“Mother” - tín hiệu mới của điện
ảnh Hàn Quốc
“Mother” – bộ phim mới “ra lò” năm 2009 của đạo diễn Bong Joon - ho (Hàn
Quốc) đã đánh bật những ứng viên sáng giá khác để giành giải phim hay nhất tại
liên hoan phim Châu Á – Hongkong và thẳng tiến tới tham dự liên hoan phim
Cannes. Kịch bản chặt chẽ và hấp dẫn hòa kết với phong cách ấn tượng và hiện đại,
“Mother” không chỉ chinh phục lá phiếu của ban giám khảo liên hoan phim Châu
Á, mà còn làm thổn thức trái tim khán giả.
Câu chuyện của “Mother” xoay quanh một vụ án mạng xảy ra tại một thị trấn nhỏ.
Một nữ sinh trung học xinh đẹp bị giết chết một cách bí ẩn. Kẻ giết người mang
xác cô bé vắt lên một tòa nhà cao tầng bỏ hoang, nơi từ đây nhìn xuống, có thể
nhìn thấy cả thị trấn. Truy tìm vật chứng tại hiện trường, cảnh sát nghi ngờ Do –
joon – một chàng trai bị thiểu năng trí tuệ là thủ phạm nên bắt giam cậu ta. Mẹ Do
– joon, trái lại, tin rằng con mình vô tội nên tìm mọi cách điều tra vụ án, truy tìm
sự thật để cứu con trai.
Trong cái khung của một vụ án mạng, “Mother” không chỉ là hành trình khám phá
sự thật vụ án của ngưởi mẹ - thám tử bất đắc dĩ mà còn là hành trình khám phá thế
giới tâm hồn con người, khám phá những góc khuất tội lỗi, những mặt trái, những
điều xấu xí trong con người. Sự thật của vụ án được gợi mở, bóc tách cũng như
những lớp mặt nạ của thế giới con người dần bị gỡ bỏ.
Từ những cảnh đầu tiên của bộ phim, khán giả yêu ngay hai mẹ con nhân vật
chính: một bà mẹ nhẫn nại, yêu thương, chăm chút cho con từng li từng tí một,
luôn phải coi chừng, để ý đến con và cậu con trai thiểu năng đương tuổi dậy thì,
thật thà, hơi ngố và trẻ con. Bởi thế, cũng như người mẹ, khán giả bị sốc khi hay
tin cậu con trai bị kết tội giết người. Bản năng người mẹ và niềm tin vào sự trong
sạch của con hối thúc bà cứu con bằng mọi giá: tìm luật sư, hướng dẫn các biện
pháp trị liệu để con hồi phục dần trí nhớ, tự điều tra những “nghi can” của vụ án.
Đầu tiên, bà cầu viện đến sự giúp đỡ của luật sư, một người luôn tỏ ra vẻ bận rộn
và cao giá. Ngay từ cuộc gặp đầu tiên, cậu con trai đã làm ông luật sư mất hứng,
ngán ngẩm bỏ về. Ông ta chẳng mấy quan tâm đến vụ án, không buồn đếm xỉa đến
nỗi đau khổ của bà mẹ. Tại cuộc gặp thứ hai (trong quán karooke), luật sư còn
khuyên bà mẹ “không nên bận tâm quá” vì “4 năm trong tù cũng như đi bệnh
viện” và cũng chỉ là khoảng cách giữa hai kỳ World cup (!) Người xem, qua đó
khám phá ra mặt trái của giới luật sư, đằng sau bộ cánh lịch sự, chỉnh tề là một con
người vô cảm, lạnh lùng, hám lợi và quen được o bế.
Không chờ đợi gì vào pháp luật, bà mẹ quyết tự mình điều tra. Sự chủ quan và
quyết tâm mãnh liệt phải minh oan cho con của người mẹ đã dẫn đến hàng loạt sự
lầm lẫn cũng như những tình huống bi hài. Nghi can đầu tiên của bà mẹ là cậu bạn
hư hỏng của con trai: Jin - tae. Mò đến nhà bạn của con, bà tìm được một cây gậy
golf có vết đỏ (mà bà nghĩ đó là vết máu). Trong trường đoạn này, một tình huống
bi hài xảy ra: trong khi bà mẹ trốn trong tủ, tay ôm khư khư “vật chứng”, Jin – tae
và cô bạn gái nữ sinh ở ngoài làm tình với nhau. “Vết máu”, theo như phỏng đoán
của bà mẹ, hóa ra là vết son. Bị cậu bạn con đòi bồi thường, đồng thời được giúp
đỡ tìm hướng giải quyết vụ án, bà mẹ lại tất tưởi đi tìm những người có quan hệ
với cô bé đã chết. Lần này, bà dùng cách thức “xã hội đen” để điều tra: trần trụi và
sòng phẳng như cuộc sống ngầm của bọn trẻ vị thành niên. Đó là một “thế giới”,
một mạch ngầm đằng sau những bộ đồng phục học sinh và những gương mặt
măng sữa, thế giới không có bóng dáng của pháp luật hay bố mẹ, nơi những cô gái
trẻ như cô bé bị giết sống trác táng và phóng túng, sẵn sàng ngủ với bất cứ ai; nơi
những cậu bé (và những người đàn ông) lợi dụng thể xác hoặc bắt nạt những cô nữ
sinh (dấu hiệu của sự độc ác và bạo lực).
Cuộc điều tra (cũng như mạch ngầm khám phá góc khuất u tối của xã hội), đang
đến độ căng thẳng và gay cấn, bỗng như bị ngắt đoạn bởi sự hồi phục trí nhớ của
Do – joon. Nhưng điều cậu con trai nhớ ra, bất ngờ và không được bà mẹ (cũng
như khán giả) trông đợi, bởi đó không liên quan đến vụ án, mà là một bí mật kinh
khủng: hồi cậu 5 tuổi, bà mẹ đã định giết cậu. Phản ứng dữ dội của người con khi
phát hiện ra một vết đen của quá khứ đã gây sốc, đồng thời hé lộ tâm hồn nhạy
cảm và thông minh của Do – joon. Từ đầu bộ phim, người mẹ hiện ra như một
thiên thần, như một người mẹ tốt nhất thế gian nỗ lực để bảo vệ con mình. Nhưng
chi tiết này như một vết dao cứa đứt sợi dây treo hình tượng thiên thần, như chỉ ra
rằng, yêu thương và ác độc, thiên thần và ác quỷ chỉ cách nhau trong ranh giới
mong manh. Trong nỗi tuyệt vọng, một người mẹ tuyệt vời và nhân hậu nhất vẫn
có thể giết con. Chi tiết này được gieo vào câu chuyện như một gợi ý, một manh
mối hé mở cái kết phim: khi ông già quét rác khẳng định tận mắt nhìn thấy Do –
joon giết cô nữ sinh, bà mẹ giết luôn ông ta rồi đốt nhà để bịt đầu mối. Bất ngờ và
choáng sốc. Khán giả đồng thời đón nhận hai sự bất ngờ, nhưng tất cả đã được
gieo trước. Do – joon có một bản năng tốt đẹp và trung thực, việc cậu ngộ sát cô
bé, tuy sốc, nhưng không quá bất ngờ. Hãy nhớ lại hai điều bà mẹ luôn dạy con:
chống lại những ai nói rằng mình ngu ngốc và chối tội dù sự thực cậu có tội hay
không. Lời dạy thứ nhất chính là nguyên nhân dẫn đến vụ án: Do – joon tấn công
cô gái như một phản ứng “tự vệ” (cô bé ném đá vào cậu và bảo cậu là đồ ngu).
Bất ngờ cuối cùng của bộ phim là một cú hích chứng tỏ sự cao tay của nhà biên
kịch và ý nghĩa sâu sắc của bộ phim. Một cậu bé khác: JP điên (cũng bị thiểu
năng) – bạn trai cô bé bị giết bị kết tội vì có vết máu của cô bé trên người. Cũng
ngơ ngác như Do – joon, cậu bé vào tù mà không thực sự biết mình có tội hay
không. Bất hạnh hơn, JP còn không được ai bảo vệ, bênh vực. Nếu nhớ lại cảnh
trong cửa hàng rửa ảnh, cô bé bị giết chảy máu cam, việc trên người JP có máu
của cô bé không quá khó hiểu với khán giả. Vụ án kép khép lại. Hai mẹ con Do –
joon, hai kẻ sát nhân thực sự, thoát tội và một cậu bé thiểu năng khác bị vào tù.
Không ai, ngoài hai mẹ con Do – joon biết được sự thật đó. Hai người trở thành bí
mật của nhau, khi cậu bé nhặt hộp kim châm cứu từ đống tro tàn ngôi nhà người
quét rác, trao lại cho mẹ.
Nỗi ám ảnh về tội ác của người mẹ, vì thế được nhân lên gấp bội. Lời dạy thứ hai
của người mẹ: dạy con dối trá, là sự chống lại bản năng trong sáng và trung thực
của con trai, là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa hai mẹ con. Vụ án khép lại,
người mẹ cứu được con và tội ác không bị phát giác, nhưng nỗi ám ảnh tội lỗi vò
nát tâm can bà, khi dối diện với sự trung thực của con trai. Do – joon, vẫn ngây
ngô, nhưng dường như không còn trong trẻo như trước. Bí mật bị chôn kín như
một chiếc kim, xoáy vào bản năng ngây thơ của cậu.
Hai nhà biên kịch Bong Joon – ho và Park Eun - kyo đã khai thác đến ngọn ngành,
mô tả đến rốt cùng góc khuất tâm hồn con người: phức tạp và chứa đựng những
mặt đối nghịch. Quan trọng hơn cả, những góc khuất ấy được miêu tả rất hợp lý và
logic, rất gần gũi với người xem, như thể người mẹ ấy, đứa con ấy, những ông luật
sư ấy là một phần của chính chúng ta.
Câu chuyện rất hay này, nói một cách công bằng, không thể trở nên tuyệt vời nếu
không có diễn xuất tài tình của các diễn viên, mà quan trọng nhất là Kim Hye-
ja (vai người mẹ) và Won Bin (vai Do – joon). Hai gương mặt diễn viên này
không hề xa lạ với khán giả màn ảnh nhỏ. Kim Hye-ja đã tham gia rất nhiều phim
truyền hình, mới đây nhất là “Sự phẫn nộ của người mẹ”còn Won Bin cũng quá
quen thuộc với những phim tình cảm lãng mạn dài tập như “Cảm xúc mùa thu”
hay “Cảm xúc”. Với “Mother”, hai diễn viên này đã chứng tỏ một sự “lột xác”
đáng ngạc nhiên. Tạm biệt những vai diễn có phần sáo mòn và dễ dãi, diễn xuất
của … và Won Bin trong “Mother” đã chứng tỏ với khán giả tài năng thực thụ của
họ. Khuôn mặt nhân hậu vừa như đăm chiêu ngẫm ngợi, vừa như vô tư của Kim
Hye-ja, cùng với đôi mắt biết nói và chuyển động cơ thể cực kỳ linh hoạt: khi
cuống quýt, lúc dữ dội, khi đầy tình cảm của bà đã chinh phục trái tim khán giả.
Won Bin, anh chàng điển trai từng làm xao xuyến bao trái tim các fan nữ, thật bất
ngờ, nhập vai Do – joon thiểu năng rất tuyệt vời. Lúc ngây ngô như người mất trí,
khi dữ dội và mãnh liệt, lúc trầm tư, Won Bin nhập thân vào nhân vật của mình,
khiến khán giả khóc, cười, xót xa và hụt hẫng.
Sự kết hợp phong cách của nhiều thể loại phim khác nhau cũng góp phần tạo cho
“Mother” một sức hấp dẫn cực kỳ đặc biệt, nhất là trong cách kể chuyện. Chất ly
kỳ, bí ẩn của vụ án tạo cho phim một nhịp điệu phim khá phức tạp, đẩy xúc cảm
của nhân vật và khán giả lên cao trào. Câu chuyện được kể lại bằng những hồi
tưởng từ ký ức của các nhân vật như những lời tự thú. Điều đặc biệt hơn cả là
những đoạn hồi tưởng diễn ra mà không hề thông báo trước. Sự pha trộn hòa
nhuyễn giữa quá khứ và hiện tại tạo nên hiệu quả rất đặc biệt, khán giả bắt buộc
phải suy đoán và tự kiến giải câu chuyện.
Cách quay phim mang chất hình sự thể hiện qua phong cách quay phim cũng làm
“Mother” hấp dẫn. Đạo diễn sử dụng chủ yếu máy quay cầm tay để quay phim với
nhiều đoạn lia và rung lắc mạnh, bám rất sát nhân vật, tạo sự căng thẳng cho câu
chuyện. Câu chuyện phim, bám theo vụ án, được thể hiện bằng một nhịp dựng
căng thẳng, tạo nên tiết tấu nhanh và gấp gáp với nhiều cú dựng song song (ví dụ
cảnh bà mẹ ở ngoài lao đến nhà cô bé bị giết tìm chiếc điện thoại chuyển sang
cảnh cảnh đứa con trong tù gào lên gọi mẹ) hoặc dựng nhảy (cảnh bà mẹ lục xem
ảnh trong điện thoại một mình chuyển sang cảnh trong tù, bà chìa chiếc điện thoại
cho con nhận diện “kẻ giết người) thúc đẩy cao trào phim rất rõ. Phong cách dựng
tương phản trong cỡ hình (cảnh hẹp chuyển sang viễn) và âm thanh cũng được đạo
diễn tận dụng triệt để trong “Mother”, vừa thể hiện không gian phức tạp của câu
chuyện, vừa gây cảm giác đột ngột, bất ngờ cho khán giả. Đạo diễn rất khéo léo ở
nghệ thuật che giấu khán giả và gieo bất ngờ. Màu sắc u tối, ảm đạm của nước
phim cùng cách sử dụng ánh sáng tương phản mạnh cũng thể hiện chất hình sự của
bộ phim – vụ án và điều phối cảm xúc câu chuyện.
Mặt khác, “Mother” cũng là một bộ phim tâm lý, nơi tình mẫu tử vô bờ bến được
khai thác đến triệt để. Mặt khác, chất tâm lý còn thể hiện ở hành trình khám phá
thế giới bên trong con người, nơi mỗi nhân vật là một bản thể đầy đối lập và bất
ngờ.
Âm nhạc trong phim không thể hiện giai điệu mà thể hiện không khí phim. Kín
đáo và không phô trương, âm nhạc mang tính hỗ trợ chứ không thay thế cho không
khí. Cảm xúc tạo ra từ hình ảnh, thực tế đã “no đầy”, âm nhạc chỉ có giá trị như
những nốt ngân.
Với “Mother”, đạo diễn Bong Joon – ho đã chứng minh một điều: Hàn Quốc
không chỉ là xứ sở của những bộ phim truyền hình lãng mạn ướt át, mà họ hoàn
toàn có thể làm những bộ phim nghệ thuật thực thụ: tuyệt đẹp và sâu sắc, ám ảnh
và nhân văn. Sự dũng cảm của Bong Joon – ho, cũng mãnh liệt như đạo diễn Sohei
Imamura với bộ phim “The Ballad of Narayama”. Đó là sự dũng cảm của những
nền văn hóa lớn, của những người dám phô bày những nét xấu xí, những mặt tối,
những phần khuất lấp của xứ sở và con người, để chạm tới một điều sâu kín hơn:
cái đẹp.