ÔN TẬP TIẾNG VIỆT HKII (PHẦN 2)
Câu11. Hãy nêu đặc điểm của tính từ?
-Tính từ là những từ chỉ đặc điểm, tính chất của sự vật, hành động, trạng thái.
-Tính từ có thể kết hợp với các từ rất, hơi, lắm, đã, sẽ, đang, cũng, vẫn,…để
tạo thành cụm tính từ. Khả năng kết hợp với các từ hãy, chớ, đừng của tính từ rất
hạn chế.
-Tính từ có thể làm vị ngữ, chủ ngữ trong câu. Tuy vậy, khả năng làm vị ngữ
của tính từ hạn chế hơn động từ.
Câu 12. Nêu các loại tính từ?
Có hai loại tính từ đáng chú ý là:
-Tính từ chỉ đặc điểm tương đối ( có thể kết hợp với từ chỉ mức độ )
-Tính từ chỉ đặc điểm tuyệt đối ( không thể kết hợp với từ chỉ mức độ )
Câu 13. Nêu khái niệm, đặc điểm và cách sử dụng của các từ loại: số từ, lượng
từ, chỉ từ, đại từ, quan hệ từ, phó từ, thán từ, tình thái từ?
*Số từ:
-Số từ là những từ chỉ số lượng và thứ tự của sự vật. Khi biểu thị số lượng sự
vật, số từ thường đứng trước danh từ. Khi biểu thị thứ tự, số từ đứng sau danh từ.
-Cần phân biệt số từ với những danh từ chỉ đơn vị gắn với ý nghĩa số lượng.
*Lượng từ:
- Lượng từ là những từ chỉ lượng ít hay nhiều của sự vật.
- Dựa vào vị trí trong cụm danh từ, có thể chia lượng từ thành hai nhóm:
+ Nhóm chỉ ý nghĩa toàn thể
+ Nhóm chỉ ý nghĩa tập hợp hay phân phối.
*Chỉ từ:
- Chỉ từ là những từ dùng để trỏ vào sự vật, nhằm xác định vị trí của sự vật
trong không gian hoặc thời gian.
- Chỉ từ thường làm phụ ngữ trong cụm danh từ. Ngoài ra, chỉ từ còn có thể
làm chủ ngữ hoặc trạng ngữ trong câu.
*Đại từ:
- Đại từ dùng để trỏ người, sự vật, hoạt động, tính chất,…được nói đến trong
một ngữ cảnh nhất định của lời nói hoặc dùng để hỏi.
- Đại từ có thể đảm nhiệm vai trò ngữ pháp như chủ ngữ, vị ngữ trong câu hay
phụ ngữ của danh từ, của động từ, của tính từ,…
- Các loại đại từ:
. Đại từ để trỏ dùng để:
+ Trỏ người, sự vật ( gọi là đại từ xưng hô )
+ Trỏ số lượng
+ Trỏ hoạt động, tính chất, sự việc.
. Đại từ để hỏi dùng để:
+ Hỏi về người, sự vật
+ Hỏi về số lượng
+ Hỏi về hoạt động, tính chất, sự việc.
- Các ngôi đại từ:
+ Ngôi thứ nhất ( nhân xưng ) – Số ít / số nhiều.
+ Ngôi thứ hai ( chỉ người nói với ) – Số ít / số nhiều
+ Ngôi thứ ba ( chỉ người nói tới ) – Số ít / số nhiều.
*Quan hệ từ:
- Quan hệ từ dùng để biểu thị các ý nghĩa quan hệ như sở hữu, so sánh, nhân
quả,…giữa các bộ phận của câu hay giữa câu với câu trong đoạn văn.
- Sử dụng quan hệ từ:
+ Khi nói hoặc viết, có những trường hợp bắt buộc phải dùng quan hệ từ.Đó
là những trường hợp nếu không có quan hệ từ thì câu văn sẽ đổi nghĩa hoặc không
rõ nghĩa. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp không bắt buộc dùng quan hệ từ.
+ Có một số quan hệ từ được dùng thành cặp: Vì – nên;( bởi vì – cho nên);
Tuy – nhưng;( dù – nhưng; mặc dù – nhưng ); Nếu – thì;( hễ - thì ); không những –
mà còn (không những – mà; chẳng những – mà…);…
*Phó từ là những từ chuyên đi kèm động từ, tính từ để bổ sung ý nghĩa cho động
từ, tính từ.
Phó từ gồm có hai loại lớn:
- Phó từ đứng trước động từ, tính từ: bổ sung một số ý nghĩa liên quan đến hành
động, trạng thái, đặc điểm, tính chất nêu ở động từ, tính từ như thời gian, mức độ,
sự tiếp diễn tương tự, sự phủ định, cầu khiến.
- Phó từ đứng sau động từ, tính từ: bổ sung một số ý nghĩa như múc độ, khả
năng, kết quả và hướng.
*Trợ từ là những từ chuyên đi kèm một từ ngữ trong câu để nhấn mạnh hoặc biểu
thị thái độ đánh giá sự vật, sự việc được nói đến ở những từ ngữ đó.
.Ví dụ: những, chính, có, đích, ngay…
*Thán từ là những từ dùng để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của người nói hoặc dùng
để gọi đáp. Thán từ thường đứng ở đầu câu, có khi nó được tách ra thành một câu
đặc biệt.
- Thán từ gồm hai loại chính:
+ Thán từ bộc lộ tình cảm, cảm xúc: a, ái, ơ, ôi, ô hay, than ôi, trời ơi,…
+ Thán từ gọi đáp: này, ơi, vâng, dạ,…
*Tình thái từ là những từ được thêm vào câu để cấu tạo câu nghi vấn, câu cầu
khiến, câu cảm thán và để biểu thị các sắc thái tình cảm của người nói.
- Tình thái từ gồm một số loại đáng chú ý sau:
+ Tình thái từ nghi vấn: à, ư, hả, hử, chứ, chăng,…
+ Tình thái từ cầu khiến: đi, nào, với,…
+ Tình thái từ cảm thán: thay, sao,…
+ Tình thái từ biểu thị sắc thái tình cảm: ạ, nhé, cơ mà,…
-Sử dụng tình thái phải phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp( quan hệ tuổi tác, thứ
bậc xã hội, tình cảm,…)
Câu 14. Cụm danh từ là gì? Nêu cấu tạo của cụm danh từ?
a - Cụm danh từ là loại tổ hợp từ do danh từ với một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo
thành.
- Cụm danh từ có ý nghĩa đầy đủ hơn và có cấu tạo phức tạp hơn một mình
danh từ, nhưng hoạt động trong câu giống như một danh từ.
b.Cấu tạo của cụm danh từ:
- Ở dạng đầy đủ, cụm danh từ gồm có 3 phần:
+ Phần trước là các phụ ngữ bổ sung cho danh từ ý nghĩa về số và lượng.
+ Phần sau là các phụ ngữ nêu lên đặc điểm của sự vật mà danh từ biểu thị
hoặc xác định vị trí của sự vật ấy trong không gian hay thời gian.
+ Phần trung tâm phải là danh từ.
( Một cụm danh từ có thể khuyết phần trước hoặc phần sau )
Câu 15. Cụm động từ là gì? Nêu cấu tạo của cụm động từ?
a - Cụm động từ là loại tổ hợp từ do động từ với một số từ ngữ phụ thuộc nó
tạo thành. Nhiều động từ phải có các từ ngữ phụ thuộc nó đi kèm, tạo thành cụm
động từ mới trọn nghĩa.
- Cụm động từ có ý nghĩa đầy đủ hơn và có cấu tạo phức tạp hơn một mình
động từ, nhưng hoạt động trong câu giống như một động từ.
B - Cấu tạo của cụm động từ:
- Ở dạng đầy đủ, cụm động từ gồm có 3 phần:
+ Phần trước là các phụ ngữ bổ sung cho động từ các ý nghĩa: quan hệ thời
gian; sự tiếp diễn tương tự; sự khuyến khích hoặc ngăn cản hành động; sự khẳng
định hoặc phủ định hành động;…
+ Phần sau là các phụ ngữ bổ sung cho động từ các chi tiết về đối tượng,
hướng, địa điểm, thời gian, mục đích, nguyên nhân, phương tiện và cách thức hành
động,…
+ Phần trung tâm phải là động từ.
( Một cụm động từ có thể khuyết phần trước hoặc phần sau )
Câu 16. Cụm tính từ là gì? Nêu đặc điểm của cụm tính từ?
a - Cụm tính từ là loại tổ hợp từ do tính từ với một số từ ngữ khác đi kèm với nó
tạo thành.
- Cụm tính từ có ý nghĩa đầy đủ hơn và có cấu tạo phức tạp hơn một mình
tính từ nhưng hoạt động trong câu giống như một tính từ.
b - Cấu tạo của cụm tính từ:
- Ở dạng đầy đủ, cụm tính từ gồm có 3 phần:
+ Phần trước là các phụ ngữ có biểu thị quan hệ thời gian; sự tiếp diễn
tương tự, mức độ của đặc điểm, tính chất; sự khẳng định hay phủ định;…
+ Phần sau là các phụ ngữ biểu thị vị trí; sụ so sánh; mức độ, phạm vi hay
nguyên nhân của đặc điểm, tính chất;…
+ Phần trung tâm phải là tính từ.
( Một cụm tính từ có thể khuyết phần trước hoặc phần sau. )
Câu 17. a. Phân biệt thành phần chính và thành phần phụ của câu?
Thành phần chính của câu là những thành phần bắt buộc phải có mặt để câu có
cấu tạo hoàn chỉnh và diễn đạt được một ý trọn vẹn.
Thành phần phụ là thành phần không bắt buộc có mặt trong câu. ( Trạng ngữ,
bổ ngữ, định ngữ, khởi ngữ, tình thái, cảm thán, gọi – đáp, phụ chú… )
b. Nêu khái niệm và đặc điểm của chủ ngữ và vị ngữ?
*Chủ ngữ và đặc điểm của chủ ngữ:
- Chủ ngữ là thành phần chính của câu nêu tên sự vật, hiện tượng có hành
động, đặc điểm, trạng thái,… được miêu tả ở vị ngữ. Chủ ngữ thường trả lời cho
các câu hỏi Ai?, Con gì? hoặc Cái gì?
- Chủ ngữ thường là danh từ, đại từ hoặc cụm danh từ. Trong những trường
hợp nhất định, động từ, tính từ hoặc cụm tính từ cũng có thể làm chủ ngữ.
-Câu có thể có nhiều chủ ngữ.
*Vị ngữ và đặc điểm của vị ngữ:
- Vị ngữ là thành phần chính của câu có khả năng kết hợp với các phó từ chỉ
quan hệ thời gian và trả lời cho các câu hỏi Làm gì?, Như thế nào? hoặc Là gì?
- Vị ngữ thường là động từ hoặc cụm động từ, tính từ hoặc cụm tính từ, danh từ
hoặc cụm danh từ.
- Câu có thể có nhiều vị ngữ.
Câu 18. Nêu các kiểu câu theo cấu trúc ngữ pháp và mục đích giao tiếp?
Các kiểu câu phân loại theo cấu trúc ngữ pháp:
*Câu đơn là câu do một cụm C - V tạo thành.
- Câu trần thuật đơn có từ “ là”:
+ Vị ngữ do từ là kết hợp với danh từ ( cụm danh từ ) tạo thành. (Hoặc là
+ động từ, cụm động từ; tính từ + cụm tính từ ).
+ Khi vị ngữ biểu thị ý phủ định, nó kết hợp với các cụm từ không phải,
chưa phải.
+ Một số loại câu trần thuật đơn có là:
. Câu định nghĩa.
. Câu giới thiệu.
. Câu đánh giá.
- Câu trần thuật đơn không có từ là:
+ Vị ngữ do động từ, cụm động từ, tính từ, cụm tính từ tạo thành.
+ Khi biểu thị ý phủ định thì vị ngữ kết hợp với từ không, chưa.
+ Câu trần thuật đơn không có từ là được chia làm hai loại:
. Câu miêu tả
. Câu tồn tại.
*Câu ghép là những câu do hai hoặc nhiều cụm C – V không bao chứa nhau tạo
thành. Mỗi cụm
C – V này được gọi là một vế câu.
- Các vế trong câu ghép được nối với nhau bằng một quan hệ từ, một cặp quan
hệ từ, một cặp phó từ , đại từ hay chỉ từ đi đôi với nhau…;hoặc không dùng từ nối,
trong trường hợp này, giữa các vế câu cần có dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc dấu
hai chấm.
- Các cặp quan hệ từ thường gặp:
. vì…nên…( bởi vì…cho nên…; sở dĩ…là vì…)
. nếu…thì…( hễ thì…; giá thì…)
. tuy…nhưng…( mặc dù…nhưng…)
. không những…mà ( không chỉ…mà…; chẳng những…mà…)…
- Các vế của câu ghép có quan hệ ý nghĩa với nhau khá chặt chẽ. Những quan hệ
thường gặp là: quan hệ nguyên nhân, điều kiện ( giả thiết ),tương phản, tăng tiến,
lựa chọn, bổ sung, tiếp nối,…
-Để nhận biết chính xác quan hệ ý nghĩa giữa các vế câu, trong nhiều trường hợp,
ta phải dựa vào văn cảnh hoặc hoàn cảnh giao tiếp.
*Biến đổi câu:
- Rút gọn câu: lược bỏ một số thành phần của câu nhằm mục đích làm cho câu
gọn hơn, vừa thông tin được nhanh hơn, vừa tránh lặp những từ ngữ đã xuất hiện
trong câu; ngụ ý hành động, đặc điểm nói trong câu là của chung mọi người.( lược
bỏ CN hoặc VN )
- Chuyển câu chủ động thành câu bị động.
* Các kiểu câu ứng với những mục đích giao tiếp khác nhau:
- Câu trần thuật: dùng để kể, thông báo, miêu tả, đánh giá…; kết thúc bằng dấu
chấm hoặc ba chấm.
- Câu nghi vấn: dùng để hỏi, kết thúc bằng dấu chấm hỏi; có những từ nghi vấn:
ai, bao giờ, hả…
- Câu cầu khiến: dùng để ra lệnh, yêu cầu, khuyên bảo, đề nghị, kết thúc bằng
dấu chấm than; có những từ cầu khiến: hãy, chớ, đừng…hoặc ngữ điệu.
- Câu cảm thán: dùng bộc lộ trực tiếp cảm xúc, kết thúc bằng dấu chấm than; có
những từ ngữ cảm thán: ôi, hỡi ơi…