Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học "Cách mạng tháng Tám - Vận dụng bài học tận dụng thời cơ cho nhiệm vụ lịch sử hiện nay " pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (144.79 KB, 6 trang )

Cách mạng tháng Tám - Vận dụng bài học tận dụng thời cơ cho nhiệm vụ lịch
sử hiện nay
Nếu Cách mạng tư sản Pháp (1789) mở đầu cho sự ra đời của chế độ tư bản, Cách
mạng tháng Mười Nga (1917) mở đầu cho thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH
trên phạm vi toàn thế giới thì Cách mạng tháng Tám (1945) của Việt Nam mở đầu
cho công cuộc giải phóng toàn bộ các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Cách mạng tháng Tám (1945) của Việt Nam là cuộc cách mạng mẫu mực về tất
cả mọi phương diện và để lại dấu ấn lịch sử dân tộc và nhân loại.
Nếu Cách mạng tư sản Pháp (1789) mở đầu cho sự ra đời của chế độ tư bản,
Cách mạng tháng Mười Nga (1917) mở đầu cho thời đại quá độ từ CNTB lên
CNXH trên phạm vi toàn thế giới thì Cách mạng tháng Tám (1945) của Việt Nam
mở đầu cho công cuộc giải phóng toàn bộ các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Cách mạng tháng Tám (1945) của Việt Nam để lại những bài học vô giá trên
các phương diện: Đoán định thời cơ; Chuẩn bị để đón thời cơ; Và vận dụng triệt
để thời cơ. Bài học vô giá này vẫn còn giá trị cho chính dân tộc ta ở vào thời điểm
lịch sử cụ thể hiện nay.
Về đoán định thời cơ: Ngay từ năm 1940, khi mà chủ nghĩa phát xít đang
thắng thế cả ở châu Âu lẫn châu Á, khi mà Đức đã thống trị nước Pháp và đang ồ
ạt tấn công Liên Xô, quân đội Xô Viết liên tục phải rút lui; quân đội phát xít Đức
đã đến tận chiến trường Điện Krem-li. Nguyễn Ái Quốc với tầm nhìn của thời đại
đã nhận định: Liên Xô và Đồng minh sẽ thắng; Nhật - Pháp ở Đông Dương sẽ bắn
nhau; Việt Nam lúc đó sẽ có thời cơ để giành lại độc lập.
Khoảng cuối năm 1941, khi viết diễn ca về lịch sử nước ta, ở phần cuối cùng
“Những năm quan trọng”1, Hồ Chí Minh viết: “1945: Việt Nam độc lập”. Đến
tháng 10 - 1944 trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc”2, Người viết: “Cơ hội cho
dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa. Thời gian rất
gấp. Ta phải làm nhanh!”.
Chuẩn bị để đón thời cơ: Từ đoán định thời cơ (cả định tính lẫn định lượng)
như trên, Lãnh đạo Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân chuẩn bị
một cách cơ bản nhất, chu đáo nhất, triệt để nhất và đầy đủ mọi yếu tố, mọi điều
kiện nhất để đón thời cơ. Về chính trị - tư tưởng: đưa ra mục tiêu và nhiệm vụ


trước mắt là giải phóng dân tộc, giành lại độc lập với tinh thần: “Đem sức ta mà
giải phóng cho ta”, phát huy cao độ tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân,
lấy đó làm cơ sở để tập hợp quần chúng vào các tổ chức cách mạng. Về tổ chức:
Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng họp vào tháng 5 - 1941 quyết định
thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên: “Việt Nam độc lập đồng
minh” (Gọi tắt là Việt Minh) cùng các đoàn thể có chung 2 chữ “Cứu quốc” như:
Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc,
Nhi đồng cứu quốc, Phụ lão cứu quốc… Trên cơ sở lực lượng chính trị nói trên,
các đơn vị du kích, các tổ chức vũ trang cũng lần lượt được tổ chức từ Đội vũ
trang cách mạng (tháng 11 - 1941) đến Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng
quân (tháng 12 - 1944). Từ năm 1941 - 1944 nhiều lớp cán bộ bao gồm: Cán bộ
chính trị, cán bộ quân sự, cán bộ quần chúng đến đội ngũ thông tin liên lạc đã
được tổ chức và huấn luyện. Theo dõi sát tình hình và thời cuộc cả trong nước và
quốc tế, Đảng ta đã khẳng định được thời khắc của thời cơ (chứ không chỉ là đoán
định nữa). Để chuẩn bị cho cả nước “chớp” được thời khắc ấy, Đảng đã chuẩn bị
cho toàn Đảng, toàn dân tộc tâm thế và tư thế để chủ động và sáng tạo với bản chỉ
thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (tháng 3 - 1945). Có thể nói,
bản chỉ thị này là sự chuẩn bị để phát huy tối đa sức mạnh, hiệu lực và hiệu quả
của tất cả mọi sự chuẩn bị từ đầu năm 1941 cho đến khi Cách mạng tháng Tám
bùng nổ.
Tận dụng triệt để thời cơ: Thời khắc mở đầu thời cơ để tổng khởi nghĩa giành
chính quyền là lúc phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Thời điểm mà thời
cơ sẽ hết là lúc quân Đồng minh đổ bộ vào nước ta để tước khí giới của quân Nhật.
Đây là quãng thời gian cực kỳ ngắn ngủi. Thời cơ cho tổng khởi nghĩa đã đến rất
nhanh và cũng sẽ đi qua rất nhanh (chỉ khoảng không đến 2 tuần lễ).
Với ý chí: “…Dù hi sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng
phải giành cho được độc lập”; với tinh thần: “Không thể để lỡ cơ hội”, Lãnh tụ Hồ
Chí Minh và Đảng ta đã kịp thời và khẩn trương tổ chức Hội nghị toàn quốc của
Đảng, quyết nghị thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Và 23 giờ ngày 13-8-
1945, Ủy ban đã ban bố quân lệnh số 1, hạ lệnh khởi nghĩa. Tiếp ngay sau đó,

Quốc dân đại hội đã họp cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do cụ Hồ Chí
Minh làm Chủ tịch. Chính Người nhân danh Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng
đã gửi Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa đến đồng bào cả nước. Trong thư có đoạn viết:
“…Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng
dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Toàn bộ công cuộc chuẩn bị để đón thời
cơ đã tạo thành sức mạnh làm nên bão táp cách mạng để chỉ huy trong vòng hơn
10 ngày, cuộc tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Chế độ thực dân hơn
80 năm, chế độ phong kiến hàng nghìn năm đã bị lật nhào! Chính quyền đã thuộc
về nhân dân. Nền độc lập của Tổ quốc đã được giành lại. Tự do của dân tộc đã
được hồi sinh! Lịch sử Việt Nam đã mở ra những chương mới! Thời cơ ngàn năm
có một đã được tận dụng thành công để có cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc
mẫu mực về mọi phương diện.
Sau hơn 20 năm đổi mới, đất nước ta đã có vị thế mới cả về chính trị và kinh tế
và đang đứng trước thời cơ (vận hội) để cơ bản trở thành một nước công nghiệp
theo hướng hiện đại vào năm cuối của thập niên thứ hai thế kỷ XXI.
Vận dụng bài học thời cơ của Cách mạng tháng Tám vào thời điểm lịch sử hiện
nay có ý nghĩa thực tiễn rất lớn cả trong tư duy và hành động của mỗi con người,
mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và của toàn dân tộc.
Thứ nhất: Chúng ta đã có và đang có thời cơ lớn (vận hội lớn). Thời cơ này có
được là từ các nhân tố sau đây:
- Việt Nam nằm giữa khu vực Đông Á và Đông Nam Á, khu vực năng động
nhất và có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất hiện nay. Nhiều tổ chức kinh tế
và nhiều nhà kinh tế thế giới đã nhận định rằng: Sự tăng trưởng kinh tế thế giới
đang chuyển từ phương Tây sang phương Đông.
- Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang có những bước phát triển hết sức
nhanh chóng. Chính nó tạo điều kiện để các nước “đi sau” có thể rút ngắn thời
gian công nghiệp hóa. Nó tạo ra lợi thế để phát huy tối đa tiềm năng trí tuệ của con
người Việt Nam.
- Xu hướng mang tính quy luật của hội nhập quốc tế, tạo điều kiện nước ta có
thể tranh thủ ngoại lực tài chính, nguồn lực khoa học - công nghệ từ các nước phát

triển để phát triển đất nước nhanh hơn, để có thể “đi tắt đón đầu” mà không nhất
thiết cứ phải đi theo tuần tự ở tất cả mọi quá trình như các nước công nghiệp đi
trước.
- Những thành tựu và bài học của công cuộc đổi mới đất nước hơn 20 năm qua
đã đặt đất nước ta vào “đường băng” để “cất cánh” đúng với ước nguyện của dân
tộc, hợp với xu thế của thời đại. Đất nước đã hội đủ các điều kiện để kết hợp một
cách hiệu quả nhất sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Thời cơ mà chúng ta đang có không quá ngắn ngủi như thời cơ trước Cách
mạng tháng Tám (1945) nhưng vẫn là thời cơ có hạn. Hơn nữa, cùng với thời cơ,
đan xen với thời cơ là những thách thức rất lớn và không kém phần khắc nghiệt.
Bởi vậy, chúng ta đã chuẩn bị và còn phải tiếp tục chuẩn bị để không tuột thời cơ,
để tận dụng được thời cơ, vượt qua thách thức.
Thứ hai: Chúng ta đã và còn phải chuẩn bị một cách đầy đủ nhất các yếu tố,
những điều kiện để tận dụng được thời cơ, vượt qua được thách thức. Cụ thể là:
- Về nhận thức và tư tưởng: Phát huy lòng yêu nước, ý thức tự tôn tự trọng của
dân tộc để không cam chịu đói nghèo và lạc hậu, để đem sức ta mà xóa nghèo đi
lên giàu mạnh - không ai làm thay và cũng chẳng có ai làm thay cho chúng ta cả.
Cuộc chiến đấu chống đói nghèo lạc hậu thực chất là cuộc chiến đấu để tự ta vượt
lên chính ta. Ta đã thắng giặc ngoại xâm thì chúng ta cũng hoàn toàn có thể thắng
giặc đói và giặc dốt.
- Về tổ chức, con người và nguồn lực:
Suy cho cùng, trên cơ sở tư thế và tâm thế thực hiện nội tại là yếu tố có ý nghĩa
quyết định để tận dụng được thời cơ. Thực hiện nội tại được cấu thành bởi các yếu
tố sau đây: Sự ổn định chính trị, sự đồng thuận xã hội; Khả năng huy động nguồn
lực tài chính của mọi thành phần kinh tế cả trong và ngoài nước để đầu tư cơ sở hạ
tầng, đầu tư cho phát triển; Năng lực hoạch định chiến lược phát triển, mô hình
tăng trưởng cùng năng lực hoạch định cơ chế, chính sách để tổ chức, quản lý và
điều hành nền kinh tế thị trường trong xu thế hội nhập; Tiềm lực khoa học - công
nghệ bao gồm tiềm lực sáng tạo công nghệ, làm chủ công nghệ cao và công nghệ
quản lý hiện đại; Cuối cùng là đội quân chủ lực trên mặt trận kinh tế bao gồm các

nhà quản lý giỏi của mọi thành phần kinh tế, mọi quy mô doanh nghiệp, các
chuyên gia, cán bộ kỹ thuật cao và lực lượng lao động có tri thức, có tay nghề cao.
Tất cả các yếu tố trên cần được chuẩn bị một cách căn cơ, nhất quán và được
tập hợp trong một “thế trận” thống nhất hướng vào mục tiêu chung: Việt Nam cơ
bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
- Chủ động, tích cực tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Trong điều kiện quốc tế ngày nay, không có một quốc gia nào có thể một mình cô
lập với thế giới mà có thể phát triển được, dẫu đó là quốc gia đã có nền kinh tế
phát triển. Đây là điều cần và đủ để nội lực của Việt Nam được đặt vào xu thế
chung của thế giới, của thời đại. Việt Nam phải tạo lập cho được “chỗ đứng” của
mình trong các chuỗi kinh tế toàn cầu để chúng ta vừa đóng góp vừa tận dụng
được sức mạnh chung của nền kinh tế hậu công nghiệp hay còn gọi là kinh tế tri
thức.
Thứ ba: Phát huy cao nhất sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nắm
vững nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, nhiệm vụ then chốt là xây dựng
Đảng là đòi hỏi tất yếu để quá trình chuẩn bị cho việc tận dụng thời cơ cũng là quá
trình hành động để biến thời cơ thành hiện thực.
Thời cơ để vĩnh viễn thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu là thời cơ chung của nhiều
quốc gia - dân tộc. Nhưng, quốc gia - dân tộc nào có sự chuẩn bị đầy đủ nhất, có
đội tiên phong lãnh đạo ưu tú nhất, bản lĩnh nhất, có khối đoàn kết chặt chẽ nhất,
quốc gia dân tộc đó mới có thể nắm bắt và tận dụng được thời cơ. Thời cơ là yếu
tố phần lớn mang tính khách quan; còn biết và tận dụng lại phụ thuộc phần lớn vào
các nhân tố chủ quan. 65 năm trước đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch
Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã phát huy cao độ những nhân tố chủ quan để tận dụng
thời cơ làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám (1945). Ngày nay, vận
dụng bài học lịch sử của Cách mạng tháng Tám vào điều kiện và nhiệm vụ lịch sử
mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta nhất định lại sẽ tận dụng triệt để vận
hội và thời cơ để xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh,
xã hội công bằng - dân chủ - văn minh./.


Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, trang
229-230.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, trang
505-506

×