Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Họ Phan hào kiệt và độc lôi thần Phan Công Tích ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (134.93 KB, 4 trang )

Họ Phan hào kiệt và độc lôi thần Phan Công Tích
Họ Phan Hào Kiệt hình thành từ thời điểm ông Phan Thúc Hoà vào năm Giáp Ngọ
(1434) đến khai cơ ở Cồn Say và lập ra làng Hào Kiệt, nay thuộc xã Vĩnh Thành,
huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Dòng họ này đã sinh dưỡng nhiều nhân tài, nhân
vật nổi tiếng cho quê hương, đất nước, trong đó có danh nhân lịch sử Lai Quận
công Phan Công Tích.

Con cháu, di duệ của Phan Thúc Hoà đều là võ tướng nổi tiếng triều Lê. Con
trai là Phan Duy Đích có công nên được triều Lê Trung Tông (vào niên hiệu
Thuận Bình) phong chức tước: Thự vệ sự Diên Khánh hầu. Ông mất, được triều
Lê Huyền Tông ban sắc phong với mỹ tự “Trụ quốc thượng trật” vào năm Cảnh
Lịch thứ 2 (1549). Con trai của ông là Phan Thanh, được triều đình phong Thái
phó Lương hầu - Thụy Quận công. Triều Quang Hưng năm thứ 18 (1595) ban
sắc (phần phiên âm) nội dung như sau:
Sắc Kiệt tiết Tuyên lực công thần Thái phó Thụy Quận công phụng thị luỹ
triều, phụng sai tiến thảo, thỉ chung hữu công ứng gia quân tước, khả tặng Kiệt
tiết Tuyên lực, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ,
Thự vệ sự, Thái phó Thụy Quận công, Liêm sự Tuấn Mỹ hầu trụ quốc thượng trật
cố sắc. Quang Hưng thập bát niên, tam nguyệt, sơ nhị nhật.
Thái phó Thụy Quận công sinh ra 5 trai 6 gái, các con cháu của ông đều là
những người tài giỏi, có công lao với đất nước và làm nên sự nghiệp. Các con trai
là: Phan Công Tích, tước Lai Quận công; Phan Công Kỷ - Vĩ Quận công; Phan
Công Bá - Thông Quận công; Phan Công Cương - Lỵ Quận công; Phan Hoằng
Ngang - Xuân Nham hầu. Các con gái là: Phan Thị Ngọc Quỳnh, phu nhân của
Diên Quận công ở xã Tiền Thành; Phan Thị Ngọc Nhụy, phu nhân của Thiếu bảo
Sùng Quận công ở xã Hạ Thành, sinh ra Toàn Quận công, Cẩn Quận công và 1
ông Cai tổng; Phan Thị Ngọc Minh, phu nhân của Thái phó Thuận Quận công ở xã
Hoàng Trường; Phan Thị Ngọc Khuê, phu nhân của Hùng Mỹ hầu, xã Quan Trung,
sinh ra Cai Kỳ Hoành Mỹ hầu, Tuấn Phương hầu, Cường Lộc hầu và Thọ Lộc
hầu; Phan Thị Ngọc Mỹ, phu nhân của Lập Quận công, xã Quan Trung, sinh một
nữ lấy Thọ Lĩnh hầu; Phan Thị Ngọc Nhuế, phu nhân của Cai Kỳ Tuấn Trung hầu,


xã Quan Trung, sinh 2 con đều tử trận.
Phan Công Tích (1514-1575) là con đầu của Thái phó Thụy Quận công Phan
Thanh. Các con cháu của Thụy Quận công Phan Thanh có công cùng với Tấn
Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (tức Trịnh Mô) rước lập Lê Ninh - di duệ của nhà
Lê làm vua, tức là Lê Trang Tông Thuần Hoàng đế. Ông phò vua tận tụy, lập
được nhiều chiến công, là một trong những người khai quốc công thần triều Lê
Trung Hưng. Ông từng vâng lệnh vua về quê ở vùng lèn Hai Vai và Vĩnh Tuy để
lập căn cứ chống lại nhà Mạc. Do có công lớn nên ông được triều đình phong
đến chức Thái phó, tước Lai Quận công. Về sau ông trúng phải kế phục binh
của Nguyễn Quyện (tướng của nhà Mạc) nên bị bắt, bị dụ dỗ đầu hàng, nhưng
không chịu khuất phục. Ông bị kẻ thù giết hại và hi sinh hiên ngang, anh dũng.
Triều đình truy tặng ông chức Thái bảo, tước Lai Quốc công và cho lập đền thờ
Thần ở làng Hào Kiệt, quê hương ông. Các triều vua về sau đều có sắc phong
thần là Độc Lôi Thần - được coi như một vị Thiên Lôi ở trên trời. Sắc phong
triều Lê Cảnh Hưng năm thứ 44 (1784) như sau:
Hoằng Định thập niên, nhị nguyệt, sơ cửu nhật lệnh chỉ: Sắc Độc Lôi Thái
phó Lai Trung Quốc công Phan tướng công ích trinh vũ Đại vương, Tú dục
phù hưng anh chung sơn nhạc phổ thần công nhi tích phúc hữu dân sinh ư thọ
vực xuân đài. Hiệp thiên xuân dĩ thân hữu. Phù quốc tộ ư Thái Sơn bàn thạch
hữu. Nậm trước thần linh chi hiển ứng, tải kê duệ hiệu dĩ bao phong vi tự
vương tiến phong vương vị lâm cư chính phủ lễ hữu đăng trật, tái phụng gia
triêm ứng gia phong mĩ tự khả gia phong Độc Lôi Thái phó Lai Trung Quốc
công Phan tướng công ích trinh vũ. Hữu thuận dực chính tương bình. Thuỳ
hưu tích hạ Đại vương. Cố sắc! Cảnh Hưng tứ thập tứ niên, thất nguyệt, nhị
thập lục nhật.
Sắc phong trên (vua Lê Cảnh Hưng, năm thứ 44 [1784], ngày 26 tháng 7) đã
ghi lại sự kiện vào năm Hoằng Định 10 (1610), tháng 2, ngày 9, vua Lê Kính
Tông đã ra lệnh chỉ sắc phong cho Phan Công Tích là Độc Lôi Thái phó Lai
Trung Quốc công Phan tướng công ích trinh vũ Đại vương, là những danh vị cao
cấp nhất trong các tước phong lúc bấy giờ. Thần chính là chỗ dựa về tinh thần

cho nhà vua và triều đình đương thời, cho nên các triều vua sau vẫn tiếp tục ban
các sắc phong thần. Hiện di tích đền thờ ông còn lưu hàng chục sắc phong cho
thần - Phan Công Tích và các con cháu của ông.
Lai Quốc công Phan Công Tích không những là một vị tướng khai quốc công
thần triều Lê Trung Hưng mà còn là một vị thần khai cơ, có công lập ra làng Hào
Kiệt. Sau khi ông mất, triều đình đã lệnh cho nhân dân địa phương cùng dòng họ
Phan lập đền, quanh năm hương khói thờ phụng.
Từ triều Lê, đền thờ Phan Tướng công là một quần thể di tích khá hoành tráng
với 7 toà đền và đình tổng 3 gian. Trải qua bao biến cố của chiến tranh, khu đền
bị hủy hoại, nay chỉ còn lại một toà Thượng điện và một nhà Hạ điện cổ kính 3
gian 2 hồi. Trên thượng ốc nhà Thượng điện còn lưu dấu khắc hàng chữ "Khải
Định cửu niên tu tạo" (tức Thượng điện được tu tạo vào năm Khải Định thứ 9
(1924). Đền thờ toạ lạc trên một khoảnh đất rộng, cao ráo, ngay giữa làng Hào
Kiệt, hướng mặt về phía Nam. Phía trước mặt đền có lèn Vĩnh Tuy như bức bình
phong thiên nhiên tuyệt đẹp và vững chắc, tạo thế khoẻ khoắn cho khu di tích.
Dưới chân lèn còn lưu ngôi mộ của Lai Quốc công Phan Công Tích. Triều đình
đã cấp đất khu vực lèn Vĩnh Tuy để làm quốc táng và giao hương khói. Khu đền
còn lại hiện nay có kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, khung gỗ, tường xây,
mái lợp ngói vảy. Trên nóc, giữa mái có gắn "Lưỡng long triều nhật" và hai bên
có đắp hai con nghê, cùng các hoạ tiết hoa văn mây lửa. Trong Thượng điện và
Hạ điện của đền còn lưu các hoành phi, đại tự và các đôi câu đối cổ như sau:
"Vạn cổ anh linh"; "Thánh cung vạn tuế"; "Thiên địa tâm"; "Hồng ân phả tế".
Lê triều khai Quốc chân năng tướng/ Thiên thượng văn Lôi biệt tác thần.
(Tạm dịch: Khai quốc triều Lê, sống làm tướng giỏi/ Mở trời thần Sét, chết hoá
thành thần).
Chung đỉnh quân ân di đại hải/ Tinh kỳ tướng lệnh chế hồng vân. (Tạm dịch:
Đỉnh chuông ơn vua truyền biển lớn/ Cờ xí lệnh tướng tựa mây hồng.
Khai quốc huân cao truyền tướng phiệt/ Kinh thiên lôi chấn diệu thần uy.
(Tạm dịch: Công cao khai quốc truyền tướng giỏi/ Sấm động cửa trời diệu thần
uy).

Ức niên sự nghiệp sơn hà ký/ Vạn cổ huân danh nhật nguyệt minh. (Tạm dịch:
Mãi mãi sự nghiệp truyền sông núi/ Muôn đời công danh gắn trăng sao).
Phan Công Tích xứng đáng là danh nhân văn hoá lịch sử của dân tộc. Năm
2008, đền thờ ông đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử văn hoá quốc
gia./.

×