Hội nghị của Liên hợp quốc về phát triển bền vững: Tương lai chúng ta mong muốn
PGS.TS Bùi Cách Tuyến
Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường
Hội nghị Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) được tổ chức tại Braxin từ ngày
13-22/6/2012 với sự tham dự của hơn 44.000 đại biểu đến từ 191 quốc gia, trong đó có 79 nguyên
thủ hoặc người đứng đầu chính phủ. Ngoài các phiên họp kỹ thuật và họp cấp cao, khoảng 500 Hội
nghị bên lề đã được tổ chức chính thức và 3.000 sự kiện bên lề được tổ chức không chính thức
trong thời gian diễn ra Hội nghị.
Phát triển bền vững là khái niệm được các nước thông qua tại Rio năm 1992 gồm 3 trụ cột
chính: kinh tế, xã hội và BVMT. Trong đó phát triển kinh tế không còn là mục tiêu duy nhất mà
cần phải quan tâm đến phát triển và ổn định xã hội, BVMT toàn cầu. Phát triển bền vững đã được
thế giới triển khai thục hiện trong hơn 20 năm qua. Hội nghị tại Rio lần này nhìn lại những gì đã
đạt được và chưa đạt được sau 20 năm và định hướng cho những năm tiếp theo.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của Chương trình Nghị sự 21 là nguyên tắc "Trách
nhiệm chung nhưng có phân biệt", theo đó, BVMT Trái đất là trách nhiệm chung của mọi quốc
gia, nhưng các nước phát triển cần đi đầu do là các quốc gia đã gây ô nhiễm nhiều hơn và cũng là
các quốc gia có khả năng về nguồn lực hơn. Trách nhiệm của các quốc gia phát triển là phải hỗ trợ
các nước đang phát triển về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực.
Tuy nhiên, 20 năm qua, cơ chế hỗ trợ này không thực hiện được bao nhiêu. Một trong những
lý do là cơ chế huy động nguồn lực không rõ ràng và thiếu cam kết cụ thể của các nước phát triển.
Để khắc phục tình trạng này, các nước G7 và Trung Quốc đã đấu tranh quyết liệt để yêu cầu các
nước phát triển cam kết về tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực cho phát triển
bền vững tại các nước đang phát triển đồng thời kiên quyết loại bỏ các hình thức mượn danh
BVMT và phát triển bền vững để tạo ra các rào cản mới về thương mại gây bất lợi cho các nước
đang phát triển.
Sau 10 ngày đàm phán, kết quả chính của Hội nghị là bản Tuyên bố chung "Tương lai chúng
ta mong muốn" với 6 nội dung chính: tầm nhìn chung; các cam kết chính trị mới; kinh tế xanh
trong bối cảnh phát triển bền vững và giảm nghèo; thể chế thực hiện phát triển bền vững; khuôn
khổ cho các hoạt động; và phương tiện thực hiện.
Về tầm nhìn chung, Tuyên bố nêu rõ, nhiệm vụ quan trọng của nhân loại là xóa đói nghèo,
BVMT theo nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt; coi việc khuyến khích sản xuất và
tiêu thụ bền vững, bảo vệ và quản lý tốt tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế là mục tiêu và
yêu cầu trên hết của phát triển bền vững.
Về cam kết chính trị mới, Tuyên bố nhấn mạnh lại các nguyên tắc của Rio và các kết quả đã
đạt được về phát triển bền vững; vai trò hội nhập; các biện pháp để thu hẹp khoảng cách giữa các
nước và giải quyết các thách thức trong phát triển bền vững.
Về Kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững và giảm nghèo, Tuyên bố khẳng định
đây là một xu hướng mới trong nâng cao vai trò BVMT. Tuy nhiên cách hiểu về Kinh tế xanh cũng
rất khác nhau và các quốc gia đã dành nhiều thời gian để thảo luận về vấn đề này. Theo đó, nhiều
nước đang phát triển còn lưỡng lự trong việc lựa chọn hướng phát triển Kinh tế xanh do không có
nguồn lực về tài chính và công nghệ hỗ trợ từ các nước phát triển. Nhiều nước phát triển cho rằng,
Kinh tế xanh sẽ hướng sự phát triển toàn cầu theo một phương thức mới, trong đó có việc khuyến
khích đầu tư cho công nghệ mới và đây sẽ là cứu cánh cho nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh
khủng hoảng hiện nay.
Tuyên bố chung đưa ra nhiều cách thức, quan điểm, mô hình và công cụ để mỗi quốc gia đạt
được phát triển bền vững và xây dựng nền Kinh tế xanh. Kinh tế xanh là một trong những công cụ
quan trọng được thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản của Rio, Chương trình Nghị sự 21 và đóng
góp cho đạt được mục tiêu thiên niên kỷ.
Về thể chế thực hiện phát triển bền vững, Tuyên bố tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của
việc thực hiện 3 trụ cột về phát triển bền vững gồm kinh tế, xã hội và môi trường; tăng cường các
cơ quan liên chính phủ, quốc gia và khu vực để thực hiện phát triển bền vững; tăng cường các thể
chế tài chính quốc tế cho phát triển bền vững...
Về khuôn khổ cho các hành động, Tuyên bố đề cập các chủ đề cần tập trung để thực hiện
phát triển bền vững gồm xóa đói nghèo, an ninh lương thực và sản xuất nông nghiệp bền vững; tài
nguyên nước và vệ sinh; năng lượng; giao thông bền vững; du lịch bền vững; thành phố và định cư
bền vững; các vấn đề sức khỏe, biển và đại dương; vấn đề lao động, việc làm; đa dạng sinh học;
biến đổi khí hậu; quản lý thiên tai, rừng; các vấn đề về hạn hán, suy thoái đất, sa mạc hóa; quản lý
hóa chất và chất thải; sản xuất và tiêu dùng bền vững; giáo dục, việc làm, bình đẳng giới... Trong
quá trình thảo luận các chủ đề để đưa đến kết quả thể hiện trong Tuyên bố chung có một số điểm
đáng lưu ý như:
*Chủ đề đại dương: đề cập từ việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống đánh bắt không kiểm
soát được, cho đến bảo vệ đa dạng sinh học biển và đại dương, phòng chống thiên tai trên biển và
đại dương. Vấn đề nổi cộm là việc bảo vệ đa dạng sinh học tại các vùng không thuộc quyền tài
phán của quốc gia theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UN-CLOS). Một số nước đề
xuất giao trách nhiệm bảo vệ cho các quốc gia lân cận nhưng đề xuất này vấp phải phản đối của
nhiều quốc gia khác.
*Chủ đề tài nguyên nước: do biến đổi khí hậu nên nước ngọt sẽ trở nên ngày một khan
hiếm. Để phát triển bền vững thì không thể thiếu nước. Tại Hội nghị và các hội thảo bên lề, các
quốc gia và các tổ chức quốc tế đều nêu cao tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với sự phát
triển bền vững của các nền kinh tế, xã hội, hệ sinh thái... và nêu cao tầm quan trọng của hợp tác để
bảo vệ, phát triển, sử dụng tài nguyên nước, nhất là các nguồn nước xuyên biên giới. Các quốc gia
cũng kêu gọi các nước chưa phê chuẩn cần sớm phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về sử
dụng các nguồn nước cho mục đích phi giao thông thủy.
*Chủ đề biến đổi khí hậu: các quốc gia đều coi đây là thách thức toàn cầu và kêu gọi cần
làm nhiều hơn để giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính; coi kết quả đạt được tại COP 17 tại
Durban Nam Phi năm 2011 là quan trọng. Tuy nhiên các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau
trong khuôn khổ UNFCCC không được các quốc gia thảo luận tại Rio.
*Chủ đề đa dạng sinh học: các cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề giá trị của đa dạng sinh
học, cam kết của các quốc gia thực hiện Công ước Đa dạng sinh học (CBD); quyền của các nước
đối với nguồn gen gốc; nguồn lực thực hiện CBD; lồng ghép việc thực hiện CBD vào các chương
trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; việc hợp tác và trao đổi thông tin; vai trò của Công ước
về buôn bán quốc tế những loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)...
Về phương tiện thực hiện: Tuyên bố đã đề cập đến vấn đề tài chính và chuyển giao công
nghệ. Về tài chính, các nước G77 và Trung Quốc đòi hỏi các nước phát triển phải đóng góp tối
thiểu 0,7% GDP để giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu, tối thiểu phải đạt 30 tỷ USD/năm
từ nay đến năm 2017 và nâng lên 100 tỷ USD/ năm từ năm 2018. Nguồn tài chính này phải mới,
mang tính bổ sung, bên cạnh các nguồn ODA hiện có. Đề xuất này của nhóm G77 đã không nhận
được ủng hộ của các nước phát triển, nhất là Mỹ, Canada, New Zealand, Thụy Sỹ, Ôxtrâylia...
không muốn đưa ra cam kết cụ thể. Trong văn bản cuối cùng, các bên nhất trí sẽ đa dạng hóa các
nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững cho tất cả các quốc gia và tăng cường hiệu quả các
nguồn hỗ trợ cho các nước đang phát triển; sẽ thông qua các cơ chế của Hội đồng Liên hợp quốc
để chuẩn bị bản báo cáo về tài chính cho thực hiện chiến lược phát triển bền vững; sẽ thành lập
ban liên chính phủ gồm 30 thành viên từ các khu vực để thực hiện và hoàn thành báo cáo trong
năm 2014 để trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc; tăng cường các nỗ lực nhằm nâng cao hiệu
quả sử dụng ODA; thay đổi về mô hình viện trợ; ủng hộ việc đơn giản hóa các cơ chế tiếp cận và
giải ngân từ nguồn Quỹ Môi trường toàn cầu...
Về công nghệ, nhóm G77 yêu cầu các nước phát triển chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân
thiện với môi trường cho các nước đang phát triển và xóa bỏ rào cản về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên,
các nước phát triển phản đối và đề nghị xóa cụm từ chuyển giao trong phần liên quan công nghệ,
và nhấn mạnh sở hữu trí tuệ là vấn đề cực kỳ quan trọng; là công cụ để khuyến khích và bảo đảm
công bằng trong nghiên cứu, phát triển công nghệ. Trong văn bản cuối cùng, các bên nhất trí về vai
trò và tầm quan trọng của chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển; tạo môi trường để
mọi nước đều có thể tiếp cận được với các công nghệ tiên tiến; tạo môi trường để khuyến khích
phát triển, phổ biến và chuyển giao công nghệ tiên tiến; tăng cường các cơ quan nghiên cứu khoa
học tại các quốc gia, khu vực và toàn cầu; nghiên cứu để có cơ chế chuyển giao công nghệ phù
hợp...
Bên cạnh đó, Tuyên bố cũng đề cập đến vấn đề tăng cường năng lực cho các nước đang phát
triển, coi đây là nhiệm vụ cần làm, cần đẩy mạnh các hình thức hợp tác Bắc - Nam, Nam - Nam,
tăng cường năng lực tại mỗi quốc gia và tìm cơ chế để huy động nguồn lực cho các hoạt động hợp
tác tăng cường năng lực cho phát triển bền vững...Ngoài ra, thương mại là chủ đề được thảo luận
rất căng thẳng xung quanh việc sử dụng phát triển bền vững hoặc môi trường như những rào cản
thương mại mới đối với các nước đang phát triển. Không nội dung nào liên quan đến thương mại
từ tài liệu đàm phán được thông qua. Các bên cuối cùng đã thống nhất chỉ đưa 2 đoạn văn vào
Tuyên bố, nêu tầm quan trọng của thương mại đối với phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và của
thể giới và sự cần thiết phải củng cố các cơ chế thương mại toàn cầu.
*Có thể thấy, Rio+20 là một trong những Hội nghị lớn của Liên họp quốc về phát triển bền
vững với sự tham gia đông đảo của các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan báo chí và xã hội
dân sự. Hội nghị đã tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của 3 trụ cột của phát triển bền vững là
kinh tế, xã hội và BVMT; đã đưa ra một số cơ chế mới để phát triển bền vững, đã đưa ra lộ trình
để phát triển Kinh tế xanh. Tuy nhiên các kết quả đạt được chỉ mới dừng lại ở ý chí của các quốc
gia, đúng như tên gọi của Tuyên bố chung của Hội nghị: "Tương lai chúng ta mong muốn". Để đạt
được mong muốn này hiện còn thiếu các cơ chế và nguồn lực để thực thi, đặc biệt là nguồn lực tài
chính, công nghệ và cũng tiềm ẩn các nguy cơ sẽ tạo ra những rào cản thương mại mới nhân danh
BVMT và phát triển bền vững đối với các quốc gia đang phát triển.
TCMT 07/2012