cứu phương thức quản lý, vai trò của nhà quản lý nghệ thuật sân
khấu Cải lương ở Sài Gòn (Tp. Hồ Chí Minh) và miền Tây Nam Bộ từ lúc hình
thành, phát triển cho đến hiện nay (năm 2013).
Về lĩnh vực khảo sát
Nghiên cứu hai lĩnh vực gồm: nội dung, hình thức nghệ thuật của sân khấu
Cải lương Nam Bộ và công tác quản lý (lực lượng sáng tạo, vốn và cơ sở vật chất,
kinh doanh biểu diễn).
5. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp tiếp cận liên ngành: nghệ thuật học, văn hóa học, sử học, v.v
- 11 -
Phương pháp điền dã: phỏng vấn, trao đổi ý kiến, thu thập thông tin về đối
tượng nghiên cứu. Chúng tôi đã phỏng vấn một số nhà quản lý các ban ngành chức
năng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một số nhà quản lý các đơn vị nghệ
thuật sân khấu Cải lương Nam Bộ, các đạo diễn, diễn viên; tiếp cận khán giả của
sân khấu Cải lương ở Tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ để tham
khảo những ý kiến của họ về lĩnh vực nghệ thuật này.
6. Những đóng góp của luận án
6.1. Đóng góp về mặt lý luận
Về phương diện lý luận, qua việc phân tích những yếu tố mang tính lịch sử
tác động đến sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật sân khấu Cải lương Nam Bộ,
luận án tổng hợp và góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận về phương thức quản lý,
góp phần bổ sung và đổi mới phương thức về quản lý các nhà hát, các đơn vị nghệ
thuật Cải lương Nam Bộ trong giai đoạn hiện nay.
6.2. Đóng góp về mặt thực tiễn
Về phương diện thực tiễn, luận án phản ánh thực trạng của nghệ thuật sân
khấu Cải lương Nam Bộ hiện nay và đưa ra một số giải pháp khả thi để nâng cao
chất lượng và hiệu quả tổ chức, quản lý hoạt động nghệ thuật sân khấu Cải lương
Nam Bộ hiện nay và trong tương lai.
Kết quả của luận án sẽ là tài liệu để các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị
Cải lương công lập và ngoài công lập tham khảo về mặt phương thức quản lý trong
giai đoạn xã hội hóa hoạt động sân khấu theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
7. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần Mở đầu (08 trang), Kết luận (03 trang) và Tài liệu tham khảo
(09 trang), nội dung Luận án được chia làm ba chương.
Chương 1: Một số vấn đề lý luận và lịch sử về nghệ thuật sân khấu Cải
lương Nam Bộ (37 trang).
Chương 2: Tác động của những phương thức quản lý trong diễn trình phát
triển nghệ thuật sân khấu Cải lương Nam Bộ (63 trang).
- 12 -
Chương 3: Những giải pháp đổi mới phương thức quản lý nghệ thuật sân
khấu Cải lương Nam Bộ trong thời kỳ mới (33 trang).
- 13 -
Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ VỀ NGHỆ THUẬT
SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG NAM BỘ
1.1. Một số khái niệm và thuật ngữ liên quan
1.1.1. Nghệ thuật sân khấu Cải lương Nam Bộ
1.1.1.1. Nghệ thuật sân khấu Cải lương
Theo ngữ nghĩa Hán - Việt: cải là cải cách, cách tân, cải tiến, v.v…, lương là
đẹp: Ý nghĩa chung là làm đẹp, cải tiến mới và làm đẹp hơn. Theo Đại từ điển tiếng
Việt: Cải lương là loại hình ca kịch Nam Bộ, bắt nguồn từ nhạc Tài tử dân ca Nam
Bộ. “Cải lương” cũng là từ nói gọn và gọi chung [108, tr.240].
Trước những năm 1920, người ta gọi là nghệ thuật Tân thời - Kim thời. Bảng
hiệu Cải lương mới xuất hiện khoảng năm 1920, từ bảng hiệu Gánh Cải lương Tân
Thinh của bầu Trương Văn Thông, với hai câu liễn:
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.
nên được gọi là Cải lương. Còn có cách giải thích khác, đó là:
Cải tục duy tân
Lương tri tâm điền.
nghĩa là những điều tốt đẹp ghi vào trong tâm.
Nghệ thuật sân khấu Cải lương là một hình thức sân khấu kịch hát dân tộc.
Hình thức này, tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau cấu thành, như: Văn
thơ, nghệ thuật sân khấu (gồm đạo diễn, diễn viên), âm nhạc, mỹ thuật, múa, và
những yếu tố khác: âm thanh, tiếng động, ánh sáng, v.v…
1.1.1.2. Nghệ thuật sân khấu Cải lương Nam Bộ
Nghệ thuật sân khấu Cải lương Nam Bộ (bao gồm các tỉnh miền Đông và
miền Tây Nam Bộ) là một bộ phận của nghệ thuật sân khấu Cải lương Việt Nam. Ở
luận án này, trong khi nghiên cứu quá trình phát triển nghệ thuật sân khấu Cải
lương Nam Bộ qua sự tác động của các phương thức quản lý, chúng tôi đặc biệt chú
- 14 -
trọng đến hoạt động sân khấu Cải lương ở Sài Gòn trước đây - Tp. Hồ Chí Minh
ngày nay và các tỉnh miền Tây Nam Bộ như: Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bạc Liêu, v.v…
1.1.2. Khái niệm phương thức quản lý
1.1.2.1. Phương thức quản lý
Từ điển Tiếng Việt đã ghi: Phương thức là cách thức và phương pháp [60,
tr.821].
* Khái niệm quản lý
Do tính chất xã hội của lao động của con người, quản lý là một biện pháp cần
thiết đối với nhiều lĩnh vực, nó có tính quyết định cho sự thành bại của chủ thể. Vì
vậy cần có sự quản lý để duy trì tính tổ chức, sự phân công lao động, các mối quan
hệ giữa những người trong một tổ chức xã hội và giữa các tổ chức xã hội trong quá
trình sản xuất vật chất, trong quá trình xã hội, nhằm đạt mục tiêu nhất định. Quản lý
là một khoa học, trong đó quản lý:
“Dựa trên cơ sở vận dụng các quy luật phát triển của các đối tượng
khác nhau, quy luật tự nhiên hay xã hội. Đồng thời quản lý còn là một
nghệ thuật, đòi hỏi nhiều kiến thức xã hội, tự nhiên hay kỹ thuật.
Những hình thức quản lý có ý thức luôn gắn liền với hoạt động có
mục tiêu, có kế hoạch của những tập thể lớn hay nhỏ của con người và
được thực hiện qua những thể chế xã hội đặc biệt. Mục đích, nội dung
cơ chế và phương pháp quản lý xã hội tùy thuộc vào chế độ chính trị -
xã hội [65, tr.580].
Trong quá trình tiến bộ xã hội, những hình thức quản lý có ý thức đã có
những biến đổi sâu sắc - từ việc quản lý xã hội nguyên thủy bằng những truyền
thống và tập quán, đến việc quản lý một cách tự giác và khoa học sự phát triển của
xã hội tiến dần lên trình độ phát triển cao.
Quản lý thường được hiểu là chủ trì hay phụ trách một công việc nào đó.
Theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn: “Để tiến hành công việc quản lý, chúng ta phải dựa
vào các phương tiện và chính sách về luật pháp, tài chính, nghiên cứu khoa học,
phát triển nguồn nhân lực v.v… để đạt được mục tiêu quản lý đề ra” [71, tr.10].
- 15 -
Bản thân khái niệm quản lý có tính đa nghĩa nên có sự khác biệt giữa nghĩa
rộng và nghĩa hẹp. Hơn nữa, do sự khác biệt về thời đại, xã hội, chế độ, nghề nghiệp
nên quản lý cũng có nhiều cách giải thích, lý giải khác nhau. Theo chúng tôi,
phương thức quản lý là cách thức và phương pháp tổ chức và điều khiển các hoạt
động theo những yêu cầu nhất định.
* Quản lý văn hóa
Nhà nước quản lý văn hóa thông qua việc ban hành, tổ chức thực hiện, kiểm
tra và giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn
hóa. Theo UNESCO, chính sách văn hóa là một tổng thể các nguyên tắc hoạt động,
các cách thức thực hành, các phương pháp quản lý hành chính và giải pháp về ngân
sách của nhà nước dùng làm cơ sở cho các hoạt động văn hóa.
TS. Nguyễn Văn Tình trong cuốn Chính sách văn hóa trên thế giới và việc
hoàn thiện chính sách văn hóa ở Việt Nam cho rằng: “Trong lĩnh vực hoạch định
chính sách quốc gia, người ta đều coi chính sách nghệ thuật cũng là chính sách văn
hóa và khái niệm “chính sách văn hóa” được thế giới sử dụng thông dụng và chính
thức hơn” [88, tr.30].
Theo Từ điển bách khoa văn hóa học:
Tác động chỉ huy và quản lý đối với hoạt động kinh tế trong văn hóa,
trong điều kiện nhà nước là chủ thể. Lịch sử nhân loại chứng minh rằng
việc tham gia này (nghĩa là về mặt kinh tế) là cần thiết, nhưng vấn đề là
ở chỗ mức độ và hình thức tham gia như thế nào để đảm bảo mối cân
bằng giữa việc lãnh đạo của nhà nước với việc tự quản của đơn vị văn
hóa. Hình thức và mức độ tùy thuộc vào điều kiện thực tế của nền văn
hóa trong một xã hội và một hoàn cảnh lịch sử cụ thể [01, tr.374].
Trong điều kiện thực tế của nền văn hóa Việt Nam, từ những năm cuối thế
kỷ XIX đến nay, có rất nhiều biến động. Với những tác động to lớn của văn hóa đối
với kinh tế, theo chúng tôi, vai trò tác động chỉ huy và quản lý đối với hoạt động
kinh tế trong văn hóa là rất quan trọng.
- 16 -
1.1.2.2. Phương thức quản lý nhà nước
Phương thức quản lý nhà nước dựa trên quan hệ sở hữu tập thể về tư liệu sản
xuất và người lao động. Điều hành trực tiếp các hoạt động sản xuất - kinh doanh ở
đơn vị kinh tế dưới sự quản lý chung của nhà nước và trong khuôn khổ pháp luật.
Mục đích là làm cho sản xuất - kinh doanh phát triển, bảo toàn và phát triển vốn,
làm ăn có lãi và ngày càng tái sản xuất mở rộng, tăng thu nhập của người lao động.
Trong quá trình sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp thực hiện chức năng
quản lý kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật, chính sách và kế hoạch của nhà
nước, có quyền tự chủ về các hoạt động kinh doanh của mình, như về kế hoạch sản
xuất - kinh doanh, áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, tự chủ về vốn, giá
cả tiêu thụ trên thị trường, tổ chức quản lý, lập các quỹ và sử dụng các quỹ cho sản
xuất, đầu tư, các quỹ cho đời sống và phúc lợi của người lao động. Các doanh
nghiệp có nghĩa vụ và chịu trách nhiệm thực hiện chính sách của nhà nước, nộp
thuế và các khoản thu vào ngân sách nhà nước, chịu sự thanh tra của nhà nước. Các
đơn vị kinh doanh là những pháp nhân có quyền liên doanh, liên kết với nhau, ký
kết hợp đồng kinh tế, được bình đẳng trước pháp luật.
Dưới thời bao cấp, quá trình sản xuất văn hóa bao gồm các khâu: sản
xuất, bảo quản, phân phối và hướng dẫn tiêu dùng sản phẩm, đều do
các cơ quan nhà nước (Bộ Văn hóa - Thông tin, quân đội và các tổ
chức chính trị - xã hội mang tính nhà nước như: các đoàn thể thanh
niên, phụ nữ, công đoàn, nông hội và các hội văn nghệ) đảm nhiệm
việc quản lý và điều hành. Lúc này chỉ có chủ thể nhà nước là có toàn
quyền điều hành quá trình sản xuất văn hóa [29, tr.17-18].
Từ năm 1975 cho đến trước thời kỳ Đổi mới, phương thức hoạt động quản lý
nghệ thuật sân khấu Cải lương Nam Bộ cũng nằm trong quy luật này.
Phương thức quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là rất cần
thiết bởi vì hoạt động sáng tạo nghệ thuật là một hoạt động chủ quan của con người,
liên quan đến chính sách xã hội và cơ chế của nhà nước đối với nghệ thuật. Theo
Thông tư của liên bộ, Bộ Văn hóa - Tài chính số 1042/ TTLB-VH-TC/ ngày 22 - 07
- 17 -
- 1989, về cơ chế quản lý tài chính và chính sách tài trợ của nhà nước đối với các
đơn vị nghệ thuật biểu diễn:
Trong những năm qua ngân sách nhà nước trung ương và địa phương
vẫn đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và tài trợ cho nghệ thuật biểu
diễn bảo đảm hoạt động này thực hiện được chức năng giáo dục và
chức năng thẩm mỹ theo đúng chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nhưng trong tình hình ngân sách nhà nước có nhiều khó khăn, cùng
với việc chuyển cơ chế bao cấp sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ
nghĩa, chính sách tài trợ của ngân sách nhà nước cho các đơn vị nghệ
thuật chưa được hướng dẫn thống nhất, mỗi nơi tiến hành một cách;
đồng thời nhiều đơn vị nghệ thuật chưa quan tâm đúng mức tới chất
lượng nghệ thuật, chạy theo thị hiếu tầm thường để doanh thu cao, các
loại hình nghệ thuật truyền thống bị sa sút nghiêm trọng, chức năng
xây dựng con người mới bị xem nhẹ [101, tr.55].
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương
Đảng (khoá VI) chuyển các cơ sở văn hóa nghệ thuật sang cơ chế tự trang trải từng
bước và từng phần, thực hiện Nghị quyết Quốc hội kỳ họp thứ 5 (khoá VIII) và Chỉ
thị số 1135-KG ngày 28 - 06 - 1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về một số vấn
đề cấp bách của ngành văn hóa, để bảo đảm hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển
đúng hướng; liên Bộ Văn hóa - Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính và
chính sách tài trợ của nhà nước cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn, thực hiện thống
nhất trong cả nước đối với các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp quốc doanh.
Ở mô hình xã hội nào, nhà nước cũng luôn đồng thời giữ hai vai trò quan
trọng: quản lý và bảo trợ. Đất nước ta đang trong quá trình đổi mới, với xu thế vận
động tất yếu là xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, để phát triển
văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh xã hội hiện tại thì rất cần thiết sự tăng cường công
tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, vì trên thực tế, nhà nước vẫn giữ vai trò là
người bảo trợ cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật.
- 18 -
1.1.2.3. Phương thức quản lý tư nhân
* Phường gánh
Phường (sân khấu) là một tổ chức xã hội của nghệ nhân rối cạn, rối nước,
Chèo do các thành viên tự đóng góp hoặc do một người có của, có thế lực trong
làng lập ra. Mỗi phường gánh thường có quy ước chung ghi thành văn bản làm luật
lệ. Phạm vi hoạt động của phường gánh hạn chế trong từng xã, thôn xóm, gia đình;
tồn tại độc lập, hoạt động tự do, tự cấp tự túc, vào ra tùy ý, đậm đà tính chất “chơi”,
“vui”. Nhiều thành viên trong gánh chỉ đóng góp bằng công hoạt động của mình,
phục vụ cho hoạt động chung. “Người đứng đầu của mỗi phường gánh gọi là trùm.
Hàng năm tại các phường gánh có tế tổ, và hội họp bàn định công việc” [65, tr.536].
Đó là đối với nghệ thuật Chèo ở Bắc Bộ, còn nghệ thuật Cải lương không gọi
“phường” và “trùm” mà gọi là “ban hát”, “gánh hát”, “đoàn”. Trong cuốn Nghệ
thuật Sân khấu Việt Nam, Trần Văn Khải đã viết:
Trong thời kỳ thứ nhứt có bốn ban Cải lương đầu tiên ra đời tại Mỹ
Tho như ban “Thầy Năm Tú”, ban “Đồng bào Nam” và “Tái Đồng
ban” của ông Hai Cu. Sau đó ít lâu có bốn ban khác ở các tỉnh xuất
hiện: “Văn Hí ban” của ông Huỳnh Kim Vui ở Chợ Lớn, “Sĩ Đồng
ban” của ông Bảy Sô ở Long Xuyên, “Kỳ Lân ban” của Bà Huyện
Xây ở Vũng Liêm (Vĩnh Long), “Tân Phước Nam” của bác sĩ Minh ở
Sóc Trăng. Đây là tám ban ca kịch tiền phong xuất hiện tại Nam phần
[36, tr.225].
… Năm 1964, đoàn Thanh Minh - Thanh Nga của bà Nguyễn Thị Thơ
được tặng giải thưởng “Ban ca kịch xuất sắc nhất” [36, tr.230].
Trong cuốn Nghệ thuật Cải lương những trang sử, Trương Bỉnh Tòng đã
viết: “Năm 1918 gánh Thầy Năm Tú ra đời tại Mỹ Tho mở màn cho một loạt những
gánh khác tiếp tục xuất hiện” [90, tr.54].
* Bầu gánh
Sân khấu Cải lương khi mới ra đời đã chịu ảnh hưởng của xã hội tư bản sơ
khai trên đất Nam kỳ lúc bấy giờ do thực dân Pháp tạo dựng. Sự cạnh tranh tự do,
- 19 -
thúc đẩy một số lớn những người có tiền, yêu thích bộ môn kịch hát Cải lương đứng
ra lập gánh hát. Những nhà quản lý gánh hát đầu tiên này được gọi bằng danh từ:
bầu chủ, bầu gánh. Theo nghệ sĩ Bảy Nhiêu:
Trước năm 1926, người ta vẫn gọi chủ gánh Hát bội là “ông Nhưng,
Biện tuồng, Cai việc…”, còn bên ca Tài tử, các gánh hát kim thời hay
Cải lương vẫn gọi là “ông chủ, bà chủ hay cô chủ”.
Một đêm nọ, gánh Phước Cương phải nghỉ hát do trời mưa. Ông chủ
Phước Cương bày ra xổ đề (12 con) tại ghe hát. Bên kia là một sòng bài tứ
sắc, bên nọ là một sòng bài cào - phé sát phạt nhau bất kế thân thế gì cả.
Thình lình, ông chủ Bòn, chủ gánh Hát bộ Thạnh Hưng Ban (Hát bội pha
Cải lương) mang thùng nước lèo chui vào ghe, thấy các sòng bài đang sát
phạt, bèn hô to lên: Ô! Ông Bầu! (gọi ông Nguyễn Ngọc Cương) thay vì
hàng ngày ông gọi cậu Tư hay cậu Tư Cương. Vậy là từ đó, tất cả các đào,
kép đều gọi ông Nguyễn Ngọc Cương là ông Bầu. Cái tên ông Bầu, lan ra
rất nhanh trong các gánh Cải lương và từ đó, các chủ gánh hát đều được
gọi là ông Bầu, bà Bầu cho đến ngày nay [55, tr.119-120].
Từ điển Việt Nam tín ngưỡng phong tục đã ghi: “Ông bầu là người đứng đầu
một tổ chức nghệ thuật của nghệ thuật Tuồng truyền thống trước 1975, cai quản mọi
mặt (cả kinh tế lẫn nghệ thuật) của gánh Tuồng” [37, tr.754].
Như vậy, bầu gánh là chủ gánh hát, là người bỏ vốn ra lập gánh hát, họ
thường là những người giàu có, yêu thích nghệ thuật, không trực tiếp quản lý gánh
hát. Sau này, khi hoạt động sân khấu mang tính chất thương mại, bầu gánh trở thành
chủ gánh hát, còn diễn viên trở thành người làm thuê.
* Phương thức quản lý tư nhân
Thuật ngữ tư nhân, Từ điển tiếng Việt đã ghi: “Tư nhân là một cá nhân nào
đó chứ không phải nhà nước hay hợp tác xã [60, tr.1106].
Trước năm 1975, nhà nước của chế độ cũ quản lý nghệ thuật sân khấu Cải lương
bằng luật pháp. Phương thức hoạt động của các đơn vị, đó là: Tư nhân tự chủ về tài
chính, đảm nhiệm việc quản lý, điều hành cũng như việc phân phối sản phẩm (vở diễn).
- 20 -
Như vậy, phương thức quản lý tư nhân là cách thức, phương pháp tổ chức và
điều khiển các hoạt động của một cá nhân theo những yêu cầu nhất định dưới sự
quản lý chung của nhà nước.
1.1.2.4. Xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật
* Khái niệm xã hội hóa
Hiện nay, khái niệm xã hội hóa được dùng với hai nội dung:
Một là, xã hội hóa (xã hội) là sự tham gia rộng rãi của xã hội (cá nhân, nhóm,
tổ chức, cộng đồng, v.v ) vào một số hoạt động mà trước đó chỉ được một đơn vị,
bộ phận hay một ngành chức năng nhất định thực hiện. Ví dụ, xã hội hóa giáo dục,
xã hội hóa y tế, xã hội hóa văn hóa, xã hội hóa hoạt động sân khấu, v.v
Hai là, xã hội hóa (cá nhân) theo quan điểm xã hội hóa. Khái niệm này được
dùng để chỉ quá trình chuyển biến từ con người sinh vật trở thành con người xã hội,
là quá trình cá nhân học tập, lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử xã hội để trở thành thành
viên của xã hội.
Ở đây chúng tôi sử dụng khái niệm xã hội hóa với nghĩa thứ nhất, tức là xã hội
hóa (xã hội). Xã hội hóa các hoạt động xã hội là quá trình vận động, tổ chức các chủ
thể xã hội (các cá nhân, nhóm, tổ chức, cộng đồng, tổ chức xã hội) tham gia một cách
tự giác vào trong các hoạt động xã hội trên cơ sở nhận thức về vai trò và vị trí của
mình trong từng hoạt động xã hội, từ đó mà giúp cho các hoạt động xã hội phù hợp
với sự phát triển của xã hội. Xã hội hóa hoạt động xã hội là xu hướng tất yếu của sự
phát triển và tính chất xã hội hóa ngày càng có điều kiện phát triển hơn nữa.
* Xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật
Nghị quyết 4 ngày 14 - 01 - 1993 của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành
Trung ương Đảng (khóa VII) chủ trương phát triển các hoạt động văn hóa, văn
nghệ, “… Chủ trương của nhà nước là giao cho nhiều chủ thể xã hội khác nhau (nhà
nước, tập thể và cá nhân) cùng tham gia vào quá trình sản xuất văn hóa, biến hoạt
động sản xuất văn hóa vốn trước đây chỉ thuộc về chủ thể nhà nước trở thành hoạt
động của toàn xã hội, được xã hội quan tâm và chủ động tham gia” [29, tr.18].
- 21 -
Xã hội hóa hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật khuyến khích, kêu gọi đa thành
phần, cá thể kinh tế đóng góp kinh phí cho các hoạt động văn hóa - xã hội. Nhà
nước khuyến khích, huy động thêm các nguồn thu để tăng tỉ lệ ngân sách cho hoạt
động xã hội, cũng chính là phương pháp quản lý “mềm dẻo”, thích ứng với hoàn
cảnh, điều kiện kinh tế, đồng thời là để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn kinh
phí đó. Đổi lại, các cá thể kinh tế được hưởng lợi từ tính chất quảng bá thông tin do
các hoạt động văn hóa - xã hội đem lại và phải có trách nhiệm trước hoạt động văn
hóa - xã hội cộng đồng.
Xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật là mở rộng các nguồn đầu tư, khai
thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội. Phát huy và sử dụng
có hiệu quả các nguồn lực của nhân dân, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa
nghệ thuật phát triển nhanh hơn, có chất lượng cao hơn là chính sách lâu dài, là
phương châm thực hiện chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước.
Như vậy, xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật, thực chất là xã hội hóa
quyền tổ chức và điều hành các hoạt động sản xuất văn hóa nghệ thuật theo hướng
đa dạng hóa chủ thể quản lý, nhằm thu hút đông đảo lực lượng xã hội, các tập thể và
tư nhân đứng ra chăm lo các hoạt động văn hóa, tổ chức và điều hành quá trình sản
xuất theo đúng pháp luật của nhà nước.
1.1.2.5. Mô hình quản lý
Theo Từ điển tiếng Việt, mô hình có hai nghĩa:
Thứ nhất, mô hình là vật cùng hình dạng nhưng làm thu nhỏ lại nhiều hoặc
mô phỏng cấu tạo và hoạt động của một vật khác để trình bày, nghiên cứu.
Thứ hai, mô hình là hình thức diễn đạt hết sức ngắn gọn, theo một ngôn ngữ
nào đó, hoặc các đặc trưng chủ yếu của một đối tượng dùng để nghiên cứu đối
tượng ấy [60, tr.663].
Như vậy có thể cho rằng, mô hình quản lý là mô phỏng các đặc trưng chủ
yếu của phương thức quản lý để nghiên cứu đối tượng ấy.
Trước năm 1975, mô hình quản lý tư nhân đảm nhiệm việc sản xuất sản
phẩm tinh thần (vở diễn) và điều hành, phân phối (tổ chức kinh doanh) sản phẩm
- 22 -
tinh thần (vở diễn). Sau năm 1975, nhà nước ta quản lý hoạt động nghệ thuật biểu
diễn đối với nghệ thuật sân khấu Cải lương bằng hai mô hình quốc doanh (công lập)
và tập thể (ngoài công lập) hoặc thuộc đơn vị công lập nhưng do tập thể bỏ vốn
kinh doanh và đề cử Ban đại diện quản lý, điều hành hoạt động. Từ năm 1986 đến
nay, với chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật, bên cạnh mô hình
công lập còn có các mô hình quản lý khác cùng song song tồn tại như: mô hình tập
thể, tư nhân (công ty TNHH hoặc nhóm hoặc cá nhân, v.v…).
1.1.3. Vùng văn hóa
Học giả Đào Duy Anh trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương, ngay ở thiên
đầu tiên tác giả đã xác định rằng "chính vì những điều kiện tự nhiên về địa lý khiến mỗi
dân tộc sinh hoạt ở trên cơ sở kinh tế khác nhau, cho nên cách sinh hoạt cũng thành
khác nhau vậy. Bởi thế muốn nghiên cứu văn hóa của một dân tộc, trước hết phải xem
xét dân tộc ấy sinh trưởng ở trong những điều kiện địa lý như thế nào?" [3, tr.11].
Tác động của điều kiện tự nhiên và xã hội là một trong những nhân tố thúc
đẩy sự phát triển của văn hóa. Vậy nên khi nghiên cứu một vấn đề văn hóa nghệ
thuật, nhất là nghiên cứu về lịch sử hình thành và quá trình phát triển của một hình
thức nghệ thuật, chúng tôi tìm đến văn hóa vùng, hay còn định danh là vùng văn
hóa. Cụ thể ở đây là vùng văn hóa Nam Bộ để thấy được những tác động về địa lý,
nhân văn, bối cảnh xã hội trong quá trình hình thành phát triển bộ môn nghệ thuật
Cải lương, sau này là nghệ thuật sân khấu Cải lương Nam Bộ. Từ những tác động
văn hóa, nhân văn, xã hội, chúng ta sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về đặc trưng, về bản
sắc độc đáo của mỗi hình thức nghệ thuật nói chung, nghệ thuật sân khấu Cải lương
Nam Bộ nói riêng.
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày nay, Đảng và Nhà nước đã định
hướng văn hóa là nền tảng, vừa là động lực, vừa là mục tiêu để thúc đẩy xã hội phát
triển. Chúng ta cũng đang gìn giữ và phát triển nền văn hóa tiến tiến đậm đà bản sắc
dân tộc để giữ vững vị thế dân tộc trước xu thế toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, bối cảnh
kinh tế thị trường theo định hướng XHCN với tính chất cạnh tranh khốc liệt đã đặt
các hoạt động văn hóa nghệ thuật trước những thử thách khắc nghiệt của nền kinh tế
- 23 -
thị trường. Cụ thể ở đây, theo chúng tôi, nghệ thuật sân khấu Cải lương Nam Bộ
muốn tồn tại, phát triển trong giai đoạn hiện nay, cần khai thác nhiều hơn nữa đặc
trưng văn hóa vùng Nam Bộ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó người
làm nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật sân khấu Cải lương Nam Bộ nói
riêng, cần quan tâm tới những đặc trưng cơ bản và tính chất biến động văn hóa
vùng, với ý thức nghiên cứu môi trường hoạt động nghệ thuật biểu diễn, để có
những “sản phẩm” nghệ thuật là các vở diễn, đáp ứng được thị hiếu khán giả.
Từ những năm 70, trong việc sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn các công trình
văn hóa, các nhà khoa học đã bắt đầu thể hiện rõ khuynh hướng nhìn nhận văn hóa
theo vùng. Từ khuynh hướng này, các nhà nghiên cứu bắt đầu phân chia các vùng văn
hóa ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc phân chia Việt Nam thành bao nhiêu vùng văn hóa lại
chưa được thống nhất cao trong giới nghiên cứu. Mỗi cách chia đều có cơ sở khoa học
riêng và có những tác dụng nhất định trong việc tiếp cận văn hóa Việt Nam.
GS. Ngô Đức Thịnh trong cuốn Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt
Nam lại có cách chia vùng văn hóa như sau: đồng bằng Bắc Bộ, vùng văn hóa Việt
Bắc, vùng văn hóa Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ, vùng văn hóa duyên hải
Bắc Trung Bộ, vùng văn hóa duyên hải Trung và Nam Trung Bộ, vùng văn hóa
Trường Sơn - Tây Nguyên và vùng văn hóa Nam Bộ. Theo ông:
Trong nhiều thế kỷ trước kia cũng như hiện nay, Nam Bộ là nơi sinh
sống xen cài giữa các cộng đồng người Việt, Khơme, Chăm và Hoa,
nên nơi đây cũng đã và đang diễn ra quá trình giao lưu, ảnh hưởng
văn hoá khá sống động giữa các tộc nói trên, từ đó nảy nở những yếu
tố, những giá trị văn hóa chung, thể hiện trong đời sống văn hoá vật
chất và tinh thần, như nhà cửa, ăn mặc, đi lại, trong đời sống tôn giáo,
vui chơi giải trí, sinh hoạt nghệ thuật. Hoàn cảnh tự nhiên và lịch sử
khai thác vùng Nam Bộ cũng đã tôi luyện con người ở đây những tính
cách, cá tính tiêu biểu, đó là tính cách Nam Bộ: dũng cảm, hiên
ngang, hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, phóng khoáng, mến khách, bộc
trực, nhạy cảm với cái mới, v.v [83, tr.111].
- 24 -
Tìm hiểu sự tương đồng và dị biệt về văn hóa, cũng như tìm hiểu biến thiên
của một hiện tượng văn hóa trong một không gian, trên cơ sở ấy làm rõ cái chung
và nét riêng của từng không gian văn hóa là một công việc khá phức tạp nhưng rất
cần thiết. Riêng Nam Bộ là vùng đất mới khai hoang ở cực Nam tổ quốc có đặc thù
văn hóa đáng chú ý là sự gặp nhau của các dân tộc: Việt, Hoa (Minh Hương),
Chăm, Khơme Nam Bộ, v.v… có liên quan đến sự hình thành và phát triển của hình
thức nghệ thuật sân khấu Cải lương Nam Bộ.
Luận án sẽ tìm hiểu các yếu tố văn hóa vùng thuộc vùng văn hóa Nam Bộ
trong quá trình nghiên cứu sự hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu Cải
lương Nam Bộ qua sự tác động của các phương thức quản lý.
1.2. Nghệ thuật sân khấu Cải lương trong môi trường tự nhiên và môi
trường xã hội Nam Bộ
1.2.1. Môi trường tự nhiên
Trong các vùng văn hóa ở Việt Nam, vùng văn hóa Nam Bộ là vùng có
những sắc thái đặc thù khó lẫn, vừa rất riêng mà vẫn giữ được tính thống nhất của
văn hóa Việt Nam. Nam Bộ là vùng địa văn hóa phía Nam nhất của Việt Nam. Nam
Bộ bao gồm mười bảy tỉnh và hai thành phố, đó là Tp. Sài Gòn (nay là Tp. Hồ Chí
Minh) và Tp. Cần Thơ. Nam Bộ chia thành hai vùng chính:
Vùng Đông Nam Bộ gồm năm tỉnh, đó là: Bình Phước, Bình Dương, Đồng
Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và chỉ có một thành phố: Tp. Hồ Chí Minh (Sài
Gòn). Vùng đồng bằng sông Cửu Long còn gọi là vùng Tây Nam Bộ, gồm mười hai
tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh,
Tp. Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Về vị trí địa lý, Nam Bộ là vùng đất nằm ở cuối cùng đất nước về phía Nam,
trọn vẹn trong lưu vực của hai dòng sông Đồng Nai và Cửu Long, mà lại là phần hạ
lưu của hai dòng sông và nằm gần biển Đông. Vị trí địa - văn hóa này của Nam Bộ
tạo cho nó có những đặc điểm văn hóa riêng. Miền Tây Nam Bộ là vùng có cửa
sông Mê Kông (chín nhánh Cửu Long) đổ ra biển, thuận tiện cho giao lưu văn hóa
và kinh tế. Phía Bắc giáp Đông Nam Bộ và Campuchia, phía Nam và phía Đông
- 25 -
giáp biển Đông; phía Tây giáp Campuchia và vịnh Thái Lan. Biển Đông bao quanh
ba mặt tại cho Tây Nam Bộ một vị thế quan trọng trong kinh tế và quốc phòng. Đặc
biệt địa hình Tây Nam Bộ rất thuận lợi trong việc tiếp xúc, giao lưu với các nước
Đông Nam Á và Âu - Mỹ.
Từ năm 1975 trở về trước, Tây Nam Bộ còn được gọi là vùng châu thổ
sông Cửu Long (The Mekong delta), bởi vùng đất này chủ yếu được kiến tạo bởi
phù sa của sông Cửu Long, địa hình có nơi cao, nơi thấp không đều. Phía Tây
Nam (Kiên Giang) và phía Tây Bắc (giáp Campuchia) vẫn còn có rải rác những
ngọn núi nhỏ và thấp. Vùng cuối hạ lưu sông Cửu Long là những giồng đất cao
ráo, được bồi đắp do phù sa của sông Tiền và sông Hậu (nhánh của sông Cửu
Long), rất thuận lợi cho việc định cư và trồng trọt. Tuy nhiên, trên nhiều văn bản
hiện nay, người ta quen gọi miền Tây Nam Bộ là đồng bằng sông Cửu Long (The
Mekong Plain).
Nói tới Nam Bộ, người ta nghĩ ngay đến một khung cảnh thiên nhiên khoáng
đạt, một vùng đất với những cánh đồng rộng mênh mông, chằng chịt kênh rạch. GS.
Lê Bá Thảo đã tính Nam Bộ có tới 5.700km đường kênh rạch. Sông nước ở hạ lưu
chảy chậm, mang lượng phù sa lớn, khác với sông nước miền Trung Bộ. Đặc biệt,
miền Tây Nam Bộ là vùng đất kênh rạch chằng chịt. Sông Cửu Long có vai trò quan
trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa của dân cư. Tính chất tự nhiên phức tạp và đa
dạng của sông Cửu Long tạo cho nó một vị trí chiến lược quan trọng trong phát
triển kinh tế nông - ngư nghiệp và giao thông vận tải của khu vực. Đặc biệt, thủy
triều ở các con sông theo chế độ bán nhật triều. Những ngày rằm và mùng một âm
lịch, con nước dâng lên cao nhất, còn gọi là nước rong (nước rong lớn hay triều
cường, thường có vào các tháng giêng, tháng hai, tháng nười và tháng chạp âm
lịch). Những ngày mùng mười và hai mươi lăm âm lịch nước rút xuống thấp gọi là
nước kém. Chỗ hai chiều nước gặp nhau, sông không chảy nữa gọi là giáp nước.
Nơi đây phù sa thường lắng đọng lại tạo nên những sóng đất. Khách thương hồ qua
lại thường neo đậu phương tiện để nghỉ ngơi, chờ con nước lên mới tiếp tục vận
chuyển. Lâu ngày, những chỗ này trở thành thị trấn, thị tứ đông đúc dân cư.