CHỨNG ĐAU DÂY THẦN KINH V3-Điều trị
FRIDAY, 28. MARCH 2008, 18:23:28
Nguyên nhân của bệnh :
Căn bệnh này còn có tên là đau dây thần kinh số 5 vô căn, thường gặp ở người trên 50 tuổi
(nữ nhiều hơn nam) với biểu hiện là những cơn đau đột ngột và dữ dội ở vùng mặt. Bệnh ít
nguy hiểm nhưng rất dễ chẩn đoán nhầm với các vấn đề răng miệng, nhiều người bị nhổ nhầm
cả hàm răng mà cơn đau vẫn không chấm dứt.
Dây 5 là một trong 12 dây thần kinh sọ não; ngoài vai trò vận động các cơ nhai, nó còn có
nhiệm vụ cảm giác. Nó có 3 nhánh:
- Nhánh 1: Phụ trách cảm giác ở đỉnh, trán, phía trên hốc mắt và mũi, giác mạc mắt.
- Nhánh 2: Phụ trách cảm giác phía dưới hốc mắt, môi trên, hàm trên.
- Nhánh 3: Phụ trách phần từ sau thái dương đến hàm dưới, môi dưới.
* Triệu chứng của bệnh / Mô tả của bệnh :
Trong chứng đau dây thần kinh sinh ba, cơn đau xuất hiện đột ngột ở một bên mặt, khu trú tại
vùng cảm giác do một trong 3 nhánh của dây 5 phụ trách, hay gặp nhất là nhánh 2 (vùng môi
trên và hàm trên). Rất hiếm khi đau toàn bộ một bên hoặc cả hai bên mặt. Trong vài giây đến
vài phút, bệnh nhân đau dữ dội như điện giật, kim châm, như bị cấu xé; các cơ mặt ở bên đau
co giật, khiến họ phải lấy tay ôm mặt, giữ nguyên tư thế đầu, không dám cử động, kể cả nói.
Cơn đau thường xuất hiện vào ban ngày khi có kích thích (như rửa mặt, cạo râu), có khi không
rõ nguyên cớ. Giữa cơn có giai đoạn trơ; lúc đó mọi kích thích đều không gây đau (giai đoạn
này có thể kéo dài nhiều phút).
Một số vùng da, niêm mạc ở mặt bệnh nhân rất nhạy cảm (thường là ở lợi, môi, cằm), chỉ cần
kích thích rất nhẹ vào đó là cơn đau xuất hiện, được gọi là vùng bùng nổ. Đây là một dấu hiệu
quan trọng để chẩn đoán phân biệt đau dây thần kinh 5 với các chứng bệnh khác.
Những người có các triệu chứng trên cần được khám kỹ tai mũi họng, răng hàm mặt và mắt để
loại trừ các chứng bệnh khác như đau mặt do có vấn đề về mạch máu, viêm nhiễm ở răng,
đau dây thần kinh số 9 và nhất là chứng đau dây thần kinh 5 thứ phát (do có các hối u ở
hầu họng, ở não).
* Phương pháp điều trị :
Phương pháp điều trị chủ yếu là dùng các thuốc chống động kinh. Đầu tiên, bệnh nhân được
dùng carbamazepin; nếu không đỡ có thể phối hợp với rivotril hoặc liorésal, dihydan. Các
thuốc này có nhiều tác dụng phụ nên muốn dùng phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ
chuyên khoa thần kinh.
Bệnh nhân chỉ được điều trị ngoại khoa khi việc điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả.
Các phương pháp hay được áp dụng là tiêm cồn vào nhánh của dây 5, nhiệt đông hoặc chiếu
xạ hạch Gasser, cắt chọn lọc dây thần kinh sau hạch Gasser.
******
Đau dây V (hay dây sinh 3) trước gọi là "vô căn", nhưng nay dùng một từ hợp lý hơn gọi là
Đau chưa rõ nguyên nhân. Đây là một trong những bệnh hay gặp và là một bệnh nằm trong
ranh giới chưa được phân định rõ ràng giữa chuyên khoa RHM và Thần kinh.
Đau dây V, đặc biệt là dây V2 (nhánh hàm trên) và V3 (nhánh hàm dưới) rất dễ lẫn với viêm
tủy răng vì có những triệu chứng tương đối giống: Đau đột ngột, lan tỏa, thành cơn, hết cơn
thì không đau, mất đột ngột, dùng thuốc giảm đau ít tác dụng, và cũng có cảm giác như
nguyên nhân do răng. Chính vì vậy mà có trường hợp Bệnh nhân nhổ dần các răng của mình
trong vùng chi phối của dây V đó, cho đến khi hết sạch răng thì không còn đau nữa.
Tuy vậy cũng có những dấu hiệu khác biệt cần phải nhớ kĩ để không chẩn đoán nhầm:
- Đau dây V không có nguyên nhân rõ rệt do răng (ví dụ lỗ sâu, mẻ răng ). Dấu hiệu đau dây
V xuất hiện từ một điểm bùng phát rất nhanh (còn gọi là dấu hiệu điểm hỏa) lan lên nửa mặt
theo đường đi của thần kinh.
- Viêm tủy răng: răng có thể tìm ra nguyên nhân viêm tủy, kể cả trường hợp không thấy tổn
thương thực thể rõ ràng như rạn nứt răng. Do đó phải khám rất kĩ để phát hiện.
Khi đã xác định nguyên nhân không phải do răng thì phải phối hợp cùng BS chuyên khoa TK
để điều trị vấn đề đau dây V.
Theo kinh nghiệm lâm sàng của một số BS mà Lymy đã hỏi thì việc cắt dây V cũng có hiệu
quả hạn chế, BN vẫn đau lại hoặc đau lan sang nhánh khác của dây này.
Đôi khi việc dau dây VII cũng có triệu chứng tương tự đau dây V.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
Nội khoa: Các thuốc giảm đau thông thường có thể có tác dụng với cơn đau nhẹ, tuy nhiên
thường không có tác dụng với hội chứng dây V. Phần lớn bệnh nhân được điều trị bằng thuốc
làm giảm sự dẫn truyền quá mức bằng 3 loại thuốc: Baclofen (lioresal), carbamazepine
(tegretol), phenytoin (dilantin). Baclofen là thuốc ít tác dụng phụ nhất, có thể có tác dụng một
tuần, carbamazepine được sử dụng rộng rãi trong một thời gian dài và có kết quả tốt, nếu sau
2 ngày sử dụng carbamazepine mà không kết quả thì phải xem lại chẩn đoán, tuy nhiên thuốc
carbamazepine có tác dụng phụ chóng mặt, lẫn ban đỏ ngứa, rùng mình, có thể thiếu máu do
cản trở sự tạo máu, cần phải xét nghiệm máu để kiểm tra.
Bệnh nhân có thể được phong bế dây thần kinh bằng cách tiêm thuốc tê, steroid, tiêm thuốc
phá hủy các tế bào thần kinh bị hỏng bằng thuốc glycerolysis.
Đau dây V hậu Zona (Postherpetic neuralgia) chỉ cần điều trị bằng cách tiêm thuốc tê hoặc
thuốc steroid.
Cách tiêm thuốc vào vùng hạch Gasser: Dùng kim nhỏ dài chọc vào giữa gò má đi qua lỗ
bầu dục để đến hốc Meckle là nơi hạch Gasser nằm, kết hợp phim X-quang để đi đúng hướng,
chú ý tiêm đúng nhánh dây thần kinh gây hội chứng đau dây V để tránh tê bì quá mức sau khi
tiêm. Biến chứng có thể là tê bì mãi mãi.
Phẫu thuật: Áp dụng cho trường hợp có động mạch bất thường đè lên dây thần kinh, làm
giảm sức ép lên dây thần kinh, chú ý các biến chứng có thể xảy ra với dây thần kinh. Phẫu
thuật phá bỏ hạch hoặc nhánh dây thần kinh sinh ba bằng nhiệt (thermocoagulation) sau đó
bệnh nhân sẽ tê bì vùng chi phối của nhánh dây thần kinh.
Một hướng điều trị khác là cấy một điện cực vào các thụ cảm của vỏ não, điện cực đươc nối với
một máy tạo xung nhịp đặt dưới da, phương pháp này được sử dụng khi điều trị nội ít kết
quả.
Tiên lượng: Hội chứng này không chết người, tuy nhiên ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống (suy
kiệt, mất nước, tần suất cơn đau có thể tăng dần theo tuổi, ảnh hưởng đến tinh thần), có thể
có các biến chứng của thuốc điều trị.