LUẬN VĂN:
Mối quan hệ giữa văn hoá và
du lịch trong thời kỳ đổi mới ở
nước ta hiện nay
Mở đầu
1. Tính cấp thiết của đề tài
Cùng với những thành tựu của công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, du lịch
Việt Nam trong những năm gần đây đã có bước tiến mạnh mẽ. Năm 2004 số lượng
khách quốc tế đến nước ta đã đạt con số trên ba triệu lượt người, khách du lịch nội
địa cũng tăng nhanh. Thực tế này đang đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ cho sự phát triển
văn hoá và mối quan hệ giữa văn hoá và du lịch.
Giữa văn hoá và du lịch từ lâu đã có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. Văn hoá, bản
sắc văn hoá dân tộc là nguồn lực cho hoạt động du lịch. Và du lịch là một hình thức
của hoạt động giao lưu văn hoá ngày càng được đẩy mạnh hiện nay. Du lịch là cầu nối
giữa các bộ phận dân cư thuộc các nền văn hoá khác nhau trên thế giới, đồng thời tạo
lập mối quan hệ trong cuộc sống giữa quá khứ hiện tại và tương lai của mỗi dân tộc.
Với việc tìm hiểu, nghiên cứu đề tài: "Mối quan hệ giữa văn hoá và du lịch
trong thời kỳ đổi mới ở nước ta hiện nay" (qua khảo sát thực tế trên địa bàn Hà
Nội), chúng tôi sẽ có điều kiện nhận diện rõ hơn các phương diện lý luận về mối
quan hệ giữa văn hoá và du lịch, về thực tiễn vấn đề phát triển du lịch dựa trên nền
tảng kế thừa và phát huy di sản và bản sắc văn hoá Thăng Long - Hà Nội - mảnh đất
ngàn năm văn hiến. Đề tài sẽ góp phần đánh giá thực trạng mối quan hệ giữa hoạt
động văn hoá và du lịch (và ngược lại) ở Thủ đô và đề xuất những biện pháp nhằm
giải quyết tốt mối quan hệ này. Đây là vấn đề vừa có ý nghĩa lý luận cơ bản, vừa có
ý nghĩa thực tiễn cấp bách góp phần vào việc xây dựng và phát triển Hà Nội “thành
phố vì hoà bình”, “Thủ đô anh hùng", xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh
lịch, hiện đại, xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc
dân tộc.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Vấn đề phát triển văn hoá và du lịch trong thời kỳ đổi mới ở nước ta hiện nay
đã được một số nhà nghiên cứu văn hoá và du lịch đề cập. Đã có những cuộc hội
thảo, những công trình chuyên ngành đề cập đến vai trò văn hoá đối với phát triển
kinh tế- xã hội nói chung, văn hoá đối với phát triển du lịch nói riêng trên phạm vi cả
nước và ở Hà Nội.
Về di sản văn hoá Thăng Long - Hà Nội, có thể kể tới các công trình nghiên
cứu tiêu biểu như:
- “Thăng Long - Hà Nội” của Tiến sĩ Lưu Minh Trị và Nhà nghiên cứu, Nhà
báo Hoàng Tùng chủ biên, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
- “Hà Nội nghìn xưa” của Giáo sư Trần Quốc Vượng và nhà nghiên cứu Vũ
Tuấn Sán, Nxb Hà Nội, 1998.
- “ Văn hiến Thăng Long”của Giáo sư Vũ Khiêu và nhà nghiên cứu Nguyễn
Vinh Phúc chủ biên, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2000.
- “ Văn hoá Thăng Long - Hà Nội hội tụ và toả sáng” của Giáo sư Trần Văn
Bính chủ biên, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003.
Các công trình nói trên đã hệ thống, khái quát hoá các giá trị văn hoá, các di
sản văn hoá tiêu biểu của Thăng Long- Hà Nội- nguồn lực to lớn cho phát triển du
lịch ở Thủ đô Hà Nội.
Về hoạt động du lịch ở Hà Nội có thể kể tới các công trình sau:
- “Hà Nội trung tâm du lịch của Việt Nam”của Giáo sư Trần Quốc Vượng và
nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Vinh Phúc, Nxb Thế giới, Hà Nội,
1996.
- “Những giải pháp chủ yếu để phát triển du lịch trên địa bàn Hà Nội", Luận
án Tiến sĩ của Bùi Thị Nga, Hà Nội,1996.
- “Du lịch Hà Nội hướng tới 1000 năm Thăng Long” của Nhà nghiên cứu Nguyễn
Vinh Phúc, Nxb Hà Nội, 2000.
- “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô" của Tiến
sĩ Nguyễn Quang Lân, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 2/2005.
Các công trình nói trên đã phân tích thực trạng hoạt động du lịch ở Hà Nội
trong thời gian qua và đề xuất các phương hướng, giải pháp cho phát triển du lịch ở
Thủ đô trong thời gian tới.
Về mối quan hệ giữa văn hoá và du lịch có các công trình tiêu biểu:
- “Du lịch và vấn đề giữ gìn văn hoá dân tộc ở Hà Nội” của Phó Giáo sư- Tiến sĩ
Lê Hồng Lý, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Số 2/2000.
- “Quan hệ du lịch - văn hoá và triển vọng ngành du lịch Việt Nam” của Thạc sĩ
Ngô Kim Anh, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Số 2/2000.
- “Về hiệu quả kinh tế - xã hội của văn hoá qua hoạt động du lịch” của Tiến sĩ
Trần Nhoãn, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Số 4/2002.
- “Suy nghĩ về giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong hoạt động du lịch" của nhà
nghiên cứu Huỳnh Thị Mỹ Đức, Tạp chí Khoa học xã hội, Số 6/2002.
Các tác giả đã ít nhiều đề cập tới mối quan hệ giữa văn hoá và du lịch, phát triển du
lịch gắn với phát triển văn hoá ở nước ta nói chung, ở Hà Nội nói riêng.
Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có công trình nào tập trung nghiên cứu một
cách hệ thống về mối quan hệ giữa văn hoá và du lịch trong thời kỳ đổi mới ở nước
ta hiện nay (qua khảo sát thực tế trên địa bàn Hà Nội).
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn
Mục đích của luận văn là nhằm phát huy vai trò của văn hoá đối với sự phát
triển du lịch trong thời kỳ đổi mới ở nước ta hiện nay (qua khảo sát thực tế trên địa
bàn Hà Nội).
Để thực hiện mục đích trên, luận văn có các nhiệm vụ sau:
- Trình bày những vấn đề lý luận cơ bản về văn hoá, du lịch, về mối quan hệ
văn hoá và du lịch.
- Đánh giá giá trị các nguồn lực văn hoá và thực trạng giải quyết mối quan hệ
giữa văn hoá và du lịch trong thời kỳ đổi mới ở nước ta hiện nay (qua khảo sát thực
tế trên địa bàn Hà Nội).
- Xác định phương hướng và đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm giải quyết tốt
mối quan hệ giữa việc kế thừa và phát huy các giá trị và bản sắc văn hoá dân tộc với
phát triển du lịch ở thủ đô Hà Nội và ở nước ta hiện nay.
4. Phạm vi nghiên cứu của luận văn
Đề tài tập trung làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn giải quyết mối quan
hệ giữa văn hoá và sự phát triển du lịch ở nước ta và ở thủ đô trong những năm gần
đây, chủ yếu là từ năm 2000 đến nay.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn
Đề tài được tiến hành trên cơ sở lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa
Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, chủ trương, chính sách của
Đảng, Nhà nước và Thành uỷ Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội về phát triển văn
hoá và du lịch.
Các phương pháp nghiên cứu chủ yếu được tiến hành là phân tích, tổng hợp,
thống kê, điều tra xã hội học…
6. Những đóng góp mới về khoa học của luận văn
-Đề tài góp phần giải quyết cơ bản mối quan hệ giữa văn hoá và du lịch trên
bình diện lý luận.
- Phân tích đánh giá những giá trị của di sản văn hoá Thăng Long - Hà Nội
nguồn lực cho phát triển du lịch ở Thủ đô.
- Đánh giá thực trạng và đề xuất những giải pháp khả thi nhằm giải quyết tốt
mối quan hệ giữa văn hoá Thăng Long - Hà Nội đối với sự phát triển du lịch ở thủ đô
hiện nay.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận
văn gồm 3 chương, 7 tiết.
Chương 1
Những vấn đề lý luận về mối quan hệ giữa văn hoá
và du lịch trong quá trình đổi mới ở nước ta
1.1. quan niệm về văn hoá
1.1.1. Khái niệm văn hoá
Một quan niệm đầy đủ về bản chất của văn hoá ngày càng được xác định. Nếu
trước đây khái niệm văn hoá chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp trong giới hạn các hoạt
động văn học, nghệ thuật thì ngày nay văn hoá được hiểu theo nghĩa rộng là tổng thể
các hệ thống giá trị bao gồm các mặt tình cảm, tri thức, vật chất và tinh thần của xã
hội do con người sáng tạo ra trong hoạt động thực tiễn - lịch sử của mình, trong mối
quan hệ giữa con người với tự nhiên và xã hội.Trong lễ phát động:
Thập kỷ thế giới phát triển văn hoá“ (Pari tháng 12/1986) Ông F.
Mayor Tổng giám đốc UNESCO đã cho rằng: “Văn hoá là tổng thể sống
động các hoạt động sáng tạo (của các cá nhân và các cộng đồng) trong quá
khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành
nên các giá trị, các truyền thống và các thị hiếu - những yếu tố xác định
đặc tính riêng của mỗi dân tộc [35, tr.32].
Định nghĩa này rất phù hợp với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người
anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới đã nêu ra cách đó trên 40
năm:
Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo
và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo,
văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở
và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó, tức
là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với
biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với nhu cầu
đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn [45, tr.431].
Như vậy từ trong quan niệm của Hồ Chí Minh toát lên một cái nhìn vừa toàn
diện, vừa sâu sắc về nguồn gốc lịch sử của văn hoá, về phạm vi rộng lớn của văn
hoá, về mặt biểu hiện của văn hoá trong đời sống và toàn bộ sinh hoạt của con
người.
Nguồn gốc của văn hoá, theo Hồ Chí Minh là do nhu cầu sinh tồn và mục đích
đời sống của con người. Con người không thể tồn tại nếu như không có khả năng sáng
tạo và phát minh ra văn hoá nhằm đối phó với những thử thách của thiên nhiên và xã
hội.
Về phạm vi và nhân tố cấu thành văn hoá, Hồ Chí Minh soi xét cả hai mặt vật
chất và tinh thần.
Về mặt tinh thần đó là ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn
giáo, văn học nghệ thuật.
Về mặt vật chất đó là những công cụ của sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và
các phương thức sử dụng những công cụ ấy.
Quan điểm toàn diện và sâu sắc của Hồ Chí Minh về văn hoá có ý nghĩa cực
kỳ lớn lao trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến
đậm đà bản sắc dân tộc khi mà Đảng ta xác định: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của
xã hội".
1.1.2. Vai trò của văn hoá đối với phát triển kinh tế - xã hội
Trước đây do thiếu hiểu biết, nhiều người vẫn giữ quan niệm cho rằng: Văn
hoá như là một lĩnh vực đứng ngoài kinh tế, do kinh tế trợ cấp, chỉ khi kinh tế phát
triển thì mới có điều kiện mở mang các hoạt động văn hoá, nâng cao đời sống tinh
thần của con người. Với quan niệm đó, văn hoá được coi như là một hoạt động có
tính giải trí, khi kinh tế còn khó khăn thì ít người quan tâm đến văn hoá, và rõ ràng
trong điều kiện đó thì người ta không thể nhận thấy vai trò của văn hoá đối với phát
triển kinh tế.
Trong thời gian gần đây, từ việc xem xét sự phát triển của nhiều quốc gia mà
đặc biệt là các quốc gia ở khu vực châu á - Thái Bình Dương, người ta đã tìm thấy
những dấu ấn và đặc trưng văn hoá trong phát triển của các quốc gia đó. Thực tế đó
đã khiến người ta không chỉ thừa nhận sự tác động của các yếu tố văn hoá vào quá
trình phát triển kinh tế, mà còn đi sâu xem xét vai trò của văn hoá cũng như tầm
quan trọng của việc đưa các yếu tố văn hoá vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Văn hoá và kinh tế có sự gắn bó tác động biện chứng với nhau. Kinh tế phải
bảo đảm được nhu cầu sống tối thiểu của con người sau đó mới đảm bảo điều kiện
cho văn hoá phát triển. Kinh tế không thể phát triển nếu không có một nền tảng văn
hoá, đồng thời văn hoá không chỉ phản ánh kinh tế mà còn là nhân tố tác động đến
phát triển kinh tế. Sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc chỉ có thể năng động, hiệu
quả, bền vững chừng nào quốc gia đó đạt được sự phát triển kết hợp hài hoà giữa
kinh tế với văn hoá.
Văn hoá mang tính đặc thù của từng quốc gia, từng dân tộc, là những di sản quí
báu tích luỹ được qua nhiều thế hệ, mang đậm bản sắc của quốc gia, dân tộc đó.
Nhưng đồng thời với quá trình phát triển, kế thừa và giữ gìn bản sắc riêng đó, nó còn
tiếp thu những tinh hoa văn hoá của các quốc gia, dân tộc khác, làm cho văn hoá vừa
đậm đà bản sắc dân tộc, vừa có tính thời đại phù hợp với sự phát triển kinh tế trong
điều kiện cách mạng khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hoá ngày càng mạnh mẽ.
Bối cảnh này làm cho vai trò của văn hoá trong hoạt động kinh tế ngày càng được
nâng cao, văn hoá khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo của con người, quyết định sự tăng
trưởng nhanh và bền vững.
Sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta là sự phát triển theo con đường xã hội
chủ nghĩa, vì vậy cần nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò của văn hoá trong sự
nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thực tế khủng hoảng diễn ra ở nhiều nước xã
hội chủ nghĩa trong thời gian qua đã cho thấy những nước đó đã đặt không đúng vị
trí của văn hoá trong phát triển, có những quan niệm không đúng về cách mạng văn
hoá và tư tưởng: Văn hoá thường được xem là yếu tố đứng ngoài kinh tế, tuỳ thuộc
vào kinh tế. Quá trình phát triển văn hoá vì thế lệ thuộc vào sự trợ cấp của kinh tế,
được hoạch định như chính sách xã hội. Mặt khác, cách mạng văn hoá được coi như
là cách mạng chính trị, do đó những cuộc cách mạng văn hoá và tư tưởng thường bị
biến dạng thành những cuộc đấu tranh chính trị đơn thuần như chúng ta đã thường
thấy ở một số nước…Thực tế này đòi hỏi phải có nhận thức mới về vai trò của văn
hoá trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Wang Yalin một học giả của Trung Quốc cho rằng: Công cuộc hiện đại hoá
xây dựng Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc hiện nay đang phải thực hiện
“sự vượt qua kép” tức là phải thực hiện:
Thứ nhất, cả công nghiệp hoá và cả hậu công nghiệp hoá.
Thứ hai, cả về phát triển kinh tế và phát triển nhân văn.
Phát triển kinh tế và nhân văn xã hội là những bộ phận quan trọng của sự phát
triển toàn bộ xã hội dựa vào nhau và thúc đẩy lẫn nhau để phát triển. ông cho rằng
phát triển nhân văn xã hội một mặt được sự hỗ trợ của phát triển kinh tế, mặt khác
lại thực hiện một số chức năng đối với phát triển kinh tế như sáng tạo ra môi trường
tốt đẹp cho phát triển kinh tế trở thành hệ thống đảm bảo cho sự phát triển. Và phát
triển nhân văn xã hội lấy con người làm hạt nhân cung cấp hệ thống định hướng giá
trị cho phát triển kinh tế.
Như vậy rõ ràng là những nhân tố nhân văn xã hội, hay nói cách khác những
nhân tố văn hoá không thể thiếu vắng trong động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế
và tiến bộ văn hoá.
Theo khẳng định của UNESCO: “Nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát
triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hoá, thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân
đối nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn văn hoá, và tiềm năng sáng tạo của những ấy sẽ bị
suy yếu rất nhiều” [60, tr.5].
Văn hoá ngày nay đang trở thành một nhân tố tham gia trực tiếp vào quá trình
phát triển kinh tế. Trong bất kỳ thời kỳ nào, quốc gia nào, con người nào cũng đều
đóng vai trò quyết định với quá trình sản xuất. Mà con người trước hết là một thực
thể văn hoá. Tố chất con người (tinh thần yêu nước, trình độ khoa học kỹ thuật, tinh
thần tổ chức xã hội, tính nhân văn, nhân bản…) cao thấp có ý nghĩa quyết định sức
mạnh của văn hoá. Sự phát triển của mỗi quốc gia không phải chỉ ở tài nguyên thiên
nhiên giàu có, đa dạng mà quyết định là ở sự sáng tạo, trí tuệ, tài năng, đạo đức của con
người, ở trong hàm lượng và sự phân bố tài nguyên tri thức trong cơ cấu sản xuất…
Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng văn hoá, giáo dục đào tạo và
khoa học công nghệ. Các văn kiện Hội nghị Trung ương khoá VII, VIII, IX của Đảng
Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội vừa là
mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Yếu tố nền tảng của văn hoá ở đây là sự hiểu biết, là tri thức, kinh nghiệm và
sự khôn ngoan tích luỹ được trong quá trình học tập, lao động, đấu tranh để duy trì
và phát triển cuộc sống con người. Muốn đạt được mục tiêu công nghiệp hoá, hiện
đại hoá cần phải có sự hiểu biết về tri thức, kinh nghiệm, khoa học công nghệ hiện
đại của nhân loại, đồng thời phải biết phát huy các giá trị của truyền thống văn hoá.
Nhân tố nền tảng này nếu được khai thác và biết cách phát huy thì sẽ trở thành một
động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế.
Kinh nghiệm cho thấy, so với nước Mỹ thì Nhật Bản còn có một số kỹ thuật
nhập khẩu từ Mỹ, nhưng con đường để cho các xí nghiệp của Nhật Bản vượt các xí
nghiệp Mỹ về tăng năng suất lao động lại chính là việc sử dụng các yếu tố truyền
thống trong đó phải kể đến tinh thần gia tộc và tinh thần quần thể của người Nhật.
Người Nhật đã biết phát huy những đặc điểm ưu việt của nền văn hoá truyền thống
thông qua một hệ thống giáo dục và hoạt động văn hoá có sự đầu tư thích đáng về
vật chất và tinh thần. Họ đã không để cho làn sóng hiện đại hoá và giao lưu văn hoá
ồ ạt của thời kỳ mới lấn át các cơ sở văn hoá truyền thống được cố kết hàng ngàn
năm lịch sử của dân tộc như tinh thần kỷ cương trong lao động, tôn ti trật tự cần thiết
trong sự điều hành xã hội, mối liên hệ gia đình, làng xóm, dân tộc có tác dụng đối
với lao động, đức tín nghĩa…
Bên cạnh việc tiếp thu tinh hoa tốt đẹp của văn hoá nhân loại Đảng ta đã cho
rằng bản sắc văn hoá dân tộc là trụ cột của sức mạnh văn hoá. Truyền thống văn hoá
cùng với tinh thần dân tộc là nguồn tài nguyên của dân tộc và đất nước. Trong lịch
sử hàng chục thế kỷ chống ngoại xâm của dân tộc ta, nguồn lực quan trọng nhất
trong truyền thống văn hoá là tinh thần yêu nước, chủ nghĩa yêu nước. Từ khi ra đời
Đảng ta đã động viên, phát huy cao độ tinh thần yêu nước để giành và giữ vững nền
độc lập dân tộc gắn liền với xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Đảng ta luôn nhấn mạnh
việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc phải đi đôi với việc tiếp thu tinh
hoa của văn hoá nhân loại, nhấn mạnh tính dân tộc đồng thời với tính khoa học và
đại chúng, tính tiên tiến gắn với bản sắc dân tộc đậm đà. Đó chính là bản lĩnh, bản
sắc văn hoá Việt Nam, sức mạnh của văn hoá Việt Nam là nền tảng, động lực và mục
tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII đã xác định nhiệm vụ: “Mở cuộc vận
động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Phong trào này đã nhanh chóng được triển
khai sâu rộng và sáng tạo, góp phần làm cho đời sống chính trị ổn định, kinh tế phát
triển, giảm bớt các hộ đói nghèo, giảm các tệ nạn xã hội, phát huy được tình làng
nghĩa xóm, làm đẹp cảnh quan môi trường, làm cho đời sống văn hoá tinh thần ngày
càng phong phú hơn.
Hiện nay trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, chúng ta nhận thức sâu sắc
rằng toàn cầu hoá là cơ hội để văn hoá Việt Nam học hỏi và phát huy các giá trị của
mình. Song chúng ta cũng đối mặt với các thách thức to lớn của quá trình toàn cầu
hoá đối với các giá trị truyền thống dân tộc. Logíc tồn tại của nền văn hoá dân tộc
hiện nay đang diễn ra trong hai quá trình: quá trình đẩy nhanh sự hợp tác trao đổi và
quá trình gia tăng bản sắc của dân tộc. Hai quá trình này thống nhất biện chứng trong
quá trình toàn cầu hoá. Chúng ta nhất thiết phải mở cửa, phải hội nhập để đón nhận
những giá trị mới của nhân loại, đó là lẽ sống còn của dân tộc nhưng mở cửa để hội
nhập và phát triển, mở cửa phải giữ vững nền độc lập dân tộc và gắn liền với chủ
nghĩa xã hội, giữ được cơ cấu và giá trị nội sinh của văn hoá dân tộc.
Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới và trong xu thế toàn cầu hoá, các quan
hệ kinh tế sẽ mang lại sự hưởng thụ các sản phẩm vất chất và tinh thần của nhân loại
với giá rẻ hơn, tiện nghi thuận lợi hơn song nó có khả năng thúc đẩy lối sống tiêu thụ
thực dụng, làm tha hoá nhân cách, làm rối loạn những giá trị xã hội, nó phá vỡ sự cân
bằng của môi trường truyền thống, nó thương mại hoá không ít các hoạt động văn hoá
và quan hệ xã hội. Hệ giá trị làng xã Việt Nam với một cơ cấu cộng đồng bền chặt
đang phải thử thách trước làn sóng đầu tư trong quá trình toàn cầu hoá. Các mối quan
hệ trong gia đình, làng xóm có phần lỏng lẻo dần. Khát vọng làm giàu của các thế hệ
đặc biệt là thanh niên đang gia tăng trước thời cơ và vận hội này với không ít lệch lạc
làm thay đổi cơ cấu giá trị của nền kinh tế cũ để chuyển sang nền kinh tế thị trường.
Việt Nam đã tham gia hội nhập Hiệp hội các nước Đông Nam á (aSEAN),
tham gia diễn đàn hợp tác kinh tế châu á - Thái Bình Dương (APEC) tiến tới gia
nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm liên kết các giá trị khu vực và quốc
tế trong bối cảnh toàn cầu hoá và khu vực hoá gia tăng mạnh mẽ. Chúng ta cũng
bước đầu xây dựng một chiến lược giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Trong chiến lược này, văn hoá được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hoá vừa
là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội. Để Việt Nam phát triển
được trong quá trình toàn cầu hoá, trước hết phải quan tâm xây dựng nền văn hoá
tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nền văn hoá đó xác lập hệ giá trị cơ bản là yêu
nước và tiến bộ với nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội,
có chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưỏng Hồ Chí Minh làm định hướng và thước đo giá
trị.
Các giá trị văn hoá là nhân tố tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần
thay đổi nếp nghĩ, cách làm, kích thích sáng tạo, năng động trong nền kinh tế thị
trường nhưng bên cạnh đó những phản giá trị như chủ nghĩa cá nhân, lối sống tiêu
thụ … xuất hiện đã làm thay đổi bản chất nhân cách của con người và các quan hệ xã
hội, kích thích chủ nghĩa cá nhân, tính vị kỷ…Hơn lúc nào hết, ngày nay văn hoá
phải góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá đích thực để thúc đẩy và
hướng dẫn sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của con người trước những thách
thức của toàn cầu hoá và kinh tế thị trường.
Nếu chúng ta cho rằng văn hoá là hệ thống các giá trị, các truyền thống, các
thị hiếu và lối sống được các cộng đồng sáng tạo nên qua lịch sử phát triển hàng thế
kỷ, dựa vào đó từng dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình, thì rõ ràng văn hoá
không đứng ngoài mà nằm ở trong, là nhân tố nội sinh của sự phát triển kinh tế - xã
hội. Văn hoá với vai trò của mình làm nền tảng và định hướng cho cái đúng, cái hay,
cái đẹp trong tư duy của nhà chiến lược, trong suy nghĩ của nhà hoạch định chính
sách, trong hành vi ứng xử của doanh nhân, trong ngoại giao và trong hoạt động du
lịch…
Từ Đại hội VI (1986) đến nay nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, mở
rộng kinh tế đối ngoại, bước vào ngưỡng cửa của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất
nước. Muốn thực hiện được tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ
đổi mới, điều quan trọng trước tiên là phải phát huy nguồn lực văn hoá, nâng cao trình
độ văn hoá của toàn dân tộc.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra những quan điểm cơ bản chỉ đạo sự nghiệp
xây dựng và phát triển văn hoá trong thời kỳ đổi mới theo định hướng xã hội chủ
nghĩa:
- Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội vừa là mục tiêu vừa là động lực
thúc đẩy công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
- Nền văn hoá mà chúng ta cần xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản
sắc dân tộc mang nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kế thừa
truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hoá của nhân loại.
- Nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất mà đa dạng của một quốc
gia dân tộc thống nhất; tổng hoà các tinh hoa văn hoá của các dân tộc anh em cùng
chung sống trên mảnh đất Việt Nam.
- Văn hoá là một mặt trận, người làm văn hoá là chiến sỹ trên mặt trận ấy.
- Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là sự nghiệp sáng tạo
của toàn dân do Đảng lãnh đạo, đội ngũ trí thức gắn bó với nhân dân là lực lượng quan
trọng.
- Có chính sách đầu tư thích đáng cho văn hoá, văn nghệ, khoa học, giáo
dục…, coi đầu tư cho văn hoá là đầu tư cho phát triển. Phát triển các hoạt động văn
hoá, văn nghệ của Nhà nước, tập thể và các cá nhân bảo đảm định hướng chính trị
của Đảng và Nhà nước, đồng thời bảo đảm quyền tự do sáng tạo của các nhà hoạt
động văn hoá…
Kết luận Hội nghị Trung ương 10 khoá IX của Đảng đã khẳng định: “Đảm bảo
sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng
là then chốt với không ngừng nâng cao văn hoá - nền tảng tinh thần xã hội… bảo
đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước” [33, tr.4].
1.2. Quan niệm về du lịch
1.2.1. Khái niệm du lịch
Du lịch ngày nay đã trở thành một hiện tượng kinh tế xã hội phổ biến không
chỉ ở các nước phát triển mà còn ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Mặc dù vậy cho đến nay không chỉ ở nước ta nhận thức về nội dung khái niệm du
lịch vẫn chưa có sự thống nhất.
Với những cách tiếp cận khác nhau, các học giả đã đưa ra những khái niệm
khác nhau về du lịch: Theo từ nguyên, trong tiếng Anh “to tour" có nghĩa là dã
ngoại; trong tiếng Pháp “tour“ có nghĩa là đi dạo chơi, leo núi, vận động ngoài trời;
trong tiếng Việt, du lịch là một từ đã có từ lâu gắn liền với các chuyến đi: Kinh lý,
tham quan, vãn cảnh, thăm viếng… của các nho sỹ, các tầng lớp vua chúa, quan lại,
các nhà truyền giáo…
Trong Từ điển tiếng Việt, du lịch được giải thích là “đi chơi cho biết xứ
người" [71].
- Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện cho rằng: “Du lịch là sự mở rộng không gian văn
hoá của con người” [72].
Kuns, học giả người Thụy Sĩ xác nhận: “Du lịch là hiện tượng những người
chỗ khác đi đến nơi không phải thường xuyên cư trú của họ bằng phương tiện vận tải
và dùng các dịch vụ du lịch” [52, tr.29].
Hai học giả Hoa Kỳ là Mathieson và Wall gắn kết cả cách nhìn nhận về du
lịch từ phía người đi du lịch và người kinh doanh du lịch. Các ông viết: “Du lịch là
sự di chuyển tạm thời của người dân đến ngoài nơi ở và làm việc của họ, là những
hoạt động xảy ra trong quá trình lưu lại nơi đến và các cơ sở vật chất tạo ra để đáp
ứng những nhu cầu của họ” [61, tr.11].
Năm 1963 với mục đích quốc tế hoá khái niệm du lịch, tại hội nghị Liên hợp
quốc về du lịch họp ở Roma, các chuyên gia đã đưa ra định nghĩa về du lịch như sau:
“Du lịch là tổng hợp các mối quan hệ, hiện tượng và các hoạt động kinh tế bắt nguồn
từ các cuộc hành trình và lưu trú của các cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi ở
thường xuyên của họ với mục đích hoà bình. Nơi họ đến lưu trú không phải là nơi
làm việc của họ” [61, tr.12].
Xuất phát từ hiện tượng du lịch, nhà nghiên cứu Trần Nhạn đã đưa ra một khái
niệm khá toàn diện về bản chất đích thực, cơ bản của du lịch: “Du lịch là quá trình hoạt
động của con người rời khỏi quê hương đến một nơi khác với mục đích chủ yếu là được
thẩm nhận những giá trị vật chất và tinh thần đặc sắc, độc đáo khác lạ với quê hương,
không nhằm mục đích sinh lợi được tính bằng đồng tiền” [52, tr.30].
Như vậy các định nghĩa về du lịch nói trên đã tiếp cận khái niệm du lịch theo
nghĩa rộng hơn, không chỉ đề cập du lịch đối với khách du lịch vãng lai mà còn thêm
vào đó các hoạt động kinh doanh của các cơ sở và cá nhân phục vụ cho các nhu cầu
của khách du lịch đi qua và ở lại (như việc vận chuyển, phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi,
hướng dẫn tham quan, giải trí…) và các giá trị văn hoá tinh thần thu nhận được trong
quá trình du lịch. Khái niệm du lịch trong Luật Du lịch của Việt Nam cũng xuất phát
từ cái nhìn toàn diện này:
“Du lịch là các hoạt dộng có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư
trú thường xuyên của mình nhằm thoả đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ
dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định” [42, tr.9].
1.2.2. Vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội
Ngày nay du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống xã
hội. Du lịch đã khẳng định được vai trò to lớn trong nền kinh tế quốc dân của các nước
như một ngành “công nghiệp không khói ”.
Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch đang trở nên phổ biến trên toàn
cầu và phát triển với tốc độ nhanh. Theo số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới thì năm
1950 toàn thế giới có 25 triệu du khách, đến năm 1990 con số này đã lên tới 450
triệu (tăng 18 lần sau 20 năm). Tính riêng trong vòng mười năm gần đây số khách du
lịch quốc tế đã tăng từ 339 triệu năm 1986 lên 592 triệu năm 1996 và đến năm 2000
con số này đạt tới 637 triệu và khoảng 937 triệu vào năm 2010.
Theo tính toán của các chuyên gia du lịch quốc tế, chỉ trong vòng 36 năm (từ
1960 - 1996) thu nhập từ du lịch của thế giới đã tăng 62 lần (từ 6,8 tỷ USD năm
1960 tăng lên 423 tỷ USD năm 1996), riêng năm 1995 ngành du lịch toàn cầu đã tạo
việc làm cho 212 triệu người và dự tính đến năm 2005 con số này sẽ lên tới 338 triệu
trên phạm vi toàn thế giới.
Nhiều tài liệu nghiên cứu cũng đã chỉ rõ: Du lịch là ngành lớn nhất thế giới,
tính theo sản phẩm thu được, là ngành đứng đầu về thu thuế, là ngành có khả năng
nhất trong việc tạo công ăn việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp lao
động. Từ 1990-1993, số người làm việc trong ngành du lịch tăng nhanh hơn 50% so
với tốc độ tăng công ăn việc làm trên thế giới. Hội đồng Du lịch và Kinh doanh du
lịch thế giới ước tính: Du lịch và kinh doanh du lịch tạo ra cho 144 triệu việc làm
trên thế giới từ 2000 đến 2005, trong đó 112 triệu là ở các nước đang phát triển
thuộc khu vực châu á - Thái Bình Dương. Họ đã tính số tiền khách du lịch chi trả
cho các chuyến du lịch sẽ tăng từ 450 tỷ USD năm 1998 lên 555 tỷ USD năm 2000
và 1500 tỷ USD vào năm 2010. Như vậy sau 20 năm nữa du lịch rất có thể sẽ trở
thành ngành kinh tế phát triển mạnh hàng đầu thế giới [75]
Với đường lối đổi mới toàn diện của Đảng và Nhà nước, từ năm 1986 đến
nay, ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. Chương trình
hành động quốc gia về du lịch với tiêu đề: “Việt Nam - Điểm đến của thiên niên kỷ
mới” đã mạng lại cho Du lịch Việt Nam những kết quả quan trọng, góp phần đẩy
nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo và khẳng định tầm vóc của du
lịch nước ta, rút ngắn khoảng cách tụt hậu so với các nước trong khu vực. Qua
chương trình này có 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban chỉ
đạo Phát triển du lịch, 14 Bộ, Ngành có chương trình, kế hoạch phối hợp triển khai
chương trình. Đây là tiền đề quan trọng huy động nguồn sức mạnh tổng hợp cho phát
triển du lịch.
Ngành Du lịch thời gian qua đã tổ chức hàng loạt các lễ hội và liên hoan văn
hoá - du lịch lớn trong cả nước, thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước:
Festival Huế tổ chức hai năm một lần, Đêm rằm phố cổ Hội An, Liên hoan du lịch
đất Phương Nam, Lễ hội văn hoá - du lịch 100 năm Đà Lạt, 110 năm Sapa, Năm du
lịch Hạ Long, Năm du lịch Điện Biên Phủ và hàng chục các lễ hội truyền thống được
khôi phục và nâng cấp phục vụ mục đích du lịch. Hàng chục vạn ấn phẩm quảng bá
du lịch bằng nhiều thứ tiếng đã được phát hành. Hình ảnh cô gái Việt Nam và tiêu đề
“Việt Nam - Điểm đến của thiên niên kỷ mới” đã tạo nên sự quen thuộc, gần gũi đối
với mọi người trên thế giới. Nhờ những hoạt động du lịch văn hoá nói trên chúng ta
đã thu hút được lượng khách quốc tế khá đông đảo mặc dầu phải đương đầu với
không ít khó khăn thách thức do khách quan đưa lại. Theo thống kê của Tổng cục Du
lịch, lượng khách quốc tế đến nước ta giai đoạn 2000-2004 tăng gần một triệu lượt
người, khách nội địa tăng 3,5 triệu lượt. Năm 2000, năm đầu tiên thực hiện chương
trình, lượng khách quốc tế đạt 2,14 triệu lượt tăng 20,1% so với 1999 và gấp 8,4 lần
so với năm 1990, khách nội địa đạt 11,2 triệu lượt người, tăng 5,7% so với năm
1999. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt 1,2 tỷ USD, tăng 19% so với năm 1999. Riêng
năm 2004 đã đón được 2.927.837 lượt khách quốc tế, 14 triệu lượt khách nội địa, thu
nhập xã hội từ du lịch đạt 1,65 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2003 [37, tr.53].
Đánh giá về kết quả hoạt động du lịch trong thời gian qua đồng chí Vũ Khoan,
Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch đã nhận
định:
Hoạt động du lịch khởi sắc đã tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho
hàng hoá và dịch vụ sản xuất trong nước, khôi phục nhiều nghề thủ công
truyền thống, góp phần vào sự phát triển của hàng không, văn hoá - thông
tin và các ngành khác liên quan đến du lịch, tạo nhiều việc làm mới, góp
phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước và từng địa phương,
thực hiện chính sách xoá đói giảm nghèo, mở rộng giao lưu giữa các vùng,
miền trong nước và quốc tế [37, tr.53].
1.3. Mối quan hệ giữa văn hoá và du lịch
Giữa văn hoá và du lịch luôn có mối liên hệ khăng khít, mật thiết. Đó là khai
thác và phát huy các di sản và giá trị văn hoá, một bộ phận thiết yếu nhất của nguồn
tài nguyên du lịch, việc phát triển du lịch hướng vào mục tiêu văn hoá, nâng cao tố
chất văn hoá trong kinh doanh du lịch…
1.3.1. Di sản văn hoá, giá trị văn hoá là nguồn lực cho phát triển du lịch
Chúng ta đã nhận thức ngày càng sâu sắc hơn vị trí đặc biệt quan trọng của văn
hoá Việt Nam đối với sự phát triển toàn diện đất nước về kinh tế, chính trị, xã hội trong
đó có du lịch, một ngành kinh tế đang trở thành mũi nhọn trong chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội nước ta trong thế kỷ XXI.
Nhiều người đã khẳng định rằng nếu không có truyền thống, vẻ đẹp độc đáo,
những giá trị và công trình văn hoá thì du lịch Việt Nam sẽ không phát triển mạnh
được, sẽ mất đi sự hấp dẫn riêng của nó.
Trong Luật Du lịch được ban hành năm 2005 thì tài nguyên du lịch được xác
định là “cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử - văn hoá, công trình
lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng
nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, tuyến
du lịch, đô thị du lịch” [42, tr.9].
Với nhận định trên, có thể khẳng định rằng phần lớn tài nguyên du lịch là các
giá trị, các thành tựu, các công trình văn hoá của dân tộc trong sự gắn bó với môi
trường tự nhiên và xã hội. Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch còn gắn trực tiếp với tiến
trình lịch sử của đất nước, với truyền thống văn hoá của dân tộc qua các thời kỳ lịch
sử khác nhau. Như vậy, đối với du lịch, đặc biệt đối với du lịch bền vững, văn hoá
trở thành tài nguyên tạo nên sự hấp dẫn có chiều sâu nhất đối với du lịch. Và sở dĩ
du lịch là một ngành kinh tế có sức thu hút mạnh mẽ bởi vì trong nó có hàm chứa nội
dung văn hoá sâu sắc và phong phú. Để du lịch phát triển bền vững thì nó phải tuân
thủ một yêu cầu khách quan hết sức nghiêm ngặt là phải đảm bảo sự bền vững về
văn hoá. Việc khai thác các giá trị văn hoá nhằm phục vụ nhu cầu du lịch hiện tại
song không được làm tổn hại đến các giá trị văn hoá, phải bảo tồn các di sản văn hoá
cho các thế hệ mai sau.
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hoá - Thông tin đến năm 2001, Việt Nam có
tổng số di tích văn hoá đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng là 2.597, trong đó:
- Di tích lịch sử là 1266.
- Di tích kiến trúc nghệ thuật là 1205.
- Di tích khảo cổ là 38.
- Danh lam thắng cảnh là 88.
(Đặc biệt trong số này có 6 di sản văn hoá được thế giới công nhận là di sản
thế giới đó là: Cố Đô Huế (Thừa Thiên - Huế); Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); Khu
phố cổ Hội An (Quảng Nam); Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam); Vườn quốc gia
Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); Nhã nhạc cung đình Huế (Thừa Thiên - Huế).)
Đó là những di sản văn hoá độc đáo ở mọi vùng, miền của đất nước nơi lưu
giữ bao chiến công, hào hùng của dân tộc Việt Nam, nơi ẩn chứa với những giá trị
nhân bản sâu sắc, độc đáo của dân tộc Việt Nam trong suốt trường kỳ dựng nước và
giữ nước, tất cả hợp thành bản anh hùng ca bất hủ của dân tộc.
Các di sản văn hoá có mặt ở hầu hết ở các địa phương trên cả nước từ miền
ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, đó là lợi thế để ngành du lịch phát
huy các di sản văn hoá trong tổ chức hoạt động du lịch. Có thể khẳng định rằng tiềm
năng to lớn của du lịch Việt Nam nằm trong văn hoá dân tộc.
Chẳng hạn, Chùa Việt Nam là điểm hẹn rất hấp dẫn của khách du lịch quốc tế
và nội địa. Đây vừa được coi là nơi linh thiêng thu giữ khí trời đất, vừa luôn gắn liền
với xóm làng, vừa là nơi giải toả và thanh lọc tâm hồn con người. Vì vậy nó có sức
hẫp dẫn lôi cuốn mạnh mẽ du khách, trở thành yếu tố không thể thiếu được trong tổ
chức các loại hình du lịch, các cuộc hành hương của du khách trong và ngoài nước.
ở hà Nội, số chùa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá là 116 chùa,
trong đó có nhiều chùa nổi tiếng như chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Cổ Loa…
Hà Tây có 90 chùa được công nhận, trong đó có nhiều chùa là di sản quý hiếm
của cả nước như chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Trầm, chùa Trăm Gian, chùa
Hương, chùa Đậu, chùa Mía…
ở Bắc Ninh, Bắc Giang có tới 44 chùa được công nhận là di tích, trong đó có
chùa Phật Tích, chùa Dâu nổi tiếng.
ở Nam Định có chùa Keo, chùa Cổ Lễ
ở Nam Bộ các ngôi chùa Khơmer có vị trí đặc biệt đối với đồng bào Khơmer
và đối với cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Và chùa là nơi giáo dục toàn dân, là
thư tàng cổ, là điểm gặp gỡ vui chơi của dân phum sóc trong các ngày lễ. Bên cạnh
đó chúng ta lại tự hào với những địa đạo, những khu căn cứ cách mạng, nhà tù chính
trị như địa đạo Củ Chi, nhà tù Côn Đảo, Hoả Lò… đó là những di tích, những bằng
chứng sống của cuộc chiến tranh khốc liệt mà oai hùng của Đảng và nhân dân ta
trong thế kỷ XX. Những di tích đó đã và đang được bảo tồn, phát huy. Du khách về
đây là dịp hồi tưởng về quá khứ chiến tranh yêu nước và cách mạng, các di tích đó
có tính giáo dục cao về truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Cùng với các di tích lịch sử văn hoá như là những tài nguyên tĩnh thì các loại
hình văn hoá phi vật thể là tài nguyên động của du lịch Việt Nam. Tính chất động
của nó đặc biệt do gắn liền với hoạt động của con người, tái hiện, tái tạo của bản
thân con người trong quá khứ và hiện tại làm sống lại lịch sử trong tính toàn vẹn,
tính hình tượng cụ thể cảm tính, sinh động của nó, tạo nên môi trường du lịch độc
đáo và sức hấp dẫn kỳ lạ đối với khách du lịch từ nơi xa đến (những lễ hội dân gian,
những chương trình nghệ thuật cổ truyền, những làn điệu dân ca…) chẳng hạn như
Ca Huế và Hò Huế là loại hình ca hát được mọi người ưa chuộng thường được biểu
diễn trên một con đò lững lờ trôi giữa dòng Hương Giang. Du khách đến Huế sau
những ngày tham quan các di tích - lịch sử văn hoá, thắng cảnh được thả mình trên
dòng Hương Giang nghe hò thả tâm hồn mình vào những câu “nam ai nam bằng" trải
dài như bất tận, lửng lơ trong không gian, một phần như chùng chình, giăng túi trên
mặt nước nghe lưu luyến, nỉ non, xốn xang lòng người. Cùng với nó là những điệu
múa cung đình Huế, những tiết mục múa rối nước Thăng Long- Hà Nội, những làn
điệu dân ca mượt mà sâu lắng của người dân quan họ Bắc Ninh.
Điều đáng quí và độc đáo hơn cả, tạo nên sức hấp dẫn của du lịch là nguồn di
sản văn hoá phi vật thể được truyền bá từ ngàn năm lịch sử. Yêu nước là truyền
thống quí báu của dân tộc. Lòng yêu nước của dân tộc đã tô thắm lịch sử bốn ngàn
năm dựng nước và giữ nước. Truyền thống đó đã được giáo dục và lưu truyền cho
các thế hệ mai sau. Phát huy tinh thần yêu nước chính là khẳng định bản lĩnh của con
người và Tổ quốc Việt Nam trên trường quốc tế nhất là trong hoạt động du lịch.
Ngoài các di tích, các lễ hội và truyền thống ngàn năm của dân tộc, chúng ta
còn có rất nhiều di sản lễ hội của đồng bào các dân tộc như các lễ hội của đồng bào
dân tộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ luôn có sức hẫp dẫn kỳ lạ đối với du
khách. Nếu chúng ta biết cách khai thác, tổ chức tốt kết hợp với các tua du lịch,
chúng ta có thể vừa bảo tồn các lễ hội, vừa coi lễ hội đó như là một hoạt động du
lịch. Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu văn hoá thì một số tỉnh, thành như ở
Bắc Ninh, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Bắc Giang, Thái
Bình hàng năm có rất nhiều lễ hội. Dĩ nhiên, không phải tất cả các lễ hội đều trở
thành nội dung hoạt động du lịch, nhưng chứng tỏ rằng di sản văn hoá của chúng ta
là một tài nguyên độc đáo, quí giá của du lịch.
Nguồn lực văn hoá đa dạng và phong phú của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng
các dân tộc Việt Nam, được kết tinh từ tài năng, trí tuệ, tâm hồn con người Việt từ ngàn
đời, đồng thời là kết tinh của quá trình giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hoá của các dân tộc
trên thế giới, đã tạo nên sự đa dạng về văn hoá, sự phong phú của các lễ hội, các phong tục
tập quán của các dân tộc Việt Nam.
Có thể nói, văn hoá là nguồn tài nguyên chủ yếu của du lịch. Môi trường thiên
nhiên và môi trường văn hoá, nhân văn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với du lịch
vì chúng chính là nguồn tài nguyên, là yếu tố cơ sở cho phát triển du lịch. Ngày nay,
xu hướng du lịch sinh thái, du lịch cảnh quan và du lịch văn hoá đang trở thành
những loại hình du lịch chủ yếu trong xu thế phát triển của ngành du lịch. ở nhiều
nước trên thế giới kinh nghiệm cho thấy rằng nếu quốc gia nào có truyền thống văn
hoá lâu đời, có nhiều danh lam thắng cảnh thì quốc gia đó sẽ có thị trường du lịch
hấp dẫn.
Số liệu thống kê của một số nghiên cứu do Uỷ ban châu Âu tiến hành cho thấy
20% du khách đến châu Âu với động cơ văn hoá, 60 % du khách người châu Âu
quan tâm đến việc tìm hiểu, khám phá các sự kiện, hiện tượng văn hoá trong chuyến
đi của họ.
Văn hoá còn góp phần cấu thành nên môi trường văn hoá cho du lịch. Văn hoá
làm cho du khách sung sướng, vừa lòng, những tình cảm tốt lành, những kỷ niệm
đẹp cho du khách sau những chuyến đi. Văn hoá cung cấp tri thức, các phép ứng xử
văn minh lịch sự cho hoạt động du lịch.
Một trong những lĩnh vực góp phần phát triển tốt cho lễ hội là du lịch. Mặt
khác du lịch cũng tìm thấy ở lễ hội một chỗ dựa vững chắc, một kho tàng phong phú
để khai thác nhằm phát triển sự nghiệp của mình.
Trong các cuộc hội nghị bàn về chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến
năm 2010, nhiều ý kiến cho rằng không có yếu tố truyền thống, vẻ đẹp độc đáo,
những giá trị và công trình văn hoá, du lịch Việt Nam sẽ không phát triển mạnh
được, sẽ mất đi sự hấp dẫn riêng của nó. Vì du lịch chính là để hiểu hơn văn hoá
Việt Nam đặc biệt là văn hoá truyền thống dân tộc Việt Nam với 54 dân tộc anh em
mang sắc thái khác nhau, song cùng hoà quyện với sắc thái thiên nhiên tạo thành bức
tranh văn hoá hết sức độc đáo giàu truyền thống được lưu truyền trong các bảo tàng,
sự khéo léo của các làng nghề truyền thống, cách xử sự nồng nhiệt đậm đà thú vị qua
các món ăn ẩm thực, phong tục tập quán riêng qua các lễ hội…Số liệu thống kê thời
gian qua cho biết:
+ Có gần 30.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham dự Lễ hội 100
năm Sapa.
+ 77.000 lượt khách dự tại chương trình Tháng Tám - Nha Trang - Điểm hẹn
+ Mê Kông Fetival 2003 thu hút gần 120.000 lượt khách
+ Lễ Hội Chùa Hương đón 356.524 năm 2004
+ Đền Hùng trên 1.000.000 lượt khách
+ Fetival Huế là 1.200.000 lượt khách.
Việc tổ chức lễ hội văn hoá du lịch đã trở thành hoạt động quảng bá tiềm năng
thúc đẩy hợp tác du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo thu hút khách khắp
mọi nơi. Sự thành công của các sự kiện văn hoá du lịch không chỉ được thể hiện
bằng số lượng khách đến tham dự mà còn ở chỗ sự tham gia phối hợp tổ chức của
nhiều cấp, nhiều ngành trong khoảng thời gian dài trên các mặt: hoàn thiện cơ sở hạ
tầng, tạo ra sản phẩm mới, chỉnh trang môi trường, cảnh quan, giáo dục tuyên truyền
cộng đồng địa phương đến công tác xúc tiến quảng bá Vấn đề này cũng khẳng định
ngành du lịch đang dần dần có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế - xã hội của
nhiều địa phương. Ngoài ra, hiệu quả của các sự kiện văn hoá lễ hội du lịch còn được
đánh giá qua những lợi ích mang lại cho cộng đồng dân cư. Khi cộng đồng dân cư
được chia xẻ lợi ích, họ sẽ tự biết bảo vệ nguồn tài nguyên phục vụ phát triển du lịch
bền vững.
1.3.2. Văn hoá là mục tiêu của phát triển du lịch
Văn hoá và du lịch có mối quan hệ biện chứng với nhau. Phát huy bản sắc,
truyền thống văn hoá trong kinh doanh du lịch, tạo động lực cho kinh doanh du lịch
phát triển. Bất kỳ một ngành kinh tế nào cũng đều hướng tới lợi nhuận, để đạt tới lợi
nhuận có rất nhiều phương thức khác nhau trong đó có việc phát huy nhân tố con
người. Các nhà quản lý doanh nghiệp phải lấy nó làm động lực để thúc đẩy sản xuất.
Đồng thời với việc nhận thức rõ vai trò của những nhân tố truyền thống văn hoá
trong kinh doanh du lịch như phong tục, tập quán, nếp sống… được sử dụng như một
phương thức kinh doanh.