Tìm hiểu về thị trường chứng khoán Mỹ
VASC, 27/08/2002, 15h45
Xin giới thiệu cùng bạn đọc những bài viết về thị trường chứng khoán
Mỹ của Tiến sĩ Tôn Thất Đán, chuyên gia tư vấn kinh tế quốc tế.
Tiến sĩ Tôn Thất Đán, tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học danh tiếng Paris -
Sorbone (Pháp), đồng thời cũng là cử nhân luật chuyên ngành kinh tế
chính trị, quan hệ đối ngoại, quản trị kinh doanh> Tiến sĩ đã từng tham
gia giảng dạy tại Đại học Moncton, Đại học Laval, Đại học Montreal
(Canada) và tại các trường đại học khác ở nhiều nước. Tiến sĩ đã giữ
các vị trí quan trọng trong giới quản trị quỹ đầu tư tại New Brunswick
(Canada), đặc biệt là Quỹ NB Investment Management Corporation với
hơn 6 tỷ USD tài sản.
Sau nhiều năm nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán,
Tiến sĩ Tôn Thất Đán đã viết cho độc giả những kiến thức và kinh
nghiệm quý báu về thị trường chứng khoán. Những bài viết này của
Tiến sĩ Tôn Thất Đán sẽ cung cấp cho độc giả những nguyên tắc và hoạt
động cơ bản của thị trường chứng khoán Mỹ - thị trường tiêu biểu, lớn
nhất và điển hình cho tất cả các thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Mỹ: Phản ánh của tiến bộ kinh tế
VASC, 03/08/2002, 14h15
Thị trường chứng khoán là một mạng lưới người mua và người bán cổ phần
sở hữu công ty. Tại Mỹ có 3 thị trường chứng khoán chính là thị trường
chứng khoán New York, thị trường chứng khoán Amex và thị trờng chứng
khoán NASDAQ (Hiệp hội những nhà môi giới kinh doanh chứng khoán yết
giá tự động). Cơ quan quốc gia chịu trách nhiệm giám sát và hoạch định
chính sách liên quan đến các giao dịch chứng khoán là SEC (Uỷ ban Chứng
khoán và Giao dịch).
Thông thường, thị trường chứng khoán là một địa điểm giao dịch, nơi người
bán và người mua cổ phiếu có thể một cách trược tiếp thương lượng mua
bán với nhau, như thị trường Wall Street, tại New York; thị trường Bay
Street, ở Toronto, Canada; tại thị trường chứng khoán London, thị trường
chứng khoán Paris và tại hàng loạt địa điểm khác trên thế giới.
Ngày nay, với sự phát triển của các phương tiện liên lạc hiện đại, người bán
và người mua không cần gặp nhau tại một địa điểm cụ thể, họ có thể tiến
hành mua bán trực tuyến (online), như trên thị trường NASDAQ, người bán
và người mua có thể tiến hành các giao dịch trực tuyến. Thị trường chứng
khoán là một thể thống đa dạng bởi các thành phần tham gia; nó có thể là thị
trường phức tạp nhất hoặc có thể hoạt động phi lý nhất, tuỳ theo trí tưởng
tượng của con người. Lý do là thị trường chứng khoán là sự phản ánh hành
vi của những người tham gia mua bán cổ phiếu mà quyết định của họ ảnh
hưởng đến mức độ của hoạt động kinh tế.
Người bán và người mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hành động
chủ yếu dựa vào dự đoán về thu nhập tương lai của những cổ phiếu được
niêm yết và giao dịch trên một thị trường chứng khoán nhất định mỗi ngày.
Khi dự đoán về thu nhập tăng giảm, giá trị cổ phiếu cũng biến động theo.
Nhìn chung, xét về mặt dài hạn, thị trường chứng khoán có xu hướng trở
thành hàn thử biểu của nền kinh tế quốc dân. Nếu nền kinh tế quốc dân tăng
trưởng và hứa hẹn tiềm năng, giá cổ phiếu tăng và ngược lại nếu nền kinh tế
trì trệ, cổ phiếu có xu hướng sụt giá.
Những nhà quản lý những khoản tiền khổng lồ, cũng như những nhà quản lý
những quỹ trợ cấp, quỹ tương hỗ với hàng trăm tỷ USD trong tay thực sự có
thể có tác động đáng kể đến mức giá cổ phiếu từng ngày. Những công ty lớn
tham gia vào thị trường vốn tìm kiếm những khoản đầu tư mới cũng có thể
tác động đến giá cổ phiếu. Tuy nhiên, về ngắn hạn, có thể không có sự liên
hệ giữa hiện trạng kinh tế và mức giá chung của cổ phiếu. Trong thực tế, giá
chứng khoán thường hay rất bất ổn. Nhưng thị trường chứng khoán trong dài
hạn có khả năng cung cấp những tín hiệu về tương lai nền kinh tế.
Dự đoán và những yếu tố ngắn hạn cũng chính là những nhân tố quyết định
giá cả một cổ phiếu. Dự đoán và thực tế không nhất thiết là một. Thu nhập
của một công ty là một chuyện nhưng dự đoán của những người tham gia thị
trường chứng khoán lại là chuyện khác.
Tuy nhiên, cho dù bất ổn thế nào, thị trường chứng khoán vẫn là một cơ chế
kỳ hạn phức tạp và hữu ích. Một nhà quan sát kinh tế ưu tú không thể bỏ qua
mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế. Thực tế, những mô
hình kinh tế của các nền công nghiệp hiện đại đều bao gồm ít nhất 1 chỉ số
chứng khoán với tư cách là một chỉ số kinh tế dự đoán (leading economic
indicator). Tại Mỹ, chỉ số Standard and Poor 500 được sử dụng như là một
chỉ số dự đoán hàng đầu của Chính phủ nước này. Tại Canada, chỉ số TSE
300 của thị trường chứng khoán Toronto cũng được sử dụng như một chỉ số
dự đoán chính thức của nền kinh tế Canada.
Thị trường chứng khoán là kết quả cuối cùng của quyết định chung giữa
người bán và người mua cổ phiếu, ảnh hưởng mức độ của các hoạt động
kinh tế. Ngoài ra, còn có mối liên hệ giữa biến động trong đầu tư và biến
động trên thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu phản ánh những cơ hội của
nền kinh tế đối với đầu tư. Giá cổ phiếu có xu hướng tăng khi có nhiều cơ
hội đầu tư sinh lợi nhuận trong nền kinh tế. Điều ngược lại cũng đúng, nghĩa
là khi cơ hội đầu tư giảm hoặc bị đe dọa, hoặc được nhận xét như vậy, giá
chứng khoán có xu hướng giảm. Số liệu công bố hàng quý của Mỹ cho thấy,
sự biến động theo năm của chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones phản
ánh những thay đổi hàng năm trong tổng sản phẩm quốc gia thực tế. Nhà
kinh tế Mỹ đoạt giải Nobel, James Tobin, đã đề xuất là, các công ty nên đưa
ra quyết định đầu tư dựa vào một tỷ lệ (sau này nổi tiếng là chỉ số q của
Tobin) được định nghĩa là kết quả của việc định giá của thị trường chứng
khoán về nguồn vốn hiện tại so với chi phí thay thế của nguốn vốn này.
q = Giá trị thị trường của nguồn vốn hiện tại/Chi phí thay thế của nguồn vốn
hiện tại
Trong công thức trên của Tobin, giá trị thị trường của nguồn vốn hiện tại do
thị trường chứng khoán quyết định trong khi chi phí thay thế của nguồn vốn
hiện tại là giá của nguồn vốn nếu nó được bán đi trong ngày hôm nay.
Đầu tư nên dựa vào việc so sánh giá trị q với 1. Nếu q lớn hơn 1, thị trường
chứng khoán định giá nguồn vốn cao hơn chi phí thay thế của nó. Trong
trường hợp này, các nhà quản lý có thể tăng giá trị cổ phiếu bằng cách mua
thêm vốn, đào tạo nhân viên mới, mua thiết bị mới, mua thêm nhà máy...
bằng cách tăng cường đầu tư. Nguyên do là vì thị trường đánh giá rất cao
sinh họat do thành lập vốn đầu tư hiện hửu, so với số tiền chi phí đầu tư hiên
tại nhằm đem lại lợi nhuận tương lai. Ngược lại, nếu giá trị của q nhỏ hơn 1,
tử số nhỏ hơn giá trị của mẫu số, tức là hiện nay thị trường đánh giá vốn
hiện hửu nhỏ hơn chi phí nhằm thay thế số vốn đó. Trong trường hợp cụ thể
này, đầu tư sẽ không được khuyến khích. Bởi vì nếu nhiệm vụ chính của nhà
quản lý là tăng giá trị của công ty, nhà quản lý ấy sẽ không nhận thấy một
nhân tố kích thích nào để thay thế nguồn vốn hiện tại khi đã khấu hao hết.
Chúng ta cũng biết rằng, đầu tư là động cơ quan trọng nhất của tăng trưởng
kinh tế dài hạn. Trong khi đó, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc gia phụ thuộc
vào mức độ đầu tư và tiêu dùng.
Tại sao thị trường chứng khoán lại bất ổn?
Thực tế, về ngắn hạn, thị trường này có thể bất ổn và có vẻ hoạt động rất phi
lý. Nguyên nhân, một mặt là mỗi người mua đều cần một người bán để tiến
hành giao dịch, mỗi người bán lại cần một ngời mua để hoàn thành giao
dịch. Mặt khác, thông tin mới trên thị trường và cách thức mà con người
diễn giải chúng có thể thay đổi dự đoán của người bán và người mua.
Chúng ta cần thiết phải có hai quan điểm khác nhau về một loại chứng
khoán được mua và bán, hoặc ít nhất hai nhu cầu khác nhau, một nhu cầu
tung tiền mặt để đầu tư (mua chứng khoán) của người mua và một nhu cầu
bán chứng khoán để lấy tiền mặt của một cổ đông. Đó cũng là một lý do, tại
sao thị trường chứng khoán có thể bất ổn. Dự đoán tác động đến giá chứng
khoán nhưng dự đoán nào, sớm hay muộn cũng phải được kiểm chứng bằng
thực tế; trong khi đó, dự đoán hiện tại có thể đẩy giá chứng khoán chệch
hướng. Ngoài ra, dự đoán được hình thành và điều chỉnh theo dòng thông tin
liên tục cập nhật trên thị trường. Nếu mọi người đều tin rằng, một công ty
sắp sửa làm ăn phát đạt và nếu giả định này lan rộng trong công chúng, khó
có thể tìm thấy một người bán cổ phiếu của công ty, trừ khi người mua trả
giá rất cao. Điều ngược lại cũng không sai khi dự đoán có tác động tiêu cực.
Tuy nhiên, về dài hạn, dự đoán nhất thiết phải đáp ứng được với thực tế. Vì
vậy, trong khi thị trường chứng khoán có thể là cơ chế dự đoán trước sự kiện
kinh tế trong tương lai thì trong ngắn hạn, nó lại trở nên vô cùng biến động.
Khi một người quyết định mua cổ phiếu, người này dự đoán sẽ thu lợi nhuận
từ khoản tiền người ấy bỏ ra, dưới dạng lên giá vốn hoặc dưới dạng hưởng
nhận cổ tức (phần lợi nhuận mà công ty chia cho các cổ đông), hoặc cả hai.
Cả hai trường hợp sẽ chỉ xảy ra trong tương lai.
Người mua cổ phiếu là người mong đợi; họ không chỉ trông chờ ở nơi giá trị
hiện tại của cổ phiếu mà chủ yếu là mong đợi thu nhập tương lai từ cổ phiếu
này sinh ra. Một cổ phiếu có thể có giá trị hiện tại cao hơn nếu công ty chia
tách ra từng mảnh và được bán đi như những phần tài sản riêng biệt; nhưng
giá trị thị trường hiện tại của cổ phiếu đó có thể thấp hơn nhiều so với giá trị
của tổng tài sản, nếu những tài sản này được ngay lập tức bán cùng một lúc.
Đó là trường hợp của những công ty sản xuất ô tô Mỹ cuối những năm 1970
sau cuộc khủng hoảng năng lượng. Giá cổ phiếu của một công ty như
Chrysler đã được bán trên thị trường với giá bằng 1/3 giá trị của nó, nếu tính
theo giá trị trong trương hợp khi công ty nầy được chia nhỏ và bán đấu giá
ngay lúc ấy.
Khi thông tin thị trường được cập nhật hàng ngày hoặc thậm chí từng phút
trong ngày, dự đoán được điều chỉnh theo tính sẵn có của thông tin. Vì vậy,
nếu tất cả người tham gia trong thị trường được thông tin hoàn hảo và đều
nhạy bén trong việc dự đoán xu hướng của mỗi công ty trong tương lai thì
thị trường chứng khoán sẽ trở thành một cơ chế dự đoán hoàn hảo. Tuy
nhiên, thực tế không hoàn thiện như vậy.
Thị trường chứng khoán cho phép người mua và người bán phương tiện sản
xuất có thể thuận tiện liên lạc với nhau. Các công ty hoặc các cá nhân cần
vốn để đầu tư cho kinh doanh và những người tiết kiệm không biết làm gì
với khoản tiền của mình cần một địa điểm và một mạng lưới tổ chức tốt để
gặp gỡ vay mượn. Thị trường chứng khoán là câu trả lời cho nhu cầu này.
Tuy nhiên, để thu hút người tham gia một cách hiệu quả, chúng ta cần một tổ
chức danh tiếng và hoạt động tốt. Sự thống nhất, sự tín nhiệm của người
tham gia và lòng tin công chúng là những ưu tiên hàng đầu của bất kỳ thị
trường thành công và nổi tiếng nào.
Chúng ta cũng cần tính thanh khoản và chiều sâu của một thị trường chứng
khoán hoạt động với một công suất cao. Tính thanh khoản, nghĩa là nếu
người mua một cổ phiếu XYZ muốn mua cổ phiếu trên thị trường chứng
khoán, người bán loại cổ phiếu này luôn sẵn sàng tiến hành giao dịch này.
Sự sẵn sàng, trong thời buổi hiện đại, nghĩa là ngay giây phút mà nhu cầu
phát sinh, trong cùng ngày, chứ không phải ngày mai hay một tuần tới.
Một cổ phiếu có thể được bán và mua dễ dàng trên thị trường chứng khoán
được coi là có tính thanh khoản. Một thị trường chứng khoán mà tất cả các
giao dịch đều có tính thanh khoản được ưa chuộng hơn nhiều, so với một thị
trường chứng khoán ít giao dịch, hoặc không có giao dịch nào. Nguyên nhân
là thị trường chứng khoán là một cơ chế mà người có nguồn lực tài chính có
thể bình thản cho vay để đầu tư dài hạn mà không cần sự cam đoan hoàn trả
vốn trong tương lai nhưng vẫn có thể thay đổi ý kiến và lấy lại tiền bất kỳ
lúc nào. Thị trường chứng khoán là nơi mà những nhu cầu như thế này được
thương lượng. Những khoản vốn lớn có thể được huy động để đầu tư trong
thời gian dài với khả năng hoàn trả lại người cho vay bất kỳ thời điểm nào
họ mong muốn.
Một ưu điểm nữa của thị trường chứng khoán danh tiếng là chiều sâu của nó.
Điều này có nghĩa là nếu một người cần mua hoặc bán một khối lượng lớn
cổ phiếu XYZ, người ấy có thể thực hiện trong vài phút bằng cách gọi điện
cho nhà môi giới, đặt lệnh và nhận một báo cáo rằng lệnh đã được thực hiện,
thông báo số lượng cổ phiếu được mua, hoặc bán tại một mức giá và thời
điểm chính xác. Nếu giao dịch này được thực hiện trực tuyến, lệnh sẽ được
thực hiện trong vài giây. Thực tế, hàng triệu cổ phiếu và hàng tỷ USD có thể
được giao dịch trong mỗi phút trên thị trường New York, hoặc NASDAQ.
Tính bất ổn trên thị trường chứng khoán và hiệu ứng sòng bạc
Do thị trường chứng khoán cần tính thanh khoản và chiều sâu, những công
ty danh tiếng niêm yết cổ phiếu trên một thị trường chứng khoán danh tiếng
cần phải có những chuyên gia có nhiệm vụ đảm bảo rằng bất kỳ lệnh bán
hoặc mua nào, một vài cổ phiếu hay hàng triệu cổ phiếu đều được thực hiện
ngay lập tức. Và điều đó cũng có nghĩa rằng ngay khi giây lệnh chạm sàn
giao dịch chứng khoán, lệnh đó ngay lập tức được thực hiện và báo cáo.
Thực tế là giá chứng khoán thay đổi trong mỗi giao dịch trong ngày, với một
khối lượng lớn giao dịch là cơ hội kiếm lời của các nhà hoạt động chứng
khoán có thông tin đầy đủ. Thực tế này cũng làm nảy sinh tư tưởng cờ bạc
trong thị trường chứng khoán. Do đó cũng không quá cường điệu khi nói
rằng, những biến động ngắn hạn của thị trường chứng khoán cũng giống như
một hình thức đánh bạc.
Đầu cơ có vẻ như là bản chất bất di bất dịch của một thị trường chứng
khoán. Chừng nào đầu cơ có giới hạn, cũng giống như mức ô nhiễm thấp
trong không khí mà chúng ta hàng ngày vẫn hít thở, nó sẽ không gây hại.
Đầu cơ là một cách để chia sẻ rủi ro thị trường cho tất cả những người tham
gia: các nhà đầu tư dài hạn, những nhà kinh doanh ngắn hạn và các nhà đầu
cơ. Nhà đầu tư trong thị trường chứmg khoán, nói chung là người vạch ra kế
hoạch thu lợi từ thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư dài hạn là người mua cổ
phiếu bằng nguồn lực tài chính của mình trong một thời gian dài nhằm góp
phần tạo ra của cải cho xã hội. Các nhà môi giới là người góp phần giúp thị
trường hoạt động hiệu quả hơn, làm tăng tính thanh khoản và chiều sâu của
thị trường này. Nhà đầu cơ là người chỉ lợi dụng những điểm yếu của thị
trường và ít khi cung cấp một dịch vụ nào, trừ việc chia sẻ rủi ro mà nhờ đó
sinh ra cơ hội kiếm lời.
Một ví dụ của việc chia sẻ rủi ro trong việc quản lý Quỹ trợ cấp, là công cụ
bình ổn giá cả cho những người sản xuất nông nghiệp: công cụ này có thể
bảo vệ tài sản trong ngắn hạn trước biến động giá cả bằng cách đặt cược
mức giá cổ phiếu mà họ đang sở hữu. Ví dụ, Quỹ có thể cần 100 triệu USD
trong vòng 12 tháng tới để trả lợi tức cho những người nghỉ hưu. Nếu quỹ
thanh toán ngay số tiền này, quỹ sẽ mất đi khoản lợi nhuận trong 12 tháng,
giả định là 9%. Nếu lãi suất ngắn hạn chỉ là 3%, quỹ sẽ mất đi 6% lãi. Các
nhà đầu cơ có thể vào cuộc bằng việc đánh cuộc rằng giá trị cổ phiếu mà
quỹ này nắm giữ sẽ tăng 9% như dự đoán. Khi đó, họ sẽ đảm bảo với quỹ về
giá dự đoán của cổ phiếu trong12 tháng sắp đến. Vì vậy, các nhà đầu cơ có
thể thu lợi hoặc thua lỗ, trong khi quỹ có thể yên tâm với mức giá cổ phiếu
dự đoán trong 12 tháng tới.
Một điểm khác biệt cơ bản giữa thị trường chứng khoán và một sòng bạc, là
người chủ sòng bạc trong thưc tế là người quyết định tỷ lệ thắng. Vì thế chủ
sòng bạc sẽ luôn luôn đặt mình vào thế thắng. Điều đó lý giải vì sao sòng
bạc (casino) có khả năng xây những toà nhà lớn, thuê một đội ngũ nhân viên
khổng lồ để thu hút người chơi và còn có thể kiếm những khoản lời kếch sù:
nguyên tắc của casino luôn luôn là đặt thế thắng vào người chủ sòng bạc, vì
vậy cho phép họ có thể thắng bạc so với số đông những kẻ chơi bạc khác.
Một ví dụ cụ thể là quy luật của trò roulette trong các sòng bạc, trong đó kết
quả dựa trên 38 số: từ 1 đến 36 cộng với số 0 và số 00. Người chơi có thể đặt
cược vào một số nào đó, từ 1 đến 36 và số 0 và 00; nếu thắng, người ấy được
trả gấp 36 lần số tiền đặc cược. Nhưng casino có 38 kết quả khác nhau, vì
vậy, nếu người chơi đặt cược 1 USD vào mỗi số, người ấy sẽ mất 2 USD
mỗi lần: lý do là chỉ lấy lại được 36 USD sau khi đã chi 38 USD.
Có một cách để người chơi tăng tỷ lệ thắng bạc của mình, đó là giải pháp
''đai ghì đầu ngựa''. Nó đòi hỏi người chơi phải có trong tay một số lượng
tiền lớn, để tăng xác suất thắng bạc. Nó đòi hỏi người chơi liên tiếp đặt cược
vào một con số với một số tiền như nhau, cho đến khi người ấy đạt đến giới
hạn tối đa thanh toán, khi đó sẽ tăng tỷ lệ đặt cược vào đúng con số đó cho
đến khi thắng bạc. Tuy nhiên, casino quy định giới hạn tối đã đối với mỗi
lần đặt cược, vì vậy, trò này trở thành vô tác dụng trong sòng bạc.
Thị trường chứng khoán lại hoàn toàn khác với một sòng bạc, ít nhất ở
những nền công nghiệp hiện đại, với luật sở hữu tài sản hoàn hảo và quy tắc
kinh doanh rõ ràng, dưới sự giám sát của những cơ quan luật pháp quốc gia.
Các quy tắc cũng được thiết lập mà không ưu tiên cho bất kỳ nhóm đầu tư
nào. Bất kỳ thông tin liên quan nào cũng được công bố rộng rãi và tất cả đều
có cơ hội tiếp cận chúng. Nếu bạn biết thu thập tất cả thông tin liên quan và
biết cách phân tích chúng để ra quyết định, xác suất thắng cuộc chắc chắn sẽ
nghiêng về phía bạn.
Tuy nhiên, còn đó hai vấn đề: a) làm thế nào và lấy thông tin ở đâu (thực tế
này không phổ biến cho lắm) và b) làm gì với thông tin nhận được. Nếu biết
cách phân loại, lựa chọn và xử lý một khối lượng lớn thông tin, bạn có thể
hành động trong thị trường chứng khoán như một chủ sòng bạc như đã đề
cập ở trên. Mặt khác, nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán mà không quan
tâm đến việc thu thập thông tin hoặc không biết cách phân tích thông tin, họ
có xu hướng hành động như người chơi bạc: xác suất thắng của họ cũng
chẳng hơn những kẻ đánh bạc. Tuy nhiên, thực tế là trong khi nhiều sòng
bạc kiếm được tiền, thì một số vẫn thua lỗ, ít nhất là tạm thời, khi một số
khách hàng của họ gặp hên, hoặc do kết quả của việc quản lý yếu kém của
sòng bạc.
Chơi bạc như một người chủ sòng bạc hay trên thị trường chứng khoán đều
đi kèm với rủi ro. Tuy nhiên, tỷ lệ được, mất đều phụ thuộc vào hiểu biết của
nhà đầu tư chứng khoán, cũng như người chủ sòng bạc.
Kinh doanh chứng khoán là một nghề rủi ro
Trong lý thuyết tài chính và kinh tế, giả thuyết nổi tiếng là thị trường chứng
khoán là một quy trình ngẫu nhiên, đó là giả thuyết Bước Đi Ngẫu Nhiên
(Random Walk). Theo giả thuyết này, thị trường chứng khoán là kẻ chiết
khấu những sự kiện tương lai rất hiệu quả, vì vậy, giá chứng khoán hiện tại
luôn phản ánh lợi nhuận tương lai, do đó, không ai có thể kiếm lời với một
tỷ suất lợi nhuận liên tục quá cao trong thời gian dài. Không ai có thể phủ
nhận thực tế rằng, thị tường chứng khoán là một kẻ chiết khấu những cơ hội
của tương lai.
Thực tế, thị trường chứng khoán cung cấp những tín hiệu đầu tiên của bất kỳ
một cuộc suy thoái kinh tế nào trong lịch sử. Cuộc suy thoái hiện tại cũng
không phải là ngoại lệ. Thị trường chứng khoán bắt đầu suy sụp trước khi
một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra. Và thông thường giá cổ phiếu bắt
đầu nhích lên trước khi kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, những thông tin được
công bố rộng rãi cũng không cho phép một người bình thường dự đoán được
tương lai. Nếu bạn bán cổ phiếu trong thời kỳ suy thoái đã chính thức được
thừa nhận và mua cổ phiếu khi nền kinh tế đã đang trên đà tăng trưởng, bạn
đã bỏ lỡ nhiều cơ hội và những gì bạn nắm bắt được không sinh lời cho lắm.
Thậm chí, bạn sẽ có thể gặp phải kết cục khá tồi tệ so với một nhà đầu tư
nắm trong tay một danh mục đầu tư đa dạng trong một thời gian dài. Mặc dù
thời điểm mua cổ phiếu là một yếu tố quyết định sự thành công thì việc bán
cổ phiếu lại là một thách thức khác. Trong một chiến lược đầu tư, thời điểm
bán ra là thời điểm quyết định toàn bộ tỷ suất lợi nhuận của quyết định đầu
tư của bạn.
Một nhà đầu tư trung bình trên thị trường chứng khoán không thể nào thu
nhập được hơn tỷ suất của thị trường. Một nhà đầu tư trung bình hành động
theo thông tin có sẵn trên thị trường mà không có sự phân tích sắc sảo nào.
Một nhà đầu tư chứng khoán sắc sảo suy nghĩ và hành động hơn hẳn đám
đông và thường đối lập với quan niệm và nhận thức của quần chúng.
Trong số những nhà đầu tư chứng khoán sắc sảo lại có một số sắc sảo và vĩ
đại hơn: trong số những nhà đầu tư thành công, có một số nổi bật hơn cả. Đó
là những tên tuổi lớn trong quá khứ cũng như hiện tại. Hai tên tuổi lớn danh
tiến là: nhà kinh tế người Anh, David Ricardo, của thế kỷ 19, một trong
những người sáng lập Kinh tế học cổ điển, được biết đến như là một nhà đầu
tư chứng khoán bậc tài: ông ta thu được những khoản tiền khổng lồ khi còn
rất trẻ. Một người khác, nổi tiếng gần đây hơn là nhà kinh tế người Anh,
John Maynard Keynes, của thế kỷ 20. Ông là người sáng lập ra thuyết kinh
tế mới thay thế kinh tế cổ điển của thời đại Ricardo. Ông cũng là một nhà cố
vấn kinh tế quốc tế, có ảnh hưởng rất lớn đối với quan điểm kinh tế và đối
với nhiều viện kinh tế phương Tây được thành lập sau Đại chiến thế giới thứ
2. Ông cũng nổi tiếng là giáo sư giàu có của Đại học Cambridge và từng là
một nhà kinh doanh chứng khoán ngắn hạn kỳ tài. Ông thậm chí còn kiếm
lời cho trường đại học của mình khi đầu tư ngắn hạn vào một quỹ thừa kế
bằng cách tăng giá trị của quỹ lên 10 lần dưới sự quản lý của ông.
Nhà kinh tế người Mỹ Bernard Baruch, thế kỷ 20 cũng là một trong những
người nổi tiếng trong giới đầu tư chứng khoán. Ông cũng nổi tiếng vì đã
cứu Thủ tướng Anh, Winston Churchill, khỏi phá sản do không hiểu biết về
thị trường chứng khoán. Winston Churchill, một chính khách vĩ đại, thủ lĩnh
của nước Anh trong Đại chiến thế giới thứ 2 đã có dịp trở thành nạn nhân
của việc đầu cơ chứng khoán. May thay, ông đã kể chuyện mua bán của
mình cho người bạn Bernard Baruch; ông này rất ngưỡng mộ Churchill như
một nhà lãnh đạo chính trị nhưng không tin tưởng vào khả năng đầu tư
chứng khoán của bạn mình. Khi Churchill kể cho Baruch về việc mua quá
nhiều một loại cổ phiếu, Baruch đã bù đắp lại khoản tiền mua này ày bằng
cách bán một khối lượng tương tự loại cổ phiếu trên. Sau đó, khi thị trường
sụp đổ, ông Baruch đã lấy lại được đúng khoản tiền mà nhà chính khách
Anh đã bỏ ra để mua loại cổ phiếu mà sau đó đã trở thành vô giá trị.
Ngày nay, nhà đầu tư chứng khoán George Soros là một tỷ phú (bằng USD)
nổi tiếng vì sự sắc sảo trong đầu tư, không chỉ trên thị trường chứng khoán
mà còn trong những lĩnh vực đầu tư khác. Tỷ suất thu nhập dài hạn của quỹ
tương hỗ của ông ta lên tới gần 30% hàng năm trong nhiều thập niên liên
tiếp trở lại đây. Ông ta cũng nổi tiếng là nhà kinh doanh khôn ngoan trong
giao dịch ngoại hối và một số lĩnh vực khác. Tuy vậy, cũng có khi ông ta
thua lỗ hàng trăm triệu USD.
Warren Buffet là một nhà tỷ phú khác của Mỹ và có thể là nhà đầu tư chứng
khoán thành công nhất trong lịch sử chứng khoán hiện đại. Chèo lái con
thuyền Berkshire Hathaway, một công ty đầu tư, ông ta đã biến khoản vốn
nhỏ đi vay từ đầu những năm 1960 thành một khoản đầu tư hàng tỷ USD và
thậm chí đã tránh được hàng loạt rủi ro đầu tư. Ông cũng nổi tiếng là một
nhà đầu tư chứng khoán giàu có nhất trên thế giới. Tài sản cá nhân của ông
có thể ước đoán bằng số cổ phiếu mà ông nắm giữ tại tập đoàn Berkshire và
có thể biến động quanh con số 40 tỷ USD. Trong chiến lược kinh doanh của
mình, ông Warren Buffet tuyên bố mua cổ phiếu của những công ty mà ông
ta thích dựa vào tính toán ban đầu về giá trị của chúng và tiềm năng phát
triển dài hạn của những công ty này.
Trong lĩnh vực quỹ đầu tư tương hỗ, chúng ta cũng có thể tìm thấy những
nhà quản lý có khả năng liên tục đạt được tỷ suất thu nhập 25% đến 30%
trung bình hàng năm, trong suốt cuộc đời hoạt động 20 đến 25 năm của họ.
Trong đó có tên Peter Lynch, cựu giám đốc quản lý của Quỹ Fedelity
Magellan. Trong lúc chỉ có những nhà đầu tư xuất sắc trong giới đầu tư thị
trường chứng khoán như nói ở trên mới có thể đạt được tỷ suất này, những
nhà kinh doanh danh tiến đã có thể kiếm được những khoản tài sản hàng tỷ
USD, nhưng chỉ thủ nhập được một tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm là
15%.
Nhóm những người nổi tiếng và giàu có trên thị trường chứng khoán thường
đạt được một tỷ suất thu nhập cao vượt trội. Họ là những người từng tiên
đoán được biến động của thi trường trước quần chúng. Tháng 3/2000, trong
một buổi phỏng vấn trên truyền hình, một nhà kinh tế học đoạt giải Nobel
của Mỹ, Giáo sư Franco Modigliani, đã cảnh báo công chúng về nguy cơ sụp
đổ của thị trường chứng khoán NASDAQ. Cảnh báo của ông ta đã rất hợp
thời, vì thực tế là chỉ số NASDAQ từ mức 5.000 hồi tháng 3/2000 đã giảm
xuống đến một mức giá quá thấp xa như hiện nay. Giáo sư Modigliani
không phải là kẻ ngoài cuộc của thị trường chứng khoán. Tại thời điểm đen
tối của thị trường chứng khoán đầu những năm 1980, ông cũng đã dự đoán
hoàn toàn chính xác mức giá thị trường của Mỹ sẽ lên một cách mãnh liệt.
Tất cả những thực tế nói trên cũng đã đưa ra nhiều thắt mắt cho giả thuyết
Bước Đi Ngẫu Nhiên.
Đầu tư và khả năng tạo ra của cải của thị trường chứng khoán
Về dài hạn, đầu tư vào thị trường chứng khoán với một danh mục đầu tư đa
dạng đại diện cho nền kinh tế quốc dân chính là đầu tư vào nền kinh tế.
Trong khoảng thời gian vài thập niên, thực tế là thị trường chứng khoán của
những nền kinh tế phát triển luôn luôn đạt được một tỷ suất thu nhập hấp
dẫn. Một tỷ suất thu nhập không nhất thiết làm cho bạn trở nên giàu có trong
một đêm, nhưng nó nhất thiết cao hơn tỷ lệ lạm phát dài hạn, hoặc tỷ suất
thu nhập trái phiếu hoặc của kim loại quý.
Thực tế này đã được kiểm chứng trong lịch sử và không chỉ đúng với nền
kinh tế Mỹ trong thế kỷ 20 mà còn luôn luôn đúng trong quá khứ của những
nền công nghiệp hiện đại. Đối với thị trương Mỹ, sự kiện nầy có thể được
kiểm chứng dùng một số chỉ số đại diện cho thị trường Mỹ. Những chỉ số
nổi tiếng thi trường chứng khoán Mỹ là:
Chỉ số NASDAQ
Chỉ số thị trường chứng khoán New York, chỉ số của tất cả các loại cổ phiếu
giao dịch trên thị trường Wall Street
Chỉ số Standard and Poor 500
Chỉ số trung bình Dow Jones, chỉ số lâu đời nhất và nổi tiếng nhất.
Chỉ số Dow Jones ban đầu chỉ là trung bình cộng giá cổ phiếu của 65 tập
đoàn lớn giao dịch trên thị trường Mỹ: 30 công ty trong ngành công nghiệp,
20 công ty trong ngành vận tải và 15 công ty trong ngành dịch vụ công cộng.
Chỉ số NASDAQ, một phần lớn đánh gía hoạt động của lĩnh vực công nghệ
cao tại Mỹ là chỉ số mới nhưng ngày càng có tầm quan trọng tính về khối
lượng và giá trị trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên chỉ số chứng khoán lâu
đời và nổi tiếng nhất tại Mỹ là chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones,
đánh giá giá trị trung bình cổ phiếu của 30 công ty công nghiệp hàng đầu
của Mỹ. Chỉ số này có lịch sử lâu đời từ thế kỷ 19. Trong hai thập niên vừa
qua, tỷ suất lợi nhuận của những loại cổ phiếu hàng đầu này là trung bình
trên 18%, trong đó gồm cả lợi tức và tăng giá vốn. Nguyên nhân lý giải cho
tỷ suất cao kỷ lục này là nền kinh tế Mỹ trải qua một giai đoạn phát triển dài
từ đầu những năm 1980, với một năng suất lao động thần kỳ. Lịch sử cho
thấy, kinh tế Mỹ có xu hướng rơi vào suy thoái kinh tế với chu kỳ từ 3 đến 5
năm. Từ năm 1980 kinh tế Mỹ đã trải qua 4 cuộc suy thoái: 1980, 1981-
1982, 1990 và cuộc suy thoái hiện nay. Cuộc suy thoái năm 1990 khá nhẹ
nhàng và ngắn ngủi và theo những dữ liệu hiện nay, cuộc suy thoái lần này
cũng vậy.
Lần tăng trưởng kinh tế Mỹ trước đây kết thúc với một cuộc khủng hoảng là
một kỷ lục trong lịch sử. Thành tựu sử dụng máy vi tính, việc áp dụng công
cụ sản xuất công nghệ cao trong hàng loạt hoạt động của con người, sự xuất
hiện của nền kinh tế Internet trong những năm gần đây, tất cả đã lý giải tỷ
suất lợi nhuận tăng bất thường trên thị trường chứng khoán trong 2 thập niên
vừa qua. Điều này dường như cũng bày tỏ ra rằng, một nền kinh tế trì trệ có
thể được tiếp sức trở thành một nền kinh tế năng động tăng trưởng nhanh
bằng một phương thức quản lý kinh tế tích cực, mở cửa và hướng về thị
trường cùng với việc áp dụng hàng loạt những phương thức sản xuất công
nghệ cao.
Mức tỷ suất lợi nhuận 18% của thị trường chứng khoán Mỹ trong hai thập
kỷ vừa qua cao gấp hai lần tỷ suất tiêu chuẩn trong lịch sử. Tỷ suất lợi nhuận
trung bình từ cuối thế kỷ 19 là chỉ độ 9%, nhưng vẫn cao hơn tỷ lệ lạm phát,
lúc đó là khoảng 3%/năm trung bình và tỷ suất trái phiếu.
Thành tích của thị trường chứng khoán Mỹ từ thời kỳ Đại khủng hoản
kinh tế đến nay
Sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929, tiếp đó là Đại khủng
hoảng năm 1930, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones, đã giãm từ mức
400 điểm trước suy thoái, và đã mất đi 90% giá trị của nó. Mãi đến năm
1953 mới phục hồi được mức giá cũa trước cuộc Đại khủng hoảng. Từ năm
1966 đến 1982, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones, gồm có 30 tập
đoàn lớn và co uy tín nhất của Mỹ dao động ở mức 1036.27 (đạt được trong
lần tăng trưởng kinh tế của năm 1972) và 577.60 ( mức đáy của cuộc suy
thoái của năm 1974-1975). Cũng trong giai đoạn này, nền kinh tế thế giới
cũng sa vào thời kỳ trì trệ vì lạm phát và năng suất thấp. Từ mức thấp nhất
của thời kỳ khủng hoảng kinh tê năm 1981-1982, chỉ số Dow Jones bắt đầu
nhích lên và tăng vọt lên đến mức 10.000 điểm, tại thời điểm của bài viết
này.
Một trong những cách ước lượng tổng tỷ suất lợi nhuận dài hạn của chứng
khoán Mỹ (bao gồm lợi tức và tăng giá vốn) là nghiên cứu hoạt động của chỉ
số Dow Jones 30. Bằng cách tính toán đơn giản, chúng ta có thể ước tính tỷ
suất lợi nhuận của thị trường chứng khoán tại từng thời điểm. Kết quả rất
khác nhau phụ thuộc vào thời gian, ngắn hay dài, nắm giữ cổ phiếu và sự
tăng trưởng của nền kinh tế. Giai đoạn từ đầu năm 1967 đến cuối 2001 (35
năm) vượt qua một thời kỳ trì trệ khá lâu 1966-1982 (kinh tế suy thoái và
lạm phát tăng vọt). Mặc dù trong thời kỳ 15 năm này, kinh tế hoạt động kém
hiệu quả, danh mục chỉ số Dow Jones 30 vẫn đạt được một tỷ suất lợi nhuận
cao là 11%/ năm (bao gồm lợi tức và tăng giá vốn). Cổ tức trả hàng năm của
các cổ phiếu Dow Jones 30 tăng dần theo từng năm, vì vậy, nếu so sánh với
số vốn đầu tư ban đầu, riêng cổ tức đã đạt được mức 14%. Vì vậy, bạn càng
giữ được những cổ phiếu hàng đầu trong thời gian dài, bạn càng có nhiều cơ
hội gặt hái nhiều lợi tức, và khoản này cao hơn nhiều so với thu nhập cố
định từ các phương thức đầu tư khác như trái phiếu hay chứng khoán ký gửi.
Hình thức chứng khoán ký gửi có thể đảm bảo về danh nghĩa khoản vốn đầu
tư của bạn nhưng không đảm bảo sức mua thực tế: nếu tính toán cả mức lạm
phát, sức mua của khoản vốn ban đầu sẽ phải trừ đi tỷ lệ lạm phát.
Một thực tế được kiểm nghiệm trong nền kinh tế Mỹ và ở bất kỳ nền công
nghiệp phát triển nào là một danh mục đa dạng cổ phiếu mang lại biện pháp
bảo vệ hữu hiệu hơn, chống lại sự mất giá của đồng tiền, với tỷ suất lợi tức
cao hơn so với thu nhập cố định từ trái phiếu và những hình thức thu nhập
cố định khác. Một lý do của sự ưu việt này là thu nhập từ cổ phiếu và thu
nhập cố định rất khác nhau, và hơn nửa bản chất con người không thích sự
bất ổn khi xét về lợi ích thu được. Điều này đã lý giải phần thưởng mà thị
trường dành cho các cổ đông vì họ là những người chấp nhận tính bất ổn
của thu nhập cổ phiếu. Cổ tức chỉ được thanh toán cho cổ đông khi doanh
nghiệp có lãi, trong khi tiền lãi của trái phiếu phải được trả bất chấp doanh
nghiệp đó có sinh lợi hay không. Nếu không trả được lãi của trái phiếu của
mình, doanh nghiệp đó coi như đã đứng trên bờ vực phá sản. Thậm chí,
chậm trả lãi cũng đủ khiến cho một doanh nghiệp bị phá sản, bởi vì trong tài
chánh, thời gian là tiền bạc và thời gian đã được thoả thuận để thưc hiện hứa
hẹn trả tiền là một sự kiện cực kỳ quan trọng. Một hứa hẹn tài chánh không
được tôn trọng, hoặc thưc hiện chậm trể là một bước đến bờ lề của cuộc phá
sản trong những hệ thống kinh doanh có uy tín. Một lý do nữa dẫn đến tỷ
suất cao hơn hẳn của cổ phiếu là vì chúng đại diện cho sự sở hữu của thành
phần năng động nhất của nền kinh tế. Đó là các doanh nghiệp tư nhân, đó là
những người chấp nhận những rủi ro khi tạo ra của cải cho xã hội, vậy còn ai
có thể có sự khích lệ nắm giữ và bảo vệ phần của cải tốt đẹp hơn là bản thân
những người đã tạo ra của cải như họ? Ngoại lệ có thể xảy ra là vai trò của
Chính phủ trong việc thu thuế. Thậm chí quyền đánh thuế của Chính phủ
cũng bị hạn chế bởi khả năng di chuyển của các doanh nghiệp giữa những
khu vực có ưu đãi thuế hơn, đặc biệt trong thế giới đầy cạnh tranh và mở cửa
như hiện nay.
Trong bất kỳ giai đoạn 10 đến 20 năm nào trong lịch sử, một danh mục đầu
tư đa dạng trong thị trường chứng khoán luôn luôn hiệu quả hơn những hình
thức đâù tư khác, tính về tổng thu nhập thực tế. Trong lịch sử gần đây của
kinh tế Bắc Mỹ, cổ phiếu từ thời kỳ cuối những năm 1960 đã đạt được một
tỷ suất lợi nhuận trung bình là 11% /năm. Trong bất kỳ giai đoạn 10 năm
nào, chỉ số Dow Jones 30 từ năm 1967 đến 2000, tỷ suất lợi nhuận luôn
luôn cao hơn 11%. Nổi bật nhất là thời kỳ 20 năm vừa qua, tính từ cuộc suy
thoái kinh tế 1981-1982. Điều này là do tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc
của Mỹ trong giai đoạn này. Ví dụ, một danh mục đầu tư của Chỉ số chứng
khoán Dow Jones 30 trị giá 786 USD đầu năm 1967. Lợi tức phát cho cổ
đông trong năm đầu tiên của danh mục là 30,19 USD. Sau đó, lợi tức hàng
năm tiếp tục tăng cho đến khi đạt 110 USD/năm kể đến vào ngày 31/1/2000.
Nói cách khác, chỉ tính tỷ suất lợi tức không mà thôi, đã đạt được gần 14%
dựa trên nguồn vốn đầu tư ban đầu năm 1967 (cổ tức 110 so với vốn đầu tư
786). Và chỉ số Dow Jones 30 được định giá 10.024 vào đầu năm 2002, gấp
12 lần giá trị giá trị của nó ở đầu năm 1967. Tuy nhiên, chỉ số tổng hợp Dow
Jones đã biến động quan hệ với bối cảnh kinh tế thay đổi của Mỹ. Tuy
nhiên, chúng ta có thể điều chỉnh để phản ánh trung thực hơn danh mục đầu
tư trên. Đặc biệt trong những năm gần đây, những công cụ tài chính mới và
thuận tiện đã được thành lập và giới thiệu trong giới đầu tư nhằm phản ánh
hoạt động của một số chỉ số thị trường, trong đó có chỉ số Dow Jones 30.
Trong vòng 10 năm qua, tính đến 31/1/ 2002, theo báo cáo chính thức của
Công ty Dow Jones, chỉ số công nghiệp Dow Jones đạt trung bình tỷ suất
lợi nhuận là 16,12%/năm.
Hiệu quả của việc tạo ra của cải của thị trường chứng khoán được Ban quản
lý của Quỹ thừa kế của Giải thưởng tài năng Nobel hiểu rõ hơn ai hết. Trong
những năm đầu, việc quản lý vốn đòi hỏi an toàn và do đó, Quỹ chỉ đầu tư
vào trái phiếu và những thu nhập cố định có đảm bảo. Kết quả là giải thưởng
Nobel được trao trong những năm đầu phải mất nhiều thời gian để đối phó
với vấn đề lạm phát. Sự đổi hướng trong chính sách đầu tư cho phép quỹ này
có thể đầu tư vào cổ phiếu. Kết quả là quỹ này đã có thể tăng giải thưởng
hàng năm từ mức 40.000 USD trong những năm 1960 lên tới hàng triệu
USD như ngày nay.
Chính sách đầu tư ở những thể chế danh tiếng trong lĩnh vực công cộng cũng
như trong khu vực tư nhân ở Bắc Mỹ đã khéo dùng những công cụ đầu tư đa
dạng, trong đó có tham gia vao việc duy trì tỷ số lớn các cổ phiếu cúa thị
trường chứng khoán Mỹ. Kết quả của chính sách này đã đem lại một khả
năng thích hợp hơn về tìm năng trợ cấp và lợi tức khác của các thể chế ấy
cho nhân công của họ.
Chỉ số và tín hiệu của thị trường chứng khoán
VASC, 03/08/2002, 14h15
Bản chất của thị trường chứng khoán là một sinh hoạt rất cầu kỳ, đặc biệt
trong những nền công nghiệp hiện đại, cho phép giao dịch một khối lượng
lớn cổ phiếu do hàng loạt các công ty hoạt động trong tất cả các lĩnh vực của
nền kinh tế phát hành: mỗi ngày diễn ra hàng loạt giao dịch trên sàn chứng
khoán, với một giá trị hàng tỷ USD Mỹ vượt qua biên giới mọi quốc gia.
Thách thức của thị trường chứng khoán đối với nhu cầu quan sát của nhà
đầu tư là xây dựng một số công cụ thống kê có thể phản ánh, một cách trung
thực, kết quả thực tế của sinh họat đầu tư và cùng một lúc cho phép tiến
hành so sánh kết quả ấy theo thời gian. Nhằm hiểu rõ hoạt động của thị
trường này và đặc biệt là xu hướng vận động của chúng, chúng ta cần có một
hệ thống công cụ thống kê. Những chỉ số hiện hửu đã đươc sử dụng nhằm
đánh giá hoạt động của thị trường chứng khoán cũng có thể giúp chúng ta
tìm ra vị trí của nó so với quá khứ. Những tín hiệu của thị trường chứng
khoán dựa trên các công cụ hệ thống kê cũng có thể giúp chúng ta có đầu
mối để tìm ra hướng đi trong tương lai. Những tín hiệu chứng khoán ấy phải
thực sự có ích với sự trợ giúp của một số phương pháp đánh giá chính xác
theo thời gian. Nếu một chỉ số hoặc một tập hợp chỉ số được xem là tín hiệu
có ích, chúng phải hỗ trợ dự đoán xu hướng biến động của giá chứng khoán.