Tải bản đầy đủ (.docx) (4 trang)

Gặp Lại Bạn Xưa – Anh Phạm Hùynh Tam Lang

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (306.24 KB, 4 trang )

Gặp Lại Bạn Xưa –
Anh Phạm Hùynh Tam Lang
Huy Lữ
Tam Lang với cúp Merdeka, 1966
Vào hậu bán thế kỷ 20, đất Gò Công được nổi tiếng nhiều với ca sĩ Phương Dung “Con nhạn
trắng Gò Công” và Cầu thủ vàng Tam Lang. Anh Phạm Hùynh Tam Lang sinh ngày 14-2-1942
tại Gò Công, là cựu cầu thủ của đội tuyển quốc gia Việt Nam Công Hòa và cựu Huấn luyện viên
của Câu lạc bộ bóng đá Cảng Sài Gòn. Anh nổi tiếng là người trong sạch trong làng bóng đá VN,
luôn đề cao đạo đức của người cầu thủ và phàn nàn về phẩm chất xuống dốc trong giới bóng đá
hiện nay!
Sau 50 năm, tôi mới có dịp gặp lại Tam Lang ở Sài Gòn vào tháng 8-2011, qua hướng dẫn
của anh Bùi Văn Mười, một bạn học cùng lớp. Nay vào lứa tuổi thất thập cổ lai hi, phong độ ngày
nào của Tam Lang đã suy giảm với tướng đi gập ghềnh do bệnh khớp xương trong thời kỳ khá
nặng và trí nhớ cũng kém dần; nhưng tánh tình anh không thay đổi, vẫn điềm đạm, lời nói tuy
không còn sang sảng ngày nào, nhưng nhỏ nhẹ khiêm nhường. Gương mặt anh luôn biểu hiện nét
hiền hòa, hiếu khách, thỉnh thỏang tự trách mình lúc trẻ ham vui, thường không thể từ chối lời mời
rượu của bạn bè nên bệnh Gout không trị dứt. Bây giờ bệnh trở nên nhiều hơn, các khớp xương
bàn tay, cổ tay bị sưng to, làm cánh tay mặt ít nhiều đổi dạng và anh cảm thấy không thỏai mái
trong người (Ảnh Tam Lang, 8-2011). Anh hiện sống yên lặng trong một chung cư ở góc đường
Trần Phú (Nguyễn Hòang cũ) và Nguyễn Văn Cừ (đường Cộng Hòa cũ).
Năm 1955, Tam Lang và chúng tôi trúng tuyển vào học trường Trung Học Petrus Trương
Vĩnh Ký ở Sài gòn, vì lúc đó chưa có trường Trung học công lập tại tỉnh Gò Công. Anh đam mê
môn bóng đá từ thuở nhỏ ở đất Gò. Khi lên Sài Gòn học, anh được Ông Nguyễn Văn Tư, một
người có tên tuổi trong làng bóng đá Sài Gòn, hướng dẫn tập luyện chung với đội banh AJS nổi
tiếng bấy giờ. Sáng đi học chiều chơi banh. Năm 1960, anh được chính thức tuyển vào đội banh
thiếu niên quốc gia, cùng với Võ Bá Hùng, Phạm Văn Lắm, Nguyễn Văn Ngôn, Quan Kim
Phụng… (1). Đó cũng là lúc Tam Lang chia tay với chúng tôi cuối niên học lớp Đệ Tam B2 (lớp
10 bây giờ) của trường Petrus Ký. Do qúa ham mê nghệ thuật nhồi bóng trên thảm cỏ xanh, anh
rời ghế nhà trường sớm hơn các bạn học cùng lớp.
1
Lúc gặp lại chúng tôi, sau hồi tâm sự anh còn hứng thú nhắc lại thời vàng son của bóng đá


Miền Nam, lúc đội tuyển Việt Nam đọat chức vô địch cúp Merdeka năm 1966 và chuyện tình
lãng mạn một thời với cô đào “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết.
Trước năm 1975, Tam Lang tham gia đội banh Cảnh Sát Đô Thành, AJS (Association de la
Jeunesse sportive) rồi Cảng Sài Gòn. Anh là một trong những cầu thủ trung vệ xuất sắc của bóng
đá VN và Á Châu bấy giờ. Tôi còn nhớ trong một trận cầu giao hữu giữa đội banh Đệ Tam trường
Trương Vĩnh Ký và đội học sinh Trung học Gò Công tại sân vận động tỉnh nhà, Tam Lang là học
sinh Petrus Ký nhưng anh đá cho đội học sinh Gò. Còn tôi tham gia đội banh học sinh Petrus Ký.
Tam Lang có lối chạy thần tốc và mạnh mẽ, từ vị trí trung vệ anh đưa banh lướt nhanh qua nhiều
cầu thủ và thẳng tiến đến thành goal địch mau lẹ, ít ai theo kịp hoặc khó khăn ngăn cản anh. Lần
đó, đội học sinh Đệ Tam Petrus Ký thua đậm! Trong giải Merdeka năm 1966, anh được giới truyền
thông Malaysia khen ngợi là “Mũi tên vàng” của đội bóng VN, rất đúng với tài năng hiếm có của
anh.
Có lẽ hào quang rực rỡ nhứt trong nghề bóng đá của Tam Lang là lúc đội banh tham dự và
thắng vẻ vang cúp Merdeka ở Kualur Lumpur, Malaysia. Cùng năm đó, anh và Đỗ Thới Vinh được
mời vào đội tuyển Ngôi Sao Châu Á (2) Xin nhắc lại giải vô địch Merdeka là một giải đấu bóng
tròn danh tiếng, được thành lập năm 1957 để chào mừng Ngày Quốc Khánh của Malaysia, gồm
những đội banh mạnh nhứt của châu Á. Các nước được mời tham gia là một danh dự lớn.
Tam Lang kể “Năm 1960, khi mới 18 tuổi, tôi được gọi vào đội tuyển miền Nam. Sớm
chiếm được vị trí trong đội hình chính thức, nhưng chiếc băng đội trưởng thì chẳng bao giờ tôi
nghĩ đến. Năm 1966, đùng một cái, trước giờ bay sang Malaysia, HLV Weigang họp đội và đề
nghị bầu chọn đội trưởng mới thay cho tiền vệ nổi tiếng Nguyễn Ngọc Thanh. Cũng chẳng biết vì
sao ngày ấy anh em lại tín nhiệm và dồn phiếu cho tôi giữ vai thủ quân (2).”
Cũng vào thời điểm này, mối tình của anh và Bạch Tuyết bắt đầu khởi sắc trong chiều
hướng tích cực. Trước đó, anh và vài người bạn như Lắm rỗ (Hải Quan) trong giới bóng đá thường
đến hậu trường Rạp Quốc Thanh làm quen với Bạch Tuyết, Ngọc Giàu và vài cô đào khác. Trước
3 ngày đội banh lên đường sang Malaysia dự giải Merdeka, cả đòan bổng nhận được vé mời xem
xuất hát của đòan Cải lương Dạ Lý Hương trình diễn tại rạp Quốc Thanh trên đường Võ
Tánh. Trước giờ mở màn, Đại diện đòan hát nói vài lời phi lộ và chúc đội bóng đá lên đường thành
công rực rỡ, đem chuông đi đánh xứ người vẻ vang. Ngay sau đó, cô đào Bạch Tuyết xuất hiện từ
cánh gà tiến đến gắn huy hiệu và chòang vòng hoa cho thủ quân Tam Lang với lời chúc tốt đẹp.

Tam Lang kể: “lúc đó tôi như bị Bạch Tuyết thu hút hết hồn vía rồi”.
Năm 1966, đội banh Việt Nam Cộng Hòa vào chung kết với đội Miến Điện, oanh liệt
thắng 1-0 đọat cúp vô địch Merdeka và mang vinh dự về đất nước. Tất cả Miền Nam lúc đó bừng
sống trong bầu không khí sôi động vui mừng. Mọi người khi gặp nhau đều kể chuyện cúp
Merkeda, cầu thủ Tam Lang, Vinh, Thanh ... Khi trở về nước, đòan bóng đá được đón tiếp trọng
thể tại sân bay Tân Sơn Nhứt và phố Sài Gòn. Anh kể trong niềm hân hoan: “Chúng tôi mỗi người
đứng trên một xe jeep mui trần diễn hành từ sân bay Tân Sơn Nhứt qua các phố đến Tòa Đô
Chánh, với sự hoan nghênh chào đón của hàng ngàn người. Các cầu thủ còn được các mạnh
thường quân và Tổng Cuộc Túc cầu tặng mỗi người một tấm lắc vàng ròng để kỷ niệm và ghi
nhận thành tích lớn.” Từ đó, tên tuổi của Tam Lang đạt đến đỉnh cao không những trong nước mà
còn ở Châu Á.
Với chiến thắng vẻ vang đó, tình yêu của anh và Bạch Tuyết như được chất xúc tác nuôi
dưỡng, bùng phát ngày càng lớn hơn. Cuộc hẹn hò của họ kéo dài hơn. Anh bắt đầu đưa rước Bạch
Tuyết mỗi đêm và thỉnh thỏang cũng có những cơn ghen si tình không kiềm chế được. Cuối cùng
hai người tổ chức một đám cưới đơn giản ở Thủ Đức để ra mắt hai họ và bạn bè vào đầu năm
2
1967. Nhưng sau đó do nghề nghiệp và cuộc sống quá khác biệt, nhứt là hai người không có con
dù muốn lắm, nên phải chia tay nhau năm 1970. Tam Lang tâm sự anh quá mệt mỏi với công việc
đưa đón hàng đêm đến một hai giờ sáng mới về tới nhà, vì Bạch Tuyết sau mỗi buổi hát xong, phải
ở lại thay đổi quần áo, điểm trang và gặp gỡ trò chuyện với khán giả ngưỡng mộ đang chờ đón ở
hậu trường.
Ít năm sau, Bạch Tuyết có chồng khác và có một cháu trai với Charles Đức, Tiến sĩ Kinh
tế, quốc tịch Pháp (mất 2010); còn Tam Lang lúc làm việc ở Ngân hàng Việt Nam Thương Tín gặp
cô Nguyễn Thị Minh Hồng rồi cưới làm vợ và có một cháu gái tên Anh Thư hiện làm việc trong
ngành dược ở Úc Châu. Hai gia đình vẫn còn thân thiết và liên lạc nhau khi có cơ hội. Bạch Tuyết
thú nhận trong một cuộc phỏng vấn: “Trong đời tôi, có hai người đàn ông mà tôi phải học. Đó là
ba tôi, người luôn hiểu và hết lòng ủng hộ con cái. Và Tam Lang, người không sính coi hát nhưng
yêu con người thật của tôi chứ không phải vì tôi là nghệ sĩ.”(4)
Tam Lang không những thành công là một cầu thủ bóng đá xuất sắc, còn là một Huấn
luyện viên giỏi, tay nghề cao, rất nổi tiếng trong nước. Anh còn được giới truyền thông kính nể,

thường gọi là “Tượng đài” Phạm Hùynh Tam Lang.
Sau 1975, anh quyết định ở lại quê hương vì nghĩ rằng nghề bóng đá của anh khó phát triển
ở hải ngọai; vã lại, anh còn phải chăm sóc bà mẹ già yếu. Năm 2002, anh đi du lịch nước Mỹ trong
6 tuần lễ để thăm viếng bà con, bạn bè và đến nhiều thành phố như Atlantic city, Philidelphia,
Virginia, Texas, San Francisco, San Jose, Santa Ana… Anh cũng đã đi thăm con gái ở bang
Brisbane, Úc Châu trong hơn 3 tháng.
Năm 1981, sự nghiệp của Tam Lang bắt đầu chuyển hướng. Anh được chọn đi tu nghiệp
huấn luyện viên bóng đá quốc tế (HLV) ở CHDC Đức. Khi hòan tất khóa huấn luyện hơn hai năm,
anh được cấp bằng hạng ưu. Sau khi trở về nước, anh giữ chức HLV Trưởng Cảng Sài Gòn và đã
giúp đội banh này nổi tiếng, có một thời oanh liệt trong nước, giành bốn chức vô địch (1986,
1993-1994, 1997, 2001-2002) cùng hai danh hiệu vô địch Cúp quốc gia (1992, 2000) và nhiều cúp
khác ở Sài Gòn và cấp tỉnh (3). Anh cũng được đề cử làm phụ tá HLV người nước ngòai và giữ
nhiều chức HLV cùng đội tuyển trong các giải SEA Games và Tiger Cup.
Năm 2003, với tuổi đời 61 anh từ giã chức vụ HLV Cảng Sài Gòn, về làm cố vấn cho đội
thanh niên Thành Phố của ông bầu Quách Thành Lai ở Trung tâm thể thao Thành Long (sân Tao
Đàn) trong chương trình đào tạo năng khiếu bóng đá Thành Phố. Tam Lang bảo “Dù ở đâu cứ
nghe tiếng la hét trên sân cỏ là vui rồi!” Anh tâm sự muốn đào tạo một thế hệ cầu thủ trẻ giỏi để
mong một ngày nào đó mang về đất nước thêm nhiều huy chương vàng. Nhưng lực bất tòng tâm!
Anh Phạm Hùynh Tam Lang đã gắn bó cả đời với sự nghiệp bóng đá sân cỏ trong 15 năm
dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa và tiếp tục hơn 3 thập niên sau đó. Ở đâu anh cũng được mọi
người kể cả giới chuyên môn hâm mộ và kính trọng. Anh đã tạo dấu ấn đặc thù trong nền bóng đá
Việt Nam qua nửa thế kỷ nhân sinh.
Huy Lữ
1-9-2011
Tài liệu tham khảo:
(1) Danh nhân Gò Công ( />Huynh-Tam-Lang.ttg).
(2) Sĩ Huyên. 2006. Phạm Hùynh Tam Lang – ký ức một thời vang bóng. Việt Báo (Theo Tuổi
Trẻ), Thứ ba, 10 Tháng mười 2006.
3
(3) Wikipedia.org.

(4) Xaluan.com. 2010. Nghệ sĩ Bạch Tuyết - từng ba lần tự tử (31-8-2010).
( />4

×