Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

SỞ HỮU CHÉO NGÂN HÀNG VÀ DOANH NGHIỆP:MỐI TÌNH DANG DỠ potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (115.5 KB, 6 trang )

SỞ HỮU CHÉO NGÂN HÀNG VÀ DOANH
NGHIỆP:MỐI TÌNH DANG DỠ
Câu chuyện mối nhân duyên giữa ngân hàng và doanh nghiệp liệu có thành
công hay thất bại?

Thị trường tài chính Việt Nam gần cuối tháng 8 đã rung động trước sự kiện bầu
Kiên bị bắt do liên quan đến hoạt động kinh doanh trái phép ở 3 công ty riêng
khác nhau. Cho dù bầu Kiên không có sở hữu chính thức đáng kể nào ở hầu hết
các ngân hàng, nhưng thị trường lại phản ứng khá mạnh mẽ về việc này.

Tại sao vậy? Bởi vì thị trường đồn đoán rằng ông Kiên có sở hữu cổ phần ở rất
nhiều ngân hàng và công ty khác nhau nhưng lại không chứng minh được.

Bầu Kiên chỉ là một trường hợp trong mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh
nghiệp Việt Nam. Xa hơn, người ta có thể lo ngại về vấn đề sở hữu chéo trong hệ
thống ngân hàng Việt Nam hiện nay. Nhưng trên thực tế, sở hữu chéo không phải
chỉ có duy nhất ở Việt Nam, mà còn từng phát triển rất mạnh ở nhiều nước phát
triển.

Liên minh ngân hàng - doanh nghiệp ở Đức và Nhật

Sở hữu chéo là một chủ đề nghiên cứu lớn trong giới học thuật trên thế giới, được
giới thiệu như là một chiến lược quản trị của doanh nghiệp. Các nghiên cứu
thường tập trung nhiều ở các quốc gia có mức độ sở hữu chéo cao. Ở phương Tây
là Đức, còn ở phương Đông là Nhật.

Trong khi đó, mối quan hệ sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp lại không
phổ biến nhiều ở Anh hay Mỹ. Có lẽ vì những quốc gia này có nền tài chính phát
triển định hướng theo thị trường từ lâu đời (huy động vốn dựa vào thị trường,
chẳng hạn như thị trường chứng khoán).


Sở hữu chéo được định nghĩa khá đơn giản, là 2 tổ chức sở hữu cổ phần lẫn nhau.
Và tùy vào bối cảnh, sở hữu chéo rất đa dạng khi kết hợp mọi thành phần tham gia
kinh tế: ngân hàng - doanh nghiệp sản xuất - công ty bảo hiểm - các quỹ đầu tư
Nhưng trong nhiều mối quan hệ chằng chịt đó, mối quan hệ giữa ngân hàng và
doanh nghiệp lại là đặc biệt hơn cả. Vì sao?

Các nghiên cứu trên thế giới đều thừa nhận sự thành công của quá trình công
nghiệp hóa ở Đức có sự đóng góp đáng kể của liên minh ngân hàng - doanh
nghiệp.

Hệ thống tài chính của Đức lúc bấy giờ đi theo định hướng dựa vào ngân hàng.
Đồng thời, lĩnh vực ngân hàng cũng có mức tập trung rất cao. Có 4 ngân hàng lớn
chiếm 20% quy mô doanh thu toàn ngành: Deutsche Bank, Dresdner Bank và
Commerzbank (thành lập từ đầu thế kỷ XVIII vào thời kỳ công nghiệp hóa đầu
tiên của người Đức) và Ngân hàng Bayerische Hypo-und Vereinsbank.

Các ngân hàng này có thể đóng nhiều vai trò trong quá trình phát triển: nhà cho
vay, cổ đông, đại diện ủy quyền hoặc là nhà tư vấn. Đồng thời, đại diện của ngân
hàng có thể có mặt trong hội đồng giám sát công ty, cho dù không phải là cổ đông.
Đây là một dấu hiệu cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của lĩnh vực tài chính lên sự
quản trị của các ngành công nghiệp khác.

Đặc biệt, sức mạnh của sự giám sát này thể hiện qua 2 con đường: tỉ lệ sở hữu cổ
phần và mối quan hệ của người đại diện nằm trong ban quản trị công ty và ngược
lại.

Chính các mối quan hệ lâu dài, tập trung này đã dẫn đến sự ổn định, gần gũi, phụ
thuộc lẫn nhau và hỗ trợ đáng kể trong chiến lược phát triển vì lợi ích chung của
các bên liên quan.


Bài học thứ hai đến từ Nhật Bản. Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, các doanh
nghiệp Nhật tỏ ra khắng khít hơn với một ngân hàng trọng tâm và chủ đạo. Các
ngân hàng sau đó đã cho vay và mua lại cổ phần của doanh nghiệp. Một nghiên
cứu cho thấy 65-70% tỉ lệ cổ phiếu các công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng
khoán là đều nằm dưới dạng sở hữu chéo lẫn nhau, cho thấy mối quan hệ giữa các
doanh nghiệp Nhật cũng không kém phần “chằng chịt”.

Hình thức sở hữu chéo của Nhật khi đó được ví như một bản “hợp đồng hôn nhân
tiềm ẩn” giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp được ví như
người chồng phải đưa tiền cho vợ khi cần thiết (bằng cách mua thêm cổ phần).
Còn ngân hàng được ví như một người vợ cung cấp tiền cho chồng hằng ngày và
có thể kiếm thêm tiền từ các mối quan hệ của người chồng.

Rõ ràng, bằng chứng từ Đức và Nhật cho thấy sở hữu chéo không hoàn toàn mang
ý nghĩa tiêu cực như mọi người vẫn thường nghĩ. Thậm chí, đây là yếu tố quan
trọng thúc đẩy sự thành công của quá trình công nghiệp hóa ở cả 2 quốc gia phát
triển ở 2 châu lục khác nhau.

Cuộc hôn phối ở Việt Nam

Bối cảnh ở Việt Nam cũng y hệt các nước khác trong khoảng thời gian đầu của
quá trình công nghiệp hóa. Doanh nghiệp khát vốn và ngân hàng cũng là địa chỉ
cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế.

Một ví dụ điển hình là trường hợp của Masan và Techcombank. Mối quan hệ này
dựa trên cả 2 con đường: sở hữu cổ phần và những người điều hành nằm trong hội
đồng quản trị lẫn nhau. Chẳng hạn, Masan sở hữu 19,71% vốn điều lệ của
Techcombank. Đồng thời, nếu như ở Masan, ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ
Hùng Anh lần lượt giữ vị trí Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị thì ở
Techcombank, vị trí này đảo ngược lại khi ông Hồ Hùng Anh là Chủ tịch và ông

Quang là Phó Chủ tịch.



Sự gắn kết bền chặt này đã mang lại lợi ích cho cả 2 bên. Techcombank là ngân
hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn hiện nay. Còn Masan phát triển
mạnh mẽ với mô hình sở hữu tài sản mà NCĐT đã có dịp đề cập đến trong Chuyên
đề “Masan: Mô hình sở hữu tài sản” cách đây không lâu.

Không thiếu những mối quan hệ như thế ở các ngân hàng và doanh nghiệp Việt.
Nhưng cũng không có nhiều mối quan hệ mang lại lợi ích tốt đẹp cho cả đôi bên,
thậm chí có khi còn ảnh hưởng xấu.

Các trường hợp như Vinashin hay Vinalines là ví dụ tiêu biểu. Là một doanh
nghiệp nhà nước, có sự tham gia điều hành của Chính phủ, đồng thời có nhiều mối
quan hệ với ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần.

Một điểm lợi từ mối quan hệ này chính là tín dụng chỉ định với giá rẻ. Nhưng kết
quả lại là khoản nợ xấu khổng lồ cho nền kinh tế. Tuy trên danh nghĩa Chính phủ
là người đứng ra gánh vác các khoản nợ, nhưng trên thực tế người dân mới là

người phải đóng tiền trả nợ.

Nếu giải thích nguyên nhân của hậu quả trên thì chỉ có thể nằm ở Chính phủ. Là
người tham gia điều hành và có mặt ở cả hai nơi, chính phủ có quyền (và bắt buộc
phải) giám sát đồng tiền của mình đang được sử dụng như thế nào. Tuy nhiên, hệ
thống quản trị và giám sát yếu kém đã dẫn đến kết cục bi thảm cho cuộc hôn phối
giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Các phân tích ở trên chỉ cho thấy một mối quan hệ tương tác giữa ngân hàng -

doanh nghiệp. Còn rất nhiều mối quan hệ khác nằm trong sở hữu chéo, vốn đã
được giới truyền thông cũng như các học giả phân tích và cảnh báo. Chẳng hạn
như hình thức sở hữu giữa doanh nghiệp - ngân hàng - doanh nghiệp. Hoặc các
doanh nghiệp - ngân hàng có thêm yếu tố sở hữu kiểm soát của Nhà nước.

Ở Việt Nam hình thức sở hữu chéo được thừa nhận là khá phổ biến nhưng chưa có
một nghiên cứu khoa học nào để xác nhận cũng như chứng minh được thành quả
từ mối quan hệ sở hữu chéo này. Sở dĩ như vậy là vì mức độ sở hữu chéo ở Việt
Nam rất khó đánh giá. Nguyên do là không minh bạch thông tin và các kế sách
lách luật sở hữu một cách hợp pháp.

Có nên tiếp tục?

Quay trở lại với câu chuyện của Đức và Nhật, từ sau thập niên 1990, mô hình quan
hệ tương trợ giữa ngân hàng và doanh nghiệp dường như đã giảm đi nhiều. Đức
đang chuyển dần sang định hướng thị trường thay vì dựa vào ngân hàng. Còn đối
với Nhật, nhiều nghiên cứu khẳng định mối quan hệ này không còn phù hợp.

Đúc kết từ bài học Nhật cho thấy các ngân hàng không thực hiện tốt vai trò giám
sát các doanh nghiệp có liên quan. Một lượng tín dụng lớn và kém chất lượng vẫn
được cung cấp cho các doanh nghiệp này. Hậu quả là ngân hàng phải gánh chịu
những khoản nợ xấu và dẫn đến việc giảm tài sản. Tình hình này đã buộc các ngân
hàng phải tái cấu trúc và mức độ sở hữu chéo đã giảm.

Bài học khác lớn hơn từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 cho thấy
một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu là việc các công ty gia đình ở châu
Á đều nắm quyền kiểm soát ở các ngân hàng thương mại và sử dụng những ngân
hàng này tài trợ cho các dự án của mình và các công ty có liên quan.

Các nền kinh tế đều trải qua giai đoạn sở hữu chéo cao và có xu hướng giảm dần.

Trong khi đó, ở Việt Nam sở hữu chéo chưa biết được có thực sự tác động tích cực
gì hay không, nhưng tiêu cực thì rất nhiều. Quả thật, các bài học ở trên thế giới
đều đang hiện hữu tại Việt Nam.

Để trả lời câu hỏi có nên tiếp tục cuộc hôn nhân giữa ngân hàng và doanh nghiệp ở
Việt Nam hay không, cần phải có sự vào cuộc của những nhà nghiên cứu về mức
độ sở hữu chéo cũng như tác động, đóng góp thực tế của nó đối với nền kinh tế
Việt Nam.

Một điều rõ ràng là nếu không cải thiện được hiệu quả đầu tư từ những đồng vốn
bỏ ra và sự minh bạch về hệ thống theo dõi, giám sát quá trình hoạt động của sở
hữu chéo thì về căn bản, việc tiếp tục mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh
nghiệp sẽ không thể nào thúc đẩy tăng trưởng, thậm chí còn kéo thụt lùi khi nợ
xấu tăng và giá trị tài sản giảm.
Ngày nay, doanh nghiệp phá sản nhiều, khó khăn cũng không ít. Nhưng đau khổ
hơn cả có lẽ là những doanh nghiệp, vốn là bạn thân của các ngân hàng, nay lại bị
quay lưng từ chối cho vay. Đây quả là những mối tình dở dang.

×