Chiếc máy thu thanh làm thay đổi thế giới - kỳ 4
TTO - Hành động cứng rắn của “Con quỉ Sahashi” và các đồng nghiệp nặng tư tưởng
dân tộc chủ nghĩa của ông này là căn nguyên nảy sinh khái niệm “Tập đoàn Nhật Bản”.
Trong khi nền kinh tế Nhật đi lên dưới “sự hướng dẫn” của MITI, khắp nơi trên thế giới
đều nhận xét Nhật Bản là một chỉnh thể vững chắc như bàn thạch mà trong đó chính
phủ, doanh nghiệp, ngân hàng phối hợp với nhau giống như những bộ phận nhịp
nhàng, ăn ý của một tập đoàn.
Giống như bất kỳ một doanh nghiệp nào, chỉnh thể “Tập đoàn Nhật Bản” vươn ra để
đưa các lợi ích của riêng mình tiến xa trên trương trường quốc tế bằng sự trả giá của
các đối thủ cạnh tranh. Nền kinh tế Nhật Bản được mô tả giống như một tổ chức nham
hiểm quyết tâm bá chủ thế giới. Năm 1990, Bennett Bidwell, Giám đốc điều hành cấp
cao thời đó của hãng sản xuất ô tô Mỹ khổng lồ Chryler, đã gọi Nhật Bản là “kẻ xâm
lược kinh tế tận tâm tận lực với mục tiêu tấn công và có sự tính toán chặt chẽ từ trung
ương”.
Tuy nhiên, khái niệm “Tập đoàn Nhật Bản” là một trong những nhận thức sai lầm lớn về
Phép màu dù thực tế Nhật Bản có tồn tại kiểu kinh doanh liên kết chặt chẽ với nhau.
MITI có thể điều khiển các chính sách và tài chính nhưng cơ quan này không thể quản
lý vi mô mọi mặt của nền kinh tế chủ yếu là tư nhân. Đã có nhiều ví dụ cho thấy các
công ty, thậm chí là toàn bộ các doanh nghiệp trong một ngành nghề, đã nổi dậy, phá
vỡ thành công vòng cương tỏa dưới danh nghĩa “hướng dẫn” của MITI.
Một ví dụ, đầu thập niên 60, Sahashi ấp ủ một kế hoạch buộc các doanh nghiệp trong
ngành sản xuất ô tô phải sáp nhập nhằm mục đích tạo ra những công ty lớn hơn.
Sahashi tin rằng những công ty lớn này sẽ có đủ sức cạnh tranh với “3 đại gia” của Mỹ.
Tuy nhiên, kế hoạch của Sahashi vấp phải sự chống đối quyết liệt đến nỗi cuối cùng nó
buộc phải phá sản. Giới chức MITI cũng góp phần trong những thất bại ê chề khi
“những kẻ chiến thắng” mà họ đã chọn lựa hóa ra thành những kẻ bại trận.
Một trong những sai lầm được biết đến nhiều nhất của MITI là nỗ lực xây dựng ngành
công nghiệp sản xuất máy bay thương mại với những kỳ vọng rất cao nhưng kết cục là
không thành công. Ngược lại, một số ngành phát triển thành công nhất của Nhật Bản,
chẳng hạn như ngành sản xuất xe mô tô, chế tạo người máy, sản xuất máy fax và điện
tử gia dụng lại ăn nên làm ra mà không có sự đỡ đầu đáng kể nào của MITI. Morita
phàn nàn “MITI từ trước đến giờ không phải là nhà hảo tâm lớn của ngành điện tử Nhật
Bản như một số người dường như cho là vậy”.
Trên thực tế, kết quả thành công xen lẫn thất bại của MITI đã và đang gây ra một cuộc
tranh cãi nảy lửa giữa các nhà kinh tế học Nhật Bản về tầm quan trọng đích thực của
các chính sách công nghiệp do MITI đề ra trong việc làm nảy sinh tốc độ tăng trưởng
thần kỳ của Nhật Bản. Liệu có phải “mô hình châu Á” thực sự hiệu quả đến thế? Liệu có
phải mô hình này là căn nguyên chính của Phép màu?
Những người đề xướng “mô hình châu Á”, chẳng hạn như Chalmers Johnson, cho rằng
MITI đã thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật
Bản vượt xa cái mức mà Nhật hẳn sẽ đạt được nếu thực thi chính sách cho phép tư
nhân tự do kinh doanh. Nói như Johnson, MITI đã “một tay” làm biến đổi cơ cấu kinh tế
Nhật Bản vào thập niên 50 và đầu những năm 60. Phe ủng hộ MITI lập luận bằng cách
dẫn ra bằng chứng nằm ở các kết quả đạt được: Một vài ngành công nghiệp được MITI
chọn ra với tư cách là kẻ chiến thắng đã nằm trong số những ngành thành công nhất
của Nhật Bản. Vì thế, sự can thiệp của chính phủ là nhân tố quyết định.
Nhiều người khác không dám khẳng định chắc chắn như vậy. Họ cho rằng những
người ủng hộ MITI như Johnson đã dành cho bộ này quá nhiều lời khen ngợi. Nhà kinh
tế học Takafusa Nakamura viết: “Những người ủng hộ quan điểm “Tập đoàn Nhật Bản”
thiên về thổi phồng tầm quan trọng của một khía cạnh duy nhất trong nền kinh tế Nhật
Bản”. Johnson và những người có cùng quan điểm với ông này có khuynh hướng vừa
đánh giá thấp vai trò của các doanh nghiệp, của ban quản trị các tập đoàn và của giới
công nhân Nhật Bản vừa quy thành công của Nhật cho bộ máy quản lý của nhà nước.
“Tốc độ tăng trưởng nhanh không đơn thuần là kết quả của các chính sách tăng
trưởng, càng không phải là kết quả của một “kịch bản” do một nhóm những cá nhân
tinh hoa ưu tú nghĩ ra,” nhà kinh tế học Nhật Bản Yutaka Kosai bình luận. “Nói đúng
hơn, chính những phản ứng nhanh nhạy với các điều kiện thị trường của các công ty
và hộ gia đình ở cấp thấp nhất (trong hệ thống kinh tế) mới đóng vai trò quan trọng
quyết định”.
Nhìn từ góc độ này, MITI đơn thuần chỉ đóng vai trò là người tạo ra các điều kiện cho
phép kinh tế tăng trưởng. Phần việc nặng nề là do các công ty tư nhân Nhật Bản hoàn
tất. Theo lập luận của phe phản đối, nguồn gốc thực sự của việc Nhật Bản phát triển
nhanh chóng không xuất phát từ bàn tay hướng dẫn của giới quản lý nhà nước mà bắt
nguồn từ sức mạnh của các thị trường.
“Mặc dù không thể phủ nhận nhà nước đã tạo một môi trường (kinh doanh) thuận lợi
nhưng các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng vẫn là tư nhân: nhu cầu đầu tư kinh
doanh, tiết kiệm tư nhân, lực lượng lao động cần cù và có tay nghề cao hoạt động trong
một môi trường kinh tế định hướng thị trường,” hai nhà kinh tế học Hugh Patrick và
Henry Rosovsky nhận xét. Họ kết luận, kiểu phát triển của Nhật Bản “không hề mang
tính độc nhất vô nhị. Vì vậy, dù chính sách của nhà nước có thể đóng vai trò quan trọng
nhưng tác động của nó lên thành quả kinh tế không phải là điểm ‘riêng có của Nhật
Bản’”. Xét theo quan điểm này, MITI chỉ đóng vai trò hậu thuẫn chứ không phải là quyết
định đối với Phép màu.
Câu chuyện của Sony cho thấy sự nguy hiểm của việc gán cho MITI và các chính sách
công nghiệp của bộ này quá nhiều vai trò ảnh hưởng. Trong quá trình theo đuổi công
nghệ bán dẫn, Morita và Ibuka không tuân theo “hướng dẫn hành chính” cũng như
không hưởng ứng các khuyến khích cụ thể của MITI. Họ nhìn thấy sự ứng dụng đa
dạng trong tương lai của công nghệ bán dẫn và tìm ra được một cách sở hữu công
nghệ này mà không có sự nhúng tay của MITI.
Vì không nhận ra được tầm quan trọng của việc mà Sony đã làm nên MITI phản đối
sáng kiến của công ty này. Nhà kinh tế học chính trị Daniel Okimoto viết: “Tình tiết này
trái ngược với câu chuyện thần thoại về khả năng tiên đoán của MITI”. Trong suốt lịch
sử phát triển của mình, Sony chưa bao giờ là một phần trong hệ thống của MITI.
Tuy công ty này có hưởng lợi từ một số chính sách nhất định của MITI và Bộ Tài chính,
chẳng hạn như chính sách thuế ưu đãi đối với một vài sản phẩm ban đầu của Sony
khiến cho những sản phẩm này có mức giá dễ mua hơn đối với người tiêu dùng49
nhưng doanh nghiệp của Morita không hề nhận được bất kỳ một sự hỗ trợ tài chính
“mục tiêu” nào, chẳng hạn như các khoản cho vay được chỉ đạo phân bổ theo chính
sách.
Vào giữa thập niên 50, Sony đã thỉnh cầu các quỹ của nhà nước tài trợ cho công ty
phát triển một sản phẩm đầu máy nhưng chính phủ đã thẳng thừng từ chối.51 Nobuyuki
Idei, cựu Giám đốc điều hành của Sony, khẳng định công ty đã tồn tại theo kiểu “thị
trường tự do ngay từ đầu”. Ông nói: “Tôi không nghĩ MITI có quan tâm mạnh mẽ tới
công ty Sony nói riêng hay ngành điện tử nói chung”.
Những người bênh vực MITI phản pháo bằng lập luận cho rằng hầu hết các nhà kinh tế
học quá sa đà một cách dễ dàng vào tư tưởng tự do kinh doanh đã lỗi thời của Mỹ
trong việc đề cao những nhân tố tạo nên Phép màu của Nhật Bản. Họ cho rằng các nhà
kinh tế học kinh điển đã quen với lối tư duy theo kiểu sự can thiệp của nhà nước chẳng
đem lại được điều gì ngoài việc làm rối thị trường; rằng các nhà kinh tế học kinh điển
không hiểu được một điều là chính sách của nhà nước có thể dẫn dắt và thúc đẩy các
lực lượng thị trường.
Theo phe ủng hộ MITI, phiên bản chính sách công nghiệp của Nhật Bản đã lèo lái và
đẩy nhanh các hoạt động của thị trường chứ không hề thế chỗ cho những hoạt động
này. Nói theo thuật ngữ của các nhà kinh tế thì MITI đã theo đuổi những chính sách
“tuân theo thị trường” thay vì “bất chấp thị trường”. Nhà báo James Fallows, một trong
những người tán thành mạnh mẽ nhất “mô hình châu Á”, đã khẳng định “bài học” rút ra
từ sự thành công của mô hình có “liên quan đến sự kết hợp giữa thị trường với công
tác hoạch định nằm đằng sau sự phát triển hiện đại của châu Á”.
Bằng cách sử dụng chính sách của nhà nước để điều chỉnh thị trường vận hành tốt
hơn, Nhật Bản đã cười nhạo vào các nguyên lý truyền thống của kinh tế học kinh điển
và nền tảng của tư tưởng thị trường tự do của Mỹ. Nói theo kiểu của Fallow thì Nhật
Bản “đã tái phát minh ra các nguyên tắc kinh tế học”.
Niềm tin cho rằng Nhật Bản đã sáng tạo ra một hình thức chủ nghĩa tư bản khá thượng
đẳng ngày càng trở nên lan rộng khi Phép màu của Nhật Bản diễn ra nhanh chóng.
Quan điểm kinh tế kinh điển về thành công của Nhật Bản đã bị gạt sang một bên vì
không còn phù hợp với thực tế mới của kinh tế học thế giới. Tuy nhiên, tranh cãi xung
quanh “mô hình châu Á” thì không bao giờ dịu đi.
Ngay cả những người tán thành cực lực nhất “mô hình châu Á” cũng không thể lý giải
được nguyên nhân thành công của các công ty giống như Sony. Fallows cho rằng sự
vươn lên tới vị trí nổi bật toàn cầu của Sony không phải do MITI mà là do phong cách
kinh doanh lỗi thời và luôn chống đối mạnh mẽ của công ty này.
Gọi Morita là “một doanh nhân gian hùng… nếu nhìn nhận đánh giá ông với góc nhìn
của một người Mỹ”, Fallow cho rằng Morita “đã xây dựng một công ty tuyệt vời mà
không ít thì nhiều cũng là của riêng ông ấy nếu cũng nhìn nhận theo lối tư duy truyền
thống của Mỹ”. Suy cho cùng, có lẽ Nhật Bản chẳng “tái phát minh” ra nguyên lý kinh tế
nào cả.
MICHAEL SCHUMAN