PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Không riêng gì thơ, văn chương nói chung dường như ngày càng
có chiều hướng san sẻ độc giả. Trong số các thể loại, thơ phải chịu thua thiệt
hơn nhiều. Đó là một thực trạng mà ai cũng dễ nhìn thấy. Vì thế, nhiều người
không khỏi bi quan về sự tồn tại của thi ca khi mà tâm hồn con người dần xơ
cứng trước bão táp công nghệ, khoa học. Nhưng suy cho cùng, như Nguyễn
Quang Thiều nói: “ có thể những bài thơ cụ thể nào đó không cứu rỗi được
thế giới nhưng những gì mang tinh thần của thi ca đã và đang cứu rỗi thế
giới”. Thơ ca đã, đang và sẽ tồn tại cùng đời sống tinh thần con người, nếu
không là mối quan tâm thường trực thì cũng là ẩn khuất đâu đó, chan hòa
dưới hình thức này hay hình thức khác, để hát ru, nâng đỡ tâm hồn, nuôi
dưỡng khát vọng hay để phóng thoát…
1.2. Dành mối quan tâm cho thơ, chúng tôi gặp nhà thơ Dương Kiều
Minh trong một trạng huống thật đặc biệt: ông đang ở rất gần thế giới bên kia
vì mắc bệnh hiểm nghèo. Điều đó đáng lý không quan trọng gì đối với việc
tìm hiểu sự nghiệp thơ của tác giả. Sáng tác thơ mới là mối quan tâm chính
yếu. Nhưng không hiểu có phải điều đó đã thôi thúc hay không mà chúng tôi
gấp gáp tìm đến thơ ông. Biết tên ông từ lâu nhưng thơ vẫn còn là bí ẩn. Lần
đầu tiếp cảm với thi phẩm, thơ Dương Kiều Minh đã mang lại sức hấp dẫn
riêng biệt. Sức hấp dẫn bởi một sự ám ảnh kỳ lạ: Cái tên Dương Kiều Minh
cùng thơ ông cứ vang lên trong tâm tưởng, đặc biệt là những vần thơ đầy
cuốn hút bằng vẻ mộc mạc mà đằm sâu của nó.
1.3. Tìm hiểu Dương Kiều Minh mới thấy: Suốt cuộc đời sáng tạo, thi
nhân đã chọn cho mình một góc riêng lặng lẽ. Cách mà Dương Kiều Minh
chia sẻ những đứa con tinh thần của mình cũng lặng lẽ. Thơ ông đương thời
ít gây tranh luận, không nhiều người biết và vả chăng, văn chương nghệ thuật
đích thực từ xưa đến nay đều cần đến sự sàng lọc của thời gian. Có lẽ vậy mà
cho đến giờ chưa có công trình nào nghiên cứu toàn diện, hệ thống về thơ
1
Dương Kiều Minh. Cũng đáng kể một số bài lẻ tẻ của các nhà nghiên cứu,
đồng nghiệp, bạn bè viết về người và thơ nhưng gương mặt thơ Dương Kiều
Minh chưa định hình. Trong hoàn cảnh đó, luận văn này chọn hướng tiếp cận
từ góc độ thi pháp – đang là hướng nghiên cứu khả quan trong nhiều hướng
có thể chọn lựa, để có thể có một cái nhìn tổng quát về sự nghiệp thơ ca của
thi sĩ đầy tài năng và bản lĩnh này.
2. Lịch sử vấn đề
Gõ tên Dương Kiều Minh trên Google, ngoài các trang báo mạng có
đăng thơ, tùy đàm văn chương của ông thì chỉ từ sau cái chết của thi sỹ, vào
tháng 03 năm 2012 mới có vài bài nói tới thơ hay phác thảo đôi nét chân dung
tác giả. (Có thể còn nhiều bài nghiên cứu khác nữa song vì lí do nào đấy hay
vì điều kiện nên chưa được công bố rộng rãi chúng tôi chưa thể sưu tầm
được). Có thêm một tập kỷ yếu sau buổi tọa đàm: Dương Kiều Minh trong
diễn trình đổi mới thi ca đương đại của khoa viết văn – báo chí – Đại học văn
hóa Hà Nội (05.2012 – hiện chưa xuất bản), tập hợp lại, có thể phân ra thành
hai hướng tiếp cận từ các bài viết đó: hướng tiếp cận nghiêng về cảm nhận
chủ quan và hướng tiếp cận từ góc độ thi pháp.
2.1. Tiếp cận nghiêng về cảm nhận chủ quan
Nghiêng về cảm nhận chủ quan có bài: Cảm nhận thơ Dương Kiều
Minh ( Bích Thu), Dương Kiều Minh có cuộc đời giấu bao nhiêu ánh sáng
( Bình Nguyên Trang), Những mùa thu ám ảnh trong cõi lửng lơ ( Đặng
Thân), Dương Kiều Minh : “Thuở niềm tin chưa có trên đời” (Khánh
Phương), Nhà thơ Dương Kiều Minh – Bông hoa kèn nở ngang tàn mùa hạ
( Lê Thị Bích Hồng), Thơ Dương Kiều Minh mang hơi xuân từ những cánh
đồng (Mai Văn Phấn), Dương Kiều Minh – Thi sỹ của những thôi thúc và
quyễn rũ từ khoảng trống đời người ( Ngô Kim Đỉnh), Thơ Dương Kiều Minh
– vẻ đẹp của ngôn từ giản dị ( Nguyễn Phan Quế Mai), Nhà thơ Dương Kiều
Minh với những thi tầng minh triết Phương Đông ( Nguyễn Việt Chiến),
Ngày xuống núi, đôi điều cảm nhận (Ngô Xuân Diện), Dương Kiều Minh lá
2
vàng kiếp kiếp rơi mờ hoàng hôn ( Trần Anh Thái), Thơ Dương Kiều Minh
ngọn lửa đêm hàn (Văn Chinh), Dương Kiều Minh – Thơ của số phận (Đoàn
Ánh Dương), Một khoảng trống sau: “Mùa xuân gấp gấp” (Vi Thùy Linh),
Dương Kiều Minh với thể thơ văn xuôi (Lưu Khánh Thơ), Nhà thơ Dương
Kiều Minh: Thơ đi giữa đời không lấm bụi (Nguyễn Sỹ Đại), Dương Kiều
Minh vẫn còn hơi ấm từ củi lửa (Nguyễn Ngọc Phú), Dương Kiều Minh tràn
ngập âm thanh mê đắm và khoái cảm (Nguyễn Linh Khiếu)…
Nhìn chung những bài này trình bầy ấn tượng chủ quan có kèm nhận
định đánh giá về sự nghiệp của nhà thơ họ Kiều .
Trên cơ sở cảm nhận chủ quan để đánh giá đóng góp của nhà thơ với
quá trình đổi mới thơ Việt hiện đại từ sau 1975, có bài: Cảm nhận thơ Dương
Kiều Minh ( Bích Thu), Nhà thơ Dương Kiều Minh – “Bông loa kèn nở
ngang tàn mùa hạ” (Lê Thị Bích Hồng), Nhà thơ Dương Kiều Minh với
những thi tầng minh triết Phương Đông ( Nguyễn Việt Chiến), và Dương
Kiều Minh lá vàng kiếp kiếp rơi mờ hoàng hôn (Trần Anh Thái).
Bài cảm nhận thơ Dương Kiều Minh của tác giả Bích Thu chỉ ra sự
thức tỉnh ý thức cá nhân của cái tôi trữ tình trong thơ Dương Kiều Minh
thông qua cảm hứng trở về nguồn với những cảm giác, cảm xúc mơ hồ hư ảo
khó nắm bắt, được đánh thức bởi sự hoài vọng quá khứ. Cái tôi Dương Kiều
Minh cũng là một cái tôi đầy tràn khát khao sáng tạo “ Kháng cự quyết liệt
với các tập tục lề thói, vươn tới những vùng đất lạ, đầy bí ẩn của thơ ca”.
Trong thơ Dương Kiều Minh ý thức về bản thể gắn liền với ý thức về thời
gian, thực chất là những dòng suy tư về thân phận con người. Hình thức nghệ
thuật trong thơ ông nghiêng về thể thơ văn xuôi với giọng điệu của sự từ tốn
da diết.
Cùng quan điểm với tác giả Bích Thu, Lê Thị Bích Hồng trong bài:
Bông loa kèn nở ngang tàn mùa hạ khẳng định vai trò Dương Kiều Minh với
công cuộc đổi mới thơ, nhưng nhấn mạnh tới sự đổi mới toàn diện, nội dung
cảm hứng, hình thức nghệ thuật, “ Ở cảm xúc chung, cách nhìn, cách cảm,
3
cách tổ chức câu thơ, bài thơ, đặc biệt là hình ảnh và ngôn ngữ thơ”. Đặt
trong dòng chảy của thi ca, trên một cái nhìn khái quát, tác giả Lê Bích Hồng
khẳng định cái tôi Dương Kiều Minh vừa kế thừa, vừa đổi mới so với thơ
truyền thống.
Nguyễn Việt Chiến thì phát hiện ra cá tính Dương Kiều Minh là chủ
động hướng sự tìm tòi của mình về Phương Đông – Nguồn cội, còn Trần Anh
Thái trong Lá vàng kiếp kiếp rơi mờ hoàng hôn thì cho rằng: “Dương Kiều
Minh khi xuất hiện trên văn đàn đã mang tới một luồng không khí mới lạ…
Dương Kiều Minh không tìm tòi, đổi mới về hình thức thơ,… Đổi mới của
Dương Kiều Minh là đổi mới về thẩm mỹ… Mang lại cho thơ tinh thần tự do
thuần khiết”.
Trừ những bài trên, còn lại là phần cảm nhận chủ quan về vẻ đẹp thơ
Dương Kiều Minh.
Bình Nguyên Trang và Nguyễn Linh Khiếu qua hai bài: Dương Kiều
Minh có cuộc đời giấu bao nhiêu ánh sáng, Dương Kiều Minh tràn ngập âm
thanh mê đám và khoái cảm gặp gỡ nhau trong một niềm rung cảm về thế giới
ánh sáng tinh khôi ngập tràn trong thế giới thơ Dương Kiều Minh. Thơ ông là
ánh sáng phản chiếu những gì đã qua hay những gì chưa tới. Một thực tại tinh
khiết không nhuốm bụi trần.
Một số bài cảm nhận chủ quan dọc theo hành trình thơ tác giả: Thơ
Dương Kiều Minh mang hơi xuân từ những cánh đồng (Mai Văn Phấn), Thơ
Dương Kiều Minh ngọn lửa đêm hàn (Văn Chinh), Dương Kiều Minh thơ của
số phận (Đoàn Ánh Dương).
Đồng hành với Dương Kiều Minh trên con đường thơ, Mai Văn Phấn
tinh tế và khá sắc sảo trong việc phát hiện sự vận động của tình cảm, cảm xúc
cũng như hình thức nghệ thuật qua các tập từ Củi lửa cho tới Tôi ngắm mãi
những ngày thu tận. Củi lửa – tập đầu tay “ Tập thơ được viết bằng thi pháp
mới, chắc tay, được chuẩn bị kỹ lưỡng…. Cho đến những bài thơ cuối cùng
Dương Kiều Minh đã mở rộng suy tưởng nhưng vẫn giữ cho mình vẻ đẹp
4
giản dị và hiện đại ấy”. Kết thúc bài viết tác giả nhận định: “Dương Kiều
Minh cùng các nhà thơ đương thời đã tạo nên một khuynh hướng thơ sau
1975”.
Đi qua sáu tập thơ, tác giả Văn Chinh trong bài: Thơ Dương Kiều Minh
ngọn lửa đêm hàn ngợi ca nhà thơ ở nhân cách thơ với khát vọng sáng tạo,
khát vọng đi tìm cái đẹp : “Tôi có cảm giác Minh sẵn sàng xé mình cho thơ,
cho cái đẹp” , “Với tôi, ngay cả lúc này, Minh đang nằm lạnh dưới đất kín,
ông vẫn thỏa nguyện mỉm cười. Bởi ông biết, thơ ông đang sống một đời sống
khác, đời sống của những ngọn lửa”.
Những mùa thu ám ảnh trong cõi lửng lơ là một bài cảm thơ đầy kinh
nghiệm, có chiều sâu. Từ một sự tiên cảm có “ Một dòng tiềm thức như một
ngọn thác khổng lồ ập xuống”, qua một hồi ngẫm ngợi, suy tưởng, tác giả kết
luận: “ có thể nói, dòng tâm thức – đó là con đường thơ Dương Kiều Minh”.
Đây là một trong số không nhiều bài viết dẫn ra được những câu thơ hay và
đẹp thực sự chứng tỏ khả năng cảm thơ tinh nhạy. Còn một bài như thế :
Dương Kiều Minh – thuở niềm tin chưa có trên đời của tác giả Khánh
Phương. Chủ thể bài viết này nhìn thấy: “Thế giới Dương Kiều Minh hiện lên
bằng vẻ đẹp Cái đẹp ấy toát ra từ thiên nhiên, cảm giác về ánh sáng, từ cả
nỗi buồn”.
Đặt trong bối cảnh và không khí đổi mới thơ sau 1975, Đoàn Ánh
Dương chỉ ra nguồn cội của những cách tân sáng tạo trong thơ Dương Kiều
Minh là: “ngọn lửa rơm rạ, của cội cây đã lưu giữ trong Dương Kiều Minh
những thiết tha ngày cũ, soi sáng con đường làm mới thơ trên những vang
vọng của một truyền thống thơ Phương Đông trầm mặc”. Và ở những tập thơ
về cuối thi sỹ đã bỏ lại một khoảng cách so với những vần thơ đầu thì điều đó
vẫn làm nên căn cốt trong thơ ông.
Không cố gắng định vị Dương Kiều Minh bằng những ngôn từ sáo
rỗng, cũ mòn, Vi Thuỳ Linh trong bài Một khoảng trống sau mùa xuân gấp
gấp khắc họa thơ với người bằng ngôn từ sắc nét: “thơ Dương Kiều Minh toát
5
lộ tâm hồn nhạy cảm, luôn đeo đẳng tiếc thương ký ức và cả khát vọng bung
tỏa xa xôi chất ngợp, ngân vang chuỗi hình ảnh bằng lượng từ vựng dồi dào”,
“một biểu tượng dấn thân kiên cường, lặng lẽ, con người nhân hậu, trong sáng
ấy luôn ý thức về văn hóa, nghệ thuật”.
Ngày xuống núi, đôi điều cảm nhận (Nguyễn Xuân Diện) là một bài
hiếm hoi viết về một tập thơ. Bài viết ngắn nhưng theo lời tác giả đã được nhà
thơ tôn thành “ Ông lão”. Ngày xuống núi đậm chất “ Uyên bác”, “ nói được
niềm u hiển của tâm linh bằng một điệu thức rất gợi”. Ngày xuống núi “ đằm
sâu chất hoài niệm – niềm hoài niệm đẩy lên thành sự thăng hoa và hướng tới
sự siêu thoát”.
Những bài viết trên thiên về cảm nhận chủ quan, tác giả bài viết chỉ chú
trọng nói tới ấn tượng của mình cho nên rất khó có được sự bao quát tổng
thể. Nếu có cố gắng đưa ra nhận định khái quát thì các tác giả cũng chưa lý
giải được thấu đáo.Tuy vậy, những ấn tượng đó cũng có ý nghĩa như những
gợi mở để phát hiện ra phần đặc sắc trong thơ Dương Kiều Minh.
2.2. Nghiêng về tiếp cận thi pháp
Nghiêng về tiếp cận thi pháp có các bài: Cảm thức thời gian trong thi
pháp thơ Dương Kiều Minh ( Đỗ Ngọc Yên), Thi pháp ngôn ngữ thơ Dương
Kiều Minh (Hoàng Kim Ngọc), Dương Kiều Minh – lữ thứ đời, lữ thứ thơ
(Văn Giá).
Bài Cảm thức thời gian trong thi pháp thơ Dương Kiều Minh (Đỗ
Ngọc Yên) với quan niệm “ Thời gian là một khái niệm mang đầy tính chủ
quan, trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. “ Cảm thức thời gian là một vũ khí
lợi hại trong quá trình sáng tạo cũng như tiếp cận văn bản thơ. Có hai dạng
thời gian: Thời gian thực – vật chất và thời gian ảo – tâm lý sáng tạo, từ đó
Đỗ Ngọc Yên đặt vấn đề: “ Cảm nhận đầu tiên cũng là ấn tượng sâu sắc nhất
với tôi là cảm thức thời gian trong thi pháp thơ” của Dương Kiều Minh. Ở bài
viết tác giả lựa chọn khảo sát 52 bài (ứng với tuổi thọ của nhà thơ). Rồi bằng
phương pháp thống kê phân loại, Đỗ Ngọc Yên đi đến kết luận “ý thức về
6
thời gian trong cảm quan quay về với quá khứ kỷ niệm, vượt ra khỏi những
ràng buộc của đời sống thường nhật, tiến dần đến độ nghiệm sinh thời vận,
siêu thoát khỏi cõi phàm trần, đây chính là sự biến thiên của tâm lý sáng tạo
thường thấy trong nhiều bài thơi của Dương Kiều Minh”.
Bài viết này đáng ghi nhận ở sự phát hiện thời gian là vấn đề rất nhức
nhối trong thơ Kiều Văn Minh nhưng những lý giải và kết luận tuy không
phải là không có lý song, chưa thực xác đáng. Sự cảm thụ, biểu đạt trong tâm
thức sáng tạo trong tác phẩm nghệ thuật không phải chỉ đơn giản như vậy.
Bài Thi pháp ngôn ngữ Dương Kiều Minh (Hoàng Kim Ngọc) là một
bài viết có sự lầm lẫn giữa các phạm trù thi pháp học: Nhan đề là thi pháp
ngôn ngữ nhưng nội dung lại khảo sát thời gian và không gian nghệ thuật,
nghệ thuật miêu tả thời gian và không gian nghệ thuật. Song, có một số điều
đáng ghi nhận ở đây. Tác giả đã phát hiện ra biểu tượng mùa xuân, mùa thu,
con đường, cánh đồng, người mẹ, có một số tìm tòi về hình thức nghệ thuật
nhưng kết luận cuối cùng lại chưa thuyết phục. Câu hỏi: “ Ta là ai? Ta đang đi
về đâu? Ta đang làm gì? Ta đi về đâu?” mà tác giả đặt ra vênh lệch so với vấn
đề đã nêu và kết quả nghiên cứu, hơn nữa trả lời những câu hỏi ấy không phải
là cách tìm con đường thơ Dương Kiều Minh đã đi.
Tiếp cận từ góc độ thi pháp, Văn Giá cho cái tôi Dương Kiều Minh là
một cái tôi lữ thứ bất an, tha hương mà vẫn hoài hương và một cái tôi cô độc,
hướng nội cao độ. Thế giới mà cái tôi lữ thứ hoài niệm là “Thế giới ngày xưa
đã mất” : Cậu bé, mẹ, quê xưa. Về hình thức nghệ thuật “có sự chuyển biến
về giọng điệu: Từ hình thức trữ tình sang hình thức tự tình”. Bài này có cơ sở
khoa học do đó có được sự lý giải ở mức độ nhất định. Thực chất đây sự
khám phá thế giới nghệ thuật thơ nhưng tác giả chưa đi sâu lý giải cặn kẽ.
Một bài viết ngắn, Văn Giá không có điều kiện làm rõ cái tôi thi sỹ Dương
Kiều Minh ở mọi diện và chiều sâu của nó.
Như vậy, nhìn tổng thể những bài viết trên, dẫu là cảm nhận chủ quan
hay những phát hiện, luận giải có cơ sở khoa học thì ít nhiều, đều đã thức dậy
7
hồn thơ Dương Kiều Minh ở phương diện nào đấy. Đã có những phát hiện
đáng kể về hình tượng cái tôi, hình tượng thế giới, một vài nét về nghệ thuật
và tư tưởng cảm hứng phong cách. Một số nhà nghiên cứu cố gắng đưa ra
nhận định về chỗ đứng của Dương Kiều Minh cũng như những cách tân của
ông trong quá trình đổi mới thi ca sau 1975. Có nhiều ý kiến thống nhất cho
thấy sự am hiểu về thơ cũng như tác phẩm của nhà thơ nhưng còn có bài chủ
quan, chung chung, chưa tiếp cận tới cái tôi nội cảm của thi sĩ, còn tồn tại các
nhận định có thể gán vào bất cứ tác giả nào trong chặng đường đổi mới thơ
sau 1975 cũng được. Cá biệt, một vài bài sơ sài thiếu sức thuyết phục, chưa
thâm nhập được vào thế giới thơ. Thế giới nghệ thuật thơ Dương Kiều Minh
như vậy rõ ràng còn là vấn đề đòi hỏi phải giải quyết thỏa đáng.
3. Đối tượng, phạm vi, nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là Thế giới nghệ thuật thơ Dương
Kiều Minh.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu là Thơ Dương Kiều Minh gồm bảy tập: Củi lửa,
Dâng mẹ, Những thời đại thanh xuân, Ngày xuống núi, Tựa cửa, Tôi ngắm mãi
những ngày thu tận, Khúc chuyển mùa và hai tùy đàm văn chương: Những viên
ngọc sáng, Tìm hiểu người xưa qua sách cổ. Ngoài ra Dương Kiều Minh còn
để lại 30 bài tiểu luận về thơ, văn xuôi, thơ cách tân của một số nhà thơ hiện
đại Việt Nam hiện chưa xuất bản, cũng thuộc phạm vi khảo sát.
3.3. Nhiệm vụ nghiên cứu
Giải quyết đề tài từ góc độ thi pháp, xác định thế giới nghệ thuật là một
phạm trù thi pháp học, là sản phẩm sáng tạo của nghệ sỹ, chỉ có trong tác
phẩm…, là một kiểu tồn tại đặc thù… có cấu trúc, có ý nghĩa riêng chịu sự
chi phối của quan niệm nghệ thuật của tác giả. Theo đó, thế giới nghệ thuật là
thế giới được tạo ra trong nghệ thuật, bằng nghệ thuật, là thế giới tư tưởng,
thẩm mĩ, thế giới tinh thần của con người. Thế giới nghệ thuật của một tác giả
8
cũng thuộc vào phạm trù văn học sử. Do vậy, giải quyết đề tài này vừa phải
khảo sát văn bản thơ, nghiên cứu hình thức nghệ thuật mang nội dung tư
tưởng, nhưng không bỏ qua các yếu tố lịch sử, thời đại, thân thế nhà thơ nhằm
hỗ trợ cho quá trình khám phá thế giới nghệ thuật đó.
3.3.1. Thế giới nghệ thuật bao giờ cũng chịu sự chi phối của quan niệm nghệ
thuật, cho nên phải nghiên cứu quan niệm nghệ thuật, đồng thời cần thiết phải
có sự hình dung về các chặng đường thơ, lấy đó làm cơ sở đi sâu vào khám
phá thế giới hình tượng.
3.3.2. Thế giới nghệ thuật thơ Dương Kiều Minh là một chỉnh thể thống nhất
bởi các yếu tố tác động lẫn nhau trong một cấu trúc, có quy luật vận động
riêng biệt, thể hiện cái tôi thi sĩ cảm nhận thế giới khách quan và biểu hiện
bằng tưởng tượng chủ quan. Nhìn vào thế giới nghệ thuật người ta thấy được
sự trải nghiệm của một nhà văn , phong cách cá tính và một khả năng tư duy
sáng tạo.
3.3.3. Nghiên cứu thế giới nghệ thuật thơ trữ tình phải nghiên cứu hình tượng
cái tôi. Đây là “Nhân vật trung tâm, là hạt nhân của cấu trúc chỉnh thể”
[25,21]. Luận văn xác định nhiệm vụ nghiên cứu hình tượng cái tôi trong thơ
Dương Kiều Minh từ góc độ thi pháp.
Cái tôi có thể bộc lộ trực tiếp hoặc có thể ẩn khuất sau những hình
tượng thế giới bên ngoài. Vì khi chủ thể trữ tình ý thức về mình cũng là lúc
đồng thời thế giới bên ngoài được đẩy ra thành khách thể. Cho nên nhận thức
chủ thể phải gắn liền với khách thể. Hình tượng cái tôi – thế giới bên ngoài
do vậy chỉ là sự phân biệt tương đối để soi chiếu những chiều khác nhau của
một tâm hồn thơ, không phải là sự phân tách biệt lập hoàn toàn.
3.3.4. Thế giới hình tượng tất yếu được thể hiện bằng văn bản ngôn từ. Bởi
thế phải nghiên cứu hình thức nghệ thuật nhằm làm sáng tỏ mối tương quan
biện chứng giữa nội dung – hình thức thơ Dương Kiều Minh, đồng thời bước
đầu nhận diện một phong cách thơ trên chặng đường đổi mới.
9
4. Đóng góp của luận văn
Nghiên cứu thơ Dương Kiều Minh từ góc độ thế giới nghệ thuật nhằm
khám phá tài năng thơ và định vị gương mặt thơ cũng như, góp phần vào việc
khẳng định những đóng góp của ông trong quá trình cách tân thơ Việt Nam
sau 1975.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng phối hợp các phương pháp nghiên cứu sau đây:
5.1. Phương pháp phân tích – tổng hợp
Nghiên cứu văn chương nghệ thuật dù ở cấp độ nào hay từ góc độ nào
thì đều không thể bỏ qua khâu cảm thụ thẩm mĩ. Trên cơ sở cảm thụ nghệ
thuật, luận văn phân tích, tìm kiếm và tổng hợp để phát hiện những biểu
tượng nghệ thuật ám ảnh trong thế giới nghệ thuật thơ Dương Kiều Minh.
5.2. Phương pháp cấu trúc- hệ thống
Với quan niệm thế giới nghệ thuât thơ Dương Kiều Minh là một chỉnh
thể thống nhất bởi các yếu tố có mối quan hệ biện chứng nội tại, luận văn sử
dụng phương pháp cấu trúc hệ thống tìm ra những yếu tố cơ bản tạo nên
chỉnh thể và quy luật cấu trúc nên hệ thống đó, giúp hình dung diện mạo thế
giới nghệ thuật thơ Dương Kiều Minh.
5.3. Phương pháp so sánh đối chiếu
So sánh đối chiếu ở một chừng mực nhất đinh để thấy được thế giới
hình tượng biến chuyển qua các chặng đường sáng tác, đồng thời đặt trong
không khí đổi mới sau 1975 nhằm phát hiện ra những đóng góp của nhà thơ
trong công cuộc cách tân thơ.
5.4. Phương pháp tìm kiếm thông tin internet
Sử dụng phương pháp tìm kiếm thông tin internet nhằm hỗ trợ cho việc
thu thập và tổng hợp tài liệu, chọn lọc những yếu tố, vấn đề có liên quan đến
đề tài.
10
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, mục lục, thư mục tài liệu tham khảo,
nội dung luận văn triển khai 3 chương:
• Chương 1: Dương Kiều Minh - những chặng đường thơ và quan
niệm nghệ thuật
• Chương 2: Thế giới hình tượng thơ Dương Kiều Minh
• Chương 3: Những đặc sắc nghệ thuật thơ Dương Kiều Minh
11
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: DƯƠNG KIỀU MINH - NHỮNG CHẶNG
ĐƯỜNG THƠ VÀ QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT
1. Những chặng đường thơ Dương Kiều Minh
1.1.Vài nét tiểu sử
Nhà thơ Dương Kiều Minh tên thật là Kiều Văn Minh, sinh ngày
6.1.1960 tại thôn Nam Cường, xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh
Phúc. Có mặt trên đời hơn 50 năm, ông sống chủ yếu rồi mất tại thành phố
Hà Đông, vào ngày 28.3.2012.
Thuở nhỏ, Dương Kiều Minh sống ở quê hương nhưng tài năng thơ
chưa phát lộ. Tuy vậy, tuổi thơ và quê hương đã làm nên miền ký ức không
thể nguôi quên, là mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn nhà thơ cho đến khi ông
dừng bút.
Từ năm 1980 đến 1991, Dương Kiều Minh công tác tại Tổng công ty
xây dựng sông Đà, gắn bó tuổi thanh xuân với công trình thủy điện Hòa Bình,
bắt đầu làm thơ và tâm hồn thơ đó được nuôi dưỡng trong cái nôi văn chương
nghệ thuật lúc bấy giờ: nhà thơ họ Kiều tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn
Du khóa 3, chính thức gia nhập làng văn với tập đầu tay: Củi lửa.
Ra trường, từ năm 1991 đến khi từ giã cõi đời, Dương Kiều Minh công
tác tại Sở Văn hóa- Thông tin Hà Tây rồi chuyển sang công tác hẳn trong
nghành Văn học- Nghệ thuật, từng đảm nhiều chức vụ: Phó Chủ tịch rồi Chủ
tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tây; Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ thủ đô
Tản Viên sơn; Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội . Nhưng công
việc mà Dương Kiều Minh đam mê và dành trọn tâm huyết của mình là sáng
tác thơ ca. Vì vậy nhắc tới ông, người ta nghĩ tới một nhà thơ chứ không phải
một nhà lãnh đạo văn nghệ với một sự nghiệp thật đáng trọng. Tác phẩm của
ông gồm:
12
Thơ (7 tập):
− Củi lửa (1989), Nxb Tác phẩm mới.
− Dâng mẹ (1990), Nxb Văn hóa.
− Những thời đại thanh xuân (1991), Nxb Văn học.
− Tựa cửa (2000), (chưa xuất bản), đã in trong Thơ Dương Kiều Minh,
Nxb Văn học.
− Tôi ngắm mãi những ngày thu tận (2008), Nxb Hội nhà văn.
− Khúc chuyển mùa (2011), (chưa xuất bản), đã in trong Thơ Dương Kiều
Minh, Nxb Hội nhà văn.
Tùy đàm văn chương (2 cuốn):
− Tìm hiểu người xưa qua sách cổ (2006), Nxb Lao động.
− Những viên ngọc sáng (2008), Nxb Hội nhà văn.
Ngoài ra còn số ít tiểu luận về thơ, văn xuôi, thơ cách tân về một số nhà
thơ hiện đại Việt Nam chưa xuất bản.
Với tư cách là người quản lý phong trào Văn nghệ, Dương Kiều Minh
còn cho xuất bản được bộ Tổng tập Văn học Nghệ thuật Hà Tây gồm 9 cuốn
với tổng số trang lên tới ngót 5000. Đó là một bộ sách quý chứa đựng giá trị
tinh thần của các thế hệ văn nghệ sỹ xứ Đoài.
Dương Kiều Minh đã ra đi mà ý tưởng của ông vẫn còn đang phát lộ
những chiều sâu mới hứa hẹn những trang viết đầy bản sắc, để lại những dư
âm khôn nguôi về người và thơ trong lòng bè bạn văn chương cũng như người
đọc. Sự nghiệp văn học của ông xứng đáng là một minh chứng cho tấm gương
lao động nghệ thuật hết mình cho nhiều thế hệ những nhà văn trẻ tiếp nối.
1.2.Những chặng đường thơ
Bảy tập thơ, Dương Kiều Minh rẽ cho mình lối đi riêng khác biệt
nhưng không dị biệt. Đi dọc hành trình thơ cùng tác giả, người đọc được trải
nghiệm mọi cung bậc xúc cảm vừa tinh khôi vừa mới lạ. Trên con đường đó,
nhà thơ không tạo ra những khuất khúc, những bước ngoặt đột ngột của tư
13
tưởng và hình thức thể hiện. Tuy không phải không có sự vận động biến
chuyển, nhưng điều đáng nói là Dương Kiều Minh thuộc người có ý thức cách
tân nghệ thuật và kiên định với sự chọn lựa ban đầu của mình. Thơ ông là một
thể thống nhất từ đầu đến cuối. Ông thủy chung với bút pháp thể hiện được
chọn lựa ngay từ tập thơ đầu. Với cách thể hiện mới, thế giới thơ Kiều Minh
mở ra thật buồn nhưng sáng trong, đẹp đẽ. Tâm hồn thi sỹ ấy đầy thơ, nhạc,
họa cùng những suy cảm về đời người bằng một cái tâm hồn hậu. Cùng với
một số nhà thơ như Nguyễn Quang Thiều, Dư Thị Hoàn, Trương Nam
Hương, Mai Văn Phấn, Nguyễn Lương Ngọc,… Dương Kiều Minh đã góp
phần quan trọng tạo nên khởi động mạnh mẽ cho công cuộc cách tân thơ Việt
lúc bấy giờ.
Hơn hai mươi tuổi, Dương Kiều Minh đã cho ra đời một tập thơ dày
dặn có cái tên quen mà lạ. Củi lửa thật gần gụi thân thuộc gắn bó với mỗi
người. Nó là năng lượng, là hơi ấm, là sức nóng lan tỏa và bền bỉ. Đặt vào
thời điểm mà tập thơ chào đời, những năm cuối của thập kỷ 80 thế kỷ XX, có
thể coi như thời kỳ bản lề đánh dấu sự chuyển biến của thơ ca Việt Nam sang
giai đoạn mới, khi mà bao nhà thơ còn đang “vương vấn” nhiều với quá khứ,
Kiều Minh đã xác định được hướng đi của mình một cách dứt khoát. Củi lửa
phải chăng còn chứa ẩn dự cảm về một khả năng “tỏa hơi ấm” trong vùng
không gian thơ đang lạnh lẽo khi ấy. Sau này, thơ ca đã có nhiều ngả rẽ, với
những cách tân táo bạo, con đường thơ thênh thang rộng mở, nhưng Củi lửa
tự tin vào việc không làm mới mình bằng những hình thức lạ lẫm, nó vẫn rất
thuần Việt, từ nội dung tư tưởng cho đến hình thức nghệ thuật. Phải chăng
Dương Kiều Minh cũng dự cảm được sự vận động biến chuyển của thơ; phải
chăng nhà thơ nghĩ, sáng tạo trên cái nền truyền thống tức là trở về bản sắc
vốn có của mình? Để trả lời dứt khoát câu hỏi ấy thật khó, chỉ biết rằng nhà
thơ xứ Đoài trong suốt lộ trình thơ đã diễn tả đời sống nội tâm con người hiện
đại với một hình thức nghệ thuật mới mẻ mà phù hợp với cách cảm cách nghĩ
của tâm hồn dân tộc. Cho nên sức truyền dẫn của Củi lửa không giật gân mà
14
giống như mưa lâu thấm đất, càng đọc càng hay, càng mới, càng ngân nga
bung tỏa đến ám ảnh. Như Nguyễn Ngọc Phú nói: “ đọc Dương Kiều Minh
như được chiêm nghiệm một thế giới tâm linh ảo ảnh mà ám ảnh, không rậm
rạp trong khu vườn ngôn ngữ như Nguyễn Quang thiều, không tài hoa bay
bổng như Trương Nam Hương. Dương Kiều Minh là một thứ Củi lửa. Hòn
than ấy có độ ấm nóng của cuộc đời, có độ phát sáng âm ỉ của tâm trạng,
không chói sáng nhưng sức lan tỏa của nó thổn thức và bền bỉ”.
Tập thơ đầu tay thường là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng
tác của những nhà thơ có tài năng, hé lộ những hương sắc sở trường và cả
những sở đoản mà sau này, cho dù nhà thơ có bước tiếp con đường ban đầu
đã đi hay rẽ sang nẻo khác thì tinh hoa và khả năng sáng tạo được tiên báo
ngay từ những trang viết đầu đời, vẫn như sợi chỉ xuyên suốt làm nên linh
hồn và phong cách thơ ấy .
Củi lửa của Dương Kiều Minh giống như “cánh cửa rộng đột mở”( Mai
Văn Phấn) đưa bạn đọc vào thế giới tinh khôi lấp lánh ánh sáng. Với cách
thể hiện mới lạ, với nhiều bài thơ có cấu tứ chặt chẽ chứng tỏ một sự chuẩn bị
kỹ càng, một suy nghĩ đến độ thấu đáo. Qua tập thơ người ta thấy nhà thơ
Dương Kiều Minh rất tự tin, không phân vân đắn đo, một thái độ quyết liệt,
một tư tưởng chin muồi, không còn chút rơi rớt nào của thơ ca thời chiến.
Lần giở những trang thơ thì thấy nhà, thơ họ Kiều đã tạo cho mình một
không gian thơ rất riêng. Tuy viết về những hình ảnh quen thuộc của làng quê
Việt Nam như: người mẹ, cánh đồng, con đường, mùa gặt , tuổi thơ, chùm
mồng tơi, bông cúc, hoa cải, hương gió đồng nội, gái quê, tình yêu ….nhưng
chúng không cũ mòn mà mang đến những rung động lạ trong cảm xúc bởi
chúng có khả năng gợi ra ở người đọc những liên tưởng đa chiều với sự huy
động tối đa của mọi giác quan. Những hình ảnh đó hiện lên trang thơ Kiều
Minh bao giờ cũng sống động với sự kết hợp của những chi tiết cụ thể và trừu
tượng, từng chùm từng chùm phức hợp hình ảnh lan tỏa, thực sự tươi mới có
sức cuốn hút đến lạ kỳ. Mỗi lần đọc lại Củi lửa là mỗi lần thế giới thơ đó khởi
15
sinh tái tạo thêm lần nữa trong tâm tưởng, có tính “năng sản” không ngừng
trong thế giới nội tâm. Ở đó thiên nhiên con người hiện lên lung linh huyền ảo
và trong suốt, còn thi sĩ run rẩy ngỡ ngàng khi được trở về thuở bé dại, được
đắm chìm trong bầu không khí thanh mát tinh khôi:
- Ở giữa cánh đồng của mẹ
Trong chiếc nôi màu thiên thanh
(Cánh đồng thơ ấu)
- Ngỡ vừa qua giấc mơ hoang dại
Cậu bé tìm lại đồng xu đánh mất ngày xưa
Đáy bể ngâm trong vắt
Ồ một vầng trăng vừa được vớt lên
(Cám dỗ)
Trong tập đầu tay này có nhiều bài tiêu biểu không chỉ cho cả tập mà
với toàn bộ sự nghiệp thơ Dương Kiều Minh. Thật ấn tượng khi trở về làng
quê trong thơ thi sỹ, người ta không chạnh nghĩ một chút nào tới Nguyễn
Bính. Những bài : Củi lửa, Hy vọng, Cánh đồng thơ ấu, Trong mưa, Vừa giấc
mơ dịu dàng đậu xuống, chắc chắn sẽ còn được nói tới nhiều và sẽ còn gắn
mãi với cái tên nhà thơ. Người đọc sẽ không thể quên được hương vị mà
Dương Kiều Minh mang lại ở đây là sự tế vi đến mơ màng. Ví như những câu
thơ trong sáng và tinh tế số một này :
Con chạy trên đồng lúa rộ vàng
Mạng nhện giăng giăng bụi hoa cúc dại
Bức tường ánh sáng
Điều gì dào lên trong những hạt li ti
(Hy vọng)
Dương Kiều Minh có khả năng gợi không gian đa chiều và bất tận:
- Ở giữa cánh đồng của mẹ
Trong chiếc nôi màu thiên thanh
Mơ mơ cánh đồng thơ ấu
16
Không không không cả bóng người
………………………….
Kia đôi tình nhân gần khuất
Kia chiếc cầu cong thảnh thơi
Kia những hàng cây thân trắng
Kia tòa nhà cổ im lời
Đấy cánh đồng ngày thơ ấu
Ta chỉ như là khách thôi
Tất cả kia là cậu bé
Chìm trong mờ ảo sắc trời
(Cánh đồng thơ ấu)
Tất cả quá khứ và hiện tại, cả thiên nhiên con người, cả vật thể và linh
hồn cùng đồng hiện như ùa vào trong tầm tay với mà lại không thể nào chạm
tới được, khiến con người ta không bị hụt hẫng mà trái lại muốn đắm chìm
mãi trong đó. Còn đây là những câu lục bát hiếm hoi trong thế giới thơ tự do
và thơ văn xuôi của Dương Kiều Minh nhưng thật độc đáo chỉ có thể cảm chứ
không thể tả:
Trong mưa có một ngôi đền
Và mưa từng ngón buông mềm mái tây
Và mưa từng ngón ngón gày
Len len rây rẩy bàn tay gượng gang
(Trong mưa)
Bài thơ Củi lửa mà được tác giả lấy tên đặt nhan đề cho cả tập mang
hàm ý trở về nguồn. Đó cũng là cảm hứng xuyên suốt các chặng đường thơ
Dương Kiều Minh (từ chặng đường thơ sau nguồn cảm hứng ấy xen lẫn và bị
lấn át bởi nỗi buồn nhân thế). Bài thơ cũng rất tiêu biểu cho nghệ thuật thơ
ông. Đó là sự kết hợp chuỗi hình ảnh tưởng như tách rời nhưng lại được kết
dính với nhau bằng mạch cảm xúc nhất quán khiến thơ tạo ra nhiều khoảng
17
trống dành để cho bạn đọc suy tưởng. Thơ ông vì vậy không quá khó nhưng
không phải dễ đọc. Tuy nhiên khi đã nhập được vào tác phẩm thì cứ thấy
ngân nga mãi. Những câu thơ:
Mơ được về bên mẹ
Ao xưa, mảnh vườn nhỏ ngày xưa
Bậc thềm giàn giụa trăng mỗi tối
Bên những hoàng hôn loang lổ gò đồi
Mùi lá bạch đàn xộc vào giấc ngủ
Con về yêu mái rạ cuộc đời
…như những nốt nhạc trầm giao thoa trong tưởng tượng là hiện thực đời sống
và những giấc mơ. Cái thực và cái ảo đan bện hài hòa tạo trạng thái mơ, say
thường thấy trong thơ Dương Kiều Minh. Còn đây là khổ kết:
Một sớm vắng
Ùa lên khói bếp
Về đây củi lửa ngày xưa
Một sớm vắng vút lên trên nền nhạc trầm bổng như một điểm nhấn làm
sống lại diễn tiến những hình ảnh từ đầu bài thơ rồi đột ngột chốt lại bằng hai
câu cuối “Ùa lên khói bếp/ Về đây củi lửa ngày xưa”. Tuy khép lại nhưng Củi
lửa liên tiếp tạo những âm thanh vang vọng , nuôi dưỡng trạng thái sâu lắng
của cảm xúc, lôi cuốn người đọc vào thế giới mặc tưởng, tâm hồn thanh cao
rộng mở bay bổng…Cách viết này sau được nhà thơ triển khai trong nhiều bài
ở những tập tiếp theo tạo nên phong cách thơ Kiều Minh.
Sau Củi lửa , Dương Kiều Minh kiên định triển khai thi pháp mà mình
chọn lựa. Dâng Mẹ, Những thời đại thanh xuân đã nối tiếp tập thơ đầu tay về
nội dung cảm hứng và cũng là sự kết thúc một chặng đường thơ. Tuy dần lộ
ra một cái tôi trăn trở nhiều về cuộc đời nhưng Kiều Minh về căn bản vẫn giữ
được giọng nói trong trẻo ban đầu. Đây là niềm hân hoan khi bắt gặp trong cái
nhìn đầu tiên thế giới ban sơ:
18
- Mùa vàng, mùa vàng
Những ký ức không bao giờ lặp lại
Ta còn nguyên sơ hơi thở tự do
(Những thời đại thanh xuân)
…là khung cảnh thiên nhiên mơ như cõi tiên “cánh đồng bao la dập dờn tiếng
hát/ Các nàng tiên thiên giới tụ về” nhưng vẫn cho người đọc biết rằng cõi
tiên ở trong hiện thực: hồ nước, đụn rơm, cây cầu gỗ, hội hè thôn quê sênh
sáo nhặt khoan, bông hoa cỏ dịu dàng thiếu nữ:
Cánh đồng bao la dập dờn tiếng hát
Hồ nước
Đụn rơm
Cây cầu gỗ
Hội hè thôn quê sênh sáo nhặt khoan
Bông hoa cỏ dịu dàng thiếu nữ
Các nàng tiên thiên giới tụ về
(Thôn quê)
Nhưng cũng từ đây, trong bức tranh quê thuần khiết đã bắt đầu có dấu hiệu
của đời sống phồn tạp:
Bài ca Niềm Vui Sống
Ấy tiếng chông cuối chiều dóng dả
Cơn lốc cuốn theo đám bụi nô đùa
Hai đứa trẻ dắt nhau chân trời xa tít
(Khúc dâng Mozart)
Khung cảnh thiên nhiên thấm đẫm nỗi buồn khắc khoải,ưu tư:
Thôi thôn dã bức tứ bình tưởng niệm
Bầu trời u tịch mênh mông
Ánh sáng hắt những đền đài cổ
Mẹ hoài công chờ trông
19
…………………………
Xa lăm lắm ngày xuân xa lăm lắm
Bên giậu buồn cậu bé đứng trầm tư
Thôi thôn dã cánh diều mỏng dính
Nỗi niềm sầu muộn ngất ngư.
(Thôn dã)
Ở đây lộ rõ trong thơ Dương Kiều Minh một cái tôi trằn trọc, dằn vặt, giằng
xé cho thấy một đời sống nội tâm không thanh thản. Số lượng những bài thơ
trong sáng đã bị lấn át bởi chuỗi những bài suy tư chiêm nghiệm về thế sự:
Lan can, Thôn dã, Thời, Prôtêmê và lửa, An pôn lông và niềm cô tịch, Cổ
tích, Bày tỏ, Không đề, Giông thu, Những ngày u ám, Cay nghiệt, Lưng
chừng đêm, Vô thanh, Những thời đại thanh xuân,…Người đọc không khó để
dẫn ra những câu thơ nặng trịch nỗi niềm nhân thế như thế này:
Quá nhiều đổi thay, nỗi buồn không đổi
Quá nhiều đổi thay, buồn chồng chất buồn
….
Ta chợt hiểu giá người xưa phải trả
Đến lượt ta bản hòa âm này
Những chiếc vĩ cuộc đời chà sát
Những chiếc vĩ cuộc đời cứa ta bỏng rát
(Bày tỏ)
Ô một đời ngắn ngủi
Một đời cô độc
Một đời nghiệt ngã
Một đời ôm gối đợi đêm tàn
(Những ngày u ám)
Những khi chìm trong suy tưởng, Dương Kiều Minh thường độc thoại
hoặc mượn lời nhân vật lịch sử, nghệ thuật cổ điển, thế giới cổ tích để gửi
gắm tâm sự một cách kín đáo: Tuồng Việt, Prôtêmê và lửa, An pô lông và
20
niềm cô tịch, Cổ tích (II) và (III), Khuất Nguyên, Khúc dâng Mozart, Giêsu
Krixto, Faust, Gửi Đôn ki hô tê, Khi ấy nhà thơ giống như nhà tiên tri được
phép cao giọng phán truyền chân lý mà không sợ bị lung lay. Nhưng nếu như
viết về đồng quê, Dương Kiều Minh rất trong trẻo, thơ ngây trầm ấm thì khi
trăn trở nỗi niềm nhân thế, thơ ông lại chợt ưu tư, sầu não. Dầu vậy, cái tôi ở
đây chưa u ám mà vẫn còn dạt dào niềm tin yêu cuộc đời của thời thanh xuân
đang căng tràn nhựa sống với biết bao khát vọng lớn lao:
Tôi - cậu bé đi lạc trong kinh thánh
Đi lạc xứ sở cái ác kinh hoàng
Cái thiện bao la
Tình yêu- sự khởi đầu
Đi lạc chiêm nghiệm hung vĩ đời người
Máu và nước mắt
Tôi đi lạc âm nhạc xửa xưa
Có tiếng mẹ ru
Có lời tình ái
Có trưa hè nắng râm ran xứ sở
Có bữa tiệc tưng bừng bất tận hoàng cung
Ấy là đất
Ấy là muối
Ấy là hơi thở
Bài Ca Niềm Vui Sống
(Khúc dâng Mozart)
Rồi thời thanh xuân đã kết thúc với cái tên rất gợi “Những thời đại thanh
xuân”, cũng là khép lại một chặng đương thơ Dương Kiều Minh. Bắt đầu từ
Ngày xuống núi trở đi cho đến hết tập thơ cuối cùng Khúc chuyển mùa, nội
dung thơ dần ngả rồi đậm đặc những câu chuyện nhân sinh thế sự. Người đọc
có cảm giác trong giai đoạn này, nhà thơ của những hoài niệm sáng trong
đang bước dần vào lãnh địa không phải thuộc sở trường của mình. Hình như
21
Dương Kiều Minh có sự phân biệt không rõ ràng giữa cảm hứng và nội dung
thời cuộc. Rất nhiều câu chuyện nhân sinh được thi sỹ phơi trải trên trang thơ,
song bản thân chúng không phải là cảm hứng. Những câu chuyện đó chỉ trở
thành cảm hứng khi bộc lộ khả năng khám phá ra vấn đề gì đó về cuộc đời,
con người. Muốn lặn lội trong nhân sinh thế cuộc nhằm đem lại cho thơ hơi
thở mới, Dương Kiều Minh đã bị sa đà vào kể lể, phản ánh đơn nghĩa, mặt
ngoài của sự kiện. Rất nhiều, rất nhiều những câu thơ không được dẫn dắt
bằng mạch cảm xúc mạnh mà đã trở thành phương tiện chuyên trở ý tưởng
khô khan gắng gượng. Nhìn từ phương diện này thấy nhà thơ đang đi vào
ngõ cụt và bế tắc:
- Ôi mưa đông, mưa đông! Cơn mưa lướt qua cuối chiều mang theo bao
giấc mộng
Một hạt mưa ghé sát nói nhẹ: “thân xác này thật ra đã được tạo bằng tư
tưởng.
(Mưa đông)
- Tôi thấy rõ bổn phận phải gọi tên sự trống rỗng được trào ra từ thế
giới chồng chất đồ vật, ngổn ngang danh lợi. Gọi tên ảo vọng cuồng
loạn ác độc như những loài virut nguy hiểm phá hủy tâm hồn con
người, đánh sập thế giới tinh thần loài người đổ ập xuống hố vực của
lòng tham và tội ác. Không có thế lực nào thù địch với con người.
Thiên nhiên- không. Muôn loài – không! Chỉ có con người thù địch với
con người. Cơn cuồng khát đẩy con người thành loài quái vật khủng
khiếp nhất trên trái đất.
(Ghi trong cơn dịch cuối năm Đinh Hợi)
Song, thật may mắn, ở tập cuối Khúc chuyển mùa, Dương Kiều Minh đã quay
trở lại sở trường của mình nên có được một số thành tựu: Gửi con gái Nhật
Ngân đầu xuân 2010, Hẹn về những cánh đồng chờ đổ ải, Tự sự bên mùa,
Vừa giấc mơ dịu dàng đậu xuống . Những bài thơ ấy trở về đời sống nội tâm
22
trong một niềm hoài niệm bất tận về quê xưa, lúc đó thơ Dương Kiều MInh
trở nên khoáng hoạt, uyển chuyển, mang vẻ đẹp tự nhiên mà thơ ca cần có. :
- Mẹ ạ,
Con đang trở về giấc mơ dịu dàng lanh canh những chiếc chuông nhỏ
xíu
Bên mùa thu âu yếm chở che
Mang mộng tưởng lang bang qua trời xanh đồng rộng:
Những đám mây thong dong đợi cùng theo với
Ta đang trở về giấc mơ ngày trẻ dại
Ta đang đuổi theo hoài giấc mơ ngày trẻ dại
Những bờ cỏ tươi nồng, những cánh đồng sương nước
Một ngày mới hiện ra
Một ngày mới bắt đầu
(Vừa giấc mơ dịu dàng đậu xuống)
Và cho dù có sử dụng giọng kể khi ở trong thực tại thì cảm xúc tràn đầy vẫn
khiến tứ thơ đi vào lòng người hết sức nhẹ nhàng êm ái:
- Tôi có ý niệm trồng những cây mận trên mảnh đất của ngôi nhà xưa cũ
Ba ngày tết ngủ quên trong hơi lạnh mơ màng
Con vừa chuyến bay đầu xuân
………………………………
Ờ, nửa đêm chợt cơn mưa đầu năm đến chào bụi trúc trước cửa
Giờ con đã đặt chân tới vùng đất mới
Kìa chân trời vừa nâng lên theo chuyến bay đầu xuân
(Gửi con gái Nhật Ngân đầu xuân 2010)
Với tinh thần mê say cổ văn, Dương Kiều Minh có ý thức tiếp thu tinh hoa
của thơ cổ điển phương Đông làm cho thơ ông phong phú thêm về cảm hứng
sắc điệu, cách biểu hiện. Thi nhân hay mượn thiên nhiên cảnh vật để dốc bầu
tâm sự của mình:
23
Mùa hạ trôi qua chở nỗi buồn vào sâu bầu trời ngổn ngang mây trắng…
Những vòm phượng vĩ đến tiết nở rộ. Vội vã rũ rũ lớp cánh hoa màu đỏ
chống chọi những cơn bão đầu mùa.
Cánh phượng cuối cùng rớt vào cốc nước
Câu chuyện đột ngột kết thúc
…………………………
Những con đường mới mở cắt ngang kỷ niệm, nơi hôm qua còn nao
nức hôm nay đã chìm vào hoang vắng quên lãng.
(Tứ tấu xuân hè)
- Ta hát về người niềm tưởng nhớ
Sóng nước phù sa
Tháng năm ruồng bỏ
Ta chiếc lá cơ may trôi dạt lên bờ
(Sông Hồng)
- Chế ấm trà, rụt tay lại vì hơi nóng. Cầm lên đã nguội lạnh, bạn vẫn
chưa tới.
(Ngày thu đợi bạn)
Có thể nói, tinh hoa của văn hóa cổ in đậm dấu ấn trong nhiều trang
thơ Dương Kiều Minh. Không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu khả năng biểu hiện,
người đọc cảm nhận rõ trong nhiều bài, đặc biệt ở tập Ngày xuống núi cái hồn
thiêng của một nền văn hiến lâu đời, chứng tỏ sự bám rễ sâu vào nguồn cội
của nhân cách thơ họ Kiều. Đây là những vần thơ đậm đặc chất hoài cổ, tư
tưởng chuyển tải qua giọng điệu hào sảng, ngôn từ trang trọng hoa mỹ; địa
danh , hình ảnh được chọn lọc gợi linh thiêng huyền ảo nhắc nhớ chốn tâm
linh :
Hanh heo phơ phất
Lảng vảng vật vờ tựa ánh chiều vừa sót
Mây theo rồng
Gió vừa theo cọp
24
Ánh sáng dựng cấm thành
……………………
Người ôm mộng phất áo trên nền cũ
Cố nhân theo mây gió đi hoài
(Cuối chiều gửi đê đất Hà Đông)
Nhưng đi suốt lộ trình thơ Dương Kiều Minh, dư âm còn để lại trong lòng
người vẫn là “hơi xuân từ những cánh đồng thơm ngát” thanh sạch, tinh khôi.
Vẻ đẹp thơ Dương Kiều Minh là ở đó và bản sắc thơ Dương Kiều Minh là đó.
Một phần rất đáng chú ý trong sự nghiệp thơ ca của nhà thơ xứ Đoài là
thể thơ - văn xuôi gần như chiếm lĩnh toàn bộ trong những tập thơ của chặng
đường sau. Văn Giá thật có lý khi cho rằng chính nhu cầu kể và than đã thúc
đẩy Dương Kiều Minh tìm đến với thể thơ này. Với độ mở tùy ý, không trói
buộc về số lượng câu chữ, không đòi hỏi kỷ luật cao như thơ tự do hay thơ
cách luật, thơ văn xuôi giúp nhà thơ kể lể than vãn cho vợi nỗi niềm. Cũng
chính vì lý do này mà thơ văn xuôi của Dương Kiều Minh rơi vào kể lể dài
dòng. Nhiều bài, nhiều câu đã chạm sang địa hạt của văn xuôi:
- Bạn có thể không tin, nửa đêm tỉnh giấc thấy nhân gian trơ trọi lạnh
lẽo màn đêm mênh mông câm lặng, tựa như ta vừa bị bàn tay vô hình
nhấc từ một nơi nào đó rồi đặt xuống đây, rồi cứ thế cuốn theo vòng
quay bất tận của luân hồi rất ít có cơ may thoát ra như tiếng tách vỏ của
chồi cây hoặc như tiếng búng nước.
(Gửi bạn đêm cuối năm)
- Thì ra câu thơ có sức hút của thủy triều, có sự lôi cuốn của những cơn
cuồng phong.
Sức lôi cuốn của những móng ngựa gõ lên mặt trăng bắt đầu từ những
đỉnh núi ải Bắc. Ôi mộng mơ, con người ta trở thành phi thường, mộng
mơ chắp con người đôi cánh vạm vỡ cường tráng hơn loài chim huyền
thoại.
……………
25