Chấn chỉnh vi phạm quy chế đô thị du lịch Sa Pa
Việc xây dựng nhà ở tự phát vi phạm quy chế đô thị ở Sa Pa.
Thị trấn Sa Pa nổi tiếng với khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ, cảnh quan
núi non hùng vĩ, với đỉnh Phan Xi Păng cao 4.143 m, được coi là "nóc nhà
Ðông Dương", với các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số nguyên sơ, đậm
bản sắc văn hóa dân tộc.
Sa Pa là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách trong nước và ngoài
nước. Trước đây, người Pháp đã phân chia thành từng khu vực, xây dựng tại đây
hơn 200 biệt thự lớn nhỏ, làm nơi nghỉ mát, an dưỡng hấp dẫn nhất nhì xứ Ðông
Dương thời ấy. Trải qua thăng trầm lịch sử, các biệt thự kiến trúc kiểu Pháp rất
đẹp ở Sa Pa đã bị tàn phá, hiện chỉ còn khoảng hơn chục ngôi đã xuống cấp,
nằm ở khu khách sạn Công đoàn, Trung tâm thông tin du lịch, Trạm khí tượng...
Nhằm xây dựng Sa Pa trở thành một đô thị du lịch sinh thái thân thiện, hòa hợp
với cảnh quan môi trường tự nhiên và đời sống văn hóa đa dân tộc bản địa, đồng
thời mang nét kiến trúc hiện đại, khoa học, UBND tỉnh Lào Cai đã hợp tác
(không phải trả tiền) với các chuyên gia Trường đại học Boóc-đô 3 và chính
quyền vùng A-quy-ten (Cộng hòa Pháp), suốt hai năm trời tiến hành khảo sát
thực tế, đo đạc tỉ mỉ từng khu phố, căn nhà, con đường, hàng cây xanh... để quy
hoạch, đưa ra quy chế đô thị Sa Pa, được Bộ Xây dựng đánh giá cao, đáp ứng
yêu cầu nâng cao chất lượng đô thị và thẩm mỹ kiến trúc của khu phố nhà ở, khu
trung tâm, các khu phố xanh; đồng thời bảo vệ hiệu quả các danh thắng, bản
làng đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển đô thị Sa Pa.
Quy chế đô thị Sa Pa đã được UBND tỉnh Lào Cai công bố theo Quyết định số
498/QÐ-UBND ngày 8-9-2004. Quy chế này bao gồm sáu quy tắc định hướng
nhằm ngăn ngừa việc xây dựng nhà ở, khách sạn, công trình kiến trúc theo kiểu
tự phát, trong đó đặc biệt khống chế nghiêm ngặt về mật độ xây dựng, chiều cao
công trình và vật liệu xây dựng, để bảo vệ cảnh quan, môi trường, văn hóa đặc
trưng của Sa Pa. Cụ thể, các công trình kiến trúc, nhà ở phải có mái dốc; mật độ
xây dựng tối đa từ 60 đến 80% tùy theo diện tích lô đất; đối với khu phố cổ thị
trấn Sa Pa, chiều cao công trình tối đa là 14,5 m (kể cả mái), còn đối với khu
ngoại vi, chiều cao công trình tối đa là 9,5 m. Theo quy chế đô thị Sa Pa 2004,
cần phải phá bỏ tám công trình "phản" kiến trúc, cảnh quan ở phố Cầu Mây,
Phan Xi Păng; hạ độ cao của 12 công trình do chắn tầm nhìn ở các phố Mường
Hoa, Thạch Sơn, Thác Bạc... Tuy nhiên, qua sáu năm thực hiện quy chế, không
những không thực hiện được các yêu cầu trên mà tình trạng vi phạm quy chế có
chiều hướng gia tăng. Do sức hút từ du lịch và các chính sách ưu đãi thu hút đầu
tư của tỉnh Lào Cai, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã "đổ tiền" vào Sa Pa xây khách
sạn, nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí... Họ mua gom đất đai của người dân, chọn
lựa những vị trí đắc địa để xây khách sạn, nhà nghỉ. Chạy theo lợi nhuận, chủ
đầu tư xây công trình cao tầng để tăng số phòng ốc, giảm suất đầu tư, dẫn đến vi
phạm quy chế đô thị đã ban hành, thí dụ như khách sạn Mường Thanh, Grenn
Bamboo...; hoặc vi phạm chỉ giới xây dựng, như khách sạn Ngôi sao phương
bắc. Thấy các "đại gia" làm được, người dân địa phương cũng "làm liều" cơi nới
vi phạm chỉ giới, xây nhà ống cao tầng vi phạm quy chế đô thị. Phổ biến nhất là
tình trạng làm nhà không giấy phép, hoặc cố tình làm sai nội dung ghi trong giấy
phép. Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị Sa Pa, trong năm 2010, đã xử lý
124 công trình vi phạm, trong đó xây dựng sai giấy phép là 16 trường hợp, xây
dựng không có giấy phép là 94 trường hợp. Sáu tháng đầu năm nay, đã xử lý 61
công trình, trong đó có 42 trường hợp không giấy phép và 11 trường hợp sai
giấy phép. Ðây mới chỉ là những trường hợp bị xử phạt, còn nhiều trường hợp vi
phạm khác san gạt đất, đục vách đá, xâm hại đến cảnh quan, môi trường chưa
được xử lý hành chính.
Vấn đề làm "đau đầu" lãnh đạo và các cơ quan chức năng huyện Sa Pa hiện nay
là còn tồn đọng hơn 1.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho người
dân nhưng do diện tích nhỏ, không đáp ứng yêu cầu về chiều cao và mật độ xây
dựng theo như quy chế quy định, vì vậy không thể cấp phép xây dựng nhà ở. Ðể
giải quyết vướng mắc trên, UBND huyện Sa Pa, Sở Xây dựng Lào Cai và vùng
A-quy-ten (Pháp) đang bàn bạc, thảo luận nhằm điều chỉnh quy chế đô thị Sa Pa
2004, cho phép thay đổi mật độ xây dựng và chiều cao kiến trúc ở một số khu
vực, tuy nhiên phía Pháp chưa hoàn toàn nhất trí với những nội dung điều chỉnh
nhằm hợp thức hóa cấp phép xây dựng đối với hơn 1.000 mảnh đất không phù
hợp với quy chế đô thị đã ban hành, vì nếu điều này xảy ra thì một phần quy chế
đô thị du lịch Sa Pa 2004 sẽ bị phá vỡ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa Trịnh Xuân Trường, trực tiếp phụ trách mảng
xây dựng - đô thị cho biết, công tác quản lý đô thị Sa Pa đã có chuyển biến bước
đầu nhưng còn nhiều bất cập, sự phối hợp giữa chính quyền thị trấn Sa Pa và cơ
quan chuyên môn của huyện còn lỏng lẻo, chưa hết trách nhiệm; một số cán bộ,
đảng viên chưa gương mẫu trong việc chấp hành quy chế đô thị. Huyện đang
xúc tiến việc tách lực lượng quản lý đô thị khỏi cấp phòng, thành lập Ðội Quản
lý đô thị trực thuộc UBND huyện, bảo đảm quy chế đô thị Sa Pa được thực hiện
nghiêm túc, hiệu quả.
Bài và ảnh: QUỐC HỒNG
Nguồn: />