Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

Một mệnh lệnh triệt tiêu nghệ thuật potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (227.54 KB, 11 trang )

Một mệnh lệnh triệt tiêu nghệ
thuật
“Họa sĩ phải vẽ sao cho công chúng hiểu”, “vẽ, để phục vụ công
chúng”… tưởng đã là chuyện của quá khứ. Thế mà, cho đến nay, thỉnh
thoảng, vẫn còn nghe vang vang trên các diễn đàn chính thức (trên báo
chí, trong các cuộc hội thảo…). Từ miệng của không ít nhà phê bình,
nhà quản lý, và một số họa sĩ - như một mệnh lệnh. Không chỉ như một
mệnh lệnh chính trị, nó còn được xem như một mệnh lệnh của lương
tri, của đạo đức (bao giờ nó cũng được nhắc đến gắn liền với một giọng
điệu quyết đoán hay đầy bức xúc về “bản sắc độc đáo”, về “truyền
thống vẻ vang”, về “lịch sử hào hùng” v.v… của dân tộc.)

Có thể nói ngay, đây là một mệnh lệnh kỳ lạ và phi lý, hơn nữa, còn có
hại; cái hại lớn nhất là triệt tiêu nghệ thuật. Bởi:

Trước hết, nên hiểu như thế nào về khái niệm “công chúng”. “Công
chúng”, ngày xưa, trong hoàn cảnh thuộc địa -tất cả đều là “kẻ bị áp
bức, bóc lột”-, hay chiến tranh -tất cả đều là “chiến sĩ cách mạng”-, có
thể, còn mang lại một hình dung nhất định nào đó. Nhưng đến giờ, nó
đã là một khái niệm rỗng, mơ hồ. Xã hội đã phân hóa rất nhiều -theo
vùng, miền, theo quan hệ kinh tế, theo trình độ học vấn v.v…- ngày
càng phức tạp. “Công chúng” không còn là một đám “dân ngu cu đen”
như nhau, mà là tầng tầng lớp lớp khác nhau. Trước sự phân hóa như
vậy, “công chúng”, nên hiểu là công chúng nào? “Công, Nông, Binh”
như vẫn hay nói trước đây chăng? Hoàn toàn không ổn. Phải mù lắm
mới không thấy, ngay ở thành phần này, cũng đã phân hóa nhiều rồi. Ít
nhất là về trình độ nhận thức, về nhu cầu văn hóa. Trong tầm nhận thức
của mỗi người, đâu chỉ còn là những câu chuyện cổ tích, những ca dao
tục ngữ vần vè, những giai thoại, huyền thoại huyễn hoặc , hay những
qui ước, luật lệ bày đặt tủn mủn…, mà đã là cả một thế giới thông tin
ngày càng trở nên bề bộn, đa chiều với đủ các biểu tượng xã hội mới


mẻ, các lực hấp dẫn khác nhau, làm bùng vỡ các ý thức cá nhân và tinh
thần phê phán… Và, trong kinh nghiệm thị giác mỗi người, đâu còn
chỉ là những sắc nâu, sắc xám của không gian sinh hoạt nghèo nàn mọi
thứ như trước…, mà đã rộn ràng sắc màu “siêu thị”, tuy ở ngoại vi
nhưng vẫn là thành phần, không thể chối cãi, của nền kinh tế hàng hóa
toàn cầu hóa v.v… Nói chung, mọi thứ đã thay đổi. Môi trường sống
thay đổi, cách nhìn, cách nghĩ cũng thay đổi. Họ đâu còn là một khối
đông thuần nhất. Thử hỏi bao nhiêu họa sĩ đã từng có những “kỷ niệm
sâu sắc” với thành phần công chúng này -như Huỳnh Phương Đông,
như Nguyễn Thanh Châu chẳng hạn- bây giờ, đang mơ điều gì? Cả
thảy, dường như, chỉ còn mơ đến bảo tàng, hay mơ… trở lại ngày
xưa!…

Tiếp theo, nên hiểu thế nào về khái niệm “hiểu”. “Hiểu”, trong nghệ
thuật là một khái niệm không đơn giản chút nào. Ngày xưa, trong bối
cảnh truyền thông chưa phát triển, đặc biệt trong điều kiện bất thường
của cuộc sống thời chiến, khó khăn thiếu thốn mọi bề, mỹ thuật trong
sự nối tiếp truyền thống ước lệ của nghệ thuật Lãng mạn và Hiện thực
chủ nghĩa hình thành trước đó, một mặt, được bẻ ngoặt theo hướng65n
thhướng Hiện thực Xã hội chủ nghĩa “phản ánh theo kiểu gương soi”,
một mặt, đơn giản hóa thành một phương tiện thay thế để chuyên chở
các hình ảnh tuyên truyền, cổ động, khái niệm “hiểu” mới có được ít
nhiều chuẩn mực nhất định theo cách riêng. “Hiểu”, là hiểu cái được
“phản ánh” -cái “câu chuyện”, cái “hình tượng”, cái “tư tưởng” được
mô tả, thể hiện trên tranh, tượng… Ngày nay, mỹ thuật, không thể tồn
tại được mãi ở một cách nhìn và ở tư cách thế vì như vậy được nữa.
Ngay ở những tư cách này, nhiếp ảnh, báo chí, truyền hình… bây giờ
làm tốt hơn nó rất nhiều -cả về lượng lẫn về chất. Buộc nó phải tiếp tục
như vậy là giết chết nó… Hơn nữa, khi đã không có một “công chúng”
nói chung, thì làm gì có một cách hiểu chung về nghệ thuật. Trong một

cách nhìn nào đó, “hiểu thế nào” là điều có thể áp đặt. Nhưng đến giờ,
áp đặt một cách hiểu độc tôn như đã từng có thực sự đã là điều không
tưởng. Và chỉ có hại.

Tiếp theo nữa, nên hiểu như thế nào về khái niệm “phục vụ”. Trong
nghệ thuật, đây cũng là một khái niệm phức tạp, mà cho đến nay, với số
đông họa sĩ, nó được xem, đơn giản, chỉ là sự “thức tỉnh” mang tính cá
nhân. Còn mọi “định nghĩa hóa” mang tính thể chế đều luôn được xem
là cực đoan-duy ý chí. Thực tế là như vậy. Thời chiến tranh, nói là
phục vụ công chúng, nhưng ai cũng biết, thực chất là phục vụ chính trị.
Nghệ thuật phải có “tính đại chúng” là để phục vụ chính trị hiệu quả.
Trong điều kiện xã hội ngày nay, việc đề cao “tính đại chúng” như vậy,
có còn mang lại hiệu quả chính trị hay không? Từ những điều phân tích
ở trên, ở ngay góc nhìn chính trị, cũng dễ thấy, câu trả lời chắc chắn là
không. Mỹ thuật mang “tính đại chúng” -đang được số đông yêu thích-
thực chất, đang chỉ nuôi sống, thậm chí làm giàu cho các họa sĩ chuyên
vẽ tranh thương mại, mà chúng ta đã không ngừng la lên là chỉ có “suy
đồi”… Còn mỹ thuật đang tự cho là “phục vụ công chúng”, thể hiện tập
trung nơi hệ thống tượng đài dựng ở khắp mọi nơi, thì phần lớn, chỉ
như những ví dụ về sự thống trị của cái phản thẩm mỹ, phi nghệ thuật -
phí công, phí của- bị chi phối bởi những cái nhìn “đại diện” nào đó mà
báo chí trong nước lâu nay cũng đã lên tiếng phê phán rất nhiều mà
thôi…

*


Đối với số đông họa sĩ, những mệnh lệnh cũ kỹ và kỳ lạ ấy là những
chuyện họ không quan tâm nữa. Một phần, những ràng buộc của cơ chế
tuy còn nhưng đã không còn quá nặng nề. Hơn nữa, bối cảnh xã hội

“mở cửa” thông thoáng với thế giới bên ngoài, và sự phát triển của thị
trường nghệ thuật, đã cho họ một khoảng tự do nhất định để có thể phớt
lờ những mệnh lệnh như thế -hoặc, chỉ quan tâm đến các yêu cầu của
thị trường, hoặc, chỉ chăm chú vào công việc sáng tác của mình. Phần
khác, trong suy nghĩ của đa số người có thái độ nghiêm túc với nghệ
thuật thì, trung tâm của mọi nền nghệ thuật là bản thân công việc sáng
tạo, là tác phẩm nghệ thuật -những thứ mà thực tế, không ai có thể cầm
buộc được. Điều quan trọng hơn đối với người nghệ sĩ là làm ra những
tác phẩm nghệ thuật “tốt nhất” -chẳng phải lịch sử nghệ thuật là lịch
sử của những thành tựu nghệ thuật đó sao?! Còn lại, mọi chuyện là tùy
phụ, thời gian sẽ điều chỉnh v.v…

Các hoạ sĩ không quan tâm nhưng họ có thực sự thoát ra ngoài quỹ đạo
của các mệnh lệnh ấy hay không? Sự thật, họ không thể. Không khó
thấy, “Họa sĩ phải vẽ sao cho công chúng hiểu”, “vẽ, để phục vụ công
chúng”… không hề là một khẩu hiệu, một mệnh lệnh suông. Cho dù
trong thực tế, nó có vẻ bất lực không ảnh hưởng, không tác động gì
được đến từng nghệ sĩ, nhưng nó vẫn là cốt lõi của “cái nhìn chỉ đạo”
quyết định không biết bao nhiêu chủ trương, đường lối, không biết bao
nhiêu chính sách và kế hoạch quản lý, đầu tư -kể cả trong giáo dục, đào
tạo- những thứ hết sức hệ trọng, cầm giữ linh hồn của từng họa sĩ và
quyết định vận mệnh của cả nền mỹ thuật. Nói “quyết định vận mệnh cả
nền mỹ thuật”, bởi, khi “công chúng thích và hiểu” trở thành tiêu chuẩn
đo lường duy nhất và tối hậu, thì cả nền mỹ thuật, chắc chắn, sẽ không
sản sinh ra nổi những cái có giá trị tiên phong hay bác học. Và, khi mà
những cái có giá trị tiên phong hay bác học, nếu có, cũng không được
thừa nhận, không được qui phạm hóa, phổ cập hóa… thì, “cái thích và
hiểu” ở “công chúng” cũng không thể chuyển hóa, thay đổi. Tất cả, dẫn
đến sự nhập nhằng, lẩn quẩn, chèo kéo kìm hãm lẫn nhau… Nói “cầm
giữ linh hồn của từng họa sĩ”, bởi, trước khi là con-người-sáng-tạo, họ

là con-người-tiếp-nhận. Và, ở tư cách con-người-tiếp-nhận, trong cái
trạng thái đầm lầy của cả nền văn hóa mỹ thuật bất phân mọi sự-
thấp/cao, thật/giả … lẫn lộn-và “nghèo đói” thông tin chuyên ngành
các loại như thế v.v…, tính độc lập và sự tự do-quyết định cái bản lĩnh
sáng tạo-có được ở họ, thực ra, hết sức hạn hẹp. Thậm chí, chỉ là ảo
tưởng. Cái nhìn lạc hậu về nghệ thuật, sự nghèo nàn, yếu đuối trong
năng lực sáng tạo, và, cả sự thiếu tự giác hóa, mù mờ trong hành động
sáng tạo v.v… nơi số đông họa sĩ Việt Nam, có lẽ là điều ai cũng đã
nhận thấy. Không khó chứng minh.

Những cách nhìn lạc hậu nhưng lại có tham vọng định hướng và chỉ
đạo các hoạt động mỹ thuật như vậy có tác động mạnh mẽ lên nền văn
hoá mỹ thuật của xã hội. Nền văn hoá ấy làm cho các hoạ sĩ trở thành
nhỏ bé, bất lực và vô dụng trước các đòi hỏi căn bản của công chúng.
Mặt khác, nó lại làm cho quần chúng trở thành những giám khảo tối
hậu của nghệ thuật bất kể trình độ của họ ra sao. Với tư cách “giám
khảo tối hậu” như vậy, quần chúng không cần có bổn phận gì cả, kể cả
bổn phận học tập để đủ sức tiếp cận và thụ hưởng các công trình nghệ
thuật hiện đại, điều họ mà họ cần, nên và đáng thụ hưởng.

Bị giam cầm trong một nền văn hoá mỹ thuật lạc hậu và tù túng như
vậy, nghệ thuật dễ bị đánh mất bản chất của chính nó; cuối cùng, nó dễ
bị biến tướng, biến dạng, thành một cái gì khác: một công cụ tuyên
truyền hay một thứ trang trí rẻ tiền.

Phi lý và gây ra nhiều hậu quả tai hại như vậy, nhưng tại sao cho đến
nay, nó còn được đưa ra như một mệnh lệnh? Câu trả lời ở đây, không
gì khác hơn, vẫn là do những nguyên do tôi đã ít nhiều đề cập trước
đây: sự kéo dài của các quán tính thời xưa; sự trì trệ của giới phê bình,
sự thiếu hụt tinh thần phê phán, cả sự thiếu hụt những kiến thức cập

nhật. Quan trọng hơn, nó còn do sự thống trị kéo dài của giới quản lý
hành chính, những người có quyền lực nhưng lại không có chuyên môn
và thậm chí không có cả tình yêu thực sự đối với nghệ thuật. Trong tầm
nhìn của các nhà quản lý ấy, các vấn đề bản thể của nghệ thuật, sự
tồn tại với các đặc trưng loại hình riêng biệt của mỹ thuật vẫn chưa
được coi trọng, thậm chí là chưa được ý thức. Đặc biệt là trong cách
nghĩ của các nhà quản lý-bị chi phối bởi các quan điểm chức năng vốn
hết sức lạc hậu- vẫn chưa hiểu rằng, sự tác động của mỹ thuật lên đời
sống xã hội, không đơn giản chỉ là các vấn đề tư tưởng.

*

Bàn về việc làm sao cho “công chúng hiểu” và “phục vụ công
chúng”, thật ra, là một việc rất phức tạp, không thể giải quyết trong một
bài báo được. Bởi ngoài những vấn đề đã trình bày, nó còn liên hệ đến
những vấn đề có tính chất lý thuyết như bản chất và chức năng của
nghệ thuật, quan hệ giữa nghệ thuật và xã hội, giữa nghệ sĩ và quần
chúng, giữa giáo dục và văn hoá mỹ thuật, giữa vai trò nhà quản lý và
vai trò các chuyên gia, v.v

Trong bài này, tôi chỉ xin giới hạn trong một số vấn đề chúng ta không
thể không lưu ý:

Thứ nhất, mỹ thuật, hiểu theo nghĩa “truyền thống”-hội họa, điêu
khắc, đồ họa…-còn kéo dài ở Việt Nam, thực chất, chưa bao giờ là
nghệ thuật của số đông. Do tính chất độc bản, không chấp nhận bất cứ
hình thức “đại diện” nào (Mọi hình thức phiên bản, đều là một sự sáng
tạo lại. Không phải là nó), “công chúng” của một tác phẩm mỹ thuật,
lúc nào, ở đâu cũng hết sức lèo tèo. Sự hiểu biết của số đông về nó, như
tôi đã trình bày trong bài “Phê bình mỹ thuật-một chuyện thừa”, thực

tế, chỉ là ảo tưởng. Không phải ngẫu nhiên mà không ít họa sĩ trên thế
giới ngày nay, đã có phản ứng gay gắt với cách hiểu “truyền thống” đó.
Họ cho đó là một thứ nghệ thuật “trưởng giả” và “lừa mị”. Và từ đó, đi
tìm những hình thức mới, tiếp xúc trực tiếp với công chúng, dẫn vào
nghệ thuật đại chúng, nghệ thuật đường phố, nghệ thuật công cộng,
nghệ thuật khái niệm và hành vi v.v… Đã vậy, quan tâm đến vấn đề
công chúng, đặt vấn đề phục vụ công chúng, không thể không quan tâm
đến các hình thức nghệ thuật mới-vừa nói-đang ảnh hưởng không ít
đến khá đông họa sĩ trẻ Việt Nam hiện tại, và, không thể không quan
tâm đến việc phát triển các thiết chế dân chủ cho sự tiếp cận nghệ
thuật. Quan tâm đến vấn đề thứ nhất, không thể bỏ qua việc trang bị
một nền tảng tri thức vững vàng, một môi trường giao tiếp thuận lợi và
một không gian đối thọai dân chủ cho các nghệ sĩ. Quan tâm đến vấn
đề thứ hai, không thể bỏ qua việc phát triển và đổi mới cung cách họat
động của hệ thống bảo tàng, mở cửa các bộ sưu tập, khuyến khích và
tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trưng bày, triển lãm. Việc
giáo dục, đào tạo… không thể tách rời quan hệ với các bảo tàng, các bộ
sưu tập và thực tiễn sáng tác, triển lãm của các nghệ sĩ…

Thứ hai, tác phẩm mỹ thuật, tác động đến người xem thông qua kênh
thị giác. Sự ảnh hưởng của nó đến người xem, trong một chừng mực
nhất định, có thể được chuyển hóa thành những khái niệm, thành những
vấn đề tư tưởng v.v…, nhưng chỉ là trong một chừng mực. Căn bản
hơn, nó tương tác, làm giàu thêm các ấn tượng và kinh nghiệm thị giác
nơi người xem, nâng cao họ, mở rộng năng lực cảm thụ và sáng tạo
của họ trong việc đánh giá thẩm mỹ cải tạo môi trường sống và sản
xuất thế giới đồ vật chung quanh. Cái nhiệm vụ chính trị của mỹ thuật,
nếu cần phải đặt ra, thì cũng phải đặt ra ở sự nhìn nhận cái đặc trưng
này: nhiệm vụ phải sáng tạo, phải làm giàu, làm riêng cho nền văn
minh thị giác Việt Nam. Quả thực, nếu màu đỏ được hiểu chỉ là màu

đỏ, mà trong những tương quan hình thức nhất định có thể tạo nên
những giá trị biểu xúc nào đó…, chứ không phải là “màu cờ Tổ quốc”,
“màu máu người Việt Nam” -như không ít người đã “nghiêm trọng
hóa”- thì may ra, công chúng nói chung, mới có thể biết lựa chọn, hay
làm ra… một cái hộp quẹt sao cho vừa mắt. Có vậy mới có được sức
mạnh cạnh tranh trong nền kinh tế hàng hóa, thông tin và du lịch…
càng ngày, càng chú tâm nhiều hơn đến các khía cạnh hình thức, đến
các vấn đề phong cách… hiện thời. Và, mới có thể “còn được nhìn
thấy” trong bối cảnh “hoàn cầu hóa”…

Thứ ba, tác phẩm mỹ thuật, là sản phẩm “tư duy thị giác”, nó có đối
tượng, qui trình sáng tạo và qui luật phát triển riêng. Việc xây dựng các
“chiến lược diễn dịch” làm nền tảng cho công việc phê bình và truyền
thông, kể cả cho việc hoạch định chính sách…, không thể chỉ căn cứ
trên các đường lối văn hóa văn nghệ chung chung, không thể dựa hơi,
vay mượn các lý thuyết văn học -như vẫn hay làm- mà phải căn cứ trên
các lý thuyết của chính nó-không ngừng được cập nhật và thường
xuyên tự phủ định. Sự bất cập trong chính sách và sự chậm phát triển
của mỹ thuật Việt Nam cho đến nay, cơ bản, có nguyên do từ sự bất
cập này. Cho đến nay, hầu như không có lý thuyết phê bình mỹ thuật
nào có mặt. Tất cả, hoặc chỉ dựa vào cảm tính (thực chất là dựa vào
những mảnh vụn còn lại trong hệ mỹ học cũ xì tiếp thu từ thời Pháp
thuộc) hay chỉ dựa vào một số nguyên tắc, một số luận điểm vơ vội từ
một số ý kiến lụn vụn từ các họa sĩ, hay từ các nhà phê bình thực hành
ngoại quốc đăng tải trên tạp chí này, đặc san nọ v.v… Không có lý
thuyết cơ bản, người ta sẽ không biết thế nào là cái mã văn hóa hay cái
mã phong cách trong nghệ thuật tạo hình. Do đó, mọi phát ngôn về
“bản sắc”, về “tính dân tộc”, thậm chí cả vấn đề “tính hiện thực” này nọ
trong nghệ thuật tạo hình đều trở thành lảm nhảm vô tích sự. Việc qui
hoạch hệ thống tượng đài quá nghiêng trọng các vấn đề nội dung tư

tưởng và những bất cập trong việc xây dựng các thiết chế cần thiết
nhằm phát triển ngành thủ công mỹ nghệ và các lãnh vực mỹ thuật ứng
dụng v.v… là sản phẩm của sự mơ hồ hay sai lầm trong cái tạm gọi là
“chiến lược diễn giải” này.

*


Từ cả ba vấn đề “không thể không lưu ý” trên, chúng ta có thể đi đến
một kết luận chính: không nên tiếp tục những khẩu khí quyền uy, mang
nặng tính mệnh lệnh trong sinh hoạt nghệ thuật. Thay vào đó, chúng ta
nên ra sức tìm hiểu và thảo luận với nhau về những vấn đề căn bản nhất
để thay đổi cách nhìn về nghệ thuật. Không có cách nhìn mới, ngay cả
một câu khẩu hiệu ngắn và đơn giản nhất cũng sai và thành nguy hiểm.


Saigon 12.07.2005

Bài kỳ tới: Sáng tác trong bối cảnh “văn hóa làng”



×