Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Giáo dục đại học và WTO: toàn cầu hóa một cách điên cuồng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (119.25 KB, 5 trang )

Giáo dục đại học và WTO: Toàn cầu hóa một cách điên cuồng
GS. Philip G. Altbach
Trung tâm Giáo dục Đại học,Trường Đại học Boston, Hoa Kỳ.

Bài viết được trích trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Giáo dục so sánh lần 3 do Viện Nghiên
cứu Giáo dục tổ chức vào tháng 10/2009

Giáo dục đại học đang ngày càng bị coi là một sản phẩm thương mại để mua và bán giống
như những thứ hàng hóa khác trên thị trường. Thương mại hóa giáo dục giờ đây đã vươn ra thị
trường toàn cầu. Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organisation-WTO) đang xem xét
một loạt các đề nghị về việc xem giáo dục đại học như một lĩnh vực thương mại nhằm bảo đảm
cho việc xuất nhập khẩu giáo dục đại học tuân theo những luật lệ phức tạp, những quy định pháp
quy theo nghị định thư WTO và bảo đảm cho nó gần như không bị hạn chế. Ở Hoa Kỳ, Ủy ban
Quốc gia về Thương mại Quốc tế trong Giáo dục và một nhóm các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục
chủ yếu vì lợi nhuận đang ủng hộ cho sáng kiến này. Các tổ chức giáo dục kể cả Hội đồng Giáo
dục Hoa Kỳ cũng không được mời tham gia công việc này. Sáng kiến của WTO đặt ra những mối
đe dọa nghiêm trọng đối với lý tưởng truyền thống của trường đại học, cũng như đối với quyền
kiểm soát giáo dục của quốc gia, thậm chí của các trường, vì vậy rất cần được cân nhắc hết sức
thận trọng. Chúng ta đang ở giữa cuộc cách mạng thực sự trong giáo dục đại học, một cuộc cách
mạng có khả năng làm biến đổi hết sức sâu sắc những hiểu biết của chúng ta về vai trò của trường
đại học. Ý nghĩa của điều đó thật lớn lao tuy vậy có rất ít thảo luận hoặc hiểu biết đã đạt được về
vấn đề này. Đặc biệt đáng phải cảnh báo- tuy không có gì đáng ngạc nhiên- là Văn phòng Công
nghiệp Dịch vụ thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ đứng đàng sau những nỗ lực thương mại hóa giáo
dục đại học ở Hoa Kỳ và trên toàn cầu.
Tôi không phản đối toàn cầu hóa như một thực tế hay như một khái niệm. Các trường đại
học ở bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng đều đang bị xu hướng toàn cầu hóa chi phối- đại chúng hóa
giáo dục, tác động của công nghệ truyền thông, trách nhiệm của các trường đối với nhà nước, một
lực lượng giảng viên ngày càng tăng tính chất quốc tế và lưu động, mạng lưới nghiên cứu toàn
cầu, và nhiều hiện tượng khác nữa.
Rất nhiều hiện tượng trên đây đang nối kết các trường đại học với hệ thống đại học toàn cầu.
Việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chung cho truyền thông khoa học và giảng dạy, nhất là


khi kết hợp với internet đã khiến cho việc giao tiếp thành ra dễ dàng và nhanh chóng hơn. Sự ra
đời của các trường đại học đa quốc gia khiến việc phổ biến những chương trình đào tạo mới và
nhiều cải cách khác biến thành hiện thực nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu tức thời của những
nước mà hệ thống giáo dục đại học chưa có đủ những nhà cung cấp tương xứng.
Trong nhiều thế kỷ, các trường đại học đã được xem là nơi đào tạo những nghề nghiệp cần
phải học (như luật, y khoa và thần học) cũng như giáo dục các bộ môn khoa học. Với tư cách một
tổ chức độc lập và nhiều khi mang tính chất phản biện, trường đại học có vai trò bảo tồn, làm sáng
tỏ, và có khi mở rộng lịch sử và văn hóa của xã hội. Trong thế kỷ 19, trường đại học được bổ sung
thêm nhiệm vụ nghiên cứu, và tiếp theo sau đó ít lâu là nhiệm vụ cung cấp một số dịch vụ cho xã
hội. Các trường đại học đã từng chủ yếu được nhà nước hay nhà thờ tài trợ. Thậm chí các trường
được tài trợ từ các nguồn tư nhân cũng xác định sứ mạng của họ là phục vụ xã hội. Giáo dục đã
được xem là hàng hóa công (public good), một thứ mang lại những đóng góp có giá trị cho xã hội
và do vậy đáng được tài trợ.
1
Trường đại học đã là nơi học tập, nghiên cứu và phục vụ xã hội thông qua ứng dụng tri thức.
Các nhà khoa học đã được tạo điều kiện tách khỏi áp lực xã hội -thông qua cơ chế tự do học thuật-
một cách hoàn toàn đúng đắn bởi vì họ phục vụ cho lợi ích rộng lớn hơn của xã hội. Cơ chế bổ
nhiệm vào biên chế bảo vệ các giáo sư để bảo đảm cho họ quyền tự do giảng dạy và nghiên cứu
mà không phải lo lắng về những trừng phạt của xã hội.
Những nhân tố bất lợi của toàn cầu hóa
Ngày nay, những xu hướng như tăng cường sử dụng internet và sự toàn cầu hóa của tri thức
có tiềm năng tạo ra những vấn đề nghiêm trọng đối với các trường đại học và các hệ thống đào tạo
đại học ở những nước nhỏ hơn hoặc nghèo hơn. Trong một thế giới bị phân cực thành những trung
tâm và vùng ngoại biên, các trung tâm sẽ tăng trưởng mạnh hơn và áp đảo hơn khiến các vùng
ngoại biên ngày càng bị cách ly khỏi nhịp điệu phát triển xã hội. Sự tăng trưởng bất bình đẳng này
diễn ra trong thực tế mạnh hơn nhiều so với những tuyên bố chính thức. Có rất ít khoảng trống để
các trường đại học hay các hệ thống đào tạo đại học phát triển một cách độc lập trong khung cảnh
hệ thống giáo dục đại học toàn cầu đang ngày càng cạnh tranh và biến chuyển nhanh và bị thống
trị bởi những trường đại học đẳng cấp quốc tế ở những nước công nghiệp hóa. Những trung tâm
học thuật truyền thống trở thành mạnh hơn và thống trị áp đảo hơn bao giờ hết, chủ yếu là ở các

nước nói tiếng Anh (Hoa Kỳ, Anh, Canada, Úc và một số nước thuộc Liên hiệp Châu Âu như
Đức, Pháp, và về vài khía cạnh là Ý và Tây Ban Nha).
Những chuẩn mực, giá trị, ngôn ngữ, đổi mới khoa học và sản phẩm tri thức của các nước
trong khu vực trung tâm đẩy ra ngoài những ý tưởng và thực tế khác. Các nước này là không chỉ là
vương quốc của những trường đại học và cơ sở nghiên cứu thống trị toàn cầu, mà còn là của
những tập đoàn đa quốc gia vô cùng hùng mạnh. Những công ty công nghệ thông tin như
Microsoft và IBM, những doanh nghiệp công nghệ sinh học và y dược như Merck hay Genzymer,
những nhà xuất bản đa quốc gia như Elsevier hay Bertelmann, cùng với những công ty khác, đang
thống trị thương mại quốc tế trong lãnh vực tri thức, những sản phẩm dựa trên tri thức và công
nghệ thông tin.Những nước nhỏ hơn và nghèo hơn có rất ít tự chủ hay tiềm năng cạnh tranh trong
thế giới toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa trong giáo dục đại học làm trầm trọng thêm những bất bình
đẳng sâu sắc giữa các trường đại học trên thế giới.
Thương mại hóa tri thức và giáo dục đại học
Với sự phát triển xu hướng thương mại hóa của giáo dục đại học, những giá trị của thị
trường đã ùa vào trường đại học và bắt nhà trường phải thay đổi theo ý nó. Một trong những nhân
tố chính là sự thay đổi trong thái độ của xã hội đối với trường đại học. Giáo dục đại học giờ đây
được xem là một "lợi ích tư" mang lại lợi ích cho những người học tập hay nghiên cứu. Theo quan
điểm này, có vẻ hợp lý khi cho rằng người sử dụng dịch vụ giáo dục phải trả tiền cũng giống như
khi họ sử dụng những dịch vụ khác. Việc cung cấp tri thức trở thành một giao dịch thương mại
đơn thuần. Nhà nước, người đóng vai trò cung cấp ngân sách chủ yếu, ngày càng không muốn
hoặc không có khả năng cung cấp nguồn lực đủ cho việc mở rộng giáo dục đại học. Người ta
mong đợi các trường đại học tự tạo ra ngân sách hoạt động cho mình. Họ phải suy nghĩ giống như
các doanh nghiệp hơn là như những tổ chức giáo dục.
Trong bối cảnh đó sự phát triển hợp lý sẽ là tư nhân hóa các trường đại học công lập- bán
các sản phẩm tri thức, tham gia các hợp tác liên kết, cũng như tăng học phí. Sự sinh sôi nảy nở của
đủ mọi loại trường tư nhất là trong thành phần vì lợi nhuận, là một sản phẩm phụ của thương mại
hóa. Các công ty giáo dục, trong đó có những công ty tự gọi mình là trường đại học, bán các kỹ
năng và các chương trình đào tạo, cấp văn bằng và chứng chỉ cho khách hàng tức các sinh viên.
2
Nghiên cứu được coi là một sản phẩm có thể thay thế được hơn là một yêu cầu được thực hiện

nhằm mở rộng biên giới của khoa học.
Khi WTO tham gia vào phương trình
Trong bối cảnh đã thay đổi này, không có gì đáng ngạc nhiên khi những người được động cơ
thương mại thúc đẩy, trong nhà nước cũng như trong thành phần tư nhân, bận tâm tới việc bảo
đảm cho "sản phẩm tri thức" được coi như được phép mua bán tự do trên thị trường quốc tế. Nếu
những nhóm lợi ích này có cách của họ, giáo dục đại học sẽ được bán tự do từng môn chẳng khác
chi chuối, táo, hay vé máy bay. Quy tắc của WTO và liên quan tới nó là Hiệp định chung về
Thương mại và Dịch vụ (General Agreement on Trade and Services-GATS), phải được ghi nhớ và
ràng buộc về mặt pháp lý. Mối hiểm nguy là ở chỗ những quy định liên quan tới giáo dục đại học
được bao gồm trong một hiệp ước quốc tế như thế đã được tiến hành dưới ảnh hưởng của các
radar thám sát và không được phân tích một cách thấu đáo. Khi một cái gì đó trở thành một bộ
phận của chế độ WTO, nó sẽ được chi phối bởi vô số thứ quy định và thỏa thuận phức tạp. Ý
nghĩa của nó đối với giáo dục đại học rất rộng không chỉ vì những quy định quốc tế mới mà còn vì
trường đại học sẽ được định nghĩa theo một cách hoàn toàn mới: mục tiêu tối thượng của GATS
và WTO là bảo đảm cho việc tiếp cận tự do đối với thị trường giáo dục bao gồm tất cả các loại sản
phẩm giáo dục và tổ chức giáo dục.
Thương mại trong giáo dục đại học tất nhiên là khó soạn thành luật lệ hơn so với mua bán
chuối hay táo. Nhưng đang có những nỗ lực nhằm soạn thảo những luật lệ ấy một cách chính xác,
cẩn thận, nhằm tạo ra một chế độ bao gồm các quy định và hướng dẫn thực hiện để bắt đầu tự do
thương mại trong giáo dục đại học. WTO sẽ giúp bảo đảm cho các trường đại học hay các nhà
cung cấp dịch vụ giáo dục có thể xây dựng chi nhánh ở bất cứ nước nào, xuất khẩu các chương
trình đào tạo cấp bằng, được phép cấp bằng hay chứng chỉ gần như không hạn chế, đầu tư vào các
trường và những chương trình đào tạo ngoài nước thông qua công nghệ từ xa mà không có những
kiểm soát cần thiết, vân vân và vân vân.
Sản phẩm giáo dục các loại sẽ được tự do xuất khẩu từ nước này sang nước khác. Quyền tác
giả, bằng sáng chế, quy định cấp phép đã là một phần của các hiệp định quốc tế, sẽ là những nhân
tố củng cố thêm và làm cho việc xuất khẩu ấy mạnh mẽ hơn. Sẽ rất khó điều chỉnh thương mại
xuyên quốc gia giữa các trường, các chương trình đào tạo, bằng cấp. Những người muốn thực hiện
xuất nhập khẩu giáo dục sẽ cầu viện tới các tòa án quốc tế và bộ máy hành pháp. Hiện nay quyền
hạn xét xử các vụ việc liên quan tới giáo dục đại học hoàn toàn nằm trong tay giới chức có thẩm

quyền ở các quốc gia.
Câu hỏi đặt ra liên quan tới ý tưởng về giáo dục đại học và tương lai của trường đại học nhất
là ở các nước nhỏ và các quốc gia đang phát triển.
Làm thế nào các nước, hay các trường đại học, có thể duy trì được sự độc lập của mình trong
một thế giới mà họ có rất ít khả năng kiểm soát trong thực tế và về mặt pháp lý đối với việc xuất
nhập khẩu giáo dục đại học? Làm thế nào có thể thực hiện kiểm định hay kiểm soát chất lượng?
Có chăng sự khác biệt hay tương phản giữa trường đại học công hay đại học tư phi lợi nhuận-
"tiêu chuẩn vàng" của các thế kỷ trước- với những trường mới thành lập và xông xáo tìm lợi
nhuận? Có chăng việc những công ty đa quốc gia giàu có, kinh doanh giáo dục vì lợi nhuận sẽ
khiến các trường đại học khác phải đóng cửa? Liệu tập thể các giáo sư làm việc toàn thời gian với
yêu sách về quyền tự do học thuật có thể tồn tại được chăng? Một điều hết sức rõ ràng là một khi
trường đại học là một bộ phận dưới quyền thực thi pháp luật của WTO, thì quyền tự chủ của các
trường sẽ phải thỏa hiệp một cách đáng kể và giáo dục bậc cao cũng như nghiên cứu sẽ chỉ là một
sản phẩm được điều chỉnh bởi các hiệp định quốc tế và các quy định quan liêu.
3
Tác động tiêu cực nhất trong việc WTO kiểm soát giáo dục đại học sẽ xuất hiện ở các nước
đang phát triển. Những nước này có nhu cầu to lớn nhất về những trường đại học có khả năng
đóng góp cho sự phát triển của quốc gia, có khả năng thực hiện những nghiên cứu quan yếu đối
với nhu cầu của địa phương và tham gia vào việc củng cố xã hội dân sự. Khi các trường đại học
trong những nước đang phát triển phụ thuộc vào một thị trường đào tạo quốc tế được điều chỉnh
bởi WTO, họ sẽ bị che khuất bởi những trường nước ngoài nhằm mục đích lợi nhuận mà không
đóng góp cho sự phát triển quốc gia. Không có gì rõ ràng về việc các cơ chế kiểm định và kiểm
soát chất lượng hiện đang tồn tại ở nhiều nước liệu có được phép thực hiện hay không, ít nhất là
khi nó liên quan đến các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục ngoài phạm vi quốc gia của họ.
Ai nên là người kiểm soát giáo dục đại học?
Mọi quốc gia đều cần phải duy trì một sự kiểm soát cần thiết đối với các cơ sở đào tạo của
mình. Đồng thời, các trường cũng cần một mức độ tự chủ thích đáng và tự do học thuật để phát
triển lành mạnh. Trong nhiều thế kỷ trước đây, các trường đại học truyền thống đã hoạt động với
chức năng là trung tâm của xã hội. Tuy chức năng ấy đã thay đổi qua thời gian, nó vẫn không biến
mất. Thử thách của những sáng kiến mới và toàn cầu hóa là một trong những thử thách nghiêm

trọng nhất kể từ khi các trường đại học thời trung cổ đương đầu với chủ nghĩa quốc gia và cuộc
cải cách của Đạo Tin lành trong thế kỷ 16. Trong gần một ngàn năm, các trường đại học đã tự định
nghĩa mình là những tổ chức với sứ mạng giáo dục dựa trên những hiểu biết phổ biến về giá trị của
nhà trường. Trong phần lớn quãng thời gian này, các trường được xem như không chỉ là những
đơn vị đào tạo tri thức chuyên môn trong một ngành nghề cụ thể nào đấy mà còn là những tổ chức
văn hóa chủ yếu của xã hội. Trong thế kỷ 19, khoa học và nghiên cứu được bổ sung vào sứ mạng
của nhà trường. Các trường đại học được xã hội công nhận một cách hoàn toàn đúng đắn là những
tổ chức đặc biệt bởi vì mục tiêu của nó vượt xa những hoạt động thương mại hàng ngày. Ngày nay
tất cả những điều đó đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Bản thân cộng đồng các nhà khoa học cần có trách nhiệm đối với các thay đổi. Một số
trường sẵn lòng hoan hỉ tự cho phép mình chạy theo các hoạt động thương mại và thỏa hiệp với
vai trò truyền thống của mình. Việc xây dựng những đơn vị phụ thuộc "vì lợi nhuận" cuả những
trường đại học danh tiếng như New York University và Columbia là biểu tượng của những thỏa
hiệp ấy. Monash University, một trường đại học nổi tiếng của Úc, đang xây dựng những chi nhánh
hoạt động nhằm kiếm lợi nhuận ở nước ngoài. Trường Kinh doanh của Đại học Chicago rất quan
tâm đến hoạt động tư vấn xây dựng các công ty công nghệ, vì nó mang lại nguồn thu cho nhà
trường. Rất nhiều trường đại học lên mạng internet để bán các khóa học và bằng cấp của họ trên
toàn thế giới.
Nếu các trường đại học định tồn tại như những tổ chức trí tuệ, họ phải quan tâm đến trách
nhiệm cốt yếu của mình về giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Giữ vững sự trung thành với những
giá trị học thuật truyền thống không phải là điều dễ dàng, nhưng cái giá phải trả cho sự tăng cường
thương mại hóa giáo dục còn lớn hơn nhiều.
Nhà nước và những người có thẩm quyền cần hỗ trợ các trường thực hiện sứ mạng của họ.
Thường xuyên siết chặt ngân sách, yêu cầu sự giải trình trách nhiệm nghiêm ngặt hơn bao giờ hết,
đòi hỏi các trường thay đổi một cách cơ bản mục tiêu của nó không phải là những điều có thể phục
vụ lợi ích lâu dài của xã hội. Công chúng cũng cần phải tôn trọng những giá trị bên trong của giáo
dục đại học.
Những nước đang phát triển có nhu cầu đào tạo đặc biệt phải được bảo vệ, và bất cứ hiệp
định nào theo kiểu WTO cũng sẽ chắc chắn gây tổn hại cho sự hình thành hệ thống đào tạo và học
thuật của các nước đang phát triển. Các trường đại học của thế giới thứ ba giờ đây liên quan tới rất

4
nhiều quan hệ quốc tế, nhưng những thỏa thuận này cần phải dựa trên nhu cầu của quốc gia và cho
phép có sự lựa chọn giữa những chương trình đào tạo khác nhau và các đối tác khác nhau.
Những sáng kiến của WTO khiến áp lực các trường đại học trên toàn cầu đang cảm thấy
càng trở nên tập trung và rõ nét hơn. Nếu giáo dục đại học trên thế giới trở thành phụ thuộc vào
những chỉ trích nghiêm khắc của WTO, nhà trường sẽ biến đổi một cách sâu sắc. Lý tưởng cho
rằng trường đại học có sứ mạng phục vụ cho lợi ích công rộng lớn sẽ yếu đi, và các trường sẽ lệ
thuộc vào áp lực thương mại của thị trường- một thị trường bị buộc phải tuân thủ các hiệp định
quốc tế và các yêu cầu pháp lý. Mục tiêu có những trường đại học đóng góp cho sự phát triển của
quốc gia và củng cố xã hội dân sự trong các nước đang phát triển sẽ thành ra không thể thực hiện
được. Các trường đại học quả thực là những tổ chức đặc biệt với một lịch sử lâu dài và một sứ
mạng xã hội xứng đáng phải được ủng hộ. Bắt nhà trường lệ thuộc vào một thị trường bị buộc phải
tuân thủ sự nghiêm ngặt của WTO là phá hủy một trong những tổ chức quý giá nhất của bất cứ xã
hội nào.
TS. Phạm Thị Ly dịch
Nguồn: Philip Altbach (2006), "International Higher Education- Reflections on Policy and
Practice", Boston College. In lần đầu năm 2001 trên Tạp chí Chronicle of Higher Education
5

×