Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học " Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp bệnh “Lùn sọc đen phương nam” hại lúa tại Nghệ An " doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (204.67 KB, 10 trang )

Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp bệnh “Lùn sọc đen phương nam” hại lúa
tại Nghệ An
Dự án: Áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình quản lý tổng
hợp bệnh “lùn sọc đen phương Nam” hại lúa tại Nghệ An Chủ nhiệm dự án: Th.S
Trịnh Thạch Lam Cơ quan chủ trì: Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An
Dự án: Áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình quản lý tổng hợp
bệnh “lùn sọc đen phương Nam” hại lúa tại Nghệ An
Chủ nhiệm dự án: Th.S Trịnh Thạch Lam
Cơ quan chủ trì: Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong mấy năm gần đây, sự bùng phát của bệnh lùn sọc đen phương Nam
(hay còn gọi là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá) đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng
đến năng suất lúa. Đây là loại bệnh rất nguy hiểm trên cây lúa, có tốc độ lây
lan nhanh. Vụ hè thu - mùa năm 2009, bệnh lần đầu tiên xuất hiện đã gây hại
thành dịch ở các tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Nam Định, Thái Bình với tổng
diện tích thiệt hại lên đến trên 40.000ha. Riêng ở Nghệ An, bệnh đã gây thiệt
hại trên 13.500ha, trong đó có 10.500ha bị mất trắng. Thiệt hại kinh tế ước
tính khoảng 140 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các nhà khoa học Bảo vệ thực vật trong và ngoài nước
thì bệnh lùn sọc đen còn có nguy cơ gây hại nặng trong những năm tiếp theo
nếu không có biện pháp quản lý phù hợp. Để chủ động quản lý bệnh có hiệu
quả và bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra, UBND
tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đã giao Chi cục Bảo vệ thực vật
xây dựng và thực hiện dự án “Áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ xây
dựng mô hình quản lý tổng hợp bệnh “lùn sọc đen phương Nam” hại lúa tại
Nghệ An” trong năm 2010.
II. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1. Kết quả thực hiện mô hình quản lý bệnh lùn sọc đen phương Nam
Mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật quản lý bệnh lùn sọc đen phương Nam
(các giải pháp kỹ thuật quản lý bệnh áp dụng theo dự thảo quy trình ở giai đoạn 1
của dự án) được triển khai trên quy mô 25ha tại các xã Hồng Thành. Huyện Yên


Thành (15ha), xã Long Sơn, huyện Anh Sơn (10ha) cho các vụ sản xuất lúa xuân
và vụ hè thu - mùa năm 2010. Kết quả thực hiện mô hình đạt được như sau:
1.1. Tình hình gây hại của rầy và bệnh lùn sọc đen phương Nam trên địa bàn
tỉnh Nghệ An trong năm 2009 - 2010
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, hàng năm Nghệ An gieo cấy 178-185 nghìn
ha lúa. Trong 2 năm (2009, 2010), trên địa bàn Nghệ An, rầy nâu, rầy lưng trắng
(rầy lưng trắng chiếm 70-80%) thường phát sinh gây hại với mật độ cao và trên diện
rộng. Đặc biệt, từ vụ hè thu - mùa năm 2009, sự bùng phát của rầy lưng trắng đã kéo
theo dịch bệnh lùn sọc đen phương Nam phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại
nghiêm trọng đến năng suất lúa. Diện tích nhiễm rầy và bệnh lùn sọc đen phương
Nam trong các năm 2009-2010 trên địa bàn Nghệ An (nguồn Chi cục BVTV Nghệ
An) được trình bày ở bảng.

Bảng: Tình hình gây hại của rầy và bệnh lùn sọc đen phương Nam
tại Nghệ An trong các năm 2009-2010
Bệnh lùn sọc đen phương Nam Rầy nâu + rầy lưng trắng
Vụ xuân (ha)
Vụ hè thu - mùa
(ha)
Vụ xuân (ha)
Vụ hè thu - mùa
(ha) Năm

DTN
DTN
nặng
∑ DTN
DTN
nặng


DTN
DTN
nặng
∑ DTN
DTN
nặng
2009
- - 13.500 10.500 1.372 53 9.576 2.600
2010
18 0 3.800 626 3.095 366 8.952 460
Ghi chú: DTN = Diện tích nhiễm
Kết quả thống kê tại bảng cho thấy: Trong các năm 2009, 2010, rầy lưng trắng
phát sinh gây hại trong cả 2 vụ sản xuất lúa xuân và hè thu - mùa, song trong phạm
vi và mức độ gây hại của rầy vụ hè thu - mùa lớn hơn so với vụ xuân. Bệnh lùn
sọc đen phương Nam gây hại trong vụ hè thu - mùa cao hơn hẳn so với vụ xuân.
1.2. Kết quả theo dõi diễn biến của rầy lưng trắng
1.2.1. Diễn biễn số lượng rầy lưng trắng vào đèn
Rầy lưng trắng là loài có xu tính đối với ánh sáng đèn. Để theo dõi thời gian
phát sinh các lứa rầy trên đồng ruộng phục vụ cho công tác dự tính, dự báo, tiến
hành bố trí các bẫy đèn trên khu vực thực hiện mô hình (01 bẫy đèn/mô hình). Kết
quả theo dõi diễn biến số lượng rầy lưng trắng vào đèn cho thấy:
Tại xã Hồng Thành (Yên Thành): Trong vụ xuân, rầy lưng trắng bắt đầu vào
đèn ngay từ thời kỳ gieo mạ (6/1) song số lượng rầy vào đèn thấp, đặc biệt từ
tháng 1-3. Trong vụ có 04 cao điểm rầy vào đèn: cao điểm thứ nhất vào đầu tháng
2 (08-10/2); cao điểm thứ 2 vào giữa tháng 3 (13-17/3); cao điểm thứ 3 vào giữa
tháng 4 (14-17/4); cao điểm thứ 4 vào đầu tháng 5 (30/4-07/5). Từ cuối tháng 5 trở
đi cho đến hết vụ hè thu - mùa, số lượng rầy vào đèn khá cao, rải đều qua các ngày
và không hình thành rõ các cao điểm.
Tại xã Long Sơn (Anh Sơn): Trong vụ xuân bắt đầu thu được rầy vào đèn từ
thời kỳ mạ (21/1), song các tháng 1, 2, 3 số lượng rầy vào đèn không đáng kể.

Trong vụ có 03 cao điểm rầy vào đèn: cao điểm thứ nhất vào cuối tháng 3 đầu
tháng 4 (31/3-02/4); cao điểm thứ 2 vào nửa cuối tháng 4 (19-22/4); cao điểm thứ
3 vào đầu tháng 5 (02-04/5). Từ trung tuần tháng 5 trở đi cho đến hết vụ mùa, số
lượng rầy vào đèn rất thấp và không hình thành các cao điểm.
Như vậy, việc sử dụng bẫy đèn ít có tác dụng phục vụ cho công tác dự tính dự
báo, chỉ đạo phòng trừ rầy lưng trắng hại lúa. Đặc biệt, trong vụ hè thu - mùa, số
lượng rầy vào đèn khá cao, rải đều và không hình thành các cao điểm. Do đó, việc
sử dụng bẫy đèn theo dõi rầy lưng trắng để xác định thời vụ gieo mạ "né rầy" ít có
ý nghĩa.
1.2.2. Diễn biến mật độ rầy lưng trắng trên ruộng đoạn mạ
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì giai đoạn mạ là giai đoạn cây lúa rất
mẫn cảm đối với vi rút lùn sọc đen phương Nam. Do đó, để phòng chống bệnh thì
việc phát hiện và phòng chống kịp thời rầy môi giới xâm nhập gây hại và truyền
bệnh ở thời kỳ này có ý nghĩa rất quan trọng.
Ở vụ xuân, sau khi mở tấm phủ nilon, rầy lưng trắng bắt đầu xâm nhập song mật
độ rầy ở trên ruộng mạ là rất thấp, do nông dân đã tiến hành phun tiễn chân mạ bằng
thuốc trừ rầy nội hấp.
Ở vụ hè thu - mùa, mật độ rầy lưng trắng gây hại trên mạ khá cao. Trên cả ruộng mô
hình và ruộng đối chứng đều được xử lý bằng Cruiser plus 312,5 FS (0,5 ml/kg giống)
trước lúc gieo. Sau khi gieo mạ 7, ngày rầy đã bắt đầu xâm nhập, song mật độ rầy thấp.
Mật độ rầy trên các ruộng mạ tăng cao ở 14 ngày sau gieo. Trên ruộng mô hình, mạ
được xử lý thuốc trừ rầy nội hấp vào 2 thời điểm là 7 và 14 ngày sau gieo nên đã khống
chế được mật độ rầy ở mức thấp hơn nhiều so với ruộng đối chứng. Mật độ rầy trên các
ruộng mô hình ở 14 ngày sau gieo phổ biến là 4,5-12 con/m
2
so với ruộng đối chứng là
17,5-110 con/m
2
.
Như vậy việc xử lý hạt giống bằng thuốc Cruiser plus 312,5 FS ở liều lượng 0,5

ml/kg giống có hiệu quả phòng trừ rầy cao ở giai đoạn từ gieo đến 7 ngày.
1.2.3. Diễn biễn mật độ rầy lưng trắng trên ruộng lúa sau khi cấy
Cho đến nay việc phòng chống bệnh lúa lùn sọc đen phương Nam chủ yếu thông
qua việc phòng trừ môi giới truyền bệnh. Do đó, việc theo dõi xác định diễn biến quy
luật phát sinh, gây hại của rầy lưng trắng trên đồng ruộng được coi là khâu rất quan
trọng. Kết quả theo dõi diễn biến mật độ rầy trên đồng ruộng cho thấy: Từ sau khi
cấy đến thu hoạch, rầy lưng trắng luôn có mặt trên ruộng lúa.
Năm 2010, trên đồng ruộng rầy lưng trắng phát sinh thành 7 đợt (đợt 1, 2, 3 trên
lúa vụ xuân; đợt 4, 5, 6 trên lúa vụ hè thu và đợt 5, 6, 7 trên lúa vụ mùa) tương ứng
với các giai đoạn cây lúa đẻ nhánh, đứng cái - làm đòng, chín sữa - chín sáp, trong
đó đợt rầy phát sinh vào thời kỳ lúa làm đòng đến trổ và chín sữa - chín sáp có mật
độ cao nhất. Kết quả theo dõi cũng cho thấy trong quần thể rầy luôn có tỷ lệ rầy
trưởng thành khá cao 50-60%.
1.3. Diễn biến bệnh lùn sọc đen phương Nam trên đồng ruộng
Ở giai đoạn mạ, trong vụ xuân ở cả 2 điểm thực hiện mô hình, bệnh lùn sọc đen
phương Nam gây hại không đáng kể. Trên đồng ruộng có phát hiện sự hiện diện
của bệnh song tỷ lệ cây bị bệnh rất thấp. Vụ hè thu - mùa (2010): Tại Anh Sơn, có
phát hiện thấy sự hiện diện của bệnh trên đồng ruộng song tỷ lệ cây bị bệnh quá
thấp. Tại Yên Thành, triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn cây lúa đẻ
nhánh rộ với tỷ lệ cây bị bệnh ban đầu 2,2% đối với ruộng mô hình và 4,3% đối
với ruộng đối chứng. Tỷ lệ bệnh trên đồng ruộng đạt cao nhất vào thời kỳ lúa chín
sữa tương ứng 2,7% đối với ruộng mô hình, 9,5% đối với ruộng đối chứng.
Trong năm, các địa phương đều đã tập trung cao cho công tác chỉ đạo phòng
chống dịch bệnh lùn sọc đen phương Nam. Các giải pháp kỹ thuật áp dụng cơ bản
giống với các giải pháp trên mô hình. Song việc áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật,
đặc biệt là phát hiện phòng trừ rầy kịp thời ở thời kỳ mạ, lúa và tiêu hủy kịp thời
cây bệnh đã làm giảm sự phát sinh gây hại của bệnh lùn sọc đen phương Nam
cũng như quần thể rầy trên đồng ruộng. Tỷ lệ cây bị bệnh trên ruộng mô hình thấp
hơn 6,8% so với đối chứng.
2. Đề xuất quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh lùn sọc đen hại lúa tại Nghệ

An
2.1. Nhận dạng bệnh trên đồng ruộng
Cây lúa bị bệnh có triệu chứng thấp lùn, lá cứng và xanh đậm hơn bình thường.
Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau và gân chính
trên bẹ lá bị sưng lên. Bộ rễ lúa bị bệnh phát triển kém, bị thâm đen và rất dễ nhổ.
Cây lúa bị bệnh sớm thì phát triển còi cọc, lụi dần và chết. Từ giai đoạn làm đòng
và khi cây lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ
bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp, mới đầu có màu trắng, sau
tạo thành các sọc màu đen. Khi bị bệnh nặng, cây lúa không trổ bông được hoặc
trổ không thoát, hạt lép và thường bị đen.
2.2. Các biện pháp kỹ thuật phòng trừ bệnh
2.2.1. Xử lý đồng ruộng trước khi gieo cấy
Trên những vùng bị bệnh cần dọn sạch tàn dư cây trồng, cỏ dại và cày lật gốc rạ
ngay sau khi thu hoạch để ngăn ngừa lúa chét, lúa tái sinh. Trước khi gieo cấy 5-7
ngày, vệ sinh dọn sạch tàn dư cây trồng, cỏ dại quanh bờ, ruộng, mương dẫn nước,
sơn bờ. Bón vôi bột với lượng 25-30 kg/500m
2
và cày bừa kỹ.
Kiểm tra, bao vây phun trừ kịp thời rầy lưng trắng trên bờ vùng, bờ thửa,
mương máng khi có mật độ cao để hạn chế rầy mang bệnh di chuyển sang gây
hại và truyền bệnh cho mạ, lúa.
2.2.2. Giống và thời vụ
Chọn và sử dụng giống lúa có chất lượng tốt. Trên cùng một xứ đồng nên sử
dụng 1-2 giống có cùng thời gian sinh trưởng. Gieo cấy đúng lịch thời vụ của địa
phương, tỉnh đã quy định cho từng giống, từng vùng.
2.2.3. Bảo vệ mạ
Gieo mạ tập trung để thuận lợi trong việc chăm sóc, bảo vệ. Không gieo thẳng,
không cắt từng khoảnh trong ruộng lúa đang chín để gieo mạ. Không gieo mạ ở
gần những ruộng đang có nguồn bệnh, ven đường giao thông, những nơi có nguồn
sáng cao thu hút rầy vào ban đêm.

Đối với lúa xuân: Thực hiện che phủ nilon cho mạ để vừa chống rét vừa ngăn
chặn sự xâm nhập gây hại của rầy. Nếu gặp điều kiện thời tiết nắng ấm thì buổi
sáng có thể dỡ nilon song phải che phủ lại trước 17h.
Đối với vụ hè thu, vụ mùa: Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng thuốc xử lý hạt
giống như: Enaldo 40FS, Cruiser Plus 312,5FS.
Sau gieo mạ, thường xuyên điều tra để phát hiện kịp thời sự xâm nhập gây hại
của rầy lưng trắng và sự xuất hiện của bệnh. Khi có rầy lưng trắng gây hại trên mạ,
trước khi đưa ra ruộng cấy 2-3 ngày tổ chức phòng, trừ bằng thuốc nội hấp đặc
hiệu trừ rầy.
Khi phát hiện mạ có triệu chứng bệnh, kịp thời phun diệt trừ rầy bằng thuốc tiếp
xúc và tiêu hủy cả luống hoặc cả ruộng tùy theo mức độ nhiễm bệnh. Tuyệt đối
không sử dụng mạ tại các ruộng mạ bị nhiễm bệnh nặng để đưa ra ruộng cấy.
2.2.4. Giai đoạn từ cấy đến kết thúc đẻ nhánh
Bón phân cấn đối, tăng cường vôi, phân hữu cơ, lân và kali; tập trung bón lót,
bón thúc sớm.
Trên một xứ đồng, tập trung cấy gọn trong 2-3 ngày để thuận lợi trong việc
chăm sóc và quản lý dịch bệnh. Với mật độ: 35-40 khóm/m
2
và 1-2 dảnh/khóm đối
với lúa lai; 45-50 khóm/m
2
và 2-3 dảnh/khóm đối với lúa thuần.
Trên ruộng chưa phát hiện được triệu chứng của bệnh lùn sọc đen: Thường
xuyên thăm đồng, điều tra phát hiện và tổ chức phun trừ kịp thời bằng thuốc nội
hấp đặc hiệu khi bắt đầu phát sinh các lứa rầy.
Trên những ruộng lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen: Tổ chức bao vây phun trừ rầy
lưng trắng bằng các loại thuốc tiếp xúc hoặc tiếp xúc và nội hấp đặc hiệu trừ rầy,
sau đó nhổ tiêu hủy những cây bị bệnh bằng cách vùi kỹ xuống bùn và cấy dặm lại
bằng cây khỏe, trường hợp những diện tích lúa bị bệnh nặng không còn khả năng
cho thu hoạch thì cày vùi tiêu hủy toàn bộ ruộng lúa.

2.2.5. Giai đoạn từ phân hóa đòng trở đi
- Thực hiện phòng trừ rầy khi có mật độ cao (20-25 con/khóm trở lên) theo
nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng nồng độ, liều lượng, đúng lúc, đúng cách.
- Thường xuyên kiểm tra để phát hiện nhổ bỏ, tiêu hủy những cây lúa bị bệnh,
đồng thời phun thuốc diệt trừ rầy bằng thuốc tiếp xúc trên ruộng bị bệnh và khu
vực xung quanh.
- Thực hiện chăm sóc, tưới, tiêu hợp lý, kịp thời để cây lúa sinh trưởng phát
triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh.
2.2.6. Các loại thuốc trừ rầy
- Nhóm thuốc nội hấp: Chess 50WF, Alika 247 SC, Sutin 5EC, Dantotsu
16WSG.
- Nhóm thuốc tiếp xúc: Elsin 10EC, Penalty Gold 50EC, Victory 585 EC, Bassa
50EC.
3. Hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội
3.1. Hiệu quả kinh tế
Việc áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh lùn sọc đen hại lúa đã góp
phần tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa thông qua việc tăng năng suất và
giảm lượng giống, phân đạm và thuốc BVTV không cần thiết. Hiệu quả kinh tế
của mô hình tăng 2,745 đến 4,085 triệu đồng/ha/vụ so với đối chứng.
3.2. Hiệu quả về xã hội
Việc thực hiện mô hình đã giúp nông dân được tiếp cận trực tiếp với các tiến bộ
khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, qua đó nâng cao trình độ kỹ thuật
canh tác, phát hiện và phòng chống dịch hại.
Nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong phòng trừ rầy môi giới và bệnh
lùn sọc đen phương Nam theo hướng bền vững vì sức khỏe bản thân, gia đình và
cộng đồng.
Giúp nông dân chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh, yên tâm
đầu tư phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực.
3.3. Hiệu quả môi trường
Tham gia thực hiện mô hình đã giúp nông dân giảm được 1-2 lần phun thuốc

BVTV, giảm lượng đạm dư thừa không cần thiết, qua đó góp phần bảo vệ môi
trường, sự đa dạng sinh học trên đồng ruộng và sức khoẻ cộng đồng.
Việc lựa chọn và sử dụng các loại thuốc trừ rầy nội hấp thế hệ mới có hiệu quả trừ
rầy cao, ít độc hơn đối với con người, môi trường và các sinh vật có ích trên đồng
ruộng đã góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khoẻ cộng đồng.
III. KẾT LUẬN
- Ở các địa phương thực hiện mô hình sử dụng bẫy đèn theo dõi rầy lưng trắng
di trú để xác định thời vụ gieo mạ "né rầy" là không có ý nghĩa.
- Rầy lưng trắng luôn có mặt trên đồng ruộng từ khi gieo mạ cho đến kết thúc
vụ. Trong năm 2010, rầy lưng trắng phát sinh thành 7 đợt (đợt 1, 2, 3 trên lúa
xuân; đợt 4, 5, 6 trên lúa hè thu và đợt 5, 6, 7 trên lúa vụ mùa) tương ứng với các
giai đoạn cây lúa đẻ nhánh, đứng cái - làm đòng, chín sữa - chín sáp, trong đó đợt
rầy phát sinh vào thời kỳ lúa làm đòng đến trỗ và chín sữa - chín sáp có mật độ cao
nhất.
- Xử lý hạt giống bằng thuốc Cruiser plus 312,5 FS ở liều lượng 0,5 ml/kg
giống có hiệu quả phòng trừ rầy cao ở giai đoạn từ gieo đến 7 ngày.
- Các thuốc trừ rầy như Chess 50WG, Penalty Gold 50EC, Elsin 10EC, Sutin
5EC, Dantotsu 16WSG đều cho hiệu lực trừ rầy cao sau 5-7 ngày. Hiệu lực các
thuốc đều đạt trên 80% ở 7 ngày sau phun.
- Trên cơ sở kết quả thực hiện mô hình và các thực nghiệm hoàn thiện, đề xuất
được quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh lùn sọc đen hại lúa trên địa bàn tỉnh Nghệ
An.

- Trên cơ sở kết quả thực hiện mô hình và các thực nghiệm hoàn thiện, đề xuất
được quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh lùn sọc đen hại lúa trên địa bàn tỉnh Nghệ
An.
Dự án vừa mang tính chất xây dựng mô hình, vừa mang tính chất nghiên cứu
thử nghiệm thăm dò. Qua 01 năm thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả nhất
định. Đề nghị tiếp tục thực hiện dự án trong năm tiếp theo để có những kết luận
chính xác hơn./.


×