Xây dựng bản đồ công nghệ phù hợp cho Việt Nam
Những quyết định đầu tư liên quan tới chuyên môn khoa học công nghệ ở tầm
ngành công nghiệp không thể chỉ xây dựng căn cứ trên ý kiến của một số nhà quản
lý, công chức Nhà nước. Phải có những hội đồng hoạt động chuyên nghiệp với
những cá nhân nhà khoa học có uy tín cao trong và ngoài nước, đặc biệt là đối với
những kế hoạch phát triển dài hơi ngốn nhiều tiền của từ ngân sách.
Việt Nam đã thoát ra khỏi ngưỡng đói nghèo trở thành quốc gia có mức thu
nhập trung bình. Nền kinh tế của chúng ta không còn chỉ làm để đủ ăn. Vấn đề
cấp thiết đang đặt ra là đầu tư cho cái gì và như thế nào để tăng trưởng một cách
đúng hướng nhất, bền vững nhất. Tầm nhìn chiến lược đó đòi hỏi một tấm bản đồ
công nghệ phù hợp.
Lịch sử cung cấp cho chúng ta những bài học sinh động về tầm quan trọng của
bản đồ công nghệ. Người Trung Quốc mày mò tìm ra thuốc súng đầu tiên nhưng
không dùng vào việc gì đáng kể hơn là tiêu khiển, trong khi người phương Tây là
kẻ học lỏm và đến sau rất lâu nhưng lại có thể dùng để thông đường, khai mỏ, và
ứng dụng vào vũ khí tạo dựng quyền lực khuynh đảo thế giới trong vài thế kỷ. Qua
đó thấy rằng vận dụng một công nghệ vào đúng công việc, đúng thời điểm, đúng
điều kiện phù hợp, thì cơ hội có thể mở ra vô vàn.
Nhưng ngược lại, dùng sai công nghệ, hoặc lựa chọn sai công nghệ để đầu tư
nghiên cứu, thì hậu quả cũng khôn lường. Quyết định của NASA trong việc
nghiên cứu chế tạo kính viễn vọng James Webb Space Telescope nếu gặt hái thành
công thì có thể sẽ là bản lề giúp đưa nền thiên văn của nhân loại sang hẳn một
chương mới. Nhưng nếu thất bại, dự án này - vốn tiêu tốn nhiều tỷ USD và làm
suy kiệt ngân sách dành cho các hướng nghiên cứu quan trọng khác - có thể làm
chậm bước tiến của ngành thiên văn học xấp xỉ cả thập kỷ.
Con người hiện đại có ý thức rất rõ ràng về tầm quan trọng của việc lựa chọn
nghiên cứu những công nghệ phù hợp cho mình. Họ xây dựng nên các bản đồ
công nghệ để qua đó xác định rõ các phương hướng cần nghiên cứu và giúp phân
phối nguồn lực đầu tư giữa các hướng nghiên cứu một cách hợp lý. Từ Chính phủ,
các cơ quan nghiên cứu tới doanh nghiệp, mỗi đối tượng tương ứng với một quy
mô bản đồ công nghệ đặc thù riêng. Có thể định nghĩa: Bản đồ công nghệ là một
kế hoạch phát triển công nghệ trong đó xác định các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn
của một đối tượng chủ thể (ví dụ: doanh nghiệp, ngành công nghiệp, Chính phủ…)
và những công nghệ cần được làm chủ để đáp ứng các mục tiêu này. Bản đồ công
nghệ cũng đồng thời là công cụ cơ sở giúp lên kế hoạch tập trung và điều phối các
nguồn lực dành cho phát triển công nghệ.
Để xây dựng bản đồ công nghệ, người ta thường tìm hiểu xuất phát từ hai
hướng:
- Thị trường đang cần sản phẩm gì, sản phẩm ấy cần công nghệ như thế nào?
- Trình độ công nghệ của chúng ta đang ở đâu, có thể dùng vào mục tiêu gì và
khả năng nâng cấp tới mức nào?
Tư duy theo hai hướng nói trên khi gặp được nhau sẽ giúp giải đáp tiếp một loạt câu
hỏi: Cần đầu tư cho ngành gì và phải nắm giữ những công nghệ nào? Cái gì nên tự
nghiên cứu, cái gì nên mua sẵn, cái gì nên mua về tìm hiểu rồi tự mô phỏng nhân rộng?
Đã có bản đồ công nghệ cho các vùng, ngành công nghiệp Việt Nam?
Thực tế cho thấy Việt Nam chưa có một bản đồ công nghệ đúng nghĩa ở tầm
ngành công nghiệp chứ chưa nói tới tầm quốc gia. Chính vì thế, chúng ta đã phạm
không ít sai lầm trong việc lựa chọn công nghệ cho nghiên cứu và ứng dụng vào đầu
tư sản xuất, khiến tài nguyên và cơ hội phát triển bị lãng phí.
Mỗi bản đồ công nghệ đều phải gắn với lợi ích thiết thực của các vùng địa
phương cụ thể, các ngành công nghiệp cụ thể. Vì vậy, khi chưa có những quy hoạch
vùng, quy hoạch ngành hợp lý, thì chưa thể bàn đến bản đồ công nghệ.
Quy hoạch vùng thiếu cân nhắc nên một số dự án công nghiệp trọng điểm bị đưa
vào miền Trung, nơi điều kiện hạ tầng và tự nhiên đều hạn chế, khiến việc triển khai
chậm trễ kéo dài, hiệu quả đầu tư không cao. Chưa kịp rút kinh nghiệm về những
khó khăn khi đầu tư cho Dung Quất và sa lầy với Vinashin, ngày nay người ta lại
chủ trương đầu tư để thí điểm nội địa hóa công nghệ nhiệt điện ở Nghệ An. Đây là
dự án còn đang trên giấy nhưng tính rủi ro đã rất cao. Công nghệ điện than khó có
khả năng nhân rộng hàng loạt ở Việt Nam trong tương lai gần cũng như xa vì nguồn
than trong nước cũng như thế giới đang ngày càng hạn chế. Hiện nay, Việt Nam đã
nhập khẩu than), đồng thời đòi hỏi sản phẩm có tính đồng bộ và tiên tiến về công
nghệ của các nước công nghiệp phát triển. Việc đầu tư mang tính thí điểm, năm ăn
năm thua, ở một địa phương đang chưa có nguồn điện đáng kể nào khác làm nguồn
dự phòng cũng là dấu hỏi lớn. Nếu thất bại, Nghệ An sẽ phải chấp nhận chậm phát
triển thêm ít nhất nửa thập kỷ nữa.
Vì sao chúng ta còn những hạn chế trong việc đánh giá tính cần thiết và cân nhắc
lợi ích thực tiễn của những công nghệ được lựa chọn đầu tư? Nguyên nhân cơ bản
có lẽ là ở phương pháp điều hành của Nhà nước “đẽo chân cho vừa giày”. Những
quyết định ở tầm chiến lược liên quan tới chuyên môn khoa học công nghệ được
đưa ra để phù hợp với chủ trương chính trị - kinh tế - xã hội nhiều hơn là căn cứ trên
ý kiến của các hội đồng thực thụ đáp ứng được các đòi hỏi cần thiết về chuyên môn.
Phương hướng giải pháp
Đã đến lúc cần đổi mới về cách nghĩ, cách làm và nâng cấp chất xám để có
những bản đồ công nghệ phù hợp với nhu cầu và điều kiện phát triển. Mỗi vùng,
mỗi ngành công nghiệp phải có câu trả lời cho 3 câu hỏi cơ bản trước khi hoạch
định chiến lược phát triển công nghệ: Nhu cầu thực tiễn gì đang cần được giải quyết
bằng các giải pháp công nghệ? Ai đủ trình độ làm bản đồ công nghệ? Nguồn tài
chính và các nguồn lực khác sẽ được thu xếp và phân phối thế nào? Không phải địa
phương nào, ngành công nghiệp nào cũng cần đến một tấm bản đồ công nghệ chi
tiết tỉ mỉ, nhưng việc đặt ra và trả lời những câu hỏi cơ bản trên đây là điều thiết yếu
đầu tiên.
Trong các yếu tố giúp tạo nên một bản đồ công nghệ đúng nghĩa thì yếu tố con
người là quan trọng nhất. Những quyết định đầu tư liên quan tới chuyên môn khoa
học công nghệ ở tầm ngành công nghiệp không thể chỉ xây dựng căn cứ trên ý kiến
của một số nhà quản lý, công chức Nhà nước. Phải có những hội đồng hoạt động
chuyên nghiệp với những cá nhân nhà khoa học có uy tín cao trong và ngoài nước,
đặc biệt là đối với những kế hoạch phát triển dài hơi ngốn nhiều tiền của từ ngân
sách. Sản phẩm của các hội đồng phải có tính công khai cao để đông đảo đội ngũ
các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia trong nước và quốc tế có thể thường
xuyên thẩm định, đánh giá, cập nhật. Chỉ khi có những hội đồng nghiêm túc như
vậy chúng ta mới có thể sớm rà soát lại các lựa chọn về công nghệ phục vụ cho quy
hoạch ngành, quy hoạch vùng. Căn cứ trên những quy hoạch ngành và quy hoạch
vùng miền được khảo sát kỹ lưỡng, mới có thể có các bản đồ công nghệ đúng đắn,
tạo ra những sản phẩm công nghệ cụ thể phù hợp với các mục tiêu và điều kiện thực
tiễn khách quan trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.