Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA TOÀN CẦU HÓA ĐẾN MÔI TRƯỜNG VÀ CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (114.57 KB, 4 trang )

TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA TOÀN CẦU HÓA
ĐẾN MÔI TRƯỜNG VÀ CHÍNH SÁCH
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM
Nguyễn Quang Tuấn
*
Toàn cầu hóa là một quá trình tất yếu bởi sự phát triển lực lượng sản xuất của chủ nghĩa
tư bản hiện đại đã đạt tới trình độ xã hội hoá cao độ. Đây cũng chính là điều mà C. Mác
đã dự báo, tư bản theo bản chất của nó sẽ vượt qua mọi giới hạn không gian để thống trị
thị trường toàn thế giới. Toàn cầu hóa có thể được xem như cuộc xâm lược quy mô toàn
cầu hay Đại chiến thế giới III không tiếng súng của chủ nghĩa tư bản hiện đại nhằm phân
chia lại thị trường thế giới. Tuy nhiên, khác với hai cuộc Đại chiến thế giới I và II, quá
trình toàn cầu hóa không chỉ là vấn đề phân chia lại thị trường thế giới mà còn là sự phân
chia các bãi phế thải. Với bản chất là tìm kiếm lợi nhuận tối đa và khuyến khích một xã
hội tiêu thụ không có độ dừng, chủ nghĩa tư bản hiện đại đã tạo ra một lượng phế thải
khổng lồ và là nguyên nhân gây nên những vấn đề môi trường toàn cầu như sự suy giảm
tầng ô-zôn và thay đổi khí hậu toàn cầu. Theo U. Bếch, xã hội phương Tây đương thời
đã tạo ra nhiều sản phẩm phế thải hơn là hàng hóa; và Bếch cũng gọi đó là một "xã hội
rủi ro"
(1)
. Đó cũng chính là một nguyên nhân cơ bản buộc chủ nghĩa tư bản phương Tây
phải thúc đẩy toàn cầu hóa nhằm đưa các sản phẩm phế thải vào các nước kém phát triển
hơn.
Về lý thuyết, một số nhà kinh tế học có thể đưa ra rất nhiều lý do biện hộ cho toàn cầu
hóa, đại loại như toàn cầu hóa là con đường để nâng cao thu nhập, là cách để một quốc
gia có thể tận dụng tối đa các lợi thế của công nghệ mới. Tuy nhiên, đồng thời với các
biện hộ cho toàn cầu hóa, tồn tại không ít những nghiên cứu chỉ ra các tác động tiêu cực
của nó đến các điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường của mỗi quốc gia. Song, những
nghiên cứu như vậy ở Việt Nam chưa nhiều và thực sự cũng chưa có một nghiên cứu
nghiêm túc nào về tác động tiêu cực của toàn cầu hóa đến các lĩnh vực cụ thể ở đất nước
chúng ta. Vì vậy, nghiên cứu này tập trung phân tích các tác động tiêu cực của toàn cầu
hóa đến môi trường cũng như những hạn chế trong hệ thống bảo vệ môi trường của đất


nước ta để từ đó đề xuất một số ý kiến cho việc hoàn thiện hệ thống chính sách bảo vệ
môi trường ở Việt Nam.
Ảnh hưởng của toàn cầu hóa đến môi trường
Một trong những ảnh hưởng to lớn nhất của toàn cầu hóa tới môi trường sinh thái chính
là sự cạn kiệt các nguồn năng lượng diễn ra với tốc độ không thể kiểm soát do 80% thế
giới thuộc các nước đang phát triển áp dụng mô hình công nghiệp hóa lãng phí năng
lượng của các nước thuộc 20% thế giới phát triển. Việc tiêu hao các nguồn năng lượng
này (như dầu lửa, than đá) cũng đồng nghĩa với việc gia tăng các khí hiệu ứng vào bầu
khí quyển là nguyên nhân của những vấn đề môi trường toàn cầu, như suy giảm tầng ô-
zôn và thay đổi khí hậu toàn cầu trong đó có sự ấm lên của trái đất. Có thể, một số nhà
nghiên cứu biện hộ cho toàn cầu hóa bằng các giải pháp về những nguồn năng lượng tái
tạo như: năng lượng mặt trời, năng lượng từ gió và năng lượng địa nhiệt v.v… Tuy
nhiên, những nguồn năng lượng này không thể thay thế kịp thời các nguồn năng lượng rẻ
tiền như dầu lửa và than đá với tốc độ sử dụng của toàn cầu hóa.
Toàn cầu hóa mang đến cho người nông dân, đặc biệt là nông dân các nước nghèo một
số giống năng suất cao (nhưng phụ thuộc nhiều vào hoá chất) thay thế nguồn giống
truyền thống. Chính sự thay thế nguồn giống địa phương phong phú bằng một vài giống
năng suất cao nhưng phụ thuộc vào hoá chất làm suy giảm tính đa dạng sinh học của hệ
sinh thái nông nghiệp. Ví dụ, nửa đầu thế kỷ trước, Ấn Độ trồng khoảng 30.000 giống
lúa địa phương, nhưng gần 20 năm trở lại đây, ở quốc gia này chỉ còn tồn tại khoảng 50
giống. Dự tính trong tương lai, số giống lúa địa phương sẽ tiếp tục giảm. Với việc còn lại
rất ít giống, các nhà khoa học sẽ rất khó khăn trong việc tìm ra các gien để chống lại các
loại sâu và bệnh. Một ví dụ điển hình khác của toàn cầu hóa tác động đến tận những
vùng xa xôi hẻo lánh của Ha-i-ti. Đó là sự thay thế các giống lợn địa phương bằng các
giống mới năng suất cao nhưng yêu cầu nước sạch, chuồng trại và thức ăn nhập ngoại.
Sự thay thế này đã mang đến tai họa cho những người nông dân nghèo ở Ha-i-ti.
Toàn cầu hóa cũng là một nguyên nhân quan trọng gây nên sự tuyệt chủng của nhiều loài
động thực vật hoang dã. Trong khoảng từ năm 1985 đến 2001, 56% các vùng rừng cấm
đất thấp ở Bô-nê-ô (thuộc đảo Ka-li-man-tan của In-đô-nê-xi-a) đã bị khai thác với
cường độ cao để xuất khẩu. Sự mất đi của các loại động thực vật hoang dã còn do các

loài xâm lược được đưa vào mỗi quốc gia; các loài xâm lược này đã nhanh chóng tiêu
diệt các loài bản địa. Chỉ tính riêng loài sò vằn (Dreissena polymorpha) theo các tàu
hàng của châu Âu vào vùng Hồ Lớn ở Bắc Mỹ đã tiêu diệt các loài nhuyễn thể ở vùng hồ
này, gây thiệt hại trên 5 tỉ USD.
Đó chỉ là một vài ví dụ về ảnh hưởng của toàn cầu hóa đến môi trường sinh thái. Trên
thực tế, toàn cầu hóa đang và sẽ ảnh hưởng rất sâu rộng đến tất cả các hệ sinh thái từ hệ
sinh thái rừng đến hệ sinh thái biển, và từ hệ sinh thái ở nông thôn đến các hệ sinh thái ở
đô thị. Ngoài ra, toàn cầu hóa có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng trong từng quốc gia,
giữa các quốc gia, và có nguy cơ biến một số nước kém phát triển trở thành những
"thùng" chứa đựng các công nghệ phế thải của các nước giàu.
Những hạn chế của hệ thống bảo vệ môi trường Việt Nam
Thứ nhất, năng lực hạn chế của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường
Trong những năm gần đây, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tuy đã được nâng
cấp với đội ngũ cán bộ quản lý môi trường ở trung ương và các tỉnh tăng ít nhất hai lần,
nhưng Việt Nam vẫn là một nước có đội ngũ cán bộ môi trường nhỏ nhất so với các
nước trong khu vực nếu tính theo bình quân đầu người. Hơn nữa, chúng ta thiếu hẳn một
đội ngũ các nhà quản lý và khoa học đầu đàn về môi trường để đề xuất các luận cứ khoa
học tham mưu cho Đảng và Nhà nước đưa ra những quyết sách kịp thời trong quá trình
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trong bối cảnh toàn cầu hóa các nền kinh tế
thế giới. Chính vì vậy, hệ thống "các văn bản pháp quy về bảo vệ môi trường vừa thiếu
vừa chồng chéo, lại không đồng bộ"
(2)
.
Về lý thuyết, các cơ chế của thị trường có thể buộc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường
phải nội bộ hóa các "tác động ngoại lai" - như thuật ngữ của các nhà kinh tế môi trường -
nhằm đưa các chi phí môi trường và xã hội vào hàm sản xuất. Lý thuyết kinh tế môi
trường nhấn mạnh cả vào các áp lực bên ngoài của thị trường và phản ứng bên trong của
các nhà sản xuất. Nhưng để đạt được điều này đòi hỏi phải có một hệ thống các công cụ
kinh tế đủ mạnh vừa tạo ra các áp lực vừa là những kích thích đủ lớn buộc các doanh
nghiệp phải cắt giảm ô nhiễm môi trường hoặc thay đổi công nghệ theo hướng sản xuất

sạch hơn. Song, các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường cũng chỉ mới bắt đầu ở
nước ta và còn đang ở trong giai đoạn phải nghiên cứu sâu hơn nữa. Đấy cũng chính là
một điểm yếu trong hệ thống bảo vệ môi trường ở nước ta. Hơn nữa, việc áp dụng các
công cụ kinh tế cũng đòi hỏi năng lực cao của hệ thống bảo vệ môi trường nhằm giám
sát lượng phát thải các chất ô nhiễm của các doanh nghiệp và nâng cao hiệu lực của các
công cụ này.
Một khía cạnh quan trọng khác trong bảo vệ môi trường là áp lực của công chúng buộc
các doanh nghiệp phải cắt giảm ô nhiễm và tuân thủ các quy định của nhà nước về bảo
vệ môi trường. Trong quá trình toàn cầu hóa các nền kinh tế thế giới, Nhà nước không
thể bảo hộ các công ty trong nước cũng như không thể dùng các chính sách về thuế để
ngăn chặn các công ty tư bản đem các sản phẩm cũng như công nghệ phế thải đổ vào
nước ta. Công chúng chính là lũy thép đóng góp quyết định để không biến đất nước
thành "thùng" chứa đựng các sản phẩm phế thải của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Đảng
ta đã khẳng định "bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân"
(3)
, nhưng rất tiếc, từ năm 1998 đến năm 2005 điều này vẫn chưa được luật hóa. Đây
không chỉ là một hạn chế trong bảo vệ môi trường của nước ta mà cũng là hạn chế của
một số nước đang phát triển khác.
Thứ hai, nhận thức chưa cao về bảo vệ môi trường của đội ngũ cán bộ quản lý là một
cản trở lớn cho hệ thống bảo vệ môi trường.
Chỉ thị 36/CT-TƯ đã chỉ rõ: "Các cấp ủy đảng và chính quyền chưa nhận thức đầy đủ
tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế xã hội".
Tăng trưởng kinh tế cao để thực hiện một loạt các mục tiêu lớn của đất nước như xoá đói
giảm nghèo là trọng yếu và cần thiết. Nhưng, tăng trưởng kinh tế mà thiếu sự quan tâm
đúng mức tới môi trường là không bền vững, là làm suy thoái các hệ sinh thái và tài
nguyên thiên nhiên của các thế hệ con cháu chúng ta, cũng chính là đã mắc nợ với các
thế hệ sau này. Hơn nữa, thiếu sự quan tâm đúng mức của các nhà quản lý về bảo vệ môi
trường cũng làm yếu đi hiệu lực của các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường và cơ
quan quản lý nhà nước về môi trường, là sự "bảo hộ" cho các doanh nghiệp vi phạm các
tiêu chuẩn môi trường của Nhà nước. Tang Shui-Yan và các cộng sự của ông đã viết:

"Trong thời đại mà hầu hết các lãnh đạo thành phố quan tâm đến tăng trưởng kinh tế
nhiều hơn bảo vệ môi trường, các cán bộ quản lý nhà nước về môi trường phải chịu áp
lực lớn từ các cơ quan khác trong chính quyền thành phố trong việc thiết kế và thực thi
các quy định về môi trường"
(4)
.
Một số ý kiến gợi suy
Tháng 11-2005, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường mới. Sự ra đời
của Luật này là sự chuẩn bị tốt cho quá trình tham gia của Việt Nam vào Tổ chức
Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, một việc quan trọng hơn cả sự ra đời của luật
chính là hiệu lực thực thi của nó. Từ năm 2002 đến năm 2005, các chuyến khảo sát về
môi trường của chúng tôi ở 5 - 7 xã/phường thuộc các tỉnh/thành khác nhau cho thấy
lãnh đạo cấp xã/phường không nắm được những nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ môi
trường (được thông qua tháng 12-1993). Không một Uỷ ban nhân dân xã nào có một
quyển Luật Bảo vệ môi trường, mặc dù một quyển luật giá chỉ có 7.000 đồng. Vì vậy, để
nâng cao hiệu lực thực thi của Luật Bảo vệ môi trường mới, nên chăng Nhà nước cần
tuyên truyền và phổ biến về Luật này đến tận các cán bộ cấp xã.
Trong thời gian tới, chúng ta cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách bảo vệ môi trường
của Việt Nam theo hướng có sự tham gia của công chúng. Tất cả các nước công nghiệp
phát triển và một số nước đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc, đều có một đạo luật
riêng cho đánh giá tác động môi trường (luật đánh giá tác động môi trường của Trung
Quốc được thông qua năm 2002). Sự tham gia của công chúng là một thành phần không
thể thiếu được trong đánh giá tác động môi trường ở những nước này. Việt Nam cần có
một văn bản pháp quy, ít nhất là ở tầm Nghị định của Chính phủ, quy định riêng về đánh
giá tác động môi trường, trong đó chỉ ra những điểm cơ bản về sự tham gia của người
dân trong đánh giá tác động môi trường. Luật mới có quy định buộc các báo cáo đánh giá
tác động môi trường phải có sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân. Điều quan
trọng là cần phải có nghiên cứu chỉ rõ sự tham gia của người dân như thế nào và sự tham
gia đó cần gắn với quá trình công khai hóa thông tin về ô nhiễm môi trường cũng như
nâng cao năng lực cho người dân. Quá trình này sẽ làm cho Luật có hiệu lực thực thi cao

hơn, tránh được tình trạng các dự án gây ô nhiễm môi trường sử dụng sự tham gia của
người dân như là một lá chắn bảo vệ cho các hành động gây ô nhiễm của họ, và không
làm cho quá trình tham gia của người dân trở thành một "thủ tục rỗng".
Việc hoàn thiện hệ thống chính sách bảo vệ môi trường cần theo xu thế tăng cường áp
dụng các công cụ kinh tế. Vấn đề lượng giá tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong
Luật Bảo vệ môi trường mới của chúng ta đang đặt ra những thách thức lớn đối với cộng
đồng nghiên cứu khoa học. Việc thiết kế các công cụ kinh tế cần phải hết sức thận trọng
và dựa trên những nghiên cứu sâu về kinh tế môi trường. Ví dụ, việc đánh giá thấp tài
nguyên thiên nhiên và môi trường sẽ dẫn tới suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường.
Nhưng đánh giá quá cao so với các điều kiện kinh tế xã hội của đất nước cũng sẽ là cản
trở cho tiến trình công nghiệp hóa của đất nước hoặc không có hiệu lực thực thi. Ngay
việc lượng giá môi trường theo phương pháp nào (phương pháp đánh giá ngẫu nhiên,
phương pháp hàm sản xuất, hay là phương pháp giá hưởng thụ) cũng là một vấn đề
nghiêm túc, vì mỗi một phương pháp sẽ đưa ra các giá trị khác nhau của môi trường.
Trước mắt, cần đào tạo và phát hiện ra những cán bộ khoa học và quản lý môi trường
đầu đàn, hay nói một cách khác là đào tạo ra những "con ong chúa" để từ đó sẽ phát triển
thành "các đàn ong" hay chính là các trường phái trong khoa học môi trường và quản lý
môi trường của đất nước.
*
Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ
(1)

Beck Ulrich: Xã hội rủi ro: Hướng tới một hiện đại mới (Risk society: Towards a new modernity),
Sage Publication, London, 1992
(2)

Chỉ thị số 36/CT-TƯ ngày 25-6-1998 của Bộ Chính trị: Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường
trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
(3)


Chỉ thị Sđd
(4) Tang Shui-Yan, Ching-Ping Tang and Carlos Wing-Hung Lo: Sự tham dự của công chúng và đánh
giá tác động môi trường ở Trung Quốc đại lục và Đài Loan: Cơ sở chính trị của quản lý môi trường
(Public participation and environmental impact assessment in mainland China and Taiwan: Political
foundations of environment management), The Journal of Development Studies, 41, 2005

×