Bảo vệ môi trường để phát triển doanh nghiệp bền vững
Chủ Nhật, 26/10/2008, 18:03 (GMT+7)
(TBKTSG Online) - Xã hội ngày càng đang đi theo quy luật phát triển tất yếu,
nghĩa là người tiêu dùng không chỉ muốn có hàng hóa tốt mà còn phải thân
thiện với môi trường. Do đó, các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển
bền vững cũng không thể đi ra ngoài quy luật này.
Có ý kiến cho rằng bảo vệ môi trường là tốn kém, nâng cao giá thành sản phẩm
khiến cho doanh nghiệp khó cạnh tranh. Bảo vệ môi trường không phải cần nhiều
tiền nếu người quản lý có tầm nhìn xa và biết cách làm.
Lấy ví dụ, hơn 30 năm trước, các nhà máy đường ở Thái Lan xả nước thải chưa
qua xử lý ra sông rạch, gây ô nhiễm nặng nề, công luận và người dân lên án mạnh
mẽ. Nhờ có luật môi trường kiên quyết bắt buộc, có chế tài chặt chẽ, các nhà máy
đường phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải trung tâm để tiếp nhận nước thải
từ một số cơ sở lọc đường quanh vùng thì mới được phép hoạt động. Kết quả là
giá đường không tăng bao nhiêu dù đã cộng thêm chi phí xử lý nước thải. Giá bán
được người tiêu dùng chấp nhận vì quyền lợi chung của cả cộng đồng. Hơn 30
năm trước, Thái Lan đã làm được, chẳng lẽ bây giờ Việt Nam lại chịu bó tay trong
khi nhận thức và công nghệ ngày nay đã vượt xa lúc ấy về xử lý ô nhiễm, bảo vệ
môi trường?
Trong cái khó, ló cái khôn
Một khi luật pháp đã chặt chẽ, bắt buộc phải xử lý ô nhiễm, chế tài nghiêm minh đối với các vi phạm, thì tự bản thân các doanh
nghiệp sẽ biết tìm cách giảm nguồn thải, như tách nước mưa khỏi dòng nước thải, cải thiện quy trình sản xuất, tăng cường sử
dụng lại nguyên liệu thô, tái chế sản phẩm chưa đạt chất lượng để giảm chất phế thải.
Có thể họ còn phải chuyển đổi công nghệ, thiết bị để giảm tiêu thụ năng lượng, như việc sử dụng bóng đèn huỳnh quang compact thay
bóng đèn sợi tóc.
Như vậy, có thêm cơ hội cho doanh nghiệp đạt hiệu năng cao hơn về việc sử dụng nguyên liệu thô, sử dụng năng lượng để hạ giá
thành, từ đó tăng tính cạnh tranh trong việc hội nhập.
Một khi doanh nghiệp bị “làm khó” thì họ mới nhận ra có những sự phung phí cần cắt giảm, những khoản chi vô lý cần được xem xét
lại. Tôi được nghe chuyên gia môi trường kể chuyện cách đây gần 30 năm, một nhà máy dầu cọ ở Thái Lan để vương vãi bao nhiêu
rác thải chảy vào dòng nước thải, vì quy trình lạc hậu nên hàm lượng dầu cọ còn rất cao trong nước thải, đến mức người dân địa
phương đến hồ nước thải vớt dầu cọ mang đi bán, kiếm được khá nhiều tiền. Đấy là vào thời kỳ luật môi trường còn lỏng lẻo, chế tài
chưa nghiêm, còn việc ép dầu cọ tuy lạc hậu vẫn có lời khá. Khi các điều kiện này không còn nữa thì tự doanh nghiệp biết cách sắp
xếp lại nhà máy, nâng cấp quy trình để vừa bảo vệ môi trường vừa đảm bảo có lãi.
Cùng thời gian với nhà máy dầu cọ ở Thái Lan nói trên, có tình trạng tương tự đối với một nhà máy phân đạm ở Việt Nam. Cũng do
luật môi trường chưa nghiêm và quy trình lạc hậu, một số lượng đạm cao thoát ra nước thải, đến nỗi dân địa phương múc nước thải
này về bón phân cho ruộng rẫy của mình như là nguồn phân đạm miễn phí! Tài nguyên được sử dụng uổng phí, môi trường bị tàn phá
một cách không cần thiết, cả Nhà nước và doanh nghiệp không có ý thức, chứ không phải vì lấn cấn ở chỗ giá thành sản phẩm hoặc
lợi nhuận của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mang công nghệ lạc hậu, có hại cho môi trường, đến nước nghèo khó để làm ăn cho dễ dàng và
lãi nhiều hơn. Kết quả là nước nghèo khó như Việt Nam tiếp nhận công nghệ lạc hậu theo nghĩa mỗi triệu đô la Mỹ đầu tư đã thải chất
thải cao hơn, tiêu thụ nguyên liệu thô và nhiên liệu nhiều hơn. Ta thiệt đơn lẫn thiệt kép: tài nguyên quốc gia bị hao phí, và môi trường
bị hủy hoại. Tính toán chi li mọi mặt thì giá thành sản phẩm của ta không hề rẻ. Ta thấy rẻ vì chưa tính hết việc tiêu thụ tài nguyên thiên
nhiên như nước (làm ô nhiễm để tạo sản phẩm), rừng (phải phá rừng để làm thủy điện, cấp điện năng cho doanh nghiệp) cao hơn, và
thêm thiệt hại về sức khỏe nhân dân. Thật trớ trêu là ở chính quốc, các doanh nghiệp cùng ngành nghề vẫn ăn nên làm ra mà môi
trường của họ sạch hơn hẳn so với Việt Nam!
Sản xuất sạch hơn
Trong những năm gần đây, quốc tế đã viện trợ cho Việt Nam để quảng bá và thực hiện công nghệ sạch hơn (Cleaner Technology).
Nguyên tắc chủ yếu ở đây không phải chỉ lo xử lý chất thải, mà là giảm nguồn thải qua các cách tái sử dụng, tái chế, và ngăn chặn
nguồn thải. Cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ sạch hơn, đặc biệt là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn ít tiếp cận với kiến thức và
công nghệ cần thiết. Nhà nước cũng cần đầu tư để trợ giúp các doanh nghiệp này vì thực chất họ đóng góp không nhỏ vào việc tạo
công ăn việc làm và tăng trưởng GDP cho đất nước.
Cần phải hiểu cách đầu tư như thế vừa là đạo lý, vừa là một hình thức kinh doanh khôn ngoan: Có khoản đầu tư cho ra sản phẩm cụ
thể như hàng tiêu dùng hoặc hàng xuất khẩu, nhưng cũng có khoản đầu tư đem lại lợi ích môi trường, phải được hiểu cũng là một
khoản lợi nhuận nhưng ở bình diện quốc gia.
Mục tiêu của sản xuất sạch hơn là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả
nhất. Ðiều này có nghĩa là thay vì bị thải bỏ sẽ có thêm một tỷ lệ nguyên vật liệu nữa được chuyển vào thành phẩm. Ðể đạt được điều
này cần phải phân tích một cách chi tiết và hệ thống trình tự vận hành cũng như thiết bị sản xuất hay yêu cầu một đánh giá về sản xuất
sạch hơn.
Các khái niệm tương tự với sản xuất sạch hơn là: giảm thiểu chất thải, phòng ngừa ô nhiễm, và năng suất xanh. Về cơ bản, các khái
niệm này đều giống với sản xuất sạch hơn, đều cùng có ý tưởng cơ sở là làm cho các doanh nghiệp hiệu quả hơn và ít ô nhiễm hơn.
Các giải pháp về sản xuất sạch hơn có thể là:
- Tránh các rò rỉ, rơi vãi trong quá trình vận chuyển và sản xuất, hay còn gọi là kiểm soát nội vi.
- Ðảm bảo các điều kiện sản xuất tối ưu từ quan điểm chất lượng sản phẩm, sản lượng, tiêu thụ tài nguyên và lượng chất thải tạo ra.
/>