Lựa chọn công nghệ phù hợp xử lý nước thải khu du lịch Hồ Tuyền Lâm
Khu vực hồ Tuyền Lâm, TP. Đà Lạt là nơi có hệ sinh thái (HST) á nhiệt đới, với cảnh quan
thiên nhiên tuyệt đẹp. Vì vậy, việc xây dựng khu vực hồ Tuyên Lâm thành khu du lịch sinh thái
mẫu là điều cần phải làm. Ý tưởng này đã được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành "Quyết định phê
duyệt Dự án điều chỉnh quy hoạch khu du lịch (KDL) hồ Tuyền Lâm đến năm 2010 và tầm nhìn
đến năm 2020".
Bài toán xử lý nước thải khu du lịch hồ Tuyền Lâm
Đà Lạt là một thành phố du lịch của nước ta, nhưng thực tế sản phẩm dịch vụ du lịch ở Đà
Lạt thời gian qua và hiện tại vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu của du khách, chưa ngang tầm với vẻ
đẹp mà thiên nhiên ban tặng. Bên cạnh đó, các điểm tham quan du lịch chỉ dừng ở mức độ tự
nhiên sẵn có, thiếu khả năng đầu tư và chưa thật sự bước vào hoạt động cạnh tranh. Do đó, Dự án
đầu tư KDL hồ Tuyền Lâm là cơ hội để nâng cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch của địa phương
này. KDL hồ Tuyền Lâm sẽ là một trong 7 KDL chuyên đề cấp quốc gia bảo đảm các yêu cầu của
khu du lịch: sinh thái, nghỉ dưỡng, hội thảo.
Do địa hình toàn KDL hồ Tuyền Lâm cũng như mặt bằng của từng Dự án đầu tư trong KDL
nên lựa chọn công nghệ phù hợp là một ưu tiên hàng đầu hiện nay. Với đặc điểm địa hình không
bằng phẳng, độ chênh cốt giữa mỗi hạng mục trong dự án khá lớn, không đồng đều nên việc thu
gom nước thải trong mỗi dự án để xử lý cục bộ cũng như việc thu gom nước thải sau khi xử lý cục
bộ để đưa về nguồn tiếp nhận loại B (dòng suối tự nhiên tại khu vực Đại Nam gần chân đèo Pren)
phải đầu tư chi phí và vận hành rất lớn.
Các hạng mục của mỗi Dự án được xây bể tự hoại (bể phốt) để phân hủy sơ bộ chất thải khu
vệ sinh, nước thải từ bể phốt cùng với nước thải từ các nhà bếp, nhà tắm, máy giặt trong tòa nhà
được thu gom vào hệ thống đường ống thoát nước thải trong mỗi dự án và dẫn về trạm xử lý nước
thải cuối nguồn của mỗi dự án, mục tiêu xử lý là nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn B theo quy
chuẩn 14-2008/BTNMT (trong thực tế mục tiêu này khó đạt được vì nhiều lý do). Những hạn chế
trong thu gom và xử lý nước thải của mỗi dự án này như sau:
Hệ thống đường ống thu gom: Rất dài và có nhiều trạm bơm chuyển tiếp và trạm bơm tăng
cốt. Việc xây dựng hệ thống cống dài như vậy vừa tốn chi phí và khó đảm bảo sự an toàn lâu dài.
Nếu xảy ra sự gẫy, vỡ đường cống sẽ làm cho nước thải chưa được xử lý chảy tràn ra mặt bằng
hoặc ngấm xuống đất làm ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước mặt và nước ngầm của khu
vực.
Trạm xử lý cuối nguồn: Trong các dự án, trạm xử lý nước thải áp dụng công nghệ bùn hoạt
tính dạng mẻ là một công nghệ cũ, hiệu quả xử lý không cao, vận hành phức tạp, tuổi thọ của các
thiết bị thấp, chi phí vận hành cao, thường xuyên phải duy tu bảo dưỡng. Bên cạnh đó, còn tốn quỹ
đất xây dựng, các thiết bị xử lý phần nhiều đặt nổi trên mặt đất, làm xấu cảnh quan môi trường...
Sự ảnh hưởng của tiến độ xây dựng các dự án đến hệ thống thu gom và xử lý nước thải: Các
dự án đầu tư trong KDL Tuyền Lâm được đưa vào khai thác từng phần, trong khi hệ thống thu
gom và trạm xử lý nước thải phải xây dựng và đưa vào hoạt động ngay khi các hạng mục đầu tiên.
Vấn đề này xảy ra tình trạng hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải hoạt động dưới công suất
thiết kế dẫn đến sự lãng phí trong vận hành và có nguy cơ làm giảm tuổi thọ các thiết bị của các
trạm bom tăng cốt và trạm xử lý.
Lựa chọn công nghệ xử lý nước thải phù hợp
Để hạn chế chi phí cho nhà đầu tư và lãng phí tài nguyên, việc khuyên khích và hỗ trợ các
nhà đầu tư sử dụng hệ thống xử lý nước thải tại nguồn theo công nghệ Johkasou Nhật Bản do
Công ty CP Xây dựng - Thương mại và Môi trường Hà Nội (Hactra) sản xuất để xử lý cho từng
hạng mục hoặc cụm hạng mục công trình trong dự án là việc làm cần thiết, phù hợp với điều kiện
thực tế địa phương. Nước thải sau xử lý theo công nghệ Johkasou đạt tiêu chuẩn A quy chuẩn 14-
2008/BTNMT (hàm lượng BOD nhỏ hơn 30mg/lít) có thể tái sử dụng vào việc tưới cây, rửa
đường, rửa xe... không thực hiện xây dựng mạng lưới đường ống chính thu gom nước thải của các
dự án đầu tư trong KDL Hồ Tuyền Lâm.
Thiết bị xử lý nước thải Johka-sou là sự tích hợp giữa công nghệ vi sinh tự sinh và các giải
pháp khoa học tiên tiến vì vậy không những hiệu quả xử lý cao, tiết kiệm diện tích mà còn rất thân
thiện với môi trường. Một trong những ưu điểm nổi bật của công nghệ này là xử lý nước thải tại
chân công trình, dung lượng xử lý có thể thay đổi tùy theo lượng xả thải của từng công trình, hoàn
toàn phù hợp với các địa phương có địa hình phức tạp, không bằng phẳng, nhiều đồi dốc. Tại Việt
Nam, thiết bị này hoàn toàn phù hợp với các đô thị vùng núi, cao nguyên và khu vực trung du,
trong đó có TP. Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng.
Nước thải có lẫn nhiều dầu mỡ phải có thêm bể tách dầu và sử dụng loại Johkasou xử lý
nước thải công nghiệp. Loại bỏ toàn bộ đường ống thu gom nước thải, các trạm bơm chuyển tiếp
và trạm xử lý nước thải. Cấu trúc của Johkasou chắc chắn, rất ít khi có các sự cố hư hỏng trong
quá trình vận hành. Với cấu tạo gọn nhẹ, bền vững, giá thành phù hợp, Johkasou đang là một trong
những thiết bị xử lý nước thải có ưu thế nhất hiện nay. Hệ thống xử lý nước thải Johkasou là một
trong những giải pháp thật sự hiệu quả, thiết bị này hoàn toàn thích hợp với khí hậu và điều kiện tự
nhiên của tỉnh Lâm Đồng.
TRẦN MINH HẠNH
TCMT 06/2012