TÂM LÝ HỌC TRẺ
EM
BÀI 1: NHỮNG VẤN ĐỀ
CHUNG VỀ TÂM LÝ HỌC
TRẺ EM
I. ĐỐI TƯỢNG CỦA TÂM LÝ
HỌC TRẺ EM:
Có nhiều khoa học nhiên cứu về trẻ em,
mỗi khoa học nghiên cứu trẻ em theo khía
cạnh riêng, với cách riêng của mình. Tâm
lý học trẻ em quan tâm đến quá trình phát
triển trẻ em, hình thành nhân cách, trở
thành người lớn như thế nào.
Tâm lý học trẻ em là khoa học nghiên
cứu những đặc điểm và quy luật phát triển
tâm lý của trẻ, xem sự hoạt động của trẻ,
sự phát triển các quá trình, phẩm chất tâm
lý và sự hình thành nhân cách của trẻ theo
con đường nào, bằng cơ chế nào.
Có thể nói một cách khái quát rằng đối
tượng của tâm lý học trẻ em là sự sự phát
triển tâm lý của trẻ; những đặc điểm,
những quy luật đặc trưng cho sự phát triển
tâm lý ở mỗi độ tuổi.
II. Ý NGHĨA CỦA TÂM LÝ HỌC
TRẺ EM VÀ QUAN HỆ CỦA NÓ VỚI
CÁC KHOA HỌC KHÁC:
Khi nghiên cứu sự phát triển tâm lý của
trẻ, tâm lý học trẻ em đã sử dụng các tài
liệu của nhiều khoa học khác và đến lượt
mình nó cũng cung cấp những tài liệu có ý
nghĩa quan trọng đối với các khoa học
khác.
Tâm lý học trẻ em dựa trên triết học
duy vật biện chứng. Các luận điểm triết
học vạch ra những quy luật chung nhất của
sự phát triển các hiện tượng tự nhiên và xã
hội. Nó chứng minh rằng tâm lý, ý thức
con người do xã hội quyết định. Sự hiểu
biết các quy luật chung giúp cho tâm lý
học trẻ em tìm ra cách nhìn đúng đắn đối
với sự phát triển tâm lý của trẻ em.
Ngược lại, việc nghiên cứu tỉ mỉ sự
phát triển của trẻ em, nhất là việc trẻ em
nhìn nhận thế giới xung quanh như thế nào
sẽ giúp ta hiểu sâu hơn bản chất chung của
nhận thức con người.
Tâm lý học trẻ em dựa trên những tri
thức về tâm lý con người do tâm lý học
đại cương cung cấp, đồng thời nó lại cung
cấp cứ liệu cho tâm lý học đại cương, cho
những hiểu biết sâu sắc hơn về những vấn
đề tâm lý của người lớn, đặc biệt là những
quy luật nảy sinh và phát triển tâm lý như
thế nào.
Tâm lý học trẻ em thường xuyên sử
dụng những thành tựu giải phẫu sinh lý và
bệnh học lứa tuổi, nhất là những số liệu về
sự phát triển của hệ thần kinh và hoạt động
thần kinh cao cấp của trẻ.
Nhiệm vụ cơ bản của giáo dục là bảo
đảm sự phát triển của trẻ, chuẩn bị cho nó
bước vào cuộc sống. Để làm tốt việc này,
nhà giáo dục phải nắm vững những đặc
điểm và quy luật phát triển của đứa trẻ,
nếu không sẽ phải mò mẫm và dễ bị sai
lệch. Trong lĩnh vực giáo dục mầm non,
tâm lý học trẻ em có một vị trí đặc biệt.
Từ việc tổ chức đời sống đến việc hướng
dẫn cho trẻ trong các hình thức hoạt động,
muốn đạt được kết quả tốt, người nuôi dạy
cần phải biết những đặc điểm và quy luật
phát triển tâm lý của trẻ. Tâm lý học trẻ
em không những giúp cho người nuôi dạy
trẻ có khả năng hiểu trẻ mà còn biết vun
trồng và phát triển tất cả những phẩm chất
tốt đẹp của trẻ. Tránh được những thiếu
sót trong công tác giáo dục trẻ.
BÀI 2: CÁC QUY LUẬT
PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TRẺ
Tâm lý con người và tâm lý động vật
luôn luôn phát triển. Tuy nhiên tính chất và
nội dung của quá trình phát triển trong thế
giới động vật và ở con người khác nhau.
Cơ chế chủ yếu của sự phát triển tâm lý
động vật là sự truyền kinh nghiệm từ thế hệ
trước đến thế hệ sau bằng quy luật di
truyền sinh học. Đặc điểm của các chức
năng tâm lý người là chúng được phát
triển trong quá trình trẻ lĩnh hội kinh
nghiệm – lịch sử, theo quy luật di truyền
xã hội hay kế thừa văn hoá.
Nên người là quá trình đứa trẻ lĩnh hội
kinh nghiệm xã hội – lịch sử được loài
người sáng tạo ra và giữ lại trong nền văn
hoá, bằng hoạt động của chính trẻ em và
luôn luôn được người lớn hướng dẫn – tức
là giáo dục. Đây chính là cơ chế của sự
phát triển tâm lý trẻ em.
Phân tích cơ chế này, ta nhận thấy
những điều kiện đó là những mối quan hệ
giữa nền văn hoá với sự phát triển của trẻ,
giữa hoạt động của chính trẻ với sự phát
triển của nó, giữa những điều kiện sinh học
với sự phát triển của trẻ…
Những mối quan hệ này đều mang tính
phổ biến và tính tất yếu khách quan, vì vậy
nó mang tính quy luật.
I. QUAN HỆ GIỮA VĂN HOÁ VÀ
SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ CỦA TRẺ:
Cũng như mọi sinh vật, con người là
một bộ phận của vũ trụ, chịu sự chi phối
chặt chẽ của thế giới tự nhiên, nhưng cao
hơn mọi sinh vật khác, con người còn có
một thế giới nữa do mình sáng tạo ra, đó
chính là văn hoá. Do đó nói tới văn hoá là
nói tới thế giới tinh thần của con người và
những thành tựu đạt được trong suốt tiến
trình lịch sử của nó, để hoàn thiện mình và
xã hội.
Người ta chia văn hoá thành hai hình
thái: Văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần.
Dù văn hoá vật chất hay văn hoá tinh thần
đều chứa đựng những kinh nghiệm xã hội –
lịch sử mà loài người đã tích luỹ được. Do
đó sự phát triển diễn ra trong quá trình trẻ
em lĩnh hội kinh nghiệm loài người trong
nền văn hoá.
Ngay từ khi ra đời trẻ đã tiếp xúc với
nền văn hoá của loài người. Nền văn hoá
xã hội với những sản phẩm vật chất tinh
thần ngay từ đầu đã là nguồn gốc và nội
dung của sự phát triển tâm lý.
Sự phát triển tâm lý của trẻ chịu sự chi
phối bởi những điều kiện sống, bởi trình
độ văn hoá của những người xung quanh,
bởi mức độ phong phú và tinh xảo của
những phương tiện sống, bởi những biến
động của xã hội.
Sớm tiếp xúc với một nền văn hoá cao,
đó là điều kiện thuận lợi cho sự hình thành
và phát triển nhân cách của trẻ.
Nền văn hoá chứa đựng kinh nghiệm xã
hội-lịch sử của toàn nhân loại, nhưng ở
mỗi dân tộc, mỗi địa phương do những
điều kiện sống khác nhau nên đã hình thành
nên những phong tục, tập quán, truyền
thống văn hoá khác nhau, tạo nên nền văn
hoá mang bản sắc dân tộc, bản sắc vùng
miền.
Trong quá trình phát triển, trẻ tiếp nhận
văn hoá theo hai con đường:
1. Con đường tự phát: Là sự tiếp nhận
một cách tự nhiên của các yếu tố trong
hoàn cảnh sống chủ yếu bằng bắt chước.
Với con đường này, sự phát triển tâm lý
của trẻ mang tính chất tuỳ tiện, những thành
đạt nếu có trong bước đường lớn lên đều
mang tính ngẫu nhiên.
2. Con đường tự giác ( tức giáo dục ):
Là sự tác động có mục đích, có kế hoạch
của người lớn đối với trẻ nhằm hình thành
ở trẻ những phẩm chất nhân cách đáp ứng
những yêu cầu của xã hội. Nói cách khác,
giáo dục dưới dạng chung nhất là sự chuẩn
bị cho trẻ bước vào đời sống xã hội. Đây
là con đường chủ yếu để hình thành nhân
cách cho trẻ em và để phát triển xã hội.
Ngày nay, với sự tiến bộ của “ công
nghệ giáo dục”, người ta có thể điều khiển
sự phát triển một cách chủ động. Trước hết
là định hướng cho sự phát triển, lựa chọn
nội dung và phương pháp tổ chức hoạt
động cho trẻ nhằm lĩnh hội những kinh
nghiệm trong nền văn hoá phù hợp với mỗi
trình độ phát triển của trẻ em.
Như vậy, văn hoá ( trong đó có cả giáo
dục ) đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối
với sự phát triển tâm lý và hình thành nhân
cách của trẻ em Nếu không được sống
trong xã hội loài người, không được tiếp
xúc với nền văn hoá nhân loại thì đứa trẻ
sẽ không thể nên Người được.
Đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non, văn
hoá gia đình giữ vai trò đặc biệt quan
trọng.
Văn hoá gia đình là một môi trường đặc
biệt, giúp cho sự phát triển của trẻ thơ
được thuận lợi. Trước hết vì đó là một
môi trường an toàn, trong đó đứa trẻ luôn
ở bên cạnh những người ruột thịt, luôn
được thương yêu, ấp ủ nên đã tạo cho đứa
trẻ cảm giác an toàn về tâm lý, về thể chất.
Gia đình còn là một môi trường phong
phú. Trong gia đình có ông bà, cha mẹ,
anh chị em, tạo ra những mối quan hệ đa
dạng giữa nhiều người ở độ tuổi khác
nhau.Thế giới đồ vật trong nhà nhiều hình,
nhiều vẻ tạo điều kiện cho trẻ làm quen
với xung quanh.
Trong gia đình, trẻ được nuôi dạy theo
một phương thức , khác với phương thức
giáo dục nhà trường. Thể hiện ở những đặc
điểm sau đây:
+ Gia đình chăm sóc dạy dỗ trẻ bằng
tình thương yêu ruột thịt
+ Người lớn trong gia đình dạy trẻ bằng
giao tiếp trực tiếp và thường xuyên với
các em.
+ Gia đình không tiến hành giáo dục đồng
loạt đối với các cháu trong cùng một
nhóm. Gia đình chăm sóc, dạy dỗ từng
cháu một, phù hợp với đặc điểm riêng của
mỗi cháu.
+ Giáo dục gia đình thường bằng nhiều
hình thức mang tính chất tổng hợp và
đượm màu sắc nghệ thuật.
Tuy nhiên hiệu quả của giáo dục gia
đình hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ văn
hoá của mỗi thành viên, đặc biệt là trình
độ văn hoá của người mẹ.
Cùng với sự phát triển của xã hội gia
đình cũng đã biến đổi về cơ bản. Tuy vậy
văn hoá gia đình vẫn luôn luôn đóng vai
trò đặc biệt quan trọng đối với trẻ thơ. Sau
này khi lớn khôn, mỗi người có thể chịu
ảnh hưởng từ nhiều phía của nền văn hoá
xã hội. Nhưng những gì mà văn hoá gia
đình đã hun đúc nên vẫn được mang theo
trong mỗi người đến suốt đời.
II. QUAN HỆ GIỮA HOẠT ĐỘNG
VÀ SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ CỦA
TRẺ:
Để phát triển, để nên người, đứa trẻ
phải tự hoạt động để lĩnh hội kinh nghiệm
xã hội - lịch sử. Hoạt động không chỉ là
nơi tâm lý con người được bộc lộ mà
chính là cái hình thành nên tâm lý của con
người.
Muốn phát triển tâm lý và hình thành
nhân cách trẻ em thì nhất thiết phải đưa
chúng vào những hoạt động nhất định.Giáo
dục trước hết phải là quá trình tổ chức
hoạt động tích cực của trẻ em, qua đó mà
chiếm lĩnh nền văn hoá của dân tộc và của
nhân loại.
Những phẩm chất tâm lý được hình
thành không chỉ phụ thuộc vào tính tích
cực hoạt động của cá nhân, mà còn phụ
thuộc vào chất lượng hoạt động.
Trong cuộc sống, con người có thể
tham gia vào nhiều hoạt động, song có
những dạng hoạt động trong giai đoạn này
là chủ đạo, có ý nghĩa lớn đối với sự phát
triển tâm lý, nhân cách, còn những hoạt
động khác ít có ý nghĩa hơn, chỉ đóng vai
trò thứ yếu.
Ở mỗi giai đoạn phát triển có một hoạt
động nhất định đóng vai trò chủ đạo, hoạt
động này có những đặc điểm sau đây:
+ Là hoạt động có đối tượng mới, chưa
hề có trước đó. Chính đối tượng mới này
tạo ra những cái mới trong tâm lý, tức là
tạo ra những phát triển.
+ Là hoạt động có khả năng chi phối
toàn bộ đời sống tâm lý của trẻ em và tiếp
theo đó những quá trình tâm lý sẽ được cải
tổ, được tổ chức lại bằng hoạt động này.
+ Là hoạt động có khả năng chi phối
các hoạt động khác cùng diễn ra đồng thời
trong giai đoạn đó.
Nhờ những đặc điểm này, hoạt động
chủ đạo đã tạo ra những nét đặc trưng
trong tâm lý của trẻ ở mỗi giai đoạn phát
triển.
Căn cứ vào sự thay đổi cơ bản trong
điều kiện sống và hoạt động của trẻ, căn
cứ vào những thay đổi trong cấu trúc tâm
lý của trẻ và sự trưởng thành cơ thể của trẻ
em, các nhà tâm lý đã chia ra một số thời
kỳ chủ yếu trong sự phát triển tâm lý trẻ
em:
+ Tuổi sơ sinh: mới sinh đến 2 tháng
Hoạt động chủ đạo :
+ Tuổi hài nhi: 2 tháng đến 12 tháng
Hoạt động chủ đạo : Giao tiếp xúc cảm
trực tiếp với người lớn
+ Tuổi nhà trẻ ( ấu nhi): 1 tuổi đến 3
tuổi
Hoạt động chủ đạo : Hoạt động với đồ
vật
+ Tuổi mẫu giáo: 3 tuổi đến 6 tuổi
Hoạt động chủ đạo : vui chơi ( trung
tâm là trò chơi đóng vai theo chủ đề )
+ Tuổi nhi đồng: 6 tuổi đến 11 tuổi
Hoạt động chủ đạo : Học tập
+ Tuổi thiếu niên: 11 tuổi đến 15 tuổi
Hoạt động chủ đạo : Học tập và giao
lưu nhóm bạn thân
+ Tuổi đầu thanh niên: 15 tuổi đến 18
tuổi
Hoạt động chủ đạo: Học tập gắn với xu
hướng nghề nghiệp, hoạt động xã hội.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng hoạt động chủ
đạo không phải là hoạt động duy nhất.
III. ĐIỀU KIỆN SINH HỌC VÀ SỰ
PHÁT TRIỂN TÂM LÝ CỦA TRẺ:
Điều kiện sinh học bao gồm tất cả
những yếu tố tạo nên hình thái cơ thể con
người, trong đó đặc biệt quan trọng là hệ
thần kinh, là cơ sở vật chất để diễn ra hoạt
động tâm lý, như một đại diện của loài
người.
Các điều kiện sinh học không quyết
định hoàn toàn sự phát triển tâm lý của trẻ
theo con đường di truyền sinh học, nhưng
cũng cần phải xác định rõ vai trò của nó
trong sự phát triển ấy.
Ngay từ khi lọt lòng mẹ, trẻ đã kế thừa
từ tổ tiên của mình cấu tạo và chức năng
cơ thể, đã có một hệ thần kinh với một bộ
não người có khả năng trở thành cơ quan
hoạt động tâm lý cực kỳ phức tạp mà chỉ
con người mới có. Không có bộ não người
thì không thể nảy sinh các phẩm chất tâm
lý của con người.
Điều kiện sinh học còn ảnh hưởng đến
sự phát triển tâm lý của trẻ ở những điều
sau đây:
+ Những chức năng tâm lý sơ đẳng của
con người như các cảm giác gắn liền với
các giác quan. Chất lượng hoạt động của
các giác quan sẽ ảnh hưởng đến các chức
năng tâm lý bậc cao.
+ Kiểu hoạt động thần kinh cấp cao (
mạnh hay yếu; cân bằng hay không cân
bằng; linh hoạt hay không linh hoạt). Điều
đó ảnh hưởng đến cách bộc lộ của hoạt
động tâm lý, khiến cho hành vi của mỗi
người mang sắc thái riêng.
+ Những độc tố trong cơ thể cha mẹ
cũng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm
lý của trẻ em, nhất là đến trí tuệ. Chẳng
hạn con cái của những người bị nhiễm chất
độc màu da cam, nghiện ma tuý, nghiện
rượu… sẽ làm cho những tế bào của vỏ
bán cầu đại não của con cái hoạt động
không bình thường dẫn đến nhiều khuyết tật
trong đời sống tâm lý và thường là chậm
phát triển trí tuệ.
Tóm lại: Những điều kiện sinh học có
ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm lý của
trẻ. Ảnh hưởng đó là ở chỗ nó tạo điều
kiện thuận lợi hay gây trở ngại cho sự phát
triển tâm lý với tốc độ nhanh hay chậm, dễ
dàng hay khó khăn.
Bài 3 : ĐẶC ĐIỂM PHÁT
TRIỂN TÂM LÝ CỦA TRẺ
TRONG NĂM ĐẦU
I. ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN TÂM LÝ
CỦA TRẺ SƠ SINH: (0 – 2 tháng)
1.Vai trò của các phản xạ không điều
kiện:
Từ đời sống trong bụng mẹ, một môi
trường trường đối ổn định, đứa trẻ ra đời
như đột ngột bị đẩy vào một hoàn cảnh
mới mẻ của môi trường không khí, với vô
số kích thích của thế giới bên ngoài.
Đời sống của bé trong môi trường mới
được bảo đảm nhờ có những cơ chế di
truyền có sẵn: hệ thống thần kinh đã sẵn
sàng thích nghi với điều kiện bên ngoài,
những hệ cơ quan cơ bản của cơ thể bắt
đầu khởi động, nhờ đó trong những ngày
đầu tiên các phản xạ tự vệ được thực hiện.
Bên cạnh những phản xạ tự vệ, còn có các
phản xạ định hướng, tức là những phản ứng
của trẻ hướng tới những kích thích mới lạ.
Phản xạ định hướng là cơ sở ban đầu của
hoạt động tìm tòi của trẻ. Tuy nhiên sự tìm
tòi của trẻ còn bị hạn chế bởi các giác
quan còn quá non nớt.
Trong những ngày đầu tiên của cuộc
sống của trẻ đã có một số phản xạ không
điều kiện, giúp trẻ thích ứng với hoàn cảnh
sống mới. Phản xạ thở, phản xạ mắt và
những phản xạ về nhiệt độ… đều là những
phản xạ bẩm sinh được thực hiện sau khi
sinh ra.
Tuy mới sinh ra đứa trẻ hầu như bất lực
không tự phát triển được, nhưng lại có khả
năng tiếp nhận kinh nghiệm và hành vi đặc
biệt của con người.
2.Tình trạng bất phân (cảm giác
không phân định):
Trẻ sơ sinh trong tình trạng bất phân khi
cảm nhận mọi vật. Trong tháng đầu trẻ hầu
như chưa tiếp nhận kích thích từ bên ngoài,
chỉ có nội cảm và tự cảm, chỉ khi nào kích
thích bên ngoài quá mạnh mới nhận ra.
Ban đầu nội cảm chiếm ưu thế, về sau
ngoại cảm chiếm ưu thế, nhưng những hoạt
động nội cảm vẫn tiếp tục một cách vô
thức.
Hết tuần đầu, em bé bắt đầu có những
phản ứng phân định. Đến hết tuần thứ 6 bé
có thể cảm nhận được một số kích thích từ
môi trường bên ngoài.
Trẻ sớm nhận ra mặt người. Khi lại gần
dù đói hay no trẻ cũng phản ứng với bộ
mặt người, còn những đồ vật khác thì
không gây phản ứng gì.
Ở giai đoạn này cảm xúc và cảm giác
còn hỗn hợp, nội cảm lấn át ngoại cảm.
Nhưng ở vùng môi, miệng và họng, là nơi
mà một kích thích bên ngoài tạo ngay một
phản ứng đặc trưng: tìm bú.
Quá trình tiến từ tiếp cảm gần đến tiếp
cảm xa đóng vai trò quan trọng trong sự
phát triển. Bé vừa bú vừa nhìn mẹ, hai
cảm giác ở miệng và mắt kết hợp lại.
Những lúc miệng rời vú, không còn cảm
giác gần, nhưng cảm giác xa vẫn còn. Dần
dần thị giác đóng vai trò quan trọng, vì
không bị dứt đoạn. Đây là chỗ dựa đầu
tiên cho quan hệ với đối tượng.
3. Nhu cầu tiếp nhận các ấn tượng thế
giới bên ngoài, nhu cầu gắn bó với người
khác:
a. Nhu cầu tiếp nhận các ấn tượng thế giới
bên ngoài:
Nhu cầu này gắn liền với phản xạ định
hướng. Lúc đầu trẻ chỉ có phản ứng nhìn
khi có một vật sáng để gần và chỉ có phản
ứng nghe khi có tiếng động to. Nhờ đó nhu
cầu tiếp nhận các ấn tượng xuất hiện, trẻ
bắt đầu nhìn theo các vật di động hoặc
phản ứng với âm thanh, đặc biết là giọng
nói của người lớn và rất thích nhìn vào
mặt người.