Viết ra cụ thể khó khăn -
phương cách để giải
quyết khó khăn
"Viết ra được một cách cụ thể khó khăn của mình là đi được một nửa chặng
đường giải quyết khó khăn."
Viết ra cụ thể khó khăn - phương cách để giải quyết khó khăn
Tôi sẽ chứng minh câu nói này bằng một câu chuyện có thật do ông Galen
Litchfield, một trong những nhà doanh nghiệp thành công nhất ở miền Tây
Mỹ, kể cho tôi nghe. Tôi quen ông từ lâu. Năm 1942, ông đang ở Trung Hoa
khi quân Nhật chiếm Thượng Hải.
Ông kể: "Ít lâu sau khi Nhật chiếm Trân Châu Cảng, chúng ùa vào Thượng
Hải. Hồi ấy tôi làm giám đốc một công ty bảo hiểm nhân mạng ở đó. Chúng
phái một "Thanh tra quân sự" tới công ty của tôi. Tên này là một đô đốc - và
ra lệnh cho tôi giúp đỡ võ quan đó trong khi thanh tra tài sản của công ty. Tôi
không có quyền từ chối. Tôi phải hợp tác nếu không mà "nếu không" nghĩa
là chết chắc chắn.
Không còn cách nào khác, tôi đành tỏ vẻ làm đúng chỉ thị của chúng. Nhưng
tôi không kê vào trong bảng thống kê một số tiền ký quỹ trị giá 750.000 đô la
vì tôi nghĩ số tiền ký quỹ đó thuộc về chi nhánh ở Hồng Kông, không liên
quan gì tới tài sản của công ty ở Thượng Hải. Mặc dầu vậy tôi cũng lo rằng
nếu tụi Nhật tìm ra thì tôi sẽ khốn đốn với chúng chứ chẳng chơi. Và quả thật
chúng thấy liền.
Khi chúng khám phá ra điều ấy thì tôi không có mặt tại văn phòng. Chúng
gặp nhân viên kế toán của tôi. Người này kể lại với tôi rằng đô đốc nổi cơn
tam bành lên, giậm chân chửi thề, bảo tôi là quân ăn trộm, quân phản nghịch,
rằng tôi đã cả gan khiêu khích quân đội Thiên hoàng!
Tôi hiểu như vậy nghĩa là gì rồi. Tôi sẽ bị giam vào "nhà giam" của chúng.
Nhà giam! Tức là phòng hành tội của quân đội Nhật Bản! Bạn bè của tôi có
nhiều người chẳng thà tự tử chứ không chịu bị giam trong đó. Còn những bạn
khác thì chết ở đấy sau mười ngày tra tấn. Mà bây giờ chúng đã sắp nhốt tôi
vô cái ngục hiểm độc kia!
Tôi làm gì lúc ấy! Tôi hay tin chiều Thứ Bảy. Chắc chắn là tôi đã chết điếng.
Và tôi đã chết điếng thật, nếu không có sắn một phương pháp nhất định để
giải quyết những nỗi khó khăn. Từ lâu rồi mỗi lần gặp nỗi lo lắng gì thì luôn
luôn tôi lại bàn đánh máy, đánh hai câu hỏi sau nầy, rồi đánh luôn những câu
trả lời nữa:
1. Tôi lo cái gì đây?
2. Làm sao tránh được bây giờ?
Trước kia tôi thường trả lời miệng mà không chép lên giấy, nhưng từ lâu tôi
bỏ thói quen ấy vì nhận thấy rằng chép những câu hỏi và trả lời lên giấy làm
cho óc tôi sáng suốt hơn.
Vào chiều Chủ Nhật đó, tôi vào thẳng trong phòng tôi, tại hội các Thanh niên
theo Thiên chúa giáo ở Thượng Hải, lấy máy đánh chữ ra đánh:
1. Tôi lo cái gì đây?
Lo sáng mai sẽ bị nhốt vào "nhà giam".
Rồi tôi lại đánh câu hỏi thứ hai:
2. Làm sao tránh được bây giờ?
Tôi suy nghĩ hàng giờ rồi chép lại bốn hành động mà tôi có thể làm được và
những kết quả có thể xảy ra của mỗi hành động ấy.
1. Tôi có thể giảng cho viên đô đốc Nhật. Nhưng y không nói tiếng Anh.
Dùng một người phiên dịch để cố giảng cho y thì chỉ làm cho y thêm nổi giận
và có thể đưa tôi đến chỗ chết được, vì y tính vốn độc ác lắm, sẽ không cho
tôi giảng giải gì hết mà giam ngay tôi vào "nhà giam".
2. Có thể kiếm cách trốn được không? Không. Chúng luôn luôn rình tôi.
Nếu bỏ phòng của tôi ở hội Thanh niên theo Thiên chúa giáo mà đi chắc bị
bắt và bị đem bắn liền.
3. Tôi có thể ở lì trong phòng này mà không lại hãng nữa. Nhưng làm vậy
viên đô đốc Nhật sẽ ngờ vực, sẽ cho lính lại bắt và giam tôi ngay vào "nhà
giam" không cho tôi nói tới nửa lời.
4. Sáng Thứ Hai, tôi có thể vẫn đi làm ở công ty như thường lệ. Như vậy
có thể gặp được dịp may là viên đô đốc Nhật bận việc quá sẽ quên điều tôi đã
làm. mà nếu y nghĩ tới thì có thể rằng y đã bớt giận không la ó quát tháo nữa.
Được vậy thì tốt lắm, còn rủi y có quát tháo thì tôi cũng có dịp để cố giảng
giải cho y. Vậy sáng Thứ Hai cứ xuống hãng như thường lệ, và cứ hành động
như không có gì xảy ra thì còn có hai dịp may để khỏi bị nhốt vào "nhà
giam".
Nghĩ vậy và quyết định theo kế thứ tư rồi - nghĩa là sáng Thứ Hai cứ đến
công ty như thường lệ - tức thì tôi thấy vô cùng nhẹ nhàng thư thái.
Sáng hôm sau, khi tôi đến công ty, viên đô đốc Nhật đã ngồi đó, miệng ngậm
điếu thuốc. Y ngó tôi trừng trừng như mọi lần, nhưng không nói gì hết. Và
nhờ Trời phù hộ, sáu tháng sau y trở về Tokyo, thế là hết lo.
Như tôi đã nói, lần đó tôi thoát chết có lẽ nhờ chiều Chủ Nhật tôi đã ngồi viết
ra những hành động có thể làm được cùng những kết quả có thể xảy ra của
mỗi hành động.
Do đó tôi đã có được bình tĩnh để quyết định. Nếu không thì có lẽ tôi đã vùng
vẫy, do dự để rồi đâm quàng đâm xiên dưới sức xô đẩy của tình thế. Nếu tôi
đã không suy nghĩ kỹ rồi mới quyết định thì có lẽ tôi đã cuồng loạn vì lo sợ cả
buổi chiều Chủ Nhật, mất ngủ đêm đó, và sáng Thứ Hai, xuống hãng, mặt
mũi bơ phờ hoảng sợ. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ làm cho viên đô đốc Nhật nghi
ngờ và tra khảo tôi rồi.
Đã kinh nghiệm nhiều lần, tôi thấy rằng việc đi đến một quyết định là một
điều rất quan trọng. Chính sự không có lấy một mục đích nhất định, sự chạy
loanh quanh hoài, như điên khùng nó sinh ra bệnh thần kinh suy nhược và
biến đổi đời sống của ta thành một cảnh địa ngục.
Tôi nghiệm 50 phần trăm những nỗi lo lắng của tôi tiêu tan đi, khi tôi quyết
định một cách chắc chắn, rõ ràng và khi tôi thi hành quyết định đó thì 40 phần
trăm nữa cũng biến mất.
Vậy tôi chỉ cần làm bốn công việc nầy là khoảng 90 phần trăm những nỗi lo
lắng của tôi tiêu tan hết:
1. Viết rõ ràng lên giấy những nỗi lo của tôi.
2. Viết lên giấy những giải pháp có thể thi hành.
3. Chọn lấy một giải pháp.
4. Bắt đầu thi hành ngay quyết định ấy.
Galen Litchfield hiện nay là một trong những nhà doanh nghiệp Mỹ lớn nhất
ở châu Á. Ông thú nhận với tôi rằng ông thành công, một phần lớn là nhờ ông
biết phân tích những vấn đề khó khăn của ông rồi quả quyết hành động ngay
lập tức.