Bí quyết:
Dạy con từ lúc nào?
Ông bà xưa vẫn nói “dạy con từ thuở còn
thơ”, nhưng vợ chồng tôi thật sự lúng túng.
Chúng tôi có hai con gái 13 tháng tuổi (sinh đôi). Bé chị
nhát, trầm tính, hiền, nhưng hay nhõng nhẽo. Bé em dạn dĩ,
gan lì (té không khóc), lại dữ, hay đánh chị. Điểm chung của
hai bé là đòi gì thì đòi bằng được, nếu không đáp ứng là
khóc giãy nảy, rất khó dỗ. Tôi lo con sau này sẽ dữ tính và
sợ hai cháu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực với nhau (có quy luật là
khoảng một vài tháng hai cháu hoán đổi tính với nhau - ở
nhà chúng tôi đùa là “thay ca” và tôi không sao lý giải được
điều này).
Tôi rất muốn uốn nắn con từ bây giờ, nhưng liệu có quá sức
với hai cháu? Hiện tại, hai cháu biết phân biệt một vài bộ
phận cơ thể, đồ vật khi tôi chỉ (dạy ba-bốn lần thì hai cháu
nhớ). Bé em có vẻ “đầu tư suy nghĩ” hơn bé chị.
Xin chuyên gia cho biết, với lứa tuổi này, tôi có thể dạy con
những gì để chúng hiểu và tiếp nhận?
Phương Thùy (Q.Bình Tân, TP.HCM)
Chị Phương Thùy mến,
Dạy con từ thuở còn thơ ngày nay được tính từ khi con là
thai nhi ba-bốn tháng tuổi. Hai con của chị đã 13 tháng tuổi,
càng cần được dạy. Trẻ có khả năng hiểu và tiếp nhận thông
tin từ người lớn nếu người lớn nói dễ hiểu, chậm rãi và nói
với giọng yêu thương. Nhà giáo dục người Ý, bà Maria
Montessori, cho rằng giai đoạn phát triển quan trọng nhất
của trẻ nằm ở sáu năm đầu đời. Lúc này, trẻ tiếp thu thế giới
xung quanh giống như miếng bọt biển hút nước vậy. Do đó,
mục tiêu giáo dục trong thời kỳ này là trau dồi, tu dưỡng
khát khao học hỏi và tiếp thu một cách tự nhiên của trẻ. Bà
cũng cho rằng đây là khả năng duy nhất, đặc biệt trong giai
đoạn đầu đời của trẻ và nó phai nhạt dần sau khi trẻ được sáu
tuổi. Vì vậy, hai con của chị đang ở "thời kỳ vàng" để học
hỏi.
Chị có thể dạy cháu ngôn ngữ, cách cư xử, tìm hiểu thiên
nhiên, đời sống xã hội… một cách tự nhiên qua từng hành
động của chính cha mẹ, qua việc cho cháu tiếp cận với thiên
nhiên, với mọi người, qua các hoạt động hàng ngày, qua trò
chơi, nhất là trò chơi ngoài trời, với bạn bè, với người lớn…
Sự gắn kết của trẻ sinh đôi rất đặc biệt - và hầu hết trẻ sinh
đôi đều chia sẻ mọi thứ - bao gồm cả mầm bệnh mà chúng
mắc phải. Nếu hai cháu sinh đôi cùng trứng, thì về mặt di
truyền, chúng có bộ gen giống nhau. Hai cháu “thay ca”,
hoán đổi tính với nhau cũng là điều dễ hiểu. Trẻ sinh đôi
thường bắt chước nhau. Sau một thời gian chứng kiến chị/em
mình làm nũng thì bé còn lại cũng “tập nhiễm” làm nũng,
trong khi bé kia lại thích thử kiểu “dữ” mà bé đã thấy ở
chị/em mình.
Chị càng cần kiên trì hơn các cha mẹ có con khác tuổi. Khi
cháu nào có hành vi xấu, chị uốn nắn ngay lập tức, để cháu
kia thấy đó là hành vi không được làm. Ví dụ, hành vi đòi gì
là đòi bằng được là hành vi xấu. Chị cần kiên quyết khi đã
quyết định không đáp ứng điều cháu đòi. Nếu cháu khóc, chị
nên để cháu một mình, cần lờ cơn dỗi đi cho “diễn viên” tự
thấy không có “người xem”, sẽ ngưng “diễn”. Đôi khi cháu
có vẻ hiểu mỗi khi chị dạy, nhưng chẳng thay đổi, là vì trẻ
thường mê chơi, dễ sao nhãng, dễ quên. Cha mẹ cần kiên
nhẫn khi uốn nắn trẻ. Một hành vi xấu cần được sửa đổi rất
nhiều lần, nhắc đi nhắc lại. Một cách khác nữa là cha mẹ
tăng cường hành vi tốt ở con bằng cách khen ngợi bé, hướng
dẫn bé làm… để bé bớt dần hành vi xấu.
Cách uốn nắn, dạy con để chúng trở thành những người hiền
lành, biết yêu thương, quan tâm đến người khác… là điều
cha mẹ nào cũng quan tâm. Cha mẹ cần nhớ là trẻ sinh đôi
cũng giống như bao trẻ khác, chúng cũng có cơ thể khác
nhau, những tâm hồn và bộ óc khác nhau. Và bởi thế, tất
nhiên sẽ phát triển những tính cách cá nhân khác nhau. Cha
mẹ nên là người giúp trẻ phát huy cá tính. Miễn sao cá tính
đó không làm hại trẻ, không ảnh hưởng đến người khác. Còn
sự yêu thương và quan tâm đến người khác là những đức
tính cần được trau dồi theo thời gian. Chị có thể giúp các
cháu học cách yêu thương bản thân, yêu thương chị em, yêu
thương cha mẹ và mọi người xung quanh bằng những việc
làm hàng ngày như chăm sóc bản thân, chia sẻ đồ chơi, quan
tâm giúp đỡ cha mẹ, giúp bạn bè, giúp người khó khăn…
Đặc biệt là khi chính cháu cảm thấy được mọi người yêu
thương, tôn trọng cá tính, được quan tâm, chăm sóc đúng
cách, không quá nuông chiều hay quá khắt khe, các cháu sẽ
biết yêu thương.
Chúc chị luôn hạnh phúc bên các cháu!
Dạy con những từ kỳ diệu.
Tôi đang học tập ở Anh và sống cùng gia
đình chủ nhà người Anh. Bữa trước, bé gái -
cháu chị chủ nhà tên Eve tới chơi. Cô bé mới 20
tháng tuổi, đang bập bẹ học nói.
Ngồi trong nhà ấm nên bố cô bé muốn cởi bớt áo khoác của
bé ra. Ông hỏi: "Eve, con có muốn cha cởi áo khoác cho con
không?". Cô bé nhanh nhảu trả lời: "Dạ, vui lòng giúp con
ạ!". Dịch ra dài dòng nhưng trong tiếng Anh thì đơn giản là:
Yes, please! Tôi ngạc nhiên trước phản ứng rất ngoan ngoãn,
lịch sự của bé thì mẹ bé kể thêm: Hai từ đầu tiên mà Eve biết
nói và nói nhiều nhất từ 12 tháng tuổi chính là 'Yes, please'
dù không phải do họ cố ý dạy mà có thể bởi Eve nghe cha
mẹ và những người xung quanh nói hai từ ấy quá thường
xuyên.
Quan sát nhiều hơn về trẻ con lẫn người lớn ở đây, tôi phát
hiện những từ 'cửa miệng', bật ra gần như một phản xạ
không điều kiện của họ chính là 'cảm ơn' (thank you), 'xin
lỗi' (sorry), 'cảm phiền/ xin lỗi' (excuse me), 'vui lòng/ làm
ơn' (please) và 'không có chi' (you are welcome!). Tôi cũng
nhận ra môi trường sống thân thiện, văn minh, lịch sự của họ
có được là nhờ một phần không nhỏ của 5 từ/cụm từ kỳ diệu
trên (magic words).
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Một người muốn mở lời nói với ai điều gì thì thường bắt đầu
bằng 'cảm phiền/ xin lỗi' (excuse me), bước ngang qua mặt
người khác cũng 'cảm phiền/ xin lỗi' (excuse me hoặc sorry),
lỡ đụng nhẹ người khác là vội vàng 'tôi xin lỗi, tôi xin lỗi' rối
rít (I'm sorry, I'm sorry), người nào đó kể cả nhỏ tuổi hơn
giúp mình dù việc rất đơn giản cũng nói 'cảm ơn' (thank you)
chân thành, khi nhận lời 'cảm ơn' từ người khác thì mỉm cười
phản hồi 'Không có chi' (You are welcome!).
Những từ này khiến ai đó đang muốn nhăn mặt khó chịu
cũng kịp dừng lại mà thư giãn nét mặt, ai muốn lớn tiếng
than phiền, trách mắng cũng kịp hạ giọng để trò chuyện một
cách tôn trọng nhất người đối diện. Thật kỳ diệu! Những đứa
trẻ đã được dạy về ý nghĩa và sức mạnh của từng từ/ cụm từ
ấy'.
- Cảm phiền/ xin lỗi (Excuse me): thể hiện sự nhã nhặn, cho
phép chúng ta thu hút sự chú ý của người khác khi họ đang
bận rộn nói chuyện hoặc làm điều gì đó hoặc khiến người
khác tránh sang một bên nhường lối đi cho mình, xin lỗi vì
một lỗi lầm hay nhầm lẫn hoặc mình muốn dừng cuộc nói
chuyện với ai
- Vui lòng/ làm ơn (please): thể hiện sự lịch sự khi đề nghị
người khác làm gì cho mình và cũng khiến họ sẵn lòng giúp
mình làm điều mình muốn. Chẳng hạn: Làm ơn lấy giúp con
ly nước.
- Cảm ơn (thank you): thể hiện lòng biết ơn khi người khác
giúp đỡ mình dù chỉ là một việc rất nhỏ và cũng khiến họ
mong muốn làm nhiều điều khác hơn cho mình trong tương
lai. Ví dụ: người khác nhặt dùm trẻ trái bóng, trẻ cũng nên
nói lời cảm ơn chân thành
- Không có chi (You are wellcome): Đây là cách phản hồi tốt
nhất mỗi khi người khác nói lời cảm ơn chúng ta về những
điều chúng ta đã làm cho họ. Câu này không có nghĩa là điều
chúng ta làm không có ý nghĩa gì mà đơn giản là chúng ta
trân trọng lòng biết ơn của họ và cũng khuyến khích họ duy
trì thói quen nói lời cảm ơn.
- Xin lỗi (I'm sorry): chính là câu nói nhiều sức mạnh nhất,
thể hiện sự hối lỗi khi lỡ làm điều gì đó sai trái hoặc tổn
thương người khác, giúp hoá giải mâu thuẫn, hàn gắn vết
thương lòng mình gây ra cho người khác, gìn giữ mối quan
hệ
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tôi chứng kiến rất nhiều ông bố, bà mẹ ở đây cố gắng dạy
con mình những từ trên kèm theo thái độ phù hợp khi nói
chúng trong từng tình huống của đời sống hàng ngày, nếu
đứa trẻ không nói thì họ lặp lại yêu cầu một cách kiên nhẫn.
Có lần, tôi phát sốt ruột thay khi thấy anh hàng xóm kiên
quyết bắt đứa con 3 tuổi phải nhặt món đồ chơi mà cô bé
vùng vằng vứt xuống đất và nói "con xin lỗi" (I'm sorry) với
anh. Cô bé bướng bỉnh không chịu, anh thì nhắc đi nhắc lại
yêu cầu của mình bằng giọng nhẹ nhàng cho tới nghiêm
khắc (nhưng không quát tháo) suốt 1 tiếng đồng hồ.
Để hình thành được một phẩm chất, một thói quen bền vững
ở trẻ, đòi hỏi người lớn phải tác động ở cả ba mặt: nhận thức,
tình cảm, hành vi. Ba mặt này có thể tác động theo thứ tự
khác nhau. Trẻ bắt đầu học nói từ khoảng 1 tuổi nhưng chủ
yếu là bắt chước người lớn một cách máy móc mà chưa hiểu
rõ ý nghĩa của từ ngữ. Chính vì vậy, các nhà tâm lý giáo dục
khuyên người lớn dạy trẻ có thể bắt đầu từ hành vi. Ví dụ, từ
lúc trẻ 7, 8 tháng tuổi, nhiều phụ huynh Việt Nam đã dạy con
gật đầu và kêu 'ạ, ạ' dù trẻ chưa hề hiểu đó là biểu hiện sự lễ
phép hoặc phụ huynh lại dạy con phải vòng tay chào người
khác, nhận đồ bằng hai tay, vẫy tay tạm biệt trẻ cần làm
theo mà không cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa của các hành
vi.
Sau mỗi lần trẻ thực hiện hành vi tốt, phụ huynh có thể khen
ngợi, bày tỏ sự hài lòng để tạo tình cảm tích cực cho trẻ,
khiến trẻ có mong muốn tái lập lại những hành vi ấy. Khi trẻ
lớn dần lên, lúc đó, phụ huynh có thể tác động vào mặt cuối
cùng - mặt nhận thức bằng cách giúp trẻ hiểu các hành vi đó
có ý nghĩa gì, tại sao phải làm như vậy.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Việc dạy trẻ những từ kỳ diệu cũng có thể áp dụng theo quy
trình trên, chẳng hạn yêu cầu trẻ nói 'xin lỗi' khi làm sai,
'cảm ơn' khi nhận sự giúp đỡ, 'làm ơn/ vui lòng' khi đề
nghị nhưng có lẽ hiệu quả nhất chính là phụ huynh làm
mẫu cho trẻ qua việc sử dụng những từ ấy mỗi ngày.
Hãy chân thành với con.
Con trai vừa bỏ nhà đi bụi. Chồng điện
thoại năn nỉ, thuyết phục; cuối cùng, con hứa
sẽ quay về với điều kiện muốn nói chuyện với
chồng như hai… người đàn ông, dù con chỉ
mới 15 tuổi.
Cha con hẹn gặp ở quán cà phê. Chiều cuối năm se lạnh mà
chồng liên tục vã mồ hôi trước những lời gan ruột của con.
Con ấp úng mở đầu câu chuyện: “Mọi thứ diễn ra trong gia
đình mình đều là giả dối. Con không chịu được nữa”. Con
hỏi cha: “Rốt cuộc, ba với cô Lâm có gì không?”.
Lâm mới về nhận công tác ở cơ quan chồng, chưa quen việc
nên theo chồng nhờ hướng dẫn cũng là bình thường. Rủi sao,
đó lại là cái cớ phát sinh “lời ong tiếng ve”. Tiếng đồn đến
tai vợ. Kết quả, không riêng chồng mà các con cũng bị vạ
lây, cùng gánh chịu những hờn giận, trách móc của vợ.
Không khí gia đình luôn căng thẳng, vợ hết xỉa xói chồng
“ham hố” đến chửi xéo các con “làm người cho ra người”
mỗi khi con mắc lỗi. Đâm nản, mỗi chiều về đến nhà, hễ
thấy mặt vợ… bí xị là chồng quay xe, dông thẳng đến quán
nhậu. Đúng một tuần như vậy thì vợ thua, trở lại ngọt ngào,
vui vẻ như trước. Con trai giải thích: “Mẹ chỉ đóng kịch thôi,
chứ còn giận ba lắm. Ba không thấy có gì khác lạ sao?”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Con cúi đầu: “Không có ba ở nhà, mẹ rất hung dữ, anh em
con làm gì mẹ cũng không vừa lòng, cũng quát mắng. Con
chưa kịp quét nhà, mẹ cầm chổi phang vào con, mắng con là
cái thứ ăn hại, vô dụng. Em Mai điểm toán kém, bị cô giáo
phê bình, mẹ cầm cuốn tập xé nát. Chỉ khi ba về đến nhà, mẹ
mới trở lại là mẹ của trước đây. Mẹ nói cười với ba. Mẹ bắt
tụi con cũng phải vui vẻ. Ngày nào ba về trễ, mẹ kêu tụi con
cùng đợi cơm ba”. Chồng choáng váng, giận run trước
những lời của con. Hóa ra, cái không khí… bỗng dưng đầm
ấm của gia đình chỉ là màn kịch. Chồng giật mình nhớ ra, có
hôm chồng về rất trễ, bữa cơm dọn ra, các con ăn như chưa
từng… được ăn. Chồng ngạc nhiên, hỏi đợi ba làm gì thì vợ
cướp lời: “Bảo ăn trước, có đứa nào chịu ăn. Hai đứa nói đợi
ba về để cùng ăn cho vui”… Con trai kéo chồng về thực tại:
“Mẹ nói phải như vậy để ba thấy gia đình đầm ấm mà quý
trọng vợ con, từ đó không thương cô Lâm nữa”. Chồng như
nghẹt thở, trách mình đã không nhìn ra ánh mắt thẳm buồn
của các con.
Con lại hỏi: “Ba có nhớ hôm đám giỗ ông nội không, cô
Lâm mang đến giỏ trái cây rồi cho em Mai mấy hộp sữa. Lúc
có ba ở đó, mẹ cười rất tươi, bảo em Mai nhận quà của cô
Lâm nhưng sau đó, mẹ dẫn em ra sau nhà giật mấy hộp sữa
trên tay em vứt thùng rác. Mẹ chửi em Mai là cái đồ… giống
cha, ham của lạ!”. Cảm giác nóng ran trong chồng chuyển
thành cơn ớn lạnh. Chồng rùng mình nhớ hôm chồng bất ngờ
về sớm, mới đến ngõ đã nghe tiếng vợ: “Lũ bây biến hết cho
tao nhờ”. Nhưng khi thấy chồng, giọng vợ rất ngọt: “Hai
nhóc đâu, phụ mẹ nhặt rau nấu cơm nè”. Con trai vờ không
nghe thấy, bỏ lên lầu. Còn con gái tiến đến mẹ với vẻ sợ sệt,
mắt đỏ hoe.
Con trai bảo: “Ba bỏ cô Lâm đi, để mẹ không đóng kịch
nữa”. Chồng đau nhói trước đề nghị của con. Vậy là, những
gì chồng giải thích về mối quan hệ với Lâm, vợ chỉ giả vờ
tin. Vẫn đinh ninh chồng có tội, vợ dựng lên màn kịch “lạt
mềm buộc chặt” mỗi khi có mặt chồng; còn sau lưng, bao
oán hờn vợ trút lên đầu con. Sau cuộc trò chuyện, chồng
nghĩ, vợ chồng phải ngồi lại với nhau trong tư cách của
người làm cha mẹ. Hành xử của vợ không những tạo áp lực,
khiến các con khiếp sợ, mà còn là khởi nguồn của thói giả
dối, e sẽ “lậm” vào tính cách các con. Làm cha mẹ, trước hết
phải chân thành với con, thẳng thắn trong mọi tình huống, để
con không sống trong hoài nghi, bất an trong chính gia đình
mình.
Đừng cho con ngay
những gì con muốn.
Vì là trẻ con, nên sự ham muốn và ước mơ
trong các em không bao giờ được thỏa đáp. Nên
người lớn đừng làm hư trẻ con bằng cách gây
ra bản tính tham lam tiềm ẩn trong từng con
người, để ngay từ nhỏ trẻ đã biết cách không
bằng lòng với những gì mình đã có và luôn
luôn muốn có thêm nhiều hơn.
Nếu người lớn cứ cho trẻ con mọi điều trẻ con muốn, con em
chúng ta sẽ trở thành kẻ ích kỷ. Vì những nguy hại trên, đây
là những điều chúng ta cần lưu ý khi mua quà cho con trong
mùa Giáng sinh:
1/ Đừng cho con trẻ những món quà quá lớn hoặc quá sớm
so với tuổi của các bé.
Có thể món quà ấy là tốt, nhưng quá sớm khi con chưa sử
dụng được. Đó sẽ là sự phung phí.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
2/ Quà của con theo ý thích của cha mẹ.
Có khi sự khách quan của người lớn lại vô tình cướp mất
niềm vui của con.
3/ Cho con thật nhiều để bù đắp sự thiếu thốn tình thương
mà con phải chịu, hoặc để thay cho những gì cha mẹ không
thể dành được cho con vì quá bận rộn mưu sinh.
Cách nầy chỉ khiến người lớn sau đó phải khổ sở, nhức đầu,
mệt mỏi vì con không biết gìn giữ, không biết quý những
món quà được có.
4/Đừng chạy theo thời trang hay theo thị hiếu chung của
người chung quanh khi chọn quà cho con.
Còn nếu như con muốn quà thời trang theo thị hiếu và quảng
cáo. Hãy giải thích cho trẻ hiểu. Quà không phải là tìm cái gì
cho thật lạ, thật mới mà chưa ai có để có thể khoe. Có thể khi
đó con có món quà mà ai cũng trầm trồ, mơ ước. Nhưng đó
chỉ là vui nhất thời, còn việc cùng con chọn món quà thích
hợp, hữu ích cho sự học hỏi và phát triển năng khiếu của
con, thì đó mới là món quà có ý nghĩa.
5/Khi cho con quà, chúng ta cũng cần dạy cho con biết chia
sẻ niềm vui với người khác chứ đừng chỉ nghĩ đến chuyện đi
thâu tóm quà cho riêng mình.
Khi trẻ “lớn” hơn tuổi.
Tôi là một bà mẹ ngoài 30 của hai đứa con
trai, cháu lớn của tôi năm nay vừa vào lớp 1.
Thường thì cháu thích xem các kênh hoạt hình
trên ti vi và sở thích cũng không khác gì những
bé cùng lứa, nhưng khoảng hơn ba tháng trở
lại đây tôi bắt đầu thấy cháu có những hành
động và lời nói “người lớn”.
Một hôm, tôi từ nhà tắm bước ra và đang mặc chiếc váy ở
nhà như mọi khi, con trai tôi chạy tới ôm mẹ và hai tay đút
sâu vào cổ áo của tôi sờ soạng lung tung. Thoạt đầu tôi cũng
nghĩ con chỉ mè nheo với mẹ nên tôi không để ý hành động
khác thường của cháu, nhưng dần dần tôi thấy mọi chuyện
không dừng lại ở đó.
Lần khác, có hai bé gái con của chị bạn tới chơi, con trai tôi
hỏi mẹ: “Mẹ ơi! sao hôm nay nhà mình nhiều gái thế?”. Mấy
hôm sau, con trai tôi chạy xe đạp trước sân nhà với mấy bé
cùng lứa ở xóm, và cháu hỏi một bé gái: “Em yêu! Đi không
em yêu, lên đây anh chở cho đi em yêu!”. Tôi không biết
mình có quá nhạy cảm với những lời nói và hành động của
con không, nhưng tôi thấy lo.
M.A. (Q.Tân Bình)
Chào chị M.A!
Chúng tôi rất chia sẻ với những băn khoăn mà chị đang có,
bởi lẽ, quả thực những biểu hiện của con chị đang rất “lớn”
so với độ tuổi của cháu. Cháu vừa vào lớp 1, chỉ khoảng sáu
tuổi. Trong khi, những hành vi, lời nói mà chị mô tả, chúng
ta chỉ có thể thường gặp ở những bé trai bắt đầu vào tuổi dậy
thì.
Tuy nhiên, theo những thông tin chị mô tả, chúng ta cũng
không thể khẳng định là cháu dậy thì sớm. Việc cháu có dậy
thì sớm hay chưa chúng ta còn phải cần nhiều thông tin hơn
thuộc về yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội. Riêng về những phát
ngôn, biểu hiện hành vi thì rõ ràng, chúng tôi khuyên chị
không thể xem thường và cần phải có những biện pháp tác
động cụ thể đến cháu.
“Triệu chứng người lớn” ở cháu, nguyên nhân xuất phát từ
rất nhiều phía. Trong độ tuổi này, trẻ đã ý thức khá rõ về bản
thân mình: giới tính, hình ảnh bên ngoài,… đồng thời, trẻ
cũng sẽ rất quan tâm đến những chủ thể khác (đặc biệt là
những chủ thể khác với bản thân mình). Nhưng vì còn nhỏ
để có thể có những hành vi “quan tâm” hợp lý nên việc cháu
âu yếm mẹ, bất thần khám phá những điều mình tò mò là
điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, sự bùng nổ về thông tin, sự phát
triển của các kênh truyền thông cũng góp phần không nhỏ
trong việc cháu có những phát ngôn gây sốc cho mẹ. Những
kênh truyền hình (dù là dành cho trẻ em) cũng không thể
“sạch” một cách tối đa Những yếu tố này, đã cùng tạo nên
những biểu hiện ở con trai chị.
Rõ ràng, nếu chỉ lo lắng mà không can thiệp kịp thời - im
lặng như cách mà chị đang làm thì diễn tiến của vấn đề này
rất khó lường.
Chị cần quan tâm nhiều hơn đến những chương trình ti vi mà
con mình đang xem. Từ đó, giúp cháu tiếp nhận một cách có
chọn lọc các thông tin từ những văn hóa phẩm giải trí mà
cháu tiếp cận.
Để ứng xử với những phát ngôn gây ngỡ ngàng của con, chị
cần kiên nhẫn trò chuyện cùng con một cách nhẹ nhàng để
con có thể bộc bạch về “nguồn gốc, xuất xứ” của những
ngôn từ mà con có. Từ đây, chị mới có thể “đo đếm” được
mức độ phát triển của con mình và đưa ra cách thức giáo dục
phù hợp.
Trong chuyện con “tò mò” và “khám phá”, chị cần cương
quyết để con hiểu rằng có những chuyện con không được
làm. Điều này là vì con cần phải tôn trọng người khác và tôn
trọng chính mình. Con cũng không được để người khác làm
như thế với mình.
Cuối cùng, chúng tôi khuyên chị nên có sự phối hợp với nhà
trường để có những tác động phù hợp trong việc giáo dục
giới tính cho cháu.
Chúc chị kiên trì và thành công!
Bí quyết: Mẹ dạy con
gái cách yêu
thương.
Món quà tuyệt vời nhất mẹ có thể dành cho
con gái là bài học về tình yêu. Dưới đây là
những nguyên tắc quan trọng bạn nên dạy con
mình.
1. Tự tin vào chính mình
Con gái phải có lòng tự tôn và biết yêu quý bản thân. Nếu ai
đó bảo con phải thay đổi mới có được tình yêu của anh ta,
nếu ai đó không nhận ra giá trị của con, hãy tin rằng anh ta
không xứng đáng để con ngó ngàng tới.
2. Đừng đánh mất bản thân
Khi yêu, phụ nữ không còn là chính mình. Đừng để cảm giác
chông chênh hay chuyện tình cảm cướp đi cuộc sống mà con
xứng đáng được tận hưởng. Sở thích, bạn bè, thời gian riêng
tư, con cần những thứ đấy để được sống hạnh phúc kể cả
khi đã vuột mất tình yêu.