Tải bản đầy đủ (.doc) (10 trang)

Báo cáo đề tài nghiên cứu văn học Hàn Quốc tại Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (137.33 KB, 10 trang )

BÁO CÁO:
ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU VĂN HỌC HÀN QUỐC
TẠI VIỆT NAM
1. Mở đầu
Việt Nam và Hàn Quốc không phải là 2 nước “núi liền núi, sông liền sông”, Việt
Nam thuộc khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc ở Đông Bắc Á nhưng cả 2 nước đều tiếp
giáp với Trung Quốc. Do vậy, văn hoá Việt Nam và Hàn Quốc đều chịu ảnh hưởng
của văn hoá Trung Hoa sâu đậm, đều thuộc vùng văn hoá “Đồng văn”.
Lịch sử giao lưu văn hoá Việt – Hàn đã có từ rất sớm. Có thể từ thế kỷ IX, X,
thời Tam quốc của Hàn Quốc (Kôguriô,Beakche, Shilla) đã có dấu hiệu giao lưu với
Giao Chỉ của Việt Nam. Nhưng quan hệ Việt – Hàn chính thức được sử sách của 2 dân
tộc chép lại phải tính từ thế kỷ XIII khi ở 2 nước đều dưới sự trị vì của nhà Lý. Hậu
duệ của triều đại nhà Lý ở Việt Nam là Hoàng tử Lý Long Tường đã chạy sang đất
Cao Ly lánh nạn rồi sớm gia nhập vào cộng đồng người Hàn, lập chiến công, được vua
Cao Ly ban tặng tước hiệu “Bạch mã tướng quân”. Bước sang thế kỷ XIV, có 1 dòng
họ Mạc ở Hàn Quốc gắn với tên tuổi Mạc Đĩnh Chi (1272 – 1346) là vị trạng nguyên
dưới triều vua Trần Anh Tông của Đại Việt đã 2 lần đi sứ Trung Quốc đều ghé qua đất
Cao Ly bởi đã có gắn bó kết thân với người Hàn, và kết quả tạo nên một dòng họ tiếp
nối từ đời này sang đời khác trên đất Hàn.
Các thế kỷ tiếp, giao lưu văn hoá, văn học giữa 2 nước được thực hiện bởi các sứ
thần trên tinh thần “tứ hải giai huynh đệ” diễn ra trên đất Trung Hoa Thế kỷ XV, sứ
thần Triều Tiên Chosin đã gặp sứ thần Việt Nam trên đất Trung Hoa và trao đổi thơ
phú cho nhau. Cuối thế kỷ XVI, học giả nổi tiếng của Triều Tiên là Ly Su Kwang
(1563 – 1628) đã gặp sứ thần nhà Lê của Việt Nam là Phùng Khắc Khoan (1528 –
1613) và đã có nhiều cuộc tao ngộ văn chương tại quán Ngọc Hoa – Bắc Kinh. Đầu
thế kỷ XVIII, nhà bác học lỗi lạc của Việt Nam là Lê Quý Đôn đã gặp Hong Kie Hee
ở Trung Quốc và trao đổi thơ văn. Các cuộc tao ngộ ngoại giao và xướng họa thơ ca
được sử sách ghi lại bằng các bút tích của các sứ thần - học giả - nhà thơ 2 nước Việt –
Hàn như Nguyễn Công Hang, Nguyễn Công Quái, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyên
Tuân…
Bước vào thời cận - hiện đại (nửa cuối XIX, đầu XX), 2 nước tiếp tục có những


bước gắn kết hữu hảo. Đặc biệt nổi bật với 2 nhà yêu nước vĩ đại của Việt Nam tuy
không đến Hàn Quốc nhưng trên quê người đã được các chí sĩ- nhà yêu nước Hàn
Quốc hết lòng giúp đỡ. Trong thời gian hoạt động ở Nhật, Phan Bội Châu (1867 –
1
1940) gặp một số người Hàn, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong thời gian hoạt động ở
Pháp đã từng gặp nhà yêu nước Hàn Quốc Kyu Shik và 2 nhà ái quốc đã trao đổi nhiều
vấn đề về đường lối cứu quốc…
Nửa đầu thế kỷ XX, lịch sử 2 dân tộc Việt – Hàn có mối tương đồng đặc biệt: Cả
2 nước đều trở thành thuộc địa của ngoại bang: Việt Nam bị người Pháp thống trị, Hàn
Quốc bị Nhật Bản xâm chiếm. Tuy nhiên, văn học Việt Nam vẫn thưa thớt được giới
thiệu ở Hàn Quốc (Việt Nam vong quốc sử - Phan Bội Châu, Truyện Kiều - Nguyễn
Du). Năm 1945, cả 2 nước Việt Nam – Hàn Quốc đều giành được độc lập, sau đó Hàn
Quốc bước vào cuộc chiến tranh Nam - Bắc Triều (1952- 1953), Việt Nam trải qua 9
năm kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954). Ở Hàn Quốc, từ 1948 đất nước bị chia
cắt làm 2 miền, ở Việt Nam từ 1955, Mỹ xâm lược miền Nam, 2 miền bị chia cắt.
Trong thời gian này cơ bản giao lưu văn học bị gián đoạn. Bắc Việt Nam từ giữa thế
kỷ XX đã có quan hệ với Bắc Triều Tiên. Và từ những năm 50, 60 của thế kỷ XX
nhiều tác phẩm văn học của Triều Tiên được giới thiệu ở Việt Nam (Các tuyển tập thơ
Triều Tiên chiến đấu, Tuyển thơ cổ Triều Tiên, Truyện cổ Triều Tiên, các tiểu thuyết
nổi tiếng của Hàn Tuyết Dã, Lý Cơ Vĩnh, Triệu Cơ Thiên, Thiên Thế Phong…).
Do những vấn đề của lịch sử để lại, trong thời gian Mỹ chiếm đóng miền Nam
Việt Nam, giao lưu văn học Nam Việt Nam với Nam Hàn có sự xúc tiến đáng kể, 1 số
tác phẩm Việt Nam được dịch giới thiệu tại Hàn Quốc và ngược lại 1 số văn phẩm
Hàn Quốc được giới thiệu tại miền Nam Việt Nam.
Từ 1992, Hàn Quốc chính thức đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Hơn 15
năm qua, giao lưu văn học Việt – Hàn có bước phát triển đột biến trong xu thế hội
nhập đầy năng động và triển vọng. Nhiều tác phẩm văn học của 2 dân tộc được dịch,
giới thiệu ở 2 nước. Và cũng từ đây việc nghiên cứu, truyền bá, giảng dạy văn học Hàn
Quốc tại Việt Nam có bước phát triển mới.
Chúng tôi xin trình bày những thành tựu nghiên cứu văn học Hàn Quốc tại Việt

Nam có tính chất như là một tổng thuật lịch sử vấn đề với 2 loại bài nghiên cứu về văn
học Hàn Quốc: Các học giả nước ngoài và Việt Nam.
2. Nghiên cứu, giới thiệu văn học Hàn Quốc tại Việt Nam từ các học giả nước
ngoài
Cùng với các lĩnh vực khác của khoa học xã hội và nhân văn như lịch sử - văn
hoá - nghệ thuật, ngôn ngữ… nghiên cứu văn học Hàn Quốc có thể là lĩnh vực chuyên
ngành đã đi vào Hàn Quốc học khá sớm, tuy chưa đầy đủ, hệ thống nhưng bước đầu
phản ánh sự phong phú về số lượng và có giá trị chấm phá, gợi mở những triển vọng
tốt đẹp trong tương lai để người Việt Nam hiểu về nền văn học Hàn Quốc có quy mô
đồ sộ, có lịch sử phát triển lâu đời và đạt được thành tựu lớn.
Cũng như nghiên cứu về văn học Việt Nam, nghiên cứu văn học Hàn Quốc tại
Việt Nam xuất hiện lần đầu tiên lại không phải do các học giả Việt Nam mà chủ yếu
2
do các nhà Đông phương học người Nga, các nhà nghiên cứu Trung Quốc. Có thể coi
1 số bài viết ít ỏi của các học giả Trung Quốc, Nga về văn học Hàn Quốc đăng trên tạp
chí Nghiên cứu văn học là những bài giới thiệu, nghiên cứu vỡ vạc đầu tiên. Kim Binh
Kế với bài “Văn học Triều Tiên sau giải phóng” (Nghiên cứu văn học, số 9 – 1960)
giới thiệu thành tựu văn học của Triều Tiên, đặc biệt là các cây bút văn xuôi của nước
Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên. Đây là bài viết có tính chất khái quát các chủ
đề, đề tài chính của nền văn học Triều Tiên thập niên 50, 60 của thế kỷ XX. Tiếp đến
là bài nghiên cứu của Viện sĩ – nhà Đông phương học người Nga, nhà Việt Nam học
N.I Nikulin “Quan hệ văn học Việt Nam và Triều Tiên cuối thế kỷ XVI - giữa thế kỷ
XVIII” (Tạp chí văn học, số 2/1987). Đây là bài viết không trực diện đi vào nghiên
cứu văn học Triều Tiên như một chính thể mà nghiên cứu trong sự so sánh với văn học
Việt Nam thời kỳ Trung đại. Tác giả từ phân tích những tương đồng về địa lý – văn
hoá - lịch sử - ảnh hưởng từ trường văn hoá Trung Hoa, chỉ ra sự giao lưu văn học,
những nét tương đồng của văn hoá 2 nước viễn Đông chủ yếu trên bình diện thể loại
truyền kỳ, văn xuôi trung đại…
Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến nghiên cứu của giới học giả người Hàn Quốc,
nhiều bài viết của họ được tư duy bằng tiếng Việt, viết cho Tạp chí văn học của Việt

Nam hoặc các công trình chuyên biệt xuất bản tại Việt Nam. Họ là những nhà nghiên
cứu, giảng dạy văn học, cảm nhận văn học dân tộc bằng tiếng “mẹ để” nhưng diễn đạt
bằng tiếng Việt. Đáng chú ý nhất là một loạt bài nghiên cứu về kiệt tác văn học cổ điển
của Hàn Quốc: Xuân Hương truyện. Xuân Hương truyện xứng đáng được giới thiệu,
nghiên cứu khá công phu ở Việt Nam bởi đây là tác phẩm văn học có tầm ảnh hưởng
lớn, là “Kim tự tháp vĩnh cửu” của nền văn học Hàn Quốc.
Trong xu hướng tiếp cận giá trị Truyện Xuân Hương, các tác giả Hàn Quốc một
mặt khẳng định vị trí của tác phẩm trong đời sống văn hoá hàn lâm và văn hoá đại
chúng ở Hàn Quốc, mặt khác để làm nổi bật sự tương đồng về nội dung phản ánh hiện
thực, đặc điểm lịch sử - xã hội, nhiều bài nghiên cứu nghiêng về so sánh Xuân Hương
truyện với Truyện Kiều của Việt Nam. Lalenti Lý “Truyện Xuân Hương của Hàn
Quốc và Truyện Kiều của Nguyễn Du” (Tạp chí văn học, số 3/1992);Kim Dea Yung
“Nói về Xuân Hương truyện” (Diễn đàn văn nghệ Việt Nam 12/1993); Lee Sang Boo
“Giới thiệu Xuân Hương truyện” (Tạp chí văn học, 5/1994); Đặc biệt có một học giả
Hàn Quốc Yang Soo Bea đã viết một loạt bài nghiên cứu so sánh Xuân Hương truyện
và Truyện Kiều đăng trên các tạp chí chuyên ngành văn học của Việt Nam được rút ra
từ luận văn tiến sĩ của tác giả: “Từ chức năng nhân vật đến không gian nghệ thuật
trong Truyện Xuân Hương” (Văn học, 8/1998). “Bước đầu nghiên cứu so sánh Truyện
Kiều và Truyện Xuân Hương” (Văn học, 10/1995); “Một vài điểm liên quan đến việc
giới thiệu cốt truyện Xuân Hương truyện ở Việt Nam (Văn học, 7/2000)… Phải thừa
nhận, Yang Soo Bea, nghiên cứu đề tài này khá sâu sắc và có nhiều kết luận khoa học
3
có giá trị. Xuất phát từ phương pháp so sánh tương đồng về lịch sử - văn hoá, tác giả
thống kê các đặc điểm tương đồng dị biệt trong tác phẩm từ đó rút ra sự khác nhau về
thể loại “Nếu Truyện Kiều được coi là 1 tiểu thuyết bằng thơ (Truyện thơ - Trần Thúc
Việt) thì Xuân Hương truyện là tác phẩm văn xuôi thuộc loại kịch hát kể - Phan xô
ri”…
Giới thiệu nghiên cứu văn học Hàn Quốc tại Việt Nam, đặc biệt là mảng văn học
truyền thống cổ điển, có 1 giáo sư giảng dạy tại trường Đại học ngoại ngữ Hán Thành
Seoul, ngoài dịch nhiều công trình văn học Hàn Quốc ra tiếng Việt xuất bản tại Việt

Nam (Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến thế kỷ 19, Kim Ngao tân thoại…) bà cũng
có nhiều công trình nghiên cứu về văn học dân gian và văn học viết truyền thống có
giá trị. Luận án tiến sĩ ngữ văn với đề tài “So sánh tiểu thuyết truyền kỳ Hàn Quốc,
Trung Quốc và Việt Nam” đã đi vào một thể loại văn học đặc biệt của 3 nước “Đồng
văn”. Từ những tương đồng về nội dung đặc điểm nghệ thuật giữa 3 tác phẩm truyền
kỳ nổi tiếng của 3 dân tộc “Tiễn đăng tân thoại (Cù Hựu- Trung Quốc)”, Kim Ngao
tân thoại (Kim Thời Tập – Hàn Quốc), Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ - Việt Nam)
tác giả rút ra những kết luận quan trọng về đặc trưng của thể loại truyện (tiểu thuyết)
truyền kỳ ở khu vực. (Luận văn đã được nhà xuất bản Đại học Quốc gia ấn hành năm
2004). Ngoài ra bà cũng có 1 công trình nghiên cứu về truyện cổ 2 nước Việt Nam và
Hàn Quốc “Nghiên cứu so sánh truyện cổ Hàn Quốc và Việt Nam”(Nhà xuất bản
ĐHQG). Năm 2005 có 1 luận án tiến sĩ của người Hàn Quốc rất giỏi tiếng Việt, TS
Park Yeon Kwan bảo vệ tại trường Đại học KHXH &NV Hà Nội. “Truyện cổ tích và
lịch sử nghiên cứu truyện cổ tích Hàn Quốc” (2001) đã giúp độc giả hiểu được vấn đề
nghiên cứu cổ tích tại Hàn Quốc, những giới thuyết, quan niệm về thể loại.
Về diện mạo, tiến trình phát triển văn học Hàn Quốc từ cổ đại đến hiện đại được
nhiều học giả, Giáo sư văn học giới thiệu trên nhiều tạp chí. Đáng chú ý là loạt bài viết
trên Tạp chí văn học số 10/1995 (Chuyên san văn học Hàn Quốc). Tại đây có 10 bài
viết của giới nghiên cứu Hàn Quốc. Có bài giới thiệu khái quát các chặng đường phát
triển của một giai đoạn, thời kỳ văn học (Cho Dong Il – Khái quát văn học cổ điển
Triều Tiên), Kim Heong Kyu – Các lĩnh vực văn học cổ điển Triều Tiên), có bài đi vào
đặc điểm của 1 số thể loại văn học tiêu biểu (Kim Yeol Gyu - Thể loại thơ cổ
Hyangka; Kim yom shik – Ba dòng thơ hiện đại Triều Tiên) nhiều bài đi vào so sánh
văn học (Jean Hyae kyeong – So sánh truyện dân gian Hàn Quốc và Việt Nam qua
truyện về nguồn gốc loài vật; So sánh trào lưu tiểu thuyết Trung Quốc và Hàn Quốc;
Yang Soo Bea - Bước đầu nghiên cứu so sánh Truyện Xuân Hương và Truyện Kiều ).
Những bài viết của các học giả Hàn Quốc tuy chỉ là những phác thảo khái quát
bước đầu nhưng đã cung cấp cho độc giả Việt Nam một cái nhìn nhận diện toàn bộ
bức tranh văn học Hàn Quốc từ cổ đại đến hiện đại. Đặc biệt là giới thiệu được 1 số tác
gia, tác phẩm tiêu biểu trong cái nhìn đối chiếu, so sánh khu vực.

4
3. Nghiên cứu văn học Hàn Quốc của các nhà nghiên cứu Việt Nam
Nghiên cứu văn học Hàn Quốc tại Việt Nam có thể được chia làm 2 mảng chính:
- Các bài nghiên cứu của các học giả được viết từ các Hội thảo khoa học (quốc tế
và quốc gia), các luận án, luận văn của các thạc sĩ và tiến sĩ;
- Các giáo trình đại học về văn học Hàn Quốc dùng làm tài liệu giảng dạy ở các
trường đại học ở Việt Nam.
Từ năm 1992, Đại Hàn Dân Quốc chính thức đặt quan hệ ngoại giao với nước
CHXHCN Việt Nam, cùng với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, văn học cũng có
sự giao lưu, phát triển vượt bậc. Nhiều hội thảo khoa học được tổ chức ở 2 nước, tại
các Trung tâm nghiên cứu xã hội và nhân văn, các trường đại học trọng điểm đầu
ngành. Nhưng có một thực tế, nghiên cứu văn học Hàn Quốc sẽ không thu được kết
quả nếu không có việc giới thiệu dịch thuật văn học Hàn Quốc ra tiếng Việt. Nhiều tác
phẩm tiêu biểu của Hàn Quốc qua các thời kỳ, một số bài nghiên cứu đã được dịch tại
Việt Nam. Đây là nguồn tư liệu quí giá để các nhà nghiên cứu có dịp tiếp cận với nền
văn học gần gủi nhưng còn khá xa lạ.
Các bài nghiên cứu được in trong các Kỷ yếu hội thảo khoa học hoặc các tạp chí
chuyên ngành tập trung vào 3 giai đoạn của văn học Hàn Quốc: Văn học dân gian, văn
học viết truyền thống, văn học hiện đại. Đa số các bài viết trích dẫn dưới đây in trong
sách “Tương đồng văn hoá Việt Nam Hàn Quốc” là tập hợp các bài từ hội thảo khoa
học quốc tế “Những vấn đề văn hoá việt Nam Hàn quốc” tại Trường đại học
KHXH&NV,Hà Nội năm 1994 và Hội thảo “Những vấn đề về văn học và ngôn ngữ
Việt Nam Hàn Quốc” năm 1996.Về văn học dân gian các bài viết ít đi vào thể loại mà
thường so sánh với văn học dân gian Việt Nam. GS Vũ Ngọc Khánh, Đặng Thiếu
Ngân – “Vài nét tương đồng trong truyện cổ Đại Hàn và Việt Nam”; PGS Nguyễn
Trường Lịch – “ Vài nét gặp gỡ giữa truyện dân gian Hàn Quốc và Việt nam”; GS
Đặng Văn Lung - “So sánh truyện cổ Việt Nam - Hàn Quốc”; PGS Nguyễn Xuân Hoà
“Hình tượng các con vật trong thành ngữ, tục ngữ Hàn Quốc”. Nguyễn Hùng Vĩ, Vũ
Duy Hưng - “Xã hội Hàn Quốc qua một số truyện cổ tích tiêu biểu” Lưu Thị Sinh –
“Vài nét về thần thoại truyền thuyết Hàn Quốc”. Các bài viết trên mang tính chất giới

thiệu bước đầu về một số thể loại văn học dân gian, đặc biệt là truyện cổ dân gian
trong sự so sánh với truyện cổ Việt Nam.
Mảng văn học trung đại được các tác giả Việt Nam tập trung bút lực vào các kiệt
tác văn học và các tiểu thuyết lớn như Xuân Hương Truyện. Giáo sư Đặng Thanh Lê
với “Truyện Xuân Hương kiệt tác văn học Korea”, “Truyện Kiều và Truyện Xuân
Hương từ kiệt tác văn học đến sự kiện văn hoá trong đời sống 2 dân tộc Việt Nam –
Hàn Quốc”; PGS Lê Huy Tiêu “Truyện Xuân Hương một kiệt tác văn học Hàn quốc”;
GS Nguyễn Xuân Kính “Tính chất dân gian trong truyện dân gian của Hàn Quốc”;
Trần Thúc Việt “Đánh giá giá trị kiệt tác văn học cổ điển qua trường hợp Truyện
5
Xuân Hương của Hàn Quốc”…. Trên đây là những bài viết đọc tại các hội thảo khoa
học quốc tế về văn học Hàn Quốc, giao lưu văn học Hàn - Việt. Cùng với nhiều bài
viết về Truyện Xuân Hương của người Hàn Quốc, các bài nghiên cứu của giới khoa
học Việt Nam tiếp tục khẳng định giá trị của kiệt tác văn học, đồng thời cũng có những
luận điểm đánh giá lại giá trị của tác phẩm trong sự so sánh với các kiệt tác văn học
khác trong khu vực.
Ngoài loạt bài về Truyện Xuân Hương, xuất hiện nhiều bài viết về văn học chữ
Hán của Hàn Quốc, về thể loại tiểu thuyết truyền kỳ tiêu biểu ở khu vực. “Truyền kỳ
chữ Hán ở Việt Nam và Hàn Quốc” của GS Phạm Tú Châu; “Nhận xét tổng quan về
truyền kỳ Viễn Đông và Hàn Quốc” của PGS Phạm Quang Long – Bùi Việt Thắng.
Các bài viết tiếp tục so sánh sự tương đồng và dị biệt về thể laọi truyền kỳ của 3 nước:
Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam, từ đó khẳng định sự mở đầu của tiểu thuyết viết
bằng chữ Hán ở Hàn Quốc thuộc về Kim Ngao tân thoại. Ngoài ra, còn có một số bài
viết tập trung vào so sánh tiểu thuyết Mộng du của Hàn Quốc và Việt Nam. PGS
Nguyễn Hữu Sơn ngoài bài nghiên cứu “Tiểu truyện thiền sư của Hàn Quốc” còn có
bài nghiên cứu khá sâu sắc “Bước đầu so sánh kiểu truyện người lạc cõi tiên trong văn
học Việt Nam với tiểu thuyết Cửu vân mộng của Hàn Quốc”. Tác giả chỉ ra sự tương
đồng về mô tuýp người mộng du xuất hiện khá phổ biến trong văn xuôi trung đại Việt
Nam và Hàn Quốc đều chịu ảnh hưởng từ văn hoá Hán mà hạt nhân tư tưởng là Nho -
Phật - Đạo.

Mảng bài viết về văn học hiện đại có lẽ phong phú hơn vì đây là những tác phẩm
viết bằng quốc ngữ lại được dịch khá nhiều. Tuy nhiên, các bài nghiên cứu cũng mang
tính khái quát sơ bộ bước đầu. Trần Thúc Việt có 2 bài khái quát thành tựu thơ và văn
xuôi Hàn Quốc thế kỷ XX: “Thơ hiện đại Korea thế kỷ XX - Một số khuynh hướng và
hình tượng chủ yếu; “Phác thảo những chặng đường phát triển của văn xuôi hiện đại
Korea thế kỷ XX”. Nhiều bài nghiên cứu vẫn tiếp tục phương pháp so sánh tác gia, tác
phẩm. GS Nguyễn Đình Chú và Oh Eun Chol “Bộ ba tiểu thuyết Gia đình – Thoát ly -
Thừa tự của Khái Hưng và tiểu thuyết Ba thế hệ của Yom Sang Sup qua cách nhìn của
khoa Văn học so sánh; Lương Nguyễn “Bước đầu gặp gỡ giữa Huyn Jin Keon và Nam
Cao ở thể loại truyện ngắn; Hoàng Hải Vân “Nghiên cứu so sánh về nữ tính trong
truyện ngắn Oh Jung Hee và Nguiyễn Thị Thu Huệ”…Nhà thơ Bằng Việt – “ Chất
thực và ảo, một trong những nét đặc sắc của thơ phương Đông trong thơ Hàn
Quốc…”. PGS Lê Đình Cúc có 2 bài nghiên cứu về 2 nhà thơ mà sự nghiệp thi ca lại
toả sáng ở nước ngoài trong thời thuộc Nhật. “Nhà thơ hiện sinh Hàn Quốc Yoon
Dong Ju”, “Nhà thơ yêu nước Yee Yook Sa”…Bùi Huy Liệu với bài “Thiên tài văn
hoá Hàn Quốc Choi Nam Soon” đã khẳng định sự mở đầu của nền thơ hiện đại Hàn
Quốc với bài thơ nổi tiếng, thơ hoàn toàn mới “Biển cả nói cùng tuổi trẻ”.
6
Trên đây là những thống kê chưa được đầy đủ nhưng chúng ta có thể nhận xét
rằng: cả thơ và văn xuôi hiện đại Hàn Quốc đã được nghiên cứu, giới thiệu, có cả tác
giả trong nước và sáng tác ở hải ngoại, cả việc giới thiệu trào lưu khuynh hướng mang
tính khái quát và đi vào phân tích các giá trị cụ thể, và bao trùm tất cả là xu hướng
nghiên cứu so sánh để tìm ra nét tương đồng và dị biệt giữa 2 nền văn học Hàn Quốc
và Việt Nam. Tuy nhiên, còn nhiều tác giả lớn và tác phẩm quan trọng chưa được giới
thiệu, nghiên cứu. Nghiên cứu văn học hiện đại Hàn Quốc ở Việt Nam chưa mang tính
tổng thể, hệ thống, còn thể hiện sự “chắp vá”, có tác phẩm nào được giới thiệu thì viết
bài. Chúng ta rất cần các bài viết có tính chất chuyên sâu vào 1 số đặc điểm về thể loại,
thi pháp trên nền văn học sử.
Như mọi người đã nhận thức rõ, số bài nghiên cứu về văn học Hàn Quốc được
trình bày tại các hội thảo khoa học và đăng tải trên các kỷ yếu khoa học hoặc tạp chí

chuyên ngành là khá nhiều và đơn lẻ, chưa hệ thống, nhiều khi nó chỉ là một phần, một
mục trong một công trình nghiên cứu rộng hơn và phổ biến hơn như là giao lưu văn
hoá. Ở Việt Nam rất cần có những công trình mang tính hệ thống về lịch sử một nền
văn học dân tộc từ cổ chí kim có ý nghĩa là một giáo trình văn học sử.
Hiện nay ở Việt Nam có khoảng chục trường đại học đang có chương trình giáo
dục tiếng Hàn hoặc Hàn Quốc học trong khoa (bộ môn) có giảng dạy tiếng Hàn Quốc.
Trong chương trình có cơ cấu nội dung văn học Hàn Quốc với những thời lượng khác
nhau. Tuy vậy, mới chỉ có 2 cuốn giáo trình được soạn thảo:
- “Nhập môn văn học Hàn Quốc” của Nguyễn Long Châu, trường đại học
KHXH &NV thành phố Hồ Chí Minh – Nhà xuất bản Giáo dục, 1997. Giáo trình này
được viết dưới quan điểm của các giáo trình văn học sử Hàn Quốc tại Hàn Quốc. Sách
ngoài phần phụ lục, tóm tắt và trích dịch các tác phẩm văn học thơ ca và văn xuôi,
gồm 2 phần: Văn học cổ điển và văn học hiện đại. Nhìn chung đây là một tài liệu
mang tính “nhập môn”như tên gọi của giáo trình. Giáo trình cho người đọc một cái
nhìn “sơ khảo”, bước đầu về nền văn học Hàn Quốc. Tuy nhiên, do tiếp thu sự phân bố
giữa các phần và việc phân kỳ văn học theo quan điểm của giới nghiên cứu Hàn Quốc
nên đối với người đọc Việt Nam khó tiếp cận. Nhưng phải ghi nhận đây là giáo trình
mở đầu đáng quí trong khi ở Việt Nam chưa có tài liệu cho sinh viên học tập.
- “Văn học Korea (Triều Tiên – Hàn Quốc)” của Trần Thúc Việt, trường đại
học KHXH&NV Hà Nội, nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006. Đây là giáo
trình đại học để giảng dạy cho sinh viên ngành văn học, phương Đông học, Hàn Quốc
học ở trường đại học KHXH&NV được viết trên quan điểm học thuật của giới nghiên
cứu Việt Nam về văn học Hàn Quốc. Cho nên, cấu trúc và phân kỳ văn học , một số
luận điểm, đánh giá theo quan điểm của Việt Nam. Sách có 4 phần:
7
+ Phần mở đầu giới thiệu tổng quát về đặc điểm lịch sử - văn hoá và vấn đề phân
kỳ, phạm vi văn học Korea như là một phần bổ trợ cần thiết khi kiến thức cơ sở nền
tảng về Hàn Quốc học còn hạn chế. Nội dung chính có 3 phần:
+ Văn học dân gian.
+ Văn học viết truyền thống.

+ Văn học hiện đại.
Giáo trình đã trình bày tương đối đầy đủ tiến trình hình thành và phát triển văn
học qua các chặng đường với một thao tác nhất quán: từ những đặc điểm lịch sử - văn
hoá – xã hội, bối cảnh thời đại, khái quát diện mạo, trào lưu, khuynh hướng, thể tài,
thể loại chính đến phân tích các tác gia, tác phẩm tiêu biểu. Người đọc có cái nhìn
nhận diện, khái quát nhưng không khái lược, đơn giản.
Ngoài 2 cuốn giáo trình nêu trên, ở Việt Nam còn có 1 cuốn sách dịch có tính
chất giáo trình “Lịch sử văn học Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX” của
Momisook –JungMin- JungByungSul do Jeom Hye Kyung, Lý Xuân Chung biên dịch
và chú giải - ấn hành năm 2006, NXB ĐHQG Hà Nội. Đây là cuốn sách biên dịch từ
các cuốn sách văn học sử Hàn Quốc có 3 phần trọng tâm: Lịch sử thơ ca, lịch sử tiểu
thuyết và lịch sử văn học chữ Hán. Tuy nhiên, cuốn sách dừng lại ở các tác giả văn
học chữ Hán cuối thế kỷ XIX, văn học hiện đại thế kỷ XX không được giới thiệu.
8
Kết luận
1. Việt Nam và Hàn Quốc có mối quan hệ giao lưu rất sớm (thế kỷ XIII) và phát
triển theo sự thăng trầm của lịch sử, vận mệnh 2 dân tộc, từ quan hệ ngoại giao, chính
trị, văn hoá – xã hội, địa hạt văn học cũng có sự tiếp xúc, trao đổi. Nghiên cứu văn học
Hàn Quốc tại Việt Nam trở thành một lĩnh vực quan trọng, có thành tựu nhất định và
đã đi vào Hàn Quốc học từ rất sớm, đặc biệt là từ 1992 khi Việt Nam và Hàn Quốc
chính thức đặt quan hệ ngoại giao sau nhiều năm của cuộc chiến tranh lạnh ở Việt
Nam.
2. Nghiên cứu văn học Hàn Quốc ở Việt Nam có thể được chia làm 2 nhóm bài
viết:
Một là, những bài viết của các học giả, nhà nghiên cứu, giảng dạy văn học Hàn
Quốc, các học viên cao học, nghiên cứu sinh Hàn Quốc học tập tại Việt Nam. Đây là
những bài nghiên cứu có nhiều giá trị, cảm nhận sâu sắc về văn học dân tộc bởi họ tiếp
xúc nền văn học Hàn Quốc bằng tiếng mẹ đẻ, nhiều bài viết bằng tiếng Việt cho các
hội thảo khoa học, các tạp chí chuyên ngành, các nhà xuất bản nổi tiếng của Việt Nam.
Ngoài ra, phải kể đến vai trò mở đầu của các nhà nghiên cứu người Trung Quốc, người

Nga viết về văn học Hàn Quốc tại Việt Nam. Trong xu thế và kết quả nghiên cứu
Đông phương học, văn học phương Đông, văn học Hàn Quốc được các học giả nước
ngoài hết sức quan tâm, giới thiệu ở Việt Nam.
Hai là, thành quả nghiên cứu khá phong phú trên nhiều bình diện từ khái quát
lịch sử văn học đến các thể loại, tác gia, tác phẩm tiêu biểu các giai đoạn văn học Hàn
Quốc từ dân gian đến hiện đại của các nhà nghiên cứu, giảng dạy văn học của Việt
Nam. Các bài nghiên cứu được thể hiện trong nhiều hội thảo khoa học về văn học, văn
hoá Hàn Quốc hay giao lưu văn hoá, văn học, kinh tế, nghệ thuật Việt – Hàn. Xuất
hiện một số cuốn giáo trình đại học bước đầu dựng lại lịch sử văn học Hàn Quốc từ cổ
đại đến hiện đại. Đây là những cuốn sách mang tính nhập môn khái quát văn học Hàn
Quốc làm tư liệu cần thiết cho giảng dạy và nghiên cứu văn học Hàn Quốc tại các
trường đại học ở Việt Nam.
3. Nhìn một cách tổng thể, nghiên cứu văn học Hàn Quốc tại Việt Nam chưa có tính
hệ thống, chưa có cái nhìn tổng thể về tiến trình phát triển của các giai đoạn, thời kỳ
văn học, một số tác gia quan trọng, một số tác phẩm tiêu biểu, một số thể loại đặc sắc
chưa được giới thiệu xứng đáng. Trong khi đó, một số tác phẩm lớn tầm cỡ kiệt tác lại
9
viết quá nhiều (“Truyện Xuân Hương”), chưa có những công trình mang tính chuyên
sâu, khảo sát những vấn đề về thể loại, về đặc trưng, thi pháp của các thời kỳ văn học
gắn với đặc điểm và lịch sử văn hoá Hàn Quốc.
4. Xu hướng chung của nhiều bài nghiên cứu là nghiêng về phương pháp so sánh,
so sánh văn học Hàn Quốc với văn học Việt Nam, so sánh văn học Hàn Quốc, Trung
Quốc, Việt Nam…và cũng chỉ dừng lại ở các tiêu đề mang tính khám phá như “bước
đầu”. “vài nét”, “sơ bộ”, “một vài”…trên bình diện nội dung và nghệ thuật của các tác
phẩm cụ thể…Các bài nghiên cứu chưa đi vào so sánh loại hình thể loại để rút ra sự
tương đồng và dị biệt từ chiều sâu văn hoá của dân tộc, chưa chỉ ra được những nét
đặc sắc, những tác phẩm văn học, thể loại văn học độc đáo, đặc thù của mỗi dân tộc.
5. Thiết nghĩ, văn học là kết tinh của văn hoá. Để hiểu đời sống tư tưởng, tình cảm,
tâm hồn của một dân tộc thì tiếp xúc với văn học, thông qua các tác phẩm văn chương
là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất.

Trên con đường giao lưu và hợp tác với Hàn Quốc, tất cả các chuyên ngành khoa
học đều có vị trí cần thiết và không thể thay thế. Tuy nhiên, để hiểu về đất nước, con
người, đời sống văn hoá, tâm hồn một dân tộc như Hàn Quốc thì không thể không xúc
tiến nhanh việc nghiên cứu văn học Hàn Quốc tại Việt Nam.
Nghiên cứu văn học Hàn Quốc tại Việt Nam đã có những thành tựu bước đầu
đồng thời cũng đặt ra nhiều khó khăn to lớn.Là một lĩnh vực nghiên cứu còn non trẻ ở
Việt Nam, chúng ta cần có sự hợp tác khoa học chặt chẽ, có kế hoạch, có chiến lược
phát triển lâu dài giữa các nhà khoa học 2 nước, phải kết hợp giữa nghiên cứu và đào
tạo, giữa nghiên cứu văn học với giáo dục tiếng Hàn, tiếng Việt, đào tạo được một đội
ngũ các nhà Hàn Quốc học và Việt Nam học góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu
nghị sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc./.



10

×