BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Nguyễn Thị Tuyết Hoa
Chuyên ngành : Lý luận và phương pháp dạy học môn Hóa học
Mã số : 60 14 10
LUẬN VĂN THẠC SĨ GIÁO DỤC HỌC
Người hướng dẫn khoa học:
PGS.TS. ĐẶNG THỊ OANH
Thành phố Hồ Chí Minh - 2010
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin gởi lời cảm ơn trân trọng nhất đến Ban Giám hiệu trường ĐHSP TP. HCM, Phòng
Sau đại học đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để khóa học được hoàn thành tốt đẹp.
Cùng với tất cả học viên lớp Cao học Lý luận và phương pháp dạy học Hóa học khóa 18,
chân thành cảm ơn quý thầy cô giảng viên đã tận tình giảng dạy, mở rộng và làm sâu sắc kiến thức
chuyên môn đến cho chúng tôi.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Cô giáo hướng dẫn – PGS.TS. Đặng Thị Oanh người đã tận
tình giúp đỡ, hướng dẫn tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài.
Đồng thời xin gởi lời cám ơn chân thành nhất đến thầy PGS.TS. Trịnh Văn Biều, Trưởng khoa Hóa
học trường ĐHSP TP. HCM. đã quan tâm động viên, giúp đỡ tôi vượt qua những khó khăn trong quá trình
học tập.
Tác giả cũng xin gởi lời cảm ơn đến Ban Giám hiệu - Quý thầy cô trường THPT Đức Hòa,
Hậu Nghĩa, cũng như quý thầy cô của nhiều trường PTTH thuộc địa bàn tỉnh Long An đã có nhiều
giúp đỡ trong quá trình thực nghiệm sư phạm đề tài.
Cuối cùng, xin cảm ơn gia đình, bạn bè thân thuộc đã luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc,
tạo điều kiện cho tác giả thực hiện tốt luận văn này.
Nguyễn Thị Tuyết Hoa
Thành phố Hồ Chí Minh - 2010
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
BGDĐT : Bộ giáo dục đào tạo
CĐ : Cao đẳng
CNH : Công nghiệp hóa
CNTT : Công nghệ thông tin
CNTT&TT : Công nghệ thông tin và truyền thông
CSS : Cascading Style Sheets – Bảng kiểu xếp chồng
(*
CT : Chỉ thị
ĐHSP : Đại học Sư phạm
ĐT : Đào tạo
GV : Giáo viên
GD : Giáo dục
HĐH : Hiện đại hóa
HĐ : Hoạch định
HHHC : Hóa học hữu cơ
HS : Học sinh
HSG : Học sinh giỏi
HTML : Hypertext Markup Language – Ngôn ngữ liên kết siêu văn bản
ICT : Information and communication technology – Công nghệ thông tin và truyền
thông
PPDH : Phương pháp dạy học
SGK : Sách giáo khoa
SBT : Sách bài tập
THCS : Trung học cơ sở
THPT : Trung học phổ thông
TNKQ : Trắc nghiệm khách quan
TNPT : Tốt nghiệp phổ thông
TSĐH : Tuyển sinh đại học
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
* Thế kỷ XXI – thế kỉ của thời đại Công nghệ thông tin (CNTT), toàn cầu hóa, kinh tế tri
thức – thì vấn đề Giáo dục, văn hóa, con người đặt lên hàng đầu. Vì vậy quan niệm mới về chất
lượng Giáo dục ở thế kỷ XXI trong phiên họp lần thứ 166 của UNESCO (Paris) ngày 7/4/2003 nêu
rõ nội dung giáo dục là “ Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống với nhau, học để tự
khẳng định mình”
* Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ IX, tháng 4 năm 2001 về
“Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã ghi rõ:
- Phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp
CNH, HĐH , là điều kiện phát huy nguồn năng lực cuả con người, là yếu tố để phát triển xã hội,
tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
- Phát huy tư duy khoa học và sáng tạo, năng lực tự nghiên cứu của HS và SV, đề cao năng
lực tự học, tự hoàn thiện học vấn và tay nghề.
* Ngày 30/9/2008 Bộ trưởng Bộ GD– ĐT đã ban hành chỉ thị số 55/2008/CT – BGDĐT về “
Tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Giáo dục giai đoạn
2008 – 2012”. Trong đó cần chú trọng đẩy mạnh một cách hợp lý việc triển khai ứng dụng CNTT
trong đổi mới phương pháp dạy và học ở từng cấp học, triển khai mạnh mẽ công nghệ học điện tử
(e- Learning) để mở rộng khả năng lựa chọn cơ hội học tập cho người học.
* Hiện nay đa số các trường THPT hầu hết được trang bị phòng máy, phòng đa năng, nối
mạng Internet, và tin học được giảng dạy chính thức. Ngoài ra một số trường còn được trang bị
thêm những thiết bị hiện đại…Tất cả tạo nên cơ sở hạ tầng CNTT giúp cho GV sử dụng vào quá
trình dạy học của mình. Giờ đây, với việc phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền
thông (CNTT &TT) toàn thể GV một lần nữa lao vào cuộc thử sức tạo website, hoặc blog….để
phục vụ cho công tác giảng dạy của mình. Bởi lẽ, mạng Internet thực hiện một phạm vi rộng lớn các
giải pháp nhằm nâng cao tri thức và hiệu năng của con người, không chỉ là quá trình dạy đơn thuần
của GV, mà HS với sự trợ giúp của máy tính có thể tự tiếp thu và xử lý thông tin nhằm nâng cao
hiệu quả của sự tự học.
* Sự phát triển của CNTT&TT ảnh hưởng không nhỏ đối với tầng lớp trí thức, họ phải học
tập suốt đời nếu họ muốn tiếp tục có việc làm. Nhà tương lai học Alvin Toffler đã nhận định rất độc
đáo rằng “ Trong thế kỷ XXI, sự thất học sẽ không đến với những người không biết đọc, biết viết,
mà là với những ai không biết học, biết quên và biết học lại ”. Vì vậy, sự tự học, tự bồi dưỡng
chuyên môn mỗi người là rất cần thiết để bù đắp những lỗ hỏng kiến thức, thích ứng nhanh chóng
với yêu cầu cuộc sống đang phát triển. Tự học còn là một trong những phẩm chất quan trọng nhất
mà nhà trường hiện đại cần trang bị cho HS. Vì nó có ích không chỉ khi các em còn ngồi trên ghế
nhà trường mà cả khi đã bước vào cuộc sống.
* Ngày nay, nhờ có mạng Internet, kho tàng tri thức của nhân loại đã được lưu trữ, xử lý và
trao đổi dễ dàng trên phạm vi toàn cầu. Trước đây đối với những em HS khá, giỏi gặp khó khăn lớn
nhất trong quá trình tự học của mình là thiếu thông tin, thiếu tài liệu, nhưng giờ đây các em lại phải
khổ sở vì quá tải thông tin, dư thừa tài liệu. HS một lần nữa phải lúng túng trong việc chọn tài liệu,
chọn phương pháp tự học như thế nào để đạt được hiệu quả cao trong học tập.
Trên đây là những lý do để tôi chọn đề tài :
XÂY DỰNG WEBSITE NHẰM TĂNG CƯỜNG NĂNG
LỰC TỰ HỌC CHO HỌC SINH GIỎI HÓA HỌC LỚP 11 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG.
2/ Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu việc xây dựng website nhằm bồi dưỡng năng lực tự học cho HSG hóa học
THPT.
3/ Nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về đổi mới phương pháp dạy học tự học và tăng
cường năng lực tự học cho HS.
3.2. Tìm hiểu thực trạng ứng dụng CNTT của GV và HS trong việc dạy và học môn Hoá học.
3.4. Xây dựng website chương 8-“ Dẫn xuất halogen – Ancol – Phenol” ; Chương 9-“
Anđehit – Xeton – Axit cacboxylic “
3.5. Nghiên cứu việc sử dụng website nhằm tăng cường năng lực tự học đối với HSG hóa
học lớp 11
3.6. Thực nghiệm sư phạm để đánh giá tính khả thi và hiệu quả việc sử dụng website cho
HSGH hoá học lớp 11 ở trường THPT.
4/ Khách thể và đối tượng nghiên cứu
- Khách thể nghiên cứu: Quá trình tự học hóa học ở trường không chuyên THPT Việt Nam.
- Đối tượng nghiên cứu: Việc xây dựng website nhằm bồi dưỡng năng lực tự học hóa học
cho HSG hoá học.
5/ Phạm vi nghiên cứu
Quá trình dạy học hóa học lớp 11 nâng cao
“ Chương 8: Dẫn xuất halogen – Ancol – Phenol.
Chương 9: Anđehit – Xeton – Axit cacboxylic”.
6/ Giả thuyết khoa học
Nếu xây dựng được trang web với nội dung tự học phong phú, sinh động sẽ phát huy được
tính tích cực, chủ động, sáng tạo cho HS phổ thông đặc biệt HSG, HS chuyên hóa, đồng thời bồi
dưỡng cho các em năng lực tự học, tự đọc, tự kiểm tra, tự nghiên cứu - một công cụ có tính chiến
lược giúp HS tự học, tự hoàn thiện suốt đời.
7/ Phương pháp nghiên cứu và phương tiện nghiên cứu
7.1. Phương pháp nghiên cứu lí luận
Nghiên cứu cơ sở lý luận về xu hướng đổi mới phương pháp dạy học Hóa học, việc tự học.
Nghiên cứu chương trình hóa học hữu cơ 11.
Nghiên cứu tài liệu hướng dẫn xây dựng Web: phần mềm Mã nguồn mở,
Phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa các tài liệu có liên quan đến đề tài như các bài giảng, hệ
thống câu hỏi, bài tập trong sách giáo khoa, đề thi tuyển sinh đại học,
7.2. Phương pháp nghiên cứu thực tiễn
Điều tra thực trạng công tác dạy học Hóa học ở trường THPT hiện nay, thực trạng sử dụng
các phương tiện, thiết bị dạy học, đặc biệt là việc sử dụng ICT trong dạy học Hóa học ở Việt
Nam.
Trao đổi, rút kinh nghiệm với các giáo viên và các chuyên gia.
+ Quan sát, trò chuyện với HS nhằm đánh giá thực trạng truy cập mạng của HS hiện nay.
+ Trao đổi kinh nghiệm với các nhà giáo dục, các GV về kinh nghiệm học tập,....
+ Điều tra thăm dò trước và sau thực nghiệm sư phạm.
+ Nghiên cứu kế hoạch học tập của HSG hoá học của các lớp chuyên, chọn.
+ Tham khảo các ý kiến đóng góp của Thầy Cô giáo lâu năm, trong đó có chuyên gia tin học
để hoàn thiện kết quả nghiên cứu.
Thực nghiệm sư phạm
Đánh giá tính khả thi và hiệu quả của trang web, thông qua việc đưa vào sử dụng.
Triển khai việc sử dụng trang web cho HS khối 11.
7.3. Phương pháp toán học thống kê
– Xử lý số liệu thực nghiệm sư phạm thu được bằng phần mềm SPSS rút ra kết luận.
– Phương tiện nghiên cứu: máy vi tính, tranh ảnh, các phần mềm hóa học hỗ trợ.
Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
1.1 Tổng quan vấn đề nghiên cứu
- Sự bùng nổ CNTT tạo làn sóng mới, làm thay đổi cách dạy và học của GV và HS. Trên
mạng Internet đã xuất hiện rất nhiều website viết về học tập như hocmai.vn, onthi.com,
onbai.com...Cũng có không ít các website về Hoá Học nhưng HS phổ thông sẽ chưa thực sự thuận
lợi khi tìm kiếm kiến thức bộ môn bởi lẽ đa số các trang web trên đều sử dụng ngôn ngữ nước
ngoài.
- Hiện nay đã có khá nhiều đề tài về thiết kế trang web từ luận văn tốt nghiệp của sinh viên
đến luận văn thạc sỹ của học viên cao học như :
1/ Phạm Dương Hoàng Anh (2006), Phối hợp phần mềm Macromedia Dreamweaver MX
và Macromedia Flash MX 2004 thiết kế website hỗ trợ cho việc học tập và củng cố kiến thức môn
hóa học phần Hidrocacbon không no mạch hở dành cho học sinh THPT, luận văn tốt nghiệp chuyên
ngành hoá học, trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh.
2/ Ngô Thị Phương Bích (2008), Thiết kế website hỗ trợ việc dạy và tự học chương nhóm
oxy lớp 10 THPT, luận văn tốt nghiệp chuyên ngành hoá học, trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh.
3/ Nguyễn Thị Thanh Hà (2006), Ứng dụng phần mềm Macromedia Flash và Macromedia
Dreamweaver để thiết kế website về lịch sử hóa học 10 góp phần nâng cao chất lượng dạy học, luận
văn tốt nghiệp chuyên ngành hoá học, trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh.
4/ Lê Thị Thu Hà (2009), Thiết kế website hỗ trợ việc dạy và học môn Hóa học ở trường
THPT, luận văn thạc sỹ PPGDHH, trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh.
5/ Lê Thị Xuân Hương (2007), Thiết kế website hỗ trợ việc dạy và tự học chương halogen
lớp 10 THPT, luận văn tốt nghiệp chuyên ngành hoá học, trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh.
6/ Nguyễn Thị Liễu (2008), Thiết kế website hỗ trợ việc dạy và tự học phần hóa hữu cơ lớp
11 nâng cao, luận văn thạc sỹ PPGDHH, trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh.
7/ Nguyễn Thị Thùy Linh (2008), Xây dựng e-learning chương liên kết hóa học và cấu tạo
phân tử học phần hóa đại cương trường Cao đẳng Giao thông Vận tải 3, luận văn thạc sỹ
PPGDHH, trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh.
8/ Thái Hoài Minh (2008), Thiết kế website hỗ trợ việc kiểm tra đánh giá môn hóa học lớp
10 THPT ( chương trình nâng cao), luận văn thạc sỹ PPGDHH, trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh.
9/ Hỉ A Mổi (2005), Thiết kế trang web tự học chương trình Hóa học trung học phổ thông,
luận văn tốt nghiệp chuyên ngành hoá học, trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh.
10/ Nguyễn Ngọc Anh Thư (2006), Phối hợp phần mềm Macromedia Dreamweaver MX và
Macromedia Flash MX 2004 để tạo trang web hỗ trợ cho học sinh trong việc tự học môn hóa học
lớp 11 – Nhóm nitơ chương trình phân ban thí điểm, luận văn tốt nghiệp chuyên ngành hoá học,
trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh.
– Tất cả các luận văn trên đều hướng đến mục tiêu chung là góp phần nâng cao chất lượng dạy
học, làm phong phú nội dung các bài giảng lý thuyết, làm sáng tỏ những khái niệm trừu tượng, khó
trong SGK, minh họa tốt các phản ứng bằng thí nghiệm giúp HS củng cố, khắc sâu kiến thức. Tuy
nhiên, hầu hết các website hiện nay đều chỉ ngừng lại ở mức độ cung cấp tài liệu lý thuyết, thiếu
hẳn phần bài tập tự rèn luyện, thiếu hẳn thông tin ngược từ những HS có nhu cầu tự học, tự kiểm
tra đánh giá sức học của chính bản thân HS.
1.2. Định hướng đổi mới phương pháp dạy học
Hiện nay ngành giáo dục của chúng ta đang triển khai vấn đề đổi mới phương pháp dạy học.
Từ các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cấp của ngành giáo dục đến các chuyên gia
nghiên cứu giáo dục, các thầy cô giáo đều khẳng định vai trò quan trọng của việc đổi mới PPDH
trong việc nâng cao chất lượng nhà trường. Sự cố gắng của chúng ta là rất lớn, hoạt động đổi mới
rất phong phú và đa dạng. Nhưng đổi mới là gì?
Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Theo Giáo sư tiến sĩ khoa học Thái Duy Tuyên [46] “Đã đến
lúc cần hệ thống hóa và phát triển những vấn đề, những hoạt động đổi mới đã triển khai trong
nghiên cứu lí luận và trong hoạt động thực tiễn trong thời gian qua để nêu lên một bức tranh tổng
quát về nội dung và nhiệm vụ đổi mới phương pháp dạy học, nhằm làm cho việc nhận thức và điều
khển quá trình đổi mới diễn ra một cách khoa học và hiệu quả”.
Để làm được điều này cần dựa vào các tài liệu khoa học, báo chí, các kết quả điều tra khảo
sát thực tiễn. Thừa kế các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, có thể mô tả việc đổi mới
phương pháp dạy học diễn ra trên những mặt sau đây :
1.2.1. Đổi mới về phương hướng
Diễn ra theo ba hướng lớn
a) Tiếp cận theo quan điểm tâm lí giáo dục
Bản chất của quan điểm này là tìm mọi cách phát huy năng lực nội sinh của người học, tìm
mọi cách phát triển sức mạnh trí tuệ, tâm hồn, ý chí của họ. Theo tiếp cận này đổi mới PPDH cần
chú ý các hoạt động cụ thể sau nay:
_ Kích thích hứng thú, phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo.
_ Tổ chức cho học sinh làm việc độc lập, cá nhân hóa quá trình học tập.
_ Hình thành ở các em động cơ học tập lành mạnh, phát huy tính tích cực, tự lực, tự cường, phát huy
ý chí học tập.
b) Tiếp cận theo quan điểm điều khiển học
Quan điểm này chủ trương giải phóng người học, tạo điều kiện cho người học được tự do
phát triển nhu cầu học tập, phát huy năng lực các nhân, điều khiển mối quan hệ thầy trò bằng nhiều
hình thức khác nhau, lấy hạnh phúc và sự phát triển của người học làm nền tảng, trên cơ sở đó góp
phần phát triển cộng đồng và xã hội làm mục đích hoạt động của thầy cô giáo. Dạy học lấy HS làm
trung tâm là tư tưởng rất nhân văn, rất dân chủ mà nhân loại đang hướng tới. Tuy nhiên, nếu cho
rằng dạy học lấy HS làm trung tâm là toàn bộ nội dung của hoạt động đổi mới PPDH thì đó là một
quan điểm phiến diện và sai lầm, nó chỉ là một tư tưởng, một phương hướng đổi mới PPDH, cần
phối hợp với các tư tưởng và phương hướng khác. Điều quan trọng là trọng tâm chú ý của ngươì
thầy cần hướng đến việc điều khiển hoạt động trí tuệ, nhu cầu, động cơ, ý chí của HS trong điều
kiện hiện tại. Đặt vấn đề như vậy, hoạt động của người dạy sẽ trở nên có phương hướng, phong
phú, hiệu quả.
c) Tiếp cận theo quan điểm công nghệ
Quan điểm này chủ trương đưa công nghệ mới vào nhà trường, nghĩa là cung cấp cho người
thầy những công cụ lao động mới. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất
lượng GD và đưa nhà trường vào một giai đoạn phát triển mới. Trong tương lai, khi công nghệ hiện
đại được sử dụng rộng rãi vào việc GD con người thì cấu trúc của quá trình dạy học sẽ có nhiều thay
đổi và năng suất lao động của người thầy sẽ tăng lên rõ rệt. Khi nói đến đổi mới PPDH phải nhìn
nhận vấn đề một cách rộng rãi và linh hoạt theo ba hướng.
Hiện nay, dù các hoạt hoạt động đổi mới PPDH trên thế giới diễn biến phức tạp và đa dạng
đến đâu cũng không đi lệch ba phương hướng ấy.
- Phát triển năng lực nội sinh của người học.
- Đổi mới quan hệ thầy trò.
- Đưa công nghệ hiện đại vào nhà trường.
1.2.2. Đổi mới về tính chất hoạt động nhận thức của học sinh
Vấn đề then chốt của việc đổi mới PPDH là điều chỉnh mối quan hệ giữa tái hiện và sáng tạo.
Không còn rèn luyện trí nhớ và khả năng tái hiện nữa mà phải hướng đến việc tăng cường các
phương pháp sáng tạo nhằm đổi mới tính chất hoạt động nhận thức của HS trong quá trình dạy học.
Cần đặt ra cho các em những nhiệm vụ, tìm tòi những mâu thuẫn, những hiện tượng, những vấn đề,
những mối liên hệ mới cần phát hiện. Từ đó tăng cường hoạt động phân tích, tổng hợp, so sánh, trừu
tượng hóa, khái quát hóa cho học sinh trong quá trình dạy học.
1.2.3. Tăng cường hoạt động tự học của học sinh
Trong quá trình học nếu học sinh rơi vào thế bị động, ghi nhớ mà không độc lập suy nghĩ,
sáng tạo thì trong tư duy cũng như trong hành động sẽ trở thành xơ cứng. Và khi vào đời, đứng
trước những vấn đề mới, các em sẽ hết sức bỡ ngỡ, bị động, lúng túng và không đủ bản lĩnh để giải
quyết những vấn đề phức tạp trong cuộc sống. Vì vậy cần đặc biệt coi trọng hoạt động tự học có
tính sáng tạo và cần phối hợp hoạt động tự học sáng tạo và hoạt động tự học tái hiện một cách hợp
lí.
1.2.4. Tăng cường thí nghiệm, thực hành, tăng cường rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến
thức để giải quyết vấn đề đời sống
Mục đích học tập do UNESCO đề xướng là “Học để biết, học để làm, học để chung sống,
học để tự khẳng định mình.”
Việc vững lí thuyết chỉ là để biết, để nhận thức bản chất sự vật, hiện tượng. Điều mà chúng ta
cần là cải tạo thực tiễn. Vì “Mọi lí thuyết chỉ là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Kết
hợp học với hành là truyền thống lâu đời của nhân dân ta và cũng là một trong những kinh nghiệm
quan trọng nhất của loài người trong công tác giáo dục.
Tuy nhiện hiện nay nhà trường lại tập trung toàn lực vào việc dạy lí thuyết để phục vụ thi cử.
Lấy thi cử làm mục đích cho sự học vì nó có liên quan trực tiếp đến công ăn việc làm và nghề
nghiệp tương lai của thanh niên. Công tác thí nghiệm, thực hành chẳng những không được coi trọng
mà có trường hợp còn bị tự tiện cắt bỏ ngay cả những phần đã được quy định trong chương trình để
tập trung giờ cho việc luyện thi làm ảnh hưởng đến chất lượng nhà trường. Vì vậy tăng cường thí
nghiệm thực hành là một phương hướng quan trọng cần lưu ý khi đổi mới PPDH.
1.2.5. Tăng cường sử dụng các phương tiện kĩ thuật mới đặc biệt là công nghệ thông tin
Để nhận thức được các sự vật hiện tượng một cách chính xác, sâu sắc và có độ nhớ lâu bền
thì trong quá trình dạy học cần huy động càng nhiều cơ quan cảm giác của HS vào quá trình nhận
thức càng tốt.
Nhưng trong thực tiễn điều này đã không được vận dụng vì nhiều lí do: thiếu cơ sở vật chất,
chất lượng thiết bị kém không sử dụng được, quản lí không chặt chẽ, … Nếu biết sử dụng có hiệu
quả các phương tiện kĩ thuật mới thì sẽ ảnh hưởng tốt đến trình độ nhận thức của học sinh. Vì vậy
việc sử dụng các phương tiện kĩ thuật trong và ngoài nhà trường đang cần được đẩy mạnh. Một
trong những phương tiện kĩ thuật mới có tác động mạnh mẽ làm thay đổi quá trình dạy và học là
CNTT.
- CNTT như là công cụ, phương tiện để người GV thực hiện việc đổi mới PPDH theo hướng
dạy học tích cực. Với sự trợ giúp của CNTT, sẽ phát huy được tổng hợp các yếu tố có lợi trong quá
trình dạy học, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của
thời đại mới – thời đại thông tin, thời đại của nền kinh tế tri thức.
- CNTT tạo môi trường để HS khám phá kiến thức nhằm hỗ trợ cho quá trình học tập. Là
nguồn thông tin đa dạng, phong phú, sinh động, lượng thông tin truyền đạt cao trong thời gian ngắn,
cách truyền đạt thông tin sinh động tạo điều kiện cho người học tiếp thu kiến thức được truyền đạt,
gây hứng thú trong học tập.
- Ứng dụng CNTT không hề thủ tiêu vai trò của người GV mà trái lại còn phát huy hiệu quả
hoạt động của GV trong quá trình dạy học, là công cụ đắc lực hỗ trợ cho GV tổ chức, điều khiển
quá trình nhận thức, dẫn dắt HS tiếp cận, tự tìm kiếm tri thức, tự sáng tạo, khai thác kho tài nguyên
tri thức của nhân loại. GV khi đó tiết kiệm được thời gian “chết” (thời gian vẽ sơ đồ, hình vẽ, kẻ
bảng,…) trên lớp. Do đó chất lượng bài giảng cao và hiệu quả sử dụng giờ giảng cũng rất cao.
- CNTT làm thay đổi cả nội dung và phương pháp truyền đạt của GV :
+ Minh họa bài giảng một cách trung thực, sống động thông qua hình ảnh, âm thanh.
+ Có thể tiến hành các thí nghiệm minh họa trực tiếp, chỉ ra các tài liệu tham khảo cần thiết
ngay trong khi giảng.
+ Có thể hướng dẫn HS tự học.
+ Thông tin được truyền đạt cho học sinh bằng nhiều hình thức.
+ Bài giảng được chắt lọc từ các bài mẫu và từ nhiều nguồn tư liệu tổng hợp.
- CNTT giúp cho việc đánh giá định tính và định lượng hóa học chính xác, công bằng hơn.
1.2.6. Tăng cường mối quan hệ giữa trí tuệ và cảm xúc
Giáo dục không chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật. Người GV không chỉ dạy chính xác, rõ
ràng, kĩ lưỡng (khoa học) mà còn phải cố gắng dạy sao cho hay, cho hấp dẫn. Nghĩa là phấn đấu đạt
đến trình độ nghệ thuật của dạy học.
Bài học hay là bài học đạt được những mục tiêu khoa học và để lại những ấn tượng sâu sắc,
những cảm xúc mạnh mẽ trong HS. Chính cái cảm xúc, sự rung động nội tâm này là điều rất có giá
trị, rất quý giá, là cái mà người HS chờ đợi. Nó có tác dụng kích thích lòng yêu khoa học, tính tự
giác, tính tích cực học tập, khả năng tìm tòi, sáng tạo ra cái mới, là chất xúc tác để nhận thức biến
thành thái độ và niềm tin. Vì vậy khi dạy học cần chú ý đến cái đẹp, đến mặt thẩm mĩ, cần phối hợp
giữa khoa học và nghệ thuật, giữa trí tuệ và cảm xúc.
1.2.7. Tăng cường mối quan hệ giữa tư duy hình thức và tư duy biện chứng
Tư duy logic thường được hình thành trong quá trình học tập còn tư duy biện chứng thì
thường được hình thành từ trong cuộc sống. Hai loại tư duy này có quan hệ mật thiết với nhau.
1.3. Website dựa trên phần mềm mã nguồn mở MOODLE
Hoá học là môn khoa học thực nghiệm, việc ứng dụng CNTT trong dạy học hoá học sẽ tạo
một bước chuyển cơ bản trong quá trình đổi mới nội dung chương trình, PPDH và phương thức đào
tạo.
Đặc biệt việc thiết kế được Website hỗ trợ tự học sẽ đáp ứng được mọi tiêu chí: Học mọi nơi,
học mọi lúc, học mọi thứ và học mềm dẻo, học một cách mở và học suốt đời.
1.3. 1. Moodle
Moodle là một gói phần mềm để tạo các trang chủ và các khóa học trên nền mạng toàn cầu,
được rất nhiều người sử dụng để tạo, quản lý các khóa học trực tuyến. Moodle được cung cấp
một cách miễn phí như là phần mềm Mã nguồn mở, trên cơ sở giấy phép của GNU Public
License. Moodle được viết bằng PHP và sử dụng các kiểu cơ sở dữ liệu SQL. Nó có thể chạy
trên hệ điều hành Windows hay Mac, và các hệ điều hành kiểu như Linux.
1.3.2. Sử dụng phần mềm mã nguồn mở MOODLE thiết kế website
a) Cài đặt Moodle
Với mục đích khai thác, sử dụng và phát triển Moodle tác giả sẽ trình bày trước hết cách cài
đặt và cấu hình Moodle. Trong phần này tôi sẽ trình bày một cách khái quát cách cài đặt Moodle
trên nền Windows. Các thông tin khi triển khai ứng dụng trên nền UNIX, Mac OS có thể tìm thấy
trên website chính thức của Moodle.
b) Yêu cầu hệ thống
Cần có một gói host chạy trên server linux (ở đây tôi thuê host FTI).
c) Chuẩn bị
Tải về Moodle trên trang web /> .
Giải nén.
(Tùy chọn) Đổi tên thư mục thành "moodle" để dùng khi cài đặt hệ thống.
d) Cài đặt
Mọi cài đặt ban đầu đã được nhà cung cấp dịch vụ thiết lập sẳn.
Hình 1.1. Bắt đầu cài đặt Moodle
Moodle kiểm tra các thiết lập php như:
o Phiên bản PHP
o Bắt đầu tự động Session
o Magic Quotes Run Time
o Chế độ an toàn
o File tải lên
o Phiên bản GD
o Giới hạn bộ nhớ: có thể thiết lập giới hạn bộ nhớ thông qua file php.ini
Hình 1. 2. Kiểm tra các thiết lập PHP
Cấu hình địa chỉ:
Hình 1.3. Cấu hình địa chỉ Moodle_Apache
Địa chỉ web:
Thư mục moodle;
Thư mục chứa dữ liệu
Cấu hình cơ sở dữ liệu
Hình 1.4. Cấu hình cơ sở dữ liệu
Các cấu hình này phải phù hợp với cấu hình trong file config.php (nếu có).
Moodle sẽ phát hiện và cấu hình cho hệ thống qua file config.php, nếu chưa có nó sẽ tiến
hành tạo file và ghi vào thư mục gốc của Moodle trên server hoặc cho phép bạn tải file lên thư mục
thích hợp. Ngược lại lỗi sẽ được thông báo và ta phải khắc phục lỗi này rồi mới có thể tiếp tục cài
đặt.
Hình 1.5. Lỗi cấu hình
Chấp nhận các yêu cầu bản quyền
Hình 1.6. Yêu cầu bản quyền
Đây là điều rất quan trọng đối với cộng đồng mã nguồn mở, phải tôn trọng các quy tắc khai
thác và sử dụng phần mềm mã nguồn mở.
Thiết lập và cập nhật cơ sở dữ liệu cho Moodle
Tạo các bảng:
mdl_config
mdl_config_plugins
mdl_course
mdl_course_categories
mdl_course_display
mdl_groups
....
Cập nhật cơ sở dữ liệu cho các bảng:
mdl_log_display
…
Thông tin về phiên bản hiện hành
Hình 1.7. Thông tin phiên bản hiện hành
Thiết lập các thông số cấu hình
Hình 1.8. Thiết lập thông số cấu hình
Giao diện
Ngôn ngữ: Việt Nam (vi_utf8), tiếng Anh (en), Italia (it)…
Danh sách các ngôn ngữ rút gọn (Langlist): các ngôn ngữ cách nhau bởi dấu phẩy.
Múi giờ
Quốc gia: Việt Nam, Anh…
Bảo mật
Hệ điều hành
Bảo trì
Mail
Người dùng
…
Khi chưa tìm hiểu rõ các thông số, ta chọn theo mặc định, sau khi cài đặt thành công ta có thể chỉnh
các tham số này.
Thiết lập các bảng môđun thông qua các câu lệnh SQL
Bài tập lớn (Assignment)
Chat
Lựa chọn (choice)
Diễn đàn (Forum)
Thuật ngữ (Glossary)
Hotpot
Sổ nhật ký (Journal)
Nhãn (Label)
Bài học (Lesson)
Kiểm tra (Quiz)
Tài nguyên (Resource)
SCORM
Khảo sát (Survey)
Wiki
Hội thảo (Workshop)
Nâng cấp hoàn thiện cơ sở dữ liệu: Tạo các bảng
mdl_backup_files
mdl_backup_ids
mdl_backup_courses
mdl_backup_log
…
Các thông báo thiết lập các bảng khối
activity_modules
admin
calendar_month
calendar_upcoming
course_list
course_summary
glossary_random
html
login
messages
news_items
online_users
participants
quiz_results
recent_activity
rss_client
search_forums
section_links
site_main_menu
social_activities
Thiết lập các bảng môđun
authorize
paypal
…
Các thiết lập Site
Hình 1.9. Thiết lập site
Tên Site “ Hóa Học Hậu Nghĩa”
Tên Site rút gọn “HHHN”
Phần mô tả trang
Định dạng trang đầu: hiện thị tin tức, danh mục các cua học.
Các thể hiện khác: từ thay cho GV, học viên…
Chọn lưu các thay đổi
Cấu hình tài khoản cho người quản trị
Hình 1.10. Cấu hình tài khoản người quản trị
Tên đăng nhập
Mật khẩu (để bảo đảm an toàn không dùng mật admin).
Tên, họ của người quản trị
Địa chỉ email và các tùy chọn cho email
Hình ảnh: mặc định kích thước tối đa 2M (có thể thay đổi trong file php.ini chi tiết ta đề cập
ở phần sau).
Và các thông tin cá nhân khác: Số ICQ, Skype ID, Yahoo ID, MSN ID, điện thoại…
Hình 1.11. Giao diện Moodle
B
ạn đã cài đặt xong Moodle trên host.
1.4. Tự học
1.4.1. Khái niệm tự học
Theo từ điển Giáo dục học
NXB Từ điển Bách khoa 2001 [20], tự học là “quá trình tự mình
hoạt động lĩnh hội tri thức khoa học và rèn luyện kỹ năng thực hành không có sự hướng dẫn trực
tiếp của GV và sự quản lý trực tiếp của cơ sở giáo dục, đào tạo.”
Tự học còn là hoạt động học tập độc lập chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng, kĩ xảo,… và kinh
nghiệm lịch sử xã hội loài người nói chung của chính bản thân người học.
Tự học biểu hiện bằng cách tự đọc tài liệu giáo khoa, sách báo, xem truyền hình, nghe
báo cáo, tham quan bảo tàng, xem phim, giao tiếp với những người hoạt động ở các lĩnh vực
khác nhau…
Người tự học phải biết cách lựa chọn tài liệu, tìm ra những điểm chính trong các tài liệu
đã đọc, biết cách ghi chép những điều cần thiết, tra cứu sách tham khảo, biết làm việc trong
thư viện…
Cốt lõi của học là tự học. Người tự học phải qua một quá trình rèn luyện lâu dài mới
tìm ra phương pháp tự học hiệu quả phù hợp với mình. Do vậy, đòi hỏi người tự học phải có
tính độc lập, tự chủ, tự giác và kiên trì cao.
1.4.2. Sự cần thiết của việc tự học
Theo xu thế giáo dục hiện đại ngày nay thì người học đứng ở vị trí trung tâm của quá
trình dạy học, người dạy chỉ đóng vai trò định hướng, cố vấn cho quá trình ấy mà thôi. Vì thế
đòi hỏi người học phải là người chủ động, tích cực trong việc học của mình. Muốn chủ động,
người học bắt buộc phải có công đoạn chuẩn bị kĩ lưỡng nội dung bài mới ở nhà để khi vào
lớp người học có đủ điều kiện làm chủ quá trình chiếm lĩnh tri thức của mình.
Bên cạnh đó việc nắm vững nội dung bài cũ cũng là một tiền đề quan trọng giúp người
học tự tin hơn trong việc nghiên cứu bài mới. Muốn làm tốt hai việc đó bắt buộc người học
phải có năng lực tự học, bởi lẽ tự học là con đường tự khẳng định mình. Những kiến thức do
tự học đem lại là do kết quả bản thân tự tìm tòi khám phá nên bao giờ cũng vững chắc bền lâu.
Thời gian tự học không những giúp người học ôn tập lại những gì đã nghe giảng ở trên lớp
mà còn là thời gian người học vận dụng, tìm tòi, suy ngẫm những bài tập, những kiến thức khó theo
phong cách riêng của mình. Qua đó bồi dưỡng năng lực phân tích, bản lĩnh vững vàng trước những
điều không đơn giản. Mặt khác, tự học đã khắc phục nghịch lý: học vấn thì vô hạn mà tuổi học
đường thì có hạn. Đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, thầy không thể truyền thụ hết
kiến thức trong thời gian lên lớp. Vì vậy người học phải có phương pháp tự học tốt để làm giàu kiến
thức cho mình, tạo ra tri thức bền vững nhất . Người học có thể hướng ra thế giới bằng rất nhiều
kênh thông tin như qua báo chí, qua sách vở, qua phim ảnh qua mạng internet và quan trọng hơn là
qua khả năng tự học của mình.
Kĩ năng tự học đã trở thành một trong những phẩm chất bắt buộc người học sinh phải có
không những trong quá trình học tập mà cả trong cuộc sống sau này.
1.4.3. Các hình thức của tự học
Theo TS. Trịnh Văn Biều [7], có 3 kiểu tự học
a) Tự học có sự hướng dẫn: Có GV ở xa hướng dẫn người học bằng tài liệu hoặc bằng các
phương tiện thông tin khác.
b) Tự học không có sự hướng dẫn: Người học tự tìm lấy tài liệu để đọc, hiểu, vận dụng các
kiến thức trong đó. Cách học này tạo không ít khó khăn cho người học, đòi hỏi người học phải có
khả năng tự học rất cao.
c) Tự học có hướng dẫn trực tiếp: Có tài liệu và giáp mặt với GV một số tiết trong ngày,
trong tuần, được thầy hướng dẫn giảng giải sau đó về nhà tự học.
Đối với mỗi người trong suốt cuộc đời chắc sẽ có điều kiện trải qua tất cả các dạng tự học
trên.
1.4.4. Các yêu cầu của hoạt động tự học
Theo các tác giả Nguyễn Cảnh Toàn [36],[37],Thái Duy Tuyên [47],[48], việc tự học chỉ
thực sự đạt kết quả khi người học có thể vạch định cho mình một kế hoạch và phương pháp tự học
khoa học. Công việc này không phải tiến hành dễ dàng ở tất cả mọi người, vì nội dung tự học phụ
thuộc vào từng đối tượng cụ thể.Tuy nhiên, các tác giả cũng đã nêu lên những yêu cầu cần thiết cho
hoạt động tự học như sau:
Yêu cầu 1: Xác định nhu cầu, động cơ để kích thích hứng thú học tập
Các động cơ học tập có thể tách thành hai nhóm:
_ Nhóm 1: Các động cơ, hứng thú nhận thức. Chúng thường đến với HS khi bài học có nội
dung mới, đột ngột, bất ngờ và chứa những yếu tố nghịch lí, thỏa mãn nhu cầu của HS.
_ Nhóm 2: Các động cơ trách nhiệm, nhiệm vụ trong học tập. Chúng liên hệ với ý thức về ý
nghĩa xã hội của sự học tập như nghĩa vụ đối với đất nước, với gia đình, thầy cô, bạn bè và chính
bản thân người học.
Yêu cầu 2: Xác định mục đích và nhiệm vụ tự học
Khi đã có động cơ và hứng thú học tập thì người học phải trả lời câu hỏi: Học để làm gì?
(mục đích tự học) và học cái gì (nội dung tự học). Vấn đề này chỉ đặt ra đối với một số ít HS khá,
giỏi khi họ muốn học thêm những điều mà họ quan tâm, yêu thích.
Yêu cầu 3: Xây dựng kế hoạch tự học
Kế hoạch tự học cần xây dựng một cách tỉ mỉ và thiết thực. Để tự học có hiệu quả thì người
học phải chọn đúng trọng tâm công việc, phải xác định học cái gì là chính, là quan trọng, nhất là nội
dung đó có tác động trực tiếp đến mục đích. Bởi vì nội dung cần phải học thì nhiều mà thời gian và
sức lực thì có hạn, nếu việc học tập dàn trải, phân tán thì kết quả sẽ không như mong đợi. nhưng
trên thực tế thì ít khi người học chú ý đến điều này.
Vì vậy khi xác định mục tiêu tự học, người học nên xuất phát từ những vấn đề mình cần như
kiến thức bị hỏng, bị lãng quên hoặc chưa hiểu rõ, những kiến thức mà mình yêu thích cần được đào
sâu hay mở rộng.
Yêu cầu 4: Lập thời gian biểu cho tự học
Sau khi đã xác định trọng tâm rồi thì người học phải sắp xếp công việc cho thật hợp lí về
trình tự nội dung cũng như về thời gian để công việc được tiến hành trôi chảy và tiết kiệm về thời
gian.
Nên lập thời gian biểu cho thời gian dài hay cho từng buổi tự học và sử dụng thời gian tự học
sao cho hợp lí. Phải bố trí thời gian tự học phù hợp để đầu óc không quá căng thẳng, nên xen giữa tự
học với giải trí và nghỉ ngơi.
1.4.5. Năng lực tự học
Theo Từ điển tiếng việt [28]: “Năng lực là phẩm chất tâm lí và sinh lí tạo cho con người
khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao”
Theo các tác giả Trinh, Q. L. & Rijlaarsdam, G. (2003, September)[49]: “Năng lực tự học
được thể hiện qua việc chủ thể tự xác định đúng đắn động cơ học tập cho mình, có khả năng tự quản
lý việc học của mình, có thái độ tích cực trong các hoạt động để có thể tự làm việc, điều chỉnh hoạt
động học tập và đánh giá kết quả học tập của chính mình để có thể độc lập làm việc và làm việc hợp
tác với người khác”.
Để bồi dưỡng cho HS năng lực tự học, tự nghiên cứu, cần phải xác định được các năng lực
cần thiết phải có trong quá trình dạy học. GV cần hướng dẫn và tạo các cơ hội, điều kiện thuận lợi
cho HS hoạt động, nhằm phát triển các năng lực đó. Theo các tác giả Nguyễn Cảnh Toàn
[36],[37],Thái Duy Tuyên [47],[48] năng lực tự học gồm :
Năng lực nhận biết, tìm tòi và phát hiện vấn đề
Người học tự tìm tòi, quan sát, mô tả, giải thích, phát hiện vấn đề, định hướng, giải quyết vấn
đề, tự tìm ra kiến thức mới (chỉ mới đối với người học) và tạo ra sản phẩm ban đầu hay sản phẩm
thô có tính chất cá nhân.
Năng lực nhận biết, tìm tòi, phát hiện vấn đề hết sức quan trọng đối với mọi người, đặc biệt
HSG. Nhờ năng lực này HS vừa tự làm giàu kiến thức của mình, vừa rèn luyện tư duy và thói quen
phát hiện, tìm tòi,…
Năng lực này đòi hỏi HS phải nhận biết, hiểu, phân tích, tổng hợp, so sánh sự vật hiện tượng
được tiếp xúc; suy xét từ nhiều góc độ, có hệ thống trên cơ sở những lí luận và hiểu biết đã có của
mình; phát hiện ra các khó khăn, mâu thuẫn xung đột, các điểm chưa hoàn chỉnh cần giải quyết, bổ
sung, các bế tắc, nghịch lí cần phải khai thông, khám phá, làm sáng tỏ,… Để phát hiện đúng vấn đề,
đòi hỏi người học phải thâm nhập, hiểu biết khá sâu sắc đối tượng, đồng thời biết liên tưởng, vận
dụng những hiểu biết và tri thức khoa học của mình đã có tương ứng. Trên cơ sở đó, dường như
xuất hiện “linh cảm”, và từ đó mạch suy luận được hình thành. Phải sau nhiều lần suy xét thêm
trong óc, vấn đề phát hiện được nói lên thành lời, hiện lên rõ ràng, thúc bách việc tìm kiếm con
đường và hướng đi để giải quyết.
Năng lực giải quyết vấn đề
Năng lực giải quyết vấn đề bao gồm khả năng trình bày giả thuyết; xác định cách thức giải
quyết và lập kế hoạch giải quyết vấn đề; khảo sát các khía cạnh, thu thập và xử lí thông tin; đề xuất
các giải pháp, kiến nghị các kết luận. Kinh nghiệm thực tế cho thấy nhiều HS thu thập được một
khối lượng thông tin phong phú nhưng không biết hệ thống và xử lí như thế nào để tìm ra con
đường đến với giả thuyết. Điều này đòi hỏi sự hướng dẫn cẩn thận và kiên trì của các GV ngay từ
những hoạt động đầu của giải quyết vấn đề.
Để dạy cho HS cách học, thì điều quan trọng nhất đó là cần dạy cho HS kĩ thuật giải quyết
vấn đề. Với kĩ thuật này, HS có thể áp dụng vào rất nhiều trường hợp trong học tập cũng như trong
cuộc sống để lĩnh hội các tri thức cần thiết cho mình. Nên xem kĩ thuật giải quyết vấn đề vừa là
công cụ nhận thức, nhưng đồng thời là mục tiêu của việc dạy học cho HS phương pháp tự học.
Năng lực xác định những kết luận đúng (kiến thức, cách thức, con đường, giải pháp, biện
pháp…) từ quá trình giải quyết vấn đề
Đây là một năng lực quan trọng cần cho người học đạt đến những kết luận đúng của quá trình
giải quyết vấn đề, hay nói cách khác, các tri thức cần lĩnh hội sau khi giải quyết vấn đề sẽ có được
một khi chính bản thân HS có năng lực này.
Năng lực này bao gồm các khả năng khẳng định hay bác bỏ giả thuyết, hình thành kết quả và
đề xuất vấn đề mới, hoặc áp dụng (nếu cần thiết). Trên thực tế có rất nhiều trường hợp được đề cập
đến trong lúc giải quyết vấn đề, nên HS có thể đi chệch ra khỏi vấn đề chính đang giải quyết hoặc
lạc với mục tiêu đề ra ban đầu. Vì vậy hướng dẫn cho HS kĩ thuật xác định kết luận đúng không
kém phần quan trọng so với các kĩ thuật phát hiện và giải quyết vấn đề. Các quyết định phải được
dựa trên logic của quá trình giải quyết vấn đề và nhắm đúng mục tiêu.
Năng lực tự thể hiện
Người học tự thể hiện mình bằng văn bản, bằng lời nói, tự trình bày, bảo vệ kiến thức hay
sản phẩm cá nhân ban đầu của mình, tự thể hiện qua sự đối thoại, giao tiếp với các bạn và thầy, tạo
ra sản phẩm có tính chất xã hội của cộng đồng lớp học.
Khi người học tự bảo vệ kiến thức hay chính kiến ban đầu của mình sẽ nảy sinh nhu cầu
nghiên cứu tài liệu, trao đổi, hợp tác với bạn bè, đồng nghiệp. Các kĩ năng về giao tiếp, cộng tác,
huy động nguồn lực được rèn luyện. Kết quả đó vừa làm giàu thêm tri thức, vừa soi sáng, giải thích,
làm rõ thêm các kiến thức được học từ SGK, tài liệu. HS thấy tự tin, chủ động hơn, đồng thời họ lại
phải có thái độ dám chịu trách nhiệm về các quyết định mình đã lựa chọn và có kĩ năng lập luận,
bảo vệ các quyết định của mình.
Năng lực xác định những kết luận đúng (kiến thức, cách thức, con đường, giải pháp, biện
pháp…) từ quá trình giải quyết vấn đề
Đây là một năng lực quan trọng cần cho người học đạt đến những kết luận đúng của quá trình
giải quyết vấn đề, hay nói cách khác, các tri thức cần lĩnh hội sau khi giải quyết vấn đề sẽ có được
một khi chính bản thân HS có năng lực này.
Năng lực này bao gồm các khả năng khẳng định hay bác bỏ giả thuyết, hình thành kết quả và
đề xuất vấn đề mới, hoặc áp dụng (nếu cần thiết). Trên thực tế có rất nhiều trường hợp được đề cập
đến trong lúc giải quyết vấn đề, nên HS có thể đi chệch ra khỏi vấn đề chính đang giải quyết hoặc
lạc với mục tiêu đề ra ban đầu. Vì vậy hướng dẫn cho HS kĩ thuật xác định kết luận đúng không
kém phần quan trọng so với các kĩ thuật phát hiện và giải quyết vấn đề. Các quyết định phải được
dựa trên logic của quá trình giải quyết vấn đề và nhắm đúng mục tiêu.
Năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn (hoặc vào nhận thức kiến thức mới)
Kết quả cuối cùng của việc học tập phải được thể hiện ở chính ngay trong thực tiễn cuộc
sống, hoặc là HS vận dụng kiến thức đã học để nhận thức, cải tạo thực tiễn, hoặc trên cơ sở kiến
thức và phương pháp đã có, nghiên cứu, khám phá, thu nhận thêm kiến thức mới. Cả hai đều đòi hỏi
người học phải có năng lực vận dụng kiến thức.
Việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đặc biệt trong các trường hợp mới, lại làm xuất hiện các
vấn đề đòi hỏi phải giải quyết. Như vậy kĩ năng giải quyết vấn đề lại có cơ hội để rèn luyện và kết
quả của việc giải quyết vấn đề giúp cho người học thâm nhập sâu hơn vào thực tiễn. Từ đó hứng thú
học tập, niềm say mê và khao khát được tìm tòi, khám phá, áp dụng kiến thức và kinh nghiệm tăng
lên, các động cơ học tập đúng đắn càng được bồi dưỡng vững chắc.
Năng lực đánh giá và tự đánh giá
Hoạt động nào cũng cần phải được kiểm tra và đánh giá. Hoạt động tự học cũng thế. Kiểm tra
và đánh giá để thấy được việc tự học của bản thân có đạt được kết quả như mong đợi hay không.
Chỉ có như vậy, người học mới dám suy nghĩ, dám chịu trách nhiệm và luôn luôn tìm tòi sáng tạo,
tìm ra cái mới, cái hợp lí, cái có hiệu quả hơn.
Mặt khác, kết quả tất yếu của việc rèn luyện các kĩ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, kết
luận và áp dụng kết quả của qui trình giải quyết vấn đề đòi hỏi HS phải luôn đánh giá và tự đánh
giá. HS phải biết được mặt mạnh, hạn chế của mình, cái đúng sai trong việc mình làm mới có thể
tiếp tục vững bước tiếp trên con đường học tập chủ động của mình. Không có khả năng đánh giá,
HS khó có thể tự tin trong phát hiện, giải quyết vấn đề và áp dụng kiến thức đã học.
Căn cứ vào kế hoạch tự học đã được vạch ra trước đó để kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện
công việc và mức độ hoàn thành để từ đó bản thân có những biện pháp tự điều chỉnh sao cho phù
hợp.
Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của bản thân do GV giao cho.
Kiểm tra và đánh giá việc thực hiện những yêu cầu, nội dung trong SGK và trong việc giải
các BT.
So sánh việc làm của mình với sự chỉ dẫn của sách, với lời giảng của GV.
Bảy năng lực trên vừa đan xen nhưng vừa tiếp nối nhau, tạo nên năng lực tự học ở HS. Các
năng lực trên cũng chính là năng lực của người nghiên cứu khoa học. Vì vậy, rèn luyện được các
năng lực đó, chính là HS đặt mình vào vị trí của người nghiên cứu khoa học, hay nói cách khác, đó
là sự rèn luyện năng lực tự học, tự nghiên cứu. Cũng chính việc học như vậy, đòi hỏi việc dạy học